Tuesday, 29 July 2014

Hợp pháp, nhưng tầm bậy - Nguyễn đạt Thịnh



Hãng âu dược Pfizer


Công ty dược phẩm Mylan Inc.
 
Nói chuyện với sinh viên tại Los Angeles Technical College, Nam California, hôm thứ Sáu 25 tháng Bảy, Tổng Thống Obama nặng lời chỉ trích các hãng xưởng Hoa Kỳ, lợi dụng một lỗ hổng trong luật thuế khóa để di dời sang Ireland hầu trốn thuế đáng lẽ họ phải đóng tại Mỹ.

Ông Obama nêu đích danh Ireland, nhưng thật ra quốc gia nho nhỏ này chỉ là một trong gần một chục quốc gia đã và vẫn còn đang đón nhận những công ty Mỹ “đổi địa chỉ,” đổi danh xưng để trốn thuế doanh nghiệp Mỹ quá nặng.

Obama nói với cử tọa, “Nếu các anh không có quyền tự chọn mức thuế nào vừa ý mình để đóng, thì các hãng xưởng cũng vậy. Họ bảo việc họ làm là hợp pháp; tôi bảo việc họ làm là tầm bậy.” Obama lên án các doanh nghiệp làm bậy vì họ chọn nước nào có mức thuế nhẹ để đóng, nhưng lại công nhận việc làm bậy đó không phạm pháp! Nói cách khác, ông tổng thống không nói chuyện phép nước, mà chỉ trình bầy quan điểm riêng của ông; 41 toán doanh nhân Mỹ đang trốn thuế có thể không quan tâm lắm đến quan điểm của một cá nhân, dù cá nhân đó là tổng thống Hoa Kỳ.

Hãng tin Reuters viết Obama nêu lên tình trạng các doanh nghiệp đang theo nhau làm việc tráo trở, mở văn phòng tại Ireland để khai và đóng thuế lợi tức tại đó trong lúc doanh nghiệp của họ vẫn hoạt động, vẫn sản xuất, và mua, bán tại Hoa Kỳ.

Ông Obama dùng chữ “unpatriotic tax loophole” -lỗ hổng thuế vụ không yêu nước- để chỉ trích hành động trốn thuế của các doanh nhân. Yêu hay không yêu nước cũng vẫn chỉ là góc nhìn cá nhân của ông Obama.

Trả lời cuộc phỏng vấn truyền hình của đài CNBC, ông Obama nói, “Những doanh nhân trốn thuế đó mua một doanh nghiệp nhỏ tại Ireland hay tại một quốc gia khác, rồi tuyên bố là từ ngày hôm nay chúng tôi là một doanh nghiệp Ireland; mặc dù tại Ireland họ chỉ có 100 công nhân, trong lúc họ có 10,000 công nhân tại Hoa Kỳ; việc làm của họ chỉ là khai thác một lỗ hổng trong hệ thống thuế khóa. Những doanh nghiệp đổi địa chỉ sang Ireland đó, vẫn không phải là doanh nghiệp Ireland, mà là doanh nghiệp Hoa Kỳ.”

Nghiêm khắc lên án những doanh nhân này, Obama còn nói việc họ làm mang ý nghĩa đào ngũ, chối bỏ quốc tịch Hoa Kỳ của họ.

“Các công ty này chỉ tự nhận họ là công ty Mỹ khi họ cần được trợ giúp bằng tiền thuế của người Mỹ,” Obama nói, và có ý nhắc lại việc nhiều công ty đã suy sụp vài năm trước được chính phủ dùng ngân sách cho vay để tái tục hoạt động và trở lại sung túc như hiện nay, để rồi giờ này trở mặt, phủ nhận họ không phải là công ty Mỹ.

Lý do các công ty chọn đóng thuế cho Ireland là thuế doanh nghiệp tại đó chỉ có 12.5%, trong lúc thuế doanh nghiệp tại Hoa Kỳ lên đến 35%. Giải pháp cần làm là sửa chữa lại đạo luật thuế khóa, giảm mức thuế nhẹ bớt, rồi đóng kín những lỗ hổng thất thoát để doanh nghiệp Hoa Kỳ không còn có thể đem tiền đóng thuế cho chính phủ Ireland để khỏi đóng thuế doanh nghiệp tại Mỹ.

Việc làm giản dị này không thực hiện được vì Hạ Viện đang do đảng Cộng Hòa nắm quyền đa số, và các chính khách Cộng Hòa được doanh nghiệp tài trợ quỹ tranh cử nên thường thắng cử. Ông Obama vận động với cử tọa cử tri sinh viên một nền kinh tế ông gọi là “economic patriotism” -nền kinh tế yêu nước- và gọi việc các doanh nghiệp trốn thuế là không yêu nước.

Theo thống kê của tổ chức Tax Justice Network thì khoản tiền trốn thuế trong năm 2012 là từ $21 trillion đến $32 trillion -tính thành thuế, thì con số thất thoát đó lên đến $11,200 tỉ mỹ kim, trong tổng số ngân sách Liên Bang $2,449,000 tỉ Mỹ kim.

Hãng âu dược Pfizer do một kỹ sư hóa học người Mỹ gốc Đức tạo lập từ năm 1849 tại Brooklyn; năm nay hãng đang làm thủ tục để trở thành một hãng âu dược của Anh, cũng với mục đích trốn thuế. Việc làm mang lại lợi lộc lớn lại tương đối giản dị: Pfizer chỉ cần có một địa chỉ hợp pháp tại Anh, và có môn bài hành nghề tại đó để mỗi năm, mỗi đóng thuế cho chính phủ Anh. Thuế doanh nghiệp tại Anh chỉ có từ 21% đến 26%, trong lúc Hoa Kỳ đánh thuế doanh nghiệp từ 15% đến 35%; thuế Ireland, rẻ nhất -12.5%; sau đó là Canada, 15%, Hồng Kông, 16.5%, Singapore 17%.

Tính từ 2005 đến năm nay -2014- Hoa Kỳ đã có 24 công ty, tị nạn thuế ra ngoại quốc, năm nay, việc di dời rộ nhất, với 9 công ty. Tính từ 1982, tổng số doanh nghiệp di dời để trốn thuế lên đến 41 hãng; 8 hãng khác đang dự trù sẽ theo con đường trốn thuế.

Nói tóm lại việc nhiều đại công ty đang theo nhau trốn thuế là việc -như tổng thống Obama nhận định- hợp pháp, nhưng tầm bậy. Chính phủ Hoa Kỳ mất hàng chục tỉ mỹ kim tiền thuế, trong lúc chính phủ các nước khác khơi khơi thụ hưởng số tiền thất thoát lớn lao đó.

Bộ Trưởng Tài Chánh Jack Lew viết thư yêu cầu Quốc Hội ban hành một đạo luật đối phó với tệ trạng thuế doanh nghiệp đội nón đi ngoại quốc, sau việc công ty âu dược Mylan Inc. chuyên làm thuốc generic, đang là một công ty Mỹ, đột ngột trở thành một công ty Hòa Lan.

Ngày 14 tháng Bảy, 2014, Mylan Inc. loan báo họ mua viện bào chế Abbott tại Hòa Lan với giá $5.3 tỉ và đổi môn bài thành một Công Ty Dược Phẩm Hòa Lan; họ chuyển thương vụ về cho công ty New Mylan, và Mylan NV, vẫn hoạt động tại trụ sở cũ, ở Abbott Park, Illinois, nhưng đóng thuế trong hệ thống thuế vụ Hòa Lan.

Trong lúc Mylan Inc. đang đóng thuế Mỹ bằng 25% lợi tức, hãng mới New Mylan chỉ còn phải đóng 20% cho chính phủ Hòa Lan; con số khác biệt khá quan trọng.

Việc chính phủ chỉ dùng lý luận để hơn thua với các doanh nghiệp quả là không hiệu quả; ngày nào các doanh nghiệp không mất quyền lợi gì vì không đóng thuế Hoa Kỳ, ngày đó họ còn không quan tâm đến những tiếng “đào ngũ”, hay “không ái quốc” ông Obama dùng để chỉ trích việc họ trốn thuế.

Tuy nhiên vẫn có nhiều người bênh vực việc làm của ông Obama; nhân vật đầu tiên là ông Edward Kleinbard, nguyên tham mưu trưởng của tổ chức JCT (Joint Committee on Taxation-Ủy Ban Liên Hiệp Cộng Hòa-Dân Chủ về Thuế Vụ); Kleinbard viết trên tờ the Wall Street Journal bài “tax inversions must be stopped now,” vạch rõ tính trốn thuế trong việc di dời hãng xưởng ra ngoại quốc.

Là một chuyên viên thuế vụ, ông hiểu rất rõ về luật thuế khóa, nhưng lại không hiểu tâm lý con người trước những số tiền lớn bạc tỉ có thể tránh không phải trả, mà vẫn không tù tội hay mất quyền lợi vì phạm pháp.

Medtronic, một hãng dược phẩm khác, dời hãng từ Minneapolis, sang Ireland, sau khi mua cơ sở bào chế Covidien, chỉ phải trả thuế 12.5% đáng lẽ phải trả thuế doanh nghiệp 35%, đã tiết kiệm được từ $3.5 đến $4.2 tỉ mỹ kim. Số tiền khổng lồ đó đủ sức làm nhiều doanh nhân lãng tai, không còn nghe được những lời chỉ trích nữa.

Người thứ nhì đồng ý với ông Obama là Nghị Sĩ Ron Wyden; ông kêu gọi quốc hội hãy ban hành một đạo luật với khoản hồi tố, tịch thu lại những số lợi lộc các doanh nghiệp “không yêu nước” đang thụ hưởng.

Người thứ ba là nghị sĩ Chuck Schumer cũng thúc đẩy Quốc Hội ban hành luật nghiêm ngặt hơn để làm nản lòng những doanh nhân trốn thuế.

Không thể sử dụng những lời chỉ trích suông để bít kín khe hở pháp luật đủ lớn để 41 doanh nghiệp Hoa Kỳ trốn thuế một cách hoàn toàn vô tội vạ, tạo thất thoát vài chục tỉ mỹ kim mỗi năm cho Hoa Kỳ; và thất thoát từ khe hở này sẽ không chỉ giới hạn vào số 41 doanh nghiệp mà đang nhanh chóng lan rộng, biến Hoa Kỳ thành một thương binh không được băng bó để máu cứ thoát ra khỏi cơ thể cho đến lúc chết vì kiệt lực.

Và Tổng Thống Obama là người đáng trách trước nhất, nếu ông không làm gì hơn là tố cáo tình trạng trốn thuế trước một cử tọa sinh viên đã không có thẩm quyền, lại cũng không đủ khả năng, không đủ tài trí để giúp ông giải quyết vấn đề tối quan trọng này. (nđt)