Cách nay khoảng 10 -15 năm, ông Bùi Diễm – cựu Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, có xuất bản quyển sách có tựa đề
GỌNG KỀM LỊCH SỬ. Mặc dù chưa được đọc toàn thể quyển sách này, nhưng những gì
mà tôi đã đọc thì không có mới lạ đối với tôi, một phần vì tôi biết những biến cố mà ông Bùi Diễm kể trong
quyển sách qua những tài liệu của tác giả khác, một phần vì tôi được nghe kể lại
từ những vị đã hoạt động trong chính trường như Luật Sư Phạm Nam Sách – cựu Thượng
Nghị Sĩ VNCH , như Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu – cựu dân biểu Chủ Tịch Ủy Ban Tư
Pháp Định Chế Hạ Nghị Viện, như Luật Sư Nghiêm Xuân Hồng – thủ lĩnh Duy Dân Quốc
Dân Đảng , nguyên Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Khánh…
Theo sự nhận xét của tôi, ông Bùi Diễm được đào tạo và được huấn luyện thành chuyên
gia chứ không được đào luyện để trở thành nhà lãnh đạo, cho nên tôi chọn tựa đề
bài tiểu luận này là THOÁT KHỎI GỌNG KỀM, với ngụ ý là nếu biết các gọng kềm của
các đại cường vây bủa quốc gia nhỏ bé là Việt Nam, thì nhà lãnh đạo đất nước phải
tìm ra được phương cách thoát khỏi được các gọng kềm đó.
Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu của chúng ta viết một bức thư cầu viện đến Tổng Thống Gerald Ford và
Quốc Hội Hoa Kỳ để có phương tiện chống trả cuộc xâm lăng của Cộng Quân Bắc Việt,
nhưng không được đáp ứng. Trong bài viết này, tôi không nêu ra chi tiết bức thơ
để cảm thương cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cũng không trách móc Tổng Thống
Ford hay Quốc Hội Hoa Kỳ (do Đảng Dân Chủ chiếm đa số), vì 40 năm qua rất nhiều
người Việt Nam khác đã làm rồi.
Việt Nam Cộng Hòa và Bắc Việt giống như 2
hàng xóm nhà ở kề cận nhau, phía Bắc Việt luôn luôn tấn công đốt phá VNCH . Hoa
Kỳ chỉ viện trợ xăng cho VNCH chạy máy bơm dập tắt các ngọn lửa mà Bắc Việt đã đốt căn nhà của VNCH. Sau năm 1973, Hoa Kỳ đã
rút khỏi VNCH ( thông qua Hiệp Định Paris 1973) và từ từ cắt bớt quân viện ,
trói tay quân đội VNCH để…chấm dứt chiến tranh !!! Các lãnh đạo của VNCH chỉ
xin Hoa Kỳ viện trợ như cũ để chạy máy bơm dập tắt các ngọn lửa, mà không ai
nghĩ đến việc đem số xăng ít ỏi hơn xưa, chạy qua nhà của Bắc Việt đốt luôn nhà
của tên phá hoại này để giải vây tự cứu lấy mình mà không cần Hoa Kỳ cấp thêm
xăng. Tương tự như tướng Mạc Kính Điển không đủ sức tái chiếm hoặc đánh bật
quân của Trịnh Kiểm ra khỏi các nơi mà Trịnh Kiểm đã chiến thắng, tướng Mạc
Kính Điển đem bộ binh vào tấn công Thanh Hóa, tình hình trở nên nguy cấp vì
ngay tại Thanh Hóa không còn quân để giữ thành nên Trịnh Kiểm phải rút bỏ mặt
trận phía Bắc, trở lại giữ Thanh Hóa.
Bây giờ đọc lại bức thư của Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu gửi Tổng Thống Ford và Quốc Hội Hoa Kỳ, mọi người đếu cảm thương cho
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là một vị lãnh đạo quốc gia có lòng với đất nước ,
hay hoặc là tự than trách quốc gia chúng ta là nhược tiểu nên không cưỡng nổi
áp lực ghê gớm của siêu cường Hoa Kỳ !!!
Trong môn QUẢN TRỊ KINH DOANH, các vị giáo
sư đã dạy chúng tôi nguyên tắc 3M để đạt được thành quả tốt đẹp của quản trị
trong kinh doanh, đó là : MANNER - MAN
và MONEY (dịch nghĩa : PHƯƠNG CÁCH – CON NGƯỜI và TIỀN BẠC ). Theo ý kiến chủ quan của tôi,
phía Hoa Kỳ đã tảng lờ thỉnh cầu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vì một số lý
do sau đây :
1. Lý do thứ nhất : sau 8
năm tham chiến, quân đội Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu chiến lược là tiêu diệt được
3 triệu quân Bắc Việt, có nghĩa là tiêu diệt được tiềm năng chiến tranh của Bắc
Việt, cho nên Hoa Kỳ không muốn chi tiêu vào những mục tiêu nhỏ : Hoa Kỳ muốn để
dành tiền bạc, thời giờ và sáng kiến để đốn ngã Liên Sô trong bàn cờ chính trị
toàn cầu hơn là chú ý vào mục tiêu cục bộ tại Việt Nam!
2.
Lý do thứ hai : Trong bài diễn văn nhậm chức, Tổng
Thống Gerald Ford có đọc một đoạn quan
trọng (mà người Việt chúng ta ít ai để ý) : “…tôi lên làm Tổng Thống Hoa Kỳ không thông qua cuộc bầu cử, cho
nên tôi không bị ràng buộc bởi bất kỳ
cam kết nào…”. Điều đó có nghĩa là những cam kết của Tổng Thống Nixon
trong thư tay mà ông gửi riêng cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ bị Tổng Thống
Gerald Ford không cần biết (ignore)
3.
Lý do thứ ba : Từ lúc trưởng thành cho đến năm
1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn liền với đời sống quân ngũ và chiến tranh
(lần thứ nhất 1946- 1954 và lần thứ hai 1965-1975) cho nên ông không hề biết
nguyên tắc làm việc của ngân hàng và cũng không ai nói cho ông biết điều căn bản
này : “Nhà bank có tiền, nhưng không bao giờ có phương cách (MANNER) để sản
xuất ra “sản phẩm mới” hầu cho thân chủ vay mượn”. Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu viết thơ cho Tổng Thống Ford và Quốc Hội Hoa Kỳ xin gia tăng
quân viện, có nghĩa là ông xin đi vay và chấp nhận phân suất bao nhiêu cũng được
(bằng cách bán dầu lửa sau này). Nhưng đơn xin vay nợ của ông bị tảng lờ vì ông
không đưa ra đươc phương cách giải quyết tên phá hoại Bắc Việt ,tiếp tục nhận
viện trợ của Nga- Tàu lấn chiếm miền Nam bất kể tổn thất nhân mạng của dân
chúng miền Bắc.
Lịch sử là những sự kiện lập lại (nhưng
không lập lại y hệt), vì vậy dựa trên suy nghĩ và hành xử của tướng Mạc Kính Điển
vào năm 1559 (xin xem lại phần trước) đáng lẽ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải
dùng một phần quân lực VNCH tiến quân ra Bắc, đánh thẳng vào Hà Nội để phá vỡ
huyền thoại “bách chiến bách thắng” của bọn lãnh đạo Việt Cộng đồng thời phá
nát hạ tầng cơ sở của Bắc Việt cung ứng cho cuộc chiến xâm lược miền Nam. Tôi
mô phỏng những suy nghĩ của tôi trong cuộc tiến quân ra Bắc như sau :
Cánh
quân thứ nhất : năm 1975 Sư Đoàn Thủy Quân Lục
trấn đóng tại Quảng Trị, Tổng Thống Thiệu
sẽ sử dụng 2 lữ đoàn của Sư Đoàn TQLC đổ bộ Quảng Bình rồi tiến quân về phía
Tây và tiến chiếm tỉnh Hà Tĩnh (phải chiếm được hải cảng Vinh) để lập đầu cầu
cho Hải Quân VNCH vận chuyển 3 Liên Đoàn Biệt Động Quân đổ bộ vào hải cảng
Vinh. 2 lữ đoàn TQLC không cần giữ mặt
biển và quốc lô số 1, mà phải tiến về phía Tây , triệt để phá hủy các kho vựa,
đạn dược, nhiên liệu và tất cả hệ thống giao thông tại vùng này để ngăn chăn
quân Bắc Việt rút lui về Bắc, dĩ nhiên không thể để yên cho quốc lộ số 7 từ
Vinh đi Savanakhet.
Cánh
quân thứ hai : 3 Liên Đoàn Biệt Động Quân sau
khi lên bờ ở hải cảng Vinh sẽ mau chóng tiến chiếm Nghệ An, Thanh Hóa và án ngữ
tại ranh giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, tương tự như tướng Ngô Văn Sở án ngữ
tại Đèo Tam Điệp để ngăn chận quân Thanh và quân nhà Lê tỏa rộng xuống phía
Nam. Cánh quân thứ hai này không án ngữ tại các thành phố hay tỉnh lỵ vừa kể mà
tiến về phía Tây phá nát các kho vựa và đường giao thông để quân Bắc Việt không
có đường trở về Bắc. Mặt khác chận đánh các cánh quân Bắc Việt toan tiếp cứu
các tỉnh miền Trung.
Cánh
quân thứ ba : Tổng Thống Thiệu sẽ sử dụng 1 Lữ
Đoàn Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù (cùng với phương tiện vận chuyển của Hải
Quân đổ bộ vào hải cảng Vinh) nhưng vượt
qua Ninh Bình để tiến về Hà Nội. Cánh quân thứ ba này sẽ vào Hà Nội phá nát Bộ
Tổng Tham Mưu quân Bắc Việt, phá nát hệ thống truyền tin và truyền thanh của Bắc
Việt cũng như các tòa nhà hành chánh và kho vựa của Bắc Việt. Đặc biệt Liên
Đoàn 81 Biệt cách Dù đem theo nhiều mìn (địa lôi) công phá để phá vỡ hệ thống
đê điều tại vùng Hà Nội và phụ cận. Cánh quân thứ ba này chỉ lưu lại Hà Nội tối
đa 72 giờ rồi rút về Thanh Hóa. Trên đường rút quân, tất cả các cây cầu từ
Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định , Phủ Lý,
Hà Nam…đều bị phá hủy.
Cánh
quân thứ tư : một Lữ Đoàn Dù cùng đổ bộ ở vị
trí như cánh quân thứ ba, nhưng thay vì
đi Hà Nội Lữ Đoàn Dù thứ hai này theo quốc lộ số 5 tiến về Hải Phòng tập kích hải
cảng này từ phía lục địa. Mũi nhọn chính của cánh quân thứ tư này là các tuần
dương hạm, khu trục hạm…có đại bác 127 ly và ngư lôi sẽ tấn công càng Hải Phòng
từ phía biển. Tất cả các thương thuyền hay vận tải hạm của bất kỳ quốc gia nào
đậu ở cảng Hải Phòng đều bị bắn hạ (bất kể treo cờ Liên Sô, Trung Cộng hay
Ba Lan chúng ta đều không care vì chắc
chắn không có chiếc tàu nào treo cờ Mỹ hay Nhật Bản cả). Sau khi cảng Hải Phòng tan hoang, Lữ Đoàn Dù sẽ tức
tốc dùng đường bộ rút về Thanh Hóa như Liên Đoàn 81 vậy.
Tất cả các đơn vị tham dự kế hoạch Bắc Tiến
này sẽ rút về hải cảng Vinh rồi trở lại miền Nam (chúng ta không có ý định giải
phóng miền Bắc). Sau đó đoàn tàu chiến của Hải Quân VNCH từ Hải Phòng trở về sẽ
tập trung hỏa lực phá nát hải cảng Vinh (Bắc Việt chỉ có 2 hải cảng Hải Phòng
và Vinh, cho nên về sau có tu sửa đề sử dụng lại thì phải mất nhiều thời gian).
Riêng 2 Lữ Đoàn TQLC thì có thể dùng đường bộ từ Hà Tĩnh và Quảng Bình quay trở
lại Quảng Trị mà không nhất thiết phải đi nhờ Hải Quân.
Kế hoạch nghe dễ dàng cứ như đùa, vì Bắc Việt
đã kéo 14 sư đoàn bộ binh chủ chiến vào Nam hết cả rồi, ngoài Bắc chỉ còn 1 sư
đoàn phòng không (e sợ Hoa Kỳ tái oanh tạc như Tổng Thống Nixon đã hăm he) và
các lực lượng giống như Nhâ Dân Tự Vệ của miền Nam, chỉ để phòng thủ. Do đó, sư
đoàn phòng không và các lực lượng dân
phòng không có khả năng để đối đầu với các đại đơn vị của TQLC, Nhảy Dù, Biệt Động
Quân và Biệt Cách Dù được (nhất là không có khả năng di chuyển và không có súng
cộng đồng).
Khi các đơn vị thiện chiến của VNCH rút về
Nam thì không chừng các Tư Lệnh chiến
trường của quân Bắc Việt sẽ xin đàm phán với chính phủ VNCH để lập lịch trình
rút quân, hoặc giả họ sẽ lẳng lặng thu quân rồi rút êm qua ngả đường mòn Hồ chí
Minh để về Bắc. Và bọn cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam như Lê Duẩn, Trường
Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng… sẽ bị đám tướng lãnh này
thanh toán.
Trung Tá Lê Quế Lâm – tùng sự tại phòng 2 Bộ
Tổng Tham Mưu, hiện định cư tại Australia, vào đầu xuân 2015 có mượn vế đáp của
Ngô Thời Nhiệm để đưa ra nhận định như sau : “Thế Liên Sô, Thế Hoa Kỳ, gặp thời
thế, thế thời phải thế” . Trước 1991, Việt
Cộng tưởng là Liên Sô “vô địch muôn năm” nên theo Liên Sô hết mình. Khổ nỗi ,
Hoa kỳ vật Liên Sô chết mà không cần phải chiến tranh (xin xem VICTORY
WITHOUT WAR của RICHARD NIXON). Bây giờ,
2015, Trung Cộng thay thế Liên Sô mở cuộc chơi games với Hoa Kỳ, thực lực của
Trung Cộng không lấy gì làm mạnh giỏi cho lắm nên kết quả sẽ như thế nào thì
70% đảng viên Đảng CSVN đều đoán biết (trong khi 95% dân chúng thì biết quá rõ
bằng cớ là tất cả du học sinh xin đi học ở Hoa Kỳ, Australia hay Canada…không
thấy ai đi học tiếng Tàu để đi du học bên Tàu cả !)
Tôi hiệu chỉnh một chút lời phóng tác của
Trung Tá Lê Quế Lâm để chấm dứt bài viết này, đó là :
“ Thế Trung Quốc, Thế Hoa Kỳ, dẫu thời thế,
thế thời thì thế”
San José
25 tháng 3 năm 2015
(Kỷ niệm 40 năm Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
gửi thư cho Tổng Thống Gerald Ford : 3/25/1975
- 3/25/2015)
Trần Trung Chính