Sunday, 14 September 2014

Những gián điệp trong chiến tranh VN 1946-1975 - KS Trần Đỗ Cung

Khi chiến cuộc Việt Pháp bùng nổ ngày 21 tháng Chạp năm 1946, toàn dân hăng hái tham gia vì lòng yêu nước cao độ chỉ mong muốn nước nhà đánh đuổi hết bọn Pháp dưới lá cờ đỏ Sao vàng Việt Minh. Tất cả các tráng sinh trong Tráng Đoàn Lam Sơn đều sẵn sàng xung vào công tác liên lạc sau khi các đơn vị chiến đấu tài tử tan hàng rời khỏi Thủ Đô. Nhiệm vụ liên lạc không có định nghĩa nhất định. Có khi là dùng cặp giò hoặc Xe đạp chuyển những mệnh lệnh đến các đơn vị. Cũng gồm cả thu thập các tin tức lượm lặt trong dân chúng đưa về cơ quan mà không cần biết là cơ quan gì và ở đâu. Công việc thô sơ và nhân sự cũng tùy tiện, dùng sáng kiến cá nhân, không có huấn luyện mà tổ chức thì lỏng lẻo.

Nhân vật Hoàng Đạo Thúy là một Trưởng Hướng Đạo nổi tiếng, tinh thần ái quốc rõ ràng, trong gia đình có nhiều người danh tiếng, đóng góp vào Tuần Lễ Vàng những con số khổng lồ. Lại có các ông anh rể như cụ Đặng Văn Hướng Bộ Trưởng đặc trách Thanh Nghệ của chính phủ, ông Phạm Lê Bổng, một nhà kinh doanh và chủ báo nổi tiếng Hà Thành. Đưong nhiên Trưởng Thúy tự đứng lên lãnh đạo hệ thống tình báo khởi thủy mà các cán bộ là các tráng sinh, rành lối sinh hoạt tháo vát và thám hiểm đi rừng.


Sau vài năm chiến tranh với Pháp, đảng cộng sản Việt Nam nắm vững tình thế, từ bỏ nhãn hiệu Việt Minh và đưa cán bộ vào phụ trách mọi việc quan yếu. Họ chuyển Trưởng Hoàng Đạo Thúy qua Chỉ Huy Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn. Các đoàn viên nổi tiếng như Nguyễn Như Kim được gửi đi Thái Lan đem vàng mua các thiết bị vô tuyến cho kháng chiến. Đoàn viên Đặng Văn Việt đi chỉ huy trên mặt trận Việt Bắc trở thành vang lừng với danh hiệu con hùm xám Quốc Lộ 4. Các đoàn viên Hoàng Kim Hải, Tôn Thất Hoàng, Ngô Điền, Hoàng Đình Phu, Lê Bá Hoan, Nguyễn Trinh Tiếp đi các công việc khác như cục Quân Giới, hệ thống Truyền Thanh, Báo Chí vv. Riêng tôi sau khi Đại Đội Sinh Viên Chiến Đấu tan hàng lang thang ở Cự Đà, Đồng Quan, Cống Thần, được cán bộ giao liên Thành tuyển mộ trở về Hà Nội do thám tình hình quân đội Pháp hồi cuối năm 1947.

Hôm ấy, khi tôi đang ngồi ở Chợ Đồng Quan thì cán bộ Thành (tên thật là Phạm Phú Ưng, con cụ Án Sát Thanh Hóa Phạm Phú Tiết, học dưới tôi năm lớp ở Lycée Khải Định) đến cho tôi biết là bạn học cũ Tú Tài Toán Khải Định Nguyễn Đình Quảng nhắn giao cho tôi công việc về thành điều nghiên tình hình quân đội Pháp dưới bí danh Z-4. Sẵn óc phiêu lưu mạo hiểm Tráng Sinh cộng với lòng ghét Pháp cao độ, và hơn nữa vị hôn thê còn trong Hà Nội nên tôi nhận công tác nguy hiểm không một chút do dự. Sáng hôm sau, theo ước hẹn, tôi mang một túi quần áo nhỏ Ra chợ Đồng Quan thì Thành đã đợi sẵn. Thành giới thiệu một nữ giao liên trẻ tuổi, đầu chit khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân nâu và quần thâm đi chân đất. Tôi theo chị ta len lỏi qua các làng xóm vắng tanh, đi quanh co mấy tiếng đồng hồ thì đến chỗ nghỉ chân. Chỗ nghỉ là một căn lều vắng vẻ và ở lại qua đêm trong khi chị giao liên biến mất. Tôi không biết địa danh nhưng vì từ Đồng Quan về Hà Nội chỉ khoảng 35 cây số nhưng lại vòng vo mà không theo đường cái quan.

Tôi ngủ ổ rơm qua đêm và khoảng 4 giờ sáng hôm sau có một nữ giao liên khác đầu chít khăn tang trắng, ăn mặc xuề xòa đến tự giới thiệu có nhiệm vụ hướng dẫn tôi đến mục tiêu. Chị ta độ 35 tuổi, răng đen, môi ăn trầu cắn chỉ, bảo tôi thay bộ quần áo sạch sẽ, quần dài trắng, áo sơ mi cụt tay trắng mà chị đưa cho. Ra vại múc nước rửa mặt chải đầu tươm tất thành một công tử sinh viên, khác hẳn kiểu bần cố nông nâu sồng đen đủi. Tôi lại rảo bước theo chị giao liên mới này băng qua đồng ruộng độ hai chục cây số thì ngừng lại. Chị ta chỉ cho tôi hướng đi vào khoảng 5 cây số thì đến đường cái, rẽ phải vài cây là đến Ngã Tư Sở và đồn kiểm soát đầu tiên của lính Pháp. Rồi chị ấy lủi ngay không một lời từ biệt.

Lúc ấy khoảng chín giờ sáng, xung quanh vắng tanh vườn không nhà trống. Khi ra đến Quốc Lộ 1 tôi rẽ lên hướng Bắc và cứ thế đi cho đến khi nghe hô bằng tiếng Tây “Halte là”! Tôi đứng yên, lo sợ thì một tên Thượng Sỹ Pháp dơ súng vào tôi la to “Haut les mains”! Hắn tiến sát lại, lục soát túi quần áo trong có vài ba quyển sách Pháp Văn, nắn người tôi từ trên xuống dưới rồi hỏi, “Ton nom, où vas tu, que vas tu faire”? Trống ngực tôi đánh thình thình nhưng tôi cố trấn tĩnh trả lời bằng tiếng Pháp, tôi là sinh viên Đại Học Khoa Học, hồi cư về nhà số 153 Route Mandarine (nhà vợ). Sau khi ghi chép qua loa hắn ra lệnh, “Ca va, vas”! Hoàn hồn, tôi chào rồi dông một mạch, chân bước thoăn thoắt trên con đường tráng nhựa thênh thang không một bóng ngưòi qua lại. Đi độ mươi cây số thì đến Kim Liên rồi vào đầu Hàng Lọng. Bảo, vị hôn thê tôi từ trên gác chạy xuống ôm chầm lấy tôi khóc nức nở, không ngờ mà có được trùng phùng như vậy. Nhưng nào đâu nàng có biết là sư trùng phùng này còn nhiều bất trắc cam go trước mắt.

Bố mẹ vợ tôi là ông bà Phủ Nguyễn Đình Tại, về lưu ngụ tại đây là nhà từ đường. Trong thời gian ở đây tôi đi làm thợ may, thợ chụp ảnh và cũng không nghĩ trở lại trường lấy nốt cái bằng cử nhân khoa học đang dang dở. Độ mươi ngày sau thì tên cán bộ Thành mò đến giao cho tôi nhiệm vụ đầu tiên là điều nghiên sự sắp đặt của tụi Pháp cho cuộc hành quân sắp tới của chúng. Thì thà thì thụt, Thành đến hai lần và Chú Năm của Bảo ông Nguyễn đình Giáp sinh nghi nói với Bảo, “Mày coi chừng thằng chồng mày là Việt Minh đấy”!

Pháp sửa soạn hành quân thì xuất phát từ Thành Pháo Thủ trên đường Duvilliers ở ngay cột cờ. Hai ba lần tôi đạp xe qua địa điểm nghiên cứu tình hình và thấy cách tốt nhất và nguy hiểm nhất là đột nhập vào trong mới xác định được. Tôi thấy 7 giờ sáng thì nhân công lũ lượt kéo vào cổng đi làm qua sự kiểm soát của lính canh rồi trưa lại lũ lượt kéo ra. Vì đám nhân công hết sức đông đảo nên tên lính gác chỉ khám giấy từng vài người một thôi và có khi chỉ lướt mắt qua tờ giấy mà không đọc; tôi liền liều mạng may rủi số trời. Sáng sớm hôm ấy tôi đi theo đám nhân công lũ lượt xuống xe đạp đi qua cổng kiểm soát nhỏ bên cạnh, một tay giữ ghi đông một tay cầm mảnh giấy vớ vẩn điềm nhiên đi vào. Tên lính Lê Dương khoát tay cho tôi đi qua. Hú hồn, mồ hôi vã ra dưới lưng áo. Sau khi dựa xe vào giá tôi liền theo đám đông tản mát vào. Có một nhóm khuân vác độ mươi người đi vào kho, tôi vội tháp tùng và theo họ khiêng các thùng lương khô ra xe vận tải. Làm việc đến trưa khi còi hụ tan tầm thì tôi lại điềm tĩnh theo mọi người ra cổng lấy xe đạp và ung dung ra khỏi Thành Pháo Thủ Pháp. Tôi ước tính có khoảng trên dưới hai trăm nhân công vào và tôi nhẩm đếm đuợc hai chục xe vận tải GMC che mui bít bùng.

Theo chỉ thị của phản gián, ngày hôm sau tôi đi dạo phố Hàng Ngang, viết hai con số vào giấy bọc kẹo vo viên và vứt xuống đất dưới gốc cây trước cửa nhà hàng tạp hóa Đông-Bảo-Cánh-Hồng của bạn Đỗ Quang Trị. Sau khi đi dạo phố một vòng lúc quay trở lại thì tờ giấy kẹo vo tròn đã biến mất, có nghĩa là phản gián đã cho người rình sẵn đâu đây. Về sau tôi được biết là Pháp sửa soạn cho cuộc hành quân Alante ở vùng đồng bằng.

Tôi trở lại hai ba lần khác nhưng không đột nhập vào, chỉ quan sát bên ngoài mà thôi. Một tuần sau Thành quay lại cho biết đã nhận được phúc trình rất xác đáng và chuyển lời khen ngợi của đồng chí thủ trưởng. Tôi tỏ ý vui mừng thì hắn rút ra một gói vuông vức bọc lá chuối khô nói là thuốc phiện thô cần tiêu thụ vì bên ngoài cần tiền. Tôi không nhận và nói là tôi không thạo mua bán nên nhờ người khác thì hơn. Thành có vẻ tiu nghỉu nhét gói nhựa trở vào bọc và bắt tay tôi ra về. Trong đầu óc tôi lúc bấy giờ đã thấy có điều không ổn. Được ít ngày sau thì tôi gập anh Đặng Văn Sung rủ tôi về cùng ở biệt thự số 68 Reinach mà anh ta thuê rẻ của bà Phan Huy Quát là em họ khi gia đình bà dọn lên Clinique Émile Sergeant trên phố. Biệt thự xinh xắn nằm trong khu vườn trồng cây và từ đường phố đi vào phải qua một cái cổng sắt rèn uốn rất đẹp. Đã có sẵn vợ chồng một anh bếp lo liệu dọn dẹp cơm nước.

Anh Sung đứng đầu Đảng Đại Việt miền Bắc mà người ta thường gọi là Đại Việt Quan Lại vì có nhiều quan chức Huyện Phủ tham gia. Anh Sung hay đi vắng và giao tôi công việc trông nom đôn đốc mọi việc. Do sự giới thiệu của anh Sung, tôi vào làm việc tại sở Xã Hội Bắc Việt dưới quyền cô Rosa Minh trong chức vụ Chủ Sự Phòng Cho Vay Danh Dự cho các gia đình hồi cư. Chủ Sự Kế Toán là Bạn Nguyễn Duy Giá sau này thành Tỉnh Trưởng Nam Định và bị công sản giết chết khi vào Saigon lúc anh Giá làm cho Bank of Tokyo.

Nhà 68 Reinach là nơi các nhân vật chính trị, các đảng viên Đại Việt, Duy Dân, người Bắc cũng như người Nam lui tới họp hành ăn uống và có khi lưu lại qua đêm. Anh Sung thường đi Pháp hoặc Hongkong trong thời gian ngắn liên lạc với Cựu Hoàng Bảo Đại. Lúc ấy Tân Thủ Hiến là ông Nguyễn Hữu Trí, một thành viên Đại Việt Quan Lại. Những nhóm Đại Việt lưu vong từ Hongkong về cũng như nhóm học viên võ bị Yên Bái hồi hương trên bè xuôi sông tù Vân Nam đều tụ tập lại đây như các anh Phạm Xuân Chiểu, Vũ Văn Phấn, Đặng Văn Đệ, Vũ Đức Hải, Trần Thanh Đạm, vv. Tôi thành thân thiết với các bạn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Tất Ứng, Phạm Trọng Nhân và các bạn Đại Việt miền Nam như Nguyễn Tôn Hoàn, Đỗ Văn Năng, Thái Còng (Trần Ngọc Lập), Ba Xạo (Nguyễn Ngọc Huy) và trở thành phóng viên cho Báo Thanh Niên Saigon của anh Đỗ Văn Năng cũng như Báo Thanh Niên Hà Nội trên đường Hàng Bút. Rồi không biết từ bao giờ tôi đã nghiễm nhiên đeo nhãn hiệu Đại Việt. Lúc ấy chính phủ trung ương thay đổi từ Nguyễn Văn Xuân qua Nguyễn Phan Long và anh Nguyễn Tôn Hoàn làm Tổng Trưởng Thanh Niên. Tôi được anh Hoàn giao chức vụ Giám Đốc Thể Dục Thể Thao.

Một hôm tên cán bộ Thành mò đến 68 Reinach và yêu cầu tôi chuyển hướng theo rõi các hoạt động của các phe nhóm quốc gia nhất là Đảng Đại Việt. Tôi sững sờ vì khi nhận nhiệm vụ vào thành là để đối phó với Tây chớ đâu phải làm tình báo chính trị nhắm vào các đảng phái yêu nước. Tuy nhiên tôi không để lộ ý tưởng và chỉ ậm ừ cho qua và trong đầu óc thì đã sẵn kế hoạch thoát khỏi bọn chúng, nhất là lúc tôi nhận được một thư viết tay ký tên Đặng Văn Việt dục tôi trở ra huấn luyện thêm. Cho nên lúc chính phủ trung ương rục rịch chuyển vào Saigon tôi liền tự nguyện xung phong đi trước nghiên cứu di chuyển bộ Thanh Niên vào Nam để rời khỏi địa bàn Hà nội. Tôi vào Nam với các bạn Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Tất Ứng và nhận lãnh biệt thự 185 Mayer là tư dinh Bộ Trưởng nhưng chưa có văn phòng làm việc. Chúng tôi xếp đặt từng trên làm chỗ ở và dọn dẹp từng dưới nhà gồm cả hành lang và nhà xe thành cơ sở bộ. Cuộc sống Sài Thành thoải mái, với các giải trí trường Cholon, các Chợ Trâu (marché aux buffles) của lính Tây (khu Bình Khang của lính Tây). Công việc bận rộn tổ chức Bộ Thanh Niên đã cho tôi xa lánh được những lo âu về cán bộ Thành và công việc tình báo tôi đã nhận với Việt Minh.

Rồi tôi nhập ngũ, du học hơn hai năm tại Pháp lại càng làm cho tôi quên hẳn sự liên hệ với bộ máy kháng chiến Việt Minh. Nhưng cái nhãn hiệu rởm Đại Việt Bắc Kỳ vẫn theo đuổi tôi trong đời sống quân ngũ. Cho đến sau khi đảo chính 1 tháng 11 lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ chấp chính giao cho tôi chức Thứ Ủy Tổng Cuộc Trưởng Tiếp Tế đương đầu với sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô bởi Cộng Sản. Tôi vẫn ở trong Căn Cứ Tân Sơn Nhứt vì lý do an ninh và để tránh những áp lực tài phiệt.

Thế rồi đầu tháng Tư năm 1966, bỗng nhiên có một khách lạ vào nhà hỏi tôi. Tôi chạy ra thì, ngỡ ngàng, trước mặt tôi bằng xương bằng thịt, là cán bộ Thành không biết thế nào mà đã lọt qua cổng Phi Long vào nhà. Tôi điềm tĩnh mời hắn ngồi, liếc mắt dò xét xem hắn có khí giới không và hỏi một cách thân tình: “Đã lâu quá, sao bây giờ chú lại vào đây, từ lúc nào vậy”? Tên Thành, mặt bủng da chì như nghiên thuốc phiện, trả lời tôi một cách lễ độ khiêm tốn chớ không áp đảo đương đầu, “Thưa anh, em bỏ bên kia rồi và em vượt sông Bến Hải vào đây”.Tôi hỏi ngay, “Trông chú có vẻ nghiện ngập phải không, bây giờ làm gì sống”? Thành trả lời, “Em trót nghiện nhưng đã cai rồi. Bây giờ em làm Bí Thơ cho Tổng Trưởng Lao Động. Em chỉ muốn ghé thăm anh thôi và mừng thấy anh vẫn khỏe”. Tôi tin lời Thành và không báo cho An Ninh biết.

Cái yếu của phe quốc gia là nặng tình cảm và cả tin. Cho nên những trường hợp như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng được cài vào cơ quan đầu não của ta mà không biết. Có lẽ có hằng ngàn gián điệp Cộng Sản gài khắp các cơ quan quân cũng như dân. Trong đám sinh viên thì có những Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Lê Văn Nuôi đã bị chính quyền bắt giam. Riêng Không Quân đã có phi công Nguyễn Thành Trung, gọi là phản loạn thì không đúng vì hắn nằm vùng để xuất hiện theo chỉ thị ngoài Bắc. Tướng Hạnh làm Tổng Tham Mưu Trưởng cho Dương Văn Minh cũng là một tên nằm vùng cơ hội. Trong giới sư sãi cha cố cũng không ngoại lệ. Thượng Tọa Thích Minh Châu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, ăn nói khiêm tốn nhỏ nhẹ, mà lại vào đảng cộng sản từ năm 1943 với danh tính Đinh Văn Nam. Thượng Tọa Thích Thiện Minh nuôi dưới trướng bọn Hoàng Văn Giầu là một ổ gián điệp. Về phía các cha cố cũng vậy, với những linh mục Chân Tín, Thanh Lãng.... vân... vân....

Khoảng 1959 Cộng Sản đưa ra độc chiêu thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với các cơ sở di động ở Hố Bò và Chiến Khu D. Các cán bộ cao cấp như Lê Đức Thọ và em là Lê Đức Mai cải danh thành Mai Chí Thọ len lỏi từ Bắc vào qua ngả Hạ Lào. Chúng tuyển mộ dễ dàng các người miền Nam dễ tính và có tinh thần bài Bắc Kỳ để tung vào Sài Gòn làm công tác phá hoại hoặc tình báo. Chính quyền miền Nam của Ngô Đình Diệm, với sự trợ giúp của CIA lãnh đạo bởi Đại Tá Lansdale ráo riết thành lập sở Địa Hình và tuyển mộ các thanh niên quả cảm gửi ra Bắc. Nhiều toán biệt kích được thả dù xuống các địa điểm chọn trước, bằng phi cơ lúc đầu của Không Lực Việt Nam rồi sau với các máy bay Đài Loan do Đại Tá Bob Yeh chỉ huy. Còn có các biệt kích người nhái xuất phát từ Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng-Mỹ Khê trên các thuyền chài cải trang rồi các PT boat đột nhập các vùng duyên hải phía Bắc Vĩ Tuyến 17. Một số ít là các điệp viên đơn độc, phần đông là người công giáo di cư được huấn luyện cấp kỳ và thả ra Bắc bằng đường biển.

Trong số điệp viên đơn độc này (singleton) nổi bật nhất là Trần Viết Hùng bí danh Đặng Chí Bình. Anh ta là một thanh niên trẻ tuổi, người công giáo, được cha Khuê đề bạt và huấn luyện trong nhiều tháng bởi nhân viên Trung Ương Tình Báo Quốc Gia cũng như cán bộ CIA Mỹ. Anh đột nhập miền Bắc bằng đường bể trên thuyền máy xuất phát từ bến Mỹ Khê Đà Nẵng. Sau chuyến đầu thất bại, chuyến thứ nhì thì đổ bộ vào bờ bể Hà Tĩnh và men theo Quốc Lộ Một về Hà Nội. Là một thanh niên công giáo mới lớn lên, ở lứa tuổi hai mươi, Bình đã xông xáo nhận một nhiệm vụ ngắn và giới hạn thi hành trên địa bàn Hà Nội. Có thể nói nhiệm vụ có tính cách chiến thuật, đưa mật thư cho ba đối tượng qua mật khẩu.và quan sát tình hình dân chúng, cũng như sư đoàn 308 của Thiếu Tướng Vương Thừa Vũ. Sau ba tuần lễ hoạt động trong tình tiết căng thẳng anh ta bị đối phuơng phát hiện và bắt vào Khám Hỏa Lò biệt giam dã man, thẩm cung hằng ngày, ăn uống đói khát. Có lần anh đã lừa trốn tù và bị bắt lại rồi bị đánh đập tàn nhẫn đưa đến quyết định thắt cổ tự tử.

Sau sáu năm hành hạ trong Hỏa Lò anh Bình bị chuyển về các trại lao cải khắp nơi trong mười hai năm. Trong thời gian này, ngoài sự hành hạ thể xác, anh gập các nhóm biệt kích và cả phi công Phan Thanh Vân bị hạ trong chuyến thả tình báo tại Cồn Thoi Ninh Bình. Sau khi mãn án 18 năm anh Bình trở về Sài Gòn với cha già đã lẩm cẩm và bà mẹ mù lòa, thi hành bản án năm năm mất quyền công dân. Anh Bình đã can đảm đào thoát được qua Mỹ và định cư tại Boston. Nghe nói sau khi Cộng Sản chiếm Saigon chúng đã bắt cha Khuê tùng xẻo và vứt xác ra bãi rác. Phải nói Gián Điệp Đăng Chí Bình chỉ là một loại nhỏ và được tiếng vì đã cắn răng qua sự giam cầm hành hạ độc ác của Việt Cộng tại Hỏa Lò cũng như các trại lao-cải dã man của chúng. Ở Boston anh Bình đã ngày ngày vào thư viện Đại Học UMA viết 1,800 trang hồi ký Thép Đen kể lại câu chuyện kinh hoàng đầy máu và nước mắt trong ngục tù tàn bạo cộng sản. Thép Đen đã được hoàn tất trong mười hai năm, như “một chứng tích, một di cảo cho tất cả đã nằm xuống hay còn trong ngục tù ác dộc và man rợ Cộng Sản Bác Việt”.

Về phía Việt Cộng thì có Phạm Xuân Ẩn được tuyển chọn vào chiến khu rồi gửi đi Hoa Kỳ học báo chí tại Orange County Community College để trở về hoạt động tình báo chiến lược. Ẩn sanh năm 1927 tại Biên Hoà. Cha là một công chức đạc điền tầm thường gốc Hải Dương, thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh và mẹ cũng quê miền Bắc. Năm 1945 Ẩn cũng như các thanh niên cùng trang lứa đã theo Việt Minh vì lòng ái quốc. Trong những năm xáo trộn ở Sài Gòn, Ẩn đã tham gia các cuộc biểu tình xách động và gập Bác Sỹ Phạm Ngọc Thạch đưa vào chiến khu D. Bác Sỹ Thạch muốn Ẩn trở thành một cán bộ tình báo chiến lược. Ẩn gia nhập đảng cộng sản năm 1954 tại rừng U Minh dưới sự chứng kiến của Lê Đức Thọ.

Khi về Sài Gòn Ẩn vào làm việc cho cơ quan TRIM và được cơ hội gặp các nhân vật CIA trẻ Mỹ như Lansdale và các sỹ quan trẻ Việt Nam sau này trở thành những nhân vật trọng yếu trong chính trường. Mười Hướng là Thủ Trưỏng của Ẩn đã nhìn rõ tương lai và quyết định gửi y qua Mỹ học về báo chí. Mai Chí Thọ thu xếp đủ tiền mua vé đi Mỹ và Bác Sỹ Trần Kim Tuyến đã giúp lấy chiếu khán xuất ngoại năm 1957. Về nước Ẩn vào làm cho Việt Tấn Xã dưới quyền Nguyễn Thái và được ký hợp đồng bán thời gian với Reuters trong bốn năm trước khi trở thành phóng viên cho tuần báo Mỹ Time, viết bài cho New York Herald Tribune và Christian Science Monitor.

Dùng một máy chữ Hermès cung cấp bởi Phản Gián Bắc Việt, Ẩn đánh các phúc trình mật trong đêm, làm phóng ảnh và cải trang như các cuộn phim chưa chụp rồi gửi qua giao liên đến hầm địa đạo Củ Chi. Từ đó tài liệu được tức tốc hộ tống đến núi Bà Đen rồi chuyển qua Nam Vang và được gửi bằng máy bay qua Quảng Châu để cuối cùng về tay Bộ Chính Trị Bắc Việt. Đóng đúng vai trò phóng viên, Phạm Xuân Ẩn đã chỉ đưa ra những tin tức xác thật, không thêu dệt thêm bớt. Ẩn đã nói, “Hai công việc tôi làm có vẻ trái ngược nhau nhưng thật ra lại rất đồng bộ: Công việc gián điệp phải thu thập tin tức, phân tách kỹ lưỡng rồi giữ bí mật như con mèo dấu cứt; Nhiệm vụ của nhà báo cũng là thu thập và phân tách tin tức nhưng để đưa ra cho thế giới biết sự thật”. Thí dụ anh ta đã cắt nghĩa với nhà báo Mỹ Bob Shaplen là nếu thấy chợ chim hiếm cào cào thì chắc là vùng sản xuất đã bị Việt Cộng chiếm; và khi cào cào trở lại trên thị trường thì quân ta đã chiếm lại vùng ấy. Là một điệp viên tứ trùng, làm việc cho đệ nhị phòng Pháp, cơ quan phản gián phôi thai của Việt Nam Cộng Hòa, CIA Mỹ và Cộng Sản Bắc Việt, Ẩn sống trong căng thẳng tột cùng như “một con cá trong ao, bị bắt lúc nào không biết, và phải sẵn sàng chịu tra tấn thẩm cung theo số mạng”. 

Ẩn thường la cà ở nhà hàng Givral và đậu chiếc xe Renaukt-4 cũ mèm trên bờ hè. Tại đây anh trao đổi tin với các đồng nghiệp ngoại quốc và gặp các bạn sỹ quan Hải Lực Không Quân đấu láo để biết những tin tức hành quân cũng như chính trị. Trước khi xẩy ra vụ Tết Mậu Thân Ẩn đã liều mạng hướng dẫn Tư Cang qua các ngõ ngách thành phố, đường đi nước bước, chỗ chứa nhiên liệu Nhà Bè, tòa Đại Sứ Mỹ, Ngân Hàng Quốc Gia vv... Một nữ phóng viên chiến trường Mỹ Laura Palmer gọi đùa Ẩn là Thiếu Tướng Givral, một trùng hợp ngẫu nhiên vì sau khi thắng trận, Bắc Việt đã thăng chức cho y là Thiếu Tướng anh hùng quân đội nhân dân. Nhưng Ẩn lại nói đùa là y chỉ là Tướng quân tình dục, Tướng chuyên đảo chính hay Tướng quân khuyển. Ẩn rất thông minh, điều nghiên tình hình, phân tách các khía cạnh tương quan chính trị, kinh tế xã hội gửi ra Bắc. Khi Bắc Việt gửi đại quân để thanh toán chiến trường họ lo nhất là Mỹ có thể trở lại, các pháo đài B-52 lại oanh kích trải thảm và Hạm Đội 7 ở ngoài khơi lại bắn phá đổ bộ. Phúc trình của Ẩn phân tách kỹ tại sao Mỹ không thể trở lại, nhất là Mỹ đã giảm thiểu quân viện, giới hạn bom đạn và nhiên liệu cho không quân ta.

Khổ cho chúng ta là Tổng Thống Thiệu đã ôm kín mấy bức thư mật cam kết của Richard Nixon để ngây thơ đánh lá bài tẩy lật ngửa xuống chiếu hạ lệnh bỏ vùng 2 và vùng 1 hầu đẩy Mỹ trở lại, đưa đến cuộc thảm bại nhanh chóng trong có 55 ngày trái với ý đồ ba năm của Bắc Việt. Ông Thiệu lại còn giao tài liệu cho cố vấn thân cận Nguyễn Tiến Hưng qua Mỹ cứu vãn tình thế, vận động hành lang (lobby) với 3,000 Mỹ Kim trong túi. Thật quả là bất hạnh cho chúng ta. Khi phúc trình của Ẩn đến tay Võ Nguyên Giáp thì hắn mừng rỡ la lên “Chúng ta đã lọt vào phòng hành quân của Mỹ rồi”!

Tuy nhiên, vì tiêm nhiễm lối ăn nói phóng khoáng trong bao năm thân cận với các đối tượng phóng viên quốc ngoại và hơn nữa vì Ẩn đã trả ơn cứu BS Trần Kim Tuyến ra khỏi Sài Gòn trong giờ phút cuối cùng của Việt Nam Tự Do, nên bộ Chính Trị cộng sản đã đưa y đi huấn luyện cải tạo tư tưởng ở Hà Nội. Khi về Sài Gòn y được cấp một biệt thự ở gần cuối đường Yên Đổ, nhưng thật ra thì Ẩn bị cách ly như một con chim trong lồng son và phía ngoài cổng luôn luôn có một cảnh sát lưu thông đứng làm việc. Năm 1997 chính phủ cộng sản đã từ chối hộ chiếu xuất ngoại cho Ẩn qua dự cuộc hội thảo tại New York về đề tài “những di sản về Việt Nam” (the legacy of Vietnam). Theo lời một cựu phóng viên Mỹ đã gặp lại Ẩn ngày 28 tháng Tư năm 2005, “Được gặp một đại gián điệp sau ba mươi năm có lẽ cho tôi biết một vài chi tiết bổ ích. Nhưng sau khi tôi từ giã y trong đầu tôi lại nẩy thêm nhiều câu hỏi không giải đáp. Ẩn đã gây ra bao nhiêu thiệt hại? Bao nhiêu người tôi quen biết đã bỏ mạng vì những phúc trình của y? Chúng ta chẳng bao giờ biết, vì Ẩn không nói, hoặc giả Ẩn cũng không thể biết được”!

Frank Snepp từng là một thẩm tra viên của CIA và hiện cộng tác với một hệ thống truyền hình tin tại Los Angeles đã nhận xét, “Chúng ta ước tính có khoảng mười bốn ngàn gián điệp hoạt động tại miền nam. Bọn cộng sản đã thâm nhập vào các cơ quan đầu não chính phủ Nam Việt như một miếng phó mát Thụy Sĩ. Chúng đã biết tất cả các tin tức trước cả Tòa Đại Sứ Mỹ như sự đi đêm của Kissenger và quyết định của Thiệu rút lui khỏi Cao Nguyên. Chúng ta không biết rõ sự thối nát trong chính quyền Nam Việt nhưng chắc chắn Ẩn hiểu hơn và lẽ cố nhiên biết rõ là chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh sẽ thất bại. Tuy nhiên sau khi Sài Gòn thất thủ, Ẩn cũng đã thất vọng và tuyên bố, “tình hình đã tồi bại khi rơi vào tay một lũ dốt nát và chuyên chính, một bọn phát xít vô lương tâm”!

Một điệp viên khác chống cộng là một phụ nữ “con cháu Bà Trưng Bà Triệu”, gia nhập ngành tình báo trong một tình huống đặc biệt. Đó là Matahari Việt Nam Dặng Mỹ Dung tức Yung Krall, người miền Nam trong một gia đình trung lưu ở Long Thành. Thân phụ Đặng Văn Quang là giáo chức nhiệt thành yêu nước và đã bị Pháp giam cầm ngoài Côn Đảo. Trong nhà tù ông tiếp xúc với các nhân vật ái quốc khác trong số có các cán bộ cộng sản và ông bị lôi cuốn vào quỹ đạo Hồ Chí Minh. Bà vợ ông rất hiền thảo, nhất mực thờ chồng nuôi con nhưng có đầu óc độc lập, muốn sống một cuộc đời bình dị nơi quê cha đất tổ. Sau hiệp định Genève chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17, ông tập kết ra Bắc với con trai lớn Đặng Văn Khôi, ông đổi tên là Đặng Quang Minh, trong khi gia đình vợ con ở lại miền Nam. Ông đã cho điều chỉnh giấy tờ hộ tịch của các con mang họ Trần của mẹ. Trong số con có cô con gái nhỏ tên là Đặng Mỹ Dung vừa đi học ở Cần Thơ vừa làm việc giúp mẹ. Sau khi đậu Tú Tài, Mỹ Dung vào làm việc cho phòng Tâm Lý Chiến Vùng 4 dưới quyền Đại Úy Nguyễn Đạt Thịnh. Rồi gia đình về Sài Gòn sinh sống và Mỹ Dung vào làm việc cho câu lạc bộ Mỹ Rex BOQ. Sau khi thuyên chuyển qua Brinks BOQ rồi Splendid BOQ cô gặp một Trung Úy phi công Hải Quân tên John Krall và hai người yêu nhau thành vợ chồng để ngày 3 tháng 8 1968, bắt đầu xây cuộc đời thơ mộng tại Monterey California.

Đầu tháng Tư tình hình Sài Gòn sôi bỏng sau khi đại quân cộng sản dồn dập tiến chiếm các nơi. Tìm cách đưa mẹ và gia đình ra khỏi Sài Gòn, Mỹ Dung đã thuận làm cho CIA. Lúc ấy thân phụ là Đại Sứ cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ở Mạc Tư Khoa và các nước Đông Âu và CIA cũng muốn biết tin tức về đối phương khi Nga Sô Viết còn toàn thịnh. Trong thời gian ấy Trung Úy Hải Quân John, chồng Mỹ Dung, tìm đủ cách trở về Sài Gòn bất hợp pháp lo cho gia đình mẹ vợ. Sau độ hai tuần lễ ở Sài Gòn, qua bao nhiêu trường hợp và tình tiết khúc mắc John đã đưa được gia đình vợ và các trẻ em mồ côi Minh Trí ra khỏi Việt Nam ngày 23 tháng Tư 1975. Hoàn cảnh của Mỹ Dung thật là đặc biệt, xâu xé giữa cha cuồng tín với Hồ Chí Minh và mẹ cùng gia đình mong có một đời sống hiền hòa không cộng sản. Đó cũng là hoàn cảnh đau thương của bao nhiêu gia đình Việt Nam, người bên nọ kẻ bên kia, trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn đầy máu và nước mắt.

Khi Cộng Sản thanh toán xong miền Nam thì chúng đưa cái vòi bạch tuộc qua Mỹ, thiết lập cơ sở tình báo để rình rập cộng đồng di cư mới hình thành và cũng để thu thập tin tức cho khối cộng quốc tế. Chúng lợi dụng các hội Việt Kiều Yêu Nước trong số các sinh viên du học trước 1975. Không có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, chúng liền đặt bản doanh tại văn phòng Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc của Đinh Bá Thi mà sự đi lại chỉ giới hạn trong vòng 25 dặm bán kính. Trương Đình Hùng là con Luật Sư Trương Đình Du nổi tiếng giầu sang và dân chúng đã thường trầm trồ nhìn bà Du lái chiếc xe Hoa Kỳ décapotable bóng loáng qua đường Catinat. Hùng đã du học tại Mỹ nhiều năm trước đây và là một sinh viên phản chiến có nhiều tham vọng chính trị.

Vì qua Paris gặp lại thân phụ sau hai mươi năm chia cắt, Mỹ Dung đã được dịp biết Phan Thành Nam, đại sứ Việt Cộng tại Paris cũng như đại sứ Võ Văn Sung và lọt vào biệt thự của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời ở Verrières-la-Buisson và trụ sở chính thức của họ, số 44 đường Madrid, Neuilly-sur-Seine. Qua những liên hệ tình cờ, Mỹ Dung được móc nối với Huỳnh Trung Đông, chủ tịch hội người Việt Nam hải ngoại tại Paris. Rồi từ đó được giới thiêu với bà Thoa có chồng Mỹ để kết nối với Trương Đình Hùng và Nguyễn Văn Lũy chủ tịch Hội Việt Kiều Yêu Nước Hoa Kỳ ở San Francisco. Bà cũng gặp Nguyễn thị Ngọc Thoa, Huỳnh Trung Đông và Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp để liên hệ đến Thu Novax và Đinh Bá Thi, Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Mỹ Dung đã kể lại những tình tiết hồi hợp toát mồ hôi lạnh đột nhập vào hang cọp. Kết quả là Mỹ Dung đã phá vỡ một mạng lưới hoạt động tình báo quốc nội thu thập tin tức của chính phủ Hoa Kỳ, chủ động bởi Trương Đình Hùng tức David Trương và Robert Humphrey của cơ quan thông tin Hoa Kỳ USIS. Ra tòa như một nhân chứng chính, vai trò CIA và FBI của Yung Krall đã lộ và kết thúc. Các can phạm đã lãnh án 15 năm và khi mãn tù Trương Đình Hùng đã qua Hòa Lan sinh sống. Sau vụ án, Đại Sứ Đinh Bá Thi bị trục xuất trở về Việt Nam.

Có một lần tại văn phòng Đại Sứ Liên Hiệp Quốc, vào buổi trưa khi mấy cộng sự viên đã đánh giấc ngủ “siesta”, ông Thi đã ngồi chuyện trò thân mật với Mỹ Dung khá lâu và đã trao đổi về những mơ ước cá nhân. Thi nói, “Tôi đã vào Nam đôi lần và đã thấy nhiều nơi rất đẹp; nhưng tôi mê nhất là Thủ Đức với giòng sông Đồng Nai hiền hòa. Tôi tưởng tượng sẽ xây ngôi nhà lý tưởng ở đó, tôi tượng hình đàn gà chạy lại đòi ăn, con trai tôi cỡi xe gắn máy về từ Sài Gòn và chúng tôi cùng ngồi ngắm cảnh chiều tà trên giòng sông ngay trước nhà”. Mỹ Dung đặt tay nhẹ lên tay Đại Sứ Thi và nói hết sức cảm động, “Cháu mong là giấc mơ của Bác sẽ thành sự thật trong tương lai gần đây”! Ông ta nói ngay, măt đỏ hoe, “Bác cũng mong vậy trước khi quá chậm; Bác Gái của cháu bị bịnh đã lâu. Bác đã xin chính phủ cho phép qua đây chữa trị nhưng mặc dầu đơn xin đã gửi lên các chỗ cao nhất nhưng cho đến giờ vẫn không có hồi âm. Như cháu chắc cũng hiểu, chính quyền nào thì cũng có khuyết điểm và nhược điểm chính của chúng ta là thiếu lòng tin cậy”. Bất hạnh cho ông ta, khi trở về Việt Nam, Đinh Bá Thi đã bị lạnh lùng thanh toán dã man trên Quốc Lộ 1 gần Bình Tuy trên đưòng trở về Hà Nội do một tai nạn giao thông dàn cảnh của các đồng chí. Những thành phần “Việt Kiều Yêu Nước” cũ thì dù nhà nước mời gọi cũng không mấy ai trở về đóng góp cho quê hương. Theo Mỹ Dung thì hoạt động tình báo của bà chỉ có tính cách cơ hội, đưa được gia đình ra khỏi Việt Nam và đền đáp ơn Mỹ Quốc đã cưu mang dân mình trong hoàn cảnh nghiệt ngã.

Trong một dịp ở Paris, Mỹ Dung đã đến thăm một người bạn của gia đình, ông Huỳnh Ngọc Châu là con ông bà Huỳnh Ngọc Nhuận, một đại điền chủ giầu có, ruộng thẳng cánh cò bay ở miền Tây và có cả nhà máy gạo. Đã có lần mẹ Mỹ Dung đã đưa gia đình lên tá túc tại biệt thự to lớn của ông bà Nhuận ở Sài Gòn. Ông Châu là một kỹ sư dầu hỏa làm việc cho công ty Esso Oil, đúng là một hoàng tử trong gia đình dưới con mắt của Dung ở tuổi 12. Ông ta bị ung thư ruột già và được Chủ Tịch Nguyễn Hữu Thọ can thiệp cho qua Pháp chữa bệnh. Ông Châu từng giúp đỡ nhiều thân phụ Dung trong thời gian giam cầm và lúc ở trong bưng biền. Hiện tại “Bác Châu” đang dưỡng bệnh tại nhà nhạc phụ Cao Minh Chiếm trên đường phố nhỏ Rue de Savoie. Sau khi xuống taxi và lững thững đi bộ đến địa chỉ cô ta thoáng thấy hình như có cái đuôi thập thò theo mình và phải quanh co vào các hiệu thực phẩm. Khi vào nhà thì nhận thấy căn phòng chật hẹp với chậu thau bát đĩa bừa bộn cạnh một bếp điện nhỏ, một lon dầu mỡ và một hộp sắt tây cắm thìa đũa. Thật là một cảnh đau lòng! “Bác Châu đắp một cái chăn rằn ri thường thấy bán ở chợ Trời Sài Gòn và thò bàn tay ra nắm lấy tay tôi; trông hình như Bác đã già đi cả trăm tuổi”!

Ông Châu nói năng mệt nhọc và than đau đớn ê chề với căn bệnh, mặc dầu đã chi tiêu bao nhiêu tiền cho tất cả những trị liệu có được. Ông nghẹn ngào nói, “Khi mẹ cháu sắp sửa rời Sài Gòn đã ngỏ ý rủ gia đình Bác cùng đi; Bác đã từ chối vì thấy nước nhà đã thắng được ngoại xâm. Nhưng nay nghĩ lại, Bác thấy ở lại thế mà hay vì các con Bác đã chứng kiến tận mắt cái bất hạnh với một tập đoàn bất nhân”. Nói đến đây ông khóc ròng và tiếp tục,“Đầu năm 1977, trong khi cả nhà đang quây quần bên nhau thì một lũ nón cối xách súng AK ập vào. Chúng vây mọi người lại, trợn mắt bặm môi la hét dọa nạt. Chúng xô đẩy mẹ Bác, khảo của làm cho bà cụ lăn xuống đất sợ hãi. Con nhỏ của Bác khát sữa khóc lóc và Bác Gái đã xin họ cho đi lấy bình sữa nhưng cũng không được phép”.

“Bác mong sao Chủ Tịch Thọ giúp cho gia đình Bác sớm qua đây đoàn tụ. Chúng lục lọi khắp mọi nơi, niêm phong các phòng ốc và dồn cả gia đình vào phòng gia nhân rồi chúng kéo mẹ Bác đi luôn. Bác phài nhờ Bác Thọ giúp tìm bà cụ và chính Bác Thọ đã đích thân đến nhà lao Cần Thơ, cách nhà cả 400 km để đưa bà cụ về trước khi chúng bắt cụ phải ký giấy cúng tất cả tài sản cho nhà nước. Các con Bác đã chứng kiến mọi sự việc quái gở xấu xa. Chúng không thể lớn lên để bị lừa một lần nữa bởi lũ-chó-đẻ”! Chủ Tịch Thọ đã giúp gia đình Bác Châu từ bỏ nước nhà giải phóng để qua Paris đoàn tụ với Bác Châu hai tháng trước khi Bác qua đời. Trong đám tang ông Châu người ta thấy một bên là cánh bạn hữu còn bên kia là bọn Mặt Trận Giải Phóng đi xe ngoại giao đến dự.

Trong thời gian John đổi qua Luân Đôn làm Tùy Viên Hải Quân, Mỹ Dung đã vận động cho cha ghé qua gặp mẹ và con cháu. Cô ta cố thuyết phục cha về hưu sau khi nước nhà đã thống nhất và cùng mẹ sống cuộc đời còn lại ờ bất cứ nơi nào ngoài Việt Nam. Tuy nhiên cô đã nhận được câu trả lời lạnh lùng của thân phụ, “Nước nhà còn cần bố. Bố không nhúng vào việc của con và cũng xin con đừng chà đạp lên xác tín của bố”. Mỹ Dung nhất quyết tìm đáp số vê sự cuông tín của cha đã bỏ gia đình với sáu con thơ theo cộng sản gây tang tóc cho quê hương nhân danh cách mạng cứu nước. Cô muốn gập Hoàng Văn Hoan là bạn đồng song với cha, nguyên thành viên Chính Trị Bộ, phó chủ tịch Quốc Hội, trong chủ tịch đoàn Mặt Trận Tổ Quốc, đã đào thoát qua Trung Quốc hô hào lật đổ Hà Nội để thực hiện một cuộc cách mạng mới. Trong mấy năm 1982-1986 cô viết nhiều thư cho ông Hoan và đã xin chiếu khán qua Trung Quốc lưu lại hai tuần từ 16 tháng Tư đến 1 tháng 5 1988. Ông Hoan đã đến gặp cô hai lần tại nhà khách Trung Quốc. Trung Cộng đãi ông như một thượng khách, một con bài quý chống lại bọn Hà Nội tráo trở. “Tôi thấy Hoan sống quan liêu phủ phê như một tư bản đỏ, với những ý niệm đóng khuôn, không có gi mới lạ. Khi tôi trở về đáp xuống phi trường Los Angeles thì có cảm tưởng như từ bóng tối đến ánh sáng tự do. Năm 1991 Hoàng Văn Hoan chết, thôi ta hãy để cho ông ta an nghỉ”!

Ba điệp viên, ba hoàn cảnh, ba trình độ, ba động lực, ba tâm trạng. Tuy nhiên họ đều có một mẫu số chung là can đảm, bình tĩnh, yêu tổ quốc và kiên trì phục vụ lý tưởng của mình cho đến cùng, bất chấp mọi đe dọa cho chính bản thân. Họ đều may mắn qua khỏi để kể lại những tình tiết trong đoạn đời sóng gió. Duy có Phạm Xuân Ẩn vẫn phải ngậm miệng theo lệnh nghiệt ngã của Bộ Chính Trị Bắc Bộ Phủ, mặc dầu anh đã nói theo Joséphine Barker, “Tôi có hai mối tình, Tổ Quốc và Pháp Quốc” (J’ai deux amours, mon pays et Paris). Hiện tại Ẩn đã 78, sức khỏe suy sụp vì suyễn kinh niên, ở trong nhà giữa đống sách báo cũ vàng, các bình dưỡng khí trợ thở và con chó berger thân tín.

Trần Đỗ Cung
Trần Đỗ Cung sinh ngày 28 tháng Ba năm 1922 tại Nho Lâm, Nghệ An. Chính quán tại Nhị Khê, Hà Đông.Trưởng thành ở Thanh Hóa.
Tốt nghiệp Thành Chung tại Collège de Thanh Hóa, nhập học trường Quốc Học Khải Định Huế và tốt nghiệp Tú Tài toàn phần Toán năm 1942. Ra Hà Nội học môn Toán Chuyên Biệt (Mathématiques Spéciales) ở trường Albert Sarraut và đậu các bằng Toán Học Tổng Quát (Mathématiques Générales), bằng Cơ Học Lý Tưởng (Mécaniques Rationelles) năm 1944 và 1945.

Trong thời kỳ này hoạt động tích cực với Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, Tráng Đoàn Hướng Đạo Lam Sơn của Hoàng Đạo Thúy. Và tham gia phong trào ái quốc Việt Minh chống Pháp cho đến khi trở về Hà Nội năm 1947 làm gián điệp đột nhập đầu não của Pháp ở thành Pháo Thủ. Năm 1949 thành hôn với cô Nguyễn thị Bảo là con cụ Phủ Nguyễn Đình Tại. Nhận làm Giám Đốc Thể Dục Thể Thao cho Bộ Trưởng Nguyễn Tôn Hoàn và di chuyển vào Sài Gòn.

Động viên nhập ngũ năm 1953, du học Pháp Quốc tại trường Không Quân Salon de Provence và tốt nghiệp cuối năm 1955 với bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hàng Không.

Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thanh Niên năm 1964 rồi Tổng Cục Trưởng Tổng Cuộc Tiếp Tế 1965-67, ngang hàng Thứ Ủy trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, đương đầu và phá vỡ sự phong tỏa kinh tế Thủ Đô của Việt cộng.

Về hưu Quân đội tháng Mười 1972 với cấp bậc Trung Tá KQ và vào thương trường cho đến khi mất nước thì may mắn di tản qua Mỹ Tháng Tư 1975 rồi được bảo trợ về định cư tại Monterey, California cho đến nay.