Tuesday 9 December 2014

Ra nước ngoài là vào ngõ cụt - BS.Trần Văn Tích

Nhân quyền ở Việt Nam


Trong nước hiện nay đang có những phong trào, những tổ chức, những cá nhân chống đối đảng cộng sản. Ở ngoài nước, nếu có dịp là cộng đồng tỵ nạn cộng sản cùng các tổ chức đấu tranh hợp sức vận động công luận quốc tế và các chính quyền những quốc gia tự do can thiệp buộc bạo quyền cộng sản phải trả tự do cho những nhân vật đối kháng. Nhưng không có tổ chức đồng hương tỵ nạn nào cũng như chính quyền quốc gia tự do nào kêu gọi Việt cộng phải để cho những nhân vật đối kháng đang bị giam giữ được rời khỏi Việt Nam. Việc một số cá nhân chống đối kẻ cường quyền lên đường ra nước ngoài, chủ yếu sang Hoa kỳ, là kết quả đường lối chính trị, ngoại giao, kinh tế của nước Mỹ. Và nước Mỹ thì chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ mà thôi. 
Những người được xem hay tự xem là bất đồng chính kiến một khi sang Hoa Kỳ hay sang Pháp mà vẫn còn muốn tiếp tục đấu tranh thì phải đối diện với thực tế là việc đi tìm đối tượng hậu thuẫn. Cũng thực tế là chỉ có hai lực lượng chính yếu làm thành tập thể đồng bào đang sống ở nước ngoài, một bên là phe quốc gia và một bên là phe cộng sản. Phe quốc gia bao gồm những thành phần bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản. Phe cộng sản qui tụ các cán bộ cộng sản, các du sinh, các “thợ khách“ di sản của mồ ma khối Đông Âu. Dĩ nhiên phe cộng sản không thể là đối tượng để những người chống đối nương tựa. Họ chỉ còn cách tìm hậu thuẫn ở phe quốc gia, chứ không có lựa chọn nào khác. 
Hầu như toàn vẹn tinh hoa của chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã đào thoát được ra hải ngoại và làm thành lực lượng nòng cốt của cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó là hậu duệ của thế hệ lưu vong thứ nhất. Những con người do nền giáo dục nhân bản của Miền Nam và của các quốc gia dân chủ Tây phương đào tạo đã từng là nạn nhân và chứng nhân trực tiếp hay gián tiếp của một chính sách tàn bạo, đểu cáng nhất lịch sử nhân loại. Nay nhất đán cộng đồng tỵ nạn chống cộng lưu vong phải tiếp xúc với những nhân vật do kẻ thù giáo huấn. Nước trong tự dưng gặp dầu cặn. Dầu cặn làm sao hoà với nước trong được? 
Kết quả không thể nào tránh khỏi là sự thất bại của những người tự xem hay được xem là chống đối, một khi họ sang Mỹ, sang Pháp. Họ đánh mất môi trường đấu tranh quen thuộc. Họ hoá ra lạc lõng trong môi trường mới lạ. 
Chúng ta thử xem chuyện nước Đức. Người dân Đông Đức đã biết lợi dụng cả thời lẫn thế và nhất là họ đã thấy rằng chỉ có họ mới đòi được tự do dân chủ cho họ. Cho nên họ đã chuyển hướng và chuyển hoá hình thức đấu tranh. Thoạt đầu là bỏ nước ra đi bằng mọi giá, kể cả bằng sinh mệnh bản thân. Nhưng đến một thời điểm nhất định, họ không bỏ phiếu bằng xe bằng chân nữa, họ bỏ phiếu bằng tay bằng miệng. Họ quyết định ở lại để đấu tranh và nêu cao khẩu hiệu “chúng tôi ở lại đây, wir bleiben hier“. 
Dân tộc Việt Nam cũng đã từng cả triệu triệu người bỏ phiếu bằng chân, bằng thuyền, bằng máy bay Chúng ta đã đứng lên thực hiện giai đoạn chống đối thứ nhất. Chúng ta đã chống cộng qua thái độ phỉ nhổ chế độ đồng thời chúng ta cũng truy tố tội ác cộng sản Việt Nam. Chúng ta không truy tố tội ác của giặc trước bất kỳ toà án cấp quốc gia, cấp liên quốc hay cấp quốc tế nào cả mà chúng ta truy tố tội ác của giặc trước công luận quốc tế, trước dư luận thề giới, trước lương tri nhân loại. Chúng ta đã góp máu, góp nước mắt, góp tù đày, góp chết chóc, góp hãm hiếp, góp vàng, góp nhà, góp của cho giai đoạn một. Chúng ta đã đóng góp nhục nhằn, đã đóng góp cơ cực, đã đóng góp những tháng năm còng lưng làm nail, đã đóng góp trọn tuổi xuân làm vệ sinh nhà xí. Và chúng ta cũng không hề ngần ngại quay trở lại góp công, góp sức, góp đầu óc, góp suy tư cho đại cuộc chính nghĩa chống cộng tại cả hải ngoại lẫn quốc nội. 
Bây giờ là giai đoạn chống đối thứ hai, giai đoạn này do đồng bào quốc nội thủ vai chánh. Tuy nhiên nếu như người dân trong nước không tự mình tranh đấu, nếu như tuổi trẻ Việt Nam trong nước không can đảm dấn thân thì đảng cộng sản sẽ vẫn tiếp tục ngồi lên đầu lên cổ dân tộc và dân tộc vẫn phải cúi đầu quì gối mang nỗi nhục lạc hậu và yếu hèn. Nếu quốc nội không ý thức được trách nhiệm của mình thì chữ S bên bờ Thái bình dương sẽ không bao giờ được như mảnh đất nhìn ra Bắc hải. Đó là chưa nói đến đại hoạ vô song Việt Nam do cộng sản cai trị sẽ trở thành quận huyện của Trung cộng. 
Giữ vai trò độc tôn trực tiếp chống cộng, đồng bào quốc nội cần ý thức rằng phải diện đối diện với kẻ thù thì mới chống đối nó hữu hiệu được. Muốn thực tình chống Việt cộng thì phải ở lại Việt Nam.Ra khỏi Việt Nam thì cần suy nghĩ như Bác sĩ Bùi Trọng Cường ở Úc :"Chúng ta cần nhớ rằng sự hiện diện của anh ĐC tại hải ngoại chắc chắn sẽ không làm cho công tác đấu tranh của chúng ta dễ hơn, ngắn hơn mà ngược lại có thể tạo ra những khó khăn mới cam go hơn.“ Khó khăn mới cam go hơn đối với cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Nhưng đối với hầu hết nếu không là tất cả những thành phần chống đối rời khỏi nước ra nước ngoài thì khó khăn mới cam go hơn đã là và sẽ là không thể nào vượt qua nổi. 
Trong hiện tình đất nước và thế giới, vì dân tộc mà tranh đấu chống cộng nhưng lại sang Mỹ sang Tây thì chỉ là đi vô một ngõ cụt, thì chỉ là tự hãm mình vào mạt lộ. Có khi còn tệ hại hơn, có thể là tự mình mưu sát bản thân về chính trị. 
Tất nhiên nếu vì quyền lợi cá nhân và gia đình mà tranh đấu thì lại là chuyện khác. Hoặc giả vì sự sắp xếp của những bàn tay lông lá mà tranh đấu thì cũng lại là chuyện khác nữa. 
Đã nói thì phải rán nói cho cùng. Sẽ có người trách rằng nếu cứ ở lại, nếu cứ ngồi tù để rồi lâm bệnh nặng, thâm chí để rồi hy sinh, hay sao? Xin thưa : tự do phải mua bằng máu, tự do phải trả bằng nước mắt. Không có cách gì khác. Quả thật là không có cách gì khác cả. Ngoại trừ phép lạ. Nhưng đã mong chờ phép lạ thì còn nói đến đấu tranh làm gì?

1. Tôi hoàn toàn đồng ý với BS Tích rằng người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại vận động quốc tế và hỗ trợ các nhà đối kháng để họ đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước chứ không phải vận động và hỗ trợ để đem họ thoát ra nước ngoài.   

2. Các nhà đối kháng ở trong nước cũng nên biết rằng người Việt tỵ nạn hải ngoại đã phải bỏ nước ra đi vì họ không thể sống chung với bọn CS, họ đã tập họp nhau dưới ngọn cờ vàng 3 sọc đỏ di sản và xương máu của cha ông, đồng đội của họ để tiếp tục đấu tranh tự do dân chủ không CS cho quê hương VN; do đó, khi các nhà đối kháng đặt chân ra nước ngoài thì phải tôn trọng và thấu hiểu sự thiêng liêng và lý tưởng cao cả nơi ngọn cờ vàng. Không đứng chung dưới ngọn cờ vàng và lại còn dựa vào cộng đồng để sống thì đó là một xúc phạm không thể chấp nhận đối với người Việt tỵ nạn CS.

3. Người Việt hải ngoại tuy mang dòng máu Việt nhưng họ không là công dân của nước VNXHCN. Đứng ngay trên quê hương VN họ vẫn chỉ là ngoại kiều không còn được hưởng bất cứ quyền công dân nào nữa. CSVN thường lừa gạt đem tình yêu quê hương để cột họ vào trách nhiệm và bổn phận như một công dân của nước VN để trục lợi mà trước tiên là nhập nhằng xóa bỏ lá cờ vàng nhằm đổ đồng Quốc gia và Cộng sản như nhau, chẳng ai phải chẳng ai trái để cho bọn CSVN dễ chạy tội.
Hiểu được như thế thì mới thấy được rằng, tuy cùng đấu tranh cho tự do dân chủ nhưng người đối kháng trong nước và người Việt tỵ nạn đứng ở 2 vị trí khác nhau. Các nhà đối kháng trong nước có thể đấu tranh dưới bất cứ lá cờ nào nhưng người Việt tỵ nạn CS chỉ đấu tranh dưới một lá cờ vàng 3 sọc đỏ không gì có thể thay thế được. 

T.K.Huyên 14 


Xin kính chuyển. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái, du học Mỹ bị kẹt lại sau 30/4/1975, nguyên giáo sư Đại Học Pennsylvania, góp ý về bài viết của Bác sĩ Trần Văn Tích.
NLGO

From: Thai Nguyen <nguyenthai40@gmail.com>
Bài của BS Trần Văn Tích không đưa ra điều gì mới lạ. Tuy nhiên mới lạ không phải là điều cần thiết. Điều quan trọng là ông đã xác định lại vai trò chiến lược quan trọng chủ yếu của đồng bào quốc nội và vai trò hỗ trợ của người Việt hải ngoại. Một sản phẩm phụ (by-product) của việc xác định lại vai trò hỗ trợ của người Việt hải ngoại là nhắc nhở những người này rằng vai chính không phải là họ và có lẽ không nên "lu bu ruồi đậu". Phản hồi của NLGO chấp nhận lập luận của BS Tích mặc dù tuy xác nhận vai trò "võ mồm" của người Việt hải ngoại, nhưng NLGO hình như muốn cho hé thấy hiệu năng có thể có của hình thức đấu tranh này khi nhắc đến De Gaulle qua sự liên lạc của ông với kháng chiến quân trong nước và tại Algérie.

Có một điểm mà BS Tích hình như muốn tránh né là không xác định lập trường của ông về Điếu Cày mà mặc nhiên đề người đọc tự kết luận những người như Điếu Cày (i.e., Bùi Tín, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Chính Kết, Đoàn Viết Hoạt, Trần Khải Thanh Thuỷ, v.v...) là những nhà đấu tranh dân chủ và sẽ mất đi hiệu năng đấu tranh khi ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. 

Tôi nghĩ sự tránh né này là vì lý do nhạy cảm của vấn đề:
1. Không đủ bằng chứng chắc chắn để kết luận là ĐC là cán bộ CS xâm nhập cộng đồng người Việt hải ngoại hay là một nhà đấu tranh dân chủ.
2. Không phải đấu tranh dân chủ là đồng chính kiến với người Việt quốc gia. Một người đấu tranh dân chủ có thể đấu tranh trong bối cảnh của ý thức hệ cộng sản chính thống như Bùi Tín chẳng hạn. Người Việt quốc gia đấu tranh dân chủ trong bối cảnh tự do và phân quyền quyền lực như Montesquieu đề nghị.
3. Kết luận ĐC là cộng sản thoả mãn tâm thức của người Việt chống cộng. Nhưng nếu kết luận này sai thì sẽ làm cho những người đấu tranh ở trong nước sợ hãi và mất chân đứng.
4. Kết luận ĐC là nhà tranh đấu dân chủ thì cũng không hẳn là ĐC đứng trên cùng một lập trường về quan điểm dân chủ
5. ĐC có thể là một cán bộ CS được huấn luyện nhằm xâm nhập cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng cũng có thể chỉ là một con bài của đảng CSVN và của tài phiệt Mỹ.

Theo thiển ý, thế đứng hợp lý là dè dặt với mọi phong trào và tổ chức trong nước. Những tổ chức này có thể chỉ là những "cò mồi", nhưng cũng có thể là thực sự. Khi hành động luôn có cảnh giác thì những tổ chức chân chính cũng hiểu được. Đối với những người "đấu tranh" ra nước ngoài thì mình hỗ trợ bằng lời nói và hành động khi nào họ nói đúng và làm đúng, nghĩa là khi nào họ xiển dương và hô hào đòi hỏi dân chủ, nhân quyền và dân quyền, và nhất quyết lật đổ chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN. Khi nào họ nói sai thì mình phải cảnh giác quần chúng và phản bác cũng như có những hành động chống đối.

Mình ở hải ngoại thì "cò mồi" cũng chẳng làm gì được. Ở trong nước thì "cò mồi" để bủa lưới bắt những người nhẹ dạ. Ở ngoài này thì chỉ là đấu trí. Mà đấu trí thì làm gì mà họ thắng mình được trong môi trường dân chủ và tự do này.

Nguyễn Văn Thái



2014-12-11 2:37 GMT-05:00 Julien Bui <buijulien15@gmail.com>:

Thưa qúy vị,

Bài viết của Bác Sĩ Trần Văn Tích, chủ tịch Cộng đồng Người Việt tại Đức, không có đoạn nào "chống" Điếu Cày, khiến những kẻ "bênh" Điếu Cày phải động lòng mà lên tiếng, trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác giả chỉ bày tỏ những ý kiến khách quan, tổng quát, chính xác và hữu ích dựa trên những dữ kiện cụ thể, kinh nghiệm cá nhân và kết quả quan sát tại chỗ về tập thể người Việt lưu vong từ 40 năm nay. Để cho độc giả rút một kết luận, cùng với tác giả: Người Việt chống Cộng ở hải ngoại chỉ giữ vai trò phụ trong cuộc đấu tranh lật đổ bạo quyền, và ngược lại, đồng bào trong nước mới là lực lượng chủ yếu, không có không được. Hải ngoại yểm trợ quốc nội bằng giúp đỡ tiền bạc, cổ võ tinh thần, nôm na bằng cách "đấu võ mồm" giúp họ v. v... -điều chúng ta đang làm bây giờ. Cuộc chiến đấu của những người xả thân đấu tranh tại quốc nội, phải trả giá bằng máu và nước mắt, áp bức và tù tội, có ý nghĩa cao quý, đa dạng và hữu ích hơn là những người hải ngoại. Vì những người như Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thủy, Điếu Cày, Bùi Tín, Dương Thu Hương... khi ra khỏi nước dù với danh nghĩa gì, một ngày rồi, nếu có ý tranh đấu thật, cũng sẽ rơi vào tình trạng của những người tỵ nạn hải ngoại như chúng ta thôi: tranh đấu bằng võ mồm, nhưng ở đây thoải mái hơn trong nước với tất cả tự do và an toàn. Không còn chọn lựa nào khác. Tác giả Trần Văn Tích không bảo "họ phải ở lại chịu chết, chịu ở tù", thay cho chúng ta, như phản hồi và phản bác của một số kẻ không hiểu ý và không đồng ý với ông. Ấy là chưa kể, theo tác giả, những nhà tranh đấu ra khỏi nước còn gặp sự phản ứng thường là tiêu cực của đồng bào hải ngoại vốn nghi ngờ và thất vọng ("nước trong" pha với "dầu cặn"). "Ngõ cụt" trong bài của BS Tích, vì thế, phải hiểu theo nghĩa bóng.

Họa sĩ tài danh, khả ái Nguyễn Văn Nhớ, Portland, OR, người mà tôi đoán không lầm là mê Điếu Cày như điếu đổ, đã trích dẫn ví dụ của de Gaulle, để phản bác BS Trần Văn Tích. Thực ra, hai hoàn cảnh khác nhau: một mặt, thế chiến II bằng súng đạn giữa các đồng minh và Đức quốc xã, 1940, và mặt khác, cuộc đấu tranh giữa người Việt Quốc gia và người Việt Cộng sản, sau 1975 -khó khăn và phức tạp hơn nhiều, bởi vì đó là cuộc chiến cân não giữa những người Việt Nam với nhau, một bên là người "thắng cuộc", tức Việt Cộng, vô cùng gian manh, vô lý tưởng, vô tổ quốc, và một bên là kẻ bại trận phải rời bỏ quê hương ra sống trên xứ người. Tuy nhiên, đây là phần giống nhau, khi Pháp bị Đức chiếm, năm 1940, tướng de Gaulle trốn qua Anh, và tại London, ông cũng chỉ làm công việc của những người Việt Nam quốc gia hải ngoại hiện nay: đấu võ mồm (trên đài BBC), lập Mặt Trận France Libre hải ngoại (so với France Captive quốc nội), thu thập tin tức tình báo từ những người résistants (ví dụ Jean Moulin) trong nước, kêu gọi chiến đấu tới cùng. Và cuộc tranh đấu cụ thể, bằng xương máu hoàn toàn do phong trào kháng chiến (Résistance, Maquis) trong nước Pháp và Algérie (trong số có Francois Mitterrand, tổng thống tương lai) đảm nhận. Không có những người này và sự trợ giúp của chính phủ Churchill, de Gaulle cũng chỉ đi vào "ngõ cụt". Cũng như Điếu Cày, nếu không có người Việt quốc gia hải ngoại hỗ trợ. Họa sĩ Nhớ còn bảo de Gaulle "đã giải phóng nước Pháp". Ông Nhớ nói đùa hay nói giỡn đây? Ông quên cuộc đổ bộ tại bờ biển Normandie của quân Mỹ ngày 
6/6/1944 rồi sao? Cũng mách thêm cho ông Nhớ nhớ: Ông biết tại sao de Gaulle lúc nào cũng ghét Mỹ, thù Mỹ, mặc dù nhờ Mỹ nhảy vào nước Pháp mới được giải phóng? Vì de Gaulle không được (Mỹ) mời vào dự hội nghị Yalta, năm1945, để định đoạt số phận của Đức Quốc Xã, gồm ba "anh hùng thời đại", Roosevelt, Churchill và Staline (ông thầy dạy Sử, Philippe Langlet, còn sống, đã bảo chúng tôi như thế). Ba "anh hùng" coi de Gaulle không có công trạng, không có ký lô nào cả, nên ông lấy làm tức.
Xin họa sĩ Nhớ và những người bênh Điếu Cày đọc lại (kỹ) bài viết của Bác sĩ Trần Văn Tích.

Mạo muội góp vài ý kiến mọn.

NLGO