Thursday, 18 September 2014

Một chút hiểu lầm - Tưởng Năng Tiến


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) Một người thuộc giai cấp nào đó không có nghĩa rằng người đó đã có một khối tài sản nhất định. Điều đó càng đúng đối với chế độ cộng sản: sở hữu mang tính tập thể. Ở đây muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị. - Milovan Djilas – Giai Cấp Mới

Thời gian gần đây, gần như là hằng đêm tôi đều mơ thấy mình vẫn đang sống trong một khung cảnh nào đó - ở Việt Nam. Cứ như thể là tôi chưa bao giờ rời khỏi đất nước này, dù chỉ một ngày.

Khỏi cần phải đọc Freud hay Jung gì ráo trọi, tôi cũng biết được rằng tự tiềm thức của mình đang có một thôi thúc khác – khác với sự chọn của ý thức từ bấy lâu nay – tuy sâu kín nhưng mạnh mẽ, cái sức mạnh của một định luật tự nhiên: lá rụng về cội! Nhờ thế, tôi (chợt) hiểu tại sao hai ông Phạm Duy và Nguyễn Cao Kỳ nằng nặc phải trở lại cố hương bằng mọi giá – kể cả cái giá phải “hy sinh” luôn tính tự trọng (tối thiểu) và lòng liêm sỉ.

Thường dân cỡ tui thì đi mới khó, chớ về thì dễ ợt. Chả sợ điều tiếng chi, và cũng khỏi ngại chuyện mấy chú công an canh chừng hay thăm hỏi gì. Chỉ ngặt có chút xíu (xiu) là tôi không biết rồi sẽ làm sao để mưu sinh, ở quê nhà.

Già cũng phải sống chớ bộ, cũng phải có nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, và chăm sóc y tế tối thiểu – khi cần. Mà tui thì suốt đời không có đồng xu dính túi (tiền vừa tới tay là tui đã sài liền, hoặc cho mẹ nó rồi) nghề nghiệp thực dụng để có thể kiếm việc ở Việt Nam cũng không luôn, còn thân bằng quyến thuộc thì toàn là những người khốn khó và thuộc thành phần... phản động không hà!

Mà cố hương (than ơi!) cho dù ở góc bể chân trời, hay châu lục nào chăng nữa thì cũng đều chia chung một định luật bất thành văn: không đâu, và không ai, hân hoan đón chào những kẻ trở lại với... hai bàn tay trắng. Thôi thì đành bỏ xác quê người, chớ về làm chi/cho má nó khi.

Tôi đã có dự tính nhẩy cầu Golden Gate thì có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, từ một giới chức cao cấp ở Việt Nam – Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Ủy Ban Dân Tộc Giàng Seo Phử. Ông vừa hân hoan cho biết: “Bán vé số ở Việt Nam có thu nhập cao.

Bán ngày không đủ phải tranh thủ bán ban đêm.
Ảnh và chú thích: Uyên Nguyên, RFA

Bán tin, bán nghi, tôi liền vào net tìm hiểu thêm và biết được rằng hiện nay (ở Việt Nam) bán vé số được coi là một nghề nghiệp đàng hoàng tử tế, của một giới người riêng biệt, không những có “thu nhập cao” mà còn có nhiều chuyện may mắn bất ngờ và rất thú vị nữa kìa – theo như tường thuật của phóng viên Hữu Danh, báo Dân Việt:

Dư luận Long An đang xôn xao với thông tin một người bán vé số nghèo đưa cho khách 10 tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng để nhận lại 200 ngàn đồng tiền xổ số, dù khách chỉ “mua thiếu qua điện thoại.

Khoảng 16 giờ ngày 15.11, còn hơn 20 vé bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức - hành nghề chạy xe ba gác - nài nỉ mua dùm. Anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba số khác nhau. Gọi là “mua” nhưng chỉ là nói qua điện thoại, anh Tuấn cũng chưa trả tiền.

Chiều cùng ngày, lốc vé 10 tờ của công ty XSKT tỉnh Bến Tre mang dãy số đuôi X91207 trúng đặc biệt 4 tờ, trúng an ủi 6 tờ. Nhiều đồng nghiệp bán vé số bảo người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua và nói chị Lành toàn quyền định đoạt “số phận” 10 tờ vé số với trúng thưởng với giá trị lên đến gần 7 tỷ đồng này.

Tuy nhiên, chị Lành gạt phăng và cho rằng anh Tuấn là một trong những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ chị. Rất nhiều lần anh mua qua điện thoại và dù không trúng lần nào nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Do đó, không thể vì tiền mà chị đánh mất chữ tín.

Ngay lập tức, chị bấm điện thoại gọi anh Tuấn đến quán cà phê để bàn giao số trúng. Cảm kích trước lòng tốt của người bán vé số, anh Tuấn đã tặng 1 tờ trúng giải đặc biệt cho người bán vé số nghèo.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, vợ chồng chị Lành trước đây sống cùng mẹ ruột là bà Phạm Thị Thèm trong một căn nhà cũ nát rộng chỉ 27m2, dựng nhờ trên đất của một người thân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Hai người anh trai của chị Lành, một người bị tâm thần, một chết sớm trong khi các chị dâu lại bỏ đi, để lại đến 6 đứa bé côi cút cho bà Thèm và chị Lành nuôi dưỡng. Do bà Thèm đau ốm liên miên lại không có đất sản xuất nên vợ chồng chị Lành đang tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số.

Đoạn văn thượng dẫn có hai hạn từ mà tôi tự ý cho in đậm: “đồng nghiệp” và “phương án.” Chị Phạm Thị Lành là một con người cao cả, đã đành, và cái nghề bán vé số số hiện nay cũng đã tạo nên một giới người vô cùng cao qúi theo như ngôn ngữ đương đại của giới truyền thông hiện nay – ở Việt Nam – như vừa trích dẫn!

Họ “lập phương án” đi bán vé số đàng hoàng, chớ không phải bạ đâu làm đó đâu nha. Họ cũng gọi nhau là “đồng nghiệp” nữa đó (lịch sự hết biết luôn) nghe cứ y như cái cung cách xưng hô (qúi phái) của qúi vị bác sĩ hay luật sư ở giữa toà, hoặc ở giảng đường của trường đai học y khoa vậy.

Thiệt là quá đã, và... quá đáng!

Rõ ràng là cách mạng Việt Nam đã tạo ra thêm một... Giai Cấp Mới (nữa). Khác với giai cấp mới đỏ au – phát sinh cùng thời – những người bán vé số hôm nay dù hành nghề có “phương án” (cẩn thận) và vẫn thường gọi nhau là đồng nghiệp (tử tế) nhưng họ lại rất đen đủi, lam lũ và đông đảo hơn mức cần thiết rất nhiều.

Nếu đã có lúc dân Việt cứ bước ra ngõ là gặp anh hùng thì nay họ lại gặp những người chào mời vé số, theo như tường trình của thông tín viên RFA:

Chỉ riêng thành phố Sài Gòn, lượng người bán vé số đông lên cả vài ngàn người, họ đến từ thập phương, cũng có người xuất thân là công nhân nhà máy, xí nghiệp, vì tai nạn lao động hoặc vì mất sức lao động, bệnh tật, phải nghỉ việc và chuyển sang bán vé số kiếm cơm độ nhật. Ngồi quán cà phê vỉa hè 58 – Trần Quốc Thảo, quận 1, trong vòng nửa giờ đồng hồ, đã đếm được 16 người bán vé số đến mời, già có, trẻ có, bệnh tật có, nhưng xót xa nhất vẫn là những em bé tuổi chưa đầy 15, học hành dở dang hoặc vừa đi học vừa bán vé số kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Ngành kinh doanh vé số được đánh giá là ngành siêu lợi nhuận... Trung bình, mỗi tỉnh có từ 20 đến 30 đại lý, mỗi đại lý có từ 30 dến 40 người đi bán, mỗi ngày, một đại lý tiêu thụ trung bình 2000 tờ vé, như vậy, doanh thu trung bình mỗi ngày là 600 triệu đồng.

Trẻ em bán vé số thay vì đến trường học.
Ảnh và chú thích: Uyên Nguyên, RFA

Với mức thu nhập bình quân mỗi ngày từ vài chục ngàn đồng cho đến một trăm ngàn đồng. Mức một trăm ngàn đồng là mức may mắn của người bán vé, hiếm khi họ kiếm được số tiền lãi này, vì để có nó, người bán phải bán được 100 tấm vé giá 10 ngàn đồng cho một ngày. Nhưng đây là con số rất khó đạt được, chỉ có những người bán vé cho ngày mai ngay trong buổi chiều hôm nay mới có cơ may kiếm được số lượng này.

Nghĩa là buổi sáng, họ thức dậy lúc 5h, ăn uống qua loa và lên đường, lang thang hết quán cà phê này sáng quán ăn nọ để chào mời vé số, 4 giờ chiều trả vé, lấy tiếp vé ngày mai đi bán cho đến 9 giờ tối. Đương nhiên, để kiếm được chén cơm, manh áo, họ phải chấp nhận sự khó chịu, thậm chí những lời thóa mạ của khách vì bị quấy rầy, mời mọc trong lúc đang ăn. Nhưng nếu nhìn kĩ, người bán vé số cũng không có cơ hội mời chào khác ngoài việc đi từ bàn ăn này đến bàn ăn khác hoặc từ bàn cà phê này đến bàn cà phê khác để mời.

Ngành kinh doanh vé số được đánh giá là ngành siêu lợi nhuận, chi phí in ấn một tờ vé số không bao giờ vượt tới mức giá 500 đồng, chi phí trả cho người phát hành vé số, từ đại lý cấp 1 cho đến người bán là 1.300 đồng, trong đó, đại lý được hưởng 3% trên giá vé số, người bán được hưởng 10%. Như vậy, tổng số tiền lãi công ty nhận trên một tờ vé số sẽ là 8.200 đồng. Trung bình, mỗi tỉnh có từ 20 đến 30 đại lý, mỗi đại lý có từ 30 dến 40 người đi bán, mỗi ngày, một đại lý tiêu thụ trung bình 2000 tờ vé, như vậy, doanh thu trung bình mỗi ngày là 600 triệu đồng, khấu trừ 13%, con số còn lại vẫn ở mức 492 triệu đồng.

Riêng về khoản tiền thuế đóng cho ngân sách nhà nước, con số này không ổn định và cũng không minh bạch do sự co giãn giữa mối quan hệ ăn chia, thân bằng quyến thuộc trong bộ máy cầm quyền và chỉ số thuế qui định đã được phù phép cho nhỏ lại… Cũng chính vì lẽ này, phần đông nhân viên và ban bệ trong ngành xổ số kiến thiết đều là đảng viên Cộng sản và có người thân làm quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước.

Tôi e rằng mình, cùng nhiều người khác, đã hiểu lầm câu nói (“bán vé số ở Việt Nam có thu nhập cao”) của ông Giàng Seo Phử. Khi phát biểu như trên, ông Bộ Trưởng chỉ có ý muốn đề cập đến những đại lý bán vé số của những người có “mối quan hệ ăn chia, thân bằng quyến thuộc trong bộ máy cầm quyền” thôi. Họ cũng “đều là đảng viên Cộng sản và có người thân làm quan chức cấp cao trong bộ máy nhà nước” hết trơn hết trọi. Chớ đâu phải là cái thứ thường dân dấm dớ, cỡ tui, cha nội!


Thiệt là một sự hiểu lầm tai hại, chết người, chớ không phải giỡn. Mà đời về chiều, và đã đến nước này rồi thì tui cũng đành phải chết thôi. Thôi thì nhẩy mẹ nó xuống cầu Golden Gate, ở San Francisco, chết quách cho rồi. Chớ lặn lội về tới cố hương rồi đi chào mời vé số – từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối – chỉ để kiếm được vài ba Mỹ Kim thì chắc chỉ chừng hai ngày sau là tui sẽ nhẩy cầu Rồng, hay cầu Bình Lợi thôi hà.


danlambaovn.blogspot.com