Sunday, 14 September 2014

Văn hóa và bóng đá


Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 14.9.2014 

 
Nhất là các đội bóng đá nữ còn bị đối xử tệ bạc hơn nữa, dù là tuyền thủ quốc gia cũng đói dài, nữ tuyển thủ ngồi bán vỉa hè kiếm sống là chuyện không hiếm. Tất cả những “lỗ hổng” này báo chí VN đều biết, người dân cũng biết. Thế thì đừng hỏi tại sao bóng đá VN không ngóc đầu lên được.
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Đã từ lâu lắm rồi, khán giả bóng đá VN chán chường với các trận bóng dù là tranh giải quốc gia hay những trận được gọi một cách quá phô trương là “trận đấu quốc tế.” Ngay cả những người “làm bóng đá” hay nói chính xác hơn là những người có trách nhiệm với bóng đá là Liên Đoàn Bóng Đá VN gọi tắt là VFF (Viet Nam Football Federation) cũng biết rất rõ điều này. Nhưng dường như họ loay hoay chẳng tìm ra cách nào tìm ra được lời giải cho sự xa lánh này của khán giả, họ điều hành chẳng giống ai. Đội nào muốn chơi thì chơi, muốn nghỉ thì nghỉ, các ông bầu toàn quyền tự tung tự tác. Ngay cả cơ quan có trách nhiệm cao nhất là Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch cũng thờ ơ với bóng đá, coi như đó là chuyện của ... người khác! Nhất là các đội bóng đá nữ còn bị đối xử tệ bạc hơn nữa, dù là tuyền thủ quốc gia cũng đói dài, nữ tuyển thủ ngồi bán vỉa hè kiếm sống là chuyện không hiếm. Tất cả những “lỗ hổng” này báo chí VN đều biết, người dân cũng biết. Thế thì đừng hỏi tại sao bóng đá VN không ngóc đầu lên được.
Nỗi buồn cầu thủ
Còn cầu thủ thì khỏi nói. Hầu hết không được học hành tử tế, vả lại có trường lớp nào dạy đá bóng đâu mà học. Những cậu đá hay thuộc loại có năng khiếu bẩm sinh, bỗng dưng trời cho đá hay hơn những thằng nhỏ khác trong làng, trong thị trấn rồi được may mắn lôi vào đội này đội kia. Cũng vì thế họ không được học văn hóa, học cách sống nên cách “giao tiếp” với cuộc đời đều rất kém. Một số lớn đang đói rách kinh niên, bỗng có tiền, bỗng thành “sao” trở nên ham chơi, ham “sành điệu,” chuyện gì cũng dám làm kể cả chuyện bán độ. Bởi vừa vào học đá bóng đã được huấn luyện viên dạy cho cách chơi tiểu xảo, cách ăn vạ miễn là đạt mục đích nào đó nên biến thành thói quen. Nhưng đừng trách họ vội, hãy tìm hiểu nguyên nhân nào đã đẩy họ “tự do sa ngã.”
alt
Các cầu thủ Ninh Bình bán độ cúi đầu ra tòa
 
alt
Cầu thủ đội trưởng và cũng là “đại bàng” Quốc Vượng bị dẫn giải ra tòa
 
alt
Trọng tài Lương Trung Việt đã nhúng tay vào hầu hết vụ dàn xếp trận đấu ra tòa

Đã có nhiều vụ cầu thủ bán độ bị bắt. Gần đây nhất là vụ 9 cầu thủ Ninh Bình bán độ trong trận Vissai Ninh Bình với đội Kelantan - Malaysia (đấu tại Malaysia) tiền vệ Trần Mạnh Dũng đã rủ thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng cùng hai hậu vệ Lê Quang Hùng và Lê Văn Duyệt tham gia cá độ trong khuôn khổ vòng bảng AFC Cup. Tiếp đó, Trần Mạnh Dũng rủ thêm một số cầu thủ khác trong đội cùng tham gia chung độ, bắt kèo với tổng số tiền cá độ là 1.02 tỉ đồng (hơn $48,000). Các cầu thủ thắng cá độ được nhận 800 triệu đồng ($38,000). Khi bị đổ bể các cầu thủ đã bị bắt và bị tù. Mạnh Dũng 30 tháng tù giam về tội đánh bạc, đồng thời phạt tiền 25 triệu đồng. Tương tự, bị cáo Đào Đức Lợi bị phạt 30 tháng tù giam và bị phạt 20 triệu đồng. Còn các cầu thủ khác bị tù treo từ 24 đến 27 tháng.

Vụ bán độ om xòm nhất là vụ SEA Games 2005, có đến 7 cầu thủ U23 Việt Nam bị phát hiện dính líu vào đường dây cá độ quốc tế, gồm Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu. Chỉ với chưa đến 30 triệu đồng họ đã "bán mình cho quỷ" ở trận gặp Myanmar.

Vụ án này được tòa án thành phố Sài Gòn đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25 tháng 1 năm 2007 và phúc thẩm ngày 20 tháng 4 năm 2007. Lê Quốc Vượng bị án tù (4 năm), còn các cầu thủ khác bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm, Châu Lê Phước Vĩnh: 2 năm tù treo và 2 năm thử thách về tội tổ chức đánh bạc. Lê Bật Hiếu, Huỳnh Quốc Anh: 2 năm 6 tháng tù treo và 3 năm thử thách vì tội tổ chức đánh bạc.

Trọng tài cũng bán độ
Năm 2004: Trọng tài nhận hối lộ làm lệch kết quả trận đấu. Trọng tài Lương Trung Việt đã nhúng tay vào hầu hết các phi vụ dàn xếp trận đấu của CLB Ngân Hàng Đông Á - Thép Pomina (NHĐA-TP). Lãnh đạo một số đội bóng như Nguyễn Tiến Huy, Vũ Tiến Thành (NHĐA-TP), Lê Văn Cường (Tôn Hoa Sen - Cần Thơ) đã nhờ Việt liên lạc với các trọng tài và đề nghị họ điều khiển trận đấu theo hướng có lợi cho đội bóng của mình. Cụ thể ở V-League 2004, Nguyễn Tiến Huy, nguyên giám đốc điều hành CLB NHĐA-TP, đã đề nghị lo giúp cho đội bóng này khoảng 5-6 trận có lợi và tiền thưởng mỗi trận từ 30-50 triệu đồng ($1,400-$2,400).
Các trọng tài đã tham gia “phi vụ” này cùng Việt là Phạm Hữu Lộc (nhận 15 triệu đồng), Trương Thế Toàn (12 triệu đồng), Hoàng Thế Dũng (35 triệu đồng) và Lê Văn Tú (15 triệu đồng). Ngoài ra, đối với các trọng tài khác cùng điều khiển trận đấu, Việt cũng “bồi dưỡng” cho họ một khoản nhỏ trong phần tiền nhận được từ Nguyễn Tiến Huy.

Với vai trò “đạo diễn,” Việt đã bị kết án 7 năm tù về tội môi giới hối lộ. Cùng chịu hình phạt tù giam với bị cáo này là các cựu trọng tài FIFA Phạm Hữu Lộc và Trương Thế Toàn (mỗi người 4 năm tù 
về tội nhận hối lộ. Bị cáo Hoàng Thế Dũng (trọng tài cấp quốc gia) bị phạt tù 4 năm 6 tháng.

Đó là vài vụ điển hình, không phải chỉ có vài vụ bị khám phá, ngoài ra còn những vụ “cò con” khác hoặc chơi cá độ kiếm tiền lẻ tiêu vặt thì nhiều vô kể, nhất là những vụ dàn xếp để triệt hạ đội này, nâng giá đội kia…

Như thế bóng đá VN càng lớn càng xấu dưới mắt người hâm mộ. Người ta quay lưng đi là đúng.

Tại sao cầu thủ VN bán độ
Nhưng đừng trách cầu thủ vội, hãy tìm hiểu tâm sự của họ qua một cựu tuyển thủ quốc gia bị tù vì bán độ. Cầu thủ này đã từng là thủ quân, là đàn anh, là “đại bàng” trong các đội bóng có tiếng tại VN.
Cựu tuyển thủ Quốc Vượng cho rằng sở dĩ các cầu thủ Việt vẫn ngang nhiên nói chuyện về cờ bạc, chơi cờ bạc, cá độ bóng đá quốc tế bởi họ nhận thấy việc này là rất… bình thường trong xã hội. Chỉ khi bị công an bắt vì tiêu cực, vì đánh bạc thì mới hối hận nhưng đã muộn. Đời cầu thủ kiếm được nhiều tiền thì tiêu còn nhiều hơn vào những thú vui hậu trường. Chuyện nợ nần chẳng hiếm gặp, tiền đến với mình dễ bao nhiêu thì ra đi càng dễ bấy nhiêu thôi.”
Theo Quốc Vượng, vấn đề của các cầu thủ không phải chỉ là do bị những thành phần không tốt ngoài xã hội lôi kéo, mà gốc rễ là do nhận thức của cầu thủ, “Trước đây, tôi mắc sai lầm không phải vì tiền đâu, mà quan trọng là những mối quan hệ tình cảm ràng buộc ngoài xã hội. Bóng đá Việt Nam nếu muốn phát triển thì phải nghiêm túc làm lại từ gốc rễ, từ lứa trẻ, giáo dục đạo đức cho họ, giúp họ hiểu được rằng chỉ cần chơi bóng bằng tất cả đam mê rồi tiền cũng sẽ tới. Đây là công việc cần tới sự chỉ đạo, chiến lược dài hơi từ VFF đến các CLB.” Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Quốc Vượng cho rằng mình không được dạy dỗ tử tế về đạo đức, về “văn hóa trong bóng đá” nên mới có những suy nghĩ nông cạn dễ sa vào hư hỏng. Còn các ông trong VFF chỉ ngồi cho có vị vài năm rồi về hưu, chẳng làm được gì cho cầu thủ chúng em và bóng đá hết. Em từ giã bóng đá rồi, có đội nào mời cũng không chơi, thà đi bốc vác nuôi vợ con còn hạnh phúc hơn.
alt
Cầu thủ trẻ Công Phượng, được gọi là “Messi của Việt Nam,”
đang là niềm hy vọng cho tương lai của bóng đá có văn hóa tại nước này.

Một chút hy vọng mới
Nhưng những ngày gần đây, nhiều khán giả lại tìm thấy một chút hy vọng với đội bóng của các em nhỏ gọi là U19 Hoàng Anh Gia Lai VN. Nhưng tất cả không phải là do các ông trong Liên Đoàn Bóng Đá VN hay Bộ Văn Hóa Thanh Niên tìm ra hướng đi mới, mà chỉ là do một ông bầu có tiếng là đại gia ở VN xây dựng lên. Đó là ông Đoàn Nguyên Đức chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) giàu có bậc nhất VN, nhưng ông thường được gọi là Bầu Đức và có lẽ ông cũng thích như thế vì cái thú đam mê bóng đá của ông.
Cứ thấy đại gia nào giàu có người ta thường có sự nghi ngờ là dính líu tới chính quyền, là họ hàng nhà quan. “Hay thì khen, hèn thì chê,” đó là sự ngay thẳng cần thiết của con người. Về bầu Đức, không biết ông làm giàu bằng cách nào, chỉ biết từ một nhà sản xuất nội thất nhỏ ông lo trồng cao su, buôn bán nhà đất rồi nhiều dịch vụ khác.

Gần đây HAGL cũng phát triển mạnh ở bên ngoài Việt Nam, với khoản đầu tư xấp xỉ $1 tỉ USD vào Lào, hàng trăm triệu đô vào Myanmar, $100 triệu USD vào Campuchia, không dính líu tới chính quyền và chưa có tai tiếng gì gian lận trong kinh doanh. Tuy nhiên dư luận là dư luận, không ai cấm người ta được quyền nghi ngờ khi xã hội VN đầy rẫy những loại đại gia giàu sụ ăn bám vào quyền lực.
Tuy nhiên nếu có làm giàu dựa vào một thế lực nào đó thì hãy thử hỏi ở VN có bao nhiêu đại gia lo cho đời sống người dân? Hầu hết họ chỉ lo vinh thân phì gia, huyênh hoang khoe vợ đẹp con khôn, nhà dát vàng hàng trăm tỉ, hưởng thụ bên sự nghèo khó của dân, lạnh lùng nhìn hình ảnh các em học sinh nhỏ phải đu dây qua suối trong mùa lũ dữ để đến lớp học.
Trong khi đó, bầu Đức đã tận tâm tận lực lo cho bóng đá VN trong cơn suy thoái tận cùng. Vào năm 2007, ông không ngần ngại phá bỏ 5ha cao su đang độ cho mủ (trung bình thu được 300 triệu đồng/ha/năm), có nghĩa là mỗi năm bầu Đức sẽ mất khoảng 1.5 tỉ đồng ($71,000). Tính đến nay (2014), sau bảy năm, hơn chục tỉ bạc sẽ mất đi mà lợi nhuận về bóng đá còn chưa biết sẽ ra sao?
Vài nét về Học Viện Bóng Đá duy nhất ở VN
Nhưng kết quả là một Học viện bóng đá HOÀNG ANH GIA LAI ARSENAL JMG ở phố núi Pleiku đã được hình thành và mang lại những kết quả rất đáng khen về nhiều mặt, không chỉ có bóng đá mà còn là đạo đức, là văn hóa, là cách ứng xử, cách chơi bóng, cách sống cho từng cầu thủ. Đến nay hầu hết cầu thủ của đội cũng đã có bằng đại học. (Từ đây xin gọi tắt là HAGL).
Bầu Đức đã từng tâm sự, “Trồng rừng đã khó, trồng người còn khó hơn. Nếu chỉ nhăm nhăm vào lợi nhuận từ mủ cao su, biết đến bao giờ Hoàng Anh Gia Lai mới có được lớp cầu thủ kế thừa? Biết đến bao giờ đội tuyển VN mới có được thế hệ tài năng thật sự? Và biết đến bao giờ bóng đá nước nhà mới kịp sánh vai cùng bè bạn?”

Học viện có tổng diện tích 5 ha, gồm: hai sân tập tiêu chuẩn quốc tế (một sân đã hoàn thành và sân còn lại chuẩn bị khởi công); hai khu nhà cao cấp - nhà ở cho học viên (8 phòng sức chứa tối đa 32 học viên), dãy nhà dành cho các chuyên gia, nhà điều hành, phòng xem tivi, phòng học tiếng Anh, massage, phòng họp, thư viện… Riêng phòng tập thể lực và hồ bơi sẽ dùng chung với các cầu thủ đội một HAGL. Tổng kinh phí để xây dựng Học viện là khoảng $4 triệu USD.
Nội quy của học viện rất khắt khe với 10 quy định chặt chẽ được theo dõi hàng ngày. Chính vì thế ngay cả khi chơi bóng cầu thủ cũng phải “có văn hóa.” Dù cho đội bạn chơi xấu cũng không được phép trả đũa, không được phép cãi cọ với cầu thủ đối phương và trọng tài dù cho có bị oan ức. Luôn fair play trong mọi trường hợp. Được hay thua cũng phải đá như nhau, giữ vững tình thần đồng đội. Cầu thủ nào vi phạm sẽ bị phạt hoặc bị đuổi ra sân ngay. Nhất là tinh thần đá bóng vì cái đẹp của thể thao, tuyệt đối không được nghĩ đến tiền và những thứ khác. Các em học cả cách thắng và tại sao thua.
Do đó, sau 7 năm học viện đã đào tạo được một lớp cầu thủ khác hẳn với lớp cầu thủ trước. Đá đẹp, đá hay, đá hết mình trước khi đá để tìm chiến thắng.
alt
Bầu Đức trong ngày khai giảng học Viện HAGL năm 2007
 
alt
Công Phượng cùng đội bóng HAGL khi mới lập
 
alt
Cầu thủ VN chơi bóng cùng U19 Arsenal
 
alt
Công Phượng đi bóng qua 6 cầu thủ to khỏe của Úc
 
 
alt

Bài viết kèm theo video bàn thắng tuyệt đẹp của Công Phượng trên tờ Express
Lên đường du học
Người hâm mộ bóng đá VN lại tìm được những khoảng thời gian thú vị với bóng đá, nhưng chỉ với cầu thủ U19 xuất thân từ lò đào tạo HAGL. Tôi cũng đã được nghe nhiều dư âm từ các cơ quan truyền thông và bạn bè nên đã bỏ khá nhiều thì giờ để theo dõi những trận đấu của các em HAGL. Quả thật, ngay từ trận đầu, xem lối chơi của các em đã khiến tôi đặt nhiều hy vọng vào lớp cầu thủ này. Sau đó bầu Đức không ngại tốn kém, còn cho các em đi Âu Châu, Phi Châu để được đá cùng các đội bóng lớn ở lứa tuổi 19-20 như Arsenal, AS Roma, U19 Napoli, U19 Borussia Dortmund và U19 Marseille…
Các em sẽ không còn e ngại trước các cầu thủ to con, mạnh mẽ, tự mỗi em tìm cho mình một cách vượt qua và gắn kết với đồng đội. Nhất là khi phải chơi bóng bổng với những “ông khổng lồ” này. Các em cũng đá tìm ra đấu pháp để hạn chế sức mạnh đối thủ và cách tìm đến bàn thắng.
Tôi thật sự ngạc nhiên với một số cầu thủ HAGL nhỏ con mà vẫn tranh bóng, đi bóng qua các cầu thủ to lớn hơn mình cả một cái đầu. Một vài tên tuổi được khán giả chú ý về kỹ thuật, sự tinh khôn nhanh nhẹn, biết nhìn trận đấu để đưa bóng cho đồng đội như Lương Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Thanh Tùng, Đông Triều.
Trong dịp giải U19 Đông Nam Á 2014 - Cúp NutiFood diễn ra từ ngày 5 đến 13 tháng 9 năm nay, gồm 6 đội, chia thàng 2 bảng. Bảng A: U19 Indonesia, U19 Myanmar, U19 Thái Lan - Bảng B: U19 Việt Nam, U19 Nhật Bản, U19 Australia. Tôi đã hào hứng chờ xem trận đầu tiên VN gặp Austrtalia vào lúc 7 giờ chiều ngày 5 tháng 9 vừa qua trên truyền hình, cũng như gần 40,000 khán giả ngồi chật sân Mỹ Đình.
HLV Graechen, người dìu dắt U19 VN đã thốt lên, “Khắp các nước trên thế giới, tôi chưa từng thấy khán giả nước nào mê U19 như ở VN” bởi ở các nước như Anh, Ý, Đức, Pháp… khán giả chỉ chú ý tới các đội ngoại hạng, đội tuyển quốc gia, cùng lắm là đội hạng nhất chứ không chú ý tới U19.
Thiên tài hay một phút lóe sáng
Trong 90 phút đấu với các cầu thủ Australia to con mạnh mẽ, không thiếu kỹ thuật, U19 VN vẫn đấu ngang ngửa, bất phân thắng bại. Nhưng đến phút 88, một đường đi bóng xuất thần của Công Phượng qua 6 cầu thủ Australia vây quanh rồi sút một đường bóng tuyệt đẹp vào khung thành đối phương. Một đường bóng mà tôi chưa từng được nhìn thấy trong bất cứ trận đấu nào của các đội bóng VN suốt những năm qua.
Trong cơn hào hứng ấy tôi đã gửi e mail kể với nhiều bạn bè tôi kèm theo video clip để chứng minh. Tôi đã viết, “bàn thắng như một tuyệt phẩm hơn hẳn các đàn anh như Công Vinh, Văn Quyến và ngay cả những Hồng Sơn, Huỳnh Đức của thời cực thịnh của bóng đá VN.” Và ngay hôm đó các báo đã hết lời ca tụng bàn thắng này. Rồi các hàng tin ví von rằng bàn thắng chỉ thấy ở các thiên tài như Messi, Maradona.
Các tờ báo nước ngoài cũng đã khen ngợi Công Phượng
Hàng loạt tờ báo nổi tiếng như: Express, Goal, Shanghaidaily… đã dành sự quan tâm đặc biệt với màn trình diễn của Công Phượng, trong đó nhấn mạnh tới pha làm bàn xuất thần ở phút 88 trận đấu với U19 Australia tối 5-9. Thậm chí, tờ báo Express (Anh) còn gọi anh là “Messi Việt Nam.” Tờ Daily Express đã nói về Công Phượng, “Công Phượng có thể là cái tên còn khá xa lạ với người hâm mộ Arsenal nhưng có lẽ tài năng này sẽ sớm khoác áo đội bóng của Arsene Wenger.” Báo này cũng đá cho đăng đoạn video với hàng chữ “Tài năng triển vọng của Arsenal Nguyễn Công Phượng ghi bàn thắng tuyệt diệu.”

Đến trận gặp U19 Nhật tối 9-9, một trận đấu chỉ để phân định đội hạng nhất hạng nhì của bảng, dù để thua Nhật với tý số khít khao 2-3 nhưng Công Phượng vẫn chứng tỏ được phẩm chất và tài năng của mình. Ở trận này, anh đã sút một quả penalty theo kiểu penenka, chắc anh đã học được của danh thủ Andrea Pirlo.

Đến trận U19 VN với trận bán kết vào 5g15 tối 11-9, khán giả lại muốn “điên” vì 4 bàn thắng của các em U19 VN, hạ U19 Myanmar với tỉ số 4-1. Cả 4 bàn thắng đều tuyệt đẹp chứng tỏ tài năng thật sự của các em khiến khán giả ngất ngây. Ở đây tôi không bàn đến chuyện thắng thua mà chỉ nghĩ đến lối chơi, kỹ thuật, nhiệt tình, sòng phẳng của một loạt cầu thủ trẻ được ăn học tử tế.

Còn một trận chung kết vào ngày 13-9 với U19 Nhật. Tôi viết bài này vào ngày 12-9, chưa biết đội nào sẽ lên ngôi vô địch, nhưng dù có thua, khán giả VN vẫn thích thú với lớp trẻ đầy phẩm chất tốt đẹp này của VN. Thắng thua không phải là điều đáng nói.

Theo tôi, bỏ qua những lời ca ngợi quá đáng, Công Phượng đúng là một tài năng thiên phú, cú đi bóng qua 6 cầu thủ to khỏe của Australia là một khoảnh khắc tỏa sáng của một thiên tài. Dù là Messi hay Maradona hay là gì đi nữa cũng chẳng phải lúc nào cũng có được dịp đi bóng và sút bóng như thế, có chăng 10 trận may ra có một trận chứng tỏ thiên tài của mình. Nhưng so được với Messi hay Maradona thì còn lâu. Đừng vội cho các em lên mây, hãy để cho các em chơi bóng dưới đất.

Cầu thủ và đạo đức
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là các cầu thủ vẫn không hề chịu ảnh hưởng bởi những lời khen có cánh và nhất là ông bầu Đức đã “hãm phanh” ngay các cầu thủ sau chiến thắng. Bầu Đức rất vui mừng nhưng đồng thời cũng chấn chỉnh ngay: U19 Việt Nam không được nghĩ đến tiền thưởng, các cầu thủ trẻ phải tập trung cho chặng đường dài sắp tới. Thậm chí, ông còn bực dọc khi có ai hỏi đến vấn đề này. Trả lời giới báo chí, bầu Đức cho rằng nhiều thế hệ cầu thủ hư cũng vì chuyện tiền nong. Ngoài ra, ông còn yêu cầu ban huấn luyện dạy dỗ ngay những cầu thủ có thái độ không đẹp trên sân trong trận đấu với U19 Australia. Đó là sự khác biệt giữa bóng đá có văn hóa và bóng đá “tự phát.”

Hãy thử so sánh điều làm nên sự khác biệt giữa Công Phượng và Văn Quyến. Cả hai cùng là cầu thủ quê ở Đô Lương, Nghệ An và cùng nghèo như nhau. Nhưng một em được trưởng thành từ lò HAGL Arsenal JMG chuyên nghiệp, được học bóng đá và văn hóa tử tế nên sớm trưởng thành hơn trong nhận thức. Còn tài năng Văn Quyến tàn lụi vì đâu? Khán giả giận Văn Quyến nhưng đồng thời cũng thương xót cho tài năng này.
 

Ở đây tôi không ca tụng một khoảnh khắc của thiên tài hay của một ông bầu. Tôi chỉ muốn nói đến một nền văn hóa bóng đá mà lâu nay ở VN bị bỏ quên, chính nó đã giết chết tài năng của một loạt cầu thủ như Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Mạnh Dũng… Giữa một xã hội bất ổn và đồng tiền đang là chúa tể của mọi việc thì sự hư hỏng của các “thiên tài” là tai họa cho cả một đời có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi chỉ muốn đặt vấn đề với những người có trách nhiệm với văn hóa thể thao VN là ngoài U19 của học viện HAGL, còn hàng trăm các đội khác ở các tỉnh và thành phố, các vị nghĩ thế nào và sẽ làm gì? Chẳng lẽ đó vẫn chỉ chuyện của các ông bầu, còn các ông cứ “vô tư” ra chỉ thị và vỗ tay? Như thế thì chuyện bóng đá VN tiến bộ chỉ là chuyện rất riêng của U19 HAGL mà thôi.

Văn Quang