Thursday 5 June 2014

Sự kiện Thiên An Môn: ‘Tại sao chúng tôi phải giữ im lặng?’

VRNs (04.06.2014) – Sài Gòn – Hãng tin Telegraph cho biết, thân nhân của các công dân Trung Quốc bị bắn hạ trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 đã công khai kháng cự Đảng Cộng sản như chưa từng có, trước những cố gắng nhằm bịt miệng những yêu cầu sự thật về cái chết của người thân họ trước dịp kỷ niệm 25 năm cuộc đàn áp.
Một quang cảnh ở Hồng Kong. Có đến 200.000 tham dự buổi thắp nếp cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân của 25 năm trước
Một quang cảnh ở Hồng Kong. Có đến 200.000 người tham dự buổi thắp nếp cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân của 25 năm trước
Trung Quốc, việc kỷ niệm công cộng về sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh tấn công những người biểu tình ủng hộ dân chủ vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn vẫn bị cấm.
Hơn thế nữa, các nhà hoạt động còn cáo buộc nhà cầm quyền TQ tiến hành một chiến dịch hăm dọa trước dịp kỷ niệm 25 năm sự kiện Thiên An Môn. 
Theo số liệu từ nhóm Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (CHRD – Chinese Human Rights Defenders), ít nhất 50 người đã bị “giam giữ, biến mất hoặc được triệu tập để cảnh sát thẩm vấn” kể từ tháng Tư, trong số đó các thân nhân của các nạn nhân..
Renee Xia, Giám đốc quốc tế của nhóm CHRD cho biết, sự đàn áp năm nay dường như khắc nghiệt hơn mọi năm kể từ thời điểm xảy ra biến cố Thiên An Môn “do sự gia tăng xung đột xã hội và sự bất mãn lan rộng. Họ sợ rằng bất kỳ sự biểu lộ bất đồng chính kiến nào cũng ​​có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống lại chính phủ.”
Tuy nhiên, một số gia đình nạn nhân đã lựa chọn kháng cự trước những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bịt miệng họ.
Liu Meihua, người đã mất đứa con trai 21 tuổi Xie Jingsuo cho biết: “Điều ước duy nhất của tôi là mong cho chính phủ đánh giá lại sự cố ngày 4 tháng Sáu. Ngày nào tôi cũng cảm thấy buồn kể từ khi con trai tôi ra đi. “
Tuy nhiên bà Liu lo rằng mình sẽ không thể sống đến thời điểm đó. Bà cho biết, không có cơ quan chính phủ nào đã từng cung cấp một lời giải thích, một giải pháp hoặc nhận trách nhiệm về vấn đề này. Bà cũng lo ngại việc nhiều người lớn tuổi đang chết dần trong khi giới trẻ ngày nay biết rất ít về sự kiện ngày 4 tháng Sáu.
Phát biểu vào đêm trước ngày kỷ niệm, Salil Shetty, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế,  đã kêu gọi ‘một cuộc điều tra mở và độc lập’ về vụ thảm sát và lên án Bắc Kinh đang tìm cách ‘xóa sạch các sự kiện ngày 4 tháng Sáu khỏi ký ức.’
Ma Xueqin, 69 tuổi, cho biết con gái bà đã chết sau khi bị dính một viên đạn lạc. Bà nói, các binh lính đã bắn ngẫu nhiên ở mọi hướng. Bà Ma cũng cảnh báo sự đe dọa từ các lực lượng an ninh Trung Quốc sẽ không thể bịt miệng bà.
“Tôi đã làm gì sai. Đã rất nhiều năm rồi. Tôi không có gì để sợ hãi. Họ không bao giờ có thể xóa được lịch sử.”
Wu Dingfu, 72 tuổi, có con trai là Wu Guofeng bị bắn và bị đâm chết cho biết: “Chúng nó (tức những người biểu tình) đã ủng hộ nền dân chủ và tự do bằng chính mạng sống mình.”
“Tại sao chúng tôi phải giữ im lặng?” Dù cho ‘lực lượng an ninh quốc gia hay trong vùng có đến đây, tôi vẫn phải nói với những người khác về việc con trai tôi đã chết thế nào”.
Sharon Hom, giám đốc điều hành của một Tổ chức nhân quyền ở Trung Quốc thì nhận định, chiến thuật của Bắc Kinh trong 25 năm nhằm đe dọa các gia đình phải im lặng đã không còn hiệu quả.
Bà nói tiếp: “Sợ hãi không còn hiệu quả để giữ họ im lặng vì họ đang nói: ‘Các anh (tức nhà cầm quyền TQ) có thể làm gì hơn không?’ Giờ đây họ sẽ nói hết [mọi sự].”
Pv.VRNs