Saturday 16 August 2014

Đàng sau chiến lược của Mỹ - Lữ Giang

Việc thực hiện chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông đang gây ra nhiều biến động quan trọng trong nhiều vùng trên thế giới như một dây chuyền: Nga biến bán đảo Crimea của Ukraina thành lãnh thổ của Nga, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 ra khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phiến quân Hồi Giáo Sunni thành lập Nhà Nước Hồi Giáo, mở cuộc tấn công vào vùng của người Kurd ở phía bắc Iraq và Tổng Tống Obama ra lệnh oanh kích "để bảo vệ người dân",  v.v. Đa số có thói quen suy nghĩ theo cảm tính tưởng rằng đó là những vấn đề riêng rẽ, nhưng tưởng vậy mà không phải vậy! Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả đều là hệ quả của chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông.

Trong bài “Từ cuộc chiến với Hồi Giáo thành cuộc chiến Nga – Mỹ” phổ biến ngày 31.7.2014 chúng tôi đã nói rằng sau biến cố 911, chiến lược của Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương gồm hai kế hoạch:

Kế hoạch thứ nhất là nghiền nát khối Hồi Giáo cực đoan để những biến cố như thế không tái diễn nữa. Kế hoạch này được mệnh danh là “vẽ lại bản đồ Trung Đông” hay “Trung Đông Mới”.

Kế hoạch thứ hai là đẩy Trung Quốc và Nga ra khỏi Địa Trung Hải để đảm bảo nhu cầu năng lượng của mình” (lời của cựu Thứ Trưởng Tài Chánh Mỹ Paul Craig Roberts).
Đó là chiến lược do nhóm siêu quyền lực Mỹ đưa ra, dù Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ cầm quyền cũng phải thực hiện. Hôm nay chúng tôi xin triển khai thêm.

VẼ LẠI BẢN ĐỒ TRUNG ĐÔNG

Dưới thời đế quốc Hồi Giáo Ottoman (1299 – 1922) cai trị một vùng rộng lớn xuyên lục địa trong 6 thế kỷ với 36 vị vua, khối Hồi Giáo Trung Đông được đặt dưới quyền thống trị của đế quốc này, sống nghèo khổ và cơ cực. Với sự đồng ý của Nga, đại diện của Anh và Pháp đã ký mật ước Sykes-Picot (Sykes–Picot Agreement) ngày 16.5.1916 có tên chính thức là “Hiệp Ước Tiểu Á” (Asia Minor Agreement) phân chia nhau vùng Trung Đông. Sau thế chiến thứ nhất, đế quốc Ottoman tan rã, hiệp định Versailles được ký ngày 28.6.1919 tại lâu đài Versailles ở Paris và được Hội Quốc Liên phê chuẩn ngày 10.1.1920. Phe đồng minh thắng trận đã chia nhau đế quốc Ottoman. Từ đó tiến tới hình thành dần các quốc gia trong vùng Trung Đông được phân chia như ngày nay sau khi đế quốc Anh và Pháp rút lui khỏi vùng này.

Tuy nhiên, sau vụ 911, một bản đồ “Trung Đông Mới” đã được Trung Tá về hưu Ralph Peters thuộc “U.S. National War Academy” vẽ ra và được phổ biến trên “Armed Forces Journal” vào tháng 6 năm 2006. Ông tin rằng với ranh giới mới mà ông vẽ ra, bản đồ sẽ giải quyết căn bản những vấn đề của Trung Đông ngày nay. Cũng trong tháng 6 năm 2006, khi đến Tel Aviv, Israel, Ngoại Trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã nói đến một “Trung Đông Mới” (New Middle East). Với bản đồ mới này, một số nước Trung Đông sẽ bị bể ra thành nhiều mảnh.

Báo New York Times ngày 28.9.2013, dưới đầu đế “How 5 Countries Could Become 14 (Làm thế nào để 5 nước trở thành 14) đã công bố bản đồ Trung Đông Mới, khởi đầu từ Syria và Iraq: (1) Kurd ở bắc Iraq nối kết với Kurd ở Syria làm thành một vùng tự trị của người Kurd ở cực bắc Iraq. (2) Giáo phái Sunni thành lập một quốc gia mới gồm một phần Syria và một phần bắc Iraq. (3) Giáo phái Shiite giữ phần phía nam Iraq. Ngày nay sự phân chia này đã được thực hiện.

Bản đồ "Trung Đông Mới"
Điều đáng ngạc nhiên là sự hình thành Nhà Nước Hồi Giáo Iraq để chiếm vùng đã định cho người Sunni. Theo báo cáo  của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế về "Cán cân Quân sự 2013", Mỹ dự trù bán cho Saudi Arabia 15.000 hỏa tiễn chống tăng Raytheon, trị giá trên 1 tỷ USD. Lúc đó Saudi Arabia đang có hơn 4.000 tên lửa này. Saudi Arabia mua các tên lửa chống tăng để làm gì? Sau đó các nguồn tin cho biết Saudi Arabia đã cung cấp võ khí cho al-Qaeda và kháng chiến quân ở Syria! Lãnh tụ Sunni là Abu Bakr al-Baghdadi đã đánh cướp những vũ khí này và dùng nó để quay về chiếm phía bắc Iraq và thành lập Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State)!

Vì Hoa Kỳ không chịu cấp vũ khí cho Iraq chống lại loạn quân Sunni nên Thủ Tướng Maliki phải đi mua vũ khí của Nga đồng thời liên kết với Iran và Syria thành một vòng đai bảo vệ khối Shiite về cả quyền lợi kinh tế lẫn quân sự. Hoa Kỳ tố cáo ông ta không liên kết được các thành phần sắc tộc và giáo phái nên tìm cách loại. Thật sự Hoa Kỳ không muốn khối Shiite ở Iraq vượt ra ngoài ranh giới đã được “vẽ lại”!

Ngày 11.8.2014, ký giả Brad Plumer đã viết một bài khá dài trên vox.com nói về việc quân của Nhà Nước Hồi Giáo Iraq mở cuộc tấn công vào các khu dầu hỏa trong vùng của người Kurd ở phía bắc Iraq, nơi các công ty dầu lửa của Mỹ như Chevron, Genel, ExxonMobil đang khai thác và Tổng Tống Obama đã ra lệnh oanh kích để "bảo vệ người dân" và cứu trợ nhân đạo!

Chuyện “vẽ lại bản đồ Trung Đông” còn dài, chúng tôi sẽ nói trong một bài khác.

HOA KỲ GIỮA HAI THẢM HỌA

Có hai thảm họa mà Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương đang phải đối phó là sự vùng dậy của các nhóm Hồi Giáo quá khích và sự bành trướng của Trung Quốc. Nhưng thảm họa thứ nhất nguy hiểm hơn, cần phải trấn át ngay. Tuy nhiên, ông Walter Russell Mead, giáo sư khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bard ở New York đã báo động: “Nếu nguồn cung cấp dầu ở vùng Vịnh bị cắt đứt, các nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu chắc chắn sẽ sụp đổ, kéo theo hệ lụy đối với hệ thống tài chính Mỹ.”

Thực tế là cuộc tấn công Hồi Giáo ở Trung Đông đã và đang gây thiệt hại cho cả Trung Quốc lẫn Nga. Một thí dụ cụ thế, khi các nước Tây phương tấn công Lybia, Trung Quốc đang có 75 công ty hoạt động đầu tư ở đây. Số lượng cán bộ và nhân viên Trung Quốc ở Libya vào đầu năm 2011 là 36.000 người, tổng giá trị các hợp đồng mà Trung Quốc đã ký kết với Lybia gồm hơn 50 dự án đầu tư xây dựng lên đến 18,8 tỷ USD. Cuộc đánh chiếm Libya đã làm Trung Quốc trắng tay. Nếu Mỹ và Tây phương tấn công Syria, Trung Quốc cũng sẽ mất nhiều hơn ở Lybia. Trung Quốc đang nhập cảng của Iran khoảng 20% tổng số dầu nhu cầu của Trung Quốc.

Như chúng tôi đã trình bày, khi nói chuyện với Press TV, ông Paul Craig Roberts, cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ và hiện là biên tập viên của tờ Wall Street Journal, cho biết sở dĩ Mỹ phải chiếm Libya vì Libya kiểm soát một phần của bờ biển Địa Trung Hải vượt ra ngoài tầm tay của Mỹ. Một lý do khác là “chúng tôi muốn đẩy Trung Quốc và Nga ra khỏi Địa Trung Hải để đảm bảo nhu cầu năng lượng của mình”. Nhưng khi được hỏi tại sao lúc đó Nga và Trung Quốc không phủ quyết nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ, ông nói: “Chúng tôi không biết các lý do, nhưng chúng tôi biết họ đã nhịn và họ không đồng ý về chính sách và họ tiếp tục chỉ trích nó.”

Hiện nay Nga đang sừng sổ với Mỹ còn Trung Quốc nhịn. Tại sao Trung Quốc nhịn? Nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đã ngầm để cho Trung Quốc khai thác dầu ở Biển Đông cho êm chuyện, vì họa Hồi Giáo nguy hiểm hơn phải thanh toán trước, còn “họa da vàng” (péril rouge) diễn biến chậm, để một hai chục năm nữa cũng chưa muộn.

CHỈ LÀ CHIẾN THUẬT TRẤN AN

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây nhiều hoang mang đối với các nước trong vùng, nên Mỹ phải tìm cách trấn an. Ngày 13.7.2014, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc phải trở lại nguyên trạng trước ngày mùng 1 tháng 5, tức trước ngày Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong thềm lục địa của Việt Nam.

Hôm 8.8.2014, Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố đã đến lúc Hoa Kỳ nên nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, vì Hà Nội đã có tiến bộ về nhân quyền. Nhưng ông nhấn mạnh Hà Nội cần cải thiện nhân quyền đủ để đạt được sự ủng hộ đó. “Cải thiện nhân quyền” nói ở đây có nghĩa là Việt Nam phải xa dần Trung Quốc ra!

Ngày 13.8.2014 Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ, đã đến thăm Hà Nội. Đài BBC ngày 14.8.2014 nói: “Sự kiện này diễn ra sau một loạt các chuyến đi của chính giới Mỹ tới Việt Nam, gây phỏng đoán về quyết định bỏ cấm cận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam, mở đường cho quan hệ quốc phòng giữa hai nước cựu thù.”

Nhưng kết quả hội nghị của các Ngoại Trưởng ASEAN tại Miến Điện trong hai ngày 8 và 9.8.2014 vừa qua đã làm nhiều người thất vọng. Hội nghị đã kết thúc bằng một bản tuyên bố chung dày 55 trang gồm 166 điều khoản, trong đó có 7 điều khoản liên hệ đến Biển Đông, nhưng toàn là sáo ngữ, không có gì cụ thể và cũng không dám đụng đến Trung Quốc. Thí dụ:

Chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông” (khoản 149)

Đây là những chuyện đã được nói đến hàng chục lần nhưng chẳng đi tới đâu cả.

QUẬY HAY KHÔNG QUẬY?

Đến đây, hai câu hỏi được đặt ra.

Câu hỏi thứ nhất là liệu Hoa Kỳ có chận đứng sự xâm lấn của Trung Quốc trong Biển Đông hay không? Theo chúng tôi, hiện nay Hoa Kỳ sẽ không công khai đứng ra chận đứng sự xâm lấn của Trung Quốc vì các lý do sau đây:

(1) Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không dính líu gì đến việc tranh chấp giữa các quốc gia về chủ quyền trên  Biển Đông.

(2) Tương quan quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc còn quá nhiều, Hoa Kỳ không muốn để mất những quyền lợi đó.

(3) Hoa Kỳ phải dành cho Trong Quốc một lối thoát ở Biển Đông khi đẩy dần Trung Quốc ra khỏi khu vực dầu lửa ở Trung Đông, nếu không Trung Quốc sẽ có những phản ứng bất lợi.

(4) Hoa Kỳ không muốn đẩy Trung Quốc đứng về phía Nga, vì điều đó sẽ gây khó khăn cho chiến lược của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ chỉ giúp các nước trong vùng “tự vệ” chứ không bảo vệ họ.

Câu hỏi thứ hai: Với sự chiêu dụ của Mỹ hiện nay, liệu Đảng CSVN có tách rời Trung Quốc và đi theo Mỹ hay không?

Người Việt có câu tục ngữ Xúi con nít ăn cứt gà”. Với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, áp dụng câu này quá dễ, vì ông ta không cần biết địch và đồng minh đang làm gì, cứ suy nghĩ và hành động theo cảm tính, nên Mỹ “xúi ăn cứt gà” không có gì khó khăn. Mỹ chỉ nhờ Tướng Ted Seron, một tướng chống du kích người Úc, tới xúi ông thành lập kế hoạch “đầu bé đít to”, bỏ Cao Nguyên và miền bắc Trung phần, rút quân về lập phồng tuyến ở Tuy Hòa, thế là không đầy 40 ngày miền Nam bị mất.

Trái lại, Đảng CSVN là một tổ chức tập thể chỉ huy, nên khó có thể “xúi ăn cứt gà” như xúi ông Thiệu. Đảng CSVN biết rất rõ Trung Quốc và Mỹ đang làm gì, nên vừa bám lấy Trung Quốc vừa bám lấy Mỹ để tồn tại. Mọi biểu diễn chống Trung Quốc hay chạy theo Mỹ hiện nay của Hà Nội chỉ là những kịch bản để trấn an dư luận.

Giống như miền Nam ngày xưa, Biển Đông bây giờ không còn nằm trong tầm tay của các nước trong vùng nữa, mà trở thành món hàng giữa Mỹ và Trung Quốc. Quậy hay không quậy cũng thế thôi. Rồi sẽ thấy “con tạo xoay vần đến đâu”!
Lữ Giang