Trong một môi trường được gọi là thế giới tự do, của những người Việt tỵ nạn cộng sản, cũng như mọi cộng đồng sắc tộc khác, ít nhiều chịu cảnh "diaspora" vì lý do chính trị như Ái Nhĩ Lan, Cuba, Trung Hoa, Nga...không dễ gì, nếu không nói, không thể "gồm thâu lực lượng" đoàn kết thành một mối để "đấu tranh chính trị" đối đầu với "thế lực cầm quyền" tại quê hương gốc.
Không thể thực hiện vì nhiều lý do, một số được đưa ra như sau:
- Sự khác biệt về quyền lợi: có những người cho rằng quyền lợi của họ là cho cá nhân, gia đình, và nước đang là quê hương sống, chuyện VN đã là quá khứ.
- Sự khác biệt về môi trường văn hóa do sống tại các thể chế khác nhau: thật khó mà "đoàn kết" một cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Pháp và tại Mỹ.
- Sự khác biệt về ý muốn chính trị: cùng là người tỵ nạn, nhưng có người chạy vì không thể sống dưới chế độ cộng sản, nhưng không bị phiền khi chính quyền CS vẫn nắm quyền cai trị VN.
- Sự khác biệt về nơi và con người lúc ra đi rời khỏi VN: ông Bùi Tín chắc là không thể giống ông Hoàng Hải Thủy rồi.
- Sự khác biệt về đường lối tranh đấu: người thích tranh đấu bất bạo động, người không.
- Sự khác biệt về quan niệm sống: người thích tranh đấu là phải vào đảng phái, người sợ bị các chính trị gia giật dây
...
Ngay cả đối với những người "chống cộng" vì cho rằng cộng sản đã và đang làm hại dân tộc và đất nước thì không phải vì vậy họ đã 1,2,3 chúng ta bắt tay chống cộng.
Điểm chung có thể chỉ là sự mong muốn CSVN đừng phá hoại cuộc sống của họ nữa, hiện tại và tương lai, và ủng hộ cho những người Việt còn sống trong gông cùm của CS, đang tranh đâu cho tự do, dân chủ và bị đàn áp.
0o0
Những người đã từng ít nhiều chống VNCH, theo phe phản chiến, thậm chí khuynh cộng mà vẫn sống yên ổn tại hải ngoại, có thể vì tính "hận thù" sắt máu, trong tập thể không cộng sản, tuy bát nháo, hỗn độn, hùm bà lằng, nhưng dễ dãi, bao dung, dễ quên như vậy.
Điều này rất khó nếu ở những cộng đồng "nhiệt tình", "kỷ luật", "đoàn kết", "hữu hiệu"... như cộng sản, phát xít, hay vài tôn giáo cực đoan. Ngay cả người Do Thái cũng không dễ dàng "tha thứ" cho những kẻ sát nhân NAZI cải dạng sống yên được.
0o0
Vì vậy mới có chuyện vui như ông "đại gia" một thời Trần Trường, một mình (?) công khai treo hình HCM, thách thức sự phẫn nộ của hàng trăm ngàn người tại ngay thủ phủ của người Việt tỵ nạn, sau một thời gian về VN làm ăn, thất bại, lại vòng qua Mỹ, tái xuất hiện "xin lỗi" và "xin tiền" để đi đòi tiền và quyền lợi cho chính mình.
Và cũng vì vậy mới có những chuyện mà bà Trần Khải Thanh Thủy trách là "tính cộng đồng người VN mình quá kém". (Quả là có thể kém để họp "tranh đấu" theo kiểu bả muốn, nhưng không kém khi tranh đấu bảo vệ cho cờ vàng không bị "liệng sọt rác", vẽ bậy trong thau làm bô, bỏ tên "Little Saigon"...)
Tuy nhiên, những phê bình riêng tư hay nhận xét của bà Thủy cho thấy quả là "tính nết" của những hội đoàn của người Việt hải ngoại khác với đảng cộng sản ở nhiều chỗ, những điều bả gọi là ỷ lại, dựa dẫm và triệt tiêu năng lực của nhau cần phải được nói rõ và phân tích kỹ hơn mới hiểu rõ những hội đoàn VN này có thật khác sinh hoạt của mọi hội đoàn của các cộng đồng khác đang sống tại các xã hội tự do dân chủ hay không?
0o0
Sự gần gũi giữa những thành phần cùng đi từ chế độ cộng sản như bà Trần Khải Thanh Thủy, ông Vũ Thư Hiên, ông Bùi Tín, một số đoàn thể chống cộng tại các nước Đông Đức..., và mới đây là ông Cù Huy Hà Vũ... đã có nhiều điểm chung, từ lúc rời VN và điểm đến cho một thể thức chính trị tại VN..., mà hình như cũng chưa được họ "thống nhất" để nâng cao tính hiệu quả tranh đấu. Cho đến nay, những thành công và hiệu quả nhất, không thể nói khác, vẫn do các cộng đồng người Việt tỵ nạn CS đi từ Miền Nam và chống cộng.
0o0
Sống với sự khác biệt là điều căn bản trong tinh thần dân chủ. Đòi hỏi "thống nhất" lại là chuyện khác, và "đồng nhất" thì xin lỗi, không được đâu.
Cá nhân tôi coi việc cổ động và tranh đấu giúp cho bà Thủy, ông Vũ... ra khỏi trại giam và được đối đãi công bằng, hoàn toàn khác chuyện đứng chung hàng ngũ đấu tranh với họ. Chọn họ là nhà lãnh đạo thì eo ôi!
0o0
Riêng trong trường hợp ông Điếu Cầỵ theo thiển ý, ông "bị" cộng đồng "ném hoa" thay vì "ném đá" như một số người lo ngại, không vì ông chỉ được tiếp xúc bởi 1 con sông trong, và còn xa 100 con sông đục; mà cũng chẳng vì ai đó chưa bắt ổng phải đồng ý tranh đâu theo "kiểu" họ muốn.
Mà vì ông Điếu Cầu:
- không có tham vọng chính trị
- dám chơi dám chịu
- không bỏ bạn bè, anh em
- không chửi rủa gì cá nhân ai
- không có "nợ máu" hay "nợ chính trị" gì cả
- không muốn dẫn dắt hay thống nhất gì hết
- dám nhắm thẳng vào Tầu Cộng mà chống
- không nấp sau bác Hồ hay tướng Giáp, hoặc "quân đội nhân dân anh hùng"...
- không khoe "thành tích cựu bộ đội" chống Mỹ, đạp Ngụy.
- không mặc cảm gì với người dân VNCH ...
Cho đến ngày, những tranh đấu mà Điếu Cày còn giữ được nét trong sáng như vậy, hoa còn dành cho ông ta, như đã dành cho thi sỹ Nguyễn Chí Thiện cho đến ngày chết, dù có phong ba bão táp đương nhiên của đời.
0o0
Điều này, trong thế giới tự do, không dễ, vì vậy tt Obama, thủ tướng Pháp... vẫn lo nơm nớp lo là mình không còn được ủng hộ như khi đắc cử.
0o0
Tôi có biết một số bạn khuynh tả, "chống Mỹ cứu nước" hăng lắm, bây giờ lại trở nên chống cộng "ác liệt", "không kiên nhẫn", nồng nhiệt hơn cả nhiều đoàn thể mà họ dán cho cái nhãn "cực đoan" ngày xưa. Họ sợ rằng VN bị rớt vào tay Tầu Cộng, và muốn các cộng đồng người Việt tự do phải "đoàn kết" để đạt được "mức tranh đấu" như họ muốn.
Điều này chỉ có thể giải quyết bởi tám mươi mấy triệu người dân đang sống tại VN. Mấy triệu người Việt đang sống tại hải ngoại, cùng lắm, chỉ ủng hộ và đóng góp khi cuộc chiến thật sự xẩy ra. Sự báo động không ngừng cho
thế giới và đồng bào trong nước về sự nguy hiểm này đã, đang, và vẫn sẽ được làm, không nhờ "ỷ lại, dựa dẫm, hay triệt tiêu năng lực nhau", mà bằng chính những nỗ lực cá nhân, không được nhà nước nào trả tiền, mà đôi khi còn bị chửi rủa, phê bình từ nhiều phía.
0o0
Hà Nội thả Điếu Cày qua Mỹ là một con bài chính trị-kinh tế; nhân quyền được dùng như cái giá.
Điều này có thể là một cú "sai lầm lớn" mà Hà Nội rất sợ. Chúng ta chờ xem.
Đinh Thế Dũng
Blogger Điếu Cày và những khó khăn phía trước
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Sau một lúc hưng phấn và nghỉ ngơi đủ sức, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải sẽ chính thức có một cuộc sống khác mà với rất nhiều người kỳ vọng vào anh tin rằng sẽ không ít khó khăn nếu anh tiếp tục con đường chính trị và tranh đấu cho dân chủ nhân quyền.
Tranh đấu trong nước mới có hiệu quả?
Câu nói “nếu một người tranh đấu bị buộc ra khỏi đất nước của mình sẽ như cây bị bật gốc không còn khả năng tranh đấu nữa” hầu như đúng trong rất nhiều trường hợp và riêng Việt Nam thì cái “rất nhiều” ấy xem ra lớn hơn so với những dân tộc có cùng hoàn cảnh khác. Phải chăng chỉ tranh đấu trong nước thì hiệu quả mới cao và nhất là tiếng nói, hành vi cùng những hy sinh của họ mới được người dân đồng tình, chia sẻ?
Có thể nói rằng mọi cuộc cách mạng đều xảy ra từ cái nôi của nơi cần làm cách mạng để thay đổi. Khó có thể ngồi từ xa bấm nút để một cuộc cách mạng xảy ra dù nhỏ nhất, bởi sự hy sinh và gắn bó từ đầu mới làm nên uy tín của một người tranh đấu. Vắng mặt nơi sôi động là điểm yếu nhất của một người tranh đấu. Điều này rõ ràng không còn là ẩn số tuy nhiên có rất nhiều hoàn cảnh mà người tranh đấu có thể thực hiện tại hải ngoại với mục tiêu và chiến lược khác hẳn với cách tranh đấu tại quê hương của mình mà vẫn thành công, góp phần cho những tiếng nói mạnh hơn từ trong nước.
Trong cộng đồng người Việt hải ngoại có rất nhiều vấn đề, có thể những người ở trong nước ra không quen thuộc với cộng đồng hải ngoại nhất là cộng đồng thuộc miền Nam của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
-GS Đoàn Viết Hoạt
Người tranh đấu tại Hoa kỳ chẳng hạn sẽ có lợi thế rất lớn khi làm chứng nhân nói lên những sai phạm lớn nhỏ của nhà cầm quyền và trả lời trực tiếp các câu hỏi có liên quan trước Quốc hội hay từng nhà lập pháp. Sự làm chứng của một người càng có bề dày tranh đấu trong nước bao nhiêu thì sức nặng càng lớn bấy nhiêu.
Trường hợp này thích hợp với blogger Điếu Cày hơn nhiều khuôn mặt khác vì anh được chú ý từ trước và chính Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trực tiếp vận động cho anh. Khó khăn về ngôn ngữ xem ra không phải là câu hỏi lớn nhất so với rất nhiều tù nhân lương tâm khác khi có cơ hội đến Mỹ.
Tuy nhiên là một người Việt, Điếu Cày phải sinh hoạt trong cộng đồng có cùng tiếng nói. Anh cần dựa vào sức mạnh vốn từng được vun đắp gần 40 năm qua với rất nhiều công sức của hàng trăm ngàn người để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trong hoàn cảnh chung của đất nước. Thế nhưng theo ý kiến của nhiều người đi trước thì sự chia sẻ giữa người mới thoát khỏi Việt Nam với một cộng đồng đầy màu sắc như cộng đồng người Việt tại hải ngoại không phải là việc dễ dàng. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt một tù nhân lương tâm và cũng bị trục xuất khỏi Việt Nam sang Mỹ vào năm 1998 như Điếu Cày nhận xét việc này qua kinh nghiệm nhiều năm lưu vong của mình, ông nói:
“Trong cộng đồng người Việt hải ngoại có rất nhiều vấn đề, có thể những người ở trong nước ra không quen thuộc với cộng đồng hải ngoại nhất là cộng đồng thuộc miền Nam của Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Có thể rất nhiều anh em tới Mỹ sẽ bị bỡ ngỡ và không có được cái uy tín, tầm vóc nhất là ngôn ngữ và những vấn đề được đưa ra trong cộng đồng cho nên sự tiếp nhận của cộng đồng không mạnh mẽ.”
Tại sao có cùng mục tiêu tranh đấu, cùng một ước muốn xây dựng quê hương lại khó tìm sự đồng thuận trong cùng một cộng đồng với nhau như vậy? Bà Trần Khải Thanh Thủy một người bất đồng chính kiến khác được Hoa kỳ can thiệp và đến Mỹ từ năm 2011. Trong ba năm sống và sinh hoạt chính trị với nhiều tổ chức, đảng phái bà có cái nhìn như sau:
“Tất nhiên là mình cũng có một chút buồn vì tính cộng đồng người Việt Nam mình quá kém, vài người ngồi với nhau thì không sao nhưng cứ năm bảy người ngồi với nhau thì có người muốn ngồi lên đầu nhau để chỉ huy, áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Rất nhiều người không đủ trình độ và nhận thức nhưng cứ nghĩ rằng cái tôi của mình quá lớn.
Bản chất đám đông của hải ngoại cho thấy rất nhiều tổ chức đảng phái nọ kia là ỷ lại, dựa dẫm và triệt tiêu năng lực cái tôi của nhau. Tôi đã đi hết từ hội đoàn này sang một số tổ chức khác thì thấy người làm thì ít mà người ỷ lại, dựa dẫm thì nhiều. Có khi những người càng làm nhiều thì lại càng bị chỉ trích phê phán. Đây là đặc điểm cố hữu chẳng thể nào thay đổi trong một sớm một chiều được. Quan trọng là mình phải tự mở đường mình đi. Tự mình phải tin vào giá trị tự thân của mình.”
Khác biệt địa lý và quan điểm?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng trở ngại này có một phần do khác biệt địa lý và sinh hoạt chính trị giữa người trong và ngoài nước. Khi được hỏi phải chăng có những quan điểm, cách giải quyết vấn đề giữa những người đấu tranh với nhau ngay từ đầu đã khác xa thậm chí gay gắt và tương phản đã khiến bất đồng, sự hiềm khích phát sinh và dẫn đến tẩy chay nhau làm cho nhiều người sinh ra chán nản và im lặng không còn muốn hoạt động nữa?
Ra nước ngoài để sống đối với bất kỳ một người nào thì đã là một việc khó khăn huống chi đối với những người tù chính trị ra khỏi nhà tù mà lại bị chính quyền cộng sản Việt Nam đưa thẳng từ nhà tù sang Mỹ thì trong tay họ không có bất cứ một điều kiện nào cũng như hỗ trợ nào khác.
-TS Cù Huy Hà Vũ
“Vâng, đúng cái quan điểm, ngôn ngữ và cách đưa ra các vấn đề đối với cộng đồng hải ngoại có thể không thích hợp giữa người trong nước ra khiến cộng đồng hải ngoại không nắm bắt được với nhau nhất là trong giai đoạn đầu. Mục tiêu chung, căn bản thì không khác biệt nhưng ngôn ngữ dùng và những vấn đề đặt ra hoặc cách trình bày cách đưa ra giải pháp có thể không đồng nhất với nhau, từ đó có thể gây ra sự bất mãn hoặc là không ủng hộ… đó là trở ngại mà tôi nghĩ là khá lớn. Trước đây thì trở ngại đó lớn lắm nhất là đối với người trong nước.
Ngay cả như ông Trần Độ hay ông Hoàng Minh Chính chúng ta thấy các ông cũng không được cộng đồng hải ngoại tiếp đón một cách hồ hởi nhưng bây giờ thì cách biệt giữa trong nước và hải ngoại đã dần dần thu hẹp nhưng dù sao thì nó vẫn là một trở ngại.”
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ có lẽ là người có kinh nghiệm cập nhật nhất đối với khó khăn tại hải ngoại của người tranh đấu, ông nói:
“Ra nước ngoài để sống đối với bất kỳ một người nào thì đã là một việc khó khăn huống chi đối với những người tù chính trị ra khỏi nhà tù mà lại bị chính quyền cộng sản Việt Nam đưa thẳng từ nhà tù sang Mỹ thì trong tay họ không có bất cứ một điều kiện nào cũng như hỗ trợ nào khác.
Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt Nam ta tại Hoa Kỳ không những là rất quan trọng mà theo tôi là tuyệt đối cần thiết. Bời vì nó mang lại sự giúp đỡ vật chất nhất định cho những người đấu tranh vì dân chủ nhân quyền mới ra tù.”
Điếu Cày được người Việt hải ngoại yêu mến vì tự thân anh là một người tranh đấu chống Trung Quốc. Kế đến anh luôn tỏ ra bản lĩnh trong tù so với nhiều người tranh đấu khác và điểm quan trọng nhất là xu thế áp đặt ý kiến của các nhà đấu tranh tại hải ngoại không còn được ủng hộ như trước đây.
Điều kiện kiếm sống đối với một người đơn thân như anh không mấy khó khăn nếu anh tiếp tục sống cuộc sống đơn giản, đạm bạc dành thời gian để tư duy và làm việc toàn phần cho mục đích tranh đấu.
Điếu Cày còn người thân và bạn bè đồng chí ở lại trong nước rất nhiều vì vậy anh không cô đơn như nhiều người nghĩ. Anh có niềm tin vào ngày trở về và niềm tin ấy có lẽ chỉ trở thành sự thật nếu tập thể người Việt hải ngoại giúp cho anh thực hiện nó.
Điếu Cày không thể tự chòi đạp trong một không gian mà anh chưa từng biết đến. Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại cùng nắm tay nhau với anh thì đó không phải biểu hiện của sự yếu đuối, trái lại nhiều cánh tay có thể cùng nâng cánh cho con đại bàng này trong giờ phút đầu tiên tập bay vào khung trời tự do dân chủ lộng gió của nước Mỹ.
Được như vậy thì rời khỏi đất nước không phải là ngõ cụt, là bật gốc hay là sự im lặng vĩnh viễn của các nhà tranh đấu như lâu nay mọi người vẫn nghĩ.