Sunday, 22 June 2014

Québec Và Ngày 24 tháng 6 - Trần Mộng Lâm

Tôi có hai mối tình: Miền Tây và Québec.
Miền Tây Việt Nam là dĩ vãng.
Dĩ vãng đau buồn, nhưng dĩ vãng vẫn khó quên. 

Mấy lúc sau này, nhiều khi nghĩ về đất nước xa xôi, tôi chỉ thấy mênh mang một nỗi sầu bất lực. Đành phải tạm quên, để nói về Quebec.  Ngày 24 tháng sáu sắp tới đây là ngày lễ Fête Nationale của miền đất thiên đàng này.


Quebec là một trong những tiểu bang của Canada. Đặc điểm của tiểu bang này là những người quebecois nói tiếng Pháp. Quebecois có nghĩa là tất cả những người sống trong tiểu bang Quebec, trong đó có cả những  người Việt Nam tỵ nạn. Canada có 2 sắc dân di cư từ Âu Châu sang và lập nên xứ Canada hai trăm năm trước đây. Vì những lẽ đó, tiếng Anh và tiếng Pháp là 2 ngôn ngữ chính thức của Canada. Các văn kiện quốc gia đều phải viết bằng 2 thứ tiếng này. Những người dân Québec chánh gốc , những người «lập quốc» đều gốc Pháp. Bởi thế cho nên, khi còn sống, trong một dịp công du sang xứ này, ông Tổng Thống Charles De Gaulle của Pháp đã hô to: Vive le Quebec libre năm 1967, và gây nên một dư luận phản đối dữ dội, vì người ta cho rằng ông ta xúi bẩy để Quebec đòi độc lập, tách khỏi Canada.


Phải nói thực là quả có một khuynh hướng muốn Québec trở thành một quốc gia độc lập,
Tôi đến Québec vào cuối thập niên 70 của Thế kỷ 20, sau khi Cộng Sãn cưỡng chiếm Miền Nam. Vào những năm này, phong trào đòi ly khai rất mạnh, với ông Thủ Tướng René Levesque, người đã sáng lập nên Parti Quebecois, viết tắt là PQ. Nhưng tuy nắm quyền trong tay, khác với CSVN độc tài,  PQ không có những quyết định đơn phương để tuyên bố ly khai.  Họ tổ chức Trưng Cầu Dân Ý về vấn đề này 2 lần. Cả 2 lần, họ đều  thất bại, và họ tuân theo ý dân, tôn trọng dân chủ, điều mà người Việt Nam không được hưởng. Tôi có thể dám chắc 100% rằng nếu Việt Nam có Trưng Cầu Dân Ý, người Miền Nam ủng hộ Đảng Cộng Sản không thể đạt được 10%.

Quebec có một nền văn hóa cá biệt, khác với các tiểu bang khác của Canada.

Những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của  Quebec  có thể kể ra là Félix Leclerc, Gilles Vignault, Robert Charlebois, Dufresne. Người québecois nào cũng biết bài hát nổi tiếng của Vignault: Mon pays, ce n’est pas un pays, c’est la neige, vì mỗi mùa đông, xứ này chìm đắm nhiều tháng trời dưới tuyết trắng. Bài hát này cũng có thể so sánh với bài Tình Ca của Phạm Duy.

Mùa Đông tuy lạnh, nhưng Mùa Đông nhiều khi rất thơ mộng, khi tuyết rơi, giống như những đóa hoa trắng tinh, phủ khắp bầu trời.

Québec có diện tích ở được, nghĩa là không kể miền Bắc hoang vắng, rộng hơn gấp 3 lần nước Việt Nam trong khi dân số chỉ chưa tới 8 triệu người. Sống tại Québec, là sống tại một lục địa mêmh mông, và mọi việc đều có thể làm được tại đây. Montréal có một bến tầu hướng ra Đại Tây Dương và từ Montréal sang biên giới Mỹ, chỉ mất một tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe hơi.

Mùa Đông, nhiều khi nhiệt độ xuống tới – 40 độ C nhưng người dân Québec có đủ nhiên liệu để sưởi ấm trong nhà, ngoài phố. Mỗi khi tuyết rơi, các đường phố được dọn sạch mau chóng.


Khi mùa Đông chấm dứt, các lễ hội bắt đầu: Tháng năm, là nhạc thính phòng (Musique de chambre). Tháng sáu: Franco Follies, Tháng 7: nhạc jazz, xiếc (cirque), Juste pour rire, không kể việc bắn pháo bông mỗi tuần. Khu trung tâm Montréal lúc nào cũng tấp nập, trong đó có rất nhiều du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Kỹ nghệ Cinéma của Québec phát triển mạnh. Phim ảnh Québec đã được xướng danh trong giải Oscar sáu lần trong những năm gần đây, và một trong những đạo diễn nổi tiếng của Québec là người gốc Việt, ông Kim Nguyễn.

Vật đổi, sao dời.

Người Québec gốc Pháp chánh hiệu con nai vàng sống sướng quá nên lười đẻ. Họ phải chấp nhận những người di cư. Hiện nay, những người sống tại thành phố Montréal gốc Pháp xuống dưới 50%.
Ngay cả những giới trẻ gốc Pháp cũng có một cái nhìn về cuộc sống và sự độc lập của québec khác với cha mẹ của họ.

Mới đây, muốn hâm nóng tinh thần quốc gia cực đoan của người Quebecois gốc Âu Châu và đặc biệt Pháp, bà Pauline Marois, đảng trưởng đảng PQ cầm quyền đề xướng ra một dự án luật gọi là «charte sur les valeurs québecoises» cấm việc các người dân mang các dấu hiệu tôn giáo như khăn choàng che mặt, dao găm kippa, và ngay cả thánh giá, tại các nơi làm việc như nhà trường, nhà thương. Chủ đích của đạo luật này có vẻ nhắm vào Hồi Giáo nhiều hơn các tôn giáo khác. Có lẽ đây là một quyết định sai lầm của bà Marois, vì giới trẻ Québec không hẹp hòi như các người lớn tuổi, vì vậy bà Marois đã nếm mùi thảm bại và Đảng Tư Do với ông Couillard, bác sĩ chuyên về Giải Phẫu Thần Kinh, lên nắm quyền.

Khuynh hướng Đòi Độc Lập tuy được các «Đỉnh Cao Trí Tuệ» cổ súy bị dân chúng, đặc biệt giới trẻ, đào thải. Các lãnh tụ già, được người dân ở đây, gọi là các bà mẹ chồng (hay mẹ vợ), les belles mères. một cách mỉa mai. Tôi nghĩ các lãnh tụ già của Việt Công, những Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, cũng đáng được gọi như vậy.

Tóm lại, thế hệ trẻ Québec không còn coi Québec như là ràng buộc với Nước Pháp Châu Âu  như trước nữa. Họ chỉ muốn Quebec là một phần của Mỹ Châu ở đó người dân nói tiếng Pháp mà thôi. Tuy cũng nói tiếng Pháp, người Quebecois nhìn về nước Pháp như bất cứ một quốc gia nào khác, chứ không phải là «chánh quốc» của họ.

Họ cũng trở về thăm viếng nước Pháp, để thăm viếng, để học hõi, nhưng họ khác người Pháp ở Paris, bởi giọng nói nặng trình trịch, có thể coi như quê mùa. Tuy nhiên, những ca sĩ người québecois lại rất được dân Pháp ưa chuộng, vì giọng hát khỏe, mênh mang âm hưởng của các cơn gió đồng nội, thổi lồng lộng phương bắc , hay cái lạnh của mùa đông, một chút lai tiếng anh, như Céline Dion ,Gilles Vignault.

Về phần người Pháp, dân Paris, khi sang Québec du lịch hay làm việc, học hành, họ  thấy rõ ngay lập tức là Québec không phải là sự nối dài của nước Pháp vì đủ thứ lý do. Ngay cả cùng một từ ngữ, ý nghĩa cũng thay đổi tùy theo nơi này hay nơi kia. Tóm tắt là dân québec nói thẳng thừng, chứ không «điệu» như mấy ông tây, bà đầm.

Cách nói năng, ăn uống, và y phục cũng bị đổi thay vì những lớp dân di cư, đợt này tiếp đợt kia. Ngay cả các tiệm Phở của Việt Nam cũng góp phần vào sự đổi thay này.

Tuy nhiên, đạo luật 101 giúp cho các bảng hiệu tại Québec không lai căng như các bảng hiệu người ta nhìn thấy tại các thành phố như Hà Nội hay Sài Gòn. Vì muốn gì thì muốn, các bảng hiệu phải viết bằng tiến địa phương, nghĩa là tiếng Pháp.  

Ngày 24 tháng sáu là ngày lễ long trọng của Québec, giống như ngày Quốc Khánh vậy. Ngày hôm đó, dân Québec nghỉ làm việc. Họ sẽ đi diễn hành ngoài đường phố. Buổi tối, người ta sẽ tràn ra ngoài đường, sẽ đến các công viên. Ở đó, sẽ có các sân khấu, và các ca sỹ, nhạc sĩ, sẽ trình diễn thâu đêm, suốt sáng. Sẽ có bắn pháo bông, và trong các tiệm cà phê, tiệm bán bia, sẽ đông nghẹt người.
Mùa hè ở Montréal thật thoải mái, và thanh bình.

Không bao giờ người ta bận lòng, vì Trung Cộng đem một vài dàn khoan tới Biển Dông.

Sự tự do ngôn luận, và sáng tác là tuyệt đối.
Không bao giờ có chuyện  một người nhạc sĩ bị bỏ tù vì một bài hát anh ta viết ra như Việt Khang..
Việc đó nếu xẩy ra tại Canada, thì người dân ở đây sẽ trợn tròn con mắt và kêu lên: Việc đó có thực hay sao ??

Đau đớn thay, và tủi nhục thay, việc đó có thực, và việc đó đang tiếp diễn tại Việt Nam.

Tôi có 2 mối tình, Miền Tây và Québec.
Ở tại hai nơi đó, tôi đều có những cuộc sống êm đềm.
Miền Tây là dĩ vãng.
Nếu không có bọn mắc dịch, chắc giờ này, tôi vẫn còn ở Miền Tây.
Cầu mong rằng một ngày nào đó, dân Miền Tây cũng được như dân Québec, dẫu chỉ một phần.

Trần Mộng Lâm