Tuesday, 24 March 2015

VẠCH ÁO CHO NGƯỜI XEM LƯNG

Chuyện những người bảo thủ không ưa thích ông Obama và chỉ trích tàn tệ bằng đủ thứ ngôn từ cũng như chống đối bằng đủ mọi đòn phép có thể được xem như là một thứ “chuyện dài Nhân Dân Tự Vệ” tại nước Mỹ này. Điều đáng nói là nhiều ngòi bút tiếng Việt cũng nhảy vào “ăn có” trong chuyện này bởi lẽ trong mắt nhìn của nhiều người Việt, dân Mỹ đen có lẽ được đánh giá rất thấp trong xã hội, dù là ở Mỹ hay ở Việt Nam.

Nhà báo Cynthia Tucker, từng được giải thưởng danh giá Pulitzer vào năm 2007 về mục bình luận, mới đây đã viết một bài phân tích khá xúc tích về các hành động phá đám rất đáng xấu hổ của phe bảo thủ. Nói chung, kể từ ngày lên nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào đầu năm 2009, ông Barack Obama đã gặp phải những tiếng nói chỉ trích rất mạnh mẽ, tất cả đều là từ những người phe Cộng Hoà, càng ngày càng gay gắt, và thậm chí còn mang đầy vẻ thù hận. Những khuôn mặt hung hăng nhất đã không ngần ngại cáo giác rằng việc đắc cử của ông không được chính thống; họ dàn dựng nhiều hình ảnh để vu cáo tấm giấy khai sinh của ông là giả mạo để cho rằng ông không được sinh ra trên đất Mỹ (và do đó không thể làm tổng thống), và gần đây lại còn chụp mũ ông về tội không có tinh thần ái quốc (như lời cáo giác hàm hồ của ông Rudolph Giuliani). Để rồi sau cùng, gần như nhiều lãnh tụ của đảng Cộng Hoà cũng bị lôi cuốn theo và nhập bọn vào trò chơi “bề hội đồng” này theo tiếng hô vang cổ võ và xúi giục của nhiều thành phần cử tri bảo thủ cực hữu thường dồn phiếu cho họ.

Mới đây, việc đả kích ông Obama cũng như ngôi vị tổng thống của ông đã lên đến mức tệ hại và ngu xuẩn nhất khi 47 vị nghị sĩ liên bang của phe Cộng Hoà đã đồng ký tên trong một bức thư gửi cho giới lãnh đạo thần quyền tại Ba Tư (Iran) để nhắc khéo rằng bất cứ thoả thuận nào mà họ có thể sẽ ký kết với chính quyền Obama sẽ bị đảo ngược một khi ông Obama sẽ rời khỏi Toà Bạch Ốc vào đầu năm 2017. Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, đây là một hành động vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của Hoa Kỳ. Và nó có lẽ sẽ được đánh giá như là một vết nhơ xuống bùn đen của đảng Cộng Hoà, vốn đang ngày càng bị bóp méo bởi một nhóm cử tri quá khích trung thành với giáo điều bảo thủ cực đoan.

Những viên chức cao cấp về ngoại giao trong chính quyền Obama hiện nay đang áp lực nhà cầm quyền tại Ba Tư hãy ký kết một thoả thuận mà theo đó nước này sẽ chịu từ bỏ tham vọng theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạch tâm nếu như Hoa Kỳ và các đồng minh chịu đồng ý rút lại các biện pháp cấm vận kinh tế và tài chính trong thời gian qua. Chưa ai biết chắc là việc thương thảo điều đình này có đạt được kết quả khả quan hay không, phía Hoa Kỳ còn đang hăm he chính quyền Ba Tư là họ sẽ chấm dứt các cuộc bàn thảo nếu như không đạt được kết quả vào cuối tháng này, nhằm áp lực Ba Tư không thể dùng kế trì hoãn. Nhưng ít ra thì đây cũng là một cố gắng nhằm giải quyết những vụ xung đột qua đường lối ngoại giao, thay vì chỉ nghĩ đến giải pháp quân sự khá tốn kém về nhân mạng và tài lực mà lại càng khiến cho tình hình có thể trở nên rối rắm thêm hơn, cũng như khiến cho thế giới tiếp tục sống trong cảnh triền miên khói lửa bất an.

Tuy vậy, những chính trị gia bảo thủ cứng rắn trong đảng Cộng Hoà thì cứ cương quyết chống đối đến cùng. Thậm chí, ngay cả việc toan tính chuyện điều đình thương thảo cũng bị họ chống đối hoặc tìm cách phá đám. Hơn thế nữa, họ không ngần ngại tìm những cơ hội để có thể làm xấu mặt ông Obama trên trường quốc tế.

Trước đó, một lãnh tụ trong nhóm là dân biểu John Boehner, Chủ tịch Hạ Viện, đã gần như bất chấp mọi tôn ti trật tự cũng như khôn ngoan tối thiểu để “đâm sau lưng chiến sĩ” khi lên tiếng mời ông thủ tướng Do Thái là Benjamin Netanyahu đến đọc một bài diễn văn tại Quốc Hội mà không cần thông báo cho Toà Bạch Ốc biết, dù rằng ai cũng biết việc điều hành chính sách ngoại giao là thẩm quyền của ngành hành pháp. Lý do đơn giản là vì ông Boehner và phe bảo thủ đã biết rõ là ông Netanyahu là một lãnh tụ hiếu chiến, không thân thiện với TT Obama, và họ muốn dùng cơ hội này để mượn lời trong bài diễn văn của ông thủ tướng Do Thái để chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền Obama theo kiểu “mượn gió bẻ măng”.

Hầu hết các bình luận gia trên thế giới đều ngao ngán cho hành động có phần “tiểu nhân đắc chí” của các vị dân cử Mỹ của phe Cộng Hoà đứng lên nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng bài diễn văn của ông Netanyahu mà không ý thức được thái độ rất ấu trĩ của mình khi “vạch áo cho người xem lưng” một cách quá lộ liễu và ngu muội. Bởi lẽ dù sao Do Thái cũng chỉ là một quốc gia đồng minh, một nước không thực sự đem lại quyền lợi cho Hoa Kỳ, nếu không muốn nói là còn gây khốn đốn và tốn kém cho nước Mỹ, với ngân khoản viện trợ mỗi năm hàng tỷ Mỹ-kim. Đó là chưa kể việc Hoa Kỳ luôn bảo vệ Do Thái đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến cho phe Ả Rập và cộng đồng Hồi-giáo trên thế giới trở thành đối kháng hoặc kẻ thù, gây điêu đứng cho Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua, và còn kéo dài đến ngày nay xuyên qua cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Tuy nhiên, những lời chỉ trích này chưa ráo mực thì các vị dân cử phe Cộng Hoà ở Thượng Viện mới đây còn muốn “chơi nổi” hơn cả ông Boehner khi họ đồng lòng ký tên trong một bức thư, với giọng điệu xem thường giới lãnh đạo tại Ba Tư, và nội dung gợi ý rằng những gì mà họ có thể thoả thuận được với TT Obama có lẽ sẽ bị bác bỏ bởi vị tân tổng thống Mỹ. (Điều nực cười là chưa ai biết chắc người nào sẽ bước vào Toà Bạch Ốc vào đầu năm 2017, cũng như chưa chắc phe Cộng Hoà có còn tiếp tục nắm quyền ở Thượng Viện vào lúc đó. Do đó, có lẽ các vị nghị sĩ này nên khiêm cung hơn để đừng đưa ra những lời tiên đoán hăm he như vậy.)

Đây là một hành động có phần khá điên rồ và đáng bị lên án, vì thế nên một thỉnh nguyện thư đòi truy tố các vị nghị sĩ này về tội phản quốc đã thu thập được hơn 200,000 chữ ký của người dân Mỹ chỉ trong vòng có vài ngày đầu tiên. Còn theo nhận định của ông Paul Eaton, một thiếu tướng hồi hưu của quân lực Hoa Kỳ, thì hành động của nghị sĩ Tom Cotton của tiểu bang Arkansas, được xem là nhân vật chủ động của bức thư nổi danh này, có thể được xem như là một hành động “phản loạn” (mutinous) của một kẻ không biết tôn trọng luật lệ cũng như hệ thống quân giai.

Lý do là vì nghị sĩ Cotton, mới đắc cử hồi cuối tháng 11 năm ngoái, đã từng phục vụ trong quân đội Mỹ và đáng lý ra phải biết rằng cung cách làm việc của ông đã đi ngược lại với những gì mà ông đã được huấn luyện và tuyên hứa thi hành. Ông ta, và 46 vị nghị sĩ đồng viện khác, có toàn quyền bầy tỏ ý kiến chống đối của mình trong chính sách thương thảo để ngăn chặn tham vọng hạch tâm của Ba Tư. Nhưng khi họ viết lá thư như vậy là một hành động liên lạc trực tiếp với kẻ thù ngoài thẩm quyền của họ, cũng như là đã mặc nhiên phá huỷ chiến lược và kế hoạch của các nhà ngoại giao và tổng tư lệnh quốc gia là TT Obama. Điều này là một sự vi phạm vào Đạo Luật Logan, được ban hành vào năm 1799, quy định rằng những ai vi phạm nó có thể bị bỏ tù.

Đạo luật này không cho phép một công dân Mỹ được quyền tự tiện liên lạc với bất cứ chính quyền ngoại quốc nào với mục đích ảnh hưởng lên đường lối của chính quyền đó, hoặc là để triệt hạ các chính sách của Hoa Kỳ. Thẩm quyền này chỉ giành cho những viên chức của nhà nước (tức là Bộ Ngoại Giao) theo đúng quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ, giành quyền cho hành pháp là cơ quan điều hành chính sách ngoại giao với các quốc gia khác. Theo nhận định của báo New York Times, đạo luật Logan có thể được coi như là quá cũ kỹ và có phần hơi lỗi thời để có thể đem ra áp dụng ngày nay để truy tố các vị nghị sĩ Cộng Hoà. Nhưng nó cũng có nghĩa là những vị “khai quốc công thần” của Hoa Kỳ ngay từ lúc ban đầu đã nhìn thấy trước mối nguy khi để cho những cá nhân có thể tự tiện đứng ra lèo lái chính sách ngoại giao một cách tuỳ hứng.

http://puu.sh/gKoLB/5c13071d85.jpg  
Nghị sĩ Tom Cotton (trái) và nghị sĩ Mitch McConnell, Trưởng khối Đa số tại Thượng Viện

Theo nhà báo Cynthia Tucker, liệu mầu da của ông Obama có ảnh hưởng chút nào hay không đến việc các vị nghị sĩ Cộng Hoà có thể xuống tay một cách tàn nhẫn và khinh thường chức vụ của vị nguyên thủ quốc gia như vậy? Nếu mượn lời bình phẩm của một khuôn mặt bảo thủ cực hữu nổi tiếng trong phe Tea Party là bà Sarah Palin, cựu ứng viên phó tổng thống trong liên danh với ông John McCain vào năm 2008, thì phải nói rằng “Quá đúng!” (You betcha!) Đây là một thực tế phũ phàng khó chối cãi được về tinh thần chống đối gay gắt của một cộng đồng cử tri tại Hoa Kỳ càng ngày càng già nua nhưng vẫn bảo thủ cực đoan, để không thể nào chấp nhận sự hiện hữu của một ông tổng thống Mỹ lại là người da đen. 

Điều đáng nói là lần này thái độ chống đối của các vị nghị sĩ bảo thủ phe Cộng Hoà không những chỉ là một hành động gây thiệt hại hay xem thường cho riêng cá nhân ông Obama. Bởi vì khi các nhà dân cử Cộng Hoà chứng minh cho mọi người thấy là họ bất chấp quyền lợi quốc gia khi hăm he đòi cúp ngân sách và đóng cửa chính phủ (trong các tranh chấp nội bộ về thuế khoá với chính quyền Obama) hoặc làm thiệt hại uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế (khi làm bẽ mặt một vị đương kim tổng thống như ông Obama dù rằng ông còn tại chức đến gần 2 năm nữa) thì rõ ràng là họ đã tạo nên một tiền lệ rất xấu. Giờ đây nó trở thành quy luật cho những trò chơi mới, để rồi từ đó các vị dân cử khác, dù là theo phe Cộng Hoà hay Dân Chủ, có thể sẵn sàng đem ra áp dụng trong tương lai để có thể tha hồ công kích người đứng đầu trong Toà Bạch Ốc.
Và đó mới chính là điều đáng lo cho mọi người, nếu như họ biết nhìn xa một chút, theo kết luận của nhà báo Tucker.

NHỮNG PHẢN ỨNG SAU BỨC THƯ
Kể từ sau khi vụ bức thư được công bố, nhiều tiếng nói bình phẩm đã gióng lên để chỉ trích việc làm thiếu suy nghĩ chín chắn này, kể cả từ phía những nhà báo bảo thủ. Điển hình là ông Michael Gerson, bình luận gia trên tờ New York Times và từng là chuyên viên soạn diễn văn cho TT Bush Con, đã phê bình rằng: “Từ nội dung cho đến văn phong, cũng như thời điểm để đưa ra bức thư này, nó khiến cho người ta nghi ngờ về khả năng điều hành của phe đa số cầm quyền của đảng Cộng Hoà hiện nay.

Ngay cả những tờ báo lớn đã từng ủng hộ cho các nghị sĩ Cộng Hoà trong kỳ bầu cử cuối năm qua cũng đã không ngần ngại đưa ra ra những bài xã luận lên án hành động của các vị nghị sĩ này. Đó là tờ Arkansas Democrat-Gazette đã chỉ trích nghị sĩ Tom Cotton tại quê nhà của ông; tại Ohio, hai tờ nhật báo Cleveland Plain Dealer và Cincinnati Enquirer cũng đã phê phán nặng nề nghị sĩ Rob Portman khi ông ký vào bức thư này dù trước đó họ đã ủng hộ ông trong kỳ bầu cử nghị sĩ tại tiểu bang này. Tại Illinois, tờPeoria Journal Star trước đây ủng hộ nghị sĩ Mark Kirk cũng đã chê trách ông ta trong vụ này. Tại Utah, tờ Salt Lake Tribunecũng lên tiếng chỉ trích cả hai nghị sĩ Orrin Hatch và Mike Lee khi ký tên vào bức thư. Tại New Hampshire, tờ The Telegraph of Nashua trước đây đã ủng hộ cho nghị sĩ Kelly Ayotte, cũng đã lên án bà trong vụ này với lời kết luận trong bài xã luận: “Người ta tự hỏi chẳng biết là phe Cộng Hoà sẽ giận dữ to tiếng đến mức nào nếu như trước đây có một nhóm các nghị sĩ phe Dân Chủ nặng óc bè phái viết một lá thư cho tổng thống Nga Mikhail Gorbachev trong thời gian Nga và Mỹ điều đình về tài giảm vũ khí hạch tâm.”

Một số các nghị sĩ đã “trót dại” ký tên vào cũng đã nhìn nhận sơ hở của mình để đưa ra những lời biện minh khá ngây ngô như trường hợp của ông John Mc Cain khi đổ thừa rằng đó là một việc làm vội vã vì mọi người ai nấy đều ký đại (mà không đọc kỹ chi tiết) vì mong bay về nhà sớm trước khi cơn bão tuyết đổ ập về thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Điều này dẫn đến một câu hỏi nhức nhối khác là liệu các ông bà dân cử có thực sự đọc hết tất cả những chi tiết trong các dự luật dày cả trăm trang mà họ biểu quyết hay không). Những vị khác như nghị sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin thì cho rằng nếu có làm lại, thì ông ta sẽ không gửi cho giới lãnh đạo tại Ba Tư, nhưng ông vẫn giữ nguyên nội dung bức thư như vậy. Nói tóm lại, ông Johnson chỉ áy náy chuyện tại sao mình lại đi trình bày với các giáo sĩ thần quyền ở Ba Tư, trong khi ông chẳng hề thắc mắc về chuyện bức thư này có thể đã gây thiệt hại cho quyền lợi và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Theo nhà báo Marc Champion, trong một bài viết trên diễn đàn BloombergView, thì các nghị sĩ tác giả bức thư, ngoài việc để lộ sự thiếu trung thành với quyền lợi của Hoa Kỳ, còn chứng minh sự thiếu hiểu biết của họ về luật pháp của Hoa Kỳ cũng như đánh giá quá thấp sự nhận định của các nhà ngoại giao khác, kể cả từ phía đối phương là Ba Tư. Và sau cùng, họ cũng đã để cho mọi người thấy sự ngu xuẩn trong việc hoạch định một chiến thuật, dù là để chỉ trích đối phương là TT Obama.

Điều cần phải nhớ là nỗ lực mà chính quyền Obama đang thương thuyết với giới lãnh đạo Ba Tư trong hơn một năm qua là để mong đi đến một thoả thuận có thể ngăn cản tham vọng hạch tâm của nước này. Ngay từ hồi thời còn TT Bush Con vào năm 2003, Hoa Kỳ và thế giới cũng phải lúng túng vì không tìm ra giải pháp khả thi trong nỗ lực này. Nhưng lần này, Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận của nhiều cường quốc khác, trong đó phải kể đến 4 quốc gia khác trong Hội Đồng Bảo An là Anh, Pháp, Nga và Trung Cộng cùng với nước Đức để làm một khối đồng nhất áp lực Ba Tư phải ngồi vào bàn hội nghị. Sau nhiều lần trì hoãn, chính quyền Obama đưa ra hạn chót là ngày 24 tháng 3 năm nay để buộc Ba Tư phải chịu ký một thoả thuận, bằng không thì Hoa Kỳ sẽ rút khỏi cuộc thương thuyết và Ba Tư sẽ tiếp tục lãnh nhận các hậu quả về cấm vận.   

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia tiên đoán rằng có thể Ba Tư sẽ đồng ý chấp nhận một thoả thuận vì đã bắt đầu thấm mệt trước các biện pháp cấm vận quá nghiêm ngặt và hữu hiệu. Tuy nhiên, nếu như hai bên lần này không đạt được thoả thuận, có lẽ các vị nghị sĩ Cộng Hoà và ông thủ tướng Netanyahu có thể vỗ tay vui mừng vì mình đã phá vỡ được kế hoạch của chính quyền Obama. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu nó có giải quyết được nan đề là làm sao ngăn chặn được chính quyền ở Tehran từ bỏ tham vọng chính sách tinh luyện chất uranium để một ngày nào đó có thể thủ đắc được số lượng đáng kể chất uranium với nồng độ 20% để có thể chế tạo bom nguyên tử.

Nếu như cuộc thương thuyết bất thành, giải pháp cấm vận cần phải được duy trì (với sự tiếp tay duy trì của Âu châu, Nga và Trung Cộng) và Ba Tư phải là nước bị kết tội ngoan cố không chịu chấp nhận thoả thuận. Nhưng nếu giờ đây, phe Ba Tư viện cớ bức thư “nổi tiếng” này để cho rằng Hoa Kỳ không có thực tâm, cũng như thoả thuận có thể sẽ không kéo dài sau năm 2017, vì thế nên họ không chịu ký thoả thuận thì Hoa Kỳ coi như sẽ phải mang tiếng là kẻ phá hoại cho nỗ lực này. Từ đó, những nước như Nga và Trung Cộng sẽ có cớ để rút lui, chưa hẳn là vì ủng hộ Ba Tư, nhưng chắc chắn là sẵn sàng để gây thêm khó khăn cho Hoa Kỳ. Và những biện pháp cấm vận coi như sẽ bị mất nhiều áp lực hữu hiệu hơn.

Vì thế nên người ta thấy rõ là quyền lợi của Hoa Kỳ sẽ càng có nguy cơ bị thiệt hại nhiều hơn nếu như cuộc điều đình này không đi đến kết quả mà lỗi lại do phía Mỹ, bởi hành động “lanh chanh” rất vô duyên và ngu xuẩn của các vị nghị sĩ. Và rõ ràng là chiến thuật của phe Cộng Hoà, dù là với mong muốn chứng tỏ một thái độ cứng rắn với Ba Tư, không phải là một chiến thuật khôn ngoan chút nào.  

Theo thoả thuận tạm thời ký kết vào tháng 11 năm 2013 thì chính quyền Ba Tư đồng ý loại bỏ khối năng lượng hạch tâm, đặc biệt là loại uranium tinh chất 20%, cũng như giảm bớt đà sản xuất khối uranim tinh chất 5%, cũng như đồng ý để cho các chuyên gia của cơ quan nguyên tử năng quốc tế IAEA đến thanh tra kỹ lưỡng hơn. Giờ đây, nếu như các nghị sĩ Cộng Hoà thuyết phục được giới lãnh đạo Ba Tư rằng bất cứ thoả thuận nào họ ký kết với TT Obama chỉ có hiệu lực đến khi có một vị tổng thống mới, thì dại gì họ tiếp tục chịu đựng các điều nhượng bộ này, để từ đó quay sang tiếp tục việc sản xuất năng lượng hạch tâm thả dàn như trước đây.

http://puu.sh/gKoPY/3050e618bc.jpg  
Biểu đồ về thoả thuận giới hạn kho năng lượng uranium tại Ba Tư (nguồn từ cơ quan IAEA)

Sau cùng, họ cũng quên đến sự nhận định của giới chức lãnh đạo các nước khác, kể ra có phần sáng suốt và thông minh hơn nhiều những ông bà dân cử bảo thủ của phe Cộng Hoà. Đó là trường hợp của ông Javad Zarif, ngoại trưởng của Ba Tư, đã nhận định rằng các vị nghị sĩ này đã cho thấy tầm nhìn nhỏ hẹp và thiển cận của mình. Bởi vì thoả thuận lần này, nếu có, không chỉ là việc ký kết giữa hai nước Hoa Kỳ và Ba Tư. Thật ra nó sẽ được ký kết bởi một phía là 5 nước thường trực trong Hội Đồng Bảo An (Permanent 5) cộng với nước Đức (từ đó có từ ngữ P5+1) và phía bên kia là nước Ba Tư. Thành ra, bức thư của các vị nghị sĩ không những chỉ là một lời cảnh cáo cho giới chức cầm quyền ở Tehran mà còn là một văn bản báo động cho các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ cũng như các cường quốc khác là không nên coi trọng chữ ký của vị tổng thống Mỹ, không những trong văn bản thoả thuận lần này, mà có thể trong bất cứ văn bản thoả thuận quốc tế nào khác trong tương lai. 

Theo lời biện minh của nghị sĩ Lindsey Graham tại tiểu bang South Carolina, ông ta và những người ký tên vào bức thư không có ý định phá hoại việc làm của TT Obama, nhưng chỉ muốn chứng tỏ rằng ông Obama nếu muốn rút lại những chính sách cấm vận khi ký kết thoả thuận với Ba Tư thì phải thông qua với Quốc Hội. Đây là một lý lẽ cũng có phần xác đáng, nhưng nó chỉ nên được bàn thảo trong nội bộ của nước Mỹ, và đặc biệt là trong những cuộc tranh luận giữa Quốc Hội và Toà Bạch Ốc, chứ không cần, và cũng không bao giờ nên, đưa ra cho giới cầm quyền tại Ba Tư hay người ngoài biết hết mọi chi tiết về những lời qua tiếng lại theo kiểu “vạch áo cho người xem lưng” một cách nhỏ nhen ấu trĩ như vậy.

Để kết luận, các nghị sĩ có lẽ rất đúng ở một điểm: Nếu như họ và vị tổng thống Mỹ trong tương lai nếu muốn bị cộng đồng thế giới chê bai và chỉ trích khi tự phá bỏ một thoả thuận cam kết đã được ký kết trước đó thì họ có dư khả năng để làm được. Nhưng liệu điều đó có giúp cải thiện cho chủ trương của Hoa Kỳ khi vận động cộng đồng quốc tế cùng tiếp tay trong chính sách cấm vận Ba Tư hay không? Và liệu điều đó có giúp cho Hoa Kỳ tạo được chính nghĩa hay không khi phải áp dụng biện pháp quân sự để mở các đợt oanh kích tấn công các căn cứ hạch tâm của Ba Tư sau này nếu như phải cần làm đến? Câu trả lời rất đơn giản là Không.

Vì thế nên người ta mới tự hỏi là đầu óc của 47 ông bà nghị sĩ này có phải là bã đậu hay không? Và điều đáng buồn là nhiều nhà báo và một số các chính trị gia gốc Việt vẫn còn thích bình luận và đề cao gần như mù quáng về việc làm và thành tích của phe Cộng Hoà tại Hoa Kỳ mà không biết ngượng.

MAI LOAN