Tuesday, 24 March 2015

Bộ đội gái - Hồ Đình Nghiêm

Hồ Đình Nghiêm
bo_doi_gai_tq
Là học trò miền Nam, mình không thông hiểu chữ bộ đội. Lẽ nào ám chỉ thành phần chuyên lội bộ và đội đồ? Nghe chẳng ổn, nhỉ? Nhưng cứ mường tượng ra một kẻ chuyên trị đi bộ và đội đồ, nhìn mặt rồi bắt hình dong thì trông chừng dáng vẻ ấy nó rập khuôn với mấy o bộ đội. Như hai giọt nước.
Sau năm Một Chín Bẩy Nhăm, khi san bằng vĩ tuyến 17 hai miền thông thương, chúng sinh miền Nam đã tập làm quen con mắt dần dà thôi dị ứng với những nhân dạng quê mùa, cục mịch chốn nào cũng hiện diện có chung tên gọi: Bộ đội gái. Lỡ ăn dầm ở dề với da thịt lụa là, với thanh cảnh, với mình hạc xương mai, với yểu điệu thục nữ, với xô động hương mùi, với đài các khói sương, với beauté, với “em là con gái trời bắt đẹp”… cho nên lỡ bị ngó ra mấy o trách sao người ta không choáng, không sốc. Người ta giật thót mình mẫy và xằng bậy thay, người ta đã “cười trên nỗi đau của kẻ khác”. Trời ơi! Lính cụ Hồ ngó quê một cục. Người ngợm ngó bắt nản. Đờn ông con trai miền “được” giải phóng có đối diện cũng xin bất tương phùng tựa phỏng dái. Thanh niên gãi đầu: Dạ, bị trên bảo mà dưới không nghe. Cứ xìu xìu ển ển miết, chừ em biết tính làm răng hở chị! Cái sự cố này hổng có liên hệ tới nhất trung ương nhì địa phương đâu nhé. Cũng chả dính dáng tới thơ thẩn: “Bề trên ở chẳng chính ngôi, để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”. Ngộ nhỡ thằng cu đen nó hỗn hào đột xuất thì chị bộ đội mừng húm. Chị nhớ ông Bút Tre: Má kề nòng súng thẳng đơ, tay suông chị cứ bóp cò sướng chưa. Có vậy chứ, công trình chị xẻ dọc Trường sơn vào đây lôi em ra khỏi bàn tay lông lá của bọn Mỹ Nguỵ, em tha hồ hỗn láo đêm bảy ngày ba vào ra không kể để giải hạn cho chị, cứ bắn trực xạ vào mình chị, cho chị bỏ những ngày cơ cực.

Trong khi mà lắm kẻ mãi hoang mang ngờ vực: Cớ sao mình lại cháy túi trong canh bạc xui tận mạng này, trước một đối tượng ngô không ra ngô khoai chẳng ra khoai kia, thì Dương Thu Hương, đại diện cho bộ đội gái đã thổn thức không kềm lòng cho nước mắt tuôn, khóc ròng khi dẫm được bàn chân lên bờ cõi nọ: Than ôi, ta đã bị lừa bịp quá đỗi trắng trợn. Chú phỉnh ta rồi chính phủ ơi! Chốn này hơn cả vạn lần chốn kia. Hơn con người, hơn văn hoá, hơn cảnh vật, hơn luôn cả bầu khí quyển đang bắt đầu tan tác mây trôi. Ta khóc chính vì sự ngược ngạo trái khuấy ấy. Bi kịch nằm ở trường hợp khóc lẻ tẻ nọ, phía thắng cuộc, tuyệt đại bộ phận đều hồ hỡi phấn khởi “em về điểm phấn tô son lại, ngạo với phương Bắc một nụ cười”. Từ đi bộ đội đồ họ biến đổi thân phận đi xe thồ đồ, đi tầu vác đồ, dùng đủ mọi phương tiên để khuân của cải “phồn vinh giả tạo” của miền Nam trực chỉ Bắc tiến. “Chúng nó ăn không từ một cái gì”, từ một vùng đất mầu mỡ rừng vàng biển bạc, phút chốc miền Nam bị giải phóng thành một bãi tha ma. Công trạng này một phần có sự tiếp tay của bộ đội gái, của những “người mẹ anh hùng”. Người ta không quên ơn, đã tạc nên bức tượng thật hoành tráng, cực choáng, cực kỳ vĩ, siêu khủng và cũng… mất mỹ thuật.
Hình minh hoạ ở đầu bài thì khác, đây là bộ đội Trung quốc. Mấy o này chẳng biết đóng quân ở đâu? Căn hộ tập thể với tường vôi sứt mẻ gạch đá e không khéo cắm dùi tận chốn hiu quạnh xa đất liền? Hoàng Sa Trường Sa chăng? Họ cố làm vơi nỗi nhớ nhà bằng cách tụ tập hát hò, đèn thắp sáng, đèn cháy bỏng niềm thương về hậu phương dạt dào cách trở thiên dặm hải lý. Chắc hẳn họ không biết bài ca của bọn phương Nam thù địch “đường ra trận mùa này đẹp lắm” ?. Đẹp cái khỉ mốc, bản cô nương đang lậm nhớ thằng người yêu bé bỏng ở hậu phương đây, nhớ đến thắt cửa mình. Mình mà đi công tác dằng dặc lâu, tiền đồn trấn nhậm nơi lạ nước lạ cái, bọn người iu ở nhà không khéo mà sanh bạc lòng, chúng xuôi Nam, chúng tuyển vợ Duỵt-nàm-dành thì bỏ mẹ! Nghe nói ở xứ ấy, chúng nó lựa gái giống như đi chợ lựa cá tôm. Xem con nào ương con nào tươi, mặc cả rồi bê về bắt phục dịch. Ngôn ngữ bất đồng? Thì cứ ú ớ chơi chị năm. Có sao đâu? Cờ nó chỉ một sao, cờ ta thì cả nạm sao chư hầu. Nó lấy tư cách gì đàm phán với ta, thằng đàn em hỗn láo.
Tranh vẽ của một hoạ sĩ nhân dân nào đó, thấy trên mạng, chẳng nhớ tên. Hoạ sĩ này chắc sanh sau đẻ muộn, thôi ám ảnh thời cách mạng văn hoá, đã vung tay quá trán cho mấy cô bộ đội ăn vận hơi bị mất tác phong quân đội. Tranh của vị xếnh xáng này so ra không hơn được hoạ sĩ Vi Vi của phương Nam ngày nọ. Không màng tới đội ngũ bộ đội, chứ nếu vọc tay vào, Vi Vi sẽ vẽ “tới” hơn. Liên tưởng tới người hoạ sĩ từng một thời phiêu bạt ở Montréal vì chợt nghĩ, nếu dưới bức tranh này ký tên Vi Vi thì cũng rứa, ngó xêm xêm chẳng ai thét mét, bởi chàng rất giỏi ở lãnh vực cơ thể học, dessin vững, dựng hình khối rất chuẩn và thiếu nữ trong tranh chàng… bộ đội gái ngó phải chảy nước miếng. Anh ơi, em lột truồng ra nhé, để mong anh vẽ cho em một tấm tranh nuy. Đừng run tay cầm cọ, xin hãy nghía em một lần cho thoả. “Bây giờ em đối diện anh, cỏ trên mình mẩy em sầu như ri đây!”
Đã là bộ đội e thắp đuốc tìm chẳng ra gái đẹp, hoạ sĩ nhân dân này khi lao động buộc lòng phải đánh tráo sự thật, hòng ca ngợi và cổ động binh lực của họ. Một gã bất hạnh bị đắm tàu lạc vào hoang đảo, trời xui khiến bắt gặp bầy “ma nữ” này thì lo kiếm cách mà tìm đường vượt biển kẻo chết không toàn thây. Họ xa luân chiến, họ dụng binh, mang chiến thuật lấy thịt đè người thì còn gì tính mạng nam tử hán mí lị đại trượng phu. Phải ngửa mặt lên trời mà ta thán, thống thiết kiểu Chu Du: Trời sinh ta sao còn sinh một tiểu đội gái sung! Một khẩu K-59 hèn mọn lủng lẳng dấu trong quần mần sao đương cự nổi với ngần ấy B-40 với cối to đùng! Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm cọng thêm giờ nghỉ là lao động tắt quạt kiểu như nối lại tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, chứ sức nghỉn đâu mà phục vụ hết Triệu Minh lại tới phiên Chu Chỉ Nhược, Tiểu Long Nữ vừa nhào vô đã thoáng thấy Hoàng Dung trút bỏ xiêm y đợi chờ. Than ôi! Biết vậy trước đây ta nên tu luyện Tịch Tà kiếm phổ để triệt tiêu chim cò thì giờ này khiến cho đối tượng tức ói máu. Cứ xìu xìu ển ển thì làm gì nhau, binh pháp gọi bất chiến tự nhiên thành là vin vào lẽ ấy. Có ưa thì ngủ chay thôi, nhớ? Ôm ấp hôn hít bậy bạ vậy thôi cho qua đêm dài lắm mộng, chứ tại hạ không thể thân này ví xẻ làm năm được, các hạ có OK?
Bộ đội phương Nam có còn ngon cơm như thuở nọ? Cái thời mà “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Cái thời mà lắng lòng nghe dân anh chị phương Bắc rót mật: Sông liền sông núi liền núi, chớ hở môi mà răng lạnh, hử? Giờ này hoà bình đã bốn mươi năm e cơm cháo thảy nguội lạnh mất rồi. Văn không ôn võ nhác luyện đã đành, quan trọng hơn, lòng dạ lỡ nhuốm bệnh hoài nghi ngờ vực mất rồi. Ta vắt kiệt tuổi xanh cũng giống như lãnh đạo vắt chanh bỏ vỏ. Đời ta trước sau vẫn vậy, đi từ nghèo đói tới giáp vòng đói nghèo chẳng sanh đột biến; nhưng thượng tầng kiến trúc thì dinh thự nguy nga xe cộ bóng lộn lon lá đầy mình không-phong-tướng-anh-em-họ-tâm-tư. Hoá ra ta dâng trọn sức lực mình để cho ai kia thụ hưởng thành quả. Lịch sử sang trang, giờ đây ta còn nhuệ khí nào để ra tuyến đầu mà làm vật cản, mà đánh đấm người anh em, người đồng chí ngày cũ? Phương chi súng ống này, đạn dược này thảy đều do họ chi viện cho ta. Thua, thua tứ tung bát giác thù trong giặc ngoài. Tình ngay ta cũng biết ngậm đắng nuốt cay, một liều ba bảy cũng liều, có điều mấy vị đại ca ở trên e lòng dạ cũng ngổn ngang trăm mối nên cứ thầm thà thậm thụt tịnh khẩu như bình. Mấy ảnh im re nên ngày 14 tháng 3 năm 1988 mới xẩy ra sự cố là 64 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma đứng như phổng đá để làm bia cho chúng bắn trực xạ vào người oan ôi ông địa. Thù này phải trả! Có ai thốt nên lời ấy chưa? Đụng trận, tả xung hữu đột, đứng trước ba quân mà thề nguyền, tự cổ chí kim chuyện gay cấn nọ tuồng không mắc mớ chi tới phận đàn bà. Nhi nữ thường tình xứ An Nam chỉ nổi trội duy trong lĩnh vực nội trợ hoặc trèo đèo lội suối lặn lội bới xách đi thăm nuôi chồng học tập rừng sâu. Chung thuỷ giỏi dang chỉ ngần ấy thôi đã sớm tàn lụn một kiếp nhân sinh bọt bèo hồng nhan đa truân. Sau lưng một người đàn ông tiếng tăm luôn có bóng dáng của phụ nữ. Ẩn mặt trong bóng tối cuộc đời Tú Xương vẫn hiện hữu một người tự nguyện làm thân cò lặn lội bờ ao nuôi chồng nuôi con không quản ngại giông bão, kìm hãm được tiếng than van. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh! Vừa dứt câu thì hiện ngay ra công án với dấu hỏi to đùng: Vậy chứ đàn ông trốn biệt đi đâu?
“Chiếc gạt nước như xua tan nỗi nhớ, ở Trường Sa em lại tương tư Hoàng Sa”. Bài hát mùi boléro nọ e bất khả sáng tác tự biên tự diễn. Mới rục rịch xuống đường đi biểu tình thôi đã bị tó, cho nhập kho thì sức nghỉn đâu mà đòi chủ quyền này nọ. Về nhà đi nhớ, chuyện nước non đại sự thì trên, lãnh đạo họ có cách giải quyết, họ sẵn phương án hành động rồi. Ưa uýnh nhau hở? Haizz, nếu gây ra chiến tranh một mất một còn thì tự thuở nào tới giờ chỉ có dân ngu khu đen mới thiệt thòi lãnh đủ thôi bà con ạ. Lời thật thường mất lòng, lãnh đạo mới tậu cái ghế xịn nom như ngai vàng, chắc như kiềng ba chân, ngự lên trên thì y như rằng một sợi lông cũng chẳng rụng, để yên cho mấy người ra yêu sách đá đảo này nọ thì có khác gì vẽ đường cho hươu chạy. Ốm o xo bại là thế mà sao ưa tơ tưởng được voi đòi hai bà Trưng, hử! Nghe đây này, đã có vị tướng mần cuộc so sánh: Nói về sự đối đầu giữa bộ binh thì chưa rõ mèo nào cắn miêu nào, nhưng xét về lực lượng hải quân thì ta phải nhìn nhận điều không thể chối cãi, ta không cách gì so bì với Trung Quốc được. Họ hiện đại lắm cơ!
Bạc nhược chăng? Thức thời chăng? Khiếp vía chăng? Hay thuộc làu binh pháp “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Quan võ đã nói thì chí ít cũng có chút cơ sở do kinh nghiệm tích luỹ. Nhưng mà tướng, sao trong thời chiến quân đội ta chỉ có 56 ôn mà giai đoạn hoà bình này lại có tới 1000 ôn? Lon lá đeo kín ngực để làm gì nhỉ, ăn không ngồi rồi thì hơi bị lãng phí nhỉ? Dân số 90 triệu mà có 1000 vị tướng, bà con nên xem đó là một tỉ lệ khiêm nhường chứ lị. Và cơ bản, hệ trọng nhất, bà con chớ dại mồm dóng hỏi, 1000 vị thì có mấy trăm vị lỡ móc ngoặc mần ăn chia chác với Trung Quốc?
Xưa kia mình có cô bạn gái, chẳng ngờ gia đình cô có công với cách mạng, anh em bà con giòng họ từ ngoài Bắc vào sum họp rộn ràng đoàn viên. Dĩ nhiên cô được chế độ ưu ái bổ nhiệm cho một công việc có nằm mộng cũng chẳng ngờ. Mình không biết cơ quan cô nhằm điều hành chuyện chi trong cái thành phố bát nháo thuở nọ nên mình liệt kê cô là bộ đội gái cho tiện việc sổ sách. Cô thay đổi tư duy, ban đầu nói cạnh nói khoé, riết được trớn mắng mỏ mình như tát nước. Thời gian như nước chảy chân cầu. Nắng mưa là bệnh của đất trời, mới đây cô viết email xem chừng khuynh đảo đánh mất lập trường. Mình đọc, rất tâm tư. Cô bảo ta hơn Trung Quốc cái gì nào? Nói nghe thử? Văn học ta chưa đạt hoả hầu trong khi bên Trung Quốc vô số kẻ tung chưởng phong đều tích tụ tới 12 thành công lực, chỉ riêng ông nội Kim Dung cũng khiến hắc bạch giang hồ chốn ta xiêu hồn bạc vía, chưa tính tới Mạc Ngôn linh tinh các thứ. Điện ảnh xứ ta phải vòng tay gọi Trương Nghệ Mưu là sư phụ. Thời trang ư? Bọn trẻ xứ ta luôn đi săn hàng hiệu do Trung Quốc nhái. Ẩm thực ư? Biết thức ăn người nước lạ ngâm tẩm độc dược vẫn tranh nhau đớp hít. Cần tiền chăng? Sang xứ ấy bán thận bán gan hoặc bán luôn cả thân thể. Rồi sẵn dịp đi tham quan Vạn lý trường thành, không đặt chân lên đó hổng phải là hảo hán… Cô bạn mình chấm dứt mục bình luận bằng lời than, nghĩ mà tủi cho vong linh của tiền nhân! Chuyện nọ xọ chuyện kia, nói Sở xong quay qua Hán, Lưu Bị xong lại móc ngoặc tới Tào Tháo, tràng giang đại hải cứ y như là Mao Tôn Cương. Ba hồi bảy đỗi, nói qua nói về không bằng nói thiệt, đương sự cho hay là cô rất nhớ mình, cô ước ao có ngày mình khăn gói quả mướp làm diệt kiều về thăm lại chốn xưa chôn gò đống kỷ niệm.
Mình chẳng vắt tay lên trán trằn trọc năm canh, ba mươi giây có ngay đáp án, mình hát: Không, không, trăm lần không vạn lần không. Mình đọc thơ: Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai. Mình chảnh kiểu Kinh Kha một đi không trở lại. Rứa đi nghe, hẳn chờ một ngày trời quang mây tạnh mới tính được. Quê hương mình cực lắm người ơi!
Cả tháng trời công tác địch vận ra sức chiêu hồi cứ nước đổ đầu vịt, sau cùng cô giở hạ sách, theo kiểu trường phái Bút Tre:
email anh viết thật bay
bướm em mong đợi từng ngày từng đêm.
Bộ đội gái vốn không mấy đẹp thời hoàng kim, giờ này bốn bó lẻ ba que thì nhan sắc ắt phải nhạn trốn chiều tà, lấy tư cách gì mà tính kế mỹ nhân!
Em nay về viện bảo tàng
Thực thi công tác cách màng giao cho.
Hồ Đình Nghiêm
20 tháng 3. Lập Xuân