Một Cụ Bà bán bánh tráng tại Sài Gòn, ảnh minh họa.
RFA PHOTO
Mùa Đông giá lạnh, đối với người già, người nghèo thiếu ăn thiếu mặc, cái lạnh là nô lệ trung thành của thần chết, nó có thể đến trói tay trói chân người già cho thần chết dễ bề vung lưỡi hái. Với người già lây lất kiếm sống giữa đất Sài Gòn, mùa Đông càng ghê gớm hơn nhiều bởi ngoài cái lạnh của thời tiết, cái lạnh trong tâm hồn vốn buồn tủi lâu năm của họ sẽ làm khổ họ gấp bội lần. Cái lạnh khiến cho họ thấy cô đơn, đôi khi tự đặt câu hỏi: Bao giờ mình chết? Và khi mình chết đi, lấy gì để chôn, ai chôn mình đây?
Ăn xin không nỡ, buôn bán cũng không xong
Bà Hạt, 75 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn bán vé số và bưng bê cho quán ăn gần hai mươi năm nay, tâm sự:
Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu.
-Bà Hạt
“Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu. Tùy bán vé số có lời không nữa, cứ đi liên miên rứa đó, ngày mô đau ốm thì ở nhà, huyết áp lên thì xỉu lên té xuống vậy đó.”
Bà Hạt cho biết thêm là hiện nay, ở thành phố có rất nhiều người già bằng tuổi của bà và có người lớn tuổi hơn phải đi bươn bả kiếm sống hằng này bằng nhiều công việc, từ bán vé số, bán trái cây, đậu phộng rang, đậu phộng luộc, lượm ve chai, lượm bao nilon, rửa chén bát thuê cho đến đi ăn xin… Họ sống lây lất qua ngày đoạn tháng, không biết đâu là nhà.
Phần đông trong số họ không có con cái ở quê nhà, lưu lạc xuôi dần về phương Nam và tìm cách để tồn tại bằng nhiều công việc. Cũng có người từng có nhà cửa đàng hoàng nhưng sau tháng Tư năm 1975, do nhiều thay đổi, nhà cửa của họ không còn nữa, con cái thì người đi vượt biên bỏ mạng giữa biển, người vào trại cải tạo không trở về, cuối cùng, không còn người thân, không còn nhà cửa, họ lăn lộn giữa cuộc đời mà tồn tại.
Như trường hợp một người bạn già của bà Hạt, ngay cả cái tên bà này cũng không thể nhớ rõ, nói câu trước câu sau quên, hơn 80 tuổi nhưng không có thẻ chứng minh nhân dân, không nhà cửa, tối ngủ gầm cầu, ngày đi ăn xin, được bữa nào nhờ bữa đó, có ngày đói rát ruột. Tuổi già của người bạn già nhiều khi làm cho bà Hạt rơi nước mắt. Nhưng cũng nghèo khổ giống nhau, bà chẳng giúp được gì ngoài gói mì tôm, ổ bánh mì nguội.
Một Cụ Bà bán vé số tại Sài Gòn, ảnh minh họa. RFA PHOTO.
Bà Hạt nghẹn ngào nói rằng sống ở thành phố Sài Gòn, có khi ăn xin dễ thở hơn là buôn bán, nhưng với tính cách của mình, bà không thể ăn xin. Ví dụ như khi bà mời vé số, có nhiều người lắc đầu từ chối mua vé số nhưng lại sẵn lòng rút tiền ra cho bà hai ngàn đồng hoặc năm ngàn đồng. Đương nhiên là bà từ chối, không lấy. Người cho tiền xin lỗi bà và giải thích rằng họ rất thương những người nghèo, muốn giúp một chút đỉnh dù là nhỏ nhoi nhưng không thể giúp theo kiểu cho người nghèo hai ngàn đồng khi phải nộp cho nhà nước tám ngàn đồng. Bởi họ thừa biết trong mỗi tấm vé số có giá 10 ngàn đồng, người bán vé số chỉ kiếm được hai ngàn đồng tiền hoa hồng.
Chính vì không muốn cầu may để rồi nộp tiền cho một hệ thống tham nhũng mập mạp nên nhiều người không chấp nhận mua vé số nhưng lại sẵn sàng bỏ ra số tiền ngang với một tấm vé để tặng cho người bán già yếu, nghèo khổ, đó là phong cách của người Sài Gòn. Nhưng rất tiếc, bà Hạt không quen nhận tiền theo cách đó nên đời bà vẫn thiếu đói. Nếu làm ăn xin, bà lại e rằng mình lấy mất một phần của bố thí của nhiều người già ăn xin khác có sức khỏe kém hơn bà rất nhiều. Hơn nữa, sống ở Sài Gòn hiện tại, muốn ăn xin cũng rất khó.
Người ăn xin không có đất sống
Một em bé người gốc Quảng Nam, cha mẹ mất sớm, cách đây hơn 10 năm, bà nội phải bế em chạy trốn lực lượng săn bắt ăn xin ở Đà Nẵng để vào Sài Gòn tiếp tục lây lất kiếm ăn, cho biết:
“Chạy bữa trưa mất bữa tối, áo quần rách hết không có mà mang. Cha mẹ mất hết không biết nhờ ai. Họ cho bữa, lâu lâu mỗi người cho vài lon gạo về nấu ăn, để dành nấu ăn. Với nấu ít thôi vì nấu ra không có chi ăn, ăn không hết.”
Chạy bữa trưa mất bữa tối, áo quần rách hết không có mà mang. Cha mẹ mất hết không biết nhờ ai. Họ cho bữa, lâu lâu mỗi người cho vài lon gạo về nấu ăn, để dành nấu ăn. Với nấu ít thôi vì nấu ra không có chi ăn, ăn không hết.
-Một em bé người gốc Quảng Nam
Theo em bé này, thời gian gần đây, việc ăn xin hết sức khó khăn bởi lượng người giả tàn tật để xin ăn tăng vọt, làm cho người ta mất hết thiện cảm với người ăn xin. Mà những kẻ giả khổ đi ăn xin lại có chương trình, bài bản để làm người khác động lòng thương, khi hành nghề xong, họ có nhà cửa để trở về, khỏi bị dân phòng, công an hỏi thăm.
Trong khi đó, những người nghèo xin ăn chân chính như bà cháu cậu lại bị người ta hất hủi, dân phòng rượt, công an có thể bắt nhốt bất kì giờ nào. Hơn nữa, sắp tới đây, thành phố có luật mới, sẽ bắt tất cả những người lang thang ăn xin như bà cháu của cậu đưa vào trại giáo dưỡng hoặc trại tế bần và trung tâm bảo trợ xã hội để ở đó suốt ngày, đi làm, đến giờ lại được đánh kẻng về ăn cơm.
Với cậu bé này, không có gì đáng sợ hơn chuyện này. Điều này làm cậu nghĩ đến những người bắt chó trộm, họ sẽ có đất sống tại Sài Gòn trong đợt này. Cũng giống như tại thành phố Đà Nẵng trước đây, những người bắt trộm chó vốn dễ gặp nguy hiểm, dễ bị đánh chuyển hẳn sang nghề săn bắt người ăn xin để nhận thưởng. Chỉ trong vòng hai tuần, thu nhập của họ đạt đến con số vài chục triệu đồng nhờ vào săn bắt người ăn xin.
Lúc đó, mức thưởng của thành phố Đà nẵng cho việc phát hiện và tố giác một người ăn xin bằng một cú điện thoại đến lực lượng thanh niên xung kích hoặc công an sẽ là 250 ngàn đồng. Có người mỗi ngày săn được hàng chục, thậm chí vài chục người ăn xin, ngoài ra, họ còn tổ chức đường dây dụ người ăn xin vào thành phố Đà Nẵng để săn hoặc cho tiền, gài thế những người mù bán chổi để săn.
Sắp tới đây, Sài Gòn có lệnh bắt người ăn xin đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, cậu bé này lại linh cảm thấy rằng sắp tới đây, sẽ có một đội ngũ bắt chó trộm đổi nghề, chuyển sang săn bắt người ăn xin ở Sài Gòn để nhận thưởng. Rồi đây cuộc đời cậu chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu.
Mùa Đông, bao giờ cũng là mùa lạnh, đặc biệt, nó rất lạnh khi tâm hồn con người trở nên lãnh cảm với nỗi đau đồng loại.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Mùa Đông trên biên giới Việt – Lào
12302014-ttvn.mp3
Người Ka-Pô đi bán bắp chuối rừng.
RFA photo
Mùa Đông trên thị trấn núi Lao Bảo, Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị, có thể nói đây là mùa khắc nghiệt nhất đối với người nghèo, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều. Nước trên sông Sê Pôn dâng cao và chảy xiết, mọi lưu thông của người trong bản với thị trấn bị gián đoạn, việc đi hái măng rừng, bắp chuối rừng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, lương thực dự trữ hầu như không có. Thật là buồn khi phải nói rằng đây là mùa đói khổ của những đồng bào thiểu số và họ tự hào một cách mù quáng về sự đói khổ vĩ đại của họ.
Đời sống dần thụt lùi
Ông Hồ Nhật Thành, 50 tuổi, người Pa Kô, sống ở Lao Bảo, chia sẻ: “Đời sống bây giờ khó lắm, làm chi mà có để ăn. Ngày xưa mình theo cụ Hồ có cụ Hồ che chở. Giờ cụ mất rồi lấy ai che chở. Người PaKô, Vân Kiều giờ đều họ Hồ, không biết ai bà con của mình, tổ tiên của mình, cứ thế mà lấy nhau. Khó lắm! Mọi cái khó lắm, bây giờ muốn lấy một cây gỗ rừng cũng không được, của nhà nước, ý đảng lòng dân. Mình vào rừng đốn gỗ phải hỏi mà biết hỏi ai, đốn về mà không hợp ý đảng là nhà nước nó bắt đi mất, coi như mất.”
Theo ông Thành, mùa Đông năm nào cũng như năm nào, đồng bào của ông phải sống trong đói rét, và thường thì đây là mùa có tang ma nhiều nhất bởi người già không chịu nổi cái lạnh, phải ra đi. Mùa này tuy nhiều chuyện tang tóc bởi thiếu ăn nhưng với đồng bào Vân Kiều, đây là mùa hạnh phúc. Bởi những người già được từ giã cõi người đầy rối rắm, đói khổ để về với Trời, với Bác.
Vì sao lại về với Trời, với Bác là một hạnh phúc? Ông Thành trả lời rằng trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người Vân Kiều đã lột từng tấm tôn, bán từng cây cột gỗ lim, gỗ huỳnh đàn, gỗ sến hay gỗ kiền kiền để mua lương thực, góp gạo nuôi bộ đội.
Và cũng trong thời gian kháng chiến, bộ đội đã kết nghĩa với đồng bào, bác Hồ nhận đồng bào làm con nuôi, mọi người Vân Kiều, Pa Kô lấy họ Hồ làm họ của mình. Nhìn chung, đồng bào thiểu số ở vùng núi phía Tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trên dãy Trường Sơn trở thành con của bác Hồ, xem bác Hồ là vị cha già của mình và tôn thờ bác Hồ trên cả ông bà, tổ tiên.
Để đáp lại ơn nghĩa được làm con kết nghĩa của bác Hồ, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nguyện hết lòng phục vụ đảng, phục vụ bác và tự xem mình là những chiến binh bảo vệ đảng, bảo vệ bác. Chính nhờ lòng nhiệt thành cũng như niềm tin của đồng bào thiểu số, khu vực Khe Sanh, Hướng Hóa mau chóng trở thành cái nôi của Cộng sản nằm vùng trong cuộc chiến Nam – Bắc Việt Nam.
Mặc dù địa phận của Bắc Việt nằm về phía Bắc vĩ tuyến 17, bên kia cầu Hiền Lương nhưng nhờ vào những quan hệ kết nghĩa thời kháng chiến chống Pháp, Khe Sanh, Hướng Hóa dễ dàng thành cái rốn khói lửa bởi lực lượng Việt Cộng nằm vùng dày đặc nhờ vào sự che chở đùm bọc và tiếp tay của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở đây.
Em bé Vân Kiều chăn trâu. RFA photo
Chiến trận Khe Sanh Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 xãy ra, quân Cộng sản tấn công ồ ạt và bất ngờ ngay trên địa phận thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa đều nhờ công của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều. Và, với đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, đảng và bác Hồ muôn đời là thần tượng, là sao sáng soi đường, họ sẵn sàng chết cho bác Hồ và đảng.
Và họ cũng không bao giờ nghĩ rằng việc biến cả hai dân tộc Pa Kô và Vân Kiều thành họ Hồ là một mối nguy lâu dài về nạn đồng huyết bởi một khi những chi phái nhỏ, những họ riêng của đồng bào bị xóa dấu vết, việc lấy nhau thành vợ thành chồng có thể xãy ra ngay trong anh em họ hàng gần. Và điều đó đã xãy ra, hiện tại, chỉ số thông minh của hai dân tộc này rất thấp, tỉ lệ xóa mù chữ hầu như luôn luôn âm và đời sống của người dân Pa Kô, Vân Kiều ngày càng lún sâu vào rừng rú, sống theo kiểu tự nhiên, làm thú cảnh để phục vụ du lịch nhiều hơn là làm người đúng nghĩa.
Đời sống bị đẩy dần vào quá khứ
Bà Hồ Thị Mót, người Pa Kô, sống ở Hướng Nghiệp, Hướng Hóa, chia sẻ: “Giờ thì đời sống bà con khác xưa lắm rồi! Ngày xưa lên rừng lên rẫy kiếm hạt lúa để ăn. Nhưng giờ thì cả làng, cả già, cả con cả cháu được nhà nước đưa vậy đây. Sáng ra già lên rừng già hái măng rừng, già đi bộ từ bốn giờ sáng, già hái luôn trái ớt sim rừng già bán chung, người Kinh họ thích trái ớt sim rừng. Giờ khác rồi, nhà nước bảo già về đây, con cháu già cũng về đây, xa trường xa lớp, nó cũng không đi học luôn, nó học mấy bữa rồi nó bỏ, nó đi hái măng rừng với già luôn!”
Theo bà Mót, hiện nay, đời sống của dân tộc Pa Kô không còn được như xưa, nghĩa là phải sống tập trung về một khu dân cư do nhà nước qui định, mọi sinh hoạt bị đảo lộn, muốn đi hái măng rừng hay lên rẫy phải tốn cả vài giờ đồng hồ. Đó là chưa muốn nói đến tình trạng không có rẫy để canh tác của nhiều gia đình bởi một phần họ đã bán rẻ cho cán bộ nhà nước, phần khác bị thu hồi, rừng đối với người thiểu số ngày càng co cụm.
Trong khi đó, bà con chẳng biết làm gì để sống ngoài việc làm rẫy, đi rừng. Bây giờ săn bắt bị cấm, đốn gỗ về làm nhà bị cấm, chỉ được mót vài que củi. Tuy vậy, bà con phải chứng kiến nhiều cán bộ kiểm lâm tha hồ khai thác gỗ rừng về làm nhà và bán cho các xưởng cưa. Họ không tự khai thác mà thuê những thanh niên có sức khỏe của dân tộc thiểu số lên khai thác, nếu không bị phát hiện, họ mang gỗ đi bán, nếu bị xì tiếng ra ngoài, họ bỏ gỗ lại trong rừng và có thể tổ chức bắt các thanh niên dân tộc thiểu số vì tội làm lâm tặc, khai thác gỗ trái phép.
Bà Mót chua chát đưa ra nhận định là sau bốn mươi năm sống trong một đất nước không có “Mỹ Ngụy”, đời sống người dân thêm khổ trăm bề, bà chẳng còn thiết sống. Và sau hơn bảy mươi năm làm con của bác Hồ, mang trên mình họ Hồ, tận tâm phục vụ đảng, phục vụ Bác, cái mà đồng bào nhận được là những tấm huân chương, huy chương, giấy khen treo đầy nhà nhưng đói vẫn cứ đói và càng về sau, đất đai canh tác càng thiếu hụt, càng về sau, cảm giác mình bị rẻ rúng, khinh miệt càng cao. Đây là nỗi đau của không riêng gì bà Mót.
Mùa Đông, năm nào cũng như năm nào, suốt bốn mươi năm nay, thời bao cấp, hợp tác xã, đồng bào thiểu số của bà phải xếp hàng, van xin cái ăn, cái mặc, thời kinh tế thị trường, đồng bảo thôi xếp hàng ở trước kho lương thực nhưng lại xếp hàng dắt díu nhau trên đường nhựa để vào rừng hái măng, hái bắp chuối rừng, đào khoai mì, đào củ rừng… Rừng trở nên xa lạ, đời sống cũng xa lạ, càng ngày, bà càng thấy đời sống của mình tụt hậu xa lắc xa lơ, ra đường chẳng dám nhìn ai.
Mùa Đông, rồi sẽ đến mùa Xuân, nhưng đời sống của đồng bào thiểu số dọc dãy Trường Sơn, trên biên giới càng ngày càng dính chặt vào mùa Đông tàn tạ và sướt mướt!