Monday, 15 September 2014

Sen và Bão – Một Cân Bằng Mong Manh - Đinh Từ Bích Thúy

Lan-Cao-at-VAALA-Reading_thumb

Nhà văn Lan Cao ở buổi ra mắt sách The Lotus and the Storm  Barnes and Noble, Huntington Beach, California (8/24/14)
 
Trong 17 năm giữa mốc tiểu thuyết Monkey Bridge (Cầu Khỉ) (Viking, 1997) và The Lotus and the Storm (Sen và Bão) (Viking, 2014), nhà văn Lan Cao lập gia đình và trở thành một chuyên gia có uy tín trong ngành luật kinh doanh quốc tế, trong khi vẫn luôn bị ám ảnh bởi những ký ức về chiến tranh Việt Nam.
Thân phụ của nhà văn, cố Đại Tướng Cao Văn Viên, trước đây là Tổng Tham Mưu Trưởng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài những bội tinh tuyên dương của chính quyền miền Nam, Tướng Viên cũng được trao Huy chương Bạc và Legion of Merit của Hoa kỳ về thành quả chỉ huy hơn 50 chiến dịch ngăn ngừa sự xâm lấn của Cộng quân tại miền Nam. Hoài bão của Tướng Viên là có một quân đội chuyên nghiệp độc lập ra khỏi chính trị, nhưng cũng như Minh, người cha trong Sen và Bão, việc ông từ chối tham gia vào cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963 đã suýt làm ông bị thiệt mạng, nếu không nhờ tài thuyết phục của bà Cao văn Viên với một số tướng tá theo phe đảo chính.
Lan Cao, như Mai, nhân vật chính thứ hai trong Sen và Bão, đã hưởng một tuổi thơ kỳ diệu ở Chợ Lớn. Bà rời Việt Nam vào đầu mùa xuân năm 1975 với Thiếu Tướng Hoa Kỳ John Fritz Freund, một người bạn gia đình mà ông bà Cao văn Viên đã ủy thác trách nhiệm làm bố nuôi của tác giả. (Nhân vật Michael trong Cầu Khỉ và Cliff trong Sen và Bão đã được dựa trên Thiếu Tướng Freund). Ông bà Cao Văn Viên không có ý định rời Việt Nam với con gái, mà đã nghĩ đến chuyện dùng xyanua tự vẫn trong trường hợp Cộng sản xâm chiếm Sàigòn. Không được biết về quyết định của cha mẹ, và tưởng rằng chuyến đi sẽ chỉ là tạm thời, Lan Cao, lúc đó 13 tuổi, chỉ mang theo một vali quần áo, vài hình ảnh lưu niệm và quyển sưu tập tem. Khi đáp chân đến Avon, Connecticut (quê quán của Thiếu Tướng Freund), bà được chứng kiến những tháng ngày cuối cùng của Sài Gòn trên truyền hình và lúc đó mới nhận ra rằng sẽ không còn cơ hội về nhà.
Nhờ những can thiệp của tình thế, ông bà Cao văn Viên được rời khỏi Việt Nam trước khi Sài gòn sụp đổ. Lan Cao sau đó đoàn tụ với gia đình ở Virginia. Bà theo học trường trung học ở Falls Church, Virginia, và sau đó tốt nghiệp Mount Holyoke College và Trường Luật Yale. Bà hiện đang là một giáo sư tại trường Luật Dale E. Fowler thuộc Đại học Chapman ở Orange, tiểu bang California.
Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện qua tiếng Anh trong vòng hai tuần lễ, sau đó được người thực hiện dịch sang tiếng Việt.
Bản Anh ngữ (rút gọn) đã được xuất bản trên Shelf-Awareness và Diacritics.
– Đinh Từ Bích Thúy

***

the-lotus-and-the-storm cover
Xin chị cho biết những sự kiện đã tạo tác tiểu thuyết Sen và Bão.
Tôi bắt đầu viết cuốn sách vào năm 2005, có thể vì những gì đang xảy ra tại Iraq vào thời điểm đó làm tôi nghĩ đến những gì đã xảy ra ở Việt Nam khoảng 30 năm trước đó. Tôi đã hoàn thành bản thảo đầu tiên trong năm 2009 khi tôi còn ở Việt Nam với con gái tôi, chủ yếu để ghi danh cho nó vào một trường học Việt Nam để giúp nó học tiếng Việt. Tôi duyệt lại bản thảo tiểu thuyết từ năm 2009 cho đến năm 2013. Khi tôi bắt đầu cuốn sách, con gái tôi chỉ mới lên 3. Bây giờ nó đã 12.
Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết với phạm vi bao quát cùng những nét chấm phá tỉ mỉ. Tôi thường viết lúc về đêm, thường là sau khi con gái tôi đi ngủ. Tôi bắt đầu viết vào khoảng 9:30, 10 giờ tối và tiếp tục cho đến 1 hoặc 2 giờ sáng, nếu tôi có động lực và cảm thấy quá trình được diễn tiến tốt đẹp. Nếu không, tôi sẽ bỏ cuộc vào khoảng nửa đêm. Tôi luôn tự khuyến khích mình nếu mỗi ngày tôi viết được một trang, tôi sẽ có được một bản thảo kha khá trong vòng một năm. Tôi không ngờ mình đã bỏ ra quá nhiều thời gian.
Xin chị cho biết ý nghĩa của tựa đề Sen và Bão
Tựa đề tiểu thuyết bao hàm sự xung khắc và cân bằng giữa mọi yếu tố đối lập. Hạnh phúc và giông tố. Hòa bình và chiến tranh. Tựa đề mang ý nghĩa Phật giáo, đề cao trạng thái cởi mở và tinh thần ôn hòa cho dù môi trường xung quanh chồng chất những bi ai, hỗn loạn. Đối với tôi, lớp bùn vòng quanh hoa sen là chiến tranh, vấn nạn mất nước, và những khó khăn trong đời sống ở quê hương mới. 

Trong tiểu thuyết, nhân vật Mai giải thích cách sáu âm điệu trong Việt ngữ có thể biểu lộ sáu ý nghĩa khác nhau, như trường hợp ma, má, mà, mả, mã, mạ. Nếu Bảo (báu vật – một ý tưởng liên hệ đến hoa sen) chỉ khác với Bão bởi một âm (từ dấu hỏi sang dấu ngã), điều này có nghĩa sen cũng có thể là hiệnthân của bão, và ngược lại?
Đúng như vậy. Chỉ một thay đổi trong âm điệu cũng chuyển động cả một thế giới. Đối với hầu hết chúng ta, sự cân bằng là một trạng thái bấp bênh, linh động, như vở kịch A Delicate Balance của Edward Albee (trong đó tác giả khai phá mọi góc cạnh của mất mát; vở kịch được mở đầu với những suy niệm của Agnes về trạng thái mong manh của sự tỉnh táo); hoặc tiểu thuyết A Fine Balance của Rohinton Mistry (trong đó các nhân vật luôn nói về nỗ lực duy trì sự cân bằng khập khễnh giữa hy vọng và tuyệt vọng).
Chị có bao giờ cảm thấy bị dằng co giữa pháp luật và văn chương
Tôi chưa hề cảm thấy bị dằng co giữa pháp luật và văn chương. Tôi cần sự ổn định và ngành luật cung cấp sự ổn định này cho tôi. Đời sống dạy học và cách hành văn trong ngành luật không làm xáo trộn sự cân bằng (cho dù mong manh và uyển chuyển) mà tôi đã cố gắng tạo cho mình. Tôi có thể thấy ngay kết quả sau một bài giảng và kết luận là nó đã diễn ra tốt đẹp, hay không. Cách hành văn trong ngành luật dựa trên mô hình khảo cứu; mọi cấu trúc liên hệ đến luật pháp thường phải tuân theo tiền đề lô-gích. Ngược lại, quá trình sáng tạo trong văn chương thường hỗn độn, bí ẩn, bất ngờ, và gây không ít những bực bội, hoang mang cho người viết. Trong thời gian viết tiểu thuyết tôi thường cảm thấy rằng tôi đã thất bại trong những dự định phác thảo. Phải qua một thời gian dài tôi mới có thể chấp nhận những gì đã được viết ra bởi lúc đó tôi mới thấy được thành quả của sáng tạo, rồi từ đó mới dẹp bỏ kế hoạch cũ và không bị dằn vặt nữa. Tóm lại, quá trình sáng tạo gây cho tôi rất nhiều bất an. Có thể văn chương, tuy cuốn hút tôi, tự nó mang tính chất ngang ngạnh, bất tuân. Văn chương là lỗ đen, vật chất tối, mảnh vỡ, vết nứt.
Chị đề cập đến Truyện Kiều trong Sen và Bão, qua sự so sánh giữa Kiều và Quý — nhân vật người mẹ. Quý tận dụng sắc đẹp của mình để cứu những người đàn ông trong đời bà. Quý là một phụ nữ kinh doanh với kiến thức cao, nguồn lực tài chính và môi giới xã hội rộng lớn. Quý có nhiều tự do cá nhânhơn những phụ nữ Việt Nam trong thập niên 60 ở Sài Gòn. Tại sao Quý phải dùng tình dục, thay vì trí tuệ, như một vũ khí thương lượng?
Đúng là Quý có kiến thức giáo dục, nguồn lực tài chính và kinh nghiệm trong thế giới kinh doanh. Nhưng thế giới kinh doanh chỉ là một thị trường mà nhiều phụ nữ – ngay cả khi họ tiếp cận với nó – không nắm chủ quyền hay ưu thế. Có những thị trường khác, như quan hệ tình dục và sắc đẹp, mà lịch sử và các nền văn hóa thường dồn phụ nữ vào. Thật ngậm ngùi khi thấy tình dục thường là một lựa chọn chính, nếu không phải là lựa chọn duy nhất, cho phụ nữ.
Nguyễn Du mở đầu Truyện Kiều bằng hai câu thơ, “Trăm năm trong cõi người ta, / Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.” Chị có nghĩ rằng sự xung đột trong Truyện Kiều giữa tài năng và số phận cũng làbi kịch quốc gia của miền Nam Việt Nam: những vị lãnh đạo miền Nam, ảnh hưởng bởi Nho giáo, đãkhông có cơ hội hoặc không đủ kiến thức thực dụng để thành lập một guồng máy chính quyền dựa trên pháp trị
Trong thời điểm lúc Nguyễn Du viết Truyện Kiều, nhà Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn đang tranh chấp quyền lực, mặc dù mỗi nhóm đều rêu rao là phò nhà Lê. Người Pháp cũng đang nhòm ngó vào Việt Nam. Tại Nhật Bản, khoảng 30 năm sau khi Nguyễn Du qua đời, Đại tá Hải quân Hoa kỳ là Matthew Perry cũng cho tàu tiến vào hải cảng Edo để buộc Nhật Bản mở cửa thương mại với phương Tây. Nhưng Việt Nam không có cơ hội trải qua một thời đại tương đương với thời Minh Trị của Nhật Bản, mà các sử gia tin rằng đã đặt nền móng cho quá trình hiện đại hóa của quốc gia này. Trong thời đại Minh Trị (1868-1912), nhờ các phe phái phong kiến dẹp bỏ những tị hiềm chính trị và tuyên dương lòng trung thành với hoàng đế [Mutsuhito], nước Nhật đã tạo dựng một guồng máy chính trị thống nhất, quy củ – yếu tố cần thiết để kháng lại ý đồ xâm lược của phương Tây. Để có được một quốc gia mạnh, Nhật Bản đã trải qua một quá trình “duyệt xét tâm linh” (soul-searching) rồi áp dụng những triết lý tốt đẹp nhất của phương Tây cùng lúc duy trì những điểm sáng từ truyền thống văn hóa Á Đông. Nền tảng pháp luật do đó đã cấu tạo một chính quyền trung ương tại Nhật bản. Việt Nam không hề có cơ hội này. Chúng ta lãng mạn hóa định mệnh. Thay vì phát triển ý thức dân tộc bao quát, mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết của chúng ta thường ngả về khía cạnh vi mô – những quan hệ tình cảm thiên về cá nhân, gia đình.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam chưa có một căn bản văn hóa chính trị khuyến khích những thảo luận vô tư, khách quan, hoặc những quy luật vượt lên trên sự trung thành bè đảng, bạn bè và gia đình. Mọi tranh chấp và dị biệt thường trở thành cơ hội cho các cá nhân thao tác, phao tin và tẩy chay hơn là nỗ lực đạt đến những đối thoại xây dựng, ôn hòa dựa trên tinh thần đa nguyên. Nhà xã hội học người Đức Ferdinand Tonnies mô tả hiện tượng này như sự phân đôi giữa Gesellschaft (xã hội) và Gemeinschaft (cộng đồng). Tôi xin lỗi nếu cái nhìn của tôi có phần khắc nghiệt và tất nhiên tôi không dám vơ đũa cả nắm, vì dĩ nhiên có những trường hợp ngoại lệ. Tôi mong rằng với thời gian, người Việt chúng ta sẽ có được một tinh thần xã hội vượt ra ngoài vòng rào của phe đảng, cộng đồng.
Một số thông tin trên mạng thuật lại rằng thân phụ của chị đã chính thức chịu ơn mẹ chị, là người đã cứu mạng ông vào năm 1963 khi bà thuyết phục các tướng tá trong phe đảo chính trả tự do cho ông. Có lẽ đây cũng là một trường hợp ngoại lệ, khi thực tại, không phải văn chương, đã chứng minh rằng lý trí và sự ôn hòa có thể chiến thắng chính trị?
Vâng, đúng vậy, [trường hợp bố tôi] là một ngoại lệ! 
Sen và Bão
 mô tả một cách sống động chiến lược quân sự và những trận đánh trong chiến tranh Việt Nam, từ cái nhìn của người miền Nam. Có những chi tiết nên thơ nhưng căng thẳng, như đoạn văn tả cuộc hành quân của VNCH vào Cao Miên để ngăn chận sự lưu thông của Cộng sản dọc đường mòn Hồ Chí Minh: "Chúng tôi tiến bước trong bầu im lặng nghiêm trầm. Mỗi người thắt trên vai mình một mảnh vải trắng. Người đi sau dán mắt vào những vòng trắng chìm nổi, để giúp họ giữ vị trí trong cột diễn hành uốn éo, nhấp nhô"(“We marched in ponderous silence. Each man has a ragged patch of white cloth tied to his shoulder. The soldier behind fixed his eyes on the floating whiteness, ensuring that he would remain in position within the undulating column”) [Chương 10 – Across the Border (Vượt Biên Cương)]. Có phải chị đã phác họa khung cảnh chiến lược theo kinh nghiệm cá nhân của thân phụ chị, hoặc từ quyển The Final Collapse (Những Ngày Cuối Cùng của Việt Nam Cộng Hòa) – là tài liệu chuyên khảo quân sự của ông? Hoặc chị cũng tham khảo các nguồn tài liệu lịch sử khác? Tôi thường dùng cụm từ "miền Nam Việt Nam" để nói về những người dân sinh sống ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Tôi không có ý hạn chế cụm từ này cho những người được sinh ra và lớn lên ở miền Nam, vì “người miền Nam” cũng bao gồm dân miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 và đã coi miền Nam Việt Nam như quê quán thứ hai của họ.
Một số chi tiết trong Sen và Bão đã được dựa trên những câu chuyện cha tôi kể lại cho tôi. Khi cha tôi chỉ huy lữ đoàn nhảy dù, ông đã bị thương trong một trận chiến dọc biên giới Việt-Miên. Cuộc chiến đó trở thành mô hình cho chiến dịch Cao Miên trong tiểu thuyết. Các chi tiết khác được dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người anh họ tôi, một kỵ binh trong quân đội miền Nam Việt Nam, hoặc từ anh trai tôi, là người đã gia nhập quân đội VNCH vào năm 1974.
Việc tra cứu các tài liệu quân sự qua sách vở hoặc qua các công cụ internet thường chú trọng vào những dữ kiện lịch sử nhiều hơn, chẳng hạn như binh chủng nào của Việt Cộng hay Bắc Việt đã tấn công Huế hoặc Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân? Năm nào là năm một trận chiến nổi tiếng đã xảy ra? Trong hơn 30 năm vừa qua, tôi đã đọc hàng chục nếu không phải là hàng trăm cuốn sách về chiến tranh Việt Nam (cùng các phong trào phản chiến). Hầu hết những sách này được viết bởi người Mỹ. Nhưng tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu chiến tranh của các vị lãnh đạo miền Nam (viết bằng tiếng Anh), mà số đông đã được sự tài trợ của Trung tâm Quân đội Mỹ chuyên về Lịch sử Quân sự. Tôi cũng tham khảo quyển A Distant Cause (Một Lý Tưởng Xa Vời) của Bùi Công Minh, mà tôi đã đề cập trong phần cảm tạ của sách.
U1555538
Tướng Cao văn Viên và Tướng Westmoreland
Chị đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng chiến tranh Việt Nam vẫn cần phải được “phiên dịch” cho người Mỹ vì cách người Việt tị nạn nhận thức về cuộc chiến rất khác với cách nó được định nghĩa qua kinh nghiệm của người Mỹ. Lời nhận xét của chị làm tôi nhớ tới câu nói trước đây của một nhà văn hải ngoại, "Sáng tác bằng tiếng Anh là để giải thích văn hóa Việt Nam cho người Mỹ, nhưng sáng tác bằng tiếng Việt là để tâm tình với người nhà." Nhu cầu phiên dịch quan điểm của người miền Nam – một quan điểm hầu như chưa được phổ biến trong giòng chính nước Mỹ — có ảnh hưởng đến cấu trúc nghệ thuật của chị hay không? 

Tôi đã suy nghĩ nhiều về khái niệm dịch thuật. Trong vở kịch Translations (Các Bản Dịch) của Brian Friel, những địa danh Gaelic quen thuộc với dân Ái Nhĩ Lan vào thế kỷ 19 đã bị thay đổi và chuyển dịch sang tiếng Anh để ghi xuống bản đồ dành cho giới cầm quyền Anh quốc. Quá trình vẽ bản đồ, thoạt đầu như một hành động sao chép thực tiễn, trở nên một biểu tượng của bạo lực, phản ảnh mối liên hệ chính trị giữa Anh quốc và Ái Nhĩ Lan vào thời điểm của vở kịch. Kẻ mạnh có thế lực đặt tên thành phố và vẽ bản đồ quốc gia. Phe thắng cuộc có thể đổi tên các địa danh, xóa bỏ ranh giới. Sàigòn đã nhanh chóng đổi tên sau tháng Tư 1975.
Dịch thuật hiện hữu trong mọi khía cạnh của đời sống. Có người dịch, và có người bị dịch. Tôi rất chú tâm vào yếu tố diễn dịch trong cách hành văn của mình. Tôi hy vọng nó không cản trở dòng chảy của sáng tạo. Trong văn chương, mục đích diễn dịch không thể là một tiền đề lộ liễu [nguyên bản: một con chim hải âu khổng lồ (albatross)]. Tiểu thuyết không nên được viết như một hồ sơ tố tụng. Đôi lúc tôi nghĩ đến một phương châm hoặc khái niệm Việt Nam và cố tình dịch thẳng từng chữ một sang tiếng Anh. Tôi làm như vậy khi tôi muốn tạo ra hố ngờ vực giữa độc giả và nhân vật, một môi trường xa lạ, bấp bênh, một biến chuyển thời gian hoặc không gian. Trong khía cạnh này, dịch thuật khuyến khích các thử nghiệm sáng tạo.
Phiên dịch hoặc diễn giải một kinh nghiệm Việt Nam cho công chúng Hoa Kỳ không tốn thêm công sức cho người viết, vì chúng ta, trong thân phận tị nạn hoặc di dân tại một quốc gia đa chủng, đã quen làm. Tất cả chúng ta là những dịch giả, luân lưu giữa thế giới của tiếng mẹ đẻ (mà trớ trêu thay một số trong chúng ta cũng không nói thành thạo) và thế giới của quê hương nuôi dưỡng.
Tuy dịch thuật đã được bình thường hóa, nó vẫn phản ảnh một thực tế căn bản – là chuyện một số người đã đồng lõa trong việc  thay đổi bản sắc  (hoặc bị áp lực phải thay đổi bản sắc) để người khác chấp nhận họ dễ dàng hơn. Trong môi trường xã hội Mỹ, các dấu đánh cho các tên Việt đã bị loại bỏ. Đã từ lâu chúng ta chuyển hóa tên của mình theo tục lệ Tây Phương, với tên gọi đi trước tên gia đình. Các địa danh như Sài gòn, Đà Nẵng, Chợ Lớn, trong cách viết đã trở thành Saigon, Danang, Cholon.
Tôi muốn dịch thuật được thương lượng qua những môi trường tốt đẹp hơn, để chúng ta có thể biểu lộ con người của chúng ta với ý thức và sự trung thực, để những kinh nghiệm của chúng ta được ghi nhớ thay vì bị loại trừ. Tôi muốn câu chuyện của người Việt hải ngoại được nhận thức bởi chính họ, cha mẹ và con cái họ, cũng như bởi thế giới rộng lớn ngoài kia. Điều này đặc biệt quan trọng vì vấn nạn Việt Nam đã trở thành một kinh nghiệm Mỹ, một câu chuyện Mỹ, và như vậy, kinh nghiệm Việt Nam, những câu chuyện Việt Nam đã bị xóa nhèm, trở nên vô hình.
Trong truyện, Mai nhận xét rằng “cấu trúc phân tử của nồi hổ lốn Mỹ gồm ba phần nhàm và duy nhất một phần hào hứng." (“t]he molecular makeup of the melting pot is three parts mundane and only one part visionary”). [Chapter 19 - Exodus (Tha Hương)]. Xin chị vui lòng diễn giải?
Đôi lúc Giấc Mơ Mỹ được mô tả như một quá trình huy hoàng theo huyền thoại Pygmalion, làm như nguyên liệu của người tị nạn hoặc di dân có thể dùng để đúc kết thành một con người hoàn toàn mới. Đôi lúc sự hội nhập vào văn hóa mới là một quá trình đầy bạo lực. Tôi nhớ nhà văn Bharati Mukherjee nói ở đâu đó rằng quá trình đồng hóa cũng không khác gì cách hủy diệt một phần cũ của mình để chế tạo một thực thể mới – nhưng thực thể mới lại là một quái vật mỏng mảnh, dễ bị thương. Đây cũng là một thí dụ về cuộc sống tha hương như một cân bằng, mánh ván bấp bênh.
Nhiều lúc tôi thấy quá trình hội nhập vào xã hội Mỹ thật tẻ nhạt và máy móc – chúng ta học một từ mới, một câu văn mới, một cái nhìn mới qua từng thời điểm. Tôi đã thấy vậy trong thời trung học. Trong vòng ba tháng sau ngày sang Mỹ, tôi đã được ghi danh vào học lớp 9, nơi mà sổ điểm bắt đầu có ảnh hưởng. Tôi nhớ mình học tập rất chăm chỉ và cố gắng hội nhập vào khung cảnh trường học Mỹ, nào phải chọn lớp thể dục, nào chuyện sắp hàng trong nhà ăn, vị trí chỗ ngồi ở bàn ăn trưa. Và sau đó là chuyện thi vào quốc tịch Mỹ để thành công dân Mỹ. Quá trình Mỹ hóa là một quá trình xa cách, vô cảm  – một đề toán, một kỷ niệm xấu, chuyện bị làm đứa học sinh cuối cùng chọn cho đội bóng chày — một trò chơi lôi thôi, rắc rối. Không có gì hứng thú cả. Tất cả chỉ là chuyện áp dụng những quy tắc cần thiết để đạt tới mục tiêu sống còn.
Là một chuyên gia luật pháp trong ngành kinh doanh quốc tế, mấy năm trước đây chị đã nhận xét rằng nếu một nhà nước độc tài như Việt Nam nới lỏng kiểm soát trên thị trường kinh tế, nó cũng sẽ nới lỏng kiểm soát trên thị trường chính trị. Chị có nghĩ điều này vẫn có thể xảy ra? Tuy đã có những phát triển kinh tế trong thập niên vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn chưa cải tiến ở khía cạnh nhân quyền, nhất là trong địa hạt tự do ngôn luận. 
lan cao at college 
Lan Cao trong một buổi thuyết trình về tác phẩm Monkey Bridge, tại đại học Mount Holyoke, Massachusetts 
(Tháng 12/1998)

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một tầm nhìn dài hạn. Chắc chắn người dân Việt Nam hiện có một cuộc sống tốt đẹp hơn so với những năm sau chiến tranh, trước khi chính sách đổi mới được áp dụng. Điều đáng đề cập là thị trường tư nhân hiện nay được bành trướng ở Việt Nam. Thị trường đã được đề xướng về hiệu quả của nó, ở khả năng thu nhập và những cơ hội tài chính. Có rất nhiều thí dụ thực nghiệm đã chứng minh hiệu ứng của thị trường. Tuy nhiên, Amartya Sen, người được giải Nobel về Kinh tế học, cũng nhấn mạnh các khía cạnh khác của thị trường, như sự tự do lựa chọn, quyền tự quyết của giới sản xuất và giới tiêu thụ. Chuyện mọi người có thể tự do định đoạt những liên hệ kinh tế và lao động mà không bị nhà nước cản trở là một tiến bộ đáng kể. Chúng ta có câu tục ngữ nước chảy đá mòn. Những cải cách nhân quyền phải mất nhiều thời gian, đương nhiên. Giả sử chúng ta có một quốc gia độc tài, có chế độ độc đảng không cho phép công dân chỉ trích chính quyền, không cho phép báo chí phát triển mạnh như một cách kiểm tra và thăng bằng hóa thế lực của chế độ, không cho khái niệm tự do tôn giáo mở ra hệ thống đa tín ngưỡng– nhưng chúng ta nói quốc gia này hiện giờ muốn gây vốn (cho nền kinh tế vừa được cải hóa). Để làm việc này chính quyền cho ra đời luật doanh nghiệp, cho phép các công ty tư nhân được thành lập. Người nước ngoài trở thành cổ đông. Người trong nước trở thành cổ đông. Các cổ đông bầu giám đốc. Lúc này chúng ta có khái niệm về bầu cử. Nhưng tại sao phải giới hạn bầu cử trong môi trường công ty, mà không áp dụng bầu cử cho cả nước? Cổ đông, nếu không hài lòng về đường lối hay thành quả thu nhập của công ty, sẽ bãi nhiệm giám đốc hoặc ban quản trị. Một ý tưởng tự quyết đã được nhen nhúm trong tâm trí của các cổ đông (mà họ cũng là công dân của một nước). Giả tỉ các giám đốc đã hành động sai trái và vi phạm nghĩa vụ mà cổ đông đã ủy thác cho họ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu pháp luật của công ty không cho phép cổ đông khởi kiện giám đốc qua tố quyền dẫn xuất bằng cách nhân danh công ty như nguyên cáo, điều này sẽ ngăn ngừa chuyện đầu tư của các cổ đông trong thời điểm gây vốn cho công ty. Vì vậy, pháp luật của công ty sẽ phải được thay đổi để cho phép các cổ đông khởi kiện giám đốc. Trường hợp này tạo ra một mô hình mới – một nguyên đơn ở chiều dọc (vertical lawsuit), tương tự như trường hợp một công dân kiện quan chức chính phủ (thay vì mô hình chiều ngang (horizontal lawsuit), khi một công dân chỉ kiện một công dân khác). Tôi vẫn tin rằng những quy tắc luật pháp trong môi trường doanh nghiệp sẽ tác động những thay đổi trong môi trường chính trị của VN