Saturday, 25 April 2015

NHỮNG CHƯƠNG BỊ KIỂM DUYỆT BỎ CỦA HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ – 4

 NHỮNG CHƯƠNG BỊ KIỂM DUYỆT BỎ CỦA HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ – 4

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Chương XXX – Chế độ tập thể ở miền Nam
Cảm tình của tôi với kháng chiến
Ngày 30-4-75 – Việt Nam thống nhất
Chế độ mới
I. Hành chánh
II. Tài chánh
III. Kinh tế
IV. Giáo dục – văn hóa
V. Y Tế
VI. Tư pháp
VII. Ngoại giao
VIII. Tôn giáo

 Cảm Tình Của Tôi Với Kháng Chiến

Cho tới năm 1974 tôi đã được biết ba xã hội: xã hội nông nghiệp của ông cha chúng ta, xã hội tư bản của Tây phương do ảnh hưởng của Pháp và vài nét xã hội tiêu thụ (Société de consommation) ở thời kì hậu kĩ nghệ (post-industriel) của Mĩ; ba xã hội đó tôi đã phác qua vài nét trong các phần trên.

Từ 1975 tôi lại được biết thêm một xã hội nữa mà người ta gọi là xã hội Xã hội chủ nghĩa (1).

Tôi vốn có cảm tình với Việt minh, với cộng sản; ghét thực đân Pháp, Mĩ, nhất là từ 1965 khi Mĩ đổ quân ào ạt vào miền Nam; tôi khinh những chính phủ bù nhìn của Pháp, Mĩ. Tôi phục tinh thần hi sinh, có kỉ luật của anh em kháng chiến và mỗi lần có thể giúp họ được gì thì tôi sẵn lòng giúp

Từ năm 1954 tôi đã được đọc nhiều bài Tố cộng của chính phủ Ngô Đình Diệm; hơn nữa, tôi được nhiều bạn của tôi di cư vô Sài gòn kể cho tôi nghe chính sách điền địa ở Bắc tàn nhẫn tới mức bỏ tù, giết cả những người kháng chiến, có con ở trong kháng chiến, chỉ vì họ có 4-5 mẫu ruộng (chưa đầy hai hecta) và bị liệt vào hạng điền chủ, tư sản bóc lột kẻ nghèo. Chính những bạn tôi đó cũng đã giúp kháng chiến, đều có lòng ái quốc, đều là những người đứng đắn, tốt, mà không thể sống ở ngoài đó được, phải bỏ cả mồ mả tồ tiên, nhà cửa, bà con họ hàng vô đây với hai bàn tay trắng, sống chen chúc trong những khu lao động, can đảm lập lại cuộc đời.

Tôi lại được đọc một số sách Pháp hoặc Nga, Anh… dịch ra tiếng Pháp viết về đời sống ở Nga, Trung cộng như: J’ai Chosi la Liberté của V.A Kravchenko (Self – 1948), Zigzags à Travers la Vie Soviétique của Raymond Henry (Albin Michel – 1947), Un étudiant Africain en Chine của E.J. Hevi, người nước Gana, Phi châu (Edition Internationales – 1965); vài cuốn nữa tôi quên tên kể những vụ đại thanh trừng trong các năm 1935-1938 ở Nga, thời Staline; kể một vụ án hoàn toàn do một chính quyền cộng sản (Hung gia lợi thì phải?) dựng lên từ đầu đến cuối, bắt giam hàng chục người, tra tấn, buộc phải khai những điều họ không hề làm, buộc họ tố cáo một đảng viên quan trọng mà đảng muốn bôi nhọ, thủ tiêu, rốt cuộc chính nhân vật này cũng phải khai những điều mình không làm mà chịu tử hình, hi vọng đảng sẽ giữ lời hứa mà “khoan hồng” với vợ con.

Năm 1968 nghe những tin tức và những hình ảnh về cuộc tàn sát rùng rợn ở Huế trong biến cố Mậu Thân, tôi hoang mang, đau lòng cho đồng bào Huế và lo lắng cho tương lai dân tộc.

Năm 1968 tôi lại được đọc trên báo Pháp những lời chỉ trích chính phủ Nga của hai nhân vật Nga nổi danh khắp thế giới: nhà bác học Sakharov, “cha sinh ra bom H” của Nga, và nhà văn Soljenitsyne, tác giả những cuốn Pavillon des Cancéreux, Premier Cercle, được giải Nobel năm 1970, L’Archipel du Goulag

Ấy là chưa kể tác phẩm của những văn hào Pháp André Gide, Anh Bertrand Russell… mới đầu có cảm tình với Nga rồi sau chê; của những nhà văn như Koestler, Georghiu, Djilas… mới đầu đã tận tâm hoạt động trong đảng, lãnh những trách nhiệm quan trọng, mà sau phải bỏ đảng, trốn ra nước ngoài, vì chính sách tàn bạo hoặc đường lối sai lầm của đảng.
Đọc trước sau khoảng hai chục cuốn viết về cộng sản Nga, Trung hoa, Đông âu như vậy, tôi tuy ghét, tởm Staline, Mao Trạch Đông… nhưng vẫn tin rằng chế độ cộng sản công bằng hơn chế độ tư bản; nhất là cộng sản Bắc Việt dưới sự lãnh đạo thời kháng chiến của Hồ chủ tịch mà tám chín phần mười người Việt kính mến, khắp thế giới phục thì không thề nào tàn nhẫn như Nga, Trung hoa được, đảng có lỗi lầm thì sửa sai ngay. Đó là tâm lí chung của đa số trí thức Sài gòn, chứ chẳng của riêng tôi.

Hơn nữa, chúng tôi còn phục Bắc Việt là trong cuộc kháng chiến lâu dài, gay go chống Pháp, chống Mĩ mà vẫn kiến thiết về văn hóa, khảo về Nguyễn Du, thơ đời Lí, đời Trần, soạn tự điển, khai quật các di tích vùng đền Hùng (2), sáng tác về ca, nhạc… Chúng tôi nhờ các bạn ở Pháp mua rồi gởi lén về cho sách báo Bắc, truyền tay nhau coi những đồ quốc cấm đó; lại sang một băng nhạc có những bài Bắc Việt trình diễn ở Paris (năm nào tôi quên rồi), say mê nghe những bài Ai đưa con sáo sang sông (Ái Liên ca), Quảng bình quê tôiLàng tôi (hợp ca tám giọng nữ và đàn tranh)… mà khen anh chị em ngoài đó có tinh thần yêu nước cao.

Khi hội nghị Paris kết thúc năm 1973, chúng tôi mừng rằng chiến tranh sắp chấm dứt sau non ba chục năm dai dẳng, khốc liệt, toàn dân sẽ nắm tay nhau kiến thiết quốc gia. Tôi không được đọc toàn văn Hiệp ước đó, chỉ do báo chí mà biết đại khái rằng Bắc Việt, Mĩ, Mặt trận giải phóng và Chính phủ dân chủ miền Nam thỏa thuận với nhau sẽ có ba thành phần ở miền Nam: người của Mặt trận, người của Chính phủ miền Nam, và một số người ở trong nước và ngoài nước, không theo phe nào (tức thành phần thứ ba) ở giữa dung hòa hai thành phần trên.

Tôi đoán công việc đó khó khăn nhưng có thể thực hiện được nếu những người trong sạch, có tư cách, nhiệt tâm ở miền Nam và ở ngoại quốc về chịu ra đảm đương việc nước, và nếu Mặt trận vẫn tỏ ra vẻ ôn hòa như họ thường tuyên bố. Như vậy, sau bốn năm năm, miền Nam ổn định rồi, có thể thống nhất quốc gia được, Bắc Nam dung hòa nhau, Nam hồng thêm lên một chút, để cùng nhau kiến thiết mà tạo hạnh phúc cho dân. Riêng tôi, tôi sẵn sàng bỏ một ít tự do đi, sống thanh bạch hơn nữa, miễn là hết thấy cái nạn tham nhũng, ăn cắp, ăn cướp, phè phỡn, bóc lột và thấy con người có tư cách hơn. Tôi vẫn thường nói với nhà tôi: cộng sản vào đây thì chỉ nội 48 giờ là hết cái tệ đó

Ngày 30-4-75 – Việt Nam Thống Nhất

Nhưng hiệp định Paris vừa mới kí xong – tất nhiên có chữ kí của Nga, Trung hoa và một số nước khác như Pháp, Anh… – hai bên trao đổi tù binh với nhau xong, Mĩ rút hết quân về rồi thì chiến tranh lại tái diễn. Thế là hiệp định chưa ráo nét mực đã bị xé bỏ. Tôi không hiểu có một sự thỏa thuận ngầm nào giữa các cường quốc nắm vận mạng của Việt nam không, có những uẩn khúc, những bí mật nào không. Theo luật quốc tế, phải 50 năm sau, những bí mật đó mới được công bố, lúc đó những kẻ chịu trách nhiệm chết hết rồi.

Một bên (Bắc) mới thắng được Mĩ về ngoại giao, rất phấn khởi, khí thế đương hăng; một bên (Nam) bị Mĩ chẳng nghĩ gì đến liêm sỉ, nhẫn tâm bỏ rơi, vừa uất ức vừa thất vọng, thì phần thắng về ai, điều đó rất dể hiểu. Quân Bắc tiến tới đâu, dân chúng một phần sợ những vụ chém giết, chôn sống như ở Huế tết Mậu Thân, dắt díu, bồng bế nhau bỏ chạy; một phần ghét Mĩ, ghét chính phủ Thiệu, theo quân đội giải phóng, cho nên cuộc tiến quân của Bắc dễ như chẻ tre, chỉ trong ít tháng chiếm trọn miền cao nguyên và miền Trung Việt, gần tới Biên hòa. Tổng thống Dương văn Minh biết chống cũng vô ích, xin hai bên ngừng chiến để đỡ chết dân và chính quyền miền Nam chờ đợi quân đội miền Bắc vào Sài gòn để giao lại quyền hành, nói tóm lại là xin đầu hàng vô điều kiện; và ngay 12 giờ trưa ngày 30-4 tướng Trần văn Trà của Mặt trận ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Sự thắng lợi đó quả là vẻ vang cho miền Bắc, nhưng xét kĩ thì cũng như sự thắng lợi của quân đội Mao Trạch Đông năm 1949 (cũng chỉ trong có mấy tháng họ tiến từ Nam kinh tới biên giới Bắc Việt); và cũng như sự thắng lợi của Khmer đỏ (ngày 17-4) khiến Lon Nol phải bỏ nước để thoát thân như Nguyễn văn Thiệu, Đại sứ Mĩ phải nhục nhã cuốn cờ bỏ Nam vang mà về nước, và Khmer đỏ vào Nam vang 13 ngày trước cộng sản Bắc Việt vào Sài gòn.

Từ ngày 20-4-75 Sài gòn rất xôn xao. Một ông bạn thân của tôi 65 tuổi, ở gần nhà tôi, đương đau mà gia đình cũng “bốc” lên phi cơ để tị nạn, mới tới Manille thì chết, phải chôn ở đó. Một cô em ruột nhà tôi, cô Trịnh thị Mộng Đơn cũng dắt con lên phi cơ qua với chồng bên Mĩ.

Rồi chính cô em út của tôi, Nguyễn thị Mùi, gần 60 tuổi, cũng theo gia đmh bên chồng qua Mĩ; vợ chồng tôi giữ lại ở với chúng tôi, cô không chịu. Trong số ba người em, tôi mến cô nhất, mà cô cũng quí tôi. Cô làm dâu họ Tô ở Hà nội, có ba người con đều vào hạng học giỏi. Con gái lớn, Tô Lệ Hằng đậu tiến sĩ vật lý, tính tình hợp với tôi, hiện ở Pháp, giúp đỡ tôi được nhiều việc, vợ chồng tôi coi ba cháu đó như con. Cô đi rồi, ở Sài gòn tôi không còn ai ruột thịt cả.

Mấy ngày hạ tuần tháng 4 dương lịch đó tôi vẫn nghĩ tình hình không có gì bi đát lắm đến nỗi phải di cư. Quân Bắc có tiến vào Sài gòn thì Nam Bắc cũng thương thuyết với nhau – trước Bắc chỉ đòi Mĩ rút đi, Thiệu rút đi, thì bây giờ họ rút cả rồi, còn muốn gì nữa? – mà hiệp định Paris còn đó, Bắc phải thi hành chứ. Tôi ngây thơ quá.

Mười một giờ sáng ngày 30-4, ông láng giềng ở phía trong nhà tôi cùng với con lái một chiếc Vespa hớt hơ hớt hải di cư, để lại nhà cửa cho bà cụ thân sinh 77 tuổi và một chị bếp.
Mười hai giờ tôi bắt đài phát thanh, được tin tướng Trần văn Trà vào dinh Độc lập, Đại tướng Dương văn Minh với vài nhân viên trong nội các ra tiếp, bảo:

- Chúng tôi chờ các ông tới để bàn giao.

Trần văn Trà đáp:

- Các ông còn gì trong tay nữa mà bàn giao?

Tin đó làm cho tôi rất buồn: thế là hiệp định Paris đã bị xé bỏ, không còn chuyện ba thành phần trong chính phủ miền Nam nữa, mà chỉ còn có Mặt trận giải phóng, tức cộng sản.
Chiều 30-4 tôi ra đầu ngõ thấy nhiều chiếc Honda cắm cờ đỏ sao vàng vụt qua vụt lại, người ngồi trên xe toàn là thanh niên hớn hở, mỉm cười với dân chúng hai bên đường. Sau này người ta gọi họ là “chiến sĩ 30″.

Chiều hôm sau, 1-5, tôi mới lại chợ Trương Minh Giảng. Nhà nào cũng phấp phới cờ đỏ sao vàng, người qua lại tấp nập, hơi có vẻ tưng bừng, nhưng cũng có nhiều bộ mặt đăm chiêu. Chi nhánh ngân hàng Việt nam thương tín ở gần chợ đóng cửa im ỉm. Chợ về chiều đã vắng. Tôi lại nhà bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Cửa sắt đóng kín. Một chị giúp việc cho hay cả gia đình bạn tôi đã di cư tối hôm 28-4 vào giờ chót; vì quyết định trễ cho nên không kịp báo cho tôi biết trước. Tôi sửng sốt: “Mấy hôm trước, bác sĩ còn quyết tâm ở lại kia mà!” Chị giúp việc bảo: “ông bà tôi vì tình con gái, chàng rể và mấy cháu ngoại mà phải đi, nhưng định 5-6 tháng sẽ trở về, cho nên đồ đạc trong nhà còn để lại hết.” Nhưng anh bạn tôi không bao giờ trở về nữa, hai năm sau chết ở Paris vì bệnh căng xe máu (leucémie).
Tôi lủi thủi về nhà bảo nhà tôi (bà họ Nguyễn) : “Người thân đi hết rồi, không còn ai nữa, buồn quá”.

Khoảng 25-4 phát hành cuốn sách thứ 100 của tôi, nhan đề là Mười Câu Chuyện Văn Chương. Tôi đợi đường hàng không Sài gòn – Paris tái lập để gởi thư và một bản cuốn đó cho vợ con tôi mắc kẹt ở Paris. Tôi không nhớ mấy tháng sau mới nhận được thư của họ, nhận được tôi hồi âm liền; còn cuốn Mười Câu Chuyện Văn Chương thì non hai năm sau chính phủ mới cho phép gởi qua.

Tôi phục quân đội giải phóng rất có kỉ luật: vào Sài gòn mà không gây một vụ đổ máu (trước đó ai cũng ngại có một cuộc “tắm máu” như Huế năm 1968), một vụ cướp bóc nào; còn giúp đỡ dân chúng nữa. Tôi lại tràn trề hi vọng khi chủ tịch Mặt trận giải phóng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tuyên bố miền Nam sẽ theo chính thể đân chủ cộng hòa, sẽ trung lập, giao thiệp vđi Tây phương; về kinh tế sẽ có 5 thành phần từ quốc doanh đến công tư hợp doanh, tư doanh v.v… Như vậy thì rất hợp với sở nguyện của mọi người, quá sở nguyện của giới trí thức nữa.

Nhưng chỉ được non một năm rồi người ta rục rịch thực hiện sự thống nhất Bắc, Nam và cuối năm 1976 thì không còn miền Nam nữa, từ Lạng sơn đến Cà mau là một nước theo chủ nghĩa xã hội như Nga, tiến bộ hơn cả Trung hoa, Đông Đức nữa vì hai nước này vẫn còn là dân chủ cộng hòa.

Từ năm 1975 đến nay, hai vợ chồng tôi ở lại Sài gòn (lâu lâu nhà tôi mới về Long xuyên ít bữa), nương tựa lẫn nhau để làm trọn bổn phận công dân, thích ứng với thời mới, tìm hiểu chế độ mới.

Chế Độ Mới

Ai cũng biết chế độ cộng sản là chế độ độc đảng, chuyên chế của giai cấp vô sản, theo nguyên tắc mà thực tế là của một nhóm “đảng viên cầm quyền tự cho mình là đồng nhất với thợ thuyền, tiếng nói của mình là tiếng nói của thợ thuyền, có bổn phận thay thợ thuyền để cai trị” (Garandy trong L’alternative – Robert Laffont – 1972). Họ nắm hết cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu trong nước có đảng Dân chủ, đảng Xã hội thì những đảng này cũng phải theo đường lối của đảng cộng sản, không thể độc lập, đối lập được.

Các nhà lãnh đạo cộng sản hầu hết xuất thân từ giai cấp bourgeois, có học thức, có tư tưởng tiến bộ, muốn xóa bỏ những bất công trong xã hội, diệt bọn tư bản bóc lột mà bênh vực giai cấp vô sản. Họ định đường lối, kế hoạch, tổ chức xã hội; lựa trong đảng một số người để cho dân bầu (dân chỉ được bầu những người đó thôi) vào Quốc hội và Quốc hội thảo hiến pháp theo đường lối đảng đã ấn định trước; rồi lựa một số người cũng ở trong đảng giao cho nhiệm vụ hành pháp và tư pháp. Bất kì việc lớn nhỏ gì cũng do đảng quyết định hết, cơ quan nào dù lớn, quan trọng tới mấy cũng chỉ có việc thừa hành.

Điều đó ai cũng biết, nhưng muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Đó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê gì thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi.
Dưới đây tôi ghi vắn tắt những điều tôi thấy về chế độ cộng sản ở miền Nam. Tôi không chép nhật kí, mà kí tính tôi mấy năm nay suy; tôi lại chỉ sống ở Sài gòn, giao du ít, nên nhận xét của tôi chắc chắn là thiếu sót, có thể sai nữa, sai nhiều nhất là năm, tháng. Tôỉ sẽ rán giữ tinh thần khách quan và trung thực.

I. Hành Chánh (Chỉ xét ở các cấp từ thành phố (3) và tỉnh trở xuống).

A. Tổ chức

Một gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bà con…) ăn chung, ở chung với nhau thì thành một hộ; nếu có một người tuy ở chung một nhà mà có phòng riêng, ăn riêng thì cũng thành một hộ riêng; như vậy cùng một nhà có thể có hai ba hộ. Mỗi hộ có một người chủ hộ.

Ba bốn chục nhà (thường gồm bốn năm chục hộ) họp lại thành một tổ, có một tổ trưởng, một tổ phó do chính quyền chỉ định, hoặc do dân đề cử, chính quyền chấp nhận; tổ trưởng có thể đề cử một người giúp việc giấy tờ cho. Tổ trưởng, tổ phó, thư kí thường ở trong giới bình dân, có cảm tình với cách mạng, hoặc ít nhất không có tiếng xấu, tự nguyện giúp việc không công, theo nguyên tắc chẳng được hưởng quyền lợi gì cả.

Mới đầu gọi là tổ đoàn kết, sau đổi là tổ dân phố. Tổ trưởng là gạch nối giữa chính quyền và nhân dân, loan báo chỉ thị của chính quyền xuống nhân dân, đạo đạt nguyện vọng của nhân dân lên chính quyền, lo việc an ninh, vệ sinh trong tổ, góp tiền của dân để mua nhu yếu phẩm (gạo, nước mắm, đường, hộp quẹt, xà bông, dầu lửa, vải…) do chính quyền phân phối, quyên tiền cho các công tác trong phường (đặt các loa phóng thanh, mở lớp mẫu giáo, mở nhà hộ sinh…). Mỗi tuần, có khi vài ba ngày họp tổ một lần, mỗi hộ phải cử một người tới họp tại một nhà hoặc một khu đất trống, một cái kho bỏ trống nào đó vào buổi chiều hay tối.

Tổ trưởng thường ít học nên hay nói, nói dai, đáng lẽ 15 phút xong thì kéo dài cả giờ, giờ rưỡi, mất thì giờ của dân; do đó ít người muốn đi họp, miễn cưỡng tới dự để khỏi bị ghi tên vắng mặt mà công an để ý. Đại đa số tổ trưởng không làm khó dân, có người còn bênh vực dân nữa vì cùng là “ngụy”, hàng xóm với nhau cả, như vậy dĩ nhiên không được công an phường ưa.

Thỉnh thoảng lại có buổi học tập chính trị do cán bộ, thường là công an tới giảng cho 5-6 tổ gồm trên trăm học viên. Đề tài là công của cách mạng, tội của Mĩ ngụy và bổn phận của công dân: kê khai lí lịch (4) (rất kĩ, gồm 4 trang lớn), kê khai tài sản (nhà cửa cho thuê, hoặc hàng hóa còn dự trữ, máy móc…), làm công tác lao động như đi đào kinh, làm nghĩa vụ quân sự, đi trại cải tạo, đập tư bản, đốt sách phản động, đồi trụy…

Trình độ văn hóa của cán bộ chỉ vào hạng có tiểu học, bài học rất chán, mà cũng có một số người vỗ tay khen, có khi chưa hết câu đã vổ tay, khiến cho các học viên miễn cưỡng vỗ tay theo. Trò đó có vẻ lố bịch, sau dân chúng phá bằng cách đáng lẽ chỉ vỗ tay một thì họ vỗ tay hai, kéo dài ra, bọn nịnh kia thấy ngượng phải bỏ. Mới dầu dân còn đưa thắc mắc hoặc đề nghị xây dựng, thấy không ích lợi gì, người ta chán, có thái độ tiêu cực: đàn ông thì làm thinh, cán bộ hỏi ý kiến, họ một mực không đáp, đàn bà thì lấy len ra đan hoặc cho con bú, thì thầm nói chuyện với nhau, nếu không thì gục xuống ngủ, mặc cán bộ nói gì thì nói. Có những bài học kéo dài hai ba buổi học hoặc hai ba ngày.

Tôi còn nhớ một chị cán bộ khoảng ba chục tuổi, người mảnh khảnh, dạy chính trị cho phụ nữ trẻ và trung niên trong khóm tôi. Phòng họp ở một ngôi chùa cách phòng viết của tôi có năm thước, giọng chị ta lại lớn, nên tôi nghe rõ. Lớp học có khoảng bảy tám chục phụ nữ trong 4-5 tổ. Mới sau ngày 30-4-75, nên người ta còn siêng năng đi học.

Chị tới từ 7 giờ sáng và cho tới 11 giờ, suốt bốn giờ liền, tôi chỉ nghe tiếng chị giảng thôi, không có một tiếng nào của học viên. Chị thao thao bất tuyệt, không khi nào ngừng quá một phút, không hề hỏi học viên một câu. Tôi lắng tai nghe, không hiểu chị nói gì. Lời cứ ở trong miệng chị tuôn ra, không mạch lạc, không ý nghĩa gì. Đúng 11 giờ chị ngưng. Lớp học ồn ào ra về.

Một giờ chiều chị lại tới, lại thao thao như sáng, lại độc thoại tới bốn giờ chiều. Tôi không biết trong lớp có người nào ngủ gục không. Mấy ngày liền như vậy rồi không thấy chị trở lại, chắc đã đi dạy lớp khác. Tôi nghĩ bụng: “Chị ta có hiểu chị ta nói gì không; bảo chị tóm tắt lại lời giảng trong một buổi, chị ta làm nổi không?” Y như một cái máy hát và tôi nhớ lời này của một bạn ở Hà nội vào: “Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.”.

Nhưng cái nạn học tập chính trị đó còn kém cái nạn nghe loa phóng thanh suốt ngày ở ngay trước nhà mình mà một số dân phố phải chịu. Một ông hàng xóm của tôi nhức óc vì loa, muốn hóa điên, và gọi văn minh xã hội chủ nghĩa là văn minh loa.

Nhiều tổ họp thành một khóm (khóm ở thành phố cũng như ấp trong làng) có một trưởng khóm và vài ba người giúp việc về thông tin, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tài chánh, giấy tờ. Những nhân viên đó đều do chính quyền tuyển, đều là cán bộ nằm vùng hoặc có cha, anh làm cách mạng. Họ được ăn lương 36 hay 38 đồng ngân hàng một tháng, có nhà ở. Dân muốn xin giấy tờ gì – giấy đi đường, giấy chứng nhận chỗ ở, giấy giới thiệu đi khám bệnh, bản sao khai sanh… – phải có khóm trưởng cho ý kiến rồi tự mình đem lại phường, phường mới kí giấy, đóng dấu cho phép. Khóm lo việc phân phối nhu yếu phẩm. Về sau khóm bị bãi bỏ, dân giao thiệp thẳng với phường (tức như làng xã)

Phường có công sở lớn, nhiều phòng: hành chánh, y tế, giáo dục, kinh tế, công an, có nơi có cả đài phát thanh nữa… Phường trưởng mới đầu do chính quyền chỉ định, sau do dân trong phường bầu đại diện, đại diện lại bầu một hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng này là phường trưởng. Cách thức bầu cũng như bầu quốc hội. Đảng lập một danh sách những người đảng cho phép ứng cử, giới thiệu mỗi người vài hàng: tên tuổi, nghề nghiệp, đã có những công tác gì… trên một bích báo. Còn 10 đại biểu nhân dân thì phường giới thiệu 11, 12, có khi đúng 10 người thôi, và dân chỉ được bầu cho những người đó.

 Chỉ là vấn đề hình thức. Dân đi bầu khắp mặt cho xong việc, không cần biết kết quả ra sao. ứng cử viên chẳng cần ra mắt quốc dân.

Riêng tôi suốt năm năm không thấy mặt ông chủ tịch ủy ban nhân dân phường một lần nào, hai lần xin gặp mặt thì cô thư kí bảo ông ấy đi vắng cả hai. Sự thật phường trưởng rất ít quyền. Công an trưởng mới có quyền và thường tới nhà dân, biết rõ từng nhà một, có khi từng người một nữa.

Trên phường là quận (như huyện ở các tỉnh). Quận có đủ các cơ quan như một tỉnh: hành chánh, thông tin, giáo dục, công an, cảnh sát, tài chánh, kinh tế, nội thương, y tế ngoại thương, vận tải, tòa án, thủy lợi, quân sự, cả hồng thập tự nữa. Tôi không sao biết hết được, vì không bao giờ tới quận.

Trên quận là thành phố, cũng như trên huyện là tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh là kinh đô của miền Nam, trực thuộc trung ương, theo nguyên tắc ở trên tất cả các tỉnh, nhưng quyền hành không lớn hơn tỉnh bao nhiêu vì chính sách địa phương tự trị.

Có thể nói mỗi tỉnh là một tiểu bang, theo đường lối chung của quốc gia nhưng có đủ các cơ quan của một quốc gia, có tài chánh riêng, ngân hàng riêng, chính sách thuế khóa riêng, chính sách kinh tế riêng, cơ quan xổ số riêng (ở Nam Việt có tới 7 cơ quan xổ số), tự đào tạo lấy nhân viên cho tỉnh… Mới đầu có lẽ tỉnh trưởng cũng do chính quyền đề cử (có thể người nào làm tỉnh ủy miền nào trong thời kháng chiến thì sau ngày 30-4 làm tỉnh ủy tại miền đó); rồi sau cũng do nhân dân trong tỉnh bầu lên theo cách thức đã kể trên.

Sau ngày 30-4-75, hai ba tỉnh cũ họp lại làm một, như tỉnh An giang gồm tỉnh Long xuyên và tỉnh Châu đốc thời trước. Do đó quyền của tỉnh ủy lớn lắm.

Huyện cũng gần như được tự trị ở trong tỉnh; huyện nào (mà quận ở thành phố cũng vậy) cũng tranh nhau lập thật nhiều cơ quan, xây cất nhiều cơ sở, cũng có đủ cơ quan như tỉnh, cả hội chữ thập đỏ (làng cũng vậy), có xưởng chế tạo dược phẩm riêng, cạnh tranh với tỉnh, thành thử sức sản xuất kém, giá bán cao, lợi ít. Như vậy là trở về chế độ tiểu công nghệ, bao giờ mới kĩ nghệ hóa được? Thậm chí một trường học cũng là một cơ quan tự trị, có dư giáo sư thì để họ ngồi không chứ không cho trường khác mượn.

Sở nào cũng rất nhiều nhân viên mà công việc thì ít, vì giám đốc sở nào cũng đưa người thân hay người quen vào làm. Người ta gởi gắm lẫn nhau.

Một cán bộ cao cấp chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm một tờ báo nọ có lần bảo tôi, tờ báo của ông ta có non một trăm nhân viên (trước ngày 30-4-75 một tờ báo như vậy chỉ có vài chục nhân viên mà lại nhiều trang, nhiều bài hơn), dư người rồi; vậy mà sáu tháng sau khi ông ta giao lại tòa soạn cho một cán bộ khác, thì số nhân viên đã tăng lên tới 170; có những “kí giả” tới tòa soạn mà chẳng có việc gì làm, nói chuyện láo một lúc, sửa một cột ấn cảo rồi đi dạo phố hoặc về nhà, tự thẹn mang tiếng kí giả mà cả năm không hề viết một hàng chữ cho tờ báo.

Công sở nào cũng có tình trạng như vậy, nhân viên đông gấp 5 số cần thiết và ngân sách chỉ đủ trả lương nhân viên, không còn làm được việc gì khác. Lại có những công sở như Cơ sở tiết kiệm, tiệm sách, khi mới thành lập, có chút công việc để làm, vài năm sau không có việc gì cả (không có người gởi tiền tiết kiệm, không có sách để bán) mà vẫn không đóng cửa, vẫn giữ đủ nhân viên. Nếu tính cả những nhân viên làm không công cho chính phủ như các tổ trưởng, tổ phó thì có lẽ số nhân viên năm 1980 gấp mười lần nhân viên năm 1974. Chúng ta cứ thử tính: từ hai năm nay, mỗi tồ đoàn kết thời 1975 tách ra làm hai, mang tên là tổ dân phố, mỗi tổ gồm hai tổ phó: tổ phó an ninh và tổ phó đời sống, chứ không phải một như trước; như vậy 40-50 hộ trước kia chỉ cần một tồ trưởng, một tổ phó, nay cần hai tổ trưởng, bốn tổ phó, số nhân viên không lương tăng lên gấp ba. Khắp miền Nam, số nhân viên không lương đó được mấy chục vạn, ai mà biết được?

Nhân viên càng nhiều, công việc lại càng bê bối. Vì cái nạn bè phái tranh giành nhau, dẵm chân lên nhau, không ai chịu trách nhiệm cả, ai cũng đùn công việc cho người khác.

Cuối năm 1979, tôi làm đơn xin ủy ban nhân dân phường tôi ở cho phép tôi chở về nhà tôi ở thị xã Long xuyên một số đồ đạc (ba tủ sách, một tủ lạnh, vài cái ghế…) và một số sách báo Việt, Pháp, Anh, Hoa đề tôi về Long xuyên nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Việc tầm thường như vậy, thời trước chẳng phải xin phép xin tắc gì cả, mà cô thư kí phường (quen mặt tôi chứ) không dám quyết định, đẩy qua công an; thầy thư kí công an cũng không dám quyết định, đẩy qua phường; họ thảo luận với nhau ra sao tôi không biết, kiếm lẽ này lẽ khác để không cho phép, bắt tôi đi đi về về tất cả tám lần, sau cùng tôi phản kháng dữ, họ mới chịu kí giấy.

B. Tinh thần nhân viên

Mùng ba tết, hết nghỉ, theo lệnh áp dụng trong toàn quốc các công sở phải làm việc mà ở Long xuyên (năm 1980) mùng 4 tôi lại Bưu điện mua cò gởi thư qua Pháp không được; một ông bạn tôi mùng năm rút tliền tiết kiệm cũng không được, khoảng mùng 10 các công sở mới đủ nhân viên.

Đa số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới, có người bận việc ở trong bếp phía sau, có người đi mua nhu yếu phẩm; và nếu đương giờ làm việc mà người nhà tới cho hay ở nhà heo đẻ thì họ vội vàng bỏ hết công việc sở, về nhà đỡ đẻ cho heo. Vì hầu hết họ phải nuôi heo để có thêm tiền tiêu, hoặc mua một chiếc xe đạp, đóng thêm bàn ghế, may sắm cho vợ con…

Một em học lớp 2 một trường cấp 1 nọ ở Sài gòn phàn nàn nền gạch lớp học bê bết cứt gà (vì trường nuôi gà), có em ỉa đùn trong lớp nữa, hôi thối quá.

Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét.

Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị. Công an một ấp hay xã nọ bắt giam một người dân; gia đình người này khiếu nại với ban thanh tra tỉnh. Ban thanh tra ra lệnh thả vì bắt giam trái phép, công an ấp hay xã không thèm nghe, bảo: “Tỉnh mà làm sao biết được việc trong xã, can thiệp như vậy là bậy“.

Năm 1979, trung ương ra lệnh không được cưỡng ép nông dân làm ruộng tập thể, ai đã vào hợp tác xã nông nghiệp rồi, muốn xin ra cũng được. Lệnh đó được phổ biến trên đài truyền thanh, truyền hình; nhưng cán bộ một làng nọ ở Sóc trăng không thi hành, hỏi tại sao, đáp: “Tôi được lệnh của huyện phải đạt chỉ tiêu huyện đã ấn định trong việc bắt nông dân vào hợp tác xă nông nghiệp, nếu tôi nghe theo đài hay báo chí, chỉ tiêu không đạt được thì ai chịu trách nhiệm cho tôi?”

Một nhân viên còn thách thức: “Trung ương ra lệnh mà địa phương không thi hành thì có sao không?” Có kẻ bảo: “Tôi không biết Phạm văn Đồng là ai”, rồi mỉm cười ngó chung quanh, hỏi các bạn: “Trong xã mình có ai tên Phạm văn Đồng không?”

Không phải là thời thập nhị sứ quân nữa mà là thời thập nhị thiên sử quân. Nghị quyết của đảng dù có rành mạch, hợp tình hợp lí, nhưng xuống đến cấp huyện, cấp xã thì thay đổi hẳn, đến nối dân chúng chẳng cần biết đường lối của chính phủ, chỉ cần biết lệnh của xã ấp thôi. Đó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số ngụy quân ngụy quyền có tội nặng và những người vượt biên “chui” (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân. Chính nhà tôi ở Long xuyên là một gia đình liệt sĩ mà cũng bị chúng hăm tịch thu một căn 36 thước vuông chúng tôi cất ở giữa khu vườn làm chỗ nghỉ ngơi. Chúng bảo căn đó không ai ở, cơ quan này muốn mượn, cơ quan khác muốn mượn. Cháu tôi, chủ hộ, người coi nhà, đáp rằng: vợ chồng tôi ở Sài gòn, vài ba tháng về Long xuyên một lần, về thì ở căn nhà đó, mà căn đó chứa đầy đồ đạc, tủ sách, bàn viết của tôi rồi, không thể cho cơ quan mượn được. Chúng làm thinh. Sau cùng chúng loan tin chính phủ quản lí các tịnh xá (!) mà căn đó có bàn thờ Phật là một tịnh xá (!) Nhà tôi bất đắc dĩ phải kiếm thủ truởng của chúng, vạch những hành động đó của chúng, chúng mới thôi.

Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong đân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?

Một thời thị xã Long xuyên xôn xao và tỉnh ủy (hay thị xã ủy) ra lệnh bắt mấy trăm gia đình ở trong những cư xá cất từ thời Ngô Đình Diệm chung quanh dinh hành chánh tỉnh phải dời đi chỗ khác để nhà cửa lại cho cán bộ cách mạng ở; mà không được bồi thường gì cả, mặc dầu họ làm chủ căn nhà của họ từ mấy chục năm rồi (trả hết tiền xây cất rồi). Vài ba người nhát gan hoặc muốn lập công với cách mạng, dời đi liền, tặng căn mình ở cho cách mạng. Còn thì hết thảy đều bất bình, họp nhau làm đơn khiếu nại; chính quyền không chấp nhận đơn khiếu nại chung, bắt mỗi người phải làm đơn riêng, rồi lâu lâu lại thúc, dọa dẫm. Họ vẫn ỳ ra, lấy lẽ họ là nhân viên, làm việc trong các cơ quan của tỉnh, thị xã, tại sao lại không được ở như các nhân viên ở Bắc vào, ở bưng về. Một người rất bướng, kiếm bản hiến pháp mở ra ở trang nói về quyền tư sản, đặt trên bàn, bên cạnh con dao găm. Hễ cán bộ vào đuổi họ đi thì họ chỉ hiến pháp cho coi và bảo sẵn sàng đổ máu nếu bị ức hiếp. Cán bộ ra về, đem dây kẽm gai lại vây nhà, bít lối ra, họ cắt dây kẻm gai chui ra; cán bộ đem xe cam nhông lại bít cửa, họ leo lên xe, vượt ra, cán bộ chịu thua.

Sau có nhiều người lên Sài gòn gởi đơn khiếu nại thẳng ra Hà nội và hai năm sau vụ đó mới êm.

Nếu chính quyền tỉnh thành công trong vụ đó thì sẽ tiến thêm một bước nữa, bứng hết cả dân chúng trên đường Gia long (nay là đường 26 tháng 3) dài năm trăm thước, con đường sạch sẽ nhất, nhà cửa có vườn rộng, khang trang nhất thị xã để làm khu riêng cho cán bộ ở. Như vậy là chính quyền coi dân miền Nam này coi đồng bào của họ như bọn da trắng coi dân da đen, không cho ở chung, áp dụng chính sách apartheid (chia cách) của Nam phi. Như vậy mà muốn đoàn kết thì khác gì leo cây bắt cá. Dân chúng chua xót nghĩ lại thời còn kháng chiến, mình chia cơm xẻ áo, không ngại nguy hiểm, hết lòng giúp đỡ, giấu họ mà bây giờ kháng chiến thành công, họ coi mình là kẻ thù.

Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không có sổ sách, cứ ít tháng lại thấy mất đồ mà không tìm ra được thủ phạm, v.v…, vì nếu kể thì dài quá.

Thế giới tư bản chê các nước cộng sản quản lí rất kém và bị bệnh thư lại (bureaucratie) rất nặng. Trước năm 1975, một kí giả Pháp – tôi không nhớ trên báo nào – bảo chế độ cộng sản sẽ chết vì bệnh thư lại. Sau ngày 30-4-75, tôi đem những lời đó hỏi bốn nhà trí thức Bắc: một học giả già, một nhà báo già, một kĩ sư và một giáo sư ở Nga về, khoảng 40 tuổi, họ đều nhận những lời chê của phương Tây đó đúng. Một người ngạc nhiên rằng từ 1950 tôi đã viết cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, mà một phần tư thế kỉ sau, Bắc vẫn chưa có cuốn nào như vậy. Một người nữa còn bảo bệnh quan liêu ngoài đó trầm trọng hơn thời Pháp thuộc nhiều.

Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thề chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới.

Nhưng thế nào cũng tới lúc người ta phải nghĩ tới. Hiện nay tình trạng các công sở đã bi đát quá rồi. Lương công nhân mới vào làm chỉ được 38 đồng một tháng (1980), lương một kĩ sư, một bác sĩ mới ra trường được trên 50 đồng. Nhu yếu phẩm năm 1975 còn được nhiều thứ: gạo (5), đường, sữa, dầu lửa, xà bông, thuốc đánh răng, hộp quẹt, cá, thịt…, nay chỉ còn gần như mỗi một thứ là gạo hay bo bo, những thứ khác đều phải mua chợ đen hết; lương bác sĩ, kĩ sư chỉ đủ để mua củi chụm, như vậy làm sao họ sống được? Khắp đông tây, không đâu có một chế độ lương bổng như vậy. Một cố vấn Đức hai năm trước đã đưa ý kiến phải tăng lương công nhân lên tối thiểu là 250 đồng (gấp 6 lần) thì họ mới đủ sống; ngày nay tăng lên 500 đồng cũng chưa đủ.

Đói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi. Đơn xin thôi nhiều quá, có sở cứ 20 đơn xin thôi thì chỉ có 10 đơn xin vào, giám đốc không cho thôi. Xin thôi nhiều nhất là giáo viên; trường nào có giáo viên xin thôi thì hiệu trưởng phải lại tận nhà năn nỉ ba bốn lần rán ở lại đào tạo thế hệ sau cho chủ nghĩa xã hội.

Xin thôi không được thì người ta cớ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ: một giáo viên giảng bài lí nhí trong miệng, học sinh xin giảng lớn hơn thì đáp: “Khi nào tăng lương cho tôi, tôi đủ ăn, có sức, mới giảng lớn được” Có kẻ ỳ ra không làm gì cả: thủ trưởng giao hồ sơ, phái đi công tác năm ba ngày ở một nơi nào đó; người ta ôm hồ sơ đi một tuần sau mới trở về, bảo nhớ cha mẹ quá, về thăm cha mẹ, chớ không đi công tác! Rồi cũng thôi. Bỏ đi chơi một tuần còn là ít đấy; nếu vắng mặt 29 ngày thì về lãnh lương đủ, không bị khiển trách, chỉ phải làm một tờ tự kiểm, mà nếu chẳng thèm làm thì cũng chẳng sao.

Một giáo sinh ở Đại học sư phạm Sài gòn ra, nhận được giấy bổ đi dạy Củ chi, gởi trả lại cho trường với mấy hàng chữ cực kì phản động như vầy: “Bay trả lương cho tao có 54 đồng một tháng mà tiền xe tao đi Củ chi mỗi ngày tốn 3 đồng rồi, tao lấy gì để sống? “. (Củ chi tuy thuộc thành phố Hồ Chí Minh, ở ngoại ô, nhưng cách trung tâm thành phố hai ba chục cây số).

Một bức thư gởi máy bay, bảo đảm từ Sài gòn ra Hà nội mà đúng một tháng mới tới; tôi làm đơn khiếu nại sở Bưu điện, sáu tháng sau người ta vẫn chưa trả lời, tôi thúc, họ cứ làm thinh. Hai năm sau họ mới cho hay đơn đó thất lạc đâu mất rồi.

Thỉnh thoảng lại có tin một kho chứa bưu kiện ngoại quốc gởi về, hoặc chứa hàng bị cháy, bị cướp; gần như ngân hàng tỉnh nào cũng bị thụt két. Trừng phạt, họ không sợ, còn bảo: “Vào khám được chính phủ nuôi”.

Tình trạng đó cứ mỗi ngày một bi đát thêm thì một ngày nào đó mọi hoạt động sẽ bị tê liệt hết.

Đầu năm 1980 tôi nghe một cán bộ cao cấp ở Sài gòn đi dự một hội nghị về bảo người Nga đưa điều kiện phải để cho họ gởi qua nước mình 150.000 cố vấn để kiểm soát hết các cơ quan từ cấp cao nhất ở trung ương tới những cấp thấp nhất ở huyện. Như vậy thì còn gì là chủ quyền, là thể diện nữa? Nhưng nếu không nghe, họ sẽ cúp viện trợ thì làm sao đây? Xăng đã bị hạn chế 50% rồi, giá chợ đen năm 1980 từ 10 đồng lên 18 đồng một lít, năm 1981 lên 40 đồng (tức 20.000 đồng cũ).

II. Tài Chánh

A. Ngân hàng

Công việc đầu tiên của chính quyền 30-4-75 là chiếm hết các ngân hàng, các sở ngân khố. Không còn ngân hàng của tư nhân mà cũng không còn sở ngân khố.

Chính quyền đóng cửa tất cả các ngân hàng quốc gia và tư nhân cũ trong hai ba tháng để kiểm soát sổ sách, tính xem các ngân hàng tư còn bao nhiêu tiền, tài sản có những gì, cho ai vay, vay bao nhiêu, người nào còn ở trong nước, có thể trả nợ được không; và ngược lại ngân hàng thiếu các trương chủ (người gởi tiền) bao nhiêu, người nào còn ở trong nước…, xong việc đó rồi chính phủ mới quyết định được có thể trả cho mỗi trương chủ bao nhiêu tùy từng ngân hàng: ngân hàng nào còn nhiều tiền, sẽ thu được nhiều số nợ, mà thiếu trương chủ ít thì có thể trả cho trương chủ được nhiều: 70-80% số tiền trương chủ gởi; ngược lại ngân hàng nào còn ít tiền, sẽ thu được ít nợ, mà nợ trương chủ nhiều thì chỉ trả cho trương chủ 40-50% số tiền trương chủ gởi thôi.

Ai gởi tiền ở ngân hàng quốc gia hoặc mua công khố phiếu (tức quốc trái, được lời nhiều hơn là gởi ngân hàng tư: 30% mỗi năm, chứ không phải là 24%) thì chính phủ không trả cho đồng nào hết, vì đó là nợ của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, mà Thiệu đă lưu vong, ôm hết quí kim đi rồi. Nhiều người ở trong trường hợp đó.

Tôi gởi tiền tiết kiệm ở hai ngân hàng tư tại Sài gòn và một ngân hàng tư ở Long xuyên. Chính quyền Sài gòn bằng lòng trả cho tôi một nửa số tiền tôi gởi, còn chính quyền Long xuyên (vì như tôi đã nói mỗi tỉnh là một địa phương tự trị có chính sách tài chánh, kinh tế riêng), không trả cho trương chủ một đồng nào cả. Tôi không buồn vì từ trước tôi vẫn nghĩ rằng hòa bình trở lại, tôi có thể tặng chính phủ một nửa số tiền tiết kiệm của tôi để kiến thiết quốc gia. Tôi chỉ bực mình rằng số tiền còn lại đó, không được tự do lãnh ra để tiêu. Mỗi người trong mỗi hộ chỉ được lãnh ra mổi tháng 30 đồng ngân hàng (tức 15.000 đồng cũ) mà hồi đó vợ chồng tôi sống đạm bạc cũng phải 100 đồng ngân hàng mới đủ. Tuy nhiên tôi không đến nỗi thiếu thốn vì còn đồ đạc, tư trang có thể bán được.

B. Hưu bổng

Nhà tôi buồn vì chính quyền không cho lãnh tiền hưu bổng (khoảng 30 đồng mới, 15.000 đồng cũ một tháng) mà không cho hay ngay, cứ làm thinh, bắt mỗi tháng lại sở hưu bổng hỏi han, chầu chực, như vậy hai năm, tới khi thấy người ta hạ cái bảng tên sở đi mới tuyệt vọng, không trông vào số tiền dưỡng lão đó nữa.

Biết bao người ở trong trường hợp đó, nhiều người nghèo không trông cậy vào đâu được, phải tự tử. Có người đã mất hết số tiền và tư trang gởi ngân hàng, rồi lại mất luôn tiền hưu trí, hóa điên.

C. Đổi tiền

Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa. Vụ đổi tiền lần thứ nhất xảy ra tháng chín hay tháng mười 1975, và xảy ra rất đột ngột.

● Sáng sớm hôm đó dân chúng mới hay rằng phải đổi tiền nội trong 24 giờ và mỗi người dân già trẻ lớn bé được đổi một số tiền là bao nhiêu đó tôi quên rồi, chỉ còn nhớ số tiền này như gia đình tôi chỉ đủ tiêu trong một tháng hay tháng rưỡi là cùng. Những người làm chủ một hãng, như hãng buôn, nhà in, xưởng chế tạo… có giấy chứng nhận của phường, quận… mới được đổi thêm 1.000 đồng mới (1 đồng mới ăn 500 đồng cũ), tính ra cũng chỉ đủ chi tiêu trong một tháng. Chính quyền không cho biết số tiền còn lại, sẽ giữ tại ngân hàng và sẽ cho rút ra lần lần tùy nhu cầu; thành thử ai cũng hiểu lầm rằng số đó sẽ bị hủy bỏ. Do đó rất nhiều người phẫn uất, tuyệt vọng; có người tự tử, có người đốt hằng thúng giấy bạc, hoặc từ trên lầu vãi giấy bạc xuống đường, không ai thèm lượm; ở Mỹ tho, nhiều tiệm Trung hoa thồn giấy bạc vào cà roòng, thả trôi sông.

● Chỉ thị phải đổi nội trong 24 giờ làm cho mọi người hoảng hốt, tranh nhau đổi, sợ trễ. Nhưng chỉ thị đó, chính cán bộ không tuân theo; ở phường tôi họ cứ nhởn nha làm việc; chín giờ sáng mới tới phòng đổi tiền để xếp đặt công việc, mười một giờ mới quyết định xong, thì nghỉ ăn cơm; một giờ mới phát cho dân đơn khai số tiền có trong nhà. Dân chen chúc nhau ở cửa phòng, đưa sổ gia đình để họ xét họ xét rất lâu như sợ có sổ giả mạo, rồi mới chịu phát đơn. Các tổ trưởng đề nghị tiếp tay họ trong việc đó, họ không cho vì ngờ có thể gian lận.

Đem đơn về nhà khai xong, lại mang tới đề nộp, lại chen lấn nhau lần nữa. Hai vợ chồng tôi thay nhau làm những việc xin đơn, nộp đơn, chiều đó mới xong, mệt đừ.

Trên đơn họ tính trong nhà có bao nhiêu người, cho phép đổi bao nhiêu, tính xong thì khuya rồi, đề sáng hôm sau mới đổi. Họ làm việc rất chậm, mãi nửa đêm hôm sau mới đổi xong. Như vậy là lệnh của chính phủ không được tuân. Có phường năm ngày mà đổi vẫn chưa xong, vì họ phải xét đi xét lại một điều gì đó, tôi không hiểu. Dân chầu chực suốt 5 ngày 5 đêm ở ngoài nắng, dưới mưa, lại không có tiền tiêu (vì trong lúc chở đổi tiền, giấy bạc cũ vô dụng, giấy bạc mới chưa có), nổi lên phản kháng, biểu tình, họ bắt giam một số. Nhưng cũng có chỗ đổi rất mau, chỉ 24 giờ là xong.

Vậy là cấp trên không biết tồ chức hoặc biết tổ chức mà cấp dưới không thèm nghe, tự ý làm sao thì làm, và hạng người ngu dốt, được cơ hội, tha hồ hách dịch, làm khó dân.

● Một cái tệ nữa là không có sự kiểm soát, khiến nhiều cán bộ gian lận, làm giàu. Các cơ quan đổi bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần làm tờ khai. Cơ quan có trong quĩ 100 triệu đồng cũ chẳng hạn thì khai 150 triệu, 50 triệu dư đó đem mua tiền của dân. Dân có tiền không đổi được, bán rẻ cho cơ quan, lấy 50%, 30% thôi, cơ quan lời 50%, 70% chia cho nhau. Thí dụ : tôi có dư 1 triệu đồng cũ không đổi được, đưa cho cơ quan đổi, cơ quan chỉ giao cho tôi nửa triệu (50%) tức 1.000 đồng mới; cơ quan giữ lại nửa triệu, để chia nhau. Đó là chỗ thân tình lắm chứ giá thường là 30%, và gần tới giờ chót chỉ còn 10%. Nửa ngày cuối cùng, người ta tấp nập mua bán như vậy, công an phường chắc biết dư mà chẳng thấy phát giác vụ nào cả.

Lần đó là lần đầu tiên tôi thất vọng, thấy rõ chân tướng chẳng tốt đẹp gì của các đồng chí cách mạng trong chủ nghĩa xã hội đã được Hồ chủ tịch dạy dỗ mấy chục năm. Họ bỉ ổi, bê bối còn hơn chế độ tư bản nữa. Tôi không vơ đũa cả nắm. Cũng có một số liêm khiết, xã hội nào cũng vậy.

Đêm đó 11 giờ khuya tôi mới đổi tiền xong, trả phần của một đứa cháu trong nhà, và trả cho nhà tôi số tiền tiêu riêng của nhà tôi rồi, chỉ còn đâu có 6-7 chục đồng, mà mỗi tháng chúng tôi tiêu ít nhất 50 đồng mới đủ. Tôi chìa cho nhà tôi xem, bảo: “Bao nhiêu tiền tiết kiệm của mình chỉ còn có mấy tấm giấy này thôi!” Nhà tôi làm thinh. Tôi cất tiền rồi, mệt quá, đi ngủ liền.

Sáng hôm sau dậy sớm mới thấy buồn thấm thía. Còn trà tàu Đài loan của một độc giả cho, tôi pha một bình nhỏ, rót một chén đem xuống cho nhà tôi đương quét sân. Rồi tôi đi dạo trong xóm xem dân tình: ai cũng lặng lẽ, đăm chiêu. Nửa giờ sau về nhà. Nhà tôi cho hay đã bán được một lon sữa đặc đủ đi chợ một ngày. Tôi bảo: “Cần gì phải như vậy. Mình còn nhiều đồ khác để bán mà.” Nói vậy, nhưng nước mắt tôi cũng rưng rưng vì cảm động.
Mấy hôm sau, có lẽ chính phủ thấy chính sách đó khắc nghiệt quá, cho nên ra lệnh cho đổi thêm một số nữa bằng số lần trước. Lại khai báo, lại chầu chực, nhưng lần này mau hơn. Ngân hàng trả lại tôi một số tiền nữa, còn bao nhiêu ghi vào sổ tiết kiệm của tôi. Vậy là chưa mất hết. Từ đó mỗi tháng vợ chồng tôi được rút ra 60 đồng cho hai người, lại bán thêm được một ít sách nữa, cho nên đủ tiêu. Được đâu một năm như vậy rồi chẳng hề có thông cáo, thông báo gì cả, ngân hàng cứ lẳng lặng không phát thêm nữa. Hiện nay trong sổ tiết kiệm của tôi còn mấy ngàn đồng, tôi không nhớ. Sổ đó đã vô dụng rồi, tôi giữ làm kỉ niệm của một thời.

Tóm lại chính sách của nhà nước là muốn quản lí tiền bạc của dân: chỉ cho mỗi gia đình giữ một số đủ mua gạo, rau… trong một hai tháng, còn bao nhiêu gởi ngân hàng hết, phải có lí do chính đáng như đau ốm, cưới hỏi, ma chay… mới được rút ra. Tiến bộ hơn Nga nhiều. Nhưng hậu quả là không ai muốn gởi tiền ngân hàng nữa, và chính sách đó phải bỏ.

Gần đây đọc một cuốn sách tôi được biết chính phủ Sô viết ở Nga sau cách mạng 1917 cũng có một lần đổi tiền cho dân: cứ dưới 3000 rúp (rouble) (tôi không biết một rúp thời đó bằng bao nhiêu quan Pháp) thì một rúp cũ đổi lấy một rúp mới, còn trên số đó thì hai rúp ca đổi một rúp mới. Chính sách đó nhân đạo hơn, không gây bất mãn trong dân chúng. Chính phủ mình đã theo chính sách đổi tiền của họ Mao chăng?

Ba năm sau, năm 1978 lại đổi tiền một lần nữa, mà lần này ở khắp nước. Cũng đột ngột, cũng hạn chế số tiền được đổi, nhưng có tổ chức hơn, đỡ khổ cho dân.

Dù dùng mọi cách đề bình sản (tức quân bình tài sản, san phẳng tài sản), dù dùng mọi cách để trừng trị sự làm giàu thì bất kì thời nào, trong xã hội nào, cũng chỉ được ít tháng lại có sự bất bình đẳng, có kẻ giàu người nghèo. Một người đã nói: phát cho hai người, mỗi người một ổ bánh mì, chỉ một ngày sau đã có sự bất bình đẳng rồi: kẻ ăn hết ổ bánh đã hóa nghèo hơn kẻ chỉ ăn ba phần tư ổ thôi, để dành một phần tư. Như vậy là có sự tích lũy tài sản rồi. Cho nên tại các nước cộng sản lâu lâu phải đổi tiền một lần, hạn chế số tiền được đổi, tịch thu một số tiền quá lớn nữa. Nghe nói ở Nga từ 1917 đến nay đã đồi tiền non 20 lần, không biết lời đó đúng không.

Vụ đổi tiền năm 1978 làm Bắc Việt xôn xao cũng bằng ở trong Nam và cũng có đủ các tệ như ở Nam.

Lần này người ta biết tin trước vài ngày: ai có nhiều tiền (ở Bắc cũng như ở Nam) cũng tung tiền ra mua vàng, xe đạp, vải, tủ lạnh, chén đĩa, bất kì thứ gì với bất cứ giá nào. Có thứ tăng giá lên gấp 10 như vàng, thứ nào tăng ít nhất cũng gấp năm. Có người không biết mua gì, năn nỉ hàng xóm để lại cho con gà, con vịt. Người nghèo có từ nải chuối trở đi cũng đem bán. Ở Bắc có kẻ nhiều tiền quá thồn cả vào một cái bao, chở trên xe đạp, đến một chỗ vắng, làm bộ đánh rớt xuống đường rồi phóng đi như bay. Hạn chế, kiểm soát rất gắt, vậy mà ở Hà nội ngay tối đêm mới đổi tiền, công an lại xét một nhà thấy một số tiền gấp trăm số gia đình đó được phép đổi. Và chính phủ cũng phải làm ngơ.

Sau một phần tư thế kỉ được giáo hóa mà như vậy thì chúng ta phải kết luận ra sao

Có chế độ nào thay đổi được bản tính con người trong một hai thế kỉ không? Bao giờ mới đào tạo được con người xã hội chủ nghĩa để họ xây dựng xã hội chủ nghĩa đây, như Hồ chủ tịch nói?

Mỗi lần đổi tiền là một lần lạm phát. Cứ xét giá sinh hoạt từ 1975 đến nay ở miền Nam thì ít nhất cũng đã có sự lạm phát gấp 10 lần rồi: giá vàng 1975 là 400$ mới, bây giờ (tháng 5-1980) trên 6000$ (6); gạo bán ở chợ thời đó vào khoảng 20 xu mỗi một lít, bây giờ từ 2$ tới 6$, 8$ tùy nơi. Vật giá cũng tăng lên ít nhất là 10 lần.

Giá chính thức thì trái lại, tăng lên rất ít, nhiều lắm là gấp hai; nhưng chỉ công nhân viên được mua gạo với giá đó thôi, còn những nhu yếu phẩm khác thì không có để phân phối; rốt cuộc họ phải mua rất nhiều món ở chợ với giá gấp 10 lần, mà lương không tăng. Tình cảnh của họ thật bi đát. Nạn tà tà, vô kỉ luật, tham nhũng, ăn cắp, buôn lậu phát ra từ đó.
Còn thêm một hậu quả nữa. Dân sợ sự đổi tiền quá, không còn làm ăn gì được; mà dân càng sợ thì càng có nhiều kẻ tung tin vịt ra; mới đổi năm 1978, qua năm 1979 lại có tin đổi tiền nữa, kinh tế hóa khó khăn trong vài tháng, một số kẻ làm giàu thêm, một số nghèo thêm, rồi đầu năm 1980 lại có tin đổi tiền nữa, lần này cũng vịt nữa. Đời sống không được ổn định, dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, chẳng trách bệnh bao tử phát dữ dội, gấp mấy thời trước. Không ai muốn tiết kiệm nữa, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó; những quán ăn, tiệm cà phê nhiều hơn và đông khách hơn trước ngày 30-4-1975.

III. Kinh Tế

Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, bước đầu của chế độ cộng sản là nắm hết sự sản xuất và sự phân phối trong nước. Có nắm được như vậy thì mới mau bình sản được, mới diệt được sự bóc lột của cá nhân, sự bất công, mới giảm được sự bất bình đẳng, trong nguyên tắc. Ai cũng hiểu như vậy nhưng chỉ cộng sản mới can đảm, kiên nhẫn, cương quyết thực hành điều đó. Cộng sản “đáng phục” chỉ ở điểm đó, còn tinh thần nhân đạo, thương người nghèo của họ không hơn gì – nếu không nói là kém – Ki tô giáo, Phật giáo, Khồng giáo, Lão giáo…; mà lí thuyết của họ thì còn có thể đem ra bàn luận hoài được, khen cũng được mà chê cũng được.

A. Sản Xuất

Nông Nghiệp

Căn bản là sản xuất thức ăn: canh nông, mục súc. Đó là vấn đề số một, vì ba lẽ: ăn là nhu cầu số một; – hai phần ba nhân loại đang bị nạn thiếu ăn, mà nạn đói mỗi ngày một tăng; – sản phẩm kỹ nghệ nào cũng có thể tăng rất mau được nhờ máy móc, chỉ có thảo mộc, súc vật là không thể bắt chúng tăng năng suất mau và quá một mức nào đó được

Về nông nghiệp, hai nước cộng sản đàn anh Nga, Trung hoa đều thất bại. Sau sáu chục năm làm cách mạng, Nga vẫn thiếu lúa mì, phải mua của Mĩ, mà đất đai Nga xô rất rộng chứ; Trung hoa thì sau ba chục năm, dân vẫn thiếu gạo, thiếu thịt. Năm 1963, sinh viên một đại học Bắc kinh ba tháng liền phải ăn độn, có hồi ba năm không được ăn thịt, đói quá có kẻ phải đi xin ăn cảc bạn ngoại quốc vì sinh viên ngoại quốc ở Trung hoa được hưởng sự phân phối đặc biệt. (Un étudiant Africain en Chine - sách đã dẫn).

Năm 1973-1974 một số nhà báo ở Sài gòn tin rằng hễ chiến tranh chấm dứt thì nông nghiệp của mình phát triển mạnh lắm, dư nhiều để xuất cảng, nước sẽ giàu. Các vị đó tin ở “cách mạng xanh” và công việc khai hoang. Tôi đã bác những ý đó trên tờ Bách Khoa và trong cuốn Những Vấn Đề Của Thời Đại, đại khái tôi bảo: Chúng ta đừng nên quá tự tín, tự hào, mà nên so sánh nước mình với các nước láng giềng cũng nông nghiệp như mình, đất rộng cũng như mình, tức Thái lan, Miến điện. Trước thế chiến họ xuất cảng lúa gạo ngang mình hay hơn mình. Ba chục năm nay họ không bị chiến tranh như mình, nên khai phá thêm chứ không phải bỏ hoang đất đai, cũng áp dụng những kĩ thuật mới, cách mạng xanh như mình, mà sự sản xuất lúa gạo của họ chỉ đủ bù sự tăng gia dân số, và sự xuất cảng gạo của họ so với trước thế chiến không tăng bao nhiêu, có năm Thái lan không dám xuất cảng mà giữ lại để phòng đói. Dân tộc mình có thể siêng năng hơn họ, nhưng chắc chắn là không tài giỏi về nghề nông gấp năm gấp ba họ đâu, và chúng ta cứ nên khiêm tốn nhận rằng hòa bình trở lại, sẽ gặp những nỗi khó khăn cũng như họ, may lắm thì sự tăng gia nông sản chỉ đủ để bù vào sự tăng gia dân số thôi. Ông tổ của cách mạng xanh tôi không nhớ là ai, đã cảnh cáo nhân loại rằng cách mạng đó chỉ cứu được nạn đói trong ba chục năm thôi; sau ba chục năm nhân số trên địa cầu tăng lên gấp đôi thì cũng lại thiếu ăn nữa. Mà cách mạng xanh tới 1980 được ba chục tuổi rồi, cho nên nhiều kinh tế gia phương Tây đã lo trước rằng thập niên 80 nhân loại sẽ đói.

Quá tin ở sự khai phá đất hoang lại càng không nên. Chúng ta nên nhớ: bao nhiêu đất dễ trồng trọt thì đã trồng trọt cả rồi, còn lại toàn là đất cằn cỗi hoặc có phèn, có muối, hoặc xa xôi, thiếu nước, khai phá sẽ tốn công tốn của lắm.

Từ đầu thế kỉ, thực dân Pháp đã nghĩ tới sự khai phá Đồng tháp, họ nghiên cứu đi nghiên cúu lại, đo đạc, lập dự án này dự án khác, tốn khá nhiều tiền mà đến năm 1945 vẫn chưa làm được gì cả ngoài mấy con kinh đào, vì cái nạn lụt và phèn.

Cánh đồng Cà mau còn khó khai phá hơn nữa vì toàn là rừng đước, nước thủy triều ra vô.
Bao nhiêu đất phì nhiêu miền Đông họ đã trồng cao su cả rồi; đất hoang còn lại trồng lúa, trồng rau không được vì thiếu nước, chỉ để làm rừng lấy củi.

Muốn khai phá ba miền đố thì phải đầu tư nhiều lắm, dân mình nghèo, làm gì có đủ vốn.
Tóm lại tôi nghĩ rằng hòa bình trở lại, lo sản xuất lúa gạo để đủ nuôi dân đã là may, không mong gì làm giàu được. Năm 1975 tôi trình bày lại ý đó với một cán bộ cách mạng, họ cho tôi là bi quan, bảo: “Dân tộc mình thắng được Mĩ, hùng cường thứ nhì Đông Á, chỉ 5 năm nữa thì kinh tế mình sẽ thịnh, hai chục năm nữa sẽ đuổi kịp Nhật rồi vượt họ.”

Lại một năm sau nữa, một anh bạn học của tôi từ hồi tiểu học, lúc đó giúp việc cho tờ Tổ Quốc, đọc những bài của tôi đăng trên Bách Khoa từ cuối 1974 về nạn nhân mãn và đói trên thế giới, cũng không tin, bảo nhân loại đói là tại sự tổ chức xã hội không được công bằng, chứ thực phẩm sẽ dư để nuôi mười lần nhân số thế giới hiện nay, vì còn biết bao đất để khai phá, lại có thể lấy thực phẩm từ biển (rong), từ lòng đất (dầu lửa sẽ chế biến thành protéin)… Tôi cũng không cãi. Những lí lẽ đó đúng đấy, nhưng khai phá sa mạc Sahara để trồng lúa thì phải nấu nước biển thành nước ngọt rồi đưa vào sa mạc; việc nuôi rong làm thực phẩm còn phải thí nghiệm lâu mà cái nạn đói thì ở trước mắt kia kìa. Có những người dễ tin bánh vẽ quá. Họ thật sung sướng, tối chắc ngủ ngon. Có điều tôi không hiểu là tổ chức xã hội ở Nga tất phải công bằng mà sao Nga vẫn thiếu lúa mì sau sáu chục năm cách mạng.

Tôi không biết hai bạn cách mạng của tôi đó, năm ngoái (1979) đã đổi ý chưa, đã thấy dân mình đói, thiếu ăn chưa, và nông nghiệp của mình cũng thất bại nặng, có phần hơn Trung hoa nữa chưa?

● Ông thầy của chúng ta đã thất bại thì ta làm sao không thất bại được? Ai cũng nhận thấy ở Nga sở dĩ còn phải mua lúa, mua bắp của Mĩ vì nông dân Nga không thích làm trong các nông trường quốc doanh (sorkhose), mà những nông trường đó đã phải bãi bỏ, chỉ còn các artel, tức các hợp tác xã giữa thợ thuyền và nông dân. Chính sách tập thể có lợi chăng là lợi cho kẻ làm biếng, an phận, bất tài; còn người siêng năng thì muốn làm riêng, hễ sản xuất nhiều thì được hưởng nhiều. Tâm lí chung của con người là có lợi thì mới gắng sức, không ai muốn thằng ngay làm cho thằng còng ăn.

Hỏi thăm các bạn ở Bắc, ai cũng bảo hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó, xét chung, thất bại, chỉ trừ một vài nơi ở Thái bình… Trong nhiều hợp tác xã còn đất bỏ hoang, vì khó khai phá, không có lợi. Người dân chỉ chăm sóc khu vườn vài trăm thước vuông của họ thôi, lơ là với công việc chung vì làm cho hợp tác xã chỉ được trung bình 1 đồng một ngày thôi, không đủ sống. Lại thêm cái nạn nhiều nơi, bọn quản lí hợp tác xã cấu kết với nhau, gian lận, làm giàu, ức hiếp xã viên, họ là một bọn cường hào mới.

Ở trong Nam mấy năm đầu dân phải đóng thuế nặng, lúa bị thu mua nhiều quá với giá rẻ mạt, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt lại bị cán bộ ăn cắp bán chợ đen v.v…, rốt cuộc làm ruộng thì chỉ giữ được vừa đủ lúa để ăn tới mùa sau, không có dư để chi tiêu vào nhà cửa, quần áo, thuốc men… Do đó đại đa số nông dân chán ngán, không ham sản xuất.
Một nông trường quốc doanh thành lập ở Củ chi “thành đồng của Cách mạng”, ngay mấy năm đầu sau ngày 30-4-75, các thanh niên cách mạng, có học, có nhiệt tâm tới khai phá cho thành một nông trường kiểu mẫu, được chính phủ giúp đỡ nhiều phương tiện, nhiều ông lớn ở Sài gòn tới khuyến khích, vậy mà không hiểu sao chỉ trong một thời gian ngắn, không ai nhắc tới nữa, thất bại hoàn toàn.

Năm 1978 hay 1979 có lệnh thi đua lập hợp tác xã nông nghiệp. Trung ương không bắt nông dân phải gia nhập, nhưng địa phương nào cũng muốn lập công, bắt buộc, dọa dẫm nông dân. Bắt buộc thì họ vô, “vô mà không ra”, nghĩa là vô hợp tác xã nhưng không ra ruộng, hoặc ra trễ, múa một lát, rồi ngồi nghỉ, tán láo, về; lúa bị sâu, mặc, cỏ đầy ruộng, mặc… thu hoạch chẳng được gì cả, có nơi lúa xấu quá, họ không thèm cắt nữa. Làm biếng nhất là cán bộ, các đồng chí đó chuyên chỉ tay năm ngón, có kẻ chẳng buồn ra ruộng kiểm soát nữa. Nghe nói có nơi người ta dành một khu ruộng tốt cho các đồng chí lập một hợp tác xã kiểu mẫu, họ được phân phát cho đủ phân bón, xăng nhớt, thuốc trừ sâu, lúa giống tốt…, vậy mà cũng thất bại nặng. Các ông ấy đâu chịu chân lấm tay bùn (mặc dầu miệng vẫn nói “lao động là vinh quang”), cứ ở nhà, ở sở, bán chợ đen xăng nhớt, thuốc trừ sâu, phân bón của hợp tác xã để chia nhau, còn lợi hơn là làm ruộng mà chẳng phải đổ một giọt mồ hôi nào cả.

Cuối năm 1979 một số hợp tác xã đã giải tán, nông dân được tự do, làm riêng, chính sách thu mua (nghĩa là chính phủ buộc họ phải bán một số lúa cho chính phủ với giá chính phủ ấn định) cũng công bằng hơn, nên họ hơi phấn khởi, sản xuất nhiều hơn. Đó là chính sách của các nước Đông Âu như Ba lan, Hung, Tiệp khắc, Nam tư…, kết quả tốt đẹp hơn ở Nga, Trung hoa nhiều. Theo cuốn Lô gíc lịch sử của một tác giả Nga tôi quên tên, mới dịch ra tiếng Việt một hai năm nay, thì có nước Đông âu, nông dân vô hợp tác xã thì tài sản của mình được coi là cổ phần và được chia lời nữa.

Tôi nói hơi phấn khởi vì họ vẫn chưa tin chính phủ, sợ làm được vài năm, dư được bao nhiêu, chính phủ lại tìm cách lấy lại hết.

● Một thất bại nữa là chính sách đưa dân thành thị đi vùng kinh tế mới để khai phá đất hoang. Chính phủ giúp đỡ việc chuyên chở, cho một khu đất mấy trăm thước vuông ở một nơi còn bỏ hoang, không có nhà thương, trường học, cách xa đường lộ 5-6 cây số; năm đầu cấp cho mỗi người một số gạo đủ ăn.

Sau ngày 30-4-75, nhiều người rất phấn khởi, muốn sống một đời sống mới, xung phong đi kinh tế mới.

Tôi có một người bà con khoảng 50 tuổi, thời trước làm thư kí sở thuế ở Sài gòn, sống nhàn nhã, hơi phong lưu. Năm 1975, vợ chồng nghe tiếng gọi thiêng liêng của đảng, nổi bầu nhiệt huyết, bán hết tài sản (may là còn giữ một căn nhà ở Phú nhuận) rồi vợ chồng và 6 con dắt díu nhau đi vùng kinh tế mới ở Sông bé, bỏ nghề công chức, làm nhà khai sơn phá thạch để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Miền Sông bé là một khu rừng cỏ tranh không có kinh rạch gì cả, không làm ruộng được, phải phát cỏ tranh, đào giếng (sâu 6 thước) để lấy nước uống, mà nước thì đục ngầu. Mặc dầu vậy họ cũng rất tin tưởng, hăng hái phát cỏ, cuốc đất, cất nhà, làm vườn. Hái được trái bầu đầu tiên, họ rất vinh hãnh: “Lao động đúng là vinh quang“. Nhưng một năm chỉ trồng trọt được 6 tháng mùa mưa, khoai, đậu, bầu bí… không đủ ăn cho gia đình 8 người, trọn mùa nắng ở không, đi vào rừng đốn củi, đốn măng. Họ chịu đựng được non ba năm, khi hết chịu nổi, bán lại khu đất khai phá sơ sơ đó đi, và bán luôn cả nhà ở Sài gòn, về Cai lậy (Mĩ tho) mua một miếng đất, miếng này cũng vì thiếu nước, không làm ruộng được (công việc thủy lợi chỉ ồ ạt ở miền Tây, nhiều sông rạch nhất thôi), chỉ trồng được khoai mì, và mươi gốc xoài, dừa… nhưng trồng mà không được ăn vì chúng ăn trộm hết. Chịu đựng được hai năm (có hồi đói quá, xuýt phải ăn bèo), sau về Long xuyên nhờ chị em giúp cho ba công rưỡi ruộng ở ven thị xã. Ở đây làm ruộng được, nhưng đóng thuế rồi thì chỉ còn đủ lúa để ăn thôi. Tiêu pha thì phải nhờ vào nuôi heo, gà. Nhà họ ở giữa đồng, cách lộ 5-6 trăm thước, đi trên bờ ruộng đất sét mấp mô, trơn như trên sống trâu. Cái chòi một mái chỉ có 6 thước vuông, một cái giường, một cái võng. Mẹ và bốn con ngủ trên giường (vì hai đứa con đã gởi người bà con nuôi giùm), dưới gầm là một con heo lớn, một con heo con, chung quanh là một bầy gà. Chồng ngủ võng. Trời nắng thì ngủ ngoài trời được. Không có bếp, cầu tiêu, nước uống là nước trong một cái hầm đào để đắp nền nhà. Họ bảo tôi: “Tụi tôi không còn mong gì khác là nuôi con cho chóng lớn lên làm công nhân viên được mười mấy kí gạo một tháng thôi”.

Coi họ già và lam lũ như hạng lưu dân trong Đồng tháp mười hồi 1935. Tôi nghĩ chính hạng người đã hi sinh cả đời cha, đời con, đời cháu nữa để khai phá miền Nam này, sống cực khổ như mọi đó mới là khai quốc công thần, có phần gian lao hơn Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh nữa; nhưng khắp thế giới từ cổ đến kim, không ai nhắc tới họ; bây giờ người ta cũng để họ “sống chết mặc bay” mà còn bóc lột họ nữa.

Cảnh một gia đình công chức hồi hưu (tôi chỉ nghe nói chứ không được biết) còn bi đát hơn gia đình đó nữa: lỡ bán nhà ở Sài gòn để đi miền Sông bé, bốn năm sau, hết nhẵn vốn, về Sài gòn thì không có hộ khẩu, không có chỗ trú chân, phải đi xin ăn, ở nhờ bạn, nay nhà người này, mai nhà người khác.

Miền Sông bé thất bại nặng; người ta bỏ về lần lần hết. Ngay những thanh niên xung phong thấy đồng bào đi hết, cũng phải xin về. Tin lời hứa của cấp trên, hễ xung phong hai năm thì được bằng cấp “anh hùng lao động”, được vô đại học tại chức (7), những cậu có tú tài rồi, xin vô đại học, người ta nuốt lời, bắt thi, lại không cho họ nghỉ công tác để học thi, nên thi rớt và bây giờ lêu bêu ở Sài gòn, tìm cơ hội “vượt biên”.

Cũng có gia đình may mắn, tới một nơi đất tốt ở Long thành, trồng hoa màu, hai năm sau tự túc được, nhưng chính quyền địa phương đòi lại một nửa đất gia đình đó đã khai phá, lại bắt những thanh niên lao động giỏi trong gia đình phải vào sâu trong rừng khai phá một khu khác họ cấp cho. Như vậy là cướp công lao của dân, có khác gì bọn điền chủ thời Pháp thuộc chiếm đất nông dân đã đổ mồ hôi nước mắt để biến đồng hoang thành ruộng tốt. Những thanh niên đó cũng bỏ về Sài gòn nữa.

Và hiện nay nhiều đường ở Sài gòn đầy những người ở kinh tế mới về, vô gia cư, vô nghề nghiệp, ban ngày đi xin ăn, làm cu li hay ăn cắp, đêm ngủ vỉa hè, hoặc dưới mái chợ…
Cảnh sát, công an nhắm mắt làm lơ, chứ biết đuổi họ đi đâu bây giờ. Khắp các tỉnh đâu đâu cũng có tình cảnh đó

Chương trình đẩy một triệu dân Sài gòn đi kinh tế mới để đưa một triệu dân Bắc vào như vậy là thực hiện không được một nửa: đồng bào Bắc đã vào Sài gòn và còn vào nữa, nhưng đồng bào kinh tế mới cũng lại trở về Sài gòn, và Sài gòn đông nghẹt, bẩn thỉu hơn trước nhiều.

Nghe nói chính quyền đã sửa sai: bỏ chính sách kinh tế mới rồi. Đâu phải đất hoang nào cũng dễ khai phá!

● Một nguyên nhân thất bại nữa của chính sách nông nghiệp là thiếu kĩ thuật gia giỏi như một tờ báo kinh tế ở Hương cảng đã nhận xét.

Tôi nghe nói ngoài Bắc đào tạo rất nhiều kĩ sư canh nông và kĩ sư thủy lợi (hình như một tỉnh Thái bình hay Hà nam dùng cả ngàn kĩ thuật gia thủy lợi); như vậy rất hợp lí mà cũng đúng chính sách của Lénine. Nhưng tôi không hiểu kiến thức chuyên môn của các kĩ sư đó ra sao và được dùng vào việc gì mà ở trong Nam này, từ ngày 30-4-75, các công tác thủy lợi hầu hết do các cán bộ nông thôn mới học hết cấp I (hết tiểu học) điều khiền. Các đồng chí ấy bất chấp kinh nghiệm của nông dân, đã dốt mà lại độc đoán: có nơi lúa đã sắp trổ đòng đòng mà họ bắt nhổ đi hết, trồng thứ khác; có nơi họ bắt nông dân đào đất trong ruộng, chuyền tay nhau từng cục đất ra tới bờ rạch cách vài trăm thước để đắp một cái đập dài cả trăm(?) thước, đập Cát lái; mưa xuống một trận, nước rạch dâng lên, chảy xiết, đập vỡ, một số thanh niên bị nước cuốn đi mất xác. Vụ đó làm sôi nổi dư luận.

Thủy lợi là một môn rất khó; công việc thủy lợi ở miền Nam khó hơn ở ngoài Bắc nhiều vì ở đây sông rạch, kinh mương chằng chịt, lại có hai thứ thủy triều: thủy triều Nam hải (miền Vũng tàu chẳng hạn), nước biển lên rất cao, mực cao nhất cách mực thấp nhất đến 4 thước; mùa khô, thủy triều lên tới tận Nam vang, cách xa 300 cây số; và thủy triều trong vịnh Thái lan rất thấp, chỉ trên một thước thôi. Thêm một lẽ nữa, đất miền Nam nhiều nơi có muối, có phèn, lại thấp hơn mực nước trung bình của thủy triều, cho nên các kĩ sư Pháp thời trước rất thận trọng trong khi quyết định đào một con kinh, phải tính xem khi đào rồi, nước kinh sẽ chảy theo hướng nào lúc nước lớn, lúc nước ròng và ảnh hưởng tới kinh, rạch, ruộng nương chung quanh ra sao.

Cán bộ của mình không được học, không biết tính toán gì cả (8), mạnh làng nào làng ấy đào, chẳng hề xét có hậu quả gì bất lợi cho làng bên hay không; và kết quả nhiều khi trái ngược với ý muốn: muốn rút nước mặn nước phèn mà hóa ra đưa nước mặn nước phèn vào đất của làng mình hoặc làng bên, làm cho ruộng đương tốt hóa xấu, phải bỏ để trồng cỏ lác. Một huyện nọ sống về nghề nuôi vịt phải kiếm nghề khác vì vịt không chịu ở nước phèn.

Người ta đào kinh rất nhiều, miền nào cũng khoe đào được mấy chục con kinh, mấy trăm cây số kinh trong một mùa nắng. Có tốn kém gì đâu. Chỉ cần bắt thanh niên làm xâu, làm càng nhiều càng được tiếng “vinh quang”. Tới nỗi có miền dân phải ta thán, đặt ra câu ca dao này:

Mồ cha thằng Thiệu rời dinh,
Để tao ở lại đào kinh suốt đời.

Đầu năm 1978 hay 1979 người ta bắt dân ở tỉnh An giang đào một con kinh theo biên giới Miên. Kinh đào khá rộng khá sâu, đất đào lên dùng để đắp con đê theo bờ kinh phía Cao miên. Đắp đê đâu phải là việc dễ, phải trải từng lớp đất nện kĩ rồi mới trải lớp sau, đắp xong lại phải cấy cỏ, tưới thường cho nó sống. Đằng này người ta chỉ có việc khiêng đất tới, chất lên, nện sơ sơ cho xong việc. Như vậy một trận mưa lớn cũng đủ cho đê sụp từng chỗ và tới mùa nước lớn, làm sao đê chống nổi luồng nước lụt từ Miên đổ xuống, đê sẽ rã, đất sẽ trôi xuống lấp kinh. Tôi không biết hiện nay kinh và đê đó ra sao.

Tập cho thanh niên lao động chân tay, góp sức vào việc kiến thiết quê hương là điều tốt, nhưng người ta phí sức dân quá, coi thường mạng dân quá. Dân do đó thấy tủi cho thân phận mình: trong thời chống Pháp, chống Mĩ, dân hi sinh cho anh em kháng chiến, bây giờ bị coi như nô lệ.

Có ai làm thống kê xem trong bốn năm nay dân miền Nam này bỏ biết bao tài sản, sinh lực, nhân mạng vào những việc thủy lợi, khai hoang đó mà kết quả được bao nhiêu không? Miền Nam dân đông quá, hai mươi lăm triệu là ít, mà cái gì nhiều thì cũng hóa rẻ.

Công nghiệp

Xí nghiệp quốc doanh nào cũng lỗ nặng. Người ta không hề tính sản xuất một hóa phẩm phí tổn mất bao nhiêu, bán ra được bao nhiêu, lời hay lỗ. Cứ việc sản xuất, lổ cũng không sao, bán không được thì bắt dân tiêu thụ hoặc đổ đi.

Một kĩ sư ở Nga về đã trên mười năm, năm 1976 vào tham quan các xí nghệp lớn miền Nam bảo tôi rằng cảm tưởng đầu tiên và mạnh nhất của ông ta là các xí nghiệp trong này chú trọng đến cái “profit” (lời) quá. ông ta không hiểu nổi đó là một điều tự nhiên. Một cơ quan xuất bản, một tờ báo của chính quyền có lỗ cũng không sao, vì công việc đó có mục đích giáo dục quần chúng, không có tính cách thương mãi. Nhưng sản xuất một món hàng để xuất khẩu mà không tính lời, lỗ thì kinh tế làm sao đứng vững được.

Ngay như một tổ hợp vận tải trong nước mà lỗ hoài thì cũng phải dẹp tiệm, vì hết vốn, không có tiền mua xe mới để thay thế xe cũ.

Từ bia, nước ngọt, đến tôm cá, đồ hộp như khóm, màn trúc, quần áo may sẵn, đồ sơn mài… bất kì món gì, mới đầu phẩm còn kha khá, sau cứ mỗi ngày một tệ, bị ngoại quốc gởi trả về. Bia, nước ngọt có hồi bị trả về nhiều quá, bán cho công nhân viên không hết, tung ra bán cho dân, nhà nào cũng một tuần lễ được mua một hai lần; kì cục nhất là đường thì thiếu cho dân dùng mà nước ngọt thì dân tha hồ uống.

Tôi hỏi một người bà con ở Hà nội, họ bảo ở Bắc cũng vậy: công nghiệp mỗi ngày một xuống dốc. Những năm đầu (1955-1960), xe đạp chế tạo còn tốt, bây giờ tồi quá, dùng chưa đầy sáu tháng đã hư một vài bộ phận, lốp đã bể. Xe đạp là thứ cần thiết nhất, phổ thông nhất trong nước, mà như vậy thì những máy móc khác mới ra sao?

Nguyên nhân rất nhiều: quản lí dở, thiếu kĩ thuật gia giỏi – những kĩ sư giỏi không được dùng hoặc phải ở dưới quyền một kẻ dốt, có tuổi đảng cao hơn; chương trình, kế hoạch không bao giờ thực hiện được đúng vì thiếu nguyên liệu nhiên liệu, thiếu đủ thứ; vì các cơ quan không phối trí với nhau, chèn ép nhau là khác; vì chính sách làm chủ tập thể, máy móc không ai săn sóc, vật liệu không ai tiếc, tha hồ phí phạm, nhiều khi ăn cắp nữa; không có tinh thần trách nhiệm, ai cũng làm việc tà tà; lương ít quá, không đủ sống, mà siêng năng cũng chẳng được lợi gì, sáu năm mới lên một bực, lương tháng thêm mười đồng, mua được hai tô phở hay một kí đường.

Ngoài Bắc đã có câu:

Làm thì đói, nói thì no, bồ thì sướng, bướng thì chết.

trong Nam lại thêm câu:

Làm cho lắm tắm không quần thay, làm lai rai ngày thay ba bộ.

Đảng cộng sản là đảng của vô sản, của thợ thuyền, mà công nhân trong các xưởng tinh thần như vậy đó.

Lại còn cái này nữa: sở nào có việc nhờ sở khác giúp, muốn mau được việc, phải hối lộ sở đó; ngay sở công an cũng bị làm tiền. Việc thanh toán tiền nong giữa các sở với nhau rất bê bối! Sở thiếu nợ ỳ ra không chịu trả, sở chủ nợ không thu được, thiếu tiền, phải tạm ngưng hoạt động. Kiện ai?

Quyền của ngân hàng rất lớn. Cơ quan nào thu được bao nhiêu tiền cũng phải nộp ngân hàng, cần rút ra bao nhiêu cũng phải xin ngân hàng; mà ngân hàng có thể từ chối không phát hoặc lấy cớ là không có đủ ngân khoản nên chưa phát. Vì vậy cơ quan nào cũng làm thân với ngân hàng, mua quà cáp tặng nhân viên ngân hàng, đãi đằng họ… Xứ nào, thời nào mà chẳng vậy: kẻ giữ tiền mới thực sự làm chủ.

Các công ti công tư hợp doanh cũng lỗ vì công với tư rất khó hợp tác với nhau: công làm chủ thì tư tà tà, mà công thì quản lí rất dở, kĩ thuật rất kém, nghi kị tư, bao nhiêu quyền lợi, ôm lấy trọn.

Công ti tư doanh chỉ đứng được ít năm rồi cũng phải đóng cửa vì chính phủ cho số lời ít quá, thu thuế nặng quá, nhất là vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu. Như Công ti Giấy Bảo lộc (trong đó tôi có ít cổ phần nhờ xin rút được tiền ngân hàng để giúp trong việc sản xuất) hoạt động được hai năm thì miền Bảo lộc bị hạn chế điện, mỗi ngày máy chỉ chạy được 4 giờ buổi tối; rồi thiếu tre để làm bột giấy; chính phủ tự ý tăng giá tre bán cho công ti mà không cho tăng giá giấy bán cho chính phủ, rốt cuộc công ti lỗ, phải tặng hết tài sản cho chính phủ (tôi cũng đã tặng cổ phần của tôi, trị giá hai tnệu đồng cũ).

Các tổ hợp làm tiểu công nghệ của tư nhân như tổ hợp làm màn trúc, tranh sơn mài, đan áo, thêu, may áo… lây lất sống được là may, đa số phải ngưng hoạt động vì xuất khẩu không được, bán trong nước cũng không được.

Một ông bạn tôi mới cho hay chính quyền đã phải nhận rằng sức sản xuất của mình lúc này kém quá , có ngành chỉ được 5% , ngành nào phát triển nhất cũng chỉ được 30% khả năng thôi. Thế thì biết đời kiếp nào mới xây dựng xong xã hội chủ nghĩa?

Đã không sản xuất mà còn phá tài nguyên trong nước: phá rừng thông trên núi, rừng phi lao ở bờ biển, phá cả vườn cao su để lấy củi (bán ở Sài gòn), dùng mìn và đồ rà điện để bắt cá lớn cá nhỏ trong sông rạch (cá linh còn nhỏ bằng đầu đũa mà đã bắt để bán ở Long xuyên), bắn thú và chim, không có luật gì ngăn cấm cả. Làm chủ tập thể, nên không ai cấm ai được. Do đó nước mình trước kia tự hào là tiền rừng bạc bể mà nay đứng vào hàng mười nước nghèo nhất thế giới, có người nói vào hàng áp chót trên thế giới nữa. Lợi tức trung bình mỗi năm tính theo đầu người chỉ được 50 Mĩ kim, hai phần trăm của Nhật.

B. Phân phối

Nắm hết sự phân phối là nắm hết ngoại thương, nội thương. Tôi chưa được đọc một tạp chí nào về kinh tế xuất bản trong nước – có thứ đó hay không, tôi cũng không biết nữa – nên không rõ tình hình ngoại thương nước nhà mấy năm nay ra sao, nhưng chắc chắn là không tốt đẹp được. Nghe nói mình nợ của nước ngoài nhiều lắm rồi.

Xuất cảng chỉ còn than đá, xi măng, cao su, – hơn hay kém trước tôi không biết – những hàng lặt vặt như bia, đồ hộp, tranh sơn mài, tôm… thì không đáng kề, mà mỗi năm một suy như đã nói ở trên.

Nhập cảng cũng rất ít vì thiếu ngoại tệ, cho nên thứ gì cần lắm như xăng, nhớt, bột mì, máy móc mới bất đắc dĩ phải nhập khẩu; ngay đến dược phẩm cũng đành chịu thiếu thốn.

Thiếu ngoại tệ vì hai lẽ: không có gì để xuất khầu; ngoại quốc giúp, đầu tư vào nước mình rất ít. Nên kể thêm một nguyên nhân nhỏ nữa: cả triệu kiều bào ở ngoại quốc (Pháp, Mĩ, Tây đức, Canada, Nhật…) không muốn gởi tiền về giúp gia đình, họ hàng vì hối xuất chính thức thấp quá so với giá trên thị trường tự do. Một quan Pháp theo hối xuất chính thức chưa được 0,8 đồng (đầu năm 1980) thêm tiền thưởng của chính phủ nữa chỉ được 1,5 đồng, mà trên thị trường đen thì được 6 đồng. Cho nên Việt kiều mua đồ (vải, thuốc tây, thực phẩm, cả xà bông, bút bi…) gởi về cho thân nhân, thân nhân dư dùng thì đem bán, một món giá một quan Pháp có thể bán được ít nhất là 3 đồng, có khi được 4-5 đồng, 10 đồng theo luật cung cầu. Từ đó phát sinh ra nạn buôn lậu ; buôn lậu nhiều quá hóa ra buôn công khai ở chợ trời.

Năm 1981 nạn thiếu ngoại tệ và quí kim đã tới mức trầm trọng nên chính phủ đã phải dùng những biện pháp rất gắt để cấm tư nhân trữ những thứ đó.

Đánh tư bản
Hồi 30-4-75, ai cũng biết tư bản sẽ bị đập, thương mãi bị dẹp. Cho nên khi chính quyền ra lệnh các nhà buôn, nhà kinh doanh có môn bài, cửa tiệm phải đăng kí (kê khai), còn những thứ hàng nào, mỗi thứ bao nhiêu, giá bao nhiêu… (các người cho thuê nhà cũng phải khai) thì những người thức thời làm bản kê khai rồi tặng chính phủ. Dĩ nhiên ai cũng giấu một số nhiều hay ít đề phòng thân. Một nhà xuất bản khá lớn có nhà in riêng, có nhiều cao ốc cho Mĩ mướn, con đã đi ngoại quốc hết từ trước ngày 30-4-75, đem hiến hết cho chính phủ… và được chính phủ cho lại một ngôi nhà khá để ở, và họ được sống yên ổn.

Trái lại, một nhà xuất bản và nhà sách khác lớn hơn nhiều, tin rằng mình làm ăn đứng đắn, quen nhiều nhà văn cách mạng, sẽ được yên, nên chỉ tặng chính phủ một phần nhỏ tài sản thôi và rốt cuộc mất gần hết nhẵn mà lại phải đi cải tạo mấy năm. Trong mấy ngôi nhà chứa hằng triệu cuốn sách, hằng vạn nhan đề, thế nào nhân viên kiểm kê chẳng kiếm ra được vô số cuốn thuộc loại phản động, đồi trụy hay lạc hậu, và như vậy có cớ để tịch thu tài sản rồi.
Một hai nhà khác làm việc phát hành bị bắt giam và tịch thu gia sản trước hết vì bị trù từ trước. Nhưng một nhà khác cũng phát hành lớn lại được tương đối yên ổn nhờ trước có giúp kháng chiến kha khá.

Riêng tôi tuy cũng mang danh nhà xuất bản nhưng chỉ tự xuất bản một số rất ít (khoảng 1/10 những tác phẩm của tôi thôi, làm ăn có tính cách tiểu công nghệ – tôi viết, nhờ nhà khác in, rồi vợ chồng tôi bán lấy, bán tại nhà cho các nhà sách lớn và mấy nhà phát hành ở Sài gòn, không mướn một người làm công nào; lại thêm tác phẩm của tôi đứng đắn, được chính phủ cho là tiến bộ, cho nên được yên thân, không bị kiểm kê, mà lại được phép bán hết những sách còn lại trong kho, trừ mỗi một bộ – Văn học T.Q. hiện đại – mà sở Thông tin văn hóa không cấm, chỉ bảo “để xét lại” Tôi hiểu “để xét lại” có nghĩa là gì rồi, nên vài năm sau tôi xé bìa, bán cho “ve chai” hoặc dùng để đun bếp.

Tôi không kinh doanh, chỉ ghi lại như trên biện pháp của chính quyền đối với ngành sản xuất, ngành mà tôi được biết ít nhiều, nhưng chắc các ngành khác thì cũng vậy.

Chiến dịch kiểm kê đầu tiên để đập tư bản xảy ra cuối năm 1976. Chính phủ đã chuẩn bị kĩ lưỡng, dùng rất nhiều sinh viên, thanh niên, nhốt họ trong trường hay cơ quan, không cho về nhà, không cho tiếp xúc với người ngoài, dạy cho họ trong một tuần (?) cách thức kiểm kê ra sao, phát giác những chỗ giấu đồ ra sao – nhất là vàng, kim cương – của bọn tư bản. Thành phố xôn xao dữ dội, nhất là Chợ lớn, người nào hơi có máu mặt cũng lo lắng, tìm cách giấu đồ, di tản đồ có giá, vì mình tuy làm ăn lương thiện hay chẳng làm ăn gì cả, ki cóp suốt đời được mươi lạng vàng để dưỡng già, nhưng nếu có kẻ nào ghét, tố cáo bậy, nhà bị xét “các ông ấy” tịch thu hết thì lấy gì để sống? Vì không có chỉ thị rõ ràng gì cả. Đột xuất mà. Tùy các ổng hết. Trong cơn bão tố, ai biết được sét đánh vào đâu?

Cũng có xảy ra vài vụ oan ức: chỉ là trung thương hạng bét, bán mắm hay nước mắm gì đó mà cũng bị kiểm kê. Còn thì hầu hết đều là bọn đại tư bản ở Chợ lớn và khu thương mãi Sài gòn. Nghe nói ở Chợ lớn có nhà bị tịch thu hằng ngàn lượng vàng và vô số kim cương không sao đếm xuể, cứ thồn vào trong bao cột lại, không biết có cân, có niêm phong hay không. Sau vụ đó, một số người bỗng hóa ra giàu. Hậu quả là tài sản của giới này chuyển qua giới khác một phần lớn, chính phủ được hưởng một phần nhỏ.

Từ trước, thực dân Pháp và các chính quyền Việt đều biết Hoa kiều nắm hết, lũng đoạn nền kinh tế Việt nam (bài báo đầu tiên tố cáo nạn đó là của Đào Trinh Nhất viết trước 1935); nhưng nhà cầm quyền tự xét dẹp không nổi, sẽ làm xáo trộn kinh tế quá, thà để yên họ làm ăn mà lợi dụng họ còn hơn, nên họ được ung dung làm giàu, gởi tiền về Trung hoa; bây giờ chính quyền cách mạng mới quyết tâm đập họ, họ bái xái chứ vẫn còn sinh lực. Tất cả các tiệm lớn ở Chợ lớn, Sài gờn và các tỉnh bị đóng cửa, hàng hóa, của cải bị tịch thu, nhưng họ cũng đã giấu, dời được một số và số này lần lần xuất hiện ở chợ trời.

Kết quả lần đầu đó được khả quan nhưng chưa được mãn ý, hai năm sau – 1978 – chính phủ đập một vố nữa: kiểm kê lại những nhà đã kiểm kê rồi, cả những nhà đã trả môn bài, cống hiến một phần gia sản, xem họ còn giấu gì không. Lần này kết quả không tốt đẹp lắm mà hình như có trường hợp lạm quyền, chủ nhà gởi đơn khiếu nại tới trung ương và một hai năm sau, cứu xét xong, được thu hồi những gì đã bị tịch thu trái phép.

Chợ trời
Các tiệm lớn bị đóng cửa càng nhiều thì chợ trời càng phát đạt, càng đông, có đủ mặt hàng. Tất cả các tỉnh, các quận, đâu có buôn bán là đó có chợ trời. Chỉ cần nửa thước vuông bày mươi món hàng, nhưng cũng có những cái sạp lớn bán những đồ quí giá. Và cũng có những người cầm trong tay một chiếc đồng hồ, một cái áo đứng ở lề đường mời người mua. Cảnh sát lại đuổi thì họ chạy đi, cảnh sát đi khỏi rồi thì họ tụ trở lại, y như một bầy kiến bị ném một cục đá. Lâu lâu chính phủ dùng xe căm nhông chặn trước chặn sau, tuôn thanh niên xuống gặp thứ gì hốt thứ đó. Ít bữa sau, đâu lại vào đó. Họ đông quá, nhiều người thất nghiệp quá, phải kiếm ăn cách đó. Những người khác cũng thất nghiệp ở nhà buồn, ngày ngày đi dạo chợ trời, ngó kẻ mua người bán, đi hết một vòng chợ Bến thành và Chợ cũ thì vừa hết một buổi, qua được một ngày. Cho nên chợ trời luôn luôn đông như chợ phiên.

Chợ trời giúp cho cách mạng được nhiều: cán bộ ngoài Bắc vào mua đồng hồ, máy thâu thanh, ti vi, tủ lạnh, xe đạp, giầy dép, qưần áo…; cán bộ trong Nam được phân phối nhu yếu phẩm nào dư dùng cũng đem bán chợ trời (từ lon sữa đến gói thuốc, chiếc áo thun…) để mua một vật gì khác ở chợ trời, vì còn tiệm nào bán nữa đâu, mà những cửa hàng mậu dịch của chính quyền đã thiếu đủ thứ, tiếp khách lại như đuổi khách, không ai muốn vào.
Khi tịch thu một cửa tiệm, những món nào chính phủ không dùng mới đem bán cho dân: cũng treo bảng, dùng vài cô bán hàng, nhưng bán độ nửa tháng hết hàng, phải dẹp. Mà những hàng đó cũng ngang giá chợ trời.

Có một hồi, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cương quyết quét sạch chợ trời, bắt người ta đi kinh tế mới để thành phố bớt dân đi. Nhưng ai cũng biết chính phủ làm không nổi. Được một hai tháng rồi lần lần chợ trời lại mọc ra, mới đầu rụt rè, sau mỗi ngày mỗi mạnh, tới cái mức hơn trước nữa: chợ trời chẳng phải chỉ chiếm lề đường mà chiếm nửa đường xe chạy, có chỗ chiếm trọn đường, bít hẳn một khúc vài ba trăm thước (khu chợ Tân định), xe buýt phải đi vòng lối khác.
Tới mức đó thì chính quyền đành chịu thua. Chỉ có một cách dẹp chợ trời là kiếm công ăn việc làm đủ sống cho dân; đó là bổn phận của chính phủ, mà chính phủ làm không nổi: có thể nói 70-80% dân Sài gòn và các thị xã thất nghiệp, kẻ nào may mắn được làm công nhân viên hoặc ở trong một tổ hợp sản xuất, gia công (nghĩa là nguyên liệu chính phủ cung cấp, mình chỉ làm công thôi) thì không ai đủ sống, công việc lại không có đều đều, cũng kể như bán thất nghiệp. Vậy thì đành phải để người ta xoay xở, buôn bán bậy bạ, kiếm cơm cháo cho gia đình chứ. Vả lại chợ trời chẳng những giúp cho cán bộ như trên tôi đã nói, mà còn giúp cho chính phủ nữa: cơ quan nào cần cái gì thì cứ ra chợ trời, từ chiếc quạt máy, cái máy tính, dụng cụ y khoa, thuốc tây, đến cây bút bi… nếu không mua ở chợ trời thì mua ở đâu?

Từ khi trung ương ra lệnh “không ngăn sông cấm chợ”, chợ trời được thể, phát triển càng mạnh. Riêng ở thị xã Long xuyên (nội ô) nó phát gấp mười trước, đầy nghẹt các đường ở khu chợ, bán cả những đồ lậu từ Thái lan qua (đồng hồ điện tử có lẽ của Nhật bán kí lô: một kí lô 37 chiếc chỉ phải đổi ba chỉ vàng). Cứ một tiệm lớn bị dẹp mấy năm trước thì bây giờ mọc ra cả chục cái sạp. Trước có 10 tiệm thuốc tây, bây giờ có 120 sạp thuốc tây ở chợ trời. Tháng 8-1981 chính quyền mới ra lệnh dẹp hết các sạp thuốc tây, bắt họ phải mở tiệm, có dược sĩ kiểm soát để khỏi bán đồ giả. Phải có vốn lớn mới thuê nhà, mở tiệm, mướn dược sĩ được – nếu có đủ dược sĩ – như vậy là trở về chế độ tư bản trước 1975 rồi. Cái vòng lẩn quẩn. Tôi đã nói môn kinh tế là môn khó khăn nhất.

Phân phối nhu yếu phẩm

Việc phân phối nhu yếu phẩm cho nhân dân, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh giao cho phường. Ở tỉnh, dân không được, chỉ cán bộ mới được phân phối, nên việc đó giao cho các cơ quan.

Năm 1975 trong nước còn nhiều sản phẩm nên mỗi tháng mỗi người dân ở thành phố được mua đủ gạo ăn, một hay nửa kí đường, một ít thịt cá, xà bông, dầu lửa… Mới đầu giá những vật đó chỉ hơi thấp hơn giá chợ một chút, nhưng sau vì đồng tiền mất giá, giá ngoài chợ tăng lên hoài mà giá chính thức bán cho dân không tăng bao nhiêu, nên giá chợ có lúc bằng 5, bằng 10 giá chính thức.

Sở dĩ chính quyền không thể tăng giá chính thức được vì nếu tăng thì phải tăng lương công nhân viên tăng giá lúa thu mua của nông dân, sẽ xáo trộn kinh tế.

Năm 1979, sản phẩm trong nước cạn dần, chính phủ phân phối cho dân được rất ít: gạo, bo bo, mì sợi may ra còn được đủ, còn những thứ khác thì năm thì mười họa mới được một chút ít (ba bốn tháng không có đường, bột ngọt, diêm quẹt được một hộp, vải một năm được 2 thước, rồi 1 thước, 6 tấc mỗi người…) Công nhân viên được ưu đãi dăm tháng được 25 gam bột ngọt, mỗi tháng được vài ba lạng thịt; nhưng hạng cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn riêng, có “bìa” (9), thì được phân phối quá đầy đủ.

Đó là chính sách chung của các nước trong phe chủ nghĩa xã hội. Coi cuốn J’ai Choisi la Liberté của Kravchenko (sách đã dẫn) và cuốn Ombres Chinoisescủa Simon Leys (Union générale d’éditeurs – Paris, 1975) chúng ta thấy Việt nam y hệt Nga và còn thua Trung hoa một bực. Ở Trung hoa, Mao chia giới cán bộ thành 30 cấp (thời Chiến quốc, Trung hoa chỉ có 10 cấp thôi, theo sách tả truyện), mỗi cấp có tiêu chuẩn, đặc quyền riêng: y phục chia làm 3 hạng: hạng cao nhất may toàn bằng hàng tốt, áo có 4 túi, thức ăn chia làm 5 hạng. Cán bộ lớn thì phè phỡn, còn sinh viên chỉ được hai chén bột lỏng (trang 187). Vậy là Mao một mặt đả phong kiến, mạt sát Khổng Tử, hủy hết các giá trị nhân bản, cả nền văn hóa cổ, nhưng một mặt lại giữ các thói, tục phong kiến, trọng sự tôn ti hơn thời cổ nữa. Đọc báo tôi thấy mỗi lần có cuộc hội họp của các nhân vật quan trọng bất kì về một việc gì: đưa đón mộl sứ thần, khai mạc một cuộc triển lãm, điếu một đồng chí… tòa soạn cũng chép đủ các chức vụ của các nhân vật từ trên xuống dưới, mặc dầu những chức vụ đó có độc giả nào mà không biết. Và mỗi khi một vị mấy tháng trước ở địa vị thứ ba chẳng hạn, bây giờ bị sắp xuống hàng 4 thì dân chúng thì thầm, bàn tán, tìm lí do.

Chính phủ lại bắt dân hùn tiền lập hợp xã xã ttêu thụ nữa. Hộ nào cũng phải mua ít nhất là một cổ phần 5 đồng ngân hàng. Mới đầu còn bán vài chục món hàng không thuộc loại nhu yếu phẩm; từ 1979 thì gần như chỉ bán bầu, bí, nhiều nhất là rau muống, giá rẻ hơn ngoài chợ một chút nhưng phẩm kém. Mỗi năm tính lời một lần, số lời đem “tặng” chính phủ một phần lớn, còn bao nhiêu chia cho xã viên, nhưng không cho rút ra, mà chẳng được bao nhiêu, nên không ai xin rút ra. Cuối năm 1979, hợp tác xã phường tôi tuyên bố mất một cái máy tính, cả ngàn bao ni lông v.v… Ai thường cho xã viên đây?

Cách thức phân phối rất bất tiện cho dân. Khi có nhiều món hàng tới một lúc, phường phân phối cho mỗi hộ bao nhiêu thì hộ phải mua hết, cả những món không dùng tới, không thì không được mua món nào cả. Không được lựa chọn. Có hồi tháng nào cũng phải mua mấy chục viên đá lửa, kim chỉ, thuốc tháo dạ…

Thịt tới 12 giờ trưa, cũng kêu dân đi mua, cá tới hồi 11 giờ khuya, cũng đánh thức dân dậy. Các công sở lớn có hợp tác xã riêng. Giữa giờ làm việc, xe chở cá (thường là cá biển) tới, công nhân viên xách giỏ, ùa ra lựa cá rồi đem ngay lại máy nước trong sân tranh nhau rửa, làm cá; xong rồi mới trở về phòng làm việc, có người đem thẳng về nhà, nghỉ luôn buổi đó. Tôi nhớ lại những buổi dân làng tôi hồi xưa chia nhau thịt heo, thịt bò. Vui thật là vui.

IV. Giáo Dục – Văn Hóa

A. Giáo dục

Chính quyền rất coi trọng giáo dục, mở rất nhiều nhà trẻ, trường học từ mẫu giáo tới đại học. Giáo dục mới đầu hoàn toàn miễn phí (10), do đó có vẻ rất bình đẳng. Ở đại học, sinh viên nào cũng được trợ cấp mỗi tháng 18 đồng, tuy không đủ, nhưng cũng đỡ cho cha mẹ. Dĩ nhiên phải như vậy, nếu không thì không ai cho con học đại học được.

Các đồng bào thiểu số cũng được dạy dỗ như người kinh, đó cũng là điểm đáng khen nữa.
Trẻ em được cưng nhất, được coi là cháu bác Hồ. Nhà trẻ nào cũng đẹp, có vườn rộng. Tại khu tôi ở, trên đường Nguyễn Văn Trỗi (xưa là Trương Minh Giảng), hai nhà trẻ ở cách nhau có vài trăm thước, đều rộng rãi, mát mẻ; hồi mới mở, đi ngang qua tôi còn thấy mươi trẻ em và vài cô giáo, một năm sau không thấy bóng trẻ nữa. Cha mẹ không muốn gởi con, vì chúng không được săn sóc kĩ, mà thuê một người già giữ giùm. Ở Hà nội có những tư nhân chuyên giữ trẻ tại nhà mình, mỗi trẻ phải trả mười, mười mấy đồng một tháng. Có phúc nhất là được ông bà nội hay ngoại trông nom cho. Nhiều bạn già của tôi phải làm “Vú đực” giữ cháu. Cái gì quốc doanh cũng không bằng tư doanh.

Chỉ vì lương cán bộ ít quá, đói thì ai mà hăng hái cho được.

Mỗi thị xã có một cung thiếu nhi. Đúng là một cái cung: rộng lớn, lộng lẫy ở giữa một khu vườn trồng nhiều cây cao, bóng mát.

Các trường mẫu giáo mọc ra như nấm. Riêng thị xã Long xuyên đầu năm 1975 chỉ có dăm trường, thì năm 1980 có tám chục trường (kể cả ngoại ô) (11). Điều đó dễ hiểu. Trẻ em là mầm non của quốc gia, trẻ lại dễ uốn, tương lai của chế độ ở trong đám đó, cho nên cần phải đào tạo kĩ, khắp.

Và người ta dạy phải ghi ơn bác Hồ trước hết. Sau ngày 30-4-75 mấy tháng, một cô giáo hỏi các em một lớp mẫu giáo ở Long xuyên:

- Ai nuôi nấng các em?

Chúng nhao nhao lên, vui vẻ đáp:

- Thưa cô, ba má.

Cô giáo bảo:

- Không phải. Bác Hồ nuôi chứ không phải ba má.

Và cô chỉ hình bác Hồ cho chúng coi. Chúng tiu nghỉu, chẳng hiểu gì cả. Bác Hồ là ai? Chúng đã gặp lần nào đâu? Có bồng bế chúng lần nào đâu? Có mua kẹo bánh cho chúng đâu? Cha mẹ các em đó nghe con kể vậy, bất bình, có người không cho con tới lớp nữa. Họ không hiểu đường lối cách mạng, lạc hậu quá.

Họ không hiểu chế độ ta là chế độ tập thể, cá nhân phải tách gia đình để sống trong cơ quan, gia đình không quan trọng bằng đoàn thể, vậy thì trẻ thoát li gia đình càng sớm càng tốt, vợ chồng sống xa nhau càng nhiều càng tốt; ở Bắc vợ chồng làm việc ở hai tỉnh, vài tháng mới gặp nhau một lần là chuyện thường. Lí tưởng là trẻ mới sinh ra, được xã hội nuôi thay cha mẹ, dạy cho tới khi thành người, thành cán bộ. Lí tưởng đó chưa biết bao giờ mới đạt được. Hiện nay cán bộ vẫn phải cần có đại gia đình, có cha mẹ trông nom con cái cho, nấu ăn cho, làm nhiều việc trong nhà cho, vì ở tập thể họ thấy không thích bằng ở nhà riêng; cho con vô nhà trẻ không bằng có cha mẹ săn sóc cho. Nhà tôi ở Long xuyên không năm nào không giữ giùm một vài đứa trẻ, con của mấy đứa cháu đảng viên cán bộ. Thiếu nữ Hà nội trong giới phong lưu những năm trước thế chiến, khi kiếm chồng chỉ đặt một điều kiện: Phi cao đẳng bất thành phu phụ; Thiếu nữ ngày nay đặt tới năm điều kiện mà họ gọi là 5B: Bằng cấp, Bìa, Buồng, Bà, Bình bịch, nghĩa là có bằng phó tiến sĩ, có sổ riêng của hạng cán bộ cao cấp để mua nhu yếu phẩm, có buồng riêng, vợ chồng không phải ở chung với một gia đình khác trong một phòng ngăn đôi tại cơ quan, có bà nội hay ngoại làm bếp, giữ con cho, và có xe máy dầu (Honda, Vespa…) mà ngoài Bắc gọi là xe bình bịch. Tôi không biết phụ nữ các nước xã hội chủ nghĩa khác có đòi nhiều như vậy không, nhưng đọc sách báo, tôi thấy họ cũng không muốn sống tập thể mà ước ao có một “ổ ấm” riêng, như phụ nữ các nước tư bản.

Khi mới mở thêm trường mẫu giáo nào, cô giáo phải đi năn nỉ từng nhà gởi con tới học. Em nào nghỉ lâu quá mà không cho hay thì cô giáo phải đích thân tới tận nhà hỏi xem vì lí do gì. Cô nào chán dạy, xin thôi thì hiệu trưởng phải tới nhà năn nỉ đừng thôi; họ cũng cứ thôi, thôi nhiều quá. Kì khai giảng 1980-1981, Long xuyên có khoảng 100 cô giáo mẫu giáo thôi dạy mà thị xã chỉ đào tạo cấp tốc được 70 cô (12); niên khóa 1981-1982 cần 100 cô, chỉ có 15 đơn xin dạy.

Học mẫu giáo một hai năm, sáu tuổi lên cấp I, năm năm sau lên lớp 6, cấp II, khỏi thi. Lên lớp 10, cấp III thì phải thi.

Năm 1975, một giáo viên cấp I ở Bắc vào cho tôi hay trong cả 3 cấp đó, giáo viên giờ học nào cũng phải tuần tự theo đúng 5 bước: bước 1: ổn định lớp trong 2 phút; bước 2: kiểm tra bài cũ 10 phút; bước 3: giới thiệu bài mới 1 phút; bước 4: giảng bài mới 20 phút; bước 5: củng cố bài mới, tức tóm tắt lại cho học sinh hiểu rõ, dễ nhớ. Năm bước đó từ xưa nhà giáo nào cũng biết, cũng theo, chỉ khác là không bị khép vào thời điểm: bước 2 và 4 có thề dài ngắn tùy môn.

Điều lạ lùng nhất là người ta còn bắt buộc:

● Cùng một ngày đó, một giờ đó, tại khắp các trường (ít nhất là cấp I) trong nước từ Lạng sơn đến Cà mau phải dạy cùng môn đó, cùng một bài đó, cùng trong một sách đó.

● Hơn nữa, trong một giờ học đó, tới phút nào đó, các giáo viên toàn quốc cũng phải làm những công việc đó, hỏi lại bài cũ chẳng hạn, rồi tới phút nào đó lại nhất loạt làm công việc sau, chẳng hạn giảng bài mới…;

● Cùng một trường, các giáo viên dạy cùng một lớp phải họp nhau cùng soạn bài với nhau cho ngày hôm sau để cùng đặt những câu hỏi như nhau khi hỏi lại bài cũ, cùng giảng những điều như nhau khi dạy bài mới…

Tôi hỏi giáo viên cấp I ở Bắc vào đó:

- Thế lỡ hôm đó thầy giáo một lớp nào đau, nghỉ thì sao?

Đáp:

- Có người thay.

Lại hỏi:

- Ở trong Nam này miền Tây nhiều nơi vào giữa mùa lụt trường phải tạm đóng cửa nửa tháng thì sao?

- Tôi không biết. Ti giáo dục ở tỉnh sẽ giải quyết.

Tôi lại hỏi:

- Ỏ Nga, Trung hoa có vậy không?

- Đó là chính sách của Nga, mình theo họ, không biết Trung hoa có theo không.

Tôi nghĩ bụng: những chỉ thị vô lí như vậy, ai mà thi hành triệt để được, sẽ thành “lettre morte” như người Pháp nói thôi. Và quả nhiên năm 1981 nó đã thành như vậy.

Nhà giáo đó lại còn cho tôi hay: sách giáo khoa mà sai – và vẫn thường sai – chẳng hạn bảo Sài gòn nằm trên bờ sông Cửu long thì tất cả các giáo viên cũng phải dạy sai như vậy, không được phép sửa; rồi báo cáo lên ti, ti lên bộ. Chỉ có bộ mới có quyền sửa sai, và phải hai ba năm sau, in sách mới, người ta mới sửa.

Tôi thấy kì cục quá, không tin nổi, năm sau hỏi một giáo sư đại học Hà nội, ông xác nhận là đúng: cái gì bộ giáo dục in thì phải coi là pháp điển, phải tuân theo triệt để. Nhưng ông ta lại nói thêm: một trường cấp Il nọ gặp trường hợp đó cho phép giáo viên muốn dạy theo sách cũng được, muốn dạy đúng sự thực cũng được; cấp trên có hỏi, ông ta sẽ trả lời và chịu trách nhiệm.

Tôi hỏi:

- Như vậy thì cứ dạy đúng sự thực?

- Chỉ có một số ít thôi, còn đa số theo đúng sách, không dám sửa.

Tôi hiểu chính sách của người ta rồi: luyện tinh thần kỉ luật, làm tiêu ma óc phán đoán, ý chí cá nhân; và tôi không trách một đứa cháu tôi ở Hà nội, một cán bộ cao cấp vào hạng trí thức, năm nay trên 60 tuổi, có tú tài Pháp hồi thế chiến thứ nhì mà không có một chút tinh thần phê phán nào hết, trên nói sao thì tin vậy, đúng như người Pháp nói; có thể “avaler touts sorts de couleuvres”.

Muốn vô đại học thì sức học không quan trọng bằng lí lịch. Gần đây một hiệu trưởng ở Hà nội có uy tín, được sinh viên trọng, phải nhường ghế cho người khác vì ông ta có lương tâm, thí sinh điểm cao mới cho vô học, lại công bố số điểm của mỗi thí sinh nữa, bị cấp trên trách là không có lập trường giai cấp. Còn ở Nam thì một ông bạn tôi làm ở ti giáo dục thành phố Hồ Chí Minh bảo chính phủ sắp các thí sinh thành 12 thành phần: thành phần 12 thấp nhất gồm con ngụy quân, ngụy quyền hạng nặng; rồi tới thành phần 11 gồm con ngụy quân ngụy quyền hạng trung, cha còn đương “cải tạo”; cao hơn một cấp là con ngụy quân ngụy quyền hạng nhẹ, con đại tư bản v.v…, cao hơn nhiều là con lao công, thợ thuyền, cao nhất là con gia đình cán bộ hay hệt sĩ… Tôi nhớ đại khái như vậy. Những thí sinh thuộc thành phần 12, 11, 10 thì dù học giỏi cũng không được chấm bài, đừng thi vô ích. Vì vậy mà trên tôi đã nói: giáo dục chỉ có vẻ bình đẳng thôi. Một cán bộ giáo dục ở Hà nội mới phàn nàn với tôi: con mình học giỏi, có tên trong danh sách được tuyển đi học ở Nga, mà không chạy chọt thì già đời cũng không được đi.

Có nơi thí sinh không có quyền lựa trường. Tỉnh cần bao nhiêu sinh viên trong ngành nào thì chỉ cho thi vào những ngành đó lấy đủ số thì thôi.

Ở Đại học và Cao đẳng, sinh viên ăn ở tập thể, được nhà trường nuôi, nhưng vẫn phải xin cha mẹ mỗi tháng từ 100 đến 200 đồng để mua thêm thức ăn. Ra trường chắc chắn được bổ dụng, số lương cao nhất mới đầu chỉ vào khoảng 60 đồng (từ 1980 trở về trước, giữa 1981 mới tăng lên). Thủ trưởng bắt làm gì cũng phải làm: cán sự điện tử mà làm lao công, dược sĩ mà giữ kho… Một đứa cháu tôi học lớp 11 được khen là tiên tiến mà muốn bỏ học, tập bán chợ trời, cha mẹ khuyên bảo gì cũng không nghe, đáp: “Dù con có học 5-6 năm nữa thì cũng chỉ tốn tiền ba má, mà tốt nghiệp ra, làm kĩ sư thì cũng không đủ ăn, tối về vẫn phải đạp cyclo để kiếm thêm, thôi thì tập buôn bán hay lao động từ bây giờ lại hơn.”

Vì tất cả những lẽ trên, ở Nam thanh niên chán học, số học sinh lớp 12 kém xa năm 1974 như trên tôi đã nói.

Một điểm tấn bộ là chính quyền mở nhiều lớp bổ túc văn hóa cho công nhân viên, cán bộ. Dạy buổi tối, mỗi tuần học hai buổi, mỗi buổi 2 giờ. Có đủ các cấp I, II, III. Vài cán bộ y sĩ, dược sĩ bốn năm chục tuổi, thời kháng chiến không được học, nay học bổ túc từ lớp tư, lớp năm; đêm nào cũng học, một năm lên 2, 3 lớp.

Học xong mỗi khóa phải thi. Nhưng thi rất dễ. Nghe nói có thầy đọc câu trả lời cho thí sinh chép, vì bắt những cán bộ mấy chục tuổi đảng thi lại hoài thì cũng kì, mà lại bị cấp trên trách là không biết dạy. Tiện hơn hết là cho đậu bừa đi. Ai cũng biết đó chỉ là hình thức. Có dược sĩ trình độ mới tới lớp tư, học rút trong hai năm hết lớp 10, như vậy đủ rồi. Một nhân viên công an cấp cho tôi giấy phép đi đường một tháng mà đề từ 31-1 đến 31-2-1980.

B. Văn hóa

Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền là hủy tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyển Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Năm 1976 một ông thứ trưởng Văn hóa ở Bắc vào thấy vậy, tỏ ý tiếc

Nhưng ông thứ trưởng đó có biết rõ đường lối của chính quyền không, vì năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc hủy sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh hủy hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kĩ thuật, các tự điển thôi; như vậy chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lí, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của cha ông mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam đều phải hủy hết ráo.

Năm 1975, sở Thông tin văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã bắt các nhà xuất bản hễ sách nào còn giữ trong kho thì phải nạp hai hay ba bản để kiểm duyệt: sau mấy tháng làm việc, họ lập xong một danh sách mấy chục tác giả phản động hay đồi trụy và mấy trăm tác phẩm bị cấm, còn những cuốn khác được phép lưu hành.

Nhưng đó chỉ là những sách còn ở nhà xuất bản, những sách tuyệt bản còn ở nhà tư nhân thì nhiều lắm, làm sao kiểm duyệt được? Cho nên sở Thông tin văn hóa ra chỉ thị cho mỗi quận phái thanh niên đi xét sách phản động, đồi trụy trong mỗi nhà để đem về đốt. Bọn thanh niên đó đa số không biết ngoại ngữ, sách Việt cũng ít đọc, mà bảo họ kiểm duyệt như vậy thì tất nhiên phải làm bậy. Họ vào mỗi nhà, thấy sách Pháp, Anh là lượm, bất kì loại gì; sách Việt thì cứ tiểu thuyết là thu hết, chẳng kể nội dung ra sao. Họ không thể vào hết từng nhà được, ghét nhà nào, hoặc công an chỉ nhà nào là vô nhà đó.

Một nhóm ba thanh niên cũng xin vào xét tủ sách của tôi. Nhà tôi tiếp họ, hỏi:

- Các cháu học ở đâu? Có đọc sách ông Nguyễn Hiến Lê không?

Một người học Đại học, đáp có đọc sách tôi. Nhà tôi bảo:

- Nhà này là nhà ông Nguyễn Hiến Lê đấy.

Họ vội vàng xin lỗi rồi rút lui.

Lần đó sách ở Sài gòn bị đốt kha khá. Nghe nói các loại đồi trụy và kiếm hiệp chất đầy phòng một ông chủ thông tin quận, và mấy năm sau ông ấy kêu người lại bán với giá cao.
Lần thứ nhì năm 1978 mới làm xôn xao dư luận. Cứ theo đúng chỉ thị “ba hủy”, chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải hủy hết, vì nếu không phải là loại phản động (một hủy), thì cũng là đồi trụy (hai hủy), không phải phản động, đồi trụy thì cũng là lạc hậu (ba hủy), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn tự điển, toán, vật lí… Mọi người hoang mang, gặp nhau ai cũng hỏi phải làm sao. Có ngày tôi phải tiếp năm sáu bạn lại vấn kế.

Mấy bạn tôỉ luôn nửa tháng trời, ngày nào cũng xem lại sách báo, thứ nào muốn giữ lại thì gói riêng, lập danh sách, chở lại gởi nhà một cán bộ cao cấp (sau đòi lại thì mất già nửa); còn lại đem bán kí lô cho “ve chai” một mớ, giữ lại một mớ cầu may, nhờ trời.

Một luật sư tủ sách có độ 2.000 cuốn, đem đốt ở trước cửa nhà, chủ ý cho công an phường biết. Rồi kêu ve chai lại cân sách cũng ngay dưới mắt công an.

Ông bạn Vương Hồng Sển có nhiều sách cổ, quí, lo lắng lắm mà cũng uất ức lắm, viết thư cho sở Thông tin văn hóa, giọng chua xót xin được giữ tủ sách, nếu không thì ông sẽ chết theo sách.

Một độc giả lập một danh sách các tác phẩm của tôi mà ông ta có trong nhà, đem lại sở Thông tin hỏi thứ nào được phép giữ lại, nhân viên Thông tin chẳng cần ngó tên sách, khoát tay bảo: Hủy hết, hủy hết.

Bà Đông Hồ quen ông Giám dốc thư viện thành phố, bán được một số sách cho thư viện, tặng thư viện một số khác với điều kiện được mượn đem về nhà mỗi khi cần dùng tới.
Tôi nghe lời khuyên của một cán bộ Văn hóa, làm đơn xin sở Thông tin văn hóa cho tôi giữ tủ sách để tiếp tục làm việc biên khảo, đơn đó ông bạn cán bộ đem thẳng vô ông chủ sở, ông này chỉ đáp miệng rằng tôi là nhân sĩ thành phố, cứ yên tâm. Họ có thói việc lớn, việc nhỏ gì cũng không trả lời bằng thư, sợ lưu lại bút tích mà chịu trách nhiệm.

Ít tháng sau tình hình dịu lần rồi yên, không nhà nào bị kiểm kê. Chính quyền bảo để xét lại và một năm sau, nạn “phần thư” kể như qua hẳn (13). Tủ sách của tôi không mất mát gì cả, nhưng từ đó tôi không ham giữ sách nữa, ai xin tôi cũng cho.

Ngành báo chí và ngành xuất bản, chính quyền nắm hết vì coi đó là những công cụ giáo dục quần chúng. Ở Sài gòn chỉ thấy bán vài tạp chí Nga, Ba lan, tư nhân muốn mua dài hạn phải đăng kí trước ở sỏ Bưu điện. Một người cháu tôi từ Pháp gdi về cho tôi một tờ Nouvel Oservateur (của khối cộng), số đó bị chặn lại. Nghe nói tờ Humanité của đảng cộng sản Pháp cũng không được bán trong nước.

Tôi chưa thấy một cuốn sách Nga hay Trung hoa nào bán ở Sài gòn, trừ mấy cuốn về Lénine, về khoa học đã được dịch ra tiếng Việt. ở các thư viện Hà nội có thể có sách bằng Nga văn hay Hoa văn nhưng chỉ cán bộ mới được phép coi, mà cán bộ trong ngành nào chỉ được coi về ngành đó thôi. Cũng có người đọc lén được.

Sau ngày 30-4-75, tôi muốn tìm hiểu cách mạng Nga từ 1917 đến 1945, nhờ mấy bạn cách mạng tìm sách cho, họ bảo chính họ cũng không được đọc vì không thấy một cuốn nào cả. Sau tôi mới biết rằng loại đó ngay ở Nga cũng không ai được phép viết. Như vậy kiến thức hạng trí thức ngoài đó ra sao, ta có thể đoán được. Một nhà văn hợp tác với viện khoa học xã hội lại nhờ tôi giới thiệu cho mươi nhà văn, học giả giỏi tiếng Anh và tiếng Việt dể dịch cho viện bộ Bách khoa tự điển Anh gồm 25 cuốn, mà phải dịch gấp vì đó là chỉ thị của một ông “bự”. Tôi bảo có 50 nhà dịch cũng không nổi vì phải tạo hằng ức danh từ mới (riêng ngành Informatique trong 30 năm nay đâ có một vạn thuật ngữ rồi); mà ví dụ có dịch nổi thì cũng phải mất ít nhất mười năm mới xong; xong rồi lại phải dịch lại hoặc bổ túc rất nhiều vì lỗi thời mất rồi: ở Anh, mỗi năm người ta sửa chữa, bổ túc, in lại một lần; rồi lại phải bỏ cả chục năm nữa, không biết có in xong được không. Xong rồi, bán cho ai, ai đủ tiền mua? Cán bộ Văn hóa vào hàng chỉ huy mà dốt tới mức đó!

Tháng 4-1980, có một thông cáo cấm kiều bào hải ngoại gởi một số đồ nào đó về cho thân nhân trong nước, như quần áo cũ, các thực phẩm đóng hộp, các thuốc tây không có prospecties cho biết cách dùng, trị bệnh gì…, mà chỉ cho người ta một thời hạn không đầy một tháng để thi hành. Kẻ nào thảo thông cáo ra quyết định đó không hề biết rằng những gia đình có thân nhân là kiều bào ở những nơi xa xôi, hẻo lánh khắp thế giới, phải viết thư cho họ thì họ mới biết mà thi hành chỉ thị được; và ở thời này, thư máy bay từ Sài gòn ra Hà nội mất có khi một tháng (trường hợp của tôi), từ Sài gờn qua Pháp, Gia nã đại mất hai tháng, có khi bốn tháng. Báo chí vạch điểm đó ra cho chính quyền thấy, họ mới gia hạn cho thêm 5 tháng nữa. Trị dân mà không biết một chút gì về tình cảnh của dân cả. Họ có vận dụng trí óc của họ không?

Còn hạng nông dân ngoài Bắc thì khờ khạo, ngớ ngẩn so với nông dân trong này không khác gì một người ở rừng núi với một người ở tỉnh. Mấy anh bộ đội bị nhồi sọ, trước 1975 cứ tin rằng miền Nam này nghèo đói không có bát ăn, sau 30-4-75, vô Sài gòn, lóa mắt lên, mới thấy thượng cấp các anh nói láo hết hoặc cũng chẳng biết gì hơn các anh.

Một anh bộ đội đi xe đò từ Long xuyên lên Sài gòn nghe hai chị bình dân miền Nam nói với nhau lên Sài gòn sẽ mua xe tăng, máy bay, tàu chiến… mỗi thứ vài chục cái; anh ta hoảng hồn, tới trại kiểm soát vội báo cho kiểm soát viên hay có gián điệp trên xe. Chiếc xe phải đậu lại ba bốn giờ để kiểm soát, điều tra rất kĩ, sau cùng mới hay rằng hai chị hành khách đó đi mua máy bay, xe tăng, tàu chiến bằng mủ về bán cho trẻ em chơi. Hành khách trên xe nổi dóa, chửi thậm tệ anh bộ đội; khi xe tới bến Phú lâm, họ còn đánh anh ta tơi bời nữa. Kết quả của nền giáo dục miền Bắc như vậy. Chính một cán bộ nói với tôi: “Càng học càng ngu. Thầy ngu thì làm sao trò không ngu? Nhồi sọ quá thì làm sao không ngu? Có được đọc sách báo gì ngoài sách báo của chính quyền đâu thì còn biết chút gì về thế giới nữa?”
Một cán bộ khác cho tôi hay ở Hà nội người nào có được 50 cuốn sách là nhiều rồi. Anh ta mới thấy ba trong số 9 tủ sách của tôi đã bảo nhà tôi nhiều sách như một thư viện. Nhà bác học Sakharov trong một bài báo tôi đã dẫn, bảo ở Nga không có đời sống tinh thần (vie intellectuelle). Chúng ta có thể tin lời đó được.

Trước 1975, thấy cuốn nào in ở Bắc cũng từ 10.000 bản trở lên, có thứ 30.000, 100.000 bản, tôi và các bạn tôi phục đồng bào ngoài đó ham đọc sách. Bây giờ tôi hiểu lí do. Hà nội mỗi năm xuất bản không biết được 100 nhan đề không (trong này, thời trước được khoảng 1.000 nhan đề); sách được gởi đi khắp nơi không có sự cạnh tranh, mà ai cũng “đói sách”; lại thêm nhiều sách có mục đích bổ túc cho sách giáo khoa, nhất là loại dạy chính trị, như vậy in nhiều là lẽ dĩ nhiên. Sách bán rất rẻ, nên cuốn nào viết về văn học, sử học mới ra cũng bán hết liền. Mấy năm nay, giấy khan, in ít, sách vừa phát hành đã bán chợ đen ở Hà nội, không vào được tới miền Nam; những cuốn như lịch sử tỉnh Vĩnh phú, ngay cả bộ Hồ Chí Minh toàn tập, ở Long xuyên không làm sao kiếm được một bản, các cơ quan giáo dục cũng không mua được. Trái lại bộ Lê Nin toàn tập giấy rất tốt, thì ở khắp miền Nam bán chạy veo veo; người ta mua về để bán kí lô.

Tóm lại, chính sách là chỉ cho dân được nói theo một chiều, trông thấy một hướng; nên chỉ một số rất ít giữ được tinh thần phê phán, nhưng chẳng thi thố được gì, sống nghèo khổ, bất mãn.

V. Y Tế

Tại các nước tiên tiến ở Tây phương, trung bình cứ 1.000 dân có một bác sĩ; mà họ cho là còn thiếu, phải tăng gấp đôi số bác sĩ mới đủ. Ở miền Nam nước mình, trước 1975 khoảng 10.000 dân có một bác sĩ, mà đa số làm việc ở thành thị, thành thử nông thôn có nơi 20.000 dân mới có một bác sĩ. Như vậy bất công, sức khỏe nông dân không được săn sóc, họ phải dùng thuốc bắc, thuốc nam do các thầy lang bốc cho.

Tình trạng đó chung cho các nước kém phát triển. Trước 1975 tôi được đọc một cuốn của một bác sĩ Âu nghiên cứu các nước đó ở Phi châu. Đại ý ông đề nghị phải đào tạo thật mau nhiều nhân viên y tế cho nông thôn. Cho họ học độ sáu tháng, biết ít điều căn bản về vệ sinh (chà răng, nấu nước trước khi uống, đề phòng một số bệnh như sốt rét, tháo dạ, kiết, nhất là các bệnh truyền nhiễm), biết băng bó, chích thuốc và biết dùng 5-6 chục thứ thuốc thông thường.

Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận.

Chính sách đó rất hợp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tấn bộ.
Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình đa số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột…, chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam.

Thêm cái nạn bác sĩ cũ ở Nam, Trung vượt biên nhiều quá có thể nói cứ mười người thì 5 người đã đi rồi, hai ba người cũng tính đi nữa; số bác sĩ đào tạo ở Sài gòn không được bao nhiêu, thành thử thiếu rất nhiều; các bác sĩ làm tại các dưỡng đường thường phải khám bệnh cho cả trăm bệnh nhân một ngày. Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.

Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen. Có nơi có cả một tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới để ăn cắp thuốc như vậy và nhiều bác sĩ, y sĩ miền Nam đã bị nhốt khám. Ở Bắc, một số báo Nhân dân đầu tháng 8-1981 cũng kêu ca về nạn đó.

Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ớ ngoại quốc gởi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khỏe của dân sa sút không biết tới đâu.

Vì không thể trông cậy ở khoa châm cứu được: đa số các thầy châm cứu chỉ mới được học 5-6 tháng, không có kinh nghiệm mà chính khoa đó hiệu quả cũng rất hạn chế. Người ta rêu rao rằng, châm cứu trị tuyệt được bệnh loét bao tử, bệnh trĩ v.v…, kiên nhẫn theo người ta bốn năm tháng, rốt cuộc tiền mất, tật mang.

Thuốc bắc kiếm không ra vì không được nhập cảng, mà thuốc nam (gọi là thuốc dân tộc) cũng không có đủ. Nhà Võ Văn Vân không bào chế nhiều thứ thuốc nữa vì thiếu dược liệu hay vì không có lợi? Báo chí có hồi rầm rộ khen rau dấp cá trị được bệnh trĩ, mà đã có nhà nào nấu cao rau dấp cá cho dân chưa? Tôi đã uống thử, thứ rau đó không phải là thần dược như người ta khoe.

Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh. Ai cũng biết y tế phải lo vấn đề vệ sinh cho dân trước hết; nhưng vì thiếu tiền, thiếu nhân viên (mặc dầu nhiều cơ quan khác dư nhân viên), hoặc vì chính sách, đường lối, nên từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy. Sau ngày 30-4-75, khẩu hiệu “Nhà sạch, đường sạch” được dán ở khắp đường phố Sài gòn, và ở các tỉnh, thị xã nào cũng sạch sẽ được dăm sáu tháng; rồi từ đó mỗi ngày mỗi dơ. Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ và từ trên lầu thượng họ trút nước dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu. Không có lao công lo việc vệ sinh, các y tá phải thay phiên nhau lau chùi hành lang, họ làm lấy lệ, lau xong vẫn như chưa lau; còn trong phòng thì gia đình bệnh nhân phải quét dọn lấy, ai nấy chỉ lo chỗ thân nhân mình nằm thôi. Ngay giữa thị xã Long xuyên, bên hông tu viện cũ của Thiên Chúa giáo – nay là một cơ quan gì đó – người ta phóng uế đầy đường. Có chỗ dân bỏ kinh tế mới mà về, ăn ngủ ngay trên lề đường, phóng uế ngay chỗ đông người mà cảnh sát ngó lơ.

Gần cuối kế hoạch năm năm đầu tiên (1976-1980), người ta làm một “chiến dịch” vệ sinh để “dứt điểm” và người ta lựa ngay khu sạch sê nhất trong thị xã làm “thí điểm”, phái một nhóm đi xịt thuốc DDT cho từng nhà; thuốc đã pha loãng nhiều rồi mà lại chỉ xịt vài phòng tối, vài bụi cây thôi. Không cần xem xét chỗ chứa rác, cầu tiêu. Thế là xong chiến dịch, có thể báo cáo lên trung ương là đã dứt điểm.

Chính sách, đường lối tuy đúng mà thiếu người, thiếu phương tiện, thiếu tinh thần thì cũng hóa dở.

VI. Tư Pháp

Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô. Một ông ngoài năm chục tuổi ngồi xe, nghe người thanh niên đạp xe nói chuyện với bạn gặp giữa đường, biết họ là bạn trường luật với nhau, vội vàng đòi xuống xe, trả tiền cả cuốc, rồi đi bộ về nhà. Sinh viên đạp xe đó năn nỉ khách lên ngồi, ông nhất định không chịu, không nhẫn tâm để một trí thức đạp xe cho mình. Cậu ta bảo: “Như vậy là bác giúp cháu có cơm ăn mà”, ông ta cũng cớ lắc đầu nguây nguẩy rồi rảo bước đi.

Đó là chuyện năm 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

Trong Nam trước 1975 chưa có bộ luật mới, tạm dùng bộ luật cũ. Còn ớ Bắc bỏ luật cũ mà không có luật mới (nghe nói năm 1981 người ta mới tính thảo bộ luật mới), không có trường luật thì tôi không hiểu người ta dạy xử án ra sao.

Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị: một là bắt người đó bồi thường, nếu không bồi thường được thì tịch thu tài sản; hai là bắt người đó đi cải tạo một thời gian. Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó.

Khi phường có tòa án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để tòa xử. Một “ông tòa” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử – Thực vậy sao? – Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?

Cũng có luật sư do chính quyền chỉ định để bênh vực cho bị cáo. Luật sư ăn lương, theo nguyên tắc không được nhận thù lao của thân chủ. Nhưng một người bà con tôi đậu cử nhân luật thời tiền chiến, năm 1970 làm thị phó Hải phòng, rồi hồi hưu, được làm luật sư, bảo tôi nếu giúp đỡ được nhiều cho thân chủ thì người ta cũng đền công mình, và mối năm được vài ba vụ, cộng với số tiền lương, gia đình ông sống phong lưu.

Chính phủ bênh vực giai cấp vô sản; hạng bần dân dù bị tội nặng cũng xử nhẹ – trừ tội phản động dĩ nhiên. Những vụ ăn trộm, ăn cắp thì luôn luôn cảnh cáo qua loa rồi thả, bảo người đi thưa: “Người ta nghèo nên phải ăn trộm, anh có của thì anh phải giữ. Muốn bỏ tù người ta thì anh phải nuôi cơm”.

Nếu trong khi bắt kề trộm, lỡ tay đánh nó bị thương thì mình có lỗi, chứ kẻ trộm không có lỗi.

Có lẽ vì vậy mà 5-6 năm nay gần như không nhà nào trong tổ tôi không bị ăn trộm, ngay ông tổ trưởng cũng mấy lần bị mất xe đạp, máy thâu thanh. Tôi còn bị trộm nhiều hơn nữa. Còn việc bẻ trộm trái cây, bắt trộm gà vịt thì rất thường, tới nỗi không ai muốn trồng trọt, chăn nuôi gì cả.

Một ông tổ trưởng có một vườn măng cụt, sầu riêng, chôm chôm ở Lái thiêu, huê lợi trước 1975 rất khá, mà năm 1978 phải bỏ vì nạn ăn cắp. Đó là một nguyên nhân kinh tế suy sụp, của công bị mất cắp, ngân hàng bị thụt két.

Một người khác có một vườn trồng mấy trăm gốc chuối, chỉ trong một đêm chúng hạ hết những buồng nào gần ăn được. Dừa, nhãn, xoài, đu đủ… đâu đâu cũng vậy. Cứ kể như mình phải chia cho chúng một nửa huê lợi thì mới được yên thân. Tôi không hiểu ở Bắc ra sao và như vậy rồi sẽ đi tới đâu.

Hiến pháp vẫn trọng quyền tư hữu nhỏ, nhưng đảng còn trọng lập trường giai cấp hơn. Giai cấp được trọng nhất là giai cấp đảng viên, như giai cấp quí tộc đời Chu ba ngàn năm trước: họ phạm một tội gì như ăn cắp, hối lộ, ức hiếp dân, giết dân v.v… thì đảng xét xử trước, nếu cần mới đưa họ ra tòa; thường thì chỉ cảnh cáo họ thôi chớ không đưa ra tòa; tòa không được bắt giam họ, trừng trị họ (trừ vài trường hợp đặc biệt) nếu không được phép của đảng. Giai cấp yên thân nhất là giai cấp vô gia cư, vô nghề nghiệp.

Tôi nói với một anh bạn học cũ, làm “tòa” – danh từ mới là gì, tôi không biết – rằng đời Chu ở Trung hoa, hình pháp của triều đình chỉ để xử bọn dân đen, còn bọn quí tộc có tội thì họ xử lần nhau bằng “lễ” tức tục lệ riêng của họ. Đó là ý nghĩa câu: Hình bất thướng đại phu, lễ bất há thứ dân. Bây giờ ngược lại. Đó là thắng lợi nhất của giai cấp vô sản. Mà có lẻ đó cũng là áp dụng một phần chính sách làm chủ tập thể nữa chăng?

Tôi không được biết hiến pháp đầu tiên của chế độ. Quốc hội đã họp nhiều lần để sửa hiến pháp đó ngay khi quốc gia được thống nhất, nhưng mãi đến 1981, mới ban bố hiến pháp mới, còn bộ luật thì chắc phải đợi nhiều năm nữa.

VII. Ngoại Giao

Về ngoại giao nước mình đã đứng hẳn về phe cộng sản. Như vậy các nước tư bản ngại không muốn đầu tư vào Việt nam mà sự phát triển kinh tế sẽ chậm.

Khi Miên, Việt hục hặc nhau ớ biên giới (nghe nói từ đầu năm 1976?) thì tôi đã ngạc nhiên; rồi đầu năm 1979, Trung hoa đem quân tàn phá mấy tỉnh cực bắc của mình thì ai cũng chán nản, kể cả một số bạn của tôi ở Bắc. Thế này thì tình anh em trong thế giới cộng sản cũng chẳng đẹp gì hơn tình giữa các nước tư bản với nhau ư?

Luôn trên hai chục năm từ 1950 đến 1974, Trung hoa hết lòng giúp mình thắng thực dân Pháp, rồi Mĩ mà mới ba năm sau khi thắng Mĩ, Hoa Việt đã choảng nhau là nghĩa lí gì? Nguyên do ở đâu?

Có người bảo tại trong hiệp định Paris, mình và Trung hoa, có lẽ cả Mĩ nữa, đã thỏa thuận ngầm với nhau về một điều nào đó rồi mình không giữ lời hứa, nên Trung hoa phải “ra tay” và Mĩ đứng về phía Trung hoa. Có phải vậy chăng? Mà thỏa thuận ngầm đó ra sao?
Có người lại bảo tại mới thắng được Mĩ, mình đã muốn làm chủ cả bán đảo Đông dương, lãnh đạo Miên, Lào thành một cường quốc chặn đế quốc Trung hoa không cho tiến xuống miền Đông nam Á. Còn theo chính phủ thì chỉ tại Trung hoa muốn bành trướng xuống Đông nam Á mà mình không chịu lệ thuộc nên họ xúi Miên phá mình và đích thân quấy rối mình nữa.

Người dân không sao biết được những bí mật ngoại giao, quân sự. Cứ tuân lệnh chính phủ thôi. Và toàn dân phải tuân lệnh chống với kẻ thù cả hai phía: phía tây nam và phía bắc. Một mình không chống nổi với Trung hoa, chúng ta phải nhờ cậy Nga, đứng hẳn về phía Nga, mà Nga vốn bất hòa với Trung hoa từ 1960. Nga bỗng nhiên được những căn cứ quân sự rất tốt ở Đông nam Á và sát biên giới Trung hoa, từ trước không hề mơ tưởng tới, sẵn lòng giúp mình liền. Tránh lệ thuộc Trung hoa thì mình lại lệ thuộc Nga, vậy là bạn ở xa mà kẻ thù ở gần. Lại thêm, khắp Đông Á, từ Nhật bản, Phi luật tân tới Mã lai á, Indonésia, Thái lan không một nước nào không ngại sự Nga có căn cớ quân sự ở miền này, nên có ác cảm rõ rệt với mình. Tôi ngại rồi đây Đông Á sẽ biến thành Tây Á để cho tư bản và cộng sản tranh nhau ảnh hưởng.

Vậy là chiến tranh thứ nhì của dân tộc mình mới chấm dứt được vài năm thì chiến tranh thứ ba đã bắt đầu. Từ cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay đã trên 35 năm rồi, gần như chiến tranh liên miên, bây giờ còn phải chịu họa binh đao mấy chục năm nữa? Khắp thế giới không có dân tộc nào khổ như mình. Công việc kiến thiết quốc gia đành chậm lại nữa, kinh tế sẽ xuống dốc nữa. Trong cuộc hội họp một nhóm giáo sư Đại học ở Hà nội, có người đã phàn nàn: “Nous payons notre idiotie” (14).

Nghe nói một cán bộ cao cấp ở Bắc việt trong một phái đoàn ngoại giao qua Ý, bỏ phái đoàn mà xin tị nạn chính trị, tuyên bố với thế giới rằng lí do chỉ vì ông ta chán ngán vì thấy Việt nam có một lực lượng binh bị mạnh thứ sáu trên thế giới mà về kinh tế thì đứng vào hàng mười nước nghèo nhất thế giới.

Cao miên và cả Lào thành một gánh nặng cho dân tộc mình. Các thành phố Cao miên vẫn còn vắng hoe, dân tản cư chưa về bao nhiêu, thiếu điện, thiếu nước, chợ búa lèo tèo ít người, nhân viên các cơ quan thì một nửa là người Việt, phải làm hết mọi việc cho người Miên; dân chúng miễn cưỡng theo chính phủ mình chứ 100 người thì cả 100 chỉ mong Sihanouk về. Mỗi ngày Nga đổ vào nước mình sáu triệu rúp hay Mĩ kim (?) thì mình đổ vào chiến trường Bắc việt và Cao miên bao nhiêu?

XIII. Tôn Giáo

Về tôn giáo, chính sách của chính phủ là tôn trọng tự do tín ngưỡng, miễn là các giáo phái yên ổn tụng niệm.

Mấy năm đầu có vài sự bất hòa, xung đột nhỏ, dẹp được ngay (bắt một số tu sĩ Công giáo và Phật giáo), và hai ba năm nay chính quyền trả lại chùa chiền cho giáo hội, không dùng làm nơi hội họp nữa; ở vài nơi tín đồ tới chùa khá đông, rất ít đàn ông. Nhiều nhà tu hành hoàn tục để mưu sinh. Cũng có một số vượt biên. Không còn hạng khất sĩ nữa, họ tự giải tán, mỗi người đi mỗi nơi để kiếm ăn.

Có thể nói chính sách của mình cởi mở hơn Trung hoa.

Đảng viên không được theo tôn giáo, cũng không được cúng giỗ tổ tiên, nhưng được phép “tưởng niệm” (sic) mà không đốt nhang, không vái, ai muốn làm giỗ ông bà thì phải đóng cửa làm lén.
_______________
Chú thích
[1] Danh từ này dịch từ danh từ société socialiste cúa Pháp. Nghe kỳ cục lắm. Pháp có danh từ société nghĩa là xã hội, đoàn thể, do société mà có danh từ social, thuộc về xã hội, đoàn thể, có tính cách xã hội, đoàn thể, rồi social lại đẻ ra danh từ socialisme để trỏ những chú nghĩa nhằm thay đổi hoàn toàn một chế độ, nhất là chế độ sở hữu tài sản đế cái thiện đời sống lao động, đặc biệt là đời sống thợ thuyền.
Tôi thấy chế độ của nước ta ngày nay, cũng như của Nga, Trung hoa… có điểm này đặc biệt khác các nước tư bản là tính cách tập thể đảng chỉ huy tập thể, dân làm chủ tập thể (theo lí thuyết), sản xuất tập thể. nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp quốc doanh, hoặc công tư hợp doanh, tổ hợp sản xuất… như vậy để cho cá nhân, một số nhỏ tư nhân, không còn nắm được sự sản xuất mà bóc lột vô sản nữa.
Còn về qui tắc: có làm thì có ăn, không làm thì không ăn; làm theo khả năng, hưởng theo sức mình làm được, thì không khác gì xã hội tư bản, ngay đến tư sản cá nhân cũng vẫn được tôn trọng (ít nhất là trên lí thuyết), hơn nữa, còn được truyền cả cho con cháu, chỉ khác chế độ tư bản là nó bị hạn chế để khỏi bị lạm dụng mà bóc lột người nghèo, thế thôi.
Vì vậy tôi nghĩ chẳng cần phải dịch sát mà có thể dùng danh từ xã hội tập thể để thay danh từ xã hội xã hội chủ nghĩa. Xã hội tập thể tiến lên xã hội cộng sản, như vậy xuôi hơn là nói xã hội xã hội chủ nghĩa tiến lên xã hội cộng sản.
[2] Công việc này ngày nay còn tiếp tục không hay chỉ rần rộ được một thời, quốc gia thống nhất rồi thì nghưng y như công việc khảo cổ ở Trung hoa.
[3] Tức thành phố Hồ Chí Minh. Ở miền Nam có thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở miền Trung (từ Quảng trị trở vô) có thành phố Huế. Về phương diện hành chánh thành hố chỉ ngang với tỉnh, cũng như thị xã Long xuyên chẳng hạn chỉ ngang với các huyện trong tỉnh An giang, thị xã Cần thơ chỉ ngang với các huyện trong tỉnh Hậu giang. Nhưng vì thành phố Hồ Chí Minh ở trung ương miền Nam, nên quan trọng hơn các tỉnh, có nhiều cơ quan lón, nhiều cán bộ cao cấp, thường triệu lập các tỉnh đế xét đường lối chung, có thể coi như đàn anh của các tỉnh. Tuy nhiên, do chính sách đia phương tự trị, mỗi tỉnh, mỗi huyện là một địa phương tự trị nên thành phố không có quyền gì đối với các tính cả. Do đó mới có tình trạng này: tháng 8-1980 tỉnh An giang không theo đề nghị cúa thành phố Hồ Chí Minh, tự ý tăng giá xe đò từ Long xuyên đi thành phố Hồ Chí Minh, từ 4 đồng lên 20 đồng, trong khi thành phố vẫn giữ giá cũ 4 đồng. Cùng một chiếc xe đò, khi đi lên Sài gòn thu của hành khách 20 đồng mà lượt về chỉ thu 4 đồng thôi trong mấy tháng đầu. Sau thành phố cũng tăng giá lên 20.
Ở Trung chính sách chắc cũng như vậy. Ở Bắc thì tôi không biết.
[4] Chính quyền rất coi trọng công việc này. Cứ mỗi lần xin một viêc quan trọng đổi trường học, chỗ ở… đều phải khai lí lịch. Ở Bắc có người trong 25 năm khai cả trăm lần (!)
[5] Chỉ ở thành phố IIồ Chí Minh, dân thường (không phải cán bộ, công nhân viên) mới được phân phối gạo, bo bo, khoai mì… cho tới đầu năm 1980 thôi, ở các nơi khác không được phân phối gì hết.
[6] Người ta thì thầm với nhau: sẽ tăng lên tới 10.000$, tức 5 triệu đồng cũ. (Giữa năm 1981, đã tăng lên 17.000$. Cước chú thêm ngày 1-7-81)
[7] Nghĩa là học mà vẫn được ăn lương công nhân viên. Chương trình có thể rút ngắn.
[8] Một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24. Trong một buổi hội họp cúa Hội trí thúc thành phố Hồ Chí Minh, một kĩ sư già bực mình vì tình trạng cán bộ đa số dốt nát, bảo: “Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính, mà không chấp nhận vô học chuyên chính”. Ngay chiều hôm đó ông ta bị bắt giam; sau cũng được thả ra.
[9] Bìa là một sổ riêng để mua nhu yếu phẩm nhiều hơn cán bộ cấp trung hạ.
[10] Niên khóa 1981-1982 ở An giang mỗi học sinh từ mẫu giáo đến hết cấp III (lớp 12) đều phải đóng học phí 3 đồng một tháng.
[11] Nhưng tới lớp 12 thì số học sinh lại kém năm 1974 xa.
[12] Hầu hết cơ quan nào cũng vậy: kinh tế (ngân hàng), thủy lợi…, năm nào cũng đào tạo thêm nhân viên mà vẫn không đủ vì họ thôị nhiều quá. Một cán bộ báo: có vậy thì nhà giáo mới có việc chứ.
[13] Tôi lầm. Giữa năm 1981, vì ở khắp các thành phố, thị xã, các sách đồi trụy, băng nhạc ngụy, cả phim đồi trụy nữa lại lưu hành, nên có vụ kiểm kê các quán cà phê, sách cũ, nhưng lần này các sách khảo cứu Việt miền Nam và các sách Anh, Pháp không bị hốt.
[14] Chúng mình chịu hậu quá sự ngu xuẩn của mình.
____