30 tháng 4, 40 năm
về trước. Tôi nhớ rất rõ, ngày đó-giờ đó tôi và 2 tên bạn cùng phòng đã có những
phản ứng ra sao khi nghe tin “tan hàng đổ vỡ”, dù đã đoán trước là tin xấu thế
nào cũng đến. Tôi muốn ghi lại cảm nghĩ, ghi lại tâm tình nhưng “bất lực” vì nỗi
buồn cứ tràn đầy trên “máy”, cứ gõ được vài hàng rồi lại tắt máy. May quá, nhận
được đoản văn từ “thằng em” mà theo hắn là kỷ niệm 33 năm vượt biến đến Nhật,
xin gửi ngay đến các bạn. Hắn kể lại nỗi gian truân của một người trong muôn
ngàn nỗi gian truân mà người Việt mắc phải sau ngày “xảy đàn tai nghé”. Dài dòng
quá sẽ thành nói dai nói dở, xin mời tất cả đi vào câu chuyện.
Vũ Đăng Khuê
Sóng bên kia bờ
Huỳnh Vi
Đoản
văn kỷ niệm 33 năm vượt biên đến Nhật
Chuyến tàu ọp ẹp chờ chết. Hơn 30 ngày còn
gì, may là không gặp cướp biển. Mấy chị nói… thà chết còn hơn gặp bọn chúng.
Trời
thương, Chúa ghé mắt, Phật động lòng chăng? Ô một còn tàu cờ mặt trời đỏ xuất
hiện… Yên tâm rồi, miễn sao đừng dính cái sao hay cái búa nào vô lá cờ là ngửi
được tự do.
Bọn
họ nói tiếng gì không hiểu, chắc là tiếng Nhật rồi… có ai biết tiếng Nhật không? Ai đó hỏi thật vô duyên, làm sao mà biết
thứ tiếng đó nè trời.
Oh…. Các bạn từ
đâu tới? -Vietnam… Boat people… Xin cứu chúng tôi…
Yokatta… yokatta… Chị
nghe từ ngữ này nhiều lần miệng họ mà không hiểu là gì; nhưng chắc là một câu
nói ám chỉ niềm vui, một cái gì may mắn!
Hơn
30 người lếch thếch được đưa vào trại sau khi xuống tàu. Người trong trại túa
ra hỏi tán loạn. Thằng em sợ hãi ôm sát cánh tay chị. Chị vui mà buồn, bắt đầu
cuộc đời mới rồi đây. Thoát khỏi đất nước tối tăm, chị có biết gì trước mắt
đâu; nghe người ta đồn, cứ đi đi, có tàu vớt là họ lo cho mình hết… Lo tới đại
học luôn rồi đi làm nhiều tiền lắm, tha hồ nuôi gia đình.
Vô
trại rồi, chị mới biết, không phải người ta lo mà mình phải lo. Anh thông dịch
hỏi làm thủ tục:
-Em
có thân nhân ruột thịt gì ở nước ngoài không?
-
Không anh ơi, chỉ có 2 chị em dắt díu nhau đi.
-Vậy
em được tàu Nhật vớt, chỉ xin định cư tại Nhật được thôi! Dạ mà chính phủ Nhật
có nuôi cho mình ăn học được không anh…
Anh
thông dịch nhìn chị thăm dò… nhìn thằng em… thương hại.
-Học
không nổi đâu em, 21 phải không? em quá tuổi trưởng thành rồi, đứa em… ah nó 14
tuổi, còn đi học được nhưng cực lắm, phải học từ đầu như lớp 1…. Chữ Hán khó lắm.
-Nếu
thủ tục định cư xong, em được chính phủ Nhật cho 3 tháng học tiếng rồi phải đi
làm, nuôi đứa em đi học… nó phải vô ngang lớp 9 hoặc xin xuống một lớp chứ
không có lớp đặc biệt như bên Mỹ đâu. Hết cấp 2, nó học không được là phải đi
làm như em.
Chị
nghe mà đẫm nước mắt. Má nói ba chết trong trại cải tạo rồi, còn mình nó là con
trai thôi. Má cho 2 chị em đi, ba nó có thiêng thì giúp cho 2 đứa tới được bến
bờ bình yên. Con phải học, em con phải học thì mới có tương lai để sau này đưa
má và mấy em qua.
Chị
quyết định đi làm nuôi em đi học.
Học
ở trung tâm định cư 3 tháng, nghĩ sao chị lại xin về Okinawa, nơi chị và đứa em
đã có hơn 1 năm trời sinh sống trong trại tị nạn. Hình bóng của vị linh mục
trong ngôi giáo đường nhỏ chăng?
Cha
người Mỹ nên nói chuyện với chị bằng tiếng Anh mỗi lần chị dắt em đi lễ. Không
biết có phải do ám ảnh cuộc chiến Việt Nam, mà sự ra đi của Mỹ khiến miền Nam gặp
thảm họa, đã làm cha chú ý tới 2 chị em mồ côi nhiều hơn các giáo dân khác; hay
là thứ tình cảm nào chăng? Chị không dám nghĩ đến, nhưng cha là người chị dễ
nói chuyện, dễ thố lộ những khó khăn. Cha nói chị về đây đi, cha giới thiệu cho
việc làm, giới thiệu cho thằng em đi học…
Không
còn nơi nương tựa…
Chị
bỏ lại những lời tán tỉnh, những hứa hẹn của đám con trai. Đi với anh đi em…
anh lo cho hai chị em… Chị cười… lộ những vết nhăn sớm của đời con gái. Làm sao
mà lo, ai cũng còn có một gia đình còn sót lại bên kia. Có thằng còn có vợ con
để lại nữa mà cũng nhởn nhơ tán chị. Chị sợ cho lòng dạ con người, mới năm trước
trên ghe còn tụng niệm, cầu kinh tá lả… bây giờ quên hết!
Về
thôi, về lại Okinawa.
Yokatta!
Yokatta! Chị đã hiểu chữ này sau khi đến Nhật rồi. Tốt lắm, tốt lắm! Cha vui
khi gặp lại hai chị em, cha nhờ người giáo dân bản xứ mướn nhà, đi xin cho thằng
em vô học năm cuối cấp 2, xin cho chị làm ở hãng đóng hộp trái cây. Cuộc đời tưởng
chắc bình yên.
Nhưng
cuối tháng cầm đồng lương con gái, chị không khỏi khắc khoải, nuôi em, gởi về
cho mẹ, tiền nhà, tiền ăn… tháng nào cũng hụt. Chị chưa biết đến lọ kem làm đẹp,
vật duy nhất là chiếc son môi rẻ tiền bán ở siêu thị. Chị cũng không thể nói
cha mặc dù biết ông rất tốt nhưng cha không giải quyết được gì. Cha đi tu đâu
có tiền mà giúp cho hai chị em, với lại cha đã bỏ thì giờ để dạy cho thằng em
theo kịp chương trình học, chị mang ơn không hết. Chị nhất quyết phải lo cho
gia đình bằng chính đồng tiền của chị.
Thằng
em rồi cũng thi lên được cấp 3 -koko. Chị khăn gói, gởi nó lại cho bà giáo dân
tốt bụng để lên thành phố Osaka, nơi có nhiều công việc theo như lời của một cô
bạn chung chuyến ghe.
Cha
nắm tay chị, lần đâu tiên chị thấy nước mắt cha. Dường như ông cảm thấy một cái
điều gì đó bất hạnh sẽ xảy ra. Chị rút vội, sợ hơi nóng bàn tay níu kéo chị ở lại.
Chị không có một giọt nước mắt! Không đúng ra chị đã cạn nước mắt. Chị phải lên
thành phố trên ấy, làm có tiền cho em ăn học rồi còn bảo lãnh má chị cùng mấy
em sang.
Đồng
tiền làm ra sao mà cực, ma xui quỉ dẫn lối đưa đường… chị lọt vô chỗ dành cho
khách làng chơi. Nhiều tiền rồi, chị gởi cho thằng em, gởi cho mẹ… niềm vui khi
nhận những lá thư từ VN: -nhờ con mà cuộc sống mẹ và các em đỡ lắm rồi, mẹ mong
qua đỡ đần để con còn đi lấy chồng…
Chị
đọc mà lòng tui tủi. Con đâu còn xứng đáng làm vợ ai đâu … Đêm về, chị nằm chai
cứng như cái xác không hồn? Ngày xưa thà chết còn hơn gặp cướp biển, bây giờ có
khác gì bị cướp biển làm nhục đâu. Tại ai, tại số phận… thôi đừng đổ thừa, tại
mình cả thôi. Đứa em điện thoại hỏi thăm… sao buổi tối gặp chị khó quá vậy; chị
về thăm em, thăm cha chứ… đi gì biền biệt vậy!
Chị
về, không dám nhìn mặt cha. Yokatta,
yokatta… cha vừa nói vừa nắm tay mà dường như chị chẳng còn cảm cái hơi
nóng hồi lúc ra đi. Hôm sau đi lễ, chỉ lên cúi đầu không nhận miếng Mình Thánh
từ tay ông. Ông bỏ Mình thánh xuống chén rồi đặt tay lên đầu chị thầm thì, mắt
ông nhắm buồn, chị ứa nước mắt.
Chị
lại đi, không dám ngoái ra sau nhìn ai. “Mata kaette ne” (Nhớ về lại nhé). Tiếng
cha vọng theo!
Chị
lên cơn sốt, không hiểu sao mỗi chiều chị lại lên cơn sốt… muốn tới chỗ làm lắm
mà dường như không còn sức để đi. Bác sĩ khám bệnh nói chị nhập viện với vẻ mặt
nghiêm trọng. Trời vào trong đó lấy gì mà sống, thằng em sắp thi đại học; má với
mấy em sắp qua…
“Jodan
janai!”, -không phải chuyện dỡn… ông dằn tiếng, hỏi chị có thân nhân nào ở gần
không. Chị nói chỉ có thằng em ở Okinawa.
-Vậy
thì cô phải chấp nhận một sự thực kinh khủng, cô bị viêm phổi, nhưng điều đó
không đáng sợ bằng khả năng nhiễm HIV.
-Thật
không? Thật không? Có thật thế không…. Đất trời quay cuồng xung quanh chị. Sao
lại như thế, không! Không chỉ là giấc mơ như những giấc mơ trên chuyến đi mươi
năm trước. Bệnh này mới mà sao chị bị được, trong giới nó đồn râm ran. Mấy thằng
khách súc vật, chị như con nai có biết gì để bảo vệ mình đâu!
Chị
trở về Okinawa, muốn thân xác gần người thân còn lại. Cha đón chị… Yokatta,
yokatta… Chị lả người vào vòng tay của cha. Hơi không còn đủ ấm để giữ chị lại
thế gian này. Chị xin xưng tội, lần xưng tội đầu tiên kể từ khi tới Nhật… chị
xưng bằng tiếng Việt, không cần cha hiểu hay không. Mắt cha đẫm lệ. Chị đâu biết
mấy năm vừa qua cha đã âm thầm học tiếng Việt!
Thằng
em xin nhà thiêu cho xác chị thành tro… chị nó muốn về quê bằng sóng nước. Đất
Nhật cho chị tự do nhưng không phải là nơi đỗ bến bình an cho cuộc đời. Trong
giấc mơ chị thấy thân xác chị hòa vào dòng nước biển mặn nồng, theo đàn chim bay
về phía bên kia bờ Thái bình dương.
Cha
làm phép rồi nắm chặt miếng tro, thả nhẹ từng chút, từng chút theo lơn sóng vỗ
về. Hơi ấm bàn tay người con gái, Cha vẫn còn tưởng như ngày hôm qua!
Huỳnh
Vi