Sunday, 18 January 2015

Tâm bút tháng một, hai không mười lăm - lê ngọc tuý hương

tambutthang1,2015.jpg

https://lengoctuyhuong.wordpress.com/

Mọi sai khác (hình thức và nội dung) so với bản chánh đăng trên Blog LNTH là  nằm ngoài ý muốn của tác giả Tác giả  xin không chịu trách nhiệm
Lê Ngọc Tuý Hương


Tâm bút tháng một, hai không mười lăm
lê ngọc tuý hương
 
Bây giờ là tháng 11 ta, còn dăm tuần nữa Xuân Ất Mùi sẽ về. Thường thì trước thềm năm mới, tôi luôn rộn ràng mừng Tết, nhưng năm nay thì khác hẳn. Bây giờ tôi không còn cái háo hức của thời trẻ con được áo mới, bao đỏ đầy tay; hay thời má đỏ môi hồng mừng Xuân về với trái tim đập mạnh những tiết điệu tình yêu. Thay vào đó, vướng bận những suy nghĩ, lo âu về thời cuộc đảo điên hiện tại trên thế giới; về 40 năm biệt xứ kể từ ngày giặc đỏ tràn vào miền Nam Việt Nam Cộng Hoà: 30.4.1975.
 

Một
Cuộc thống nhất xứ Đức và cuộc thống nhất tại Việt Nam
 
Sau 28 năm hiện hữu, bức tường ô nhục Bá Linh sụp đổ vào đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng 11 năm 1989, xoá bỏ chế độ cộng sản trên phần đất phía đông xứ Đức. Hai phần nước Đức hợp nhất thành một trong niềm hân hoan của người Đức và chắc chắn của rất nhiều người khác trên toàn thế giới.
 
Chế độ cộng sản tại châu Âu tan vỡ theo bức tường. Trên thế giới chỉ còn lại Cuba ở Trung Mỹ, cùng với 3 xứ tại châu Á "thoi thóp" níu kéo cái mộng tưởng "cộng sản". Đó là Trung cộng, Bắc Hàn và Việt cộng. Tại những nơi này, chế độ cộng sản có thật sự tồn tại như giáo điều của Karl Marx, Lenine hay đã hủ hóa trở thành Tư bản đỏ?. Tầng lớp có quyền hành và tầng lớp có tiền của đang "nuôi nấng nâng đỡ" nhau để bóp chết đám dân ngu khu đen. Nghĩ cho cùng, lúc trước người ta hô hào san bằng giai cấp tư bản và tiểu tư sản chỉ là để ngày nay phát sinh ra giai cấp "thống trị" và "bị trị" mà thôi. Xưa kia giai cấp công nông được tuyên truyền cổ vũ phải "vùng lên làm cách mạng", thật ra chỉ là để mở đường cho một ông chủ khác về thay thế, trăm lần tàn độc hơn ông chủ cũ. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến tác phầm Animal Farm củaGeorge Orwell, phát hành từ tháng tám 1945. Một tác phẩm mà theo tôi, tác giả mô tả sinh hoạt trong một trại thú vật để gói ghém hình ảnh xã hội cộng sản của loài người.
 
Người dân Đông Đức rất may mắn. Khi xứ sở thống nhất, họ được đón ngay vào thế giới Tự Do với bàn tay mượt mà nhung lụa của Tư bản duy tâm bao dung. Còn Việt Nam, khi thống nhất thì rơi tỏm ngay vào địa ngục cộng sản. Miền Nam Việt Nam Cộng Hoà phải hứng chịu tù tội, thương đau, oan ức. Cả quê hương bây giờ càng lúc càng lún chìm trong tăm tối.
 
Tính tới ngày hôm nay, Đức thống nhất được 25 năm và Việt Nam thống nhất được 39 năm 3 tháng. Khi so sánh sự phát triễn về an sinh xã hội và kinh tế hiện tại của Việt Nam và Đức  sau khi thống nhất, chúng ta sẽ đau lòng đến chết đi được. Nếu sự phát triển của hai xứ cùng chiều thì cho dù có sự chênh lệnh to lớn về vận tốc hay mức độ phát triển đến cỡ nào, đám sâu mọt ngu dân tại Ba Đình cũng có một chút gì để có thể khoe khoang khoác lác về đường lối cai trị của chúng. Đàng này, sự phát triễn cùa Việt Nam cộng sản đi theo chiều nghịch với một vận tốc rơi tối đa. Đám người hèn nhát kia đang đẩy dân tộc VN đi vào hố sâu địa ngục. Sự tham lam, dốt nát và bất tài của chúng đã tiêu diệt cả một dân tộc.
 
Ấy thế mà vẫn luôn có người tại hải ngoại hô hào cổ võ một cuộc sống chung hoà giải hoà hợp với Việt cộng, thậm chí còn mơ tưởng có thể đánh thức lương tâm của lũ chóp bu Ba Đình hầu xây dựng một Việt Nam Tự Do Độc Lập Nhân Ái Công Bằng. Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu dùng trường hợp Đông Đức để biện minh cho sự hô hào cổ võ này. Lý do: khi thống nhất nước Đức, phần đất phía Đông được người dân và những nhà lãnh đạo phía Tây giang tay đón nhận. Hoàn toàn khác hẳn với tình trạng  "thống nhất“ tại Việt Nam, miền Nam Việt Nam đã bị những tên lãnh đạo miền Bắc bóc lột và trả thù một cách bạo tàn thâm độc
Không những thế, cá nhân tôi nhìn thấy đây là một điều không tưởng vì lũ chóp bu Ba Đình chỉ là con chó trung thành và khiếp sợ oai lực của ông chủ lớn Bắc Kinh. Vị thế của Hà Nội và Bắc Kinh hiện tại khác hẳn tình hình của Nga sô, Đông Đức vào thời điểm 1985-1991. Ngoài ra cũng đừng nên quên hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, vị thế chính trị, tương quan giữa Đông Đức và Tây Đức khác với Việt Nam.
 
 
Hai
IS và thế giới tự do
 
Tôi không khỏi rùng mình chuyện họ chém đầu người ký giả Mỹ. Tôi thật sự không dám xem clip video đó. Con người ta có thể dã man tàn bạo đến thế sao? Thậm chí có những người sinh ra và lớn lên tại đây, được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản tự do, nhưng vẫn bị "ma ám", tình nguyện đầu quân đi chiến đấu cho IS. Tôi tự hỏi không rõ nguyên nhân nào có thể lôi cuốn họ "điên cuồng" đến như thế.
Niềm hãnh diện dùng máu người để củng cố một niềm tin tôn giáo. Thật quá sợ hãi ! Chúng ta đang ở thế kỷ nào đây?
 
Đầu năm dương lịch 2015 đã mở màn bằng cuộc khủng bố thảm sát tại Paris. Máu người tuôn chảy vì tự do ngôn luận. Nhóm người Hồi giáo cực đoan muốn dùng súng đạn để hủy diệt đệ tứ quyền. Thế giới bàng hoàng, sửng sốt. Nhưng trong đau thương đó, ngoài việc tưởng niệm những người đã nằm xuống vì tự do ngôn luận và những nạn nhân bị hoạ lây kéo vào cuộc, nước Pháp và thế giới, mọi tôn giáo, kể cả những người Hồi giáo không thuộc nhóm cực đoan, mọi dân tộc và mọi thành phần trong xã hội  đã đoàn kết cùng mãnh liệt phản kháng và lên án hành động dã man này.
Tổng thống Đức đã phát biểu tại Bá linh ngày 13 tháng 1 năm 2015:
. Chúng ta là một xứ Đức" (Wir sind Deutschland)
. " bọn khủng bố muốn chia rẽ chúng ta nhưng cái chúng đạt được là cái ngược lại (Die Terroristen wollen uns spalten, erreicht haben sie das Gegenteil)
 
Sự kiện này đã làm giảm bớt rất nhiều sự âu lo của tôi cho thân phận tha hương của mình trên quê hương tạm dung. Tôi đã rất bận tâm từ khi chiến dịch PEGIDA nổi lên tại Đức. (Tại Đức không ít người hiểu rằng: mặt nổi phong trào này là chống Hồi giáo cực đoan, nhưng mặt chìm tàng ẩn một mục tiêu khác.)
Vì ai mà hôm nay tôi phải mang thân chùm gởi để luôn lo sợ những trận cuồng phong thổi bay mình, tan biến trong đám bụi hồng trần?
Câu trả lời thật ngắn gọn: Việt cộng
 
 
Ba
Nga và miếng đất béo bở Ukrain
 
Bàn cờ Nga-Mỹ-Châu Âu với con cờ Ukrain bao giờ thì tàn? Sẽ còn tốn bao nhiêu máu xương nhân loại? Ngày lại ngày qua, người ta vẫn tiếp tục dùng sinh mạng của người khác để làm phương tiện cho cái gọi là "hoà đàm".
Trong chương trình Album 2014 của đài ZDF tại Đức, một lời bình luận về chuyến bay Malaysia MH 17 bị bắn rơi trên vùng trời phía Đông Ukrain vào tháng 7 năm 2014, làm tôi thật ngậm ngùi…người ta xử dụng mạng sống của 289 người dân vô tội từ mọi thành phần làm đồ chơi trong cuộc tranh chấp chính trị.
 
 
 
 
Bốn
Một con mèo bị nướng và văn hoá của một dân tộc
 
Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Nước tôi lúc đó triền miên khói lửa chiến tranh nên so với các xứ tư bản tân tiến, chỉ đứng ở một vị trí khiêm nhường. Dù vậy, trong mọi giao dịch quốc tế (du học, công vụ), người Việt Nam Cộng Hoà đều mang lại niềm hãnh diện cho quê hương.
 
Sau Quốc Hận 30.4.1975, người Việt Nam Cộng Hòa mất nước, trở thành dân tỵ nạn cộng sản. Cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản trên thế giới hay tại xứ Đức luôn cố gắng hoà nhập vào xã hội bản xứ, sống theo đúng nguyên tắc với niềm tự hào của dân tộc và của cá nhân. Riêng tại xứ Đức, người Việt Nam tỵ nạn cộng sản còn được dân bản xứ biết nhiều qua cái tên con tàu Cap Anamur. Người dân bản xứ và người Việt Nam tỵ nạn sống bình an trong niềm kính trọng và yêu thương giúp đỡ nhau.
 
Hiện tại  người Việt Nam tại Đức còn nổi danh thêm như cồn!  Thưa đúng, người Đức ở đây nhập cục thành một, gọi chung là “người Việt Nam”, bất kể những người đó trước khi đến Đức đã sinh sống ở đâu và đến Đức trong hoàn cảnh nào. Sau ngày thống nhất nước Đức, người Việt màu Vàng tỵ nạn cộng sản bị trộn lộn với người Việt màu Đỏ từ miền Bắc tới và người Việt màu Hồng từ miền Nam Việt Nam Cộng Hòa nhưng không rõ lằn ranh Quốc Cộng, (chú thích: đây là các cách gọi của cá nhân tôi dùng để phân biệt các nhóm người Việt). Người Việt lâu nay vang danh do có rất nhiều cá nhân đạt được thành quả vượt bực trong học đường, thể thao, hội nhập và sinh hoạt tích cực trong mọi hoạt động thuộc về an sinh xã hội v.v… Thậm chí còn có người được tưởng thưởng huy chương cao quý của chính quyền Đức. Nay thì ôi thôi, tiếng tăm vang dậy thêm nhờ tài đâm chém, buôn bán lậu thuốc lá, buôn người, trồng “cỏ”. Gần đây lại “được vinh hạnh” lên báo vì chôm chỉa mèo hàng xóm nướng ăn!
 
Niềm vinh thì bọn không công được hưởng ké. Nỗi nhục thì nhóm vô tội chịu họa lây.
 
Tôi chỉ còn cách cố gắng sống một cuộc sống theo đúng luật lệ hiện hành, cư xử theo đúng trách nhiệm, lương tâm và đạo đức của một con người được đào tạo dưới nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà để không làm hổ thẹn tiền nhân và đấng sinh thành. Tôi luôn khẳng định với những thân hữu bản xứ hiểu về sự phức tạp của cái mà họ cứ gọi chung "người Việt Nam". Tôi kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu tường tận và yêu cầu họ phân biệt rõ ràng các khối người Việt trên xứ Đức.
  *Tôi là người Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Cộng đồng của tôi đứng dưới lá quốc kỳ
 Việt Nam Cộng Hoà màu vàng và 3 sọc đỏ.
  *Nhóm người đứng dưới lá cờ máu, không cùng ý thức hệ với tôi,
  *và đặc biệt người Việt Nam nào không chọn đứng dưới lá cờ nào, cũng chưa thể khẳng định họ cùng ý thức hệ với tôi.
Và cuối cùng, tôi nói với các thân hữu bản xứ, tôi sẳn sáng hầu chuyện với bất kỳ người nào đưa ra lời giải thích khác hơn lời giải thích của tôi.
 
Viết đến đây, tôi lại nhớ tới những lời xa gần, những phong trào nhỏ lớn phản đối nghi lễ chào cờ Việt Nam Cộng Hoà trong các cuộc Đại Hội Ái Hữu cựu học sinh có tầm vóc toàn trường hay trong phạm vi lớp, với một chương trình tổ chức chính thức (xin nói rõ, không phải là một nhóm nhỏ của lớp độ dăm ba người gặp nhau thăm hỏi). Các vị ấy quên rằng, trong trận chiến Chiến tranh Chính trị và Tư tưởng Quốc Cộng vô cùng gay cấn hiện nay, lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà xác định chiến tuyến của bạn thuộc cánh nào. Một đám cộng sản chính quy chỉ trương lá cờ máu. Ý nghĩ từ chối lá cờ luôn luôn có trăm ngàn lý do để nguỵ biện, mà cái thường nghe nhất là vì họ "nghĩ đến an nguy của bạn bè từ trong quốc nội đến tham dự". Thật có lòng!!!.
Nếu thực tâm nghĩ đến bạn bè và muốn che chở cho nhau, tôi không nghĩ là không có cách khác. Theo tôi chỉ là viện cớ để che dấu dã tâm toan tính một điều lợi nào đó cho cá nhân họ mà thôi.
Nghịch lý một điều là khi người quốc nội tổ chức các cuộc họp mặt, treo nhan nhản cờ, hình, khẩu hiệu cộng sản, người từ nước ngoài về tham gia, vui vẻ cười duyên chụp hình mà chưa bao giờ tôi nghe người quốc nội đặt vấn đề bạn mình là dân tỵ nạn, chụp hình có cờ, hình cộng sản, sợ cho bạn mình khi trở về sẽ bị sở di trú quốc gia cho tỵ nạn làm khó dễ !!!
 
Năm
Sinh viên HongKong.
 
Tôi có đến HongKong hai lần khi mảnh đất này chưa bị trao trả cho Trung cộng. Lần đầu tới đây, khoảng tháng 10 năm 1994, tôi vẫn còn nhận ra phần nào mùi tự do tại đó, mặc dù người ta đã bắt đầu ồ ạt xin đi chính thức, di cư ra khỏi HongKong. Đời sống vẫn còn bình yên và tràn đầy sắc thái ồn ào, nào nhiệt. Mọi sinh hoạt vẫn bình thường.
Hai năm sau, hè năm 1996 tôi ghé lại Hongkong vài ngày trên chuyến bay đi Nam Dương, thật buồn… Tôi sống lại hình ảnh của Sàigòn vào những ngày của tháng 3 năm 1975. Người HongKong bỏ đi nhiều lắm. Những căn nhà thật nguy nga tráng lệ bỏ hoang vô chủ dọc bờ biển trên bán đảo Victoria. Các khu thương mại sang trọng bán hàng mắc tiền sầm uất của HongKong không còn dáng vẻ cũ, đồ đạc đại hạ giá tối đa, ngập đầy những khách hàng, thay vì xách ví, ăn mặc lịch sư thì chỉ còn là những người đi dép và xách giỏ đi chợ. Thờ ơ vô tình tới đâu cũng nhận ra cái không khí nặng mùi này. Tôi gọi đó là mùi tử khí của cộng sản!
 
HongKong trở về với "Mẹ" Trung cộng ngày 1.7.1997.
Đứa con nào vui? Đứa con nào buồn?
Có lẽ lịch sử của Việt Nam tái diễn mà thôi.
 
Cuối tháng 8 năm 2014, sinh viên HongKong biểu tình đòi quyền tự do dân chủ trong việc bầu cử.
Họ cũng như đồng bào tôi tại quê nhà Việt Nam đang dùng chính mạng sống mình làm vũ khí chiến đấu với kẻ ác cầm súng đạn, dùi cui, để đòi quyền làm người tại Việt Nam.
Tôi ngả nón trước những cử chỉ anh hùng này và hết lòng yểm trợ trong khả năng của mình.
 
Sáu
40 năm quốc hận
 
Thời gian 40 năm nhanh như một chớp mắt cho những việc không chờ đợi, nhưng thật là dài, như bốn thế kỷ khi mình mòn mỏi ngóng trông một thay đổi.
Lũ giặc đỏ đã chiếm Việt Nam Cộng Hoà 40 năm. Thời gian đủ cho một thế hệ sanh ra và trưởng thành sau 30.4.1975 không còn biết gì về Việt Nam Cộng Hoà, nếu bậc gia trưởng không nhắc nhở. Ngậm ngùi quá !
 
Tôi không biết họ nghĩ gì, những người đã rời bỏ quê hương chấp nhận hy sinh mạng sống vì chính họ muốn tìm Tự Do sau ngày 30.4.75 và bây giờ trở lại Việt Nam chỉ với mục đích tìm Vui. Họ thật sự nghĩ gì?
 
Ở đây có một điểm đáng nói là ngoài hành động đâm sau lưng Quân Dân Cán Chính, vô ơn hất đổ chén máu vị quốc vong thân của những bậc tiền nhân anh hùng dựng nước và giữ nước, họ còn chê bai nhạo báng, phê bình những người vạch rõ lằn ranh Quốc Cộng, dứt khoát không quay trở lại nơi mà Việt cộng đang tung hoành thống trị. Một trong những ngụy biện… quê hương sao mà quên được, sao mà bỏ được?, chống hoài cũng không tới đâu! về để giúp dân, thậm chí có người nói, trong mắt họ không có lá cờ cộng sản mà chỉ có người dân đáng thương! …Họ làm sao biết được nỗi lòng của chúng tôi?
*  Không quay về, không có nghĩa xoay lưng bỏ mặc đồng bào đang chịu khổ đau dưới gông xiềng cộng sản.
Chống Việt cộng không có nghĩa chống lại người dân đang ngậm đắng nuốt cay bên kia đại dương. Không chấp nhận cộng sản trên mọi hình thức không có nghĩa là máu lạnh và khát máu.
Và không về tận nơi lại  càng không có nghĩa là không thể nào giúp đồng bào bất hạnh trong nước.
Thật đau lòng vì vấn nạn này trong cộng đồng Việt nam tại hải ngoại.
 
Những chuyến bay về Việt Nam của tất cả các hãng hàng không luôn đầy ắp người Việt, nhất là vào dịp tết. Chẳng lẽ một vết sẹo sâu tới tim lại có thể bị xoá nhoà trong vỏn vẹn 40 năm. Việt cộng xử dụng chén cơm Pavlov thật tài tình để làm quên hẳn một dĩ vãng đen tối.
 
May mắn thay bên cạnh tôi vẫn còn những tâm hồn Quốc Gia khả kính, vẫn còn những chiến hữu cùng lý tưởng đang cùng tôi thắp sáng những đốm lửa nhỏ để làm cháy sáng hào khí Diên Hồng tranh đấu cho một Việt Nam Tự Do.
40 năm đã đủ đợi chờ. Chúng ta, những người còn sống hôm nay chắc không ai muốn bỏ nắm xương tàn nơi đất khách.
 
lê ngọc tuý hương
tháng một, hai không mười lăm.