Wednesday 17 June 2015

Hoa Kỳ và FIFA - Lê Phan


Tờ Financial Times, tờ báo kinh tế tài chánh xuất bản ở Luân Ðôn, đã đưa ra một câu chuyện giả định. Hãy thử tượng nếu bộ trưởng tư pháp của Thụy Sĩ yêu cầu Sở Cảnh Sát New York hãy phóng xe ngược Park Avenue và bắt vài viên chức của Hiệp Hội baseball Major League. Có lẽ cảnh sát sẽ thi hành yêu cầu này, nếu lệnh dẫn độ được thảo ra đúng theo luật lệ, nhưng một hay vài công dân của thành phố New York sẽ đòi được biết xem là tại sao Thụy Sĩ lại can thiệp vào một cái trò chơi thể thao truyền thống của Hoa Kỳ này.

Và điều đáng ghi nhận về vụ cảnh sát của tỉnh Zurich xông vào bắt vào lúc 6 giờ sáng bảy người tại khách sạn sang trọng năm sao Baur au Lac là ai đã là người yêu cầu việc bắt bớ này. Bà Loretta Lynch, bộ trưởng Tư Pháp của Hoa Kỳ đã là người yêu cầu họ bắt bảy viên chức của FIFA, tổ chức điều hành túc cầu quốc tế, và dẫn độ họ về để đối diện với những cáo buộc của chính phủ và tư pháp Hoa Kỳ. Vậy là một lần nữa, Hoa Kỳ đã tỏ ra có một cánh tay rất dài trong luật pháp quốc tế.

Ðiều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là hành động của bà Lynch đã được hoan hô hưởng ứng. Ở Argentina, cựu danh cầu thủ Diego Maradona tuyên bố với báo chí sau khi cáo buộc đưa ra, “Hôm nay túc cầu chiến thắng, minh bạch chiến thắng. Quá đủ rồi những vụ dàn xếp bẩn thỉu, quá đủ rồi những điều gian dối láo lếu.” Một cựu cầu thủ túc cầu khác của Brazil, nay là một thượng nghị sĩ ở Quốc Hội Brazil, ông Romario de Souza Faria, đã ca ngợi cơ quan điều tra liên bang FBI ở ngay diễn đàn của Thượng Viện Brazil. Một blogger nổi tiếng về đá banh của Anh ông Roger Bennett đã bảo với chương trình CBS Morning News là Hoa Kỳ cần được thế giới cảm ơn cho việc có hành động đối với các viên chức FIFA.

Dĩ nhiên không phải ai cũng hài lòng trước hành động này của chính phủ Hoa Kỳ. Tổng Thống Vladimir Putin đã cáo buộc là hành động của Hoa Kỳ. Tổng Thống Vladimir Putin của Nga đã cáo buộc là hành động của Hoa Kỳ là “lại một cố gắng lộ liễu của Hoa Kỳ để nới rộng pháp quyền của mình lên các quốc gia khác.” Ở một cuộc họp báo, ông Putin đã tìm cách liên hệ cáo trạng về FIFA của Hoa Kỳ với sự việc Hoa Kỳ theo đuổi cựu nhân viên hợp đồng của NSA Edward Snowdon và sáng lập viên của WikiLeaks Julian Assange. Các viên chức của Qatar hẳn cũng hơi lo về việc họ đã được lựa chọn cho tổ chức World Cup 2020 có thể bị hủy bỏ. Nhất là khi sau việc bắt giữ hôm tuần trước, công tố viện của Thụy Sĩ cũng loan báo sẽ có một cuộc điều tra hình sự liên quan đến việc Nga được chọn để tổ chức World Cup 2018 và Qatar được chọn cho năm 2020. Nhà chức trách ở Brazil và Argentina cũng đã bắt đầu điều tra chính các viên chức túc cầu của họ hợp tác với các viên chức Hoa Kỳ.

Phản ứng của đại đa số những fan của môn thể thao này trên toàn thế giới là mừng rỡ. Sau cùng đã có một ai dám tỏ ra cương quyết đủ và có ý chí để làm sạch FIFA, mặc cho những cố gắng của ông Sepp Blatter, chủ tịch càng ngày càng như muôn năm vốn bất kể các scandal và bất mãn của quần chúng. Ở Brooklyn, nơi cáo buộc này được đưa ra, đá banh chỉ được thấy ở các công viên và ở các trường học, nhưng bà Lynch đã rất đúng khi không coi đó là lý do khiến bà phải giới hạn hành động.

Nhiều người trên thế giới đã có những lúc tỏ ra bực tức khi các nhà tư pháp và tòa án Hoa Kỳ vói ra hải ngoại để bắt những người họ cho là phạm pháp. Nhưng riêng trong trường hợp của FIFA, và hơn thế, cố gắng rộng lớn của Hoa Kỳ chống tham nhũng, họ hoàn toàn đúng. Khi những tổ chức toàn cầu trở thành nơi trú thân cho tham nhũng và hối lộ, khác với Tổng Cục Baseball của Hoa Kỳ, họ không thể để cho ung thối chỉ vì việc áp đặt công lý quá khó.

Chính FIFA cũng công nhận là đã có rất nhiều những sai trái bên trong nội bộ của họ. CONCACAF, thành viên của FIFA phụ trách Hoa Kỳ và Trung Mỹ, đã kết luận cách đây hai năm rằng cả ông Chuck Blazer, cựu tổng thư ký (và từ khi bị bắt đã trở thành chỉ điểm viên cho FBI), và ông Jack Warner, cựu chủ tịch, đã nhận nhiều triệu đô la những đồng tiền bất hợp pháp trong ngân quỹ của họ.

Ấy vậy mà ông Blatter, 79 tuổi vẫn tiếp tục phây phây, bác bỏ mọi liên hệ và tiếp tục việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử, rồi sau đó thắng cử, tuy là không bằng con số của các lần trước. Hôm xảy ra vụ bắt bớ ở Thụy Sĩ, phát ngôn nhân của FIFA, ông Walter De Gregorio, còn tuyên bố, “Yếu tố gây căng thẳng hơi cao hơn môt chút hôm nay so với hôm qua, nhưng ông ta rất bình tĩnh bởi ông ta biết là ông ta không dính líu đến.”

Rồi bất chấp mọi kêu gọi từ chức từ Chủ Tịch Tổng Cục Túc Cầu Âu Châu Michel Platini, thủ tướng Anh, ông David Cameron, cũng như yêu hoãn việc bầu bán từ Tổng Thống Francois Hollande của Pháp, ông Blatter kiêu căng bảo là ông có trách nhiệm phải “duy trì sức khỏe của tổ chức.” Ông lên án điều mà ông gọi là “những hành động của các cá nhân” đã mang lại “hổ thẹn và nhục nhã” cho túc cầu. Nhưng ông nói ông không thể “theo dõi mọi người mọi lúc.”

Và rồi ông được tái bầu làm chủ tịch. Nhưng ba ngày sau ông từ chức. Phải chăng lý do là nhật báo The New York Times cáo buộc là phụ tá cao cấp nhất của ông Blatter ở FIFA cũng đã dính vào cuộc điều tra. Và đến ngày Thứ Tư trong một cuộc họp báo vội vã đến nỗi nhiều nhà báo không kịp tới dự, ông loan báo từ chức.

Cho đến gần đây, ông Blatter có lý do để bất chấp mọi tấn công. Như Giáo Sư Mark Pieth của viện Ðại Học Basel ở Thụy Sĩ, vốn là người đã được FIFA yêu cầu để đưa ra các đề nghị cải tổ hồi năm 2012, đã giải thích, Thụy Sĩ “có cái di sản là một thứ bến đậu cho những tên tướng cướp... nó rất hấp dẫn (cho 60 tổ chức thể thao quốc tế để đặt tổng hành dinh ở đó) bởi nó không có bao nhiêu luật lệ.”

Từ lúc đó, Thụy Sĩ đã siết chặt luật lệ để ngăn cản bớt tham nhũng trong các cơ quan quốc tế. Nhưng ngay cả nay khi Thụy Sĩ đã tổ chức một cuộc điều tra hình sự vào FIFA, Hoa Kỳ vốn có một truyền thống lâu đời hơn, và tỏ ra hăng say hơn trong việc theo đuổi các hành vi tội ác, kể cả những đạo tặc. Hiến Pháp Hoa Kỳ cho Quốc Hội quyền để “định nghĩa và trừng phạt đạo tặc và tội ác trên đại dương, và vi phạm luật lệ của các quốc gia.” Các vị cha già của nền Cộng Hòa Hoa Kỳ hẳn không nghĩ đến túc cầu khi viết ra điều đó, nhưng nó đủ rộng để bao hết.

Ðạo luật mạnh nhất hiện nay là đạo luật năm 1997 về Các hành vi Tham nhũng Ngoại quốc, vốn đã khiến các công ty Hoa Kỳ phạm pháp, và đặc biệt hơn nữa, một công ty có hoạt động ở Hoa Kỳ, nếu họ hối lộ các viên chức. Ðại công ty khai thác khoáng sản của Úc BHP Billiton đã là một thí dụ điển hình khi họ nhận trả 25 triệu đô la mới đây cho việc tài trợ cho 176 viên chức chính phủ đến xem Thế Vận Hội Bắc Kinh.

Ðã từ lâu các công ty và nhiều quốc gia than phiền về việc Hoa Kỳ khẳng định quyền làm cảnh sát quốc tế nhưng dần dà họ đã hiểu ra không những lập trường cứng rắn này là hữu lý mà rằng chính họ cũng phải làm thêm để ngăn chặn tham nhũng. Tiêu chuẩn quốc tế đã được nâng cao hơn khi những quốc gia khác đi theo.

Trong trường hợp của FIFA, luật pháp Hoa Kỳ đã đủ dài tay để can thiệp. Ông Blazer của CONCACAF đặt trụ sở ở New York, và những bị cáo từ FIFA và các công ty buôn bán thể thao đi qua thành phố này. Sau khi ông trở thành một chỉ điểm cho FBI, theo tờ New York Daily News, ông Blazer đã mang trong người một cái xâu chìa khóa với một cái máy nghe đến Luân Ðôn để thu các câu chuyện của các viên chức đến xem Thế Vận Hội 2012.

Thụy Sĩ có thể có vẻ như có nhiều sáng kiến hơn trong quá khứ, nhưng văn phòng công tố của Thụy Sĩ đã chấp nhận luận điệu của FIFA là họ là “phe bị hại” trong vụ này, thay vì là họ mới là kẻ có tội. Việc này có thể đúng theo luật pháp Thuy Sĩ, nhưng nó sẽ chẳng làm gì phá bỏ được cảm tưởng là FIFA đã chọn đúng nơi mà họ đặt trụ sở.

May mắn thay Hoa Kỳ không cho họ một sự an ủi đó. Bà Lynch của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã khẳng định, “Tôi xin nói rõ: Ðây không phải là chương cuối của cuộc điều tra của chúng tôi.” Túc cầu có thể không phải là môn thể thao chính của Hoa Kỳ nhưng đây là một lần khi mà thế giới cảm ơn là cường quốc số 1 của thế giới là một quốc gia dân chủ, trọng pháp và sẵn sàng bảo vệ pháp luật. Những kẻ tham nhũng trên toàn thế giới hẳn cũng đang lo.