Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Hắn tự nhủ sẽ không bao giờ nhắc tới chuyện Đấu Tố mà hắn đã phải chứng kiến nữa, nhưng bị "nhờ ơn bác và đảng" tổ chức "Triển lãm CCRĐ", ở đó người thuyết minh về "địa chủ ác ghê" (tựa một bài viết luận tội bà Nguyễn Thị Năm/Cát Hanh Long của bác Hồ dưới tên C.B/Của Bác) là những cô gái trẻ ở tuổi cỡ hàng cháu của cậu bé ngày nào đi coi đấu tố mà nạn nhân lẫn "đấu thủ" đều là chỗ thân quen với gia đình hắn.
Biết rõ sự thực đã xảy ra ngày đó, hắn thấy tội nghiệp thay cho đám trẻ cha mẹ sinh ra vốn "nhân chi sơ tính bản thiện" đã bị đảng "vì lợi ích trăm năm trồng người" thành một thứ "người đặc sản"; không giống ai, "mười hai con giáp, chả giống con nào" là tính đặc thù của đám trẻ từ bé đã bị cái khăn quàng đỏ nó xiết, bị búa đập đầu, liềm cứa cổ, đã "chém treo ngành" cái linh hồn của Người "nhân linh ư vạn vật" xưa nay.
Đám trẻ múa trước nơi trưng bày "thành tích" giết người cướp
của do bác Hồ và đảng CSVN lập được trong CCRĐ;
múa "vô tư" bên những 200.000 oan hồn đồng bào.
của do bác Hồ và đảng CSVN lập được trong CCRĐ;
múa "vô tư" bên những 200.000 oan hồn đồng bào.
"Thương cho đám trẻ mà chẳng biết làm gì đây. Thét vào tai chúng ư?", hắn xót xa lẩm bẩm, "mình không thể thét vào tai từng đứa, nhưng mà... giả như thét được cũng chẳng biết có ích chi, có khi ngược lại, "to tiếng" làm chúng phản cảm "như đỉa phải vôi", khiến cho bầy trẻ đang sảng càng sảng thêm". "Không được!", hắn lại "đổi mới tư duy": "Hay là chỉ cần những tiếng mổ lách cách xuống từng con chữ trên bàn phím, tuy nhỏ mà lớn, tuy xa mà gần, biết đâu không chừng, lại có thể đánh thức chúng ra khỏi cơn mê". Hắn lóe lên chút hy vọng "viển vông", rồi nhảy dậy ngồi trước màn hình computer. Hắn kể:
Quê tôi, làng Yên Phú nằm bên bờ sông La, nơi khi tôi có trí khôn đã sẵn đó những dấu tích của một thời chống Pháp. Phía trên là cầu Thọ Tường bắc qua sông bị cắt đôi, gục đầu cắm sâu xuống nước, là "thành quả" của chiến thuật "Tiêu thổ kháng chiến". Cuối làng có khu vườn ông Bát Ẩm từng là bãi chiến trường đẫm máu giữa Trang Hét và quân Pháp. Trang Hét là tên hai người được Linh mục Đậu Quang Lịnh (1) người Yên Phú khi đó đang hoạt động chống Pháp từ trong Nam sai về quê ngài để vận động những nhà giàu có trong làng đóng góp tiền của ủng hộ kháng chiến. Nhưng chẳng may bị bại lộ, Pháp đem quân bao vây kêu gọi Trang Hét (đang lẫn trốn trong một ngôi nhà trên khu vườn ông Bát Ẩm) nạp mình không được, bèn nổ súng. Quân Pháp bị hai ông bắn trả gây tổn thất sinh mạng nặng nề, cuối cùng chúng dùng mưu đốt nhà, hai ông mới tự sát chết. Sau này, do vùng quê tôi hay bị tàu bay Pháp bắn phá, mẹ tôi phải đi họp chợ (Chợ Trổ) ban đêm ở bên kia sông. Nhiều lần mẹ về chợ về, anh em tôi chạy ra hỏi quà, lại nghe mẹ nói vừa bị ma nhát khi đi ngang qua vườn ông Bát Ẩm, chỉ cách nhà tôi khoảng chưa đầy trăm thước.
Năm đó, chiến thắng Điện Biên kết thúc chiến tranh, dân làng mừng khôn xiết vì từ đây không còn bị tàu bay bắn phá; khỏi nơm nớp lo sợ bị bình bầu đi dân công chết như chú Nam con ông bà Thông Bình; mọi sinh hoạt trở lại ban ngày; bọn trẻ tha hồ thả diều, nô đùa ngoài bãi cát, vật nhau dưới gốc đa cổ thụ ven sông; người ta có thể mặc áo trắng và các bà các chị đứng bên thềm hong tóc, cầm gương soi thoải mái mà không sợ bị kết tội làm gián điệp chỉ điểm mục tiêu cho tàu bay Pháp; bến sông nhộn nhịp ghe thuyền đánh cá đi về; không còn nữa những xác người trương sình thỉnh thoảng từ đâu trôi theo dòng nước hay tấp vào bờ khiến lũ con nít khiếp vía...
Nhưng niềm vui được sống trong hòa bình chưa được mấy lúc thì bỗng từ đâu kéo về một đoàn người mặt mày lạ hoắc, đầu nón cối, chân dép râu, vai sắc cốt lủng lẳng bên hông; chỉ vài hôm sau, đường làng đang thoáng mát xanh tươi ngọn tre tàn cây sửng sờ bị vắt ngang những băng vải đỏ hoe ghi chữ vàng khè "Thẳng tay phát động phong trào quần chúng đấu tranh"... rồi chiều chiều rộn tiếng a lô kêu gọi dân làng tập trung học tập chính sách mới của đảng, và từ đó đêm đêm có tiếng chó sủa nhiều hơn.
Không khí bất an rờn rợn hơn cả thời chiến tranh. Dân làng xưa nay sống chan hòa thuận thảo với nhau, không dấu hiệu phân biệt giàu nghèo bỗng dưng một sớm một chiều ra đường gặp nhau như kẻ xa lạ. Trong nhà, anh em tôi được dặn phải gọi thịt bằng cà, gọi cá bằng dưa; trước bữa ăn phải buông kín rèm, đóng chặt cửa.
Trong làng có bà Cu Ư... là người nghèo khổ, nếu tôi nhớ không lầm, bà sống bằng đủ thứ "nghề" lặt vặt, mót lúa mót khoai, ai mướn gì làm nấy, kể cả đi ở đợ, giữ em. Bà gần gũi với gia đình tôi, nhất là với mẹ tôi. Một hôm bà đến khoe với mẹ tôi rằng bà được cán bộ tuyển đi học tập đấu tố địa chủ dưới xã Yên Mỹ. Mẹ tôi vừa hay tin dì Bang ở trong Hà Tịnh mới bị đấu tố chết, khi nghe bà Cu Ư... nói thế, mẹ tôi muốn ngăn cản bà nhưng không dám.
"Nhờ ơn Bác và Đảng", kế hoạch đã được (Mao, Xít) duyệt, địa chủ đã được bình, bần cố nông đã được chọn, tập dượt đấu tố đã được xong. Thế là đất lành Yên Phú phải dậy Sóng Đỏ.
Tối hôm ấy, bất chấp những "trận" a lô chĩa vào nhà thúc giục đi dự đấu tố ông Lý Thưởng, gia đình tôi nhất quyết không đi. Lý do: ông và thầy mẹ tôi gọi đó là bữa tiệc của loài quỷ sứ, thêm vào đó, nạn nhân là người họ hàng mẹ tôi gọi bằng cậu. Nhưng "mọi quyền lực chính trị đều phát sinh từ nòng súng", du kích đã đến nhà dí sung bắt chúng tôi đến đấu trường.
Ở đây tôi không tả lại cảnh đấu tố ông Lý Thưởng, một phần vì người ta đã đọc sách báo, nghe kể nhiều rồi; đại khái là giống nhau vì cùng rập theo một khuôn khổ mẫu mực mà bác đã học tập được Mao sư phụ, phần khác tôi cũng không muốn mình phải lần mò về quá khứ để dựng dậy cái thảm cảnh đau đớn tang thương do con người tạo ra cho đồng loại mà làng Yên Phú quê hương yêu dấu của tôi phải gánh chịu kinh hoàng khủng khiếp và thiệt hại lâu dài gấp bội những trận thiên tai. Tôi chỉ muốn đề cập đến cái kết quả về sau của ba nhân vật chính trong cuộc đấu tố ấy.
Không bao lâu sau "cái đêm hôm ấy đêm gì", bà Cu Ư... tìm đến gặp mẹ tôi bày tỏ ăn năn hối hận. Bà nói bà vì nghe cán bộ hứa hẹn đấu tố xong sẽ được chia "quả thực" (của cải tịch thu của khổ chủ) mà làm đại theo bài bản chúng tập cho, chứ xưa nay ông Lý Thưởng có làm hại bà chi đâu.
Chánh án hôm đó là ông Cháu Lệ đội cái bê rê; nếu tôi nhớ không lầm thì ông Cháu Lệ có khuôn mặt tròn, trông hiền lành và hình như mù chữ. Ông Lệ có bà vợ chân đi chữ bát phải nói là không ai có; khi đi, bà sàng bên này sàng bên kia thật xa, đến nỗi người ta nói bà ta vừa đi dọc vừa đi ngang. Sau đấu tố ông từ ngôi nhà tranh ọp ẹp cuối làng (gần nhà tôi) lên ở nhà ngói có bậc thềm rất cao. Ngày đó anh em tôi đã biết "lo" cho "bà chánh án" hai chân sàng kiểu đó làm sao mà vào nhà ông Lý Thưởng được.
Ông Lý Thưởng bị kết án 17 năm tù khổ sai. Gia đình ông gồm hai vợ chồng và người con trai tên Kim mà anh em tôi quen gọi là cậu Kim, bị đuổi ra khỏi nhà mình ngay sau đó; trong thời gian chờ dẫn đi tù, tôi nghe nói ông bị xích vào cột nhà, ăn ngủ dưới đất của nơi mấy bần cố nông trong làng, như bà Chắt Tài, bà Cu Ước... Từ ngày đó tôi không còn gặp ông... mãi cho đến...
Khoảng năm 1985 (tôi nhớ không chính xác) tôi được gặp lại ông Lý Thưởng nhân dịp ông vào Nam tìm gặp đứa cháu duy nhất của ông ở Sài Gòn, là con của Cậu Kim bị chết vì tai nạn xe hơi, khi đó cậu Kim phục vụ trong quân đội, xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, và mang cấp bậc nghe đâu Đại Úy. Gặp ông Lý Thưởng, tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, không ngờ ông còn sống và lại trông khoẻ mạnh yêu đời.
Gặp lại ông Lý Thưởng tôi lại nhớ đến ngôi nhà ngói có cái bậc tam cấp thật cao của ông vì nó không xa lạ gì với chúng tôi; thỉnh thoảng mẹ tôi dắt anh em tôi đến thăm ông bà, và ngày Tết cả nhà tôi kéo nhau đi mừng tuổi ông bà, tất nhiên anh em tôi được lì xì nhiều hơn những "nguồn" khác. Tôi nhắc về ngôi nhà cũ của ông năm xưa bây giờ ra sao thì ông nói nó chẳng còn ra cái nhà nữa, vì chủ mới nay họ gỡ cái này mai họ gỡ cái kia, kể cả từ viên gạch chung quanh nhà, đem bán hết. Ngồi trước mặt ông, tôi xót xa thầm nghĩ ông đã lớn tuổi, tài sản bị tước sạch, 17 năm tù khổ sai, con cái không, giờ chắc ông đang lâm cảnh sống nhờ ở đợ. Tôi không dám hỏi ông bây giờ ở đâu trong làng Yên Phú. Nhưng sau này tôi được những người Yên Phú từ Miền Nam về thăm quê cũ cho biết, sau khi tù về, ông tay trắng, đã giỏi làm ăn xoay xở mua được một thửa đất và xây nhà ngói rất đẹp, ở cuối làng.
Tôi muốn biết, Anh muốn biết, Chị muốn biết, Họ muốn biết, Chúng ta, ai cũng muốn biết sự thật...
Trong "Triển Lãm CCRĐ", đảng CSVN cho trưng bày hình ảnh bần cố nông được chia ruộng đất là một sự thật rất đẹp rất quý rất cần. Nhưng những phần ruộng đất đó từ đâu, bao đời mà địa chủ có được, và bằng cách nào mà đảng một sớm một chiều có được của người ta để cho kẻ khác? Đó là một phần khác của sự thật trong CCRĐ mà các em thuyết minh còn nợ người đến xem.
Chuyện kể năm 19... Đấu Tố đến đây là hết. Các cháu ngoan của bác (Hồ) có nghe rõ không?