Friday, 10 April 2015

Không Ai Được Xuyên Tạc Lịch Sử Dân Tộc - Trần Mộng Lâm

Nhà văn Thái Việt vừa điện thoại cho tôi sau khi đọc một bài đăng trên báo Nhân Dân của CS Việt Nam. Bài bình luận nói trên được đăng trong 2 số báo ngày 30 tháng 3 và 2 tháng tư năm 2015, nhân dịp kỷ niệm cái mà họ gọi là « Kỷ Niệm 40 năm ngày Giải Phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015). Tiêu đề của bài viết là : Không ai được xuyên tạc lịch sử dân tộc, tác giả là một người đang sống bên Mỹ, ông Thu Tứ - Đoàn Thế Phúc. Anh Thái Việt nói: Họ viết bậy quá, anh phải viết bài trả lời mới được.

Tôi còn nhớ mới đây có nghe nói và đọc nhiều về tác giả Thu Tứ. Ông này nổi tiếng và được nói tới vì ông là con của nhà văn Võ Phiến. Thì ra con của một nhà văn nổi tiếng cũng có cái lợi của nó. Bởi thế cho nên tôi không lấy làm lạ khi nhìn thấy chữ Đoàn Thế Phúc đi kèm với hai chữ Thu Tứ.  Chúng tôi dẫu sao cũng là cùng thế hệ với ông Võ Phiến, viết ra một vài cảm nghĩ, chỉ để góp ý vào những gì ông Thu Tứ viết về Lịch Sử Dân Tộc, theo cái nhìn của ông ấy. Tôi nghĩ như vậy tốt hơn, vì tránh được sự đôi co giữa các người không cùng một thế hệ.

Trong phần mở đầu, bài viết nói về Cuộc trường kỳ kháng chiến do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo bắt đầu ngày 19 tháng 12 năm 1946. Nói về cuộc kháng chiến này, bài viết nhấn mạnh về một điểm: Do hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, trong lòng dân tộc đã nẩy sinh ra 5 thành phần gây trở ngại cho cuộc kháng chiến. Đối lập với Đảng CS là một thành phần phức tạp, dùng chiêu bài chống Cộng để che đậy hành động hợp tác với giặc của mình, thực ra, theo tác giả: Chiêu bài ấy có giá trị gì đâu, vì nó đặt việc chống một chủ nghĩa lên trên việc chống ngoại xâm.

Khi viết câu này, Thu Tứ thật không đủ trình độ hiểu biết để thấy rằng chủ nghĩa Cộng Sản còn nguy hiểm nhiều lần hơn ngoại xâm Pháp, vì thực dân Pháp không thể triệt tiêu nước Việt Nam, trong khi chủ nghĩa CS có thể làm điều này. Hãy nhìn tình trạng nguy khốn của Việt Nam ngày nay.  Cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn ấy là của toàn dân, không phải là của riêng đảng CS. Ngoài ông Hồ Chí Minh và đảng CS của ông, còn có nhiều đảng phái, Đại Việt, Quốc Dân Đảng… và nhiều lãnh tụ khác như Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Trương Tử Anh….v.v… CS đã dùng chính sách thủ tiêu, giết hàng loạt, cho trôi sông, khủng bố trắng, để độc quyền kháng chiến, để chiếm lấy quyền lực. Họ tiêu diệt các đảng đối lập vì dã tâm này, chứ không phải vì những đảng phái này hợp tác với thực dân Pháp. Nói những đảng phái này  hợp tác với thực dân thì quả thực là đã « xuyên tạc lịch sử» và bôi bác tiền nhân. Những người này vì đã thấy rõ sự phụ thuộc của đảng CS vào Nga, Tầu nên  chống Cộng Sản cũng là  chống ngoại xâm. Các người yêu nước thời đó chỉ có một mục đích là chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, trong khi CS chỉ làm một việc: Thay thế thực dân Pháp bằng thực dân Tầu. Điều này, cho đến ngày nay, không nhìn ra, hay cố ý không nhìn ra, có lẽ chỉ có những người mê muội.

Đoạn kế tiếp của bài viết mượn lời của Đào Duy Anh để ca tụng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Đúng là mèo khen mèo dài đuôi. Không còn gì để thêm vào Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, những nhân vật này đã được người ta viết tới quá nhiều rôi. Nếu không có sự tiếp tay của Tầu Cộng và những viên tướng gọi là «cố vấn» nhưng thực sự là người «quyết định», thì trận Điện Biên Phủ có chiến thắng được không. Việt Cộng đã nợ Trung Cộng một món nợ mà đến nay vẫn chưa trả xong, Thu Tứ ca tụng viên tướng sau này chỉ làm một việc là triệt sản chị em ta, quả thực là trơ trẽn.  

Còn hiệp định Genève, nếu phải nói cho đúng, thì không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào tham dự. Bởi vậy khi đọc câu này trong bài viết: Ngay từ đầu, khi ký hiệp định Genève, nhà nước Việt Nam (CS) đã biết dã tâm của địch, người đọc bật cười. Văn bản ký kết giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ là một bản hiệp ước đình chỉ chiến sự  giữa  quân đội của 2 thành phần này mà thôi. Việc chia cắt đất nước chỉ là do hai phe Tư Bản và Cộng Sản thoả thuận với nhau.  Phía Quốc Gia Việt Nam (không Cộng Sản) không ký kết gì. Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, một triệu người Miền Bắc đã phải bỏ cả nhà cửa, đất đai, mồ mả tổ tiên để di cư vào Miền Nam. Tại miền Đất Hứa này, một quốc gia khác đã được lập nên, đó là Việt Nam Cộng Hòa sau này. Họ di cư không phải vì theo giặc, mà vì chạy giặc. Giặc đây là Giặc Cộng Sản. Những người di cư hồi 1954 may mắn thay hiện nay còn sống rất nhiều. Họ là những nhân chứng sống cho thời kỳ đen tối đó. Họ chưa biến mất hoàn toàn trên trái đất để những người thuộc thế hệ sau muốn vo tròn bóp méo thế nào cũng được về lịch sử đời họ.Việt Nam Cộng Hòa mới chính thực là những người Việt Nam đặt sự độc lập, tư do lên trên đảng phái, lý thuyết ngoại bang, khác xa bọn Cộng Sản. Cộng sản mới chính là bọn  đặt lý thuyết lên trên dân tộc, tự nhận là một bộ phận của CS quốc tế, không tha thiết gì đến tổ quốc. Lý tưởng của họ là một Thế Giới Đại Đồng. Bởi thế mới có câu thơ của Hồ Chí Minh: Tôi dắt Năm Châu đến Đại Đồng, bởi thế, chính Lê Duẫn đã nói: Chúng ta chiến đấu đây là chiến đấu cho ông Nga, ông Trung Quốc. Nếu thực sự vì dân, vì nước, tại sao lại có câu tuyên bố kỳ dị đó?? Nói phe Cộng Sản chiến đấu để dành độc lập cho Việt Nam, là xuyên tạc lịch sử. Hiện nay, các người CS kế tiếp hiện vẫn trung thành đi theo «con đường bác đi» đó, con đường dẫn đến sự  xoá sạch biên giới giữa Việt Nam và China. Hiện nay, người Cộng Sản đã nắm trọn Việt Nam nhưng vẫn chưa dám xáp nhập với China làm một. Việc đó họ sẽ làm, nhưng làm từ từ. Một ngày nào đó, ở Việt Nam, sáng ngủ dậy, sẽ thấy cờ 6 sao treo đầy trời.

Sau 1975, một số không nhỏ người Việt chống Cộng may mắn ra được nước ngoài. Nhóm người này là cái gai trong mắt nhà cầm quyền CS. Không ưa, nhưng vẫn cần, vì họ cần tiền từ ngoài nước gửi về. Việc CS muốn, là tiền vẫn gửi về, nhưng lý tưởng chống Cộng phải chấm dứt. Đó là mục đích yêu cầu của nghị quyết 36. Để triệt tiêu giá trị tinh thần, lý tưởng cao đẹp của khối người Việt Hải Ngoại, CS ngụy biện là những người này ra đi vì những lý do tầm thường vật chất. Không biết vô tình hay hữu ý, Thu Tứ viết: trong đại đa số trường hợp. động cơ đích thực là kinh tế chứ không phải chính trị. Chắc câu viết này làm các ông Hà Nội thích lắm nên bài viết của Thu Tứ, con ông Võ Phiến, được trịnh trọng đăng trên báo Nhân Dân .Theo Đạo Phật, nói láo, nói ác, nói tầm bậy  mang khẩu nghiệp  . Bao nhiêu người bỏ mạng tại Biển Đông, bao nhiêu người là nạn nhân hải tặc,  gia đình họ chắc sẽ đau lòng lắm khi thấy ông Thu Tứ miệt thị ngay cả những người đã chết. Ở một đoạn khác, Thu Tứ viết thêm là họ bỏ nước để qua ở chỗ sướng hơn. Tôi đồ rằng ông Thu Tứ  may mắn chưa bao giờ ở trong thế cùng cực của những người thất trận sau 1975 kẹt lại Việt Nam. Vuợt biên và chấp nhận hiểm nguy kể cả sự chết không thú vị gì. Không ai thích chết, nhưng sống mà khổ quá, chết sướng hơn. Thu Tứ có lý phần nào khi nói rằng sống ở ngoại quốc sướng hơn sống trong nước, nhưng phải hiểu rằng khi bỏ nước ra đi, thì chỉ vì đất nước đã bị đảng CS làm người ta không thể nào sống được vì bị trù dập do lý lịch, vì con cái không có tương lai, vì đói, vì trăm ngàn lý do , đến nỗi cái cột đèn nếu có chân, cũng phải ra đi. Đó là sự thực, sự thực trần truồng, không ai có thể xuyên tạc.

Bốn mươi năm đã trôi qua,

Người tỵ nạn, đa số, đã hội nhập được với đời sống nơi xứ người. Cũng có  một thiểu số, vì trình độ thấp kém, hay vì không biết thích nghi, thất bại, và sinh ra bất mãn, nhổ nước miếng vào những bàn tay đã bao dung họ. Người tỵ nạn năm xưa nhờ thấm nhuần ý thức nhân quyền, dân quyền, nhìn về cố quốc, giống như những người dân Bắc Mỹ hay Âu Châu nhìn về thế giới các nước kém mở mang, các nước đang bị cai trị dưới các chế độ độc tài mà thôi. Riêng về Việt Nam, có phần khác hơn, vì , điều này Thu Tứ viết đúng: họ vẫn hướng về nơi đó, vì đó là tổ quốc của họ. Tuy nhiên, đối với những người cầm quyền mới, họ không có những hận thù như hận thù các lãnh tụ thuở trước. Hận thù gì khi 1975, các người này chỉ mới lớn lên mà thôi. Cho nên, có nói, có viết gì về Việt Nam, thì mục đích chính chính là để khai phóng cho những đồng bào của họ ra khỏi u mê, để nói cho người trong nước biết rằng họ có quyền đòi hỏi nhân quyền, dân quyền. Có hận thù, chút ít, nhưng không phải lý do chánh. Dẫu sao thì mọi việc cũng theo thời gian mà phai lạt đi, và người tỵ nạn cũng thay đổi theo.
Thu Tứ vì không theo kịp sự thay đổi của cuộc đời các người tỵ nạn,  hoăc là đầu óc bị sơ cứng, đóng băng, hay cố tình xuyên tạc, cứ cho rằng những người này ngày đêm tiến công nhà nước Việt Nam vì hận thù chứ không phải vì lương tri.

Tiến công nhà nước Việt Nam, theo Thu Tứ, là vu khống lãnh đạo thời đánh Pháp, đánh Mỹ, vu khống lãnh đạo đang tại chức….Ngày nay, với những tiến bộ của truyền thông, hình ảnh, vidéo…ai vu khống được ai?? Cái dinh cơ tráng lệ của Nông Đức Mạnh người ta chụp hình rõ ràng, chứ đâu phải ai vẽ ra?? Internet đã làm đảo lộn ngành truyền thông.. Đã chấm dứt cái thời đại bịt mắt, bịt mồm các «phó thường dân». Việc này làm các lãnh tụ bất xứng và thủ hạ của họ điên đầu. Ông Thu Tứ  than phiền: Kẻ địch (của ai ??) bỗng nhiên có một phương tiện hiệu quả để trực tiiếp phổ biến các luận điệu thù địch. Ông nhất định không hiểu được là người ta chỉ dùng cuộc cách mạng kỹ thuật cách mạng thông tin để vạch trần các sự thuật bỉ ổi của giới cầm quyền độc tài, việc mà trước đây, người ta không làm được. Một cuộc biểu tình tại Hà Nội, sáng hôm sau, cả thế giới đều hay biết. Cây cối Hà Nội bị chặt, một giờ sau California hay liền. Thu Tứ muốn nứu chân các tiến bộ của thời đại, là để Lịch Sử Dân Tộc bị bưng bít, chứ không phải vì tránh sự xuyên tạc như đầu đề của bài viết đã được trịnh trọng đăng trên báo Nhân Dân.

Phần tiếp theo là lời bình luận của Thu Tứ về Dân Chủ, về Khoa Học, về sự tốt đẹp của một chế độ độc tài (sáng suốt??) so với cái mà ông gọi là «dân chủ cực đoan». Đó là ý kiến của ông ta, không có gì đáng bàn, vì bàn tới, cần nhiều thời gian lắm. Tuy nhiên 2 lời khẳng định của ông :

1)Trung Quốc không hề là một đe dọa đối với Việt Nam 

2) Người Cộng Sản Việt Nam vừa chọn chủ nghĩa Cộng Sản vừa làm tốt cả hai cả hai việc phục hồi tổ quốc đã mất và nối lại tổ quốc bị chia hai  

 Làm tôi rất buồn. Tôi có cái mặc cảm là  thế hệ tôi và các bạn tôi, trong đó có anh Thái Việt, có một tội không thể tha thứ, đã lơ là, không làm đủ bổn phận của cha anh trong nhà, dậy dỗ con em.

Ngày 30 tháng tư là một ngày rất đau buồn cho dân tộc, đất nước Việt Nam, ngày đưa Việt Nam vào một cuộc Bắc Thuộc lần thứ năm.

Ngày 30 tháng tư năm 2015, tôi sẽ đóng của ở nhà, và tôi sẽ khóc. Tôi sẽ không có lòng dạ nào làm việc gì, không thể như người trong nước, cầm cờ đỏ xuống đường reo hò đắc thắng, không thể giống người Việt hải ngoại, cầm cờ vàng rồi đọc diễn văn. Ngày 30 thánh tư là ngày quốc hận.

Không ai được quyền xuyên tạc lịch sử dân tộc , 


Trần Mộng Lâm