Thursday 5 June 2014

Bức Tranh

Truyện ngắn nhân Ngày Từ Phụ
Phan Hạnh.

 
 
Chuyện xảy ra từ lâu lắm, trước thời Sài Gòn đổi tên, giờ đã đóng bụi mịt mờ trong ký ức của một ông già. Hôm đó một ngày cuối tuần, trong một lần đi phép về thăm nhà, Tuấn mượn đỡ chiếc xe Mobilette cũ của cha Tuấn để đi xem phim và đi ăn quà vặt, một thú vui Tuấn đã ghiền từ ngày còn đi học. Tình cờ, Tuấn gặp lại một người bạn lính ở Sài Gòn sau sáu năm xa cách. Tên nó khá dễ nhớ: Dương Hồng Anh…
 
Con đường Nguyễn Văn Sâm của Quận Nhì, thủ đô Sài Gòn, có lề đường rộng, rợp bóng hàng cây me già nên nhiều xe bò viên, bò bía, gỏi đu đủ bò khô cắm dùi ở đấy, sáng sớm xếp ghế bày hàng, đến tối khuya bán hết xong thì thu dẹp. Đối diện bên kia đường là một ngôi biệt thự bệ vệ, tường sơn màu xanh nổi bật. Tuấn tự hỏi tại sao trước đây Tuấn lại không để ý đến ngôi biệt thự này, cho đến bây giờ.
 
Nhiều năm trước, khi còn là một thằng nhóc, Tuấn hay đạp xe đạp rảo qua các đường trong khu vực đó này để bắn me, coi hát bóng, và nếu có dư tiền, Tuấn gọi một tô bò viên hay mực luộc. Bây giờ, các chủ xe bò viên vẫn còn cho khách chơi trò đổ xí ngầu, vừa ăn bò viên vừa hưởng thứ cảm giác hồi hộp của cờ bạc, nhưng Tuấn không tham dự nữa.
 
Tuấn cũng muốn cầm ba hột xí ngầu bằng nhựa gọn trong lòng bàn tay, lắc cho chúng trộn lộn tùng phèo va chạm nhau phát ra tiếng lắc xắc rồi buông năm ngón tay cho chúng rớt xuống cái tô sành, mong sao chúng ngừng yên với ba mặt lục, số điểm tối đa, hiện ra. Dù gì, bây giờ Tuấn cũng đã trở thành một hạ sĩ quan, Tuấn cần giữ gìn tác phong quân đội. Tuấn hỏi ông Tàu người Triều Châu bán bò viên:
 
- “Cái nhà bên kia đường là của ai vậy chú?”
 
- “Nhà của ông Dương Hồng Bá đó!”, ông Tiều -Tuấn gọi đại tên như vậy cho dễ- vừa dùng cái rây làm bằng sợi đồng vớt những viên bò viên ra khỏi thùng nước lèo và trút ra một hàng tô trẹt năm, sáu cái.
 
- “À thì ra vậy!”, Tuấn chợt nhớ ra. Đọc qua một loạt bài phóng sự trên báo chí Sài Gòn, Tuấn có nghe danh ông nhà giàu này. Thật ra, Tuấn đã từng gặp người con tên Dương Hồng Anh của ông nhà giàu đó ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung năm 1964. “Hóa ra nhà của nó đây”, Tuấn nhủ thầm.
 
Trong những ngày đầu bỡ ngỡ nơi quân trường, một lần cùng đi làm tạp dịch gặp nhau, hỏi thăm quê quán của nhau, Tuấn mới biết là hai đứa cùng ở Quận Nhì Sài Gòn. Nó có vẻ mừng rỡ hỏi dồn:
 
- “Nhà mầy ở đường nào? Mầy học trường nào?”
 
Tuấn đáp: “Đường Đề Thám. Học trường Hưng Đạo”.
 
- “Biết nhà thờ Tin Lành hôn?”, nó hỏi tiếp.
 
- “Biết chớ! Ngay góc Đề Thám - Trần Hưng Đạo chớ đâu”, Tuấn rành rẽ sáu câu.
 
- “Mấy năm trước tao hát trong ca đoàn nhà thờ đó đó”, nó khoe.
 
- “Vậy hả? Vậy nhà mầy ở đường nào?”, Tuấn hỏi. Nhưng thằng Anh chưa kịp trả lời thì cán bộ Thới, trung đội trưởng khóa sinh của Tuấn, nạt lớn:
 
- “Ê! Hai anh điếc hả? Vào hàng tập họp!”
 
Thấm thoát ba tháng huấn luyện căn bản ở Quang Trung đã qua, Tuấn đáp xe lửa đi Nha Trang theo học Khóa 20 Hạ Sĩ Quan Trừ Bị ở Trường Đồng Đế, còn thằng Dương Hồng Anh do đâu mà được miễn dịch để trở về đời sống dân sự, Tuấn chẳng biết. Mãi cho đến đầu năm nay, hình ảnh nó sống lại trong trí Tuấn.
 
Theo báo đăng, vợ ông Dương Hồng Bá qua đời vì bệnh ba năm trước. Người chồng góa bụa hài lòng với cuộc sống bên cạnh đứa con trai duy nhất của ông. Ngày nay, nó đã trở thành một nhà sưu tầm tranh quí đầy kinh nghiệm. Năng khiếu kinh doanh và tài nhận xét bén nhạy tinh tế của đứa con khiến cho ông vững tin khi hai cha con đi giao thiệp và thương thảo với giới con buôn trong nước lẫn quốc tế.
 
Đọc bài phóng sự, Tuấn nghĩ “Quái lạ thật! Thằng Dương Hồng Anh mình gặp ở Quang Trung năm nào chẳng lẽ là người này? Hay chỉ là người khác trùng tên?”
 
Ăn xong tô bò viên, Tuấn băng qua đường và bước vào ngôi nhà bề thế đang mở cửa. Phòng khách cũng là phòng trưng bày tranh.
Tuấn nhận ra ngay thằng Anh đang nói chuyện với hai vị khách. Nó nhìn Tuấn. Tuấn đưa tay ra hiệu chào. Thằng Anh cũng gật đầu ra hiệu chào lại. Một phút sau, Anh đã bước đến vỗ vai Tuấn:
 
- “Tuấn hả?”
 
- “Hì hì… còn ai vô đây.”
 
- “Chà! Coi khỏe mạnh ghê! Mầy lên tới cấp gì rồi?”
 
- “Thượng sĩ. Còn mầy?”
 
- “Chưa cấp bậc gì hết. Nhưng tao mới nhận được lệnh động viên rồi. Lần này khó thoát.”
 
Thì ra, do nhu cầu chiến trường, bổ sung quân số, chiến tranh leo thang, Bộ Quốc Phòng ban lệnh tổng động viên. Nhiều thành phần dân sự chuyên môn được miễn, hoãn dịch trước đó đều nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Thằng Anh cũng dính đợt vét quân này. Ông Bá đành lòng nhìn người con bị động viên từ giã cha để lên đường cầm súng bảo vệ quê hương.
 
Trời xui đất khiến thế nào, mười tháng sau, Tuấn lại gặp thằng Anh khi nó mang lon chuẩn úy, mặc bộ đồ trận ủi hồ thẳng băng, cầm sự vụ lệnh về trình diện đơn vị Tuấn. Tuấn là thượng sĩ thường vụ của tiểu đoàn. Lúc bấy giờ, Tuấn đã vẽ khá lắm nhờ ôn luyện thực tập thường xuyên những khi rảnh rỗi. Tuấn muốn trổ nghề nên kêu nó ngồi cho Tuấn vẽ chân dung. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ Tuấn đã vẽ xong. Trong tranh, mặt mày nó trông tươi tỉnh và có hồn lắm, chắc là nhằm lúc Tuấn có hứng vẽ. Tuấn bảo nó:
 
- “Tranh coi được lắm! Để tao o bế thêm rồi chừng nào xong tao đưa mầy đem về nhà khoe với ba mầy.”
 
Nó được về đại đội chỉ huy, được giao nắm một trung đội, và hai đứa vẫn thường gặp nhau. Chưa đầy một tháng sau, tình hình chiến sự trở nên tồi tệ hơn, bộ chỉ huy tiểu đoàn Tuấn bị Việt Cộng tấn công và tràn ngập vào một đêm không trăng sao. Mọi người đều phải chạy ra vị trí phòng thủ. Tuấn chạy đến trung đội nó cho có bạn. Bị hỏa lực địch dữ quá, bọn Tuấn được lệnh phải bỏ vị trí giao thông hào phòng thủ để rút chạy về phía sau. Trung đội thằng Anh có một số chết và bị thương. Tuấn bị một mảnh B.40 trúng ngực gần nách bên phải, may có áo giáp nên không đến nỗi nào, nhưng sức dội mạnh làm Tuấn bất tỉnh. Đến khi Tuấn tỉnh lại trong quân y viện, hỏi thăm tin đơn vị thì… thằng Anh đã “hy sinh”.
 
 Ông Dương Hồng Bá nhận được một bức điện tín báo tin con trai yêu quí của ông đã tử trận. Con ông đã chết trong lúc cố gắng cứu một đồng đội bị thương. Quẫn trí và cô đơn, ông thẫn thờ đón chờ ngày lễ Giáng sinh sắp tới với nỗi thống khổ buồn đau. Ông không đi lễ nhà thờ Tin Lành nữa. Niềm háo hức của hai cha con dự tính trước đó rằng sẽ vui hưởng một Giáng sinh êm đềm cũng không còn.
 
Đúng buổi sáng ngày Giáng sinh, tiếng gõ cửa đã đánh thức ông già đang trong cơn trầm cảm. Khi đi ngang qua những tấm tranh treo trên tường để bước ra cửa, ông nhìn lên những kiệt tác nghệ thuật và biết rằng con trai của ông không bao giờ trở về nữa. Ông mở cửa, một quân nhân cắp trên tay một bọc lớn cúi chào. Người lính đó, chính là Tuấn, tự giới thiệu và nói:
 
- "Thưa bác, cháu là một người bạn đồng đội con trai bác. Cháu là người mà anh ấy đã tiếp cứu khi anh bị trúng đạn tử trận. Cháu có thể vào nhà thưa chuyện với bác một lúc được không?” 
 
Khi hai người bắt đầu nói chuyện, Tuấn kể lại rằng con trai ông đã nói với tất cả bạn đồng đội về sự đam mê sưu tầm tranh mỹ thuật của cha con mình. Tuấn nói:
 
- "Cháu không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp nhưng cháu thích vẽ và cháu xin kính tặng bác bức tranh này." 
 
Tuấn không nói đó là tranh vẽ con ông. Tuấn muốn xem phản ứng của ông ra sao. Vốn là người mê tranh, ông nhận lấy và mở gói ngay để xem tranh gì. Giấy gói bóc hết ra để lộ một bức chân dung của một người quân nhân. Mặc dù không thể xem đó là một tuyệt tác bởi một thiên tài hội họa nhưng bức chân dung có đủ các nét đặc biệt của khuôn mặt của con ông: đôi mày rậm, cặp mắt lúc nào cũng tập trung, đôi môi mím chặt, cái cằm dài, hai vành tai giảo… Tuấn theo dõi nét mặt ông Bá. Tuấn thấy ông xúc động. Ông cũng cau mày và mím môi giống như người trong bức tranh. “Thằng Hồng Anh! Con tôi!” Ông Bá nghẹn ngào, chỉ nói được bấy nhiêu, mắt rưng rưng lệ. Cố dằn nén xúc động, ông Bá run giọng tỏ lời cảm ơn Tuấn. Ông nói ông sẽ đóng khung bức tranh và treo trên lò sưởi.

 
 
Sau khi người lính đã chào từ giã ra về, người cha già đơn độc bắt tay ngay vào việc treo tranh. Ông gỡ xuống bức tranh trị giá hàng chục ngàn đồng trên lò sưởi, thay khung và treo bức chân dung của con ông thế vào chỗ trống.  Nhiệm vụ hoàn thành, ông ngồi trong ghế bành quen thuộc của mình và trải qua ngày Giáng Sinh chỉ nhìn đi nhìn lại món quà ông vừa được ban cho.
 
Trong những ngày kế tiếp sau đó, tuy biết rằng con trai mình không còn thực sự sống trên cõi đời này nữa nhưng ông được biết con ông sẽ sống mãi trong tim của nhiều đồng đội. Mấy lần nữa, ông được Tuấn trở lại thăm và kể cho nghe về sự can trường của đứa con thân yêu ngoài mặt trận đã cứu được nhiều mạng người khác trước khi anh bị một viên đạn bắn trúng ngay tim và cướp đi mạng sống của chính anh.
 
Những câu chuyện về lòng dũng cảm của đứa con trai tiếp tục được nhiều người khác kể cho ông nghe; niềm tự hào và sự hài lòng của người cha bắt đầu có thể làm giảm bớt nỗi đau buồn. Bức tranh của con trai sớm trở thành vật sở hữu được ông trân quý nhất và ông không còn thiết tha quan tâm đến các bức tranh khác trong nhà mà các lái buôn tranh quý thèm muốn. Ông tâm sự với hàng xóm rằng đó là món quà lớn nhất mà ông từng nhận được.
 
Mùa xuân sau, ông Bá lâm trọng bệnh qua đời. Giới buôn tranh mỹ thuật ở Sài Gòn dự đoán rằng vì người con trai duy nhất của ông đã chết, những bức tranh sẽ được bán đấu giá. Quả đúng vậy.
 
Ngày ấy đã đến. Giới sưu tầm nghệ thuật và các lái buôn tranh quý tụ tập đông đảo. Ai cũng muốn là người làm chủ những bức tranh quý nhất trong bộ sưu tầm tranh của Dương Hồng Anh.
 
Cuộc bán đấu giá được bắt đầu với bức tranh chân dung của một người lính do một họa sĩ mà tên tuổi chưa hề nghe đến. Người bán đấu giá tuyên bố mở thầu nhưng cả căn phòng đều im lặng. Ông ta hỏi:
 
- "Ai sẽ mua với giá năm ngàn đồng?" 
 
Mấy phút trôi qua, không ai lên tiếng. Từ phía sau của căn phòng, một tiếng nói vang lên:
 
- "Ai thèm quan tâm đến bức tranh đó mà làm gì. Đó chỉ là bức tranh vẽ con trai của ông ta."
 
Một giọng khác gào:
 
- "Thôi dẹp nó đi và hãy chuyển sang những bức tranh quý!"
 
Nhiều người khác đồng tình reo lên:
 
- “Đúng rồi! Dẹp nó qua một bên đi!”
 
Người chủ trì cuộc bán đấu giá nói:
 
- "Không, chúng tôi phải bán bức này trước đã."
 
Xong ông ta hỏi tiếp:
 
- "Bây giờ ai là người sẽ mua bức chân dung này?”
 
Cuối cùng, một quân nhân đứng lên nói:
 
- “Tôi mua! Tôi quen biết người trong tranh.”
 
Người phụ trách cuộc bán đấu giá nói:
 
- “Năm ngàn đồng! Có ai trả cao hơn không?”
 
Sau một lúc chờ đợi trong sự im lặng của gian phòng, người bán đấu giá nói:
 
- "Một lần! Hai lần! Xong!"
 
Ông gõ mạnh búa gỗ xuống bàn. Một người háo hức hối:
 
- “Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu đấu giá tranh quý thứ thiệt rồi đó.”
 
Người bán đấu giá nhìn vào khán giả và thông báo rằng việc bán đấu giá đã kết thúc. Sự bàng hoàng vì hoài nghi bao trùm cả phòng. Một người nào đó lên tiếng hỏi:
 
- "Ông nói kết thúc như vậy là nghĩa gì? Chúng tôi không phải đến đây chỉ vì một bức tranh của con trai ông già mà là vì những bức tranh nghệ thuật trị giá hàng mấy chục ngàn đồng kia kìa! Tôi yêu cầu ông giải thích.” 
 
Người bán đấu giá trả lời:
 
- "Đơn giản thôi. Di chúc của ông Dương Hồng Bá nói là ai mua bức tranh vẽ con trai ông ta thì nhận được tất cả những bức tranh còn lại."
 
Tuấn ngạc nhiên há hốc. Chàng chỉ tò mò đến đây xem chứ không hề có ý định mua bức tranh. Sau khi bị thương và được thuyên chuyển về Sài Gòn, chàng phải dành tiền mua thuốc thang điều trị, tiền bạc khá eo hẹp. Thấy chẳng ai thèm mua tấm tranh quèn do mình vẽ, Tuấn bấm bụng bỏ ra năm ngàn mua quách cho xong. Chàng không ngờ trên đời có một cơ duyên kỳ lạ như thế này. Một bức tranh vẽ của một họa sĩ quèn như Tuấn lại có giá trị bằng cả một bộ sưu tầm tranh quý. Thì ra, đàng sau bức tranh đó còn có một bức tranh to tát hơn mà Tuấn không thể vẽ. Đó là bức tranh của tình cha.
 
Phan Hạnh.
(phóng tác theo một câu chuyện Anh ngữ không đề tên tác giả).

PH - N.T.Hoàng