Friday 6 March 2015

Đảng nói nhưng cũng không hiểu mình đang nói gì!

Đại Hội đảng CSVN lần thứ 6 năm 1986 đã “đổi mới” hệ thống kinh tế để sinh tồn sau 10 năm thất bại vì áp dụng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội bao cấp. Sau đó xuất hiện cụm từ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà không ai hiểu rõ là gì. Nay được biết đảng sẽ có định nghĩa mới về cụm từ này …”. Kính mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của LLDTCNTQ về sự lúng túng trong một định nghĩa mà đảng cũng không biết mình đang nói gì, qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,

Trong những năm qua Việt Nam mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào kinh doanh, chủ yếu là sử dụng nhân công rẻ của nước ta vào lãnh vực gia công sản xuất, và sử dụng các nguồn vốn vay nhẹ lãi cùng với các khoản viện trợ không bồi hoàn để thực hiện các dự án phát triển xây dựng hạ tầng, nhờ đó tình trạng kinh tế khá hơn thời kỳ bao cấp.

Trở lại thời gian 10 năm đen tối từ 1975 đến 1985, VN áp dụng triệt để mô hình kinh tế bao cấp,muốn tạo bước nhảy vọt qua mặt các nước tư bản như Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan... kết quả là hệ thống kinh tế chỉ huy sụp đổ khiến cả nước thiếu ăn, vật giá leo thang khủng khiếp. Đứng trước nguy cơ ấy, buộc đảng CS phải thay đổi để sinh tồn, nên Đại Hội 6 đã quyết định cải tổ nền kinh tế theo mô hình ở các nước tư bản.

Có lẽ vì kiêu căng và tự ái nên khi thay đổi mô hình kinh tế từ bao cấp sang thị trường mà không dám minh nhiên dùng đúng chữ nghĩa nên phải né tranh bằng chữ "đổi mới" cho khỏi ngượng chăng? Cũng từ cái mặc cảm và kiêu căng cố hữu cho rằng kinh tế thị trường là mô hình của tư bản, nước ta vẫn quyết tâm theo chủ nghĩa cộng sản, lại sử dụng mô hình kinh tế thị trường của tư bản thì nghe không ổn, nên mới có cái cụm từ nửa nạc nửa mỡ, chân trong chân ngoài là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Từ đó các khối óc trong Bộ Chính Trị, các nhà kinh tế VN, các nhà lý luận của đảng vẫn loay hoay tìm lời giải thích nghe sao cho có lý, càng giải thích thì lại càng rối thêm. Ngay cả ông bộ trưởng bộ Kế Họachvà Đầu Tư Bùi Quang Vinh khi được hỏi về mô hình này ông cũng trả lời rằng: "chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà tìm".Như thế VN đang theo đuổi cái gì đây?

Khi Việt Nam làm việc với các định chế kinh tế tài chánh quốc tế và nhận viện trợ cũng như vay vốn nước ngoài để kinh doanh, nhất là tham gia vào thị trường thế giới như xuất nhập cảng, đầu tư, chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, gia nhập WTO chẳng hạn... thì VN đã phần nào bước vào môi trường kinh tế tự do, nói đúng ra là kinh tế thị trường, mà kinh tế tự do hay kinh tế thị trường thì trái ngược với kinh tế chỉ huy do nhà nước chủ đạo.

Để chuẩn bị cho Đại Hội 12, đảng CSVN đang cố tìm ra một lối giải thích nhằm làm giảm bớt áp lực của dư luận quần chúng về sự yếu kém trong việc quản lý và điều hành đất nước nói chung và tình trạng kinh tế nói riêng. Vì kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn dân, nên ai cũng muốn thấy rõ hướng đi trong những tháng năm tới của Việt Nam như thế nào.

Ngày 28 tháng 2 vừa qua tại Hà Nội có một buổi tọa đàm do Hội Đồng Lý Luận Trung Ương phối hợp với Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam tổ chức, gọi là để: "nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", nhằm góp phần phục vụ hoàn thiện báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới và dự thảo báo cáo chính trị của Trung Ương tại Đại Hội Đảng 12.
Chỉ cần nghe danh hai cơ quan đứng ra tổ chức tọa đàm, ta cũng biết rằng đó là chỗ qui tụ "đỉnh cao trí tuệ" của nhân loại như quí vị ấy vẫn khoe như thế. Người được coi là điều phối buổi tọa đàm là Giáo sư Tiến Sỹ Nguyễn Xuân Thắng, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, Chủ Tịch viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam; với chức danh như thế thì chắc chúng ta sẽ được nghe câu định nghĩa và một lời giải thích sáng tỏ cho cái mô hình mà mọi người đang chờ đợi. Vậy mời quí thính giả cùng nghe đoạn mở đầu như sau: "Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các qui luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng CSVN lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh." (Hết trích)

Thưa quí thính giả, không cần phải có nhiều bằng cấp như những vị tham dự buổi tọa đàm, một học sinh lớp 10 ở Miền Nam VN trước năm 1975 học môn Công Dân Giáo Dục đã biết thế nào là kinh tế thị trường khác với kinh tế chỉ huy của CS rồi. Kinh tế thị trường là do người dân chủ động, tự do cạnh tranh, nên có nhiều sáng kiến, người tiêu thụ có nhiều chọn lựa, chính quyền không nhúng tay vào, nhưng tạo điều kiện, giúp vốn, làm luật, trung gian hòa giải, thu thuế.... Còn giải thích như ông Thắng trên đây thì có lẽ chính ông cũng không biết ông đang nói gì!

Đọc đoạn trên cũng như toàn bộ bản văn thì đây là một mớ chữ hết sức lộn xộn, ngớ ngẩn, ngoài việc tái xác địnhđảng CSVN vẫn lãnh đạo, có nghĩa là mô hình kinh tế vẫn như cũ, nhà nước vẫn chủ đạo. Lời giải thích vừa mơ hồ lúng túng đến vô nghĩa, điều ấy cho thấynền kinh tế VN trong 5, 10 năm tới sẽ không thể nào cất cánh được. Việt Nam vẫn chỉ là quốc gia bán sức lao động rẻ mạt. Tài năng của người Việt vẫn không có điều kiện phát triển, sức cạnh tranh sẽ thua sút, và tham nhũng vẫn hoành hành.

Tóm lại nếu không thay đổi thể chế chính trị tận gốc rễ thì cũng không thể thay đổi được mô hình kinh tế.

Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

Lực Lượng Cứu Quốc