Khoảng 40 nhà lãnh đạo thế giới có mặt, tham gia cuộc tuần hành Paris
Những đám đông khổng lồ cùng khoảng 40 lãnh đạo thế giới đang tham dự cuộc tuần hành tại Paris, thể hiện tinh thần đoàn kết sau vụ 17 người thiệt mạng trong loạt các vụ tấn công vừa qua.
Ước tính hơn một triệu người diễu hành trên các đường phố.
"Paris là thủ đô của thế giới hôm nay," Tổng thống Pháp Francois Hollande nói. "Cả đất nước sẽ trỗi dậy."
Trước khi diễn ra cuộc tuần hành, đã xuất hiện một đoạn băng hình cho thấy kẻ tấn công siêu thị, Amedy Coulibaly, kêu gọi liên minh với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Khoảng 2.000 cảnh sát và 1.350 binh lính đã được triển khai trên khắp thủ đô nước Pháp để bảo vệ cuộc tuần hành.
Cuộc tuần hành được người thân các nạn nhân vụ tấn công dẫn đầu và khởi hành từ Quảng trường Cộng hòa vào lúc 3h chiều giờ Paris, tức 9h tối giờ Việt Nam.
Có mặt trong dòng người tuần hành, cộng tác viên Christine Nguyễn từ Paris nói với BBC Tiếng Việt: "Người dân xuống đường trong một không khí hòa bình, nhưng rõ ràng họ tỏ thái độ lên án hành động khủng bố và kêu gọi đoàn kết vì quyền tự do ngôn luận dưới nền Cộng hòa Pháp."
‘Vẫn cảnh giác cao độ’
Trước đó, hôm 10/1, khoảng 700.000 người được cho là đã tham gia vào các cuộc tuần hành trên khắp nước Pháp sau ba ngày tấn công chết chóc ở Paris.
Người dân ở Paris, Orleans, Nice, Pau, Toulouse và Nantes đã đổ ra đường để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng.
Tổng cộng 17 người đã chết trong các vụ tấn công vào tạp chí trào phúng Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái.
Ba tay súng đã bị cảnh sát giết chết trong khi kẻ đồng lõa còn lại đang bị truy lùng.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết nước ông vẫn sẽ cảnh giác cao độ trong những tuần sắp tới.
Trong các cuộc tuần hành, phần lớn diễn ra trong im lặng, người dân giương các biểu ngữ viết: ‘Tôi chống phân biệt chủng tộc’, ‘Đoàn kết’ hay ‘Tôi là Charlie’.
Phát biểu trước một đám đông lớn bên ngoài siêu thị nơi vụ bắt cóc con tin diễn ra, Thủ tướng Pháp Manual Valls nói: “Hôm nay, chúng ta đều là là Charlie. Chúng ta đều là cảnh sát và chúng ta đều là người Do Thái của nước Pháp.”
An ninh đã được thắt chặt ở Paris hôm 10/1 với thêm 500 binh sỹ được triển khai để hỗ trợ cho lực lượng quân đội và cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
'Một triệu người'
Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazaneuve nói Chính phủ Pháp đã làm tất cả mọi việc cần thiết để bảo vệ đất nước.
Ông cũng hứa hẹn sẽ ‘có thêm biện pháp đặc biệt’ cho cuộc tuần hành ở Paris vào hôm nay, Chủ nhật ngày 11/1. Các biện pháp này bao gồm triển khai các tay súng bắn tỉa trên các mái nhà và 5.500 binh sỹ quân đội và cảnh sát.
Hàng chục nguyên thủ và lãnh đạo nhiều nước tham dự cuộc tuần hành này, trong đó có Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Người thân của các nạn nhân dẫn đầu cuộc tuần hành rồi sau đó mới đến các vị lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia.
Trước khi tuần hành diễn ra, Tổng thống Pháp Francois Hollande gặp các lãnh đạo của cộng đồng Do Thái trong khi các bộ trưởng Nội vụ châu Âu nhóm họp để bàn về tác động của các cuộc tấn công này đối với khu vực.
Trong lúc này, gia đình các nạn nhân đã bắt đầu lên tiếng về vụ tấn công.
Gia đình Merabet lên tiếng
Gia đình anh Ahmed Merabet, một sỹ quan cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, đã có một buổi họp báo xúc động.
"Ahmed là một người đàn ông tận tụy," ông Malek, anh trai của Ahmed, nói và bật khóc.
Ngừng một lúc, Malek nói tiếp: "Ahmed luôn mong muốn chăm sóc cho mẹ và gia đình kể từ khi cha chúng tôi qua đời 20 năm trước."
"Là trụ cột của gia đình, mặc dù phải thực thi nghĩa vụ với xã hội nhưng Ahmed vẫn chu toàn là một đứa con chu đáo, một đứa em hay trêu ghẹo, một người chú rất yêu thương cháu và một người bạn đời chung thủy,” ông nói.
“Ahmed là người theo đạo Hồi và rất tự hào được làm cảnh sát và bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa,” Malek nói thêm.
“Gia đình chúng tôi tan nát trước hành động man rợ này và chia sẻ nỗi đau với gia đình các nhạn nhân.”
“Nnhững kẻ thù đạo Hồi, những kẻ phân biệt chủng tộc và bài Do Thái không nên lẫn lộn các phần tử cực đoan với người Hồi giáo,” ông kêu gọi.
Ông cũng lên án truyền thông đã phát đi phát lại đoạn băng chiếu cảnh em trai ông bị sát hại.
“Tại sao các người dám lấy đoạn băng này phát sóng? Tôi nghe giọng của nó, tôi nhận ra nó. Tôi thấy nó bị giết và tôi tiếp tục nghe tiếng nó mỗi ngày,” ông nói.
Bạ̣n đời của Ahmed Merabet cho biết cô thấy cảnh Merabet bị giết hại trên truyền hình và cô xem xong mà không biết mình đang xem cái gì.
Gia đình Merabet cũng nói rằng họ tự hào về các cuộc tuần hành tưởng nhớ các nạn nhân và rằng điều này chứng tỏ nước Pháp có thể đoàn kết.
Trong lúc này, gia đình của Amedy Coulibaly, tay súng bắt giữ con tin ở siêu thị phía đông Paris, đã lên tiếng lên án vụ tấn công.
Trong một thông cáo báo chí, chị và mẹ của Coulibaly đã bày tỏ sự ‘chia buồn chân thành’ đến thân nhân các nạn nhân và nói: “Chúng tôi hoàn toàn không chia sẻ những quan điểm cực đoan. Chúng tôi mong rằng sẽ không có sự lẫn lộn giữa các hành động ghê tởm này và đạo Hồi.”
Coulibaly đã bắt giữ các con tin ở một siêu thị ở phía đông Paris để yêu cầu cảnh sát giải thoát cho anh em nhà Kouachi, hai nghị phạm xả súng ở tòa báo Charlie Hebdo đang bắt giữ con tin ở một địa điểm khác.
Cảnh sát đã tấn công vào siêu thị và giải cứu 15 con tin. Họ cũng tìm thấy thi thể của bốn con tin được cho là đã chết trước khi vụ giải cứu diễn ra.