Tuesday 21 April 2015

Thơ viết trong mùa Quốc Hận 2007, 2008, 2009 & 2015 của anh Trần Văn Lương

Thưa quý Anh Chị và quý Bạn,
Tiếp tục giới thiệu những bài thơ của anh Trần Văn Lương viết trong mùa Quốc hận, hôm nay xin mời quý Anh Chị và quý Bạn đọc những bài được sáng tác năm 2007, 2008 và 2009
  - "Giọt lệ người thương binh" (mùa Quốc Hận 2007)
  - "Ba đốm lửa" (mùa Quốc Hận tháng 4/2008)
  - "Ráng mang xác tao về(mùa Quốc Hận tháng 4/2009.)
Quý Anh chị và quý Bạn có thể đọc trực tiếp trong email này, hoặc bấm vào từng tựa bài ghi trên để đọc trên internet, hoặc mở file PDF đính kèm để in ra giấy.
Trân trọng.
Nguyễn Trọng Dzũng
Lưu ý : Bài dài, khi mở ra có thể không thấy hết, xin bấm vào "Show Full Message" 

Mùa Quóc Hận 2007 : Giọt lệ người thương binh

Dạo:
Nhìn rừng áo gấm về quê,
Thương người ngóng mãi câu thề biển Đông.
 
 
Giọt Lệ Người Thương Binh
 
Chiều gắt gỏng dập vùi hương phố cạn,
Nắng sai mùa chập choạng níu trời quên,
Đường Sài gòn rực rỡ ánh đèn lên,
Một đêm nữa lại về trên đất khổ.
Khuôn mặt sạm lấm lem mồ hôi đổ,
Người thương binh tỳ nạng gỗ đu đưa,
Vai áo sờn trộn màu tóc dần thưa,
Quần bạc phếch, một ống thừa trống rỗng.
Trước tửu lầu sang trọng,
Tạm dừng chân, lọng cọng sắp khay hàng,
Dăm bao diêm, vài gói thuốc mở toang,
Xấp vé số dở dang nằm quăn góc.
Ngồi lặng lẽ, ánh mắt trầm cô độc,
Đôi nạng mòn xếp dọc sát tầm tay,
Gót người qua, bụi hờ hững tung bay,
Lòng quặn nhớ tháng ngày yêu dấu cũ.
  *
*   *
Đêm thơ ấu, đạn bom rền giấc ngủ,
Tuổi hai mươi, sớm nhập ngũ lên đường,
Chín tháng quân trường,
Ba năm lẻ dầm sương miền khói lửa .
 
Đời lính chiến gập ghềnh theo bóng ngựa,
Cánh thư tình lần lữa gửi về đâu .
Tóc còn xanh bỗng thấm cạn ly sầu,
Một chân gửi lại tuyến đầu giá lạnh.
 
Bệnh viện lính, lệ mẹ già chưa tạnh,
Quê hương buồn, bất hạnh đã tràn lan,
Tháng Tư đen, chợt gãy súng tan hàng,
Nhìn quân phục, dạ bàng hoàng tê điếng.
 
Vết thương chưa kín miệng,
Kẻ sa cơ đã bị liệng ra đường.
Gót chân đơn bỗng lạ phố lạ phường,
Thân tàn phế trở về nương gối mẹ .
 
Rồi từ đó tuổi già nuôi sức trẻ,
Kiếp tật nguyền lặng lẽ nuốt niềm đau,
Thương bạn bè đồng đội, kẻ trước sau,
Bị đày đọa khắp rừng sâu Nam Bắc.
 
Mảnh đời què quặt,
Ngày chật vật miếng ăn,
Thân xác khô cằn,
Biết bao lần bán máu .
 
Năm canh dài đau đáu,
Ngóng trông tin chiến đấu khắp quê nhà,
Rồi tím ruột xót xa,
Khi mộng ước vỡ oà thành mây khói .
 
Mắt mở lớn, cơn đau càng nhức nhối,
Nhìn những người may thoát khỏi quê hương,
Nay vênh vang về giẫm nát phố phường,
Phô áo gấm khắp đầu đường cuối chợ .
 
Những đồng tiền cứu trợ,
Góp phần nuôi chế độ hung tàn.
Dân rách rưới cơ hàn,
Lời bác ái chảy tràn sân khấu mới .
 
Người lính cũ vẫn kiên gan chờ đợi
Cấp chỉ huy cùng đồng đội năm nao,
Đêm xuống thuyền, đã nguyện với trăng sao,
Thề cương quyết mai sau về quét giặc.
 
Lửa hy vọng mỏi mòn không chịu tắt,
Cuộc đấu tranh lây lất vẫn chưa tàn.
Sẽ có lúc xóm làng,
Không còn bóng lũ sài lang man rợ
   *
*    *
Đêm bén nửa, cửa nhà hàng sịch mở,
Dăm gã đàn ông, nhăn nhở nói cười,
Tay quàng vai bầy thiếu nữ đôi mươi,
Chân xiêu vẹo, lả lơi về chốn đợi .
 
Mắt nhìn sững, người thương binh chới với,
Kìa Đại bàng, kìa đồng đội năm xưa,
Những người mình từng lén lút tiễn đưa,
Từng gửi gấm trọn niềm mơ phục hận!
 
Tai ương đà mấy bận,
Mất chân, thua trận, biệt người thân,
Lòng dặn lòng, dù thống khổ trầm luân,
Đời trai chỉ một lần sa nước mắt.
 
Gượng đứng dậy, đôi môi chì mím chặt,
Nỗi bi thương tuyệt vọng thắt can tràng,
Đạp khay hàng, vất bỏ túi hành trang,
Chân khập khiễng, hoang mang rời phố chợ .
 
Đêm hụt hẫng, lối me già trăn trở,
Nạng băn khoăn đưa bước nhớ âm thầm,
Lệ căng dồn từ hố mắt quầng thâm,
Vỡ tung toé trên ống quần sai nhịp.
 
Trần Văn Lương,
Cali, mùa Quốc Hận tháng 4/2007
 


Mùa Quóc Hận 2008 : Ba đốm lửa

Dạo:
Xa rồi năm tháng dần quên,
Nhưng quê xưa vẫn bóng đêm chập chùng.
 
 
Ba Đốm Lửa
 
Đài Chiến sĩ, đêm trằn lên ánh đuốc,
Bóng người già cô độc tríu màn sương.
Lưng oằn mang thân phận mất quê hương,
Chân gượng đứng cuối chặng đường thống khổ.
Lòng tự hỏi phải chăng vì mệnh số,
Mà dân mình chịu khốn khó triền miên,
Mới năm tư, vừa chia cắt đôi miền,
Bảy lăm lại vướng xích xiềng quỷ dữ.
Đêm tưởng niệm, xót xa lòng lữ thứ,
Tháng Tư buồn, hận quá khứ còn nguyên.
Bao năm rồi, canh cánh chẳng hề quên,
Chuỗi bất hạnh dập dồn trên đất mẹ.
Khách dự lễ đã ra về lặng lẽ,
Người lính già nuốt lệ, đứng ủ ê,
Tay run run, hồn vay mượn tái tê, 
Ngọn nến nhỏ khò khè cơn hấp hối.
Gió hoang lạnh từ âm ti mở lối,
Đêm vật vờ trôi nổi bóng vong linh.
Mây dĩ vãng bập bềnh,
Bên bến hận, một mình con sóng vỡ.
Đôi mắt úa chợt bùng lên ánh lửa,
Lập loè theo ngọn nến dở trên tay,
Ba đốm lửa lung lay,
Nương ký ức loay hoay về chốn cũ.
    *
*      *
Ngày giặc Bắc tràn vô như thác lũ,
Khối tai ương ập đổ xuống thôn làng,
Mấy năm trời dưới nanh vuốt sài lang,
Quê xưa đã hoang tàn như cỏ rác.
Vất vưởng triệu oan hồn chưa giải thoát,
Kẻ ngậm hờn bỏ xác Tết Mậu Thân,
Kẻ tan thây khi mệnh nước xoay vần,
Kẻ lạnh lẽo mộ phần nơi biển cả.
 
Kể từ lúc Trời đành hanh giá họa,
Trong sớm chiều, làm tan rã miền Nam,
Đoàn chiến binh, luôn anh dũng phi phàm,
Bị phản bội, đành đa mang khổ nạn.
 
Người sống sót qua lằn tên mũi đạn,
Gánh đòn thù khắp bể cạn rừng sâu,
Chốn ngục tù, cay cực kiếp ngựa trâu,
Đêm đày đọa, ngày dãi dầu mưa nắng.
 
Nơi rừng thẳm, cỏ khô lèn xương trắng,
Giữa gông cùm, người ngậm đắng nuốt cay.
Phút sa cơ, buồn nhắm mắt xuôi tay,
Mộ đắp vội, tháng ngày trôi mất dấu.
 
Giặc cai trị với bàn tay khát máu,
Tiếng kêu gào uất ức thấu trời xanh.
Bao nhiêu vạn dân lành,
Vì hai chữ Tự Do đành bỏ xứ.
 
Con thuyền sinh tử,
Sóng dữ biển Đông,
Cuộc hành trình bi thảm, long đong,
Đã bao kẻ xa bờ không tới bến.
 
Đêm đất khách, xót xa giờ thắp nến,
Biết vong hồn có đến được nơi đây,
Để cùng nhau chia sẻ đớn đau này,
Cùng trông đợi một ngày về quê cũ.
    *
*      *
Sương nhặt bước, mái tóc già ủ rũ,
Vẳng trong đêm dăm tiếng cú gọi bầy,
Mẩu nến tàn héo hắt thức trên tay,
Đôi mắt lão ngây ngây nhìn ánh đuốc.
 
Đã xa lắm, những thương đau ngày trước,
Người quên dần hận mất nước năm nao.
Tháng Tư về, còn mấy kẻ tìm nhau,
Người thưa thớt, nỗi sầu thêm thấm thía.
 
Đài tưởng niệm im lìm như mộ địa,
Lá thì thầm theo tiếng dế cầu siêu.
Cỏ đuôi chồn, mọc lẫn đám rong rêu,
Thân ngả ngớn uốn theo chiều gió thổi.
 
Nỗi tuyệt vọng trải dài như bóng tối,
Phút se lòng, dòng lệ cuối hiếm hoi,
Vỡ òa rơi trên đốm lửa lẻ loi,
Ngọn nến tắt, đôi mắt người vụt khép.
 
Trần Văn Lương
Cali, mùa Quốc Hận 4/2008


Mùa Quóc Hận 2009 : Ráng mang xác tao về

Dẫn:
Ghi lại những cảm xúc khi đọc bài "Viết cho những người đã âm thầm ngã xuống" của tác giả Vĩnh Khanh (xin xemhttp://www.vantuyen.net/index.php/?view=story&subjectid=21044 hay http://www.hqvnch.net/default.asp?id=1269). Tác giả viết về cái chết đau thương của cựu Thiếu Uý TQLC Mai Xuân Cương trong trại tù Bù Gia Phúc và tấm lòng thương yêu đồng đội của những người bạn như cựu Thiếu Uý Diệp Phi Hùng, cựu Thiếu Uý Ngô Văn Cường, cựu Thiếu Uý Nguyễn Minh Hoàng ... Xin kính dâng một nén hương đến anh linh người đã khuất cũng như đến tất cả các chiến sĩ miền Nam đã bỏ mình trong ngục tù Cộng sản. Và cũng xin được bày tỏ lòng kính phục và ngưỡng mộ đến những người chiến hữu không quản ngại khó khăn đã làm tròn lời hứa đối với bạn mình. Xin cám ơn tác giả Vĩnh Khanh.
Chuyện người tù đã chết mà Việt Cộng không cho thân nhân biết không phải chỉ xảy ra có một lần.  Một trường hợp khác được biết là trường hợp của anh Lê Đình H.  Anh H đã mất sau khi bị đày ra Bắc và phải đến mấy năm sau gia đình mới biết tin qua những người bạn tù được thả. Trong mấy năm đó, gia đình không hay cứ liên tục mang hay gửi quà ra trại  (xin xem bài Thăm Con tại https://lengoctuyhuong.wordpress.com/2015/04/18/tham-con-tho-tran-van-luong-mua-quoc-han-2003/).
Than ôi, đã 34 năm rồi ... Ai đi ai ở, ai nhớ ai quên, ai còn ai mất? 
  
Dạo:
     Xót người chiến sĩ sa cơ,
Ngục tù xương trắng vẫn mơ ngày về.
 
Ráng Mang Xác Tao Về
 
Bù Gia Phúc, nắng trần soi địa ngục,
Nghĩa trang tù, ngùn ngụt uất hờn xông.
Kẻ ra đi, thôi thế cũng là xong,
Người ở lại, kiếp gông cùm đày ải.
 
Nhóm chôn cất đã về ngang cổng trại,
Người tù còn tê tái đứng trầm ngâm,
Mắt đăm đăm dán chặt xuống mộ phần,
Chưa nói hết một lần câu vĩnh biệt.
    *
*      *
Lặng hồi tưởng Tháng Tư Đen oan nghiệt,
Dân bỏ nhà chạy giặc chết ngổn ngang,
Đoàn hùng binh bị bức tử giữa đàng,
Tay buông súng, mắt bàng hoàng rơi lệ.
  
Rồi hàng ngàn trai trẻ,
Mắc mưu gian, lặng lẽ vô tù.
Đường lao lý mịt mù,
Thân ngã ngựa đành thiên thu ôm hận.
Bước tù đày lận đận,
Mấy bận chuyển nhà giam,
Tây Ninh, Trảng Lớn, Đồng Pan...
Chân thất thểu đường gian nan hoạn nạn.
Chỉ còn dăm đứa bạn,
Bên suối cạn rừng sâu,
Trong bóng tối buồn đau,
Cùng chung nhau ấm lạnh.
Nhưng đau đớn, người bạn tù bất hạnh,
Tuổi không may, đã vướng bệnh nửa chừng.
Thiếu thuốc men, chốn thăm thẳm núi rừng,
Đành cam phận, rưng rưng nằm đợi chết.
Giờ phút cuối, bọn cai tù khắc nghiệt
Thấy không xong, mới cho viết về nhà,
Nhắn gia đình gắng gửi thuốc men ra,
Cứu con bệnh trầm kha đà leo lét.
Bệnh xá vắng, người trai giờ xanh mét,
Nhìn bạn thân, rồi mỏi mệt thầm thì :
- Nhắn nhà taọ.. ráng mang xác tao về,
Lâu cũng được... đừng lo chi sớm muộn.
Đã mấy bữa, gió mưa xoay lồng lộn,
Quanh chân đồi, nước lũ uốn thành sông.
Trại kiên giam như ốc đảo giữa dòng,
Mẹ lặn lội, nóng lòng chờ mưa tạnh.
Trong đêm dài cô quạnh,
Chàng trai bất hạnh xuôi tay.
Phút cuối đời đơn độc nào hay
Mưa vừa dứt, mẹ mai này sẽ tới.
Cổng trại cấm, tờ mờ sương mẹ đợi,
Nhưng đám hung thần mũ cối ra oai,
Không cho thăm, dù mẹ khóc van nài,
Cùng giấu biệt tin người trai đã mất.
Mẹ âu sầu nét mặt,
Nhìn lũ sài lang trợn mắt cau mày,
Đành ép lòng gửi tất cả lại đây,
Mong sao thuốc đến tay con kịp lúc. 
 
Rồi lếch thếch trên đường về hun hút,
Nào hay con đã gục chết đêm qua,
Mẹ âm thầm vẫn cầu nguyện thiết tha,
Cho con thoát khỏi ba đào khốn khó.
    *
*      *
Nhìn nấm mộ, đôi mắt tù rực đỏ,
Mạng người sao như cỏ rác thế này,
Dân mình sao mãi trăm đắng ngàn cay,
Là vận nước, ý Trời hay số phận ?
 
Đi một bước, mắt nhìn lui mấy bận,
Biết bao giờ mối hận mới được nguôi.
Chân xa dần, lòng thương bạn sục sôi,
Thầm khấn khứa qua bờ môi mím chặt:
- Hôm nay mày nhắm mắt,
Biết đâu tao cũng bỏ xác đất này.
Nhưng nếu Trời cho thoát khỏi nơi đây,
Tao sẽ ráng mang mày về quê cũ.
 
Đường nghĩa địa, dáng người đi ủ rũ,
Bóng sầu dài theo bước khổ nhấp nhô.
Nắng ngại ngần, chẳng nỡ vội làm khô
Giọt lệ máu trên nấm mồ mới đắp.

Trần Văn Lương
Cali, Mùa Quốc Hận 4/2009

DungBatConQuen
Dạo:
Buồn nhìn ngọn cỏ gió xoay,
Biết ai còn nhớ ngày này năm xưa.
Đừng Bắt Con Quên
Kính lạy Chúa, con là người tội lỗi,
Trong lòng luôn sôi sục mối hờn căm,
Nhìn quê nhà ròng rã mấy mươi năm,
Đau đớn chịu cảnh lầm than tủi nhục.
Kính lạy Phật, con là người phàm tục,
Thân u mê, đủ lục dục thất tình,
Nên lòng luôn oán hận lũ yêu tinh,
Đang tàn hại bao sinh linh đất Việt.
Nửa thế kỷ người dân con rên siết,
Chốn cao xanh nào có biết cho chăng.
Thân trâu ngựa nhọc nhằn,
Trong bóng tối trôi lăn chờ giải thoát.
Dưới chế độ phi nhân đốn mạt,
Quê hương giờ tan nát tả tơi.
Người dân con chẳng được sống ra người,
Kiếp nô lệ giữa dòng đời khắc nghiệt.
Bọn thống trị đang xóa dần dấu vết
Mấy mươi năm chúng giết hại dân lành.
Tết Mậu Thân tội ác đã rành rành,
Chúng vẫn giở trò lưu manh chối biến.
Đám đầu sỏ gây nên cuộc chiến,
Đem máu xương dân Việt hiến quan thầy.
Triệu người trai còn lứa tuổi thơ ngây,
Bị nướng sạch đêm ngày do lệnh Đảng.
Rồi nhờ Mỹ bắt tay Tàu buôn bán,
Chúng cuối cùng được gán trọn miền Nam.
Và thay vì chung sức dựng giang san,
Chúng hành hạ dã man người thất thế.
Chúng áp đặt nền độc tài chuyên chế,
Chà đạp lên máu lệ của toàn dân,
Nhưng lại ngu si hèn hạ bội phần,
Làm đầy tớ quỳ dưới chân lũ Chệt.
Người yêu nước bị dập vùi đến chết,
Kẻ thương quê nằm rũ liệt trong tù.
Chúng đọa đày cả những bậc chân tu,
Khi họ chẳng đui mù vâng ý chúng.
*
*     *
Con không là thánh sống,
Nên hờn căm cứ mãi đọng trong lòng.
Mỗi lần nhìn chúng tàn hại non sông,
Là dân Việt, làm sao không oán giận?
Ngoài mặt chúng hô hào quên thù hận,
Nhưng bên trong, chúng vẫn chẳng hề ngơi,
Lo bày mưu tính kế hại những người
Khác chiến tuyến mấy mươi năm về trước.
Làm sao “hòa hợp” được,
Với bọn người bạo ngược không tim,
Sống xa hoa trên của nổi của chìm,
Mặc dân chúng chịu trăm nghìn khổ ải.
Con dẫu biết chữ “từ bi”, ” bác ái”,
Nhưng làm sao “hòa giải” với “yêu thương”,
Khi chúng còn mãi gieo rắc tai ương,
Và đem cả quê hương dâng giặc Bắc.
Chúa Phật hỡi, lòng con hằng tin chắc,
Lúc chưa thành Phật tử hoặc “con chiên”,
Con đã là người dân Việt trước tiên,
Giây phút được mẹ hiền cho hơi thở.
Con lạy Chúa, đừng bắt con tha thứ,
Và thương yêu đám quỷ dữ hung tàn.
Nếu đó là điều kiện đến Thiên đàng,
Thì con sẽ sẵn sàng sa hỏa ngục.
Con lạy Phật, nếu bắt con nhẫn nhục,
Thôi hận thù bầy súc vật gian tham,
Để được mon men đến cửa Niết Bàn,
Ngục Vô Gián con đành cam chấp nhận.
Tháng Tư mãi mãi là ngày Quốc Hận,
Ngày đau thương cho số phận dân Nam.
Nên bao lâu còn sống ở trần gian,
Mối thù đó, muôn vàn con phải nhớ.
Xin hãy lắng nghe lời con than thở,
Đừng bắt con tắt ngọn lửa trong tim,
Đừng bắt con mòn mỏi đợi chờ thêm,
Và đừng bắt con quên hờn mất nước.
*
*     *
Bốn mươi năm nguyện ước,
Biết bao giờ thấy lại được quê hương.
Tiếng than khóc đêm trường,
Vẫn từ đáy đại dương buồn vang vọng.
Trần Văn Lương
Yokohama, đầu mùa Quốc Hận
4/2015