Wednesday 1 October 2014

Thẩm Định Mối Đe Doạ Của Tổ Chức Quốc Gia Hồi Giáo Iraq – ISIS và ISIL.

·        Trong lúc chiến sự diễn ra ở Syria, chúng ta nên sẵn sàng đối đầu với binh lính phiến quân, không nên sợ hãi, hãy tìm hiểu thực chất khả năng của chúng.
·        Tác giả Daniel Benjamin phụ trách điều hợp hoạt động chống khủng bố cho Bộ Ngoại Gia Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2012, và hiện đang là Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tình Hình Quốc Tế Dickey của trường đại học Dartmouth, viết bài phân tích về thực lực của tổ chức ISIS và Khorasan sau đây.
 
KHÔNG PHẢI TẤT CẢ MỌI TÊN KHỦNG BỐ ĐỀU  là những đe doạ đáng sợ như nhau. Chúng ta dùng từ “imminent threat” – “Mối đe doạ hiển nhiên” để chỉ chung  quân thù đủ loại, nhưng hậu duệ của những tay khủng bố trong tổ chức thánh chiến Hồi Giáo có lối dùng bạo lực khác với những tổ chức khủng bố khác. Nghiên cứu kỹ hai nhóm khủng bố mà Hoa Kỳ đang mở cuộc tấn công đánh chúng ở Syria cho thấy việc tìm hiểu những tổ chức này rất quan trọng, và giúp chúng ta bớt lo sợ về chúng.

Cho đến khi bắt đầu có những cuộc tấn kích bằng máy bay, tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo của Iraq và Nước Syria Vĩ Đại ( ISIS hay ISIL) là từ ngữ mọi người thường dùng để chỉ lực lượng quân khủng bố đang hoạt động trong vùng. Hồi tháng Sáu, nhóm phiến quân chiếm được Mosul , thành phố lớn thứ hai của Iraq , và chỉ ít lâu sau, chúng đe doạ thủ đô Erbil của khu vực người Kurd. Là một phân nhánh trực thuộc al-Qaeda, lực lượng   ISIS bất đồng ý kiến với Osama bin Laden về chiến lược, đứng ra hoạt động riêng. Cả hai nhóm Hồi giáo cực đoan Sunni được khai sinh ra từ lý thuyết giáo điều chứa đầy hận thù gọi là dawah, họ được nước Ả Rập Sê U tiếp tế rất nhiều tài nguyên, vật lực để phát động cuộc đấu tranh của người Hồi Giáo Sunni trên toàn thế giới tiêu diệt người Hồi Giáo Shiite, những kẻ cai trị nước Iran sau cuộc cách mạng ở nước này năm 1979. Học thuyết của giáo điều quá khích tuyên truyền rằng tất cả các tôn giáo khác như Shiite, Cơ đốc Giáo, và Do Thái Giáo đều là những kẻ thù không đội trời chung.

Thủ lãnh sáng lập ra tổ chức ISIS là Abu Mo usad al-Zarqawi. Hắn xuất hiện lần đầu trong trung tâm huấn luyện của tổ chức Al-Qaeda ở Afghanistan . Y khai thác triệt để tình trạng hỗn loạn xảy ra ở Iraq sau khi Hoa Kỳ xâm chiếm nước này vào năm 2003. Trong lúc bin Laden mải mê lo tấn công đánh khủng bố các nướcTây phương, phe ISIS tách riêng ra. Tổ chức này đi theo chiến lược riêng: tấn công từng điạ điểm, chiếm cứ lãnh thổ vùng đó, và chỉ lo tiêu diệt người Shiite. Bin Laden không đồng ý với sách lược này, vì y cho rằng làm như thế sẽ đưa đến hậu quả nhiều người Hồi Giáo giết nhau. Điều này sẽ khiến cho người ủng hộ chính nghĩa Hồi Giáo phải xa lià chúng. Kể từ hồi đầu năm nay hai nhóm ISIS và al-Qaeda vĩnh viễn chia tay nhau, không còn hợp tác nữa.

Đối với nhiều vị trong Quốc Hội Hoa Kỳ, nhiều nhà bình luận thời cuộc, thậm chí cả vài thành viên Nội Các cũng nhầm lẫn khi đưa ra nhiều câu tuyên bố sai lầm. Họ cho rằng sự phân biệt giữa hai nhóm này không quan trọng. Họ tin rằng sự vùng dậy kỳ lạ của nhóm ISIS chỉ có nghĩa đây là nhóm khủng bố al-Qaeda mới, mạnh hơn, có vũ khí tối tân, tài nguyên nhiều hơn, vừa tái xuất hiện. Một Thượng Nghị Sĩ Mỹ từng tuyên bố Tổng thống Hoa Kỳ cần phải hành động ngay “trước khi để chúng có thể giết chúng ta tại nước Mỹ.”.
 
MỐI LO SỢ ĐƯỢC THỔI PHỒNG QUÁ ĐÁNG. Tổ chức ISIS qủa thực là một đe doạ nghiêm trọng cho nước Iraq và vùng lân cận. Đó cũng là lý do để chính quyền Obama đứng ra qui tụ các nước theo Hồi Giáo Sunni , và nhiều nước khác, cùng với Hoa Kỳ mở chiến dịch đánh ISIS . Nhưng nói chung ISIS chỉ là một tổ chức nổi dậy, với đường lối, chiến cụ khác hẳn với nhóm khủng bố al-Qaeda. Bọn chúng không bao giờ thực hiện hoạt động khủng bố bí mật từ xa đánh vào Hoa Kỳ. Như ông Matt Olsen, Giám đốc Trung Tâm Chống Khủng Bố đọc trong một diễn văn ít được chú ý: “Chúng ta không có tin tức khả tín cho rằng ISIL sẽ mở cuộc tấn công vào Hoa Kỳ.”.

Sự kiện đó có thể thay đổi. Tổ chức ISIS có thể thắng vài trận, và chiếm đóng vài vùng lãnh thổ làm cho các phần tử quá khích trên toàn thế giới cảm thấy phấn chấn, lập tức có nhiều người xin vào làm lính tính nguyện. Một số cảm tình viên cảm thấy họ cũng phải làm một cái gì đó để chứng minh rằng họ đang tham gia vào cuộc chiến đấu. Hành động chặt đầu ở nước Úc là ví dụ về ước muốn này. Vùng an toàn khu rất lớn mà nhóm ISIS tạo ra được, chạy dài từ Fallujah đến Aleppo , cũng như khối lượng tiền bạc lớn lao do việc bán dầu hoả ăn cướp được, tổ chức bắt cóc người lấy tiền chuộc, và đánh cướp nhà băng, cũng như số lượng lính tân tuyển rất nhiều từ Âu châu, và Hoa Kỳ  sẽ là mối đe doạ đáng sợ trong tương lai . Nhưng không một ai được phép hiểu sai một điều: Đó là việc tấn công bằng oanh kích từ trên trời của Hoa Kỳ  sẽ chặn đứng mối lo ngại này.

Một mục tiêu khác mà Hoa Kỳ đang nhắm đánh là nhóm Khorasan. Nhóm này hiện nay rất nguy hiểm. Đây là phiên bản mới của tổ chức al-Qaeda, không phải là một phân nhánh của ISIS . Cái tên Khorasan nguyên thủy là điạ danh của vùng đất bên ngoài Ba Tư, nơi xa nhất Hồi Giáo có thể lan truyền tới được. Hồi năm 1996, trong bản tuyên cáo gây chiến với Hoa Kỳ bin Laden côn bố trên đỉnh núi cao của Afghanistan . Y nói đã tìm được “một căn cứ điạ an toàn trên đỉnh núi Hindu Kush trong rặng núi Khorasan.”. Nhóm này dựa vào sách lược xây dựng của Al-Qaeda, từ vấn đề nhân sự, đẳng cấp, đều làm theo giống hệt của Al-Qaeda, và cũng nhắm vào kẻ thù duy nhất là Tây phương. Trong tình hình hỗn mang, vô chính phủ ở Syria , các tổ hoạt động nhỏ thực hiện những vụ đánh bom từ Bán Đảo Ả Rập đến những chuyến bay hàng không, theo đúng bài vở cũ của Al-Qaeda. Kỹ thuật làm bom rất tinh vi, khó bị khám phá. Ví dụ như trường hợp tên khủng bố người Niger ia mặc quần lót gài bom trong chuyến bay của hãng Northwest vào mùa Giáng Sinh năm 2009. Rất may là hắn vụng về làm cho trái bom xì khói, và bị chặn lại kịp thời. Ngoài ra, còn phải kể đến kẻ mang bom tự sát để ám sát tư lệnh ngành chống khủng bố của nước Ả Rập Sê U.

Như vậy hai tổ chức khủng bố này có thể tạo nên mối đe doạ đến mức nào cho người Mỹ ở trong nước? Mặc dù quá nửa thiên hạ kinh hoàng về hình ảnh chặt đầu ký giả Mỹ chiếu trên video, và nhiều người cho rằng chúng ta đang ở tình trạng rủi ro nhiều hơn bao giờ hết kể từ sau biến cố 9/11, nhưng thực ra mối đe doạ từ hai tổ chức này chỉ ở mức độ khiêm nhường. Sự thể là Hoa Kỳ có thể thu thập được rất nhiều tin tức tình báo cần thiết để phá vỡ những âm mưu đánh phá chúng ta, và bảo đảm chúng ta được an toàn trong chừng mực nào đó. Cái gọi là an ninh tuyệt đối thì hầu như không thể có được. Và trong lúc chờ đợi kết quả của những cuộc không kích mới đây, thủ lãnh của hai tổ chức ISIS và Khorasan chắc sẽ tự hỏi vì sao chúng tự dồn vào mình vào thế bị tiêu diệt.

Nước Syria sẽ tiếp tục là vùng đất có nhiều xáo trộn, nguy hiểm trong một thời gian khá dài, và Iraq thì cũng không tốt đẹp gì hơn. Các cuộc không kích trên điạ phận hai nước này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Nhưng sau khi chi tiêu ra hàng trăm tỉ đô la để hoàn thiện tổ chức tình báo và an ninh nội chính, chúng ta đạt đến trình độ an ninh tốt đẹp hơn xưa rất nhiều so với thời kỳ biến cố 9/11. Hiểu được điều này là điều kiện đầu tiên để đưa đến một chiến lược thành công.
 
NHỮNG CON SỐ LIÊN QUAN ĐẾN CHIẾN SỰ
 
  • Tấn công Syria :  Kể từ ngày 8 tháng Tám, Hoa Kỳ tung ra khoảng 200 đợt không kích vào lực lượng ISIS ở Iraq , với hy vọng ngăn chặn thành phần Sunni tiến vào thủ đô Baghdad. Sau khi họp với các tướng lãnh ngày 18 tháng Chín, Tổng Thống Obama ra lệnh cho lực lượng quân sự bay sang phía Tây, oanh kích nhóm ISIS ở trong  Syria.
  • Những khó khăn: Nhóm ISIS có quân đội đóng dọc theo biên giới giữa Syria và Iraq từ hơn một năm nay. Các trận không kích của Hoa Kỳ làm cho quân của ISIS không thể tiến thêm được, nhưng lực lượng quân sự của chính phủ Iraq quá yếu, không thể dành lại những lãnh thổ bị mất.
  • Các Trận Không Kích:  Hoa Kỳ và bốn nước đồng minh Ả Rập ném bom tan nát các kho quân cụ ở phía bắc Syria . Hoa Kỳ cũng tấn công nhóm Khorasan, một hậu duệ của tổ chức Al- Qaeda, nhiều quan chức Mỹ cho rằng nhóm này sẽ thực hiện  những vụ đánh bom trên đất Mỹ.
  • Thẩm định tình hình:  Quan chức Mỹ nói rằng các trận không kích đánh rất chính xác, tiêu huỷ kho vũ khí, trung tâm huấn luyện của nhóm ISIS, nguồn tài chánh, và nhiều quân xa. Số phận của các tay thủ lãnh của ISIS và Khorasan vẫn chưa rõ.
  • Chiến sự còn tiếp diễn ra sao?  Hoa kỳ nói họ sẽ tiếp tục đánh không kích nhóm ISIS ở Syria . Nhưng bọn lính của tổ chức này đang dùng dân chúng là tấm mộc che chở, khiến cho những cuộc không kích trong tương lai của Hoa Kỳ trở nên phức tạp, gây ra những ảnh hưởng đáng lo ngại.
  • Vũ khí nào đã được dùng:  Cuộc không kích đánh vào Syria ngày 23 tháng Chín cho thấy sức mạnh khủng khiếp của không lực Hoa Kỳ. Họ dùng Oanh Tạc Cơ F-22 mới nhất, mỗi chiếc trị giá $340 triệu,  Hoả tiển Tomahawk, oanh tạc cơ F-18 của Hải Quân, và Oanh tạc cơ B-1 của Không quân, cũng như Oanh Tạc Cơ F-16.
 
Bài tường thuật của Daniel Benjamin trên báo TIME ngày 6/10/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch