Saturday 28 June 2014

Đỗ Thị Minh Hạnh được tự do: Niềm vui và những bước kế tiếp

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 27 tháng 6, 2014
Mọi người quan tâm chắc chắn đều vui mừng khi được tin Đỗ Thị Minh Hạnh, người con gái nhỏ bé với trái tim và lá gan rất to, vừa ra khỏi nhà tù để trở về với gia đình. Không phải chỉ có chúng ta vui mừng. Các vị dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ pháp lý và quyền lao động đều vui mừng khi được chúng tôi báo tin này.
Đây là thành quả của công cuộc quốc tế vận mang tính cách liên hoàn của nhiều nhóm, nhiều tổ chức, khởi đầu ở Hoa Kỳ, rồi đến Đức, Canada và Úc.
Đỗ Thị Minh Hạnh là một trong bốn hồ sơ “mức một” trong Chiến Dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam mà BPSOS phát động ngày 24 tháng 7, 2013. Các hồ sơ kia gồm có Ts. Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), và Tạ Phong Tần. Chiến dịch này gồm ba mức. Mức một là mức mà chúng tôi thúc đẩy mạnh nhất. Mức hai gồm t ất cả các hồ sơ tù nhân lương tâm còn lại mà đã được quốc tế phối kiểm. Mức ba là những hồ sơ có tên nhưng chưa được phối kiểm. Như vậy là chiến dịch này đến nay đã đạt được 50% của mức một nhưng mới chỉ 5% của mức hai.
Đòi tự do cho tù nhân lương tâm là một trong nhiều trọng tâm quốc tế vận mà chúng tôi đang thực hiện song song. Trọng tâm là áp lực chính quyền Việt Nam xoá bỏ các công cụ đàn áp và khống chế người dân, như là các nghị định kiểm soát internet và hoạt động tôn giáo, các điều phản nhân quy ền trong Bộ Luật Hình Sự, và các hình thức tra tấn và bạo hành của công an.
Bà Trần Thị Ngọc Minh điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, 16/01/2014 (ảnh NQK)

Xem video của buổi điều trần: http://tlhrc.house.gov/media.asp?type=video&id=162

Trọng tâm thứ ba là tạo tiếng nói cho các nhà đấu tranh có tầm vóc và bản lĩnh ở trong nước với Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với các cơ quan Liên Hiệp Quốc và với các tổ chức nhân quyền quốc tế; đồng thời hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự chân chính ở trong nước phát triển nội lực và thế quốc tế.
Trong giai đoạn này, phương tiện hàng đầu cho cả 3 trọng tâm kể trên là cuộc thương thảo Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đang rất cần TPP để cứu vãn nền kinh tế có thể suy sụp.
Hồ sơ của Đỗ Thị Minh Hạnh cùng 2 ngư ời bạn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương đã được gắn liền với TPP qua yếu tố quyền lao động, nút chặn làm khựng lại triển vọng cho Việt Nam tham gia TPP.
Trong bối cảnh ấy, việc Đỗ Thị Minh Hạnh được tự do mới đây không bất ngờ nhưng vẫn đầy phấn khởi cho tất cả chúng ta, vì ai cũng thương mến người con gái với trái tim và lá gan thật to ấy, và vì rõ ràng hoạt động có kế hoạch, có mục tiêu thì tăng triển vọng có thành quả.
Liệu việc trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh có giúp cho Việt Nam vượt qua nút chặn TPP?
Chắc chắn là không. Điều kiện dứt khoát mà chúng tôi đưa ra, và được hậu thuẫn bởi nhiều tổ chức nhân quyền, công đoàn lao động và vị dân cử Hoa Kỳ là: Viêt Nam phải tuyệt đối tôn trọng quyền thành lập và tham gia nghiệp đoàn tự do và độc lập, khởi sự với việc trả tự do cho những người đi tù vì hành xử quyền đó. Do đó việc Trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh là cần thiết nhưng không đủ. Trả tự do cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương cũng là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ.
Hôm nay tôi liên lạc các tổ chức nhân quyền, công đoàn và dân cử Hoa Kỳ để báo tin mừng về Đỗ Thị Minh Hạnh và nhắc nhở họ điều trên. Họ chia sẻ cùng quan đIểm. Nút chặn quyền lao động sẽ không suy suyển; chúng ta có thể an tâm dốc sức cài thêm những nút chặn mới. Một trong những nút chặn đó là tự do tôn giáo.
Nếu cuộc điều trần ngày 16 tháng 1 vừa rồi tại Quốc Hội Hoa Kỳ của Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh, mở ra mũi nhọn quyền lao động để rồi trở thành nút chặn TPP, thì buổi điều trần ngày 26 tháng 3 tại Quốc Hội liền sau đó của LM Phan Văn Lợi và nữ Chánh Trị Sự Cao Đài Nguyễn Thị Bạch Phụng mở ra mũi nhọn quyền tự do tôn giáo. Một mục tiêu của cuộc tổng vận động ngày 16 tháng 7 tới đây ở Quốc Hội Hoa Kỳ là biến nó thành nút chặn thứ hai đối với TPP cho Việt Nam.
Càng tăng số nút chặn, triển vọng cho Việt Nam tham gia TPP càng mong manh. Cách duy nhất để tháo các nút chặn là chính quyền Việt Nam thực tâm cải thiện nhân quyền một cách căn bản  và không thể quay lui.
Ghi Chú: Xin ghi danh tham gia ngày tổng vận động 16 tháng 7 tại:http://events.constantcontact.com/register/event?llr=rrd6eedab&oeidk=a07e9d1lmx99cba75dehay email cho cô Bùi Thảo Nhi: ntb9388@yahoo.com, hay gọi điện thoại cho cô Kim Cúc: 703-538-2190.

Bài liên quan: 
Lộ Trình Đòi Trả Tự Do Cho Các Tù Nhân Lương Tâm
16 tháng 7: Cuộc Tổng Vận Động Chót Cho Năm Nay
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2880

Tin chính thức: Đỗ Thị Minh Hạnh đã về đến nhà

Danlambao - Lúc 18 giờ tối nay, 28/6/2014, Đỗ Thị Minh Hạnh đã về đến nhà ba mẹ ruột cô tại địa chỉ 11 Bis, Nguyễn Thị Minh Khai, tổ 4, khu 5, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Được biết, công an trại giam áp giải Hạnh từ nhà tù Thanh Xuân (Hà Nội) từ đêm hôm 26/6. Sau 2 ngày 2 đêm, xe công an chở Hạnh về đến Lâm Đồng vào tối ngày 28/6. Tại nhà, phía công an lập biên bản yêu cầu gia đình xác nhận rằng Đỗ Thị Minh Hạnh vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên gia đình cô đã từ chối ký tên vào biên bản này.

Đỗ Thị Minh Hạnh sức khỏe yếu và khá mệt sau quãng đường dài. Tuy nhiên, giọng nói cô vẫn đầy lạc quan và vui vẻ.

Trao đổi với Danlambao, ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch Liên Đoàn Lao Động Việt nói: "Tất cả anh em trong Lao Động Việt đều rất vui mừng trước thông tin Đỗ Thị Minh Hạnh ra tù. Hiện nay, phong trào đấu tranh tại Việt Nam có nhiều biến động, đây cũng là cơ hội để Hạnh có thêm nhiều sự đóng góp và cống hiến cho phong trào".

"Cùng với nỗ lực bảo vệ quyền lợi người lao động tại Việt Nam, Liên Đoàn Lao Động Việt Tự do sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh đòi trả tự do vô điều kiện cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và tất cả các tù nhân lương tâm tại Việt Nam", ông Trần Ngọc Thành nhấn mạnh. 


Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Đỗ Thị Minh Hạnh ra tù: Vừa mừng vừa lo!

Trọng (Danlambao) - Ngày bị bắt, Đỗ Thị Minh Hạnh chưa đầy 25 tuổi. Đến hôm nay, sau 4 năm 4 tháng tù đày, Hạnh đã bước sang tuổi 29. Tuổi xuân tươi đẹp nhất của Hạnh bị dày xéo nơi ngục tù cộng sản. Trong hoàn cảnh tối tăm xiềng xích, cô vẫn tiếp tục đấu tranh bằng một tinh thần kiên cường và bất khuất. 

Hậu quả là Hạnh liên tục gánh chịu sự trả thù của công an trại giam qua các thủ đoạn tra tấn và hành hạ nghiệt ngã. Có lần, Hạnh bị đánh bằng còng số 8 trong tình trạng lõa thể tại trại giam Z30A, Đồng Nai.

Có tin nói rằng Hạnh đã ra tù và xe trại giam đang áp giải Hạnh về nhà ba mẹ ở Di Linh. Không rõ thực hư thế nào, nhưng nếu thật thì vừa đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo. 

Chế độ lao tù cộng sản có chủ trương hủy hoại cả về sức khỏe lẫn tinh thần đối với những tù nhân lương tâm. Sau hơn 4 năm trải qua nhiều trại giam từ Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai cho đến Hà Nội, sức khỏe Đỗ Thị Minh Hạnh trở nên suy kiệt, ngực trái teo cứng và có dấu hiệu ung thư.

Mừng cho Đỗ Thị Minh Hạnh vì cô được về với gia đình, nhưng không nên quá vui mà quên đi sự thật: Hành động thả tù nhân chính trị chỉ được mang ra áp dụng khi sức khỏe người tù đó đã hết sức nguy kịch.

Cái chết đầy thương tâm của thầy giáo Đinh Đăng Định vì ung thư giai đoạn cuối là bằng chứng cho thấy những thủ đoạn tàn ác của chế độ lao tù cộng sản.

Thả tù chính trị tức là trả về cho gia đình, nhà tù không chịu trách nhiệm. Thế nhưng, cái chết của người tù thế kỷ Trương Văn Sương thì cay đắng và nghiệt ngã hơn. Khi ông Sương vừa hồi phục được một phần sức khỏe thì lập tức bị công an bắt quay về lại trại giam với lý do hết thời hạn hoãn thì hành án 12 tháng. Tại trại giam Nam Hà, người chiến sĩ phục quốc Trương Văn Sương qua đời 25 ngày sau đó.

Những sự kiện trên khiến bà Trần Ngọc Minh rơi vào một tâm trạng nhiều cảm xúc hỗn độn và ngổn ngang: vui mừng, lo lắng, bồn chồn và hoảng sợ... Bà mẹ thương con nói trong nghẹn ngào: "Chỉ dám vui khi thấy Hạnh bằng sương bằng thịt bước chân vào nhà. Sau đó gia đình sẽ cố gắng đưa em đi khám trong thời gian sớm nhất". 

Đối với Hạnh, những ngày sắp tới sẽ vẫn là những cuộc đấu tranh đầy chông gai và thử thách. Nhưng trước hết, chống chọi với bệnh tật là cuộc đấu tranh quan trọng nhất. 

Những việc làm của Đỗ Thị Minh Hạnh dứt khoát không thể bị cọi là 'tội'. Chế độ cộng sản Việt Nam chính là thủ phạm chịu trách nhiệm cho thời gian 4 năm 4 tháng tù đày nghiệt ngã cùng những tổn thương về tinh thần và sức khỏe mà Hạnh đang phải gánh chịu. 

Hơn nữa, những người bạn của Hạnh là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và các tù nhân lương tâm khác vẫn đang còn bị cầm tù, cuộc đấu tranh của Hạnh sẽ vẫn luôn tiếp tục.

Và chắc chắn, cuộc đấu tranh của Hạnh cũng chính là cuộc đấu tranh của Chúng Ta!


Đỗ Thị Minh Hạnh: Anh thư nước Việt.

Nguyễn Bắc Truyển (Danlambao) - Thời thế tạo Anh hùng hay Anh hùng tạo thời thế.  

Khoảng giữa năm 2006, qua những người bạn có cùng sở thích đi du lịch, tôi được biết một bạn gái trẻ, phải nói là rất trẻ, cô gái này cũng thích được đi khắp nơi để chiêm ngưỡng non sơn gấm vóc vẽ đẹp hùng vỹ của Việt Nam. Cô là một sinh viên, tuổi còn ăn học nên khi thấy tôi và các bạn ngao du sơn thủy vào dịp cuối tuần, cô rất là hâm mộ, nhưng chuyện học hành đã không cho phép cô du hành cùng với chúng tôi.

Một ngày, cô đến thăm tôi tại văn phòng làm việc, tôi cho cô xem những hình ảnh mà tôi chụp được trong những chuyến đi, cô rất thích. Lần thứ hai, cô đến gặp tôi để hỏi kinh nghiệm về chuyện học trong nhà trường và thực tế trong cuộc sống. Trong lúc trò chuyện tôi cảm nhận cô gái này suy nghĩ già hơn cái tuổi đôi mươi của cô. Cô nói về ước mơ, về xã hội và cả lĩnh vực cấm kỵ lúc đó là chính trị. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của cô dành cho đất nước và người dân Việt, đặc biệt là người nông dân. Như có bạn đồng hành, tôi và cô nói chuyện từ trưa cho đến lúc chia tay cũng hơn 7 giờ tối, tôi mời cô đi ăn tối nhưng cô từ chối vì đã có hẹn với bạn. Từ đó, tôi không còn dịp gặp lại cô.

Tháng 5/2010, tôi rời phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc về nhà. Sau 3 năm 6 tháng tù, cái tin Chương Hùng Hạnh bị bắt lọt thỏm trong đống tin tức phải đọc. Như được sự sắp đặt, tôi chọn sự quan tâm đến các tù nhân chính trị vì một lý do đơn giản là vì mình đã từng ngồi tù. Tôi đọc lại các tin tức về tù nhân trên mạng truyền thông, tìm hiểu từng người xem mình có thể làm gì để giúp đỡ họ và gia đình. Và tôi đọc về Minh Hạnh, tôi không ngờ Minh Hạnh chính là cô gái trẻ năm xưa tôi đã từng biết. Tôi muốn bật ra khỏi ghế khi thấy hình Minh Hạnh trên Google. Bây giờ tôi mới hiểu: tại sao cô gái trẻ lại có suy nghĩ chính chắn và tâm hồn nhiệt huyết như vậy. Bằng tuổi như cô, tôi chỉ là một kẻ khù khờ, non nớt còn tin vào những điều hoang tưởng của một học thuyết mà ngày nay nhiều nước đã quăng vào sọt rác. Tôi đem chuyện này tâm sự với các bậc trượng thượng, có bậc chân tu nói: "cô ấy đã được chọn". Tôi nhớ lại, khi Mẹ tôi vào thăm, có nói một cô gái điện thoại đến nhà hỏi thăm, an ủi và động viên Mẹ tôi, tên là Hạnh, thật sự lúc đó tôi không nghĩ là Minh Hạnh.

Tôi muốn viết gì đó về Minh Hạnh, nhưng sợ rằng sẽ nguy hiểm cho Minh Hạnh vì còn đang trong giai đoạn điều tra. Sự liên quan đến tôi sẽ bất lợi cho Minh Hạnh, mặc dù tôi và Minh Hạnh biết nhau vì sở thích du lịch. Gần đây, một người tù đã liên hệ với tôi và cho tôi biết tin về Minh Hạnh. Người bạn tù cho biết, Minh Hạnh rất gầy, người đầy thương tích, lằn vết, chứng tích của sự ngược đãi. Nhưng tinh thần của Minh Hạnh thì rất tốt. Cô không hề nao núng trước những dọa nạt của bất kỳ thế lực nào, cô thương những bạn tù của mình, san sẻ tất cả những gì mình có cho bạn tù, ngay cả những người có trách nhiệm quan sát cô. Minh Hạnh đã lấy tình thương để cảm hóa con người. Tôi nhớ Minh Hạnh dáng người gầy, bây giờ chắc hẳn cô còn gầy hơn. Điều gì đã làm nên con người bản lĩnh từ một cô gái dịu dàng, nữ tính như Minh Hạnh?

Minh Hạnh chuyển đến phân trại 6 (phân trại này mới xây dựng và nằm sâu trong rừng) của trại giam Xuân Lộc vào tháng 5/2011, cô thường xuyên bị kêu đi làm việc. Những lời đối đáp của cô đã làm những người quản lý trại giam chắc phải khó xử lắm. Cô nói: :"Cán bộ không có người thân bị mất đất, nên cán bộ không hiểu được những nỗi lòng người dân oan bị mất đất", "Cán bộ không làm công nhân thì làm sao hiểu được nỗi khổ sở nhục nhã khi bị chửi mắng, đày đọa, bóc lột của người chủ", "Mất từng mãnh đất Việt Nam, tôi như mất từng miếng thịt da của mình"... Mẹ của Minh Hạnh cũng được trại giam mời đến để yêu cầu "hợp tác" trong việc "khuyên nhủ" Minh Hạnh chấp hành tốt để được khoan hồng. Nhưng cô nói thẳng: "tôi không xin khoan hồng". Kiểm điểm 3 tháng một lần, Minh Hạnh viết: "Tôi không có tội", ngắn gọn nhưng chắc có người "mệt" lắm, vì đối với họ: ai vào tù cũng là có tội.  

Có lẽ tôi phải gặp Mẹ của Minh Hạnh, để an ủi, động viên như Minh Hạnh đã từng làm với Mẹ tôi và tôi sẽ nói : "chị có người con gái rất đáng tự hào, một Anh thư nước Việt".  Minh Hạnh có thể chọn cho mình một cuộc sống nhẹ nhàng, an phận như bao người con gái khác, nhưng không chấp nhận sự ích kỷ đó, Minh Hạnh đã dấn thân vào con đường đầy chông gai để em ngày càng trưởng thành hơn, xác quyết hơn những gì em đã suy nghĩ, ưu tư và chọn lựa. Cô gái trẻ, 25 tuổi đã chấp nhận thanh thản với bản án 7 năm tù cho sự thể hiện lòng yêu nước của mình. Thời thế đã cho ta một anh hùng.

Có lẽ lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại Minh Hạnh. Nhưng tôi tin rằng dù ở một góc tối nào đó, tôi thấy em nở nụ cười qua đôi mắt, em vẫn giữ niềm tin đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ sáng lên trong một ngày gần đây. Niềm tin đó đã cho em một bản lĩnh phi thường, mạnh mẽ khi "dạo chơi" qua hàng loạt nhà tù. Tôi ước gì có thể tặng em một cành hoa lài, để hương thơm lan tỏa khắp nơi trong chốn ngục tù.

Sài gòn, 15/7/2011

Viết tặng Minh Hạnh nhân dịp Minh Hạnh được Tổ chức nhân quyền Việt Nam tại Oregon vinh danh (Đại hội liên mạng Kỳ 2, Vancouver, Canada). 


Chuyện của Hạnh

Vũ Đông Hà (danlambao) -  Lúc ấy, Hạnh 24 tuổi, tuổi của Cô Giang khi vị anh thư đầy khí phách của ngày Yên Bái tự kết liễu đời mình vào một buổi sáng mờ sương bên gốc cây Đề của làng Thổ Tang...
Hạnh sinh vào ngày 13 tháng 3 năm 1985 tại Di Linh, Lâm Đồng. Lớn lên ở vùng núi đồi cao nguyên Hạnh là người con hiếu thảo, một người bạn được mọi người quý mến và một học sinh giỏi. Là người sinh ra và lớn lên trong môi trường XHCN, Hạnh cũng như nhiều bạn bè học sinh trung học khác bị che khuất bởi màn đêm bưng bít thông tin và tuyên truyền một chiều của đảng và nhà nước. Cho đến khi về Sài Gòn, trong khuôn viên Đại học, Hạnh mới tiếp cận những luồng thông tin khác nhau, nhận thức được thực trạng của đất nước và tình trạng quyền làm người.
Nhận thức dẫn đến hành động. Hạnh đã chọn cho mình một con đường sống: sống một đời sống có ý nghĩa. Hạnh tham gia các sinh hoạt xã hội, nhân đạo giúp đỡ người nghèo khó. Con đường Hạnh chọn không chỉ dừng lại ở việc làm giảm bớt khổ đau cho một số người mà phải góp phần thay đổi hiện trạng của đất nước để dân tộc có thể theo kịp khuynh hướng của thời đại và cất cánh toàn diện. Trên con đường ấy, cô gái sinh viên 19 tuổi đã tìm đến gặp gỡ những công dân Việt Nam khác không cùng suy nghĩ với cách cai trị và nắm quyền của đảng và nhà nước đương thời.
Một năm sau, vào những ngày lập xuân, khi người người chào đón mùa xuân mới, Hạnh nếm mùi vị tết tù đầu tiên của một công dân nước CHXHCNVN. Công an Hà Nội đã bắt giữ trái phép Hạnh trong nhiều ngày. Không một lý do chính đáng. Không một luật lệ nào cấm hay nêu rõ Hạnh không được phép gặp công dân A hoặc công dân B của nước CHXHCNVN. Chỉ  tùy tiện bắt giam, thẩm vấn, tra hỏi và sau đó giam lỏng theo cái gọi là áp giải về địa phương để địa phương quản lý.
Mùa xuân ấy là mùa xuân năm 2005. Hạnh - Đỗ Thị Minh Hạnh vừa tròn 20 tuổi. 
Suốt chiều dài hơn 4000 năm, lịch sử VN thấp thoáng những anh thư mà câu chuyện của họ theo năm tháng đã trở thành những huyền thoại. Nhưng có lẽ nếu chứng kiến được từng ngày họ sống như thế nào chắc hẳn họ cũng bình dị như bao người. Hạnh cũng thế. Những ngày bị CA của đảng tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ, Hạnh chăm sóc gia đình như một con người con hiếu thảo. Khi sợi dây thòng lọng được nới rộng một chút, Hạnh về lại Sài Gòn để vừa đi học, vừa đi làm và... vừa giúp dân oan.
Dân Oan! Dưới thiên đường XHCN, nước Việt Nam có nhiều từ mới, đa dạng phong phú cũng có và tầm bậy cũng có. Nhưng không cụm từ nào oái ăm bằng Dân Oan khi nó được ra đời tại một đất nước mà khẩu hiệu đại trà là Nhân Dân Làm Chủ. Nó làm cho các "chiến sỹ" Công an Nhân dân phải léo lưỡi, ngọng miệng, ngượng nghịu khi lỡ mồm gọi nhân dân là Dân Oan. Những người dân oan khiên bị tập đoàn cán-bộ-đầy-tớ cấu kết với nhau để tiến hành đại chính sách lẫn đại kế hoạch ăn cướp với tên gọi mỹ miều "Giải Phóng Mặt Bằng". Họ đã tiếp tục sự nghiệp giải phóng và lần này đối tượng của dòng thác cách mạng là quần chúng nhân dân, mục tiêu của công cuộc đấu tranh là làm giàu, thành quả vinh quang là hình thành một thành phần mới trong xã hội: Dân Oan.
Hạnh đã đến, đứng vào hàng ngũ và sánh vai chiến đấu với những người Dân Oan Việt Nam trong lúc sợi dây thòng lọng của đảng quang vinh và vĩ đại vẫn lơ lững trên đầu. Đây cũng là thời khoảng Hạnh gặp Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Cách đây hơn 80 năm, giữa những dòng nhạc của bản đại hùng ca Yên Bái, xen lẫn giữa tiếng thét Việt Nam Muôn Năm của những anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng trước khi bị máy chém cắt ngang đầu, người ta rướm lệ bởi chuyện tình của Nguyễn Thái Học với một thiếu nữ phi thường của Việt Nam ở thế kỷ 20 - anh thư Nguyễn Thị Giang. Cô Giang gặp Nguyễn Thái Học vào lứa tuổi đôi mươi. Họ thề nguyện với nhau ở đền Hùng, nắm tay nhau hẹn ước cùng hiến dâng đời mình cho tổ quốc. Ngày Nguyễn Thái Học không thành công cũng thành nhân, Nguyễn Thị Giang lặng lẽ nhìn chồng lên máy chém, trở về quê quán quấn khăn tang và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học đã tặng ở đền Hùng năm xưa.
Hơn 80 năm sau, những người con, người cháu của Cô Giang và Nguyễn Thái Học lại gặp nhau ở chốn này. Chung quanh họ là những người cùng khổ thời đại mới. Cuộc tình của Hạnh và Hùng được tưới xanh bằng lòng yêu nước và niềm thương cảm đối với những người dân khốn cùng. Hai sinh viên đại học đã nắm tay nhau đồng hành trên con đường hỗ trợ Dân Oan và bảo vệ những người công nhân lao động. Họ đã phải đi ngược thời gian đến gần 70 năm để hát lại bài ca mà nhiều thế hệ cha anh đã cất lời: vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Bài hát đó ngày hôm nay đã trở thành một lời nguyền ngược ngạo, cay đắng. Những kẻ cầm cờ lôi kéo lũ nô lệ ngày xưa giờ đã chết hoặc già nua. Còn lại là một tập đoàn ăn bám hào quang (dày công thêu dệt) của quá khứ, vẫn tự xưng là đại diện của tầng lớp nhân dân mà chính họ đã biến thành nô lệ. Thực dân trắng cuốn gói. Thực dân đỏ lên ngôi. Nô lệ vẫn còn đó. Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian... Hạnh đã cùng với Hùng lên đường, phẫn nộ nhưng không hận thù, hiền hòa nhưng dũng cảm, chông gai nhưng không khiếp nhược, thất bại nhưng không sờn lòng.
Tháng 1 năm 2010 Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng với Đoàn Huy Chương và những người bạn cùng chí hướng về Trà Vinh để hỗ trợ cho các công nhân nhà máy Mỹ Phong. Trong các ngày từ  29/1 đến 1/2 năm 2010, hàng vạn công nhân nhà máy Mỹ Phong – Trà Vinh đã đồng loạt đình công sau khi một số công nhân nữ bị xúc phạm nhân phẩm và bị bóc lột nặng nề. Sau đó, các cuộc đình công khác tiếp tục nổ ra trên khắp các tỉnh thành, kéo dài 7 ngày liên tục.
Gần 2 tháng sau, tập đoàn "đại diện cho giai cấp công nhân" ra lệnh Công an còn đảng còn mình bắt giam Hạnh và Hùng sau khi đã bắt giam Đoàn Huy Chương. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị đánh đập gẫy sống mũi, tra tấn tại một nhà giam bí mật tại Sài Gòn. Sau 7 ngày bị tra tấn, khi Hùng vẫn kiên cường không khai bất cứ điều gì, công an áp giải anh về trại giam B14 - Nguyễn Văn Cừ. Đỗ Thị Minh Hạnh cũng bị đánh đập, bỏ đói và tra khảo.
Ngày 26 tháng 10 năm 2010 trong một phiên toà vội vã, không luật sư, không nhân chứng, toà án tỉnh Trà Vinh của đảng CSVN chớp nhoáng tuyên án xử tội những thanh niên thiếu nữ đã đứng lên vì quyền lợi của Dân Oan - những người là chủ của đất nước và Công Nhân - giai cấp tiên phong của đảng. Hạnh 7 năm tù. Hùng 9 năm tù. Chương 7 năm tù.
Trước vành móng ngựa của các quan tòa thực dân đỏ cộng với đám công an ldày đặc, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã tự làm luật sư bào chữa chính mình, hiên ngang bày tỏ khí phách can trường của những công dân yêu nước và nắm trong tay chính nghĩa dân tộc.
Tháng 10 năm 2010, lúc ấy Hạnh 24 tuổi; tuổi của Cô Giang khi vị anh thư đầy khí phách ấy tự kết liễu đời mình vào một buổi sáng mờ sương bên gốc cây Đề của làng Thổ Tang.

*

và chuyện của Phượng

Phượng sinh năm 1981. Phượng đi du học tại Thụy Sĩ, ra trường và tiếp tục học Thạc sỹ Quản trị tài chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Ngoài thời gian học, Phượng đến thực tập tại tập đoàn Holcim. Ngay vừa mới tốt nghiệp xong, Phượng đã được tập đoàn này mời về Việt Nam làm Phó Giám đốc Tài chính cho công ty liên doanh Holcim Việt Nam.
Năm ấy, Phượng vừa tròn 25 tuổi, độ tuổi mà Đỗ Thị Minh Hạnh bị kết án 7 năm tù.
Công ty Holcim trước kia là công ty xi măng Sao mai ở tỉnh Kiên Giang vốn là quê quán của ba Phượng. Đây là một công ty của Thụy Sĩ đầu tư với một phần vốn nhà nước VN với nhãn hiệu Đầu trâu. Ba của Phượng có nhiều liên hệ mật thiết với công ty này và qua đó đã gửi gắm Phượng du học Thụy Sĩ, học ở đâu, làm sao tốt nghiệp... Có lúc ba của Phượng đã  ép công ty Holcim phải ký hợp đồng mua bao bì tại công ty bao bì Hakipack.
Hiện nay Phượng là giám đốc đầu tư / chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý Quỹ Đầu Tư Bản Việt (Viet Capital Fund Management - VCFM), một công ty đầu tư với số vốn từ 500 – 800 tỉ đồng và có khả năng vận động vốn đầu tư ngoại quốc 100 triệu USD nhờ những quan hệ của Phượng - người đi gom tiền.
Phượng  trở thành đảng viên đảng CSVN khi còn là học sinh, là một người phục sức sành điệu với quan niệm sống: học cho bản thân mình và “tôi muốn Phượng của ngày mai, của năm sau phải thật sự khác Phượng của ngày hôm nay”. Điều này được thể hiện qua "resume" của Phượng:
18 tuổi vào đại học.
4 năm ở trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.
22 tuổi đi học tại Thụy Sĩ 3 năm.
Từ 25 tuổi đến 28 tuổi, trong vòng 3 năm Phượng là:
- Phó giám đốc tài chính của Holcim VN 
- Giám đốc đầu tư của Vietnam Holding Asset Management 
- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty quản lý quỹ đầu tư Bản Việt (Viet Capital Fund Management -VCFM)
Phượng không cần phải bắt đầu từ một vị trí thấp nào của bất kỳ công ty nào. Phượng ngay từ đầu đã khác với muôn người và mỗi năm sau của Phượng đều thật sự khác với năm trước.
Trên con đường thênh thang của chủ nghĩa tư bản, Phượng  trở thành người bạn đời đồng hành với Nguyễn Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam. Hoàng là con trai của ông Nguyễn Bang, là một thứ trưởng trong chính quyền VNCH.
Chuyện của Phượng không có gì hồi hộp, gay cấn. Chuyện của Phượng cũng rất riêng, không có bóng dáng người Dân Oan, hay Công Nhân buồn bã nào. Cũng không có nhiều điều để kể ngoài những chức vụ và con số đô la hàng trăm triệu.
Phượng là Nguyễn Thanh Phượng. Ba của Phượng là Nguyễn Tấn Dũng, thành viên BCT, ủy viên Trung Ương Đảng CSVN - đảng đại diện cho giai cấp vô sản và công nhân. Ngày Hạnh vào tù là ngày ba Phượng nâng ly Champagne chúc mừng con gái cưng về thành công của một mối đầu tư bạc tỷ mới.