Thế là lại có 1 chuyến chuyển trại nữa. Ðó là điều lạ bởi vì khi đến đây bọn cai tù Việt Cộng đã nói với anh em chúng tôi rằng đây là quê hương của các anh. Các anh sẽ được viết thư về cho gia đình, đảng và nhà nước sẽ tạo điều kiện cho gia đình các anh tới đây làm ăn và nơi đây với công sức của các anh, mai này sẽ là 1 thị trấn lớn, “có bến cảng, có sân bay, có nhà ga đường sắt”... Khi ấy anh em chúng tôi, cũng không ai, bảo ai, đều ngước mắt nhìn quanh - Vẫn chỉ là núi, rừng, cây cổ thụ và suối nước độc. Vài ngày sau, đi lao động, gặp kín đáo được 1 số anh em biệt kích trước đây, những anh em này sau 17 năm cho đến 20 năm tù ngục, đã tạm trở thành công nhân chuyên đi khai phá rừng để lập các nhà tù, trại tập trung cải tạo, chúng tôi mới được biết nơi nay là Thanh Lâm, Thanh Hóa.***Ðến cả tháng nay, anh em trong trại tù cải tạo Thanh Lâm-Thanh Hóa đã xì xào rất nhiều về 1 cuộc chuyển trại sắp tới. Cho đến bây giờ thì việc chuyển trại đối với anh em chúng tôi kể như 1 việc không trước thì sau và hầu như không bao giờ ở đâu quá 1 năm cả. Thời gian nặng nề trôi nhưng cũng thoáng đi để chúng tôi mất dần ý thức thời gian rồi. Sáu năm đã qua kể từ ngày đất nước lọt vào tay cộng sản và lũ lượt anh em chúng tôi, từ cấp lớn đến cấp nhỏ, tự nguyện vào tù. Bao nhiêu đau đớn, xót xa, cay đắng, tủi nhục đã chất lên thành những ngọn lửa thù hừng hực trong những ngày đầu để rồi lắng xuống thành nỗi xót xa cay đắng khôn tả. Có khi chỉ còn lại là những nỗi bàng hoàng để rồi phải khuất mờ đi khi hình ảnh những củ mì, nhánh khoai lang hay thậm chí một nắm đọt sắn, rau rừng nào đó thấp thoáng gợi ra bữa ăn vụng trộm làm chặt dạ dầy trong cái đói rét của miền núi rừng sát biên giới Việt-Lào này.
Sắp chuyển trại! Những âm thanh này đã gợi cho chúng tôi biết bao điều khó chịu. Con người đã quen nếp sống - dù là nếp sống tù - thường không thích đổi thay nhất là tuổi tác anh nào anh nấy đều xấp xỉ 50 cả rồi. Nhưng cái điều phiền toái là trong gần 1 năm yêu chỗ “tù” này, đa số chúng tôi thường tạo ra được những tiện nghi vật chất thô thiển nhỏ bé trong cuộc sống tỉ dụ như viên đá mài, mảnh sắt luyện thành lưỡi dao bén và được trau chuốt bằng cái cán gỗ rất xinh, 1 vài khe giấu kín đáo nơi chỗ nằm hay 1 vài điểm “tình báo” nơi nhà dân mà ở đó thường cho chúng tôi biết tin tức bên ngoài, cuộc sống khổ cực của dân chúng ra sao và nhiều khi có cả tin tức đài BBC nữa. Nay, chuyển trại, tất cả những thứ đó đều mất. Bởi vì trước khi chuyển trại, bọn cán bộ thường có quy luật là khám đồ. Trong cuộc khám xét này, bọn chúng vạch lá tìm sâu để tìm ra những thứ “quốc cấm.” Một chút kim khí cũng không được giữ. Một gói muối hạt là bị quy tội “có ý đồ trốn trại.”
Một tập giấy dầu gói hàng đóng thành cuốn vở nhỏ để ghi linh tinh những món ăn mà anh em nhớ được (ghi để cho đỡ thèm chứ có bao giờ chúng tôi nghĩ là có dịp được làm đâu) cũng bị bọn cán bộ săm soi lật đi, lật lại, soi lên ánh sáng v.v... Chẳng may mà trong cuốn sổ ấy có ghi 1 bài nhạc trước 75 nào là chủ nhân cuốn sách đành chịu ngồi nhà kỷ luật, bị cùm chân và ăn 9 kí thay vì được ăn 11, 12 kí như anh em ở ngoài, với tội danh là lưu trữ và phổ biến văn hóa đồi trụy... Ôi! Còn biết bao điều phiền phức nữa. Nhiều anh em có tính tần tiện cứ vá đụp mãi quần áo cũ, để dành những bộ đồ tray-di hoặc rằn ri mà chúng tịch thu được sau ngày 30 tháng 4, 1975, phát cho anh em làm quần áo tù, với ý đồ sỉ nhục sắc áo quân phục của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ðối với chúng tôi, nhìn lại các bộ quân phục xưa ai nấy đều tủi hổ, đều tự cảm thấy một phần trách nhiệm ở mình cho nên đều yêu quí muốn để dành. Nhưng bọn Việt Cộng lại quy tội là để dành để mang ra dân chúng lén lút đổi chác. Bởi dân chúng ở Miền Bắc từ tỉnh đến quê đều rất mê những bộ đồ quân đội Việt Nam Cộng Hòa đến độ trở thành “mô-đen” thời đại và sẵn sàng luộc cả con gà và nấu 1 nồi xôi nếp mà có khi cả năm họ cũng không được ăn để đổi lấy cái áo hoặc cái quần của tù.
Không ai bảo ai, chúng tôi bắt đầu thu gom những “tài sản” của mình, tìm mọi cách để có thể “thoát” những cuộc khám xét này. Có người kiểm lại đồ mới thấy mình cóp nhặt gần cả 1 bị các thứ đồ linh tinh nào lon gô, nào đinh, nào dùi sắt, khuy nút, kim, chỉ, loại kim chỉ do anh em tự làm để khâu những “đôi giầy dũng sĩ.” Nhìn đống đồ ấy thấy nó còn hơn 1 đống rác nữa. Thế mà nó lại rất quí, bởi vì với cuộc sống ăn lông ở lỗ này, tạo được những tiện nghi như thế nó đã giúp ích rất nhiều cho chủ nhân và cả cho những anh em khác bởi nhiều khi chỉ thiếu 1 cái khuy hay sút 1 đường chỉ là cái áo hay cái quần không thể nào ngăn cản nỗi những luồng gió cắt da cắt thịt của mùa Ðông núi rừng Miền Bắc.
Thường thì chính bọn cán bộ tung những tin chuyển trại từ nhiều tháng trước rồi chúng dùng thời gian để lừa chúng tôi sơ hở, là vì chờ đợi mãi mà không thấy nên tưởng là tin thất thiệt, dần dần trở lại cuộc sống bình thường lao động và sinh hoạt thì chúng sẽ biên chế lại ai đi, ai ở và bất thần khám xét. Thế là chúng tôi không kịp giấu giếm những thứ cần phải giấu.
Một buổi sáng, giữa lúc chúng tôi tưởng như không có việc chuyển trại thì tất cả được gọi ra sân thay vì đi lao động như mọi khi. Chúng bủa vây các phòng tù ở không cho ai được trở vào nữa, bắt ngồi cả ngoài sân để chúng tha hồ lục lọi.
Ngoài sân thì bắt đầu chúng đọc tên biên chế lại các đội ngũ lao động. Sự phân chia lại này gây ra nhiều dư luận tiên đoán. Lần biên chế này thấy khá rõ nét vì phần lớn những anh em bướng bỉnh hay bị kỷ luật hoặc bị bọn quản giáo lưu ý, tóm lại là những anh em có thành tích “xấu” như bọn cán bộ thường gọi, được sắp xếp vào 3 đội khoảng trên 100 người so với hơn 200 trong toàn trại.
Rồi chúng hối hả phân cách anh em chúng tôi. Ðến lúc này thì đã rõ rệt ai đi ai ở. Phân nửa trại khoảng trên trăm người được dồn vào 1 dẫy nhà riêng phía cuối trại, cửa phòng đóng kín. Còn chúng tôi, những kẻ sắp làm “1 cuộc viễn du” mới thì ở ngoài sân chờ lệnh vào buồng sắp xếp hành trang.
Lúc này cảnh kẻ ở người đi thật buồn vời vợi. Những năm tháng trong tù đã kết nên nhiều tình bạn thật thắm thiết. Có những tâm sự mà tôi chắc nhiều khi đương sự không dám nói với vợ con thì lại đem trao hết cho tình bạn. Có những đôi bạn trẻ già cách biệt chỉ vì họ cùng mê những khúc nhạc cổ điển Tây phương trên cần đàn Guitare tự chế. Có những đôi bạn sống như tình nhân, chỉ thích thầm thì với nhau riêng biệt mà ít khi hòa đồng với mọi người. Thế mà bây giờ, kẻ ra đi người ở lại... Anh em trong buồng giam chen chúc nhau bên các song cửa sổ nhìn ra vẫy gọi, nhắn nhe. Họ đang thèm số phận của chúng tôi “được về Nam.” (Nhưng sau này chúng tôi mới rõ kẻ ở lại hạnh phúc hơn vì sau đó họ lần lượt được về hết, còn chúng tôi phải kéo dài đến 5, 7 năm nữa).
Thế rồi cuộc sắp xếp xong xuôi. Bọn cán bộ nhà bếp bắt đầu khuân vác thùng bánh chưng và ít đồ ăn khô phát cho chúng tôi. Nhìn khẩu phần biết là phải di chuyển tới 2 ngày rưỡi. Vậy là về Nam chắc chắn rồi. Ðến lúc đó anh em mới tạm mừng, nhưng lại không có cách nào thông báo cho anh em ở lại được. Bắt đầu có những xì xào bàn về phương cách báo tin cho gia đình biết. Thế là ai nấy đều tìm sẵn cây viết và mẩu giấy nhỏ chờ cơ hội.
Ðoàn xe khách 3 chiếc cho hơn 100 người sịch tới. Tiếng nổ đinh tai nhức óc của những cỗ máy quá già nua khua động không khí nơi rừng rú Thanh Lâm. Bọn cán loanh quanh mấy chiếc xe, thèm khát được lái. Một tên quay nhìn tôi khoe :
- Xe Ba Ðình đấy.
Giờ phút khởi hành bắt đầu. Chúng bắt chúng tôi xếp hàng đôi và tặng mỗi đôi 1 cặp số 8. Có những anh vốn không ưa nhau nay bị cặp chung, đòi đổi nhưng bọn cai tù phòng xa nhất định không cho đổi lại còn siết vòng cho chặt hơn.
Gần 40 người trên chiếc xe khách ghế gỗ. Trời lạnh nhưng hơi người bốc ra nồng nặc “mùi tù” nên cũng ấm. Xe chuyển bánh. Núi rừng Thanh Lâm bắt đầu lùi đi.
Ra đến cổng trại, khu gia đình bọn cán cai tù, chợt 1 quang cảnh hiện ra mà chúng tôi đều sững người. Dọc theo 2 bên đường đất là cả trăm đàn bà con gái con em bọn cán bộ đứng vẫy tay. Anh em xôn xao hỏi nhau:
- Chúng lại định giở trò gì đây.
Một vài người vội ngồi thu lại, né tranh tưởng như sắp có 1 cơn mưa đá củ đậu vào xe như hồi chúng giải ra Bắc. Nhưng không. Ðoàn xe 3 chiếc chạy qua, chúng tôi nhìn rõ từng khuôn mặt xúc động. Có vài cô gái lấy vạt áo thấm nước mắt. Ðâu đó vọng lên những âm thanh thắm thiết:
- Các anh đi nhé. Chúc sức khỏe tốt.
Không thấy ai đọc bài: “Lao động tốt, học tập tốt” gửi theo lời chào cả.Ðó là nhân dân Việt Nam. Ðó là tình cảm Việt Nam. Tình tự dân tộc ấy không bao giờ phai lạt dù chế độ có hà khắc đến mấy. Bởi vì trong những ngày tháng anh em ở trại tù này, đối với đàn bà trẻ em và các cụ già trong gia đình bọn Cán, chúng tôi thường chỉ thấy họ như những người dân Việt Nam cần mẫn, đáng thương. Có dịp là chúng tôi giúp đỡ, trao gởi những ân tình con người. Và chúng tôi đã cảm hóa được tất cả. Dân chúng không còn ai, sau 6 năm ở Miền Bắc, nhìn chúng tôi là “ngụy quân” phản quốc nữa. Cụ già 78 tuổi, cha tên trại trưởng có lần anh em phải vào làm tạp dịch ở tư dinh của hắn, đã cùng làm với chúng tôi và ôn tồn nói:
- Các chú chịu khó nín nhịn chúng nó đi để mà còn về với vợ con. Thời buổi nó nhiễu nhương, chẳng ra làm sao cả.
Tôi cố nhướng mắt nhìn trong đám đông để tìm cụ già ấy. Nhưng những hình ảnh xúc động khiến tôi sao lãng cuộc kiếm tìm. Có những em nhỏ đã chạy theo xe như thể trong 1 cuộc tiễn đưa “ngày giao quân” (tức là đi quân dịch) của huyện.
Không khí trong xe lắng xuống. Hai tên vệ binh đi theo xe lẩm bẩm với nhau cái gì như chửi thầm. Nhưng trên nét mặt chúng vẫn lộ ra nét vui tươi hớn hở: Chúng đã được chọn đi theo tù để được biết Miền Nam, miền đất phồn thịnh hiện đại đối với nhân dân Miền Bắc sau 1975.
***Chuyến tầu Bắc Nam chưa đến. Bọn chúng tôi, hai người chung 1 cái cùm, được dồn hết trong sân ga. Nhà ga trống. Có lẽ chúng đã xua đuổi dân đi hết vì đây là cuộc “hành quân” chuyển tù vào Nam.
Gió lọt tứ bề. Tháng 12 ở Miền Bắc là trọng Ðông nên các luồng gió như cắt da, cắt thịt. Chúng tôi ai cũng lấy tấm “mền đỏ Trung Quốc” ra khoác vào người, trông hệt như những chàng Ả Rập. Trên người dù đã quấn đủ thứ áo quần lành, rách nhưng vẫn không chống nổi cái lạnh thấu xương. Chiều xuống rưng rưng sương muối. Ðêm về thật nhanh. Khoảng 7 giờ tối chúng lùa hết chúng tôi vào các kho hàng trống, có lẽ chúng sợ ở dưới sân ga chúng tôi có thể nhân đêm đen lạnh giá mà trốn đi. Thế là may. Trong nhà kho tương đối ấm, nhất là cả trăm người chen chúc bên nhau. Một ngọn đèn dầu leo lét thật nhỏ treo cao phía cửa, nơi 2 tên vệ binh đứng gác với súng ống đầy đủ và sẵn sàng.
Không ai bảo ai, yên chỗ rồi, đều giở kho của cải mới được phát lúc chuyển trại: 2 cái bánh chưng nhỏ, một gói đường con và mấy gói lương khô Trung Quốc. Ai cũng trân trọng bóc bánh, ăn nhỏ nhẻ như muốn gậm nhấm những đắng cay tủi nhục từng chịu 5, 6 năm qua và còn phải chịu chưa biết đến bao giờ.
Lần chuyển trại này, tuy hơi khác với những lần chuyển trại trước là chuyển vào Nam. Bọn Cán bộ không loan báo gì nhưng những tin đồn không biết từ đâu mà anh em biết được là về Nam. Có lẽ do gia đình ra thăm nuôi có gặp 1 vài đoàn tầu chở tù về Nam trước đó. Cũng có thể do 1 vài tên cán bộ được anh em mua chuộc tiết lộ. Cuộc sống tù đầy đã khốn khổ lại càng khốn khổ hơn nữa về các tin đồn loan trong trại. Phát xuất từ đâu? Có thể do chính anh em suy đoán và cũng có thể do bọn cán bộ an ninh tung ra để đánh lạc hướng tù nhân. Về Nam. Quả thật là hạnh phúc, dù là hạnh phúc trong tù. Bởi cái khí hậu giá buốt của rừng núi Việt Bắc hòa cùng nỗi đói khát, lao động khổ sai đã làm chúng tôi khiếp sợ. Nay lại được thở cái khí hậu Miền Nam hiền hòa, ấm cúng nào ai không ham. Có cái gì thật thân yêu, quyến rũ trong cái khí hậu ấy. Nhưng chợt nhớ ra Miền Nam cũng đang bị quằn quại dưới chế độ mới. Thế là lòng chúng tôi lại chùng xuống, tiếc thương da diết một cái gì đã mất không biết bao giờ mới lấy lại được.
Về Nam, nhưng không biết về đâu. Gần ngày đi tin đồn dội lên trái ngược nhau. Người nói về Xuân Lộc Gia Rai, người nói về Khe Sanh biên giới Việt Lào. Quả thật nhiều người trong chúng tôi thấy chuyến đi này có vẻ dữ nhiều lành ít. Bởi vì sau khi biên chế các đội thì thấy phần lớn các đội ra đi đều là những đội có đầy đủ những anh em có thành tích “phản động,” chống “Cách Mạng.” Như vậy không lẽ chúng lại cho bọn “bướng bỉnh” được hạnh phúc hơn sao. Cho nên cái niềm vui được về Nam cũng giảm đi nhiều vì những lo lắng bị đầy vào Khe Sanh, nơi chốn càng khó khăn hơn cho những chuyến thăm nuôi của gia đình. Trong cái âm thầm của niềm xao xuyến phập phồng ấy, anh em bó gối sát bên nhau trò chuyện trong làn khói thuốc lào dầy đặc. Ngoài trời, gió vẫn lồng lộng thổi. Ðêm vào sâu. Vẫn không một động tĩnh của đoàn tầu nào cả. Ðợi chờ. Ðợi chờ.
Từ góc buồng kho chợt có tiếng đàn ghi-ta dạo lên vài giai điệu. Chiếc đàn của “cậu P. Râu” nổi tiếng trong trại tù. Không biết “cậu” đã dầy công thế nào mà gò được những miếng tôn và gỗ ván ép để làm nên 1 cái đàn như đàn ghi ta và âm thanh, kỳ lạ thay cũng gần như ghi ta vậy. Cái đàn xấu xí như vậy, không giống ai như vậy mà cũng phải vào tù ra khám bao nhiêu bận. Bởi vì chủ nhân của nó hay ca trộm “nhạc vàng,” “nhạc ngụy” nên người thì đi kỷ luật mà đàn thì bị tịch thu hoặc bị đập vỡ. Nhưng đàn của “cậu P. Râu” thì dù bọn chúng có đập cũng không thể vỡ được nên nó cứ phải ra tù vào khám cùng với chủ nó. Không những chủ nó quý nó mà anh em ai cũng quí nó. Có nó nên nhiều ngày lễ nghĩ hoặc đêm khuya thao thức nhớ nhà, nhớ cảnh đời cũ thì tiếng đàn lại ngân lên cùng với giọng “Cậu P.Râu” để mọi người cùng thả hồn về tháng năm xưa ngập tràn kỷ niệm.Bây giờ, túm tụm nhau trong nhà kho để hàng của nhà ga Thanh Hóa này, với những tâm tư trĩu nặng, buồn vui lẫn lộn, tương lai mịt mù, sống không ra sống mà chết thì quả thật ít có can đảm. Cái u uất lúc nào cũng chụp xuống đầu anh em, nhất là lúc chúng tôi có dịp quây lại với nhau như lúc này.
Tiếng đàn lại rào rạt lên, điệu Boléro vui tươi nhộn nhịp xua dần những u uất vào đáy tâm thức. Rồi như tự thuở nào vọng đều, bài ca du mục Mexico, Mexicain trải dài trong cái tĩnh mịch của đêm vào sâu.
Một tiếng quát làm oai vọng từ ngoài hành lang vào:
- Anh nào hát đấy.
Nhiều tiếng đáp lại từ phía cửa kho:
- Nhạc Liên Xô, cán bộ ạ.
- Thôi ngủ đi. Ðừng có ca cẩm nhạc vàng, nhạc ngụy đấy nhé.
- Yên trí đi cán bộ, tụi tôi ca toàn nhạc Cu-Ba, Liên Xô không thôi.
- Anh đội trưởng đâu.
- Có tôi.
- Anh nói anh em kỷ luật, giữ yên lặng. Anh nào ngủ được thì ngủ đi. Các anh còn phải di chuyển dài.
- Rõ, Cán bộ.
Ðội trưởng nói lớn:
- Các anh yên lặng nghỉ lấy sức đi. Anh nào không ngủ được thì hát khe khẽ thôi.
Không có tiếng hoạnh họe ở bên ngoài nữa. Chúng tôi biết chắc bọn cán bộ đã tụ họp nhau ở quán nước dưới sân ga vì quá yên tâm khi lùa hết chúng tôi vào nhà kho này. Tường nhà kho thật cao, mái kín mít, chung quanh không một khe hở. Chỉ có một lối ra vào thì lại thông xuống sân. Ngồi trong quán nước, chúng cũng có thể kiểm soát dễ dàng lối đi này.
Chính vì khoảng không trong nhà kho lớn rộng nên nó đã trở thành 1 thính đường tuyệt vời. P. hát say sưa hết bài Mexico lại tiếp sang bài Cu Cu Ru Cu. Anh em lặng đi vì nhớ. Cảnh đời cũ lần lượt hiện ra như những khúc phim đại vĩ tuyến trên màn ảnh lớn ở Rex. Tôi chắc ai cũng nhắm mắt lại để được sống êm đềm. Tiếng hát ấm, điệu nhạc quen thuộc chạy khắp mạch máu chúng tôi. Tôi nghe rõ hơi thở của bạn cùng cùm. Bao nhiêu mối tình được sống lại, bao nhiêu ngày tháng hoa niên được diễn ra. Cuộc tình nào đã mất.
Ðắng cay nào vẫn còn. Người yêu nào còn chờ đợi. Thời gian bỗng chốc như không có. Cứ tưởng ngồi trong phòng trà Ðêm Mầu Hồng. Cứ tưởng như dìu dắt trên bước nhẩy Queen Bee. Cứ tưởng như sắp hết những ngày phép hiếm hoi. Sàigòn hoa lệ quá. Sàigòn ăn chơi quá và Sàigòn vô tình quá. Người chiến binh trở về. Tấm áo bạc mầu, đôi giầy sô vẹt gót vui đi trên phố phường yêu cuồng sống vội. Chiến tranh như cả một cơn giông tố đang đến. Nó sẽ chụp lên đầu bất cứ ai. Sàigòn Giới nghiêm. Sàigòn vẫn đợi. P. đã hát đến bài thứ mấy. Bây giờ là những bản nhạc tình bất hủ của P. Duy. “Uống môi em ngọt” trên đường Duy Tân có trường Luật một thời tôi theo học. Ðường Duy Tân cây dài bóng mát. Cặp đôi dưới bóng cây ngã dài trên hè đường những chiều nắng nhạt hay những sáng cúp cua bởi trong tay đã nhận được “lệnh gọi nhập ngũ.” P. nhắc chúng tôi “dìu nhau đi trên phố vắng” để rồi thoắt chốc P. lên Pleiku, thành phố của lính, thành phố buồn hiu, may mà có em, đời còn dễ thương. Ðể rồi mai nay rời xa thành phố trở về trận địa thì còn chút gì để nhớ.
Ôi, tiếng hát của kỷ niệm. P. đã cho chúng tôi cuộc sống cũ nhưng cũng làm chúng tôi đau đớn tủi hờn, tiếc thương da diết. Ðắm chìm trong âm thanh, ru hồn trong khúc nhạc chợt tỉnh ra thấy thân tù tội khi người bạn cùng cùm cựa mình cho đỡ mỏi thì cũng là lúc lôi người đồng cùm ra khỏi giấc mộng con.
Thời gian như đứng lại. Có không. Tiếng hát vừa dứt. Dưới ánh đèn dầu thật nhạt, mặt P. như một bóng mờ. Trên tường kho lung linh bóng P. Lúc này tôi mới cảm nhận được sâu sắc thế nào là nghệ thuật và thế nào là nghệ thuật vị nhân sinh.
Anh em bừng tỉnh lại như tôi. Một vài tiếng nhắc nhở nhè nhẹ sợ làm tan loãng không khí tuyệt vời mà sau hơn 6 năm tù tội không được thở.
Hai ba ống thuốc lào lặng lẽ được đưa tới gần P. Anh yên lặng, run rẩy vê chút giấy nhỏ châm vào đèn dầu. Hơi thuốc chạy sâu lòng phổi anh. Thuốc ngấm, lòng phổi P. sẽ un đúc lại thành hơi ấm truyền đến anh em bằng tiếng hát ngục tù. Buông cái điều cầy, P. chụp lại cây đàn. Bàn tay anh chạy trên cầu đàn kéo theo cả bàn tay người bạn cùm chung. Bây giờ tôi mới thấy.
Cảnh ấy càng khiến tôi xúc động. P. ơi, có phải lúc ấy anh đã xé hồn anh ra để chúng ta được sống đôi phút kỷ niệm. P. lại tiếp tục hát. Bây giờ là những bài của lính. Và lúc này đây tôi chắc anh em đều nghĩ như tôi, Nhật Trường quả là Nhạc sĩ của lính. Nhạc Nhật Trường giản dị, không kiêu sa, ở cấp nào hát cũng thấy thích hợp. P. đang kể về người nơi tiền đồn nếu không thấy mai nở thì không biết Xuân về hay chưa. Tuyệt thật, có là Chiến binh Việt Nam Cộng Hòa mới thấm được những lời ca này. Xếp bút nghiên theo việc đao cung, người thanh niên nào trong thế hệ 1954-1970 cũng đầy lãng mạn tính trong người. Lãng mạn tính ấy càng được nuôi dưỡng thêm bởi những chương trình nhạc cho lính trên đài Sàigòn, đài Quân Ðội và các đài địa phương và ngay cả trên Ðài Tiếng Nói Tự Do mà mục tiêu là ở Miền Bắc.
Mỗi bản nhạc P. hát lên nhắc nhở đến một cảnh đời, nhắc nhở đến 1 giai đoạn đã sống, dù sống trong cảnh đất nước đang bị họa cộng sản. Chinh chiến bao năm trường mà “Chúa vẫn không đến ban phép lành cho hết chiến chinh.”
Thời gian êm đềm qua đã mấy tiếng đồng hồ, P. vẫn như được tiếp sức, liên tục không ngưng nghỉ. Rồi L. rồi S. lai, như được khích động cùng cực cũng cất lên những lời ca tuyệt hảo. Ðêm tù ca ở Thanh Hóa đã ghi sâu đậm trong tâm tư tất cả anh em trong chuyến về Nam đó.
- Thôi các anh sửa soạn tư trang đi rồi xuống tập họp.
Tiếng bọn cán bộ vọng vào từ hành lang. Té ra bọn chúng đã lên đây tự lức nào. Và có lẽ tiếng hát đã làm mát được những tâm hồn bị nhào nặn trong lò giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa Miền Bắc từ nhỏ. Giọng chúng nói không có vẻ hằn học. Chúng tôi âm thầm nói với nhau:
- Cộng sản có mất hàng thế kỷ, cũng khó mà tiêu diệt được tình cảm con người.***Từ nhà kho, anh em chúng tôi đổ xuống sân ga. Những con đường sắt song song gợi nhớ những chuyến đi của Nguyễn Tuân mà phần nhiều chúng tôi lúc còn là học sinh đều ham thích. Sân ga đèn vàng. Nhưng là cái vàng của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa nên nó u uất. Ðây đó, cách khá xa nhau, một ngọn đèn vàng soi một khoảng hẹp trên sân ga. Nhấp nhô đầu tù trong cái tranh tối tranh sáng. Cảnh thật ảm đạm, nhất là sau những giờ phút chúng tôi vừa được P. dắt về kỷ niệm. Những ánh đèn bấm thoáng lia qua lia lịa. Nhưng đoàn tù vẫn âm thầm chịu đựng. Gió đêm sâu càng buốt hơn. Chúng tôi ôm lấy nhau, túm tụm trên sân ga. Một vài đám lại lập lòe diêm thuốc lào.Một tiếng còi tầu rít lên từ xa. Rồi những âm thanh nặng nề của đoàn tầu đã tới. Anh em chúng tôi xôn xao tìm lại hành trang. Giờ khởi hành đã tới. Mừng lo lẫn lộn khiến trong dạ nôn nao khó chịu.
Ðâu đó có tiếng nói:
- Tầu mới dồn toa thôi. Các anh cứ ở yên chỗ.
Vậy là còn khá lâu. Ðám “xì ke” lại tụ tập lại. Mặc dầu thời gian chờ đợi có vẻ còn dài, nhưng không một ai gợi lại những giờ phút vừa qua trong nhà kho. Có lẽ mọi người đều thấy quí báu quá, muốn được chôn sâu, giữ riêng làm chút kỷ niệm trong những tháng ngày tù.
Nhóm “xì ke” chúng tôi 4 người, ngồi quây lại, đưa lưng về phía gió. Một người nói:
- Hình như mình vào Khe Sanh.
- Nếu tới ga Quảng Ngãi mà tầu trở đầu thì đích thị.
- Làm sao thông báo kịp cho gia đình nhỉ.
- Qua vĩ tuyến rồi, cứ quăng đại các mẩu thư nhắn, may ra có người giúp đỡ.
- Không biết dân nhặt được có gửi giúp tụi mình không.
- Dân Miền Nam thì có nhiều hy vọng...
- Tôi viết thư thế này, “Bà con cô bác ơi, tôi bị đi cải tạo từ 1975 ra Bắc, nay được về Nam, chưa biết về đâu, có thể Khe Sanh, hoặc Xuân Lộc, Hàm Tân tiếp tục cải tạo. Mong bà con cô bác nhặt được thư này gửi giùm về cho gia đình tôi tên... tại... muôn vàn đội ơn bà con cô bác.”
- Trời ơi, nghe thảm quá.
- Kệ. Miễn sao loan báo được cho gia đình, kẻo các bà ấy lại ra thăm nuôi nữa, vừa tốn công, tốn tiền mà không được gặp lại thêm lo lắng.
Tất cả lại yên lặng bi thương. Hình như ai cũng đang nghĩ về vợ con, gia đình, mỗi người mỗi cảnh. Mãi trong câu chuyện, tầu đã dồn toa xong và đậu kế bên chúng tôi lúc nào không hay. Nơi chúng tôi ngồi là khoảng tối, thật tối đến độ không nhìn thấy được chiều cao của toa tầu. Tất cả đều yên tâm là sẽ được lên các toa chở súc vật như chuyến ra Bắc năm nào.
Tiếng còi lệnh từ xa rúc lên. Bọn cán bộ vội vã xua dồn anh em chúng tôi đứng dậy, vào hàng ngũ. Tiếng bọn quản giáo gọi các đội trưởng inh ỏi:
- Các anh đội trưởng báo cáo quân số đi.
- Ðủ hết, cán bộ.
- Ôi dào, anh này, anh đếm lại kỹ đội anh cho tôi đi.
Chúng tôi ngạc nhiên, tại sao hôm nay chúng lại đổi giọng. Mọi khi đội trưởng mà nói thế thì thế nào chúng cũng la lối om sòm.
Ánh sáng bỗng ùa lên. Ở đâu thế. Anh em đều nhớn nhác. Rồi tiếng xôn xao bắt đầu nổi rõ:
- Các toa chở hành khách.
Niềm vui chợt lan nhanh. Ánh sáng, dù là mù mờ, nhưng đã như thêm độ sáng vì đêm quá tối, tại các toa xe lửa hắt ra soi mờ nhạt từng nét mặt thoáng vui, rồi lại dè đặt.
Chúng tôi được dồn lên 2 toa chở khách hạng nhì, tức là có băng ghế gỗ cho 3 người nhưng chúng tôi phải ngồi tới 4. Thế mà vẫn không đủ ghế nên một phần ba đã phải nửa ngồi nửa nằm trên sàn tầu, tại các lối đi và ngay cả trước phòng vệ sinh nữa.
Tới cả tiếng sau nữa, tầu mới chuyển bánh. Tôi đoán lúc đó khoảng 3 giờ sáng.
***Tiếng xe lửa đều đặn đã sớm ru ngủ anh em. Toa xe đầy người mà thật vắng lặng. Hai tên vệ binh ngồi mãi lối lên xuống xe trên bốn chỗ dành riêng cũng đang ngật ngừ, khẩu súng AK lỏng lẻo trong lòng. Tôi lén kéo cánh cửa gỗ lên. Qua khung kính, trời vẫn tối đen bên ngoài. Thỉnh thoảng lại có 1 vật gì vụt qua. Có lẽ là những cột điện hay thân cây, đang lùi lại sau như Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Mỗi phút một xa chúng tôi. Ôi! Sáu năm với rừng già, suối độc, sống đời ăn lông ở lỗ. Sáu năm với những cảnh đời khác biệt hẳn với quá khứ mà mỗi khi nghĩ về, tôi cứ tưởng cái quá khứ ấy là xứ hoang sơ nào đó mãi bên rừng già Phi Châu mà tôi đã nằm mơ. Sáu năm leo núi, trèo đèo hàng ngày. Sáu năm xây cất nhà tù để rồi lại phá đi xây cất lại. Sáu năm đan lát vật dụng bằng tre nứa. Sáu năm làm quen với nền văn minh hiện đại của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa như một tên cán bộ kỹ thuật khoe: “Các anh có thấy 1 nước nào trên thế giới mà xây dựng cả một cái hội trường lớn chứa cả trăm người như thế này mà không phải dùng tới 1 cây đinh chưa ! Ðó, các anh rất thiếu kiến thức về dân tộc Việt Nam anh hùng. Tại sao tre nứa ta có nhiều mà ta lại phải nhập hàng ni-lon làm rổ rá, đồ dùng bằng nhựa? Các anh được đảng và nhà nước khoan hồng tha tội chết lại còn được học tập lấy một nghề để mai này ấm vào thân các anh mà các anh còn chây lười lao động...” Tôi nhớ nét mặt vênh váo của anh ta lúc ấy thật tức cười. Bởi vì cái hàm răng hô của anh không làm sao để cho cái môi trên che kín được, khiến lúc nào anh ta cũng như sắp cười. Anh ta nói say sưa những điều anh ta được nhồi nhét từ nhỏ. Anh ta kiêu hãnh thực bởi vì cả đời anh ta chắc chưa nhìn được thấy cái gì khác hơn vùng anh ta ở. Mà vùng này, thuộc huyện Phù Yên, một huyện vùng núi tỉnh Sơn La, chỉ có thưa thớt dân thường và một ít người Hà Nội, sau năm 1954 phải đày đi kinh tế mới ở đây.
Tận trong thâm tâm chúng tôi thường thấy thương hại những con người như vậy. Nếu anh được sinh ở Miền Nam, có lẽ anh đã ngồi trên những chiếc máy cầy nhỏ chạy trên ruộng đất của mình.
Trời bắt đầu hửng sáng. Lờ mờ những khuôn ruộng nhỏ hiện trên khung kính toa xe. Vẫn là những khuôn ruộng chưa đến 1 công cầy rải rác đó đây. Những năm ở núi rừng Miền Bắc, bọn cán bộ thường khoe khoang là ở Miền Bắc nông nghiệp đã được hiện đại hóa. Sức máy đã thay sức người. Con người đang được giải phóng để tiến lên thiên đường cộng sản. Và chúng tôi, dĩ nhiên, chưa bao giờ tin được bất cứ lời nói nào của họ, dù chúng tôi chưa có dịp được nhìn thấy hàng đoàn máy cầy xếp hàng ngang chạy trên “những đồng ruộng không còn be bờ đắp vũng như xưa nữa.”Trời đã sáng hẳn. Xe lửa đang chạy trên vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Trên đồng ruộng đã đầy người xa xa, một vài đám mà cờ xí biểu ngữ nhiều hơn người, đang tụ tập trên bờ ruộng. Họ đang “Ra Quân Xuống Ðồng” bắt đầu vụ Ðông-Xuân. Gần bên đường xe lửa chạy chúng tôi vẫn thấy người cầy thay trâu bò. Cảnh này quá quen thuộc với anh em chúng tôi. Bao nhiêu lần rồi tôi đã phải làm trâu cùng với một bạn tù nữa kéo cái cầy hay cái bừa trên những thung lũng sình lầy của núi rừng Việt Bắc. Nước với đất mùi sền sệt, quánh lại, váng đỏ phía trên, đen kịt phía dưới với hằng hà sa số là đỉa. Thế mà chúng tôi vẫn phải lội xuống cầy, bừa, làm cỏ cho loại lúa nương èo uột. Ðến giờ giải lao bước lên bờ nhìn lại đôi bắp vế thấy cả chục con đỉa đen to, mọng máu mình. Bao nhiêu tháng ngày qua như thế đã lấy đi mất 1 số anh em nhiễm bệnh sốt vàng da. Tôi thầm cầu nguyện cảm ơn Trời Phật đã cho tôi thoát khỏi cái thời gian kinh hoàng ấy.
Tầu vẫn xình xịch chạy trong cái suy nghĩ miên man. Cảnh đời bên ngoài của người dân đã chắc hơn gì chúng tôi. Một niềm đau xót dội lên khi chợt nghĩ về vợ con, gia đình. Thư sau cùng tôi mới nhận được thì vợ tôi loan báo đã cùng các con đi kinh tế mới theo lời cán bộ phường khóm chỉ bảo để cho chồng sớm được về đoàn tụ. Không biết vợ tôi viết “kinh tế mới” theo nghĩa nào. Nghĩa đen hay nghĩa bóng. Nghĩa bóng là “vượt biên.” Nghĩa nào thì cũng khiến tôi lo lắng. Không dưng tôi nhìn đứa bé khoảng 9 tuổi cùng với anh nó khoảng 10, 11 tuổi cùng gò lưng kéo cái bừa mà người đàn bà vẻ lam lũ đang cố lựa đẩy phía sau, trên thửa ruộng xăm xắp nước, mà tưởng như 2 đứa con của mình. Cha nó đâu? Ði cải tạo hay còn đi chiến đấu làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tôi định thần nhìn kỹ, trên khắp ruộng đồng phần lớn là đàn bà, trẻ em. Có một vài thanh niên, tráng niên thì lại đứng trên bờ chỉ trỏ. A, bọn cán bộ xã đó. Chúng đang phân công, đang lập kế hoạch thi đua để lập công dâng Bác và Ðảng trên sức đàn bà trẻ em này. Hai má tôi ấm nước mắt. Tôi quay nhìn vào trong bắt gặp người bạn đồng tù ngồi trước mặt tôi cũng đang thờ thẫn. Hai ánh mắt gặp nhau. Anh lắc đầu ngán ngẩm.
Ðoàn tầu chậm dần. Hình như nó sắp vào một ga nào đó. Một bạn tù ngồi gần phía tên vệ binh hỏi gì đó, hắn lắc đầu nhướn nhìn ra ngoài. Tên quản giáo chợt xuất hiện, ngó khắp một lượt anh em chúng tôi. Chợt hắn nhìn thấy cánh cửa sổ gỗ che trong khuôn kính nào cũng được kéo lên cả, hắn đanh giọng :
- Ai cho các anh kéo cửa lên thế. Có đóng lại không. Nhân dân mà thấy các anh là họ ném đá vào toa đấy. Ðóng lại. Khẩn trương lên.
Các cánh cửa được kéo sập xuống. Nhưng tôi cũng đã thoáng nhìn thấy chữ Ga Ðồng Hới. Tên quản giáo quay đi, tiếng xôn xao nổi lên liền:
- Ðồng Hới.
- Ga tới là Ðông Hà rồi. Sắp vào tới Miền Nam!
Trưa nắng bên ngoài gắt gao. Không khí có vẻ ấm lại. Tôi vụng trộm đẩy dần cánh gỗ lên để nhìn quang cảnh bên ngoài. Ga Ðồng Hới cũng thưa thớt người - Một vài quán nước lèo tèo ở sân ga. Khách là đám người ăn bận quần áo bộ đội mà không phải bộ đội vì hầu hết, thanh niên tráng niên ở Miền Bắc đều phải đi bộ đội khi phục viên được cho giữ quần áo lính. Vả lại quần áo lính thì bền nên nó đã trở thành mốt ăn mặc của nhân dân Miền Bắc nhiều năm qua. Những quán nước tư nhân vẫn là những cái chõng tre trên để cái tủ kính nhỏ bầy vài gói thuốc lá, thuốc lào, dăm cái kẹo lạc, ít bánh lá và 1 bình nước trà lớn tướng. Tôi tự hỏi, “không biết họ có bán cà phê như đại đa số quán bên đường ở Miền Nam không.” Rồi tôi lại chợt nhớ có lần bọn cán bộ vệ binh hỏi chúng tôi :
- Ở phía Nam, các anh hay uống cà phê lắm nhỉ.
- Ða số dân Miền Nam, cả đàn ông lẫn đàn bà đều hay uống cà phê đá.
- Uống có đường không?
- Có chứ, Cán bộ.
- Ðường ở đâu ra cho đủ.
- Trời ơi, Cán bộ vào quán nước, bàn nào cũng có hũ đường để sẵn, muốn uống bao nhiêu, tùy. Nhưng có ai uống cà phê ngọt quá đâu.
- Anh nói thế nào ấy chứ!
Tên cán bộ ấy nhất định không tin những điều chúng tôi nói. Hắn cho là chúng tôi tuyên truyền vì hắn không thể nào hình dung nổi đường để ê hề, ai muốn ăn bao nhiêu cũng được. Bởi vì ở Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của hắn đường chỉ được phát cho cá nhân 3 tháng 1 lần, mỗi lần 1 hoặc 2 trăm gờ ram. Có khi khan hiếm quá, đường trở thành thứ để “bồi dưỡng” cho người có công hoặc chức vụ.
Chúng tôi không biết đoàn tầu này có bao nhiêu toa, nhưng chắc chắn là có 2 toa tù chúng tôi. Nhưng đến đây chúng tôi mới được biết có cả thẩy 4 toa tù, nhờ vào khúc quanh mà chúng tôi nhìn thấy. Ngoài 4 toa tù này, có đến 5, 6 toa hành khách, nhưng giữa các toa hành khách với các toa tù là 1 toa riêng cho bọn cán bộ. Anh em chúng tôi bình luận với nhau:
- Vậy là không đến nỗi nào.
- Là sao?
- Không lẽ hành khách lại cũng vào Khe Sanh cả.
- Ôi! sao ông ngây thơ thế. Tới một ga nào đó, buổi tối, anh em ta sẽ lại bị lùa xuống hết và lại lên các xe mô-lô-tô-va và xuyên rừng vào Khe Sanh, mấy hồi.
Không khí đang vui, lại chợt lắng xuống vì cái nhận xét quá thực tế của một bạn tù. Ðoàn tầu lại chuyển bánh. Nhiều anh em tìm lại thế nằm cho đỡ mỏi vì cái cùm dính tay 2 người cứ phải nằm hoặc ngồi nghiêng về một phía mãi. Có tiếng thì thầm bên tai tôi:
- Lúc nãy cậu có thấy gì không?
- Không.
- Ở sân ga phía ngoài có khá đông người.
- Chắc hành khách chờ tầu.
- Không, hành khách gì mà bọn công an cứ xua đi như xua tà. Tôi còn thấy nhiều cánh tay vẫy bọn mình nữa.
- Rồi sao.
- Thế thôi. Cậu có vứt được mẩu thư nào chưa.
- Chưa. Còn cậu.
- Rồi. Hai lần.
Tôi trợn mắt nhìn người bạn tù. Anh ngồi ngay cạnh tôi mà sao tôi lại không biết. Tôi hỏi với đầy vẻ thắc mắc :
- Cậu tài quá. Làm sao cậu làm được?
Anh cười kiêu hãnh. Rồi thong thả anh đưa ánh mắt xuống sàn tầu. Tôi chợt hiểu ra. Sàn tầu là những thanh gỗ liền nhau dọc theo các gờ khung sắt. Thanh gỗ dưới chân chúng tôi đã mục và gờ sắt đã sét, có ai đó đã khoét rộng thành 1 khe đủ đưa lọt lá thư nhỏ. Anh bảo tôi:
- Làm đi chứ... Cậu có mấy cái.
- Ba cái. Ðịnh để qua ga Ðồng Hới...
- Ít thế. Tôi viết sẵn 10 cái, cứ liên tiếp bỏ tại các ga. Thế nào cũng có 1 cái lọt về đến nhà. Ðồng bào vẫn thương tụi Quốc Gia mình lắm.
Tôi làm theo lời anh. Hình như tâm tư vơi đi được đôi phần.
Tất cả chúng tôi đều rất tỉnh táo khi đoàn tầu vượt qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu đã đi vào lịch sử VN trong giai đoạn đau thương của đất nước. Bờ Nam trải ra trước mắt, những nét quen thuộc vẫn còn đó. Nó khác hẳn với phía bên bờ Bắc. Những con đường nhựa rộng hơn, phẳng hơn. Mái nhà bằng tôn thay vì bằng lá. Ðồng ruộng, cây cỏ hình như xanh hơn. Ðó là những nhận xét ồn ào đầy chủ quan của anh em chúng tôi. Thật ra thì cũng đúng. Bởi lẽ ở miền Bắc, sau những năm trong các trại tù, nhiều lần chúng tôi được chuyển trại đi qua các khu dân cư đều thấy cảnh vật làng quê miền Bắc vẫn như hồi trước năm 1954. Có thay đổi chăng là từng cụm nhà gạch ở đầu mỗi làng. Ðó là cơ quan nhà nước hay hợp tác xã hoặc là nhà ở của chủ tịch xã. Dân chúng vẫn ở trong những nếp nhà tranh mục nát bao nhiêu đời nay. Có những căn nhà, ruộng lúa lấn vào đến tận thềm. Một cái nhìn thoáng cũng đủ thấy cảnh khốn cùng của dân quê miền Bắc sau bao nhiêu năm được hưởng một chế độ “ưu việt.”
Tôi đưa tầm mắt đi xa. Ðồng ruộng miền đất lửa trước đây bây giờ loáng thoáng xanh tốt. Dân chúng lưu lạc về thành phố tránh chiến tranh nay có thể đã lục tục trở về cầy cấy mảnh đất khu vườn của ông cha để lại. Bỗng trong tim tôi chợt nhói lên. Tôi định thần và cố điều chỉnh tia nhìn cho thật rõ lại. Cả một mái nhà tôn phía xa là lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ đã nhạt mầu. Tôi ra dấu cho các bạn tù ngồi gần thì chợt nhận ra tất cả chúng tôi đều đã thấy.Lá cờ được sơn trên mái vào những tháng ngày cuộc chiến Quốc Cộng tranh vùng xôi đậu. Ðến nay, sau bao nhiêu mưa nắng nó vẫn còn, mặc dầu nó đã bị nhạt mầu. Lá cờ cũ trên nóc nhà dân trên bờ Nam sông Bến hải, đối với chúng tôi, như một thách thức âm thầm, bền bỉ với kẻ thù và đồng thời nó cũng là niềm khích động hăng say mới cho tâm hồn chúng tôi. Người bạn đồng tù lẩm nhẩm bài Quốc Ca, rồi anh cười nói:
- Vẫn còn nhớ đủ, cậu ạ.
Nhìn lại được mầu cờ, nghe lại được bản quốc ca, thân thể tôi như tê dại vì xúc động. Ôi trước đây có bao giờ đứng nghiêm trang trong các buổi lễ chào cờ, tôi lại có được những xúc động tột cùng như thế này. Bây giờ, trong một cách thế không nghiêm trang tí nào vì phải nửa nằm nửa ngồi để có được thoải mái với người cùng cùm, tôi lại thấy tất cả những thiêng liêng sâu sắc ẩn tàng trong lá cờ và trong âm thanh quốc ca. Tôi vội cố ngồi nghiêm chỉnh.
Người bạn cùng cùm khẽ rên:
- Cậu ngồi cao quá, kéo cánh tay tôi đau ghê.
- Ồ, xin lỗi. Cậu cũng ngồi cao lên đi.
- Ngồi không có chỗ tựa, mỏi lắm.
- Chúng mình xoay lưng vào nhau vậy.
Bên ngoài khung cửa tầu, chiều xuống rất mau. Nắng hoàng hôn dọi chiếu trên mái nhà có sơn cờ lấp loáng, lấp loáng rồi vụt mất hẳn. Tầu đi thật chậm nhưng cảm giác của tôi lại thấy tầu đi quá nhanh.
Ðêm xuống. Ðoàn tầu như chui vào bóng đêm và chúng tôi bắt đầu tìm giấc ngủ để sáng mai nầy được nhìn tiếp các thành phố ruộng đồng miền Nam yêu dấu mà chúng tôi đã không bảo vệ được.
Tầu đỗ lại ga Huế lúc năm giờ sáng. Trời đất còn tối om. Khí lạnh của những ngày cuối năm còn cùng với sương muối bao phủ thành phố. Không khí xao động trong nhà ga gợi cho tôi cái cảm giác của những chuyến đi công tác ra Trung ngày nào. Trong sân ga, một vài người thờ ơ nhìn đoàn tầu đến. Họ không nhìn thấy gì đâu vì khoảng cách khá xa, vả lại họ còn đang nôn nóng bên những đống hàng chồng chất. Kẻ buôn xuôi, người bán ngược cò con trên những chuyến tầu Bắc Nam chắc hẳn còn đang lo lắng trong những khó khăn của cuộc sống. Có ai còn nhớ đến có hàng trăm ngàn người đi tù cải tạo trên khắp đất nước và giờ đây đang phiêu linh trong chuyến tầu gần họ này không. Bỗng nhiên tôi cảm thấy chúng tôi xa cách họ quá. Những người dân cùng khổ, lam lũ kia như là những người của thế giới khác.
Tầu lại đi, bỏ qua tất cả những ga nhỏ. Chúng tôi đang tiến sâu vào đất miền Nam. Ga tới sẽ là Ðà Nẵng. Với tốc độ này của tầu thì cũng phải 2, 3 giờ chiều mới tới. Anh em đã bắt đầu mệt nhọc trở lại. Nhiều người lại ngủ như mặc cho cuộc thế xoay vần.
Bỗng ở lối đi thông từ toa cán bộ, năm thanh niên trai gái xuất hiện. Họ ăn mặc sạch sẽ, nét mặt vui tươi, sáng sủa. Từng người một, họ len lách qua toa tầu của chúng tôi. Một cô gái nói:
- Chào các chú, các bác.
Anh em vội vã lấy lại tư thế, mỉm cười đáp lại. Chúng tôi đã nhìn được rõ trên ve áo của họ là dấu hiệu nhân viên Hỏa Xa. Một giọng của cô gái miền Nam cất lên:
- Các chú, các bác có cần nước uống không?
Một vài người lấy bi đông ra đưa cho cô gái nhân viên Hỏa Xa. Số bi đông bỗng chốc dôn lên khiến 5 thanh niên cầm không hết. Họ lúng túng. Một cô ghé tai tôi nói nhỏ:
- Chú có gửi gì không. Cứ để trong các gạt tàn thuốc.
Tôi ngó nhìn cô gái. Mặt cô lạnh lùng, nghiêm chỉnh thu gom lại các bi đông. Tôi vội nhìn ra phía cửa toa tầu. Hai tên quản giáo đứng đó tự bao giờ đang theo dõi hành động của 5 nhân viên hỏa xa này. Chúng tôi vội nói to:
- Cảm ơn các cháu đã cho nước.
Một tên quản giáo nói:
- Các đồng chí hỏa xa khẩn trương lên. Lát nữa các đồng chí cứ để nước ở đầu toa là được rồi.
Không có ai trả lời. Hình như giữa nhân viên Hỏa Xa với bọn công an không khí cũng không hòa hợp tí nào.
Chúng tôi loan báo cho nhau tin tức để chuyển các thư vào những nơi mà 5 thanh niên nhân viên hỏa xa đã khéo léo dặn dò. Một tin lan nhanh: “Cô gái đi đầu là cháu họ của một người trong anh em chúng tôi.” Thế là chúng tôi chủ quan ngay: “Gặp phe ta rồi.”
Tuy vậy chúng tôi vẫn đề cao cảnh giác. Rất ít người gài thư vào nơi gạt tàn thuốc mà đợi đưa tận tay hoặc tìm cách ném ra ngoài mỗi khi tầu đi qua các thị trấn.
Thời gian qua thật nhanh. Nắng bên khung cửa tầu đã đổ chếch. Có lẽ đã hơn hai giờ chiều rồi mà đoàn tầu vẫn còn lang bang trên các cánh đồng vắng lặng. Các cô bé nhân viên hỏa xa vẫn đi lên đi xuống, từng chặp. Và mỗi lần đi như vậy, các cô lại thu được một ít “tin nhạn” của anh em chúng tôi. Bọn quản giáo lúc đầu còn theo dõi, sau chúng cũng mặc. Thế là một số câu chuyện giữa chúng tôi với “dân chúng” được diễn ra vụng trộm:
- Các cháu phải hết sức cẩn thận đấy.
- Nhớ gửi giúp cho chú.
- Các chú cứ yên tâm. Nhân dân miền Nam vẫn là của các chú. Chuyến trước, tụi cháu tới thành phố Saigon là chia nhau đi suốt đêm để chuyển thư cho các chú, không sót một cái nào đâu.
- Tụi công an không có quyền khám tụi cháu ở trên tầu.
Thấp thoáng có tên cán bộ ở cửa toa. Cô gái nhân viên hỏa xa nói lớn:
- Xin các chú, các bác lưu ý, đừng xả rác trên tầu. Hãy bảo quản tốt tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa.
Rồi cô đi săm soi sửa lại các cánh cửa sổ và luôn miệng ra lệnh cho các bạn chia nhau đi kiểm tra vệ sinh trên tầu.
Lúc này, tất cả anh em chúng tôi đều như được bơm một luồng sinh khí mới. Bao nhiêu năm thiếu vắng những tiếng nói chân tình. Bao nhiêu năm bị đối xử như không phải là người. Bao nhiêu năm chỉ thấy những ánh mắt thù nghịch. Bao nhiêu năm chỉ thấy những đe dọa, sỉ nhục. Nay, được nghe những lời nói êm đềm và được biết “Nhân dân miền Nam vẫn là của các chú” thì chúng tôi lại như cây khô được tưới nước. Anh em âm thầm nhìn nhau sung sướng. Nhưng nỗi sung sướng ấy không tột cùng được bởi ai nấy đều nghĩ đến cái trách nhiệm chung là đã để đất nước rơi vào tay cộng sản. Bao nhiêu năm trong tù, biết bao nhiêu lần anh em chúng tôi bàn về cái thế nước mất và thường đi đến kết luận đổ cho thời thế mà ít khi nhận lấy trách nhiệm. Nhưng bây giờ được nghe lớp con cháu nói, mới thấy tất cả những ăn năn, những xấu hổ. Chúng tôi chỉ còn biết nhìn nhau tìm thông cảm.
Ðoàn tầu chậm hẳn lại. Nhiều cán bộ quản giáo và vệ binh xuất hiện ở hai đầu toa tầu. Mặt chúng nghiêm trọng. Chúng nói lớn:
- Các anh kéo hết cửa xe lên.
Rồi chúng chia nhau đi soát lại từng cửa sổ một. Những tiếng lộp bộp xa xa bắt đầu nổi lên. Lại thêm một số cán bộ nữa ùa vào toa chúng tôi. Một tên vệ binh chắc chỉ độ 18 tuổi, mặt non choẹt, chửi tục:
- Ð.m chúng nó ném đá lên đầy toa mình ngồi.
Tên quản giáo vội quát lớn:
- Ðồng chí Tèo im miệng đi. Ðồng chí ra ngoài làm phận sự.
Rồi hắn giải thích với chúng tôi:
- Các anh thấy đó, nhân dân còn giận dữ với các anh. Nếu nhà nước mà cho các anh về sớm, nhân dân cũng không tha cho các anh đâu.
Chúng tôi không thể tin được là bên ngoài nhân dân đang ném đá vào đoàn tầu. Có thể đã tới ga Ðà Nẵng rồi. Ðây là miền Nam. Ðây là nhân dân, bà con của chúng tôi. Không lẽ... Chuyện ném đá chỉ xẩy ra khi chúng tôi được đưa ra Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Trong những dịp chúng tôi tiếp xúc trộm sau đó mới được biết rằng bọn cộng sản đã xúi giục nhân dân thù hận chúng tôi và chính chúng với bọn có mồi đã ném đá lên các đoàn xe chở tù chứ nhân dân thì chẳng có ai nỡ cầm hòn đá mà ném chúng tôi cả. Có điều họ rất giận chúng tôi là thay vì phải giải phóng miền Bắc thì lại để cho chúng nó chiếm mất miền Nam làm nhân dân miền Bắc mất luôn cả hy vọng.
Tầu đã vào ga Ðà Nẵng. Tiếng huyên náo lớn và rõ trên sân ga. Bọn cán bộ gọi nhau:
- Các đồng chí xuống hết cả dưới sân.
Tôi tìm cách hé cánh gỗ che cửa sổ. Một quang cảnh thật xúc động. Tôi vội ra dấu cho anh em. Nhiều người cũng hé cửa ra nhìn. Quang cảnh làm anh em chúng tôi đứng cả dậy.
Tên vệ binh còn sót lại, giữ nhiệm vụ canh gác vội quát to:
- Các anh trật tự. Anh nào lộn xộn tôi bắn.
Nhưng tất cả đều đã dồn về các khung cửa sổ. Các cánh cửa gỗ đã kéo lên hết. Sân ga đông đặc người. Ðàn bà, trẻ em, ông bà già... Những bạn hàng, người buôn thúng, kẻ bán bưng... Họ đang vẫy tay reo hò chào, gọi chúng tôi. Bọn công an trên tầu cũng như dưới đất đang phối hợp nhau làm một hàng rào cản không cho dân chúng đến gần toa tầu chở tù. Nhưng dân chúng đông quá, họ đã tràn vào đến sát toa tầu của chúng tôi. Anh em dơ cả tay lên chào đón họ. Những cổ tay xích xiềng được in trên các khung kính.
Tôi thấy rõ nhiều bà, nhiều cô kéo vội vạt áo lên lau mắt. Có tiếng nói lớn từ đám đông:
- Tàn nhẫn quá. Cùm người ta như thế kia à!
- Bỏ cùm ra đi! Bỏ cùm ra đi!
Ðám đông nhốn nháo nhìn cả về phía toa xe chở cán bộ. Phía đó, mưa đá đang lao vào làm bể một số cửa kính. Bọn công an đổ xô về phía đám thanh niên đang ném đá. Bắt bớ và giằng co diễn ra. Chúng tôi lo ngại cho phía ngoài, chờ đợi tiếng súng nổ.
Phía này, dân chúng nhao lên:
- Mở hết cửa toa đi các anh.
Như được tiếp sức, chúng tôi mở cao hết các cánh cửa sổ toa tầu. Tên vệ binh thét lên:
- Các anh đóng ngay cửa lại. Họ ném đá vào đó.
Vừa lúc đó, rào rào các thứ được tung qua cửa sổ. Chúng tôi nhận ra ngay. Không phải là đá. Ðó là bánh mì, bánh chưng, giò chả, nước ngọt, thuốc lá Bastos xanh, kẹo, bánh, chuối, dứa, ôi, không còn thiếu một thứ thức ăn nào mà chúng ta thường thấy bán rong trên các chuyến tầu hỏa hay trên các chuyến xe ca. Bên ngoài, dân chúng đang bị bọn công an dồn ra xa nhưng dân chúng thì không ngớt la hét:
- Các anh nói là nhân đạo, nhân đạo. Sao cấm chúng tôi tiếp tế cho tù.Vẫn có tiếng nói vọng lên toa chúng tôi:
- Các bác, các chú ăn đi mà giữ sức khỏe. Của nhân dân tặng đó.Ðám đông bị dồn ra xa. Chợt ngay dưới chân cửa sổ tôi ngồi, một em bé khoảng 9,10 tuổi đen đúa, ăn mặc rách rưới cố đưa cao gói ni lông mà tôi thấy thoáng trong đó có gói thuốc Bastos xanh và một phong kẹo lạc. Em nói to:
- Cầm đi chú.
Tôi bảo:
- Thôi, các chú có đủ rồi.
- Chú lấy đi. Cháu cho đó. Không bán đâu.
Té ra là cậu bé bán dạo trên sân ga mỗi khi có đoàn tầu đến. Tôi vội lục lấy tờ 5 đồng đưa cho cậu bé.Cậu bé lắc đầu vừa lúc một tên công an chạy đến tóm lấy gáy cậu. Cậu chống cự lại và nhìn chúng tôi bật khóc. Cậu cố tung gói quà lên phía tôi, nhưng gói quà lại rớt xuống đất và cậu bị tên công an lôi đi xềnh xệch.
Tôi rũ người xuống trong toa tầu không còn để ý đến bọn công an đang ùa lên, giẫm đạp lên chúng tôi để kéo hết các cánh cửa sổ xuống.
Rồi Quảng Ngãi. Qui Nhơn. Nha Trang. Phú Yên... Ga nào cũng cảnh ấy diễn ra. Càng về sâu miền Nam, dân chúng đứng đón chúng tôi càng nhiều hơn. Các nhà ga đã được lệnh không cho dân chúng vào và bọn công an địa phương cũng đã vây kín sân ga.
Trong khi đó thì dân chúng lại tập trung đông đặc tại các ngã tư đường nơi tầu chạy qua trong thành phố. Bánh kẹo, thuốc lá, nước uống được dân chúng quăng lên đầy xe. Mối tình nhân dân đối với chúng tôi thật quá đậm đà, sâu sắc càng khiến chúng tôi sầu khổ, tự trách mình.
Nguyên HuyChúng tôi biết rõ, những tháng ngày còn tiếp tục tù đầy ở miền Nam sẽ là những tháng ngày để chúng tôi ôn lại những cảnh này và sẽ cùng nhau chịu đựng những vò xé trong tâm tư. Chắc chắn sẽ còn rất ít ai lẩn trốn trách nhiệm, đổ cho thời thế làm nước mất nhà tan nữa.