Saturday, 20 September 2014

Bánh Mì, Cà Phê Sữa Đá và Phở.. - Trần Mộng Lâm


Công ty thực phẩm Yums, chủ nhân ông các công ty Pizza Hut, Gà Kentucky, Taco Bell vừa cho khai trương hai tiệm Banhshop tại Dallas, chuyên trị bán bánh mì Việt Nam. Một tiệm sẽ được mở ngay trong phi trường Dallas. Việc khai trương hai tiệm bánh này chỉ được thực hiện như một thử thách, một thí nghiệm về món ăn bình dân Việt Nam, xem nó có được người dân Bắc Mỹ chấp nhận hay không. Rất tiếc, khi khai trương, họ không nghiên cứu địa hình, địa vật, chọn ngay một ngôi sao đỏ làm logo, nên bị Cộng Đồng Việt Nam tại Dallas phản đối quá cỡ.

Ông chủ tịch Công Đồng Mỹ gốc Việt vùng Dallas đã thảo bản kiến phản đối vụ này với những lý do sau này: While we are very pleased with the name of the restaurant, we are hurt and offended by your chosen logo, a red star, which is a symbol of communism and will offend thousands of South Vietnam refugees in my community.

Yums đã vội vã sửa chữa khuyết điểm này: Effective immediately, we are changing the logo,  và chiếc bánh mì cũng không còn bị ô uế như trong những ngày đầu.

Dù sao chăng nữa, tin về bánh mì Việt Nam và tên được chọn cho các thí điểm của Yums là  Banh Shop cũng làm người di dân gốc Việt, thấy ấm trong lòng, và hãnh diện.

Ai trong chúng ta không từng ăn một ổ bánh, và biết bao nhiêu ông chủ, bà chủ các tiệm bánh đã nhờ bánh mì mà trở nên giàu có. Khi tôi còn đi học, tại Sài Gòn, bánh mì bưu điện là nổi tiếng nhất. Nhiều khi cuối tuần, cùng bạn bè đi picnic, ghé qua Bưu Điện, thủ vài chục ổ, là chắc ăn. Sau này, khi lớn lên, đi làm ở tỉnh khác, mỗi lần có phép trở về thăm gia đình tại  Sài Gòn, bao giờ cũng ghé để rinh về nhà ít ổ, không phải vì không có tiền ăn các món khác, tại các tiệm ăn khác, nhưng các tiệm phở Pasteur, Hiền Vương, làm sao có thể về Sài Gòn mà không ghé??

Ôi, những ngày xưa thân ái đó, qua đi, qua đi, như một giấc mơ. Nhưng dù trong giấc mơ, vẫn không quên được mùi vị béo, bùi của bánh mì Bưu Điện Sài Gòn, với vị mát của dưa leo, vị hang hăng của một cọng hành, và vị cay của một vài khoanh ớt đỏ tươi,

Cuộc chiến Việt Nam khiến tôi phải đi xa khi Sài Gòn để xuống Tây Đô làm việc. Khi ấy, tôi còn độc thân, buổi sáng, ăn tại Câu Lạc Bộ của Quân Y Viện, nhiều khi nhờ các người lính phục vụ mua cho nhng phần cơm, ăn chán ngắt, nhưng vẫn phải ăn. Chiều tối, khoảng 6, 7 giờ, rảnh rang, chúng tôi mấy sĩ quan của trại độc thân, rủ nhau ra bên Ninh Kiều, ăn lu, ăn đầu cá, ăn cua rang muối, ăn vịt nấu chao, nhậu với la de, hay rựợu trắng, rượu nếp than, hết xẩy. Những chàng trai độc thân, chưa tới 30, không có gì ràng buộc, làm được bao nhiêu, là đổ vào ăn nhậu, và bài bạc hết, Chiến tranh mà, sống chết ngày nào, tháng nào, ai biết, ai lo, ai tránh  được.Thôi thì trời kêu ai nấy dạ.

Những năm 1973, 74, có khi Việt Cộng pháo kích vào ngay Xóm Cả Đài, bọn chúng tôi ở tại khu Bến Xe Mới, đang đánh bài, ngừng chơi, ra xem lửa cháy, rồi vào chơi tiếp vì có lo lắng lắm, cũng chẳng làm được gì hơn, chi bằng mặc kệ . Tại Quân Y Viện đã có những thằng bạn trong phiên trực làm việc cấp cứu rồi. Tuy nhiên, không phải chiều nào cũng đi nhậu. Còn những thứ cũng hay lắm như đi xem ciné. Thời đại đó là thời đại của Vương Vũ, Địch Long, Trần Tinh, với các phim võ hiệp. Về phần các phim tình cảm, ít ai hơn được Tần Tường Lâm, Chân Chân, với  những tác phẩm phóng tác từ các tiểu thuyết của Quỳnh Dao, lãng mạng chi đâu, để đời.

Những hôm chúng tôi đi xem ciné như vậy, thì phải tìm được một ông già người tầu, bán những chiếc bánh mì ngon vô cùng, mà sau này, chưa bao giờ tôi tìm lại được hương vị. Chúng tôi rời quân y viện, ăn bánh cho no bụng rồi mới vào xem phim. Bánh mì của ông già tầu này ngon vì có nhiều lát thịt ba chỉ, đặt giữa các lát cà tô mát, rau mùi, dưa leo, tất cả được dưới bằng một thứ nước sốt mà chỉ ông mới biết cách pha chế, nó đem lại cho chiếc bánh một hương vị độc đáo. Sau này, tại hải ngoại, tôi vẫn có bánh mì để ăn, nhưng ở đây, bánh đầy ruột, lại được nhét vào, nào pa tê, nào jambon, nào saucisse, khác hẳn cái bánh mì năm xưa tại cái thành phố nhỏ mà dễ thương đó, làm sao quên được.

Ăn bánh xong, thế nào cũng phải tìm được một ly cà phê sữa đá nữa mới đủ bộ.

Tôi sang Canada năm 1978, nhưng chỉ tìm lại được cà phê sữa đá trong các quán ăn Việt Nam. Chỉ khoảng mười năm sau này, mới thấy người bổn xứ uống cà phê và bỏ đá vào. Khi công ty thực phẩm Tim Hortons có sang kiến bán món nước uống này. Không hiểu người Nam Mỹ có uống cà phê sữa đá hay không, nhưng tôi vẫn tin là những người uống Cà Phê sữa đá đầu tiên trên trái đất này, có lẽ là dân Sài Gòn. Lý do là người ta cho rằng khi pha chế như vậy, cà phê mất đi hương vị của nó. Cà Phê phải được uống nóng, như vậy nó mới tỏa ra được hương thơm. Đó là trên lý thuyết, nói ra thì có vẻ kinh điển, sách vở, nhưng cà phê đá ngày nay đã xuất hiện, ngay cả tại những tiệm ăn nhanh nổi tiếng hoàn cầu như Mc Donald.

Những nhà hang bán thức ăn nhanh, hay fast foods, hiện nay cạnh tranh với nhau dữ lắm. Không có món mới, chỉ bán hamburgers với khoai chiên, có ngày xập tiệm. Họ phải chiều khách. Bên Mỹ, số người tóc đen càng ngày càng đông, không chỉ là dân Á Châu, nhưng nhiều nhất, có lẽ là dân gốc Châu Mỹ La Tinh, người Mễ, người Pérou, người  Costa Rica…v.v. Lạ một điều là không hiểu có phải tại họ cũng tóc đen như chúng ta hay không, mà các món ăn của chúng ta  được họ chiếu cố tận tình. Tại các tiệm ăn trên đường Jean Talon của thành phố Montréal, chỗ gần St Michel., nơi tôi thường đến ăn mỗi thứ bẩy, tuần nào cũng thấy mấy gia đình Nam Mỹ. Họ ăn Phở đúng cách, diệu nghệ, không khác gì chúng ta, cũng cho tương ớt, cũng vắt chanh, cũng giá sống, và rau húng, y chang.

Cách đây vài năm, đi qua vùng San Antonio của California, nơi người ta gọi là Thung Lũng vàng, sau khi thăm cái nhà mà từ đó Bill Gates khởi nghiệp, chúng tôi vào một nhà hàng của người Mễ. Thực ra, nếu tìm kiếm, thì chắc ở San Antonio, thế nào cũng có tiệm Việt Nam, nhưng phần đường xa, phần mỏi mệt, chúng tôi vào đại một nhà hàng bên đường. Nhìn thực đơn, thấy có món Phở, vì tò mò, tôi kêu đại, xem dân Nam Mỹ nấu phở ra sao. Không hiểu vì đói, hay vì tự ái dân tộc được vuốt ve, tôi thấy người Mễ nấu Phở không tệ. Coi như một tiệm phở trung bình tại Montréal.

Trời sui, đất khiên, mùa Hè vừa qua, cùng thằng con nhỏ đi thăm Utah, nơi cư ngụ của dân Mormon, nơi ngày xưa một thiên thể đã va chạm vào trái đất và tạo nên các canyons, nơi có các  loài khủng long  xuất hiện hang triệu năm về trước, và ngày nay chỉ còn sót lại những ngọn núi rất hung vĩ, đẹp tuyệt diệu, trong ánh sáng của mặt trời, buổi hoàng hôn. hay bình minh, những ngày có suơng mù, đẹp đến ngỡ ngàng, và phải công nhận, nếu đấng Tạo Hóa có thật, thì ngài là một nghệ sĩ tuyệt vời.

Đi chơi núi, mà đầu tôi cứ luẩn quẩn vang vọng bài hát Hòn Vọng Phu của Lê Thương:

Đường về nước, chập chùng xa.
Đồi và núi cheo leo.
Cây với rừng rườm rà….
……….

Chiều hôm đó, tại Bryce Canyon,sau một ngày vất vả trèo non, lội suối, vui với thiên nhiên, chúng tôi trở về với thế giới người văn minh. Sau khi ra khỏi địa phận Parc National , chúng tôi vào ngay con đường chính của Bryce Canyon, và tiệm ăn đầu lại thấy ghi là bán các món ăn Thái. Sau khi trở về khách sạn, tắm rửa, thay đồ, tôi nói với con trở lại tiệm ăn này, vì mấy ngày rồi, ăn đồ tây phương, ngán đến tận cổ. Khi chúng tôi đến, thấy nhà hang đầy người,và hai ba bàn, toàn dân Trung Hoa, ăn nói um xùm. Tôi thấy cô chủ nhà hang có vẻ không khác người mình tý nào. Nhìn vào bảng tên cô đeo trên ngực, thấy khắc  chữ Dung, tôi biết là cô Thái này là Thái giả, thái giám, chứ không phải Thái Lan. Nhìn trong thực đơn, lại thấy có món Phở, mừng húm. Ăn gì cũng được, ăn Phở có lẽ dễ nuốt hơn.

Món Phở ngày hôm đó, suốt đời tôi khó quên.

Chỉ là nước sôi đổ trên bánh phở, và thịt bò ai cũng mua được ở các siêu thị, người ta cắt mỏng ra. Thằng con tôi,vốn ít ăn ăn đồ Á Châu, vậy mà cũng phải kêu lên: Không có mùi Phở tý gì. Cô chủ tên Dung hình như né chúng tôi, có lẽ vì sợ bị chê, hay sợ sẽ phải nói tiếng Việt với người đồng hương, chỉ thấy lăng săng đón người du lịch da trắng, để mặc chúng tôi với anh hầu bàn người Mỹ, rất đẹp trai, và lịch sự. Cũng may, ngày hôm đó, chúng tôi gỡ lại bằng mấy chiếc gỏi cuốn, mà ở Montreal người ta gọi là Rouleau du Printemps . Món này hình như dễ làm, lại mát, dễ ăn.

Nẫy giờ tôi nói lang bang, về các món ăn Việt Nam, làm mất thì giờ của người đọc. Thực ra, tôi chỉ muốn nói lên một điều, là Thế Giới biết đến Việt Nam, yêu thương Việt Nam, không phải vì những thành tích quan trọng, ông Tiến Sĩ này, ông Thạc Sĩ kia…hay những đỉnh cao trí tuệ gì đó, như một bọn người ngông cuồng, ếch ngồi đáy giếng, rồi tuyên bố vung vít, cái kiểu Việt Nam ngủ thì Cu Ba thức, Cu Ba ngủ thì Việt Nam thức… để canh cho thiên hạ hòa bình.


Không, Thế Giới biết đến Việt Nam, phải chăng chỉ vì những gì rất giản dị: khúc bánh mì, cái gỏi cuốn, tô phở hay ly cà phê đá mà thôi.  

Trần Mộng Lâm