Sunday, 11 January 2015

Một mảng lịch sử bị bỏ quên - Que Diêm


Tối qua, đi chơi về, phải dành thì giờ trả lời phỏng vấn của đứa cháu gọi tôi bằng cậu. Năm tới, nó sẽ lên lớp 12 và thi tú tài. Một trong những "project" của năm lớp 12 là phải làm một phỏng vấn về một chủ đề mang tính thời sự xã hội mà nó quan tâm. Nó nghĩ ra đề tài kiểm duyệt (tức censorship) ở Việt Nam, và có vẻ thích đề tài này. Tôi nói thế là vì qua những câu hỏi nó chứng tỏ đã đọc về vấn đề này khá nhiều. Điều thú vị là nó "lôi" tôi và mẹ nó (tức em gái tôi) ra để phỏng vấn. Bài phỏng vấn gồm 10 câu hỏi sau đây: 

1. Could you describe life in Vietnam due to censorship (Cậu làm ơn mô tả cuộc sống ở Việt Nam dưới chế độ kiểm duyệt). 

2. In Vietnam, what was censored? (Vấn đề gì bị kiểm duyệt?) 

3. How was it censored? (Họ kiểm duyệt như thế nào?) 

4. What effects did it have on your learning and education? (Ảnh hưởng của kiểm duyệt đến việc học hành của cậu ra sao? 

5. What effects did it have on your interests and hobbies? (Kiểm duyệt có ảnh hưởng gì đến sở thích của cậu?) 

6. What effects did it have on your relationships? (Kiểm duyệt có ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ của cậu?) 

7. Did you understand why censorship occurred? (Thế cậu có hiểu tại sao người ta áp dụng chế độ kiểm duyệt?) 

8. What happened to institutions? How did it affect you? (Điều gì xảy ra ở các học viện? Và nó ảnh hưởng như thế nào đến cậu?) 

9. Why did you leave Vietnam? (Tại sao cậu rời Việt Nam?) 

10. Could you describe the journey from Vietnam to Australia? (Cậu có thể mô tả hành trình từ Việt Nam đến Úc?)

Tôi không hiểu sao đang hỏi về kiểm duyệt, nó chuyển sang câu hỏi tại sao rời Việt Nam!? Nhưng đây là một câu hỏi mà rất nhiều người Việt thế hệ thứ hai ở Úc đều hỏi. Phải nói rằng trong những năm đầu định cư ở Úc, thế hệ thứ nhất làm việc "bù đầu bù cổ" để tồn tại và gửi quà về bên nhà, nên họ không có thì giờ để giải thích cho con cháu tại sao họ có mặt trên đất Úc. Nhưng thế hệ thứ hai thì lúc nào cũng muốn tìm về nguồn gốc của cha mẹ chúng, và theo tôi thấy, những câu hỏi lúc nào cũng "cháy bỏng" trong tâm tư chúng là tại sao thế hệ đầu rời Việt Nam, và tại sao báo chí phương Tây gọi người Việt thời đó là "boat people". Những năm sau này, có đứa từng theo cha mẹ về thăm Việt Nam, và chúng lại có thêm những câu hỏi. Chúng thấy tình hình Việt Nam dù không tốt như ở Úc hay Thái Lan, nhưng không đến nỗi quá tệ, vậy tại sao cha mẹ chúng rời Việt Nam? 

Thật ra, ngay cả những người trẻ sinh ra và lớn lên sau này ở VN, chúng cũng không hiểu tại sao có hàng triệu người bỏ nước ra đi. Dĩ nhiên, họ chỉ có câu hỏi đó trong bối cảnh hiện nay, chứ đâu biết chuyện gì xảy ra 30-40 năm trước. Có lần tôi chú ý đến một nhóm du khách từ VN ghé khu phố Bankstown, nơi được mệnh danh là phố Việt Nam, và có bức tượng thuyền nhân vượt biên. Nhóm du khách nói tiếng Nam có, tiếng Bắc 1975 có, đứng chụp hình trước bức tượng đồng có lẽ vì thấy là lạ. Họ líu lo nói bức tượng ngộ quá, và cũng tỏ ra ngạc nhiên nó nói lên cái gì. Tôi nghĩ thầm trong bụng, nếu nhóm người này đến đây 20 năm trước thì chắc khó yên thân, vì những người tị nạn chỉ cần nghe tiếng Việt giọng Bắc 75 là đã bực mình và có thể … kiếm chuyện, thậm chí bạo động. Họ không hiểu tại sao khi các quan chức VN sang đây là có biểu tình phản đối. Có thời các quan chức VN và người tị nạn từ miền Bắc không thể léo hánh đến khu thương mại người Việt ở Sydney. Cũng may, thời gian là liều thuốc tốt nhất, những suy nghĩ cực đoan đã giảm đi rất nhiều, và người Việt cũng cảm thông với nhau nhiều hơn, nên chuyện người Việt trong nước sang đây làm ăn và du lịch đã trở nên thường xuyên hơn. 

Câu chuyện "thuyền nhân" và sự có mặt của người Việt trên khắp thế giới là một đề tài lịch sử rất quan trọng. Đó là những câu chuyện bi thảm về những người con nước Việt Nam bỏ mạng trên đường tìm miền "đất hứa", là những câu chuyện thành đạt nhưng đầy nước mắt của hàng triệu người. Theo một thống kê, chỉ tính từ 1979 đến 1982 (thời “cao trào” vượt biên) đã có hơn 623 ngàn người tị nạn trong các trại tị nạn Đông Nam Á được nhận định cư ở nước thứ ba (1). Biến cố thuyền nhân sẽ mãi mãi còn in đậm trong lòng những người Việt ở nước ngoài thuộc thế hệ thứ nhất, và trong dòng lịch sử dân tộc. Mỗi lần nhìn lại những bia mộ có tên ngườiViệt bị chết ở các trại tị nạn bên Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân làm tôi bồi hồi nhớ về một thời đau buồn. Hàng ngàn ngôi mộ bị bỏ hoang ở các hải đảo vùng Đông Nam Á. Xin nhắc lại: hàng ngàn. Đó là chưa kể đến hàng vạn người vĩnh viễn nằm trong lòng biển và trong rừng sâu. Những đồng hương đó chết một cách vô danh. Đáng lẽ câu chuyện vượt biên và lịch sử thuyền nhân là đề tài cho nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sử sách, tiểu thuyết, phim ảnh, v.v. cho thế hệ hiện nay. Nếu bạn muốn hiểu sự kiện ngày hôm nay, bạn phải tìm lại những gì xảy ra trước đây. Nhưng rất tiếc là mảng lịch sử quan trọng đó của dân tộc đang bị xoá bỏ hay bỏ quên một cách có chủ đích. Tuy nhiên, tôi vẫn hi vọng những người thuộc thế hệ sau (2) như con cháu của tôi sẽ ghi lại những trang sử bị bỏ quên đó. 

===