Monday, 23 June 2014

Nỗi ám ảnh lớn nhất của mọi cầu thủ: Trọng tài và luật lệ FIFA - Văn Quang

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 23.6.2014
 
alt
 

alt
Pepe đã có pha phạm lỗi với Thomas Muller và tiếp tục to tiếng dẫn đến thẻ đỏ

 
Trong thời gian World Cup đang diễn ra, hàng ngày sự chú ý của người dân đều hướng về phía quả bóng đang lăn trên các sân cỏ. Do đó, trong bài này, tôi tường thuật tiếp với bạn đọc về những “biến động” của World Cup năm nay.

Trong World Cup này, đến hôm nay tất cả 32 đội bóng trong 8 bảng đều đã có màn trình diện trước khán giả khắp hành tinh. Có những đội đã cầm chắc chiếc vé bước vào vòng đấu loại trực tiếp. Có những đội 2 lần trắng tay, phải về nước sớm.

Đáng chú ý nhất là đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha với hai trận thua tan nát không ai dự đoán nổi. Họ đang ở đỉnh cao nhất, bỗng tụt xuống bờ dốc bên kia, nhưng Tây Ban Nha đã tụt xuống quá nhanh như...nhảy dù!

Và cũng rất đáng tiếc đội Anh đã bị Uraguay dồn vào cửa tử, chỉ có phép mầu mới cứu được đội Anh không xách va li về nước sớm.

Còn đội Nhật Bản đã không vượt qua được Hy Lạp (hòa 0-0) ở lượt trận thứ hai bảng C, đưa họ vào thế chuẩn bị từ giã VCK World Cup 2014. Xem ra Á châu chỉ còn hy vọng vào đội Nam Hàn.

Từ đó nhiều nhà bình luận và tín đồ túc cầu thế giới đã có thể nhìn thấy tài năng, triển vọng của những đội bóng có thể lọt vào vòng trong và xa hơn có thể tiến tới trận bán kết hay chức vô địch thế giới. Chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ nữa trong những ngày sắp tới.

 
alt
Trọng tài một vấn nạn của bóng đá

Nhưng có một thực tế là trọng tài đã trở nên vấn đề lớn nhất trong hầu hết các trận đấu, luật lệ của FIFA đã có 2 cải tiến:

1. Áp dụng công nghệ tạm gọi “vạch vôi -khung thành” để xác định bàn thắng. Đó là hệ thống GoalControl-4D của Công ty Đức GoalControl gồm 14 máy quay bố trí vòng quanh sân, tập trung theo dõi khu vực khung thành (hay còn gọi là cầu môn).

Khi bóng vào khu vực này, các camera dò theo chuyển động của bóng đến từng milimet. Khi bóng vượt qua vạch vôi khung thành, một tín hiệu radio mã hóa gửi ngay đến đồng hồ thông minh đeo trên tay trọng tài báo hiệu “đã thành bàn thắng” và tất cả diễn ra chỉ trong chưa tới một giây.
 
Công nghệ này đã giúp trọng tài có quyết định chính xác tránh được những cuộc cãi vã vô ích và nhất là làm sai lệch hoàn toàn kết quả trận đấu. Tuyển Pháp là đội đầu tiên hưởng lợi từ công nghệ này ở lượt trận ngày 16-6 gặp Honduras. Pha dứt điểm của tiền đạo Benzema đập cột dọc rồi bật tay thủ môn Valladares (Honduras) bay vào lưới.

2. Dùng bình xịt tự tan biến để tạo hàng rào khi đá phạt. Trọng tài khỏi mất công cứ đẩy qua đẩy lại mấy anh cầu thủ cứng đầu.

Nhưng thật ra vẫn chỉ là vài thay đổi nhỏ, vẫn chưa đáp ứng đúng lòng mong muốn của hàng tỉ khán giả trên khắp hành tinh để cuộc chơi được công bằng hơn. Tại ai? Dĩ nhiên là tại những người làm ra luật lệ chơi bóng đá. Sự cổ hủ hay tính quan liêu của các ông ngồi chót vót trên cao của FIFA đã tạo nên những sự vô lý này? Chúng ta biết một Tổng Thống hay một nhà Vua chỉ cai trị một đất nước, còn ông FIFA cai trị toàn thế giới, đi đến đâu cũng được đón tiếp long trọng và lệnh của các ngài ban ra là cả thế giới phải thi hành, lơ mơ là phạt “trắng máu.”

Như thế FIFA chính là VUA CỦA CÁC VỊ VUA.

Nhưng như thế thì càng phải nghiêm minh hơn, nhìn xa trông rộng hơn, phải điều hành cho mọi cuộc chơi trở nên thú vị, trong sạch, thanh cao hơn làm đẹp con người. Cần phải giải quyết ngay những điều có thể gây ra gian lận trong cuộc chơi, đó là đời sống bóng đá. Mỗi sự lầm lẫn của trọng tài, mỗi hành động có vẻ thiên vị của các ông vua sân cỏ đều làm nên những ấm ức của cầu thủ. Sự ức chế tâm lý cầu thủ trẻ khiến họ khó kiềm chế được nên mới nẩy sinh những cú chơi ác, chơi xấu, vượt ra ngoài ý thức bình thường của họ. Nó quyết định một phần không nhỏ đến kết quả của trận đấu đỉnh cao. Nó phá hỏng sự hứng khởi của khán giả. Còn gì bực bội hơn đang xem một trận đấu hay mà bị trọng tài phạt một thẻ đỏ vô lý, phạt một quả penalty trời ơi, phá hỏng cả trận đấu. Và còn nhiều nữa những lỗi lầm của trọng tài không thể kể hết.

 
alt
Trọng tài Nishimura bị phản ứng dữ dội vì cho Brazil được hưởng phạt đền trong trận khai mạc W. Cup 2014
Không thể chấp nhận sự cổ hủ và độc tài

Nhiều ông bào chữa, cho rằng “đó là một phần của bóng đá, làm nên sự bất ngờ và có thể là sự hào hứng của bóng đá, chúng ta phải chấp nhận thôi.” Nói như thế là phản lại tinh thần thể thao cao thượng. Vậy là chúng ta phải chấp nhận cả chuyện mua bán độ sao? Hoàn toàn đồng ý rằng trọng tài cũng chỉ là con người vẫn có thể mắc sai lầm. Nhưng đã có khoa học kỹ thuật giúp cho con người tránh được những sai sót ấy, tránh được càng nhiều càng tốt, tại sao không áp dụng?

Nhìn ngay môn quần vợt, họ đã có camera và mắt diều hâu chiếu lại từng pha bóng khiến cầu thủ “tâm phục khẩu phục,” khán giả cũng hài lòng. Ngay cả khi trọng tài đã quyết định cũng vẫn có thể thay đổi. Vậy tại sao bóng đá không chịu học cái hay của môn tennis. Lại viện cớ rằng nếu phải chiếu lại từng pha bóng đá sẽ mất rất nhiều thì giờ. Nói như thế là hoàn toàn ngụy biện.

Chúng ta thấy mỗi lần có pha bóng quá nhanh hoặc cầu thủ gặp chấn thương, trận đấu còn dừng lại nhiều hơn, lâu hơn và chưa kể đến lối ăn vạ của các cầu thủ hoặc điển hình như Maradona với bàn tay bẩn thỉu đưa bóng vào lưới mà ông ta gọi là “bàn tay của Chúa” khiến cả thế giới phẫn nộ mà đành chịu thua. Thua Maradona hay thua FIFA? Bây giờ dân Anh còn đau, còn căm ghét “thiên tài” này là vì thế.
 
alt
Muller (Đức) đang dẫn đầu danh sách ghi bàn với 3 lần lập công

Hơn nữa, chỉ những pha cần thiết mới cần đến kỹ thuật quay chậm giúp trọng tài quyết định chính xác và trận đấu bóng đá còn những phút bù giờ. Có thêm vài ba phút để đổi lấy sự công minh chính trực là điều “phải làm” chứ không phải chỉ là “nên làm.” Tại sao FIFA không làm? Đó là một điều hết sức khó hiểu của các vị vua trên tất cả các vua. Họ muốn chứng tỏ uy quyền “bất khả xâm phạm” hay họ già cả lỗi thời rồi? Bạn hãy hình dung có vài ông già lụ khụ chống gậy đi giữa đại lộ nườm nượp xe cộ làm nghẽn tắc giao thông, làm xáo trộn con đường của cả xã hội đang hoạt động sôi nổi.

Làm sao chấp nhận được trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay có những con người của những thế hệ đã quá già, quá cũ cầm cương nẩy mực cho những ngày hội tưng bừng nhất hành tinh này?! Đây là chưa nói đến vụ bê bối của FIFA. Tờ Sunday Times của Anh tiết lộ ông Bin Hammam từng dùng 3.7 triệu euro để hối lộ các quan chức FIFA để trao quyền tổ chức World Cup năm 2022 cho Qatar, vụ này còn đang được điều tra.

Trong nhiều bài viết về các trận đấu World Cup và Euro những năm trước, chúng tôi (kể cả anh Hà Xuân Du và Hoàng Thi Thao) đã từng nêu lên những điều FIFA cần thay đổi. Năm nay họ có thay chút xíu nhưng điểm mấu chốt chính vẫn chưa chịu thay. Vì vậy đã gây nên nhiều dư luận bất bình còn hơn cả những kỳ World Cup trước nữa.

 
alt
Cầu thủ Freid tự ngã, dẫn đến quả penalty trận Brazil - Croatia.
 
 
Dưới đây mời bạn đọc những nhận định của sau đây để thấy cái “tệ nạn trọng tài" là như thế nào!
 
Người Nhật nói gì về trọng tài của chính nước họ?

Giới truyền thông và các mạng xã hội đang lên cơn sốt “sỉ vả” vua sân cỏ Yuichi Nishimura trong trận khai mạc Brazil - Croatia.

Dân Nhật vốn trầm tính và hiền lành, thế mà họ dùng những từ khó nói nhất và xúc phạm nhất để phê phán trọng tài của mình, đặc biệt trong trận cho Brazil hưởng quả phạt đền.

 
alt
     Trọng tài Wilmar Roldan đã có những quyết định bị đặt dấu hỏi trong trận Mexico và Cameroon

Báo Nhật mô tả là hàng triệu fan hâm mộ Nhật đã ra đường la hét vì quyết định quá sai lầm của trọng tài Yuichi. Họ còn nói những lời rất xúc phạm như “Yuichi đã khoác lên người chiếc áo đội tuyển Brazil”.

Ngay cả ngôi sao giải trí khắp các quốc gia đang cởi đồ, chụp ảnh, hát các bài ca chúc chiến thắng với đội tuyển nước mình, thì Utada Hikaru - một trong những nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất châu Á - viết trên mạng: “Tôi hy vọng người Croatia sẽ không có ác cảm với dân Nhật Bản sau quyết định của trọng tài Nishimura.” Chính CĐV Nhật cũng đang thấy xấu hổ vì trọng tài nước mình tại VCK World Cup.

Một fan có nick ShinoKC viết: “Từng tự hào về Yuichi khi được giao cầm còi trận khai mạc bao nhiêu thì sau 90 phút người Nhật chúng tôi ê chề về ông ấy bấy nhiêu. Thay mặt dân Nhật tôi xin lỗi toàn đội Croatia và người hâm mộ nước này.”

Fan Tonbuhin viết trên Twiiter: “Oh! Brazil. Nếu Brazil vô địch thì 'cầu thủ Yuichi' được bầu chọn là 'Cầu thủ xuất sắc nhất giải.' ”

alt
Vạch vôi trắng mới được áp dụng tại World Cup 2014

Còn fan FootballFunny thì... bầu chọn cho trọng tài Yuichi là “cầu thủ hay nhất trận.

FIFA có nghe, có đọc những lời lẽ mỉa mai đau đớn này không? Nếu là người có lòng tự trọng chắc phải biết xấu hổ. Ôi những ông thánh sống FIFA hãy thay đổi đi, nếu không muốn bị dư luận lên án cay độc nhiều hơn nữa. Hãy nhìn ngay trong kỳ World Cup này, những gì đã xảy ra về cái tệ nạn này.
 
Vết nhơ của kỳ World Cup sôi động
 
World Cup 2014 chưa đi hết lượt đầu vòng bảng nhưng các trọng tài đẳng cấp FIFA đã có tới bốn trận bị chỉ trích dữ dội.

Có lẽ không cần nhắc lại trận mở màn, trọng tài Nhật Bản Yuichi Nishimura sai khi cho Brazil được hưởng phạt đền để nâng tỷ số lên 2-1. Tiền đạo Fred ngã trong cấm địa nhưng đó là một pha diễn kịch rất lộ. Đa số các trọng tài quốc tế và Việt Nam khi được hỏi đều cho rằng: “Thổi phạt đền với Croatia là quá nặng.” Brazil kết thúc trận ra quân bằng thắng lợi 3-1, nhưng Croatia mới là đội mở tỷ số và đang duy trì được thế trận phòng ngự phản công tốt lúc tỷ số còn là 1-1.

Ở trận đấu thứ hai, Mexico đánh bại Cameroon với tỷ số 1-0, hàng loạt tờ báo lớn quốc tế đăng tiêu đề “Mexico chiến thắng trọng tài.” Đội bóng Bắc Mỹ lẽ ra đã có chiến thắng ấn tượng hơn, nếu trọng tài người Colombia, Wilmar Roldan, không từ chối hai pha ghi bàn lẽ ra hợp lệ. Theo giới chuyên môn, vị trọng tài này đã tưởng tượng ra hai trường hợp việt vị. Việt vị hay không xưa nay vẫn là một lỗi rất khó quan sát và rất nhiều cầu thủ bị phạt oan, nếu không họ đã ghi được bàn thắng hoặc bàn thắng bị từ chối vì lỗi việt vị trong tưởng tượng.

Sau trận thua tan nát 0-4 trước Đức tối 16-6, các cầu thủ và ban huấn luyện Bồ Đào Nha đều chỉ trích trọng tài người Serbia, Milorad Mazic, đã chống lại họ bằng những quyết định thiên vị: phạt thẻ đỏ trung vệ Pepe cuối hiệp một, và từ chối quả phạt đền ở hiệp hai. Đức xứng đáng thắng khi kiểm soát thế trận và vượt lên dẫn 2-0. Nhưng việc thiếu người đẩy Bồ Đào Nha vào thế vỡ trận. Ronaldo cũng chỉ méo mặt đứng nhìn.

Tiền đạo Diego Costa cũng đã ngã rất khéo trong pha tranh chấp với hậu vệ Hòa Lan Stefan de Vrij giữa hiệp một, nhưng trọng tài Ý Niccola Rizzoli vẫn thổi phạt đền và Tây Ban Nha mở tỷ số trong trận thua thảm 1-5 ngày ra quân.

Ngay cả các trọng tài hàng đầu của Anh như Graham Poll hay Howard Webb cũng từng mắc sai lầm lớn ở World Cup 2006 và chung kết World Cup 2010. Mới đây trọng tài của Serie A Nicola Rizzoli cũng sai khi cho Tây Ban Nha hưởng phạt đền trận gặp Hòa Lan.
alt
   Nữ diva Utada Hikaru lên tiếng xin lỗi khán giả Croatia vì trọng tài Nhật sai lầm trong trận Brazil-Croatia.
 
Hầu hết trọng tài không cố tình thiên vị mà chỉ vì ‘gà mờ’
 
Truyền thông quốc tế không cho rằng các trọng tài cố tình điều khiển thiên vị, nhưng quy lỗi FIFA trong công tác tuyển lựa trọng tài. Những người được lựa chọn đều phải đạt chuẩn FIFA, sau khi trải qua các khóa huấn luyện của tổ chức này. Các trọng tài được chọn cho World Cup là những người có chuyên môn tốt, thậm chí là tốt nhất ở những giải đấu mà họ từng tham gia điều khiển trước đó.

Tuy nhiên FIFA không triệu tập theo tiêu chuẩn sàng lọc để có được những trọng tài giỏi nhất thế giới. FIFA lựa trọng tài theo định mức đối với từng khu vực bóng đá khác nhau trên toàn cầu, UEFA (châu Âu), AFC (châu Á), CONCACAF (Bắc, Trung Mỹ và Caribe), Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương. Vì thế vẫn còn có những trọng tài mà chúng ta thường gọi là “gà mờ.”

Sau trận thua Brazil, các cầu thủ Croatia tố cáo trọng tài Yuichi Nishimura không nói với họ bằng tiếng Anh, chỉ dùng tiếng Nhật. Liên đoàn bóng đá Nhật thừa nhận không có yêu cầu về tiếng Anh đối với các trọng tài, nhưng cho rằng các khóa huấn luyện của FIFA dành cho các trọng tài đều được tiến hành với ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Anh. Nhưng trọng tài không thông thạo nên “mày nói mày nghe, tao nói tao nghe.” Ông nói gà, bà nói vịt nên càng phát sinh những hiểu lầm tai hại.

Không đặt nặng vấn đề trọng tài cố tình thiên vị vì bị mua chuộc hay vì tình cảm riêng tư, hãy cứ nghĩ là trọng tài mắc sai lầm không cố ý. Con mắt diều hâu của camera sẽ giúp ông ta nhận biết chính xác ngay lập tức. Thử vào sân tennis xem dù trọng tài có cố tình thiên vị có được không?

Ngoài ra còn vấn đề lương tâm của người cầm còi, đôi khi chỉ vì “ghét” một cầu thủ nào đó vì tính hay cãi vã, vì bản chất ngang ngạnh, vì nhìn xéo vua sân cỏ một cách láo xược... nên cố tình rình bắt lỗi của anh ta, từ lỗi bé xé ra to. Đó lại là lương tâm của trọng tài, không máy móc nào khám phá ra được. Cho nên vấn đề trọng tài đã, đang và sẽ còn làm nhiều trận đấu đỉnh cao có những vết nhơ không thể rửa sạch. Mong sao sớm có sự cải tiến then chốt này.

Đến đây mời bạn đọc nhận định của anh Hà Nguyên Phổ về vài trận đấu đáng chú ý trong tuần vừa qua.
 
Tản mạn của Hà Nguyên Phổ
 
Như vậy là W.C. 2014 đã bước sang tuần lễ thứ hai rồi. Cho đến bây giờ, không thấy một đội nào sáng giá, hy vọng đoạt giải. Ba Tây, được dân cá cược sắp hạng đầu, 1 ăn 3, đã chơi hai trận tầm thường, rời rạc, không bay bướm của vũ điệu Samba, không thấy đâu “futebol arte- nghệ thuật đá bóng,” hay “jogo bonito-trò chơi đẹp.”

Ba Tây chỉ dựa trên tài nghệ của Neymar, mà Neymar chỉ là con chim én nhỏ, không có “phụ tá giao duyên.” Những Fred, Jo, Hulk chỉ là những bóng mờ, xách xe không, cho đời mỏi mệt. Neymar mang trên đôi vai nhỏ bé của một chàng trai 22 tuổi, mang cả niềm tin cậy của trên 100 triệu dân Ba Tây.

Ba Tây chỉ vững chắc với hai trung ứng Silva và Luiz, nhưng hai hậu vệ cánh Marcelo và D. Alves đã bắt đầu già, lên công mà về thủ không kịp.Và điểm yếu của Ba Tây là hàng trung ứng: Paulinho, Gustavo, Ramires tầm thường, chỉ có một mình Oscar là hay, mà lại bị đẩy ra cánh trái nên không phải là đất dụng võ của chàng.
 
Ngày tàn của một thế hệ (the end of an era)
 
Thôi còn đâu thời kỳ vàng son của “tiki-taka”, thế hệ của những Casillas, Pique, Ramos, Xavi. Iniesta... của một Spain đương kim vô địch thế giới và Âu Châu, một Spain đứng đầu sắp hạng FIFA trong 5 năm liền, không còn nữa. Còn đâu em ơi, còn đâu ánh trăng vàng, còn đâu chiếc cúp vàng... Rimet.

Thua đậm Hòa Lan 1-5, trận thứ hai lại bị Chile cho về vườn, như cái mền rách. Tại sao? Tại vì ta “không còn trẻ như năm trước,” cho nên Casillas thì quờ quạng, ra vô không quyết đoán, Ramos chạy đua tranh bóng còn thua cả Robben (Hòa Lan) và Alexis (Chili, Barca), Pique thì bị cái máy “phá gân” Shaquira; Xavi, Iniesta thì cố níu lấy con, chỉ là những cái bóng mờ.
 
Anh hùng và tội đồ

Anh hùng là thủ môn Ochoa của Mexico, đã cứu 5 đường bóng thua thấy rõ, nên Mexico mới cầm chân Brazil.

Và tội đồ là thủ môn Akinfêev của Nga, thay vì mua keo để thoa vào tay lại mua sản phẩm của “đồng chí Trung Quốc” đã bán đồ dởm, thay vì bán keo lại trao dầu mỡ. Phe ta hại mình !!!
 
Chuyện bên lề WC 2014

Hình như “người” kế vị chàng bạch tuộc Paul là con rùa ở Rio, tên là “Big Head/ Đầu bự,” là nhà tiên tri của WC 2014.

Thiếu vắng tiếng kèn Vuvuzela của Nam Phi, thiếu vắng tiếng gào “go... go...al” dài hơi của anh chàng Mễ Albert Cantor mỗi khi có bàn thắng.

Hai chuyện mới là “goal line technology/kỹ thuật ở lằn gôn” để giúp trọng tài bớt quờ quạng, bớt quyết định sai lầm; và rải bột để phân chia ranh giới hàng thủ, không có lạng quạng xâm chiếm lãnh thổ như mấy anh Ba Tàu.

Chuyện cầu thủ

Hiện đang dẫn đầu vua phá lưới là Muller (Đức), Robben và Van Persie(Hòa Lan):3 trái

Những cầu thủ mầm non sáng giá: James (Colombia), Oscar (Brazil), Dos Santos(Mexico), Sterling (Anh, 19 tuổi).

Những thủ môn hay: Ochoa(Mexico), Nuer(Đức).

Đội nào hy vọng

Đức (phải chờ xem những trận sắp tới), Hòa Lan (nếu chỉnh đốn lại hàng thủ), Ba Tây (dầu sao thì cũng còn có thiên thời, địa lợi, nhân hòa, và Neymar), Argentina, Pháp, Ý (phải chờ xem những trận sắp tới.) Belgium, Colombia có thể đi sâu vào vòng trong.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là năm nay, không có một đội nào “trên chân,” không có một “clear cut favorite,” cho nên, ta xem mới khoái, mới đã. (Hà Nguyên Phổ, 18 tháng Sáu, 2014)

Thế là tuần này tôi vẫn chưa thể tiếp tục chuyện thời sự ở VN bởi World Cup còn sôi động, còn nhiều cảm hứng quá. Xin khất bạn đọc đến kỳ sau vậy.

Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~