Chiều 15.8.2014, một cuộc tọa đàm “Thoát Trung văn hóa” đã được tổ chức tại Hội trường tầng 4, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Rất nhiều bạn trẻ phải đứng để theo dõi cuộc tọa đàm vì hội trường không còn ghế trống.
Có tất cả 19 bài thuyết trình được phổ biến trên vanviet.info. Mặc dầu nấp dưới cái mũ “Thoát Trung văn hóa”, nhưng nói trắng ra đây là một cuộc tọa đàm “Thoát Trung chính trị”, có nghĩa bảo Đảng CSVN rời khỏi Đảng CSTQ “cho mầy chết luôn”! Vì thế, người ta phải giải thích đây là “Văn hoá theo nghĩa rộng”!
Ở đây có hai vấn đề cần phải được đặt ra ngay: Vấn đề thứ nhất là “tọa đàm thoát Trung” có phải là cái bẩy Đảng CSVN đưa ra để khám phá “những thành phần bị coi là nguy hiểm cho chế độ” hay không? Vấn đế thứ hai là trong suốt 2000 năm lịch sử, cha ông chúng ta vẫn không “thoát Trung” được cả về văn hóa lẫn chính trị. Liệu rồi sau khi Đảng CSVN ra đi, Việt Nam có thể “thoát Trung” hay không?
GẦN NHƯ Ở ĐÂU CŨNG CÓ ĐỊCH
Sau 30.4.1975, rất nhiều tổ chức chống cộng đã được hình thành để chống lại nhà cầm quyền cộng sản, nhưng tất cả đều thất bại vì bị địch đưa nội công vào gài bẫy rồi thanh toán như Mặt Trận Phục Quốc của nhóm Linh Mục Trần Ngọc Hiệu, Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, v.v. Đó là chưa kể các tổ chức chống cộng giả do Tổng Cục An Ninh của Hà Nội lập ra để gài bắt các thành phần chống đối như Đảng Nhân Dân Hành Động và Đảng Dân Chủ Việt Nam của Nguyễn Sĩ Bình, Đảng Dân Chủ Nhân Dân và Chính phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh, v,v.
Nhóm thanh niên và sinh viên Vinh được huấn luyện về truyền thông ở Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội cũng đã điêu đứng vì bị mật báo viên của công an giả làm “người đồng hành”, xúi biểu và gài bẩy, nay đang bị ngồi tù. Giáo phận Vinh không biết gì nên can dự vào và gặp rắc rối. Nhóm “Diễn Đàn Giáo Dân” ở hải ngoại chỉ là những “con nai vàng ngơ ngác”.
Phong trào “thoát Trung” do nhóm vanviet.info phát động. Các bài viết đăng trên website này đa số do những người ở trong nước viết, nhưng website được đang ký ở GoDaddy.com, Scottsdale, Arizona kể từ ngày 17.3.2014. Đây cũng là nơi website nuvuongcongly.net của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đăng ký đầu tiên vào năm 2009, nhưng khi chúng tôi phát hiện đã dời qua Colorado, sau đó quay trở lại Arizona kể từ ngày 23.8.2012.
Vanviet.info không giới thiệu người hay tổ chức sáng lập, không có tên nhóm chủ biên, không có địa chỉ, chỉ cho biết: “Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.”
Chúng tôi nhắc lại một số sự kiện nói trên để những người đấu tranh cảnh giác.
VĂN HÓA VIỆT VÀ TÀU LÀ MỘT!
Trong các bài phát biểu, đọc giả chú ý nhất đến hai bài “Giã từ nền văn hoá quỳ lạy” và “Từ văn hoá quỳ lạy đến văn hoá “thảo dân” của Lê Phú Khải, một nhà giáo và một nhà báo, sinh năm 1942 tại Hà Nội. Trong hai bài này, ông đã mô tả văn hóa Trung Quốc như sau:
“Trong xã hội Khổng giáo mấy ngàn năm ở Trung Quốc, kẻ sĩ đi học là mong được làm quan. Làm quan để được quỳ lạy dưới ngai vàng. Cái văn hoá quỳ lạy ấy đã kìm hãm nước Trung Hoa trong vòng tăm tối mấy ngàn năm. Trong nền văn hoá quỳ lạy ấy, chỉ có kẻ trên đúng. Chỉ có vua đúng. Vua bảo chết là phải chết. Cha bảo chết thì con phải chết. Tóm lại là không có chân lý…
“Điều trớ trêu là văn hoá quỳ lạy ấy còn tồn tại đến hôm nay ở nước Trung Hoa cộng sản. Nước Trung Hoa cộng sản hôm nay vẫn nguyên hình là một xã hội Khổng Mạnh trá hình mà thôi!”
Trong “Việt Nam Sử Lược”, Tập I, xuất bản năm 1919, ông Trần Trọng Kim có nhận xét như sau:
"Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao Châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.
“Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thật và tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả…
“Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ văn minh của Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước người ta là đủ.”
Như vậy văn hóa Việt Nam không phải chỉ nhiễm Khổng Giáo, mà còn nhiễm Đạo Giáo, Phật Giáo với những mê tín dị đoan của Tàu nữa. Chỉ cần đọc cuốn “Đường về xứ Phật” của Trưởng Lão Thích Thông Lạc là thấy rõ mê tín dị đoan của Tàu đã đi vào Phật Giáo Việt Nam như thế nào.
Trong bài “Thảo luận kiểu chọc tiết lợn đằng đít” gửi cho Văn Việt. nhà báo Phạm Thành đã nêu lên hai vấn đề: (1)Văn hoá Việt đồng nghĩa văn hoá Trung Hoa nên nói thoát văn hoá Trung là hủy văn hoá Việt. (2) Vấn đề cấp thiết hiện nay là thoát Trung về chính trị chứ không phải văn hoá.
Điều quan trọng là phải nhìn nhận sự thật lịch sử để rút kinh nghiệm. Không thể cứ đem “Bình Ngô Đại Cáo” và “Hịch Tướng Sĩ” ra để che lấp những thất bại đau xót của dân tộc được.
“VĂN HÓA QUỲ LẠY” TỪ ẢI NAM QUAN
Lịch sử cho biết cửa Ải Nam Quan được Tàu xây từ đời Gia Tĩnh triều Minh (1522 – 1566), có tường chạy dọc theo sườn núi suốt 119 trượng.
Phía Bắc cửa ải, Trung quốc có dựng một nhà khách gọi “CHIÊU ĐỨC ĐÀI”. Chữ CHIÊU thuộc bộ thủ, có 8 nét, có nghĩa là đưa tay vẫy gọi đến. Chữ ĐỨC thuộc bộ sích có 15 nét, có nghĩa là có lòng nhân, hợp với đạo lý. Đây là kiểu nói theo lối trịch thượng, bảo Việt Nam: “Hãy đi theo ta”!
Vua quan ta cũng làm một nhà tiếp khách ở dưới Ải Nam Quan về phía Nam, lúc đầu lợp bằng tranh và đặt tên là“NGƯỠNG ĐỨC ĐÀI”. Chữ NGƯỠNG thuộc bộ nhân, có 6 nét, có nghĩa là mến phục, nhờ cậy. Ý muốn nói với Tàu:“Em xin theo anh”! Tàu CHIÊU còn ta NGƯỠNG, không phải là “văn hóa quỳ lạy” thì là cái gì?
LÊ LỢI KHÔNG THOÁT “VĂN HÓA QUỲ LẠY”
Sau khi đánh thắng quân Nguyên, Lê Lợi bảo Nguyễn Trãi viết tở biểu giả danh nghĩa nhà Trần, xin phong vương cho Trần Cao. Tờ biểu có in trong “Quân trung tứ mệnh tập” (bài số 21), rất bi thảm. Chúng tôi chỉ xin trích một số đoạn:
"Khi vua Thái Tổ Cao Hoàng Đế mới lên ngôi, tổ tiên tôi là Nhật Khuê vào triều cống trước nhất, bấy giờ ngài có ban thưởng, phong cho tước Vương. Từ đó nhà tôi vẫn nối đời giữ bờ cõi, không bỏ thiếu lễ triều cống bao giờ.
“Ngờ đâu quan quân xa xôi mới đến thấy voi sợ hãi, tức khắc vỡ tan. Việc đã xảy ra như vậy, dẫu bởi sự bất đắc dĩ của người trong nước cũng là lỗi của tôi. Nhưng bao nhiêu những quân và ngựa bắt được đều phải thu dưỡng tử tế, không dám xâm phạm một tí gì.
“Bọn thần tự biết mang tội rất nặng, không biết tiến thoái đường nào… Cúi nghĩ Hoàng Đế Bệ Hạ là bậc thánh thần văn võ…, tất xá cho thần tội lỗi như núi gò, tất tha cho thần hình phạt bằng phủ việt, để cho thần được giữ đất cõi Nam, nộp cống cửa khuyết.”
Viết rồi sai sứ đem biểu qua dâng vua Tàu, kèm theo lễ vật, trong đó có hai người bằng vàng để thay mình. Vua nhà Minh bấy giờ là Tuyên Tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân dịp ấy để thôi việc binh, đưa chiếu sang phong cho Trần Cao làm An Nam Quốc Vương.
Sau đó Lê Lợi bảo Nguyễn Trãi viết sớ trình rằng Trần Cao đã lâm bệnh và qua đời rồi và xin phong cho Lê Lợi là “đại đầu mục của bản quốc, là người khiêm tốn, cung kính,…” làm vua. Vua Minh không chịu bảo đi tìm con cháu nhà Trần. Khi sứ đi tìm báo cáo không còn tìm được ai nữa Vua Minh mới chịu phong cho Lê Lợi làm An Nam Quốc Vương!
QUANG TRUNG CŨNG DÙNG “VĂN HÓA QUỲ LẠY”
Sau khi thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ bảo Ngô Thì Nhiệm viết tờ biểu dâng lên Vua Thanh. Tờ biểu cũng bi thảm không thua gì tờ biểu của Lê Lợi:
“Ngày mồng 5 tháng Giêng năm nay, lúc mới đến, tôi mong gặp Tôn Sĩ Nghị để hỏi xem việc dùng binh có phải là thực do Đại Hoàng Đế không. Nhưng Sĩ Nghị tự đón đánh, rồi bị đầy tớ của tôi đánh bại, quân sĩ giày xéo lên nhau mà chết không biết bao nhiêu mà kể. Những quân hiệu bị bắt còn hơn 800 người, tôi đã cấp cho ăn mặc và cho ở riêng một chỗ.
“Nếu tình hình trên không được bày tỏ, Thiên triều không khoan dung, muốn động binh chinh chiến, thì nước nhỏ không được thờ nước lớn, tôi cũng đành nhờ trời mà thôi.”
Nguyễn Huệ đã cho người đưa vàng bạc qua đút lót cho quan nội các Phúc Khang An và quan làm chủ trương của triều đình nhà Thanh là Hà Thân nhờ tâu giúp, rồi sai người cháu là Nguyễn Quang Hiển và quan Vũ Huy Tấn đem đồ cống phẩm sang Yên Kinh vào chầu vua nhà Thanh và dâng biểu xin phong. Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương, và giáng chỉ cho Quang Trung qua chầu.
Vua Quang Trung phải chọn một người hình dung giống mình, tên là Phạm Công Trị trá làm quốc vương, rồi sai Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn đưa sang Yên Kinh, vào chầu Càn Long. Ngoài những phẩm vật phải đem cống, vua Quang Trung lại đem cống thêm đôi tượng đực, vua Càn Long tưởng Phạm Công Trị là Nguyễn Quang Trung thật, cho vào làm lễ ôm gối, như là tình cha con…
NHỜ “VĂN HÓA QUỲ LẠY” MÀ BƯỚC LÊN VÀ TỒN TẠI
Ai cũng biết không có sự chiến thắng của Mao Trạch Đông năm 1949, không có Điện Biên Phủ 1954 và không có 30.4.1975. Năm 1970, Lê Duẩn đã nói với Mao Trạch Đông nguyên văn như sau: “Tại sao chúng tôi giữ lập trường bền bỉ chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài, đặc biệt trường kỳ kháng chiến ở miền Nam? Tại sao chúng tôi dám trường kỳ kháng chiến? Chủ yếu là vì chúng tôi phụ thuộc vào công việc của Mao Chủ tịch… Chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu, đó là vì Mao Chủ tịch đã nói rằng 700 triệu người Trung Quốc đang ủng hộ nhân dân Việt Nam một cách vững chắc”.
Năm 1972, khi Tổng Thống Nixon đến Bắc Kinh, Mao Trạch Đông nói: “Thành thật mà nói, nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhân dân thế giới phải cám ơn nhân dân Việt Nam đã đánh thắng Mỹ. Các đồng chí chiến thắng mới buộc Nixon phải đi Bắc Kinh...”
Nói cách khác, Bắc Kinh coi Đảng CSVN như một thứ lính đánh thuê (mercenary) của họ.
KHÓ TỪ BỎ “VĂN HÓA QUỲ LẠY”
Trong 2000 năm lịch sử, Tàu đã đô hộ Việt Nam đúng 1050 năm. Những năm còn lại, năm nào cũng phải đi triều cống và khi vua nào muốn lên cầm quyền đều phải làm tờ biểu xin vua Tàu phong vương. Việt Nam chỉ thoát ra khỏi sự lệ thuộc của Tàu kể từ năm 1874, khi Pháp chính thức đô hộ Việt Nam.
Năm 1949, khi Mao Trạch Đông chiếm được Trung Quốc, Đảng CSVN bắt đầu lệ thuộc Trung Quốc. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo đã “thoát Trung” bằng cách đi theo Pháp, nhưng năm 1954 Pháp ký Hiệp Định Genève, giao nửa nước Việt Nam cho Trung Quốc. Kể từ 1956 VNCH “thoát Trung” bằng cách đi theo Mỹ, nhưng năm 1972 Mỹ sai Kissinger qua Trung Quốc bán miền Nam Việt Nam cho Trung Quốc!
Sau 30.4.1975, Lê Duẫn "thoát Trung” bằng cách “cải tạo xã hội chủ nghĩa” theo Stalinism, chứ không theo Maoism. Năm 1979 Trung Quốc đã “dạy cho Việt Nam một bài học”. Năm 1990, Đảng CSVN phải nhờ ông Michio Watanabe, Chủ Tịch Đảng Dân Chủ Tự Do của Nhật qua Bắc Kinh gặp Giang Trạch Dân xin làm hòa. Bắc Kinh đồng ý. Ngày 3.9.1990, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng sang Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc – để “hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước”. Thế là Việt Nam hết “thoát Trung”!
Đối với người Việt ở trong cũng như ngoài nước, “thoát Trung văn hóa” không phải là chuyện dễ, vì đa số vẫn coi văn hóa Trung Quốc là “văn hóa dân tộc”, và đạo Phật dính liền với những mê tín dị đoan của Trung Quốc được gọi là “đạo dân tộc”. Ông Phạm Thành đã viết: “Văn hoá Việt đồng nghĩa văn hoá Trung Hoa nên nói thoát văn hoá Trung là hủy văn hoá Việt”
“Thoát Trung chính trị" cũng khó như vậy. Hiện nay, nhiều người chủ trương rằng muốn “thoát Trung chính trị” trước hết là phải lật đổ Đảng CSVN. Nhưng có ba vấn đề được đặt ra: (1) Liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có để cho lật đổ chế độ cộng sản hay không, hay vẫn dùng chế độ này như công cụ của họ? (2) Làm thế nào để lật đổ chế độ cộng sản? (3) Sau khi lật đổ chế độ cộng sản, có chắc “thoát Trung” được hay không? Đó là những vấn đề chúng tôi sẽ bàn sau.
Ngày 21.8.2014
Lữ Giang