Wednesday 17 June 2015

CỜ BAY CỜ BAY TRÊN ĐỈNH RUSHMORE - Nguyễn Ngọc Phúc

image001

image003

Cờ Bay Cờ Bay Trên Đỉnh Rushmore  nghe quen quen, phải không các bạn?

Vâng, đúng vậy. Bốn chữ Cờ Bay Cờ Bay được viết ra ở đây để nhắc lại câu chuyện của  quê hương  43 năm trước trong  chuyện kể sau: 
                                                                                              
                                    " Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu"

"Lịch sử sáng tác của bài hát oai hùng này là khi quân Cộng Sản Bắc Việt đưa quân ào ạt đánh chiếm tỉnh Quảng Trị vào tháng 3 năm 1972 thì quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tái chiếm lại vào ngày 16/9/1972 trong một trận đánh được mô tả là rất ác liệt, được ghi vào những chíến công oai hùng của người lính miền Nam. Lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ được kéo lên trên Cổ Thành tỉnh Quảng Trị trước sự vui mừng của quân dân Việt Nam Cộng Hòa." ( trích đoạn trên internet)


Từ đó, một bài hát có tên " Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu" được viết ra để ca tụng chiến công oai hùng này.

“Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu.
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu"

 Một bài hát khá dài nhưng chỉ có và chỉ 2 câu ngắn ngủi mở đầu này khi chợt nghe lần đầu tiên trên đài phát thanh năm 1972, phải nói, tôi thấy xúc động vô cùng, chữ cảm động chưa đủ để nói lên cảm xúc của tôi khi nghe câu " Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu". 

 Ghi vào lịch sử của đất nước bằng máu khi chiếm lại thì có chữ nghĩa gì, hình ảnh gì  hay  có cái gì để thay cho chữ nghĩa này?

Vâng, có đấy. Câu hát đã được thay bằng một hình ảnh không lời nhưng ngàn nghĩa. Nó  đến thật nhanh nhưng đã ở trong tôi ngay tức thì, mãi mãi cho đến ngày hôm nay và có lẽ muôn đời.
10 ngày trên xe bus, ở dưới đường, trong khách sạn và ngoài thắng cảnh. Ôi, có thật nhiều chuyện để kể, để nói , để nghe, để nhìn, để thấy và để nhớ.

Mời các bạn theo tôi đi xem cờ bay.

Nào mình bắt đầu khởi hành nhé.

Nhóm chúng tôi gồm 4 người trong gia đình, 2 chị em ruột với 2 ông chồng, lên xe nhà từ 3.30am sáng thứ bẩy 30 tháng 5 2015 từ Simi Valley, CA  để đi đến bến xe bus của Family Tours ở dưới Santa Ana, một đường dài khoảng gần 80 miles.

Gần 5.00am, chúng tôi đã có mặt tại điểm hẹn, may không kẹt xe đi vào sáng sớm.

Khách đi cũng đã đến khá đông. Mọi người đều valy khăn gói và áo lạnh sẵn sàng cho một chuyến đi đường dài nhưng không biết dài tới đâu.

Với tôi, đây là một chuyến du lịch đường bộ trên xe có lẽ dài nhất trong cuộc đời. Dĩ nhiên, trong lòng có rất nhiều háo hức và nôn nao.

5.15am, xe bus đến, hành lý được cất vào hầm xe nhanh chóng bởi 3 người trong ban tổ chức. Mọi người bắt đầu lục đục lên xe.

Cuộc lên xe và số chỗ ngồi đã được thông báo trước cho chúng tôi, cho nên, không có sự vội vã, lộn xộn hay ồn ào xẩy ra. Điểm khen đầu tiên cho ban tổ chức Family tours.

Chỉ trong vòng 10 phút, sau  cuộc điểm danh khách đi được tiến hành và xác nhận đủ người, bánh xe bắt đầu lăn lên xa lộ 22 E.

" GOOD MORNING CÔ BÁC - CÔ BÁC TỈNH NGỦ CHƯA?"

Chàng trai trẻ, có tên là John của Family Tours, cất tiếng chào lớn đã thực sự làm chúng tôi tỉnh ngủ hẳn trên ghế ngồi.

Các lời chào kế tiếp và các câu chuyện dặn dò thông báo của ban tổ chức được vắn tắt loan báo. Cuối cùng, điều làm tôi lắng nghe và cần nghe nhất đã được nói tới: " Cuộc du lịch 10 ngày xuyên 7 tiểu bang sẽ dài hơn 3500 miles"

3500 miles nó dài như thế nào vậy các bạn?

Tôi ngồi tưởng tượng xem 3500 miles nó đi tới đâu:

- nếu lấy đường dài từ LA đi lên San Jose : 340 miles/ 1 way và mất 5 giờ lái xe, thì 3500 miles sẽ là hơn 10 lần đi San Jose : 340 x 10= 3400 hay 5 lần đi và về, còn 5hrs x 10 = 50 tiếng đồng hồ tất cả, nghĩa là lái xe hơn 2 ngày không ngủ.

OK! không sao, chuyện nhỏ.

Nhưng khi mở bản đồ nước Mỹ đế xem đường đi, tôi vô tình tìm xem từ LA /CA tới Miami/FL, dài bao xa?

Eo ơi! 3500 miles này nó sẽ dắt tôi từ LA tới Miami qua 2730 miles, rồi cho tôi đi bộ lăng nhăng thêm 770 miles, nghĩa là từ Miami , có thể bơi qua biển đến thăm ông râu xồm Fidel Castro ở Cuba mất 335miles rồi chạy lên chạy xuống  ngược xuôi trên cái đảo để canh thức cho người anh em Viêt Nam đang ngủ thêm 15 miles nữa. Xong, ra bãi biển thong thả dạo mát  bơi về 335 miles, công lại là đủ 770 miles chẵn tròn tình nghĩa anh em. 

 No way Jose . Nó dài lắm. Tôi  phải đi bộ xuyên nước Mỹ từ bờ biển phía Tây Thái Bình Dương sang tận bờ biển phía Đông Đại Tây Dương,  xong vượt biên tới Cuba rồi dong buồm trở về mới nuốt hết 3500 miles.

Nhẩm bài tính này tới đây, tôi lịm đi thật sự vì chắc không chịu nổi qua con trăng này.

Thế là ngay sau đó, tôi bắt đầu phiêu du vào giấc mộng chì  trên ghế xe để chuẩn bị cho cuộc viễn du tưởng tượng từ LA tới Miami, rồi bơi đi và bơi dzìà qua biển Caribbean  cho chẵn tròn 3500 miles.
Nếu chẳng may, tôi được cá mập dùng điểm tâm ở biển Caribbean trên đường bơi thì chắc chắn tên tôi sẽ được lên báo ở Havana, Cuba trang nhất.

Nếu bơi đến : khúc ruột ngàn năm. Còn bơi đi:  tàn dư Mỹ Ngụy.

Đằng nào cũng có tên. That is OK. Tôi không ke. Ha! Ha! Ha!.

Theo chương trình đi trong 10 ngày, chúng tôi sẽ được thăm viếng ngắm cảnh những địa điểm sau:

Ngày 1- Xem rừng cây hóa đá " Petrified Forest" ở tiểu bang Arizona. Ngủ đêm ở motel Best Western, Hollbrook, AZ

Ngày 2 - Xem Painted Desert và Sky City Culture Center ở Albuquerque, tiểu bang New Mexico. Ngủ đêm tại Santa Fe, NM.

Ngày 3 - Thăm Bandelier National Monument ở tiểu bang New Mexico và Great Sand Dunes ở tiểu bang Colorado. Ngủ đêm ở Colorado Springs, CO.

Ngày 4 - Đi xem Garden of the Gods và Rocky Mountain ở tiểu bang Colorado. Ngủ đêm ở Cheyenne, WY.

Ngày 5 - Đi xem Badland National Park thuộc tiểu bang South Dakota. Ngủ đêm ở Rapid City, SD.

Ngày 6 - Đến thăm Mt. Rushmore và tượng núi Crazy Horse ở tiểu bang South Dakota. Ngủ đêm ở Denver, CO.

Ngày 7 - Đến xem Maroon Bell thuộc thành phố Aspen, tiểu bang Colorado. Ngủ đêm ở Grand Junction, CO.

Ngày 8 - Ghé xem Colorado Monument ở tiểu bang Colorado và National Monument thuộc tiểu bang  Utah. Ngủ đêm ở Page, AZ.

Ngày 9 - Đến xem Antelope Canyon và Glen Canyon Dam ở Lake Powell thuộc tiểu bang Utah. Ngủ đêm ở Las Vegas, NV.

Ngày 10 - Rời Las Vegas về lại California.

Lướt qua chương trình và địa điểm thăm viếng trong 10 ngày, tôi thích nhất là sẽ đến thăm Mt. Rushmore và tượng núi Crazy Horse ở tiểu bang South Dakota, một nơi tôi đã được nghe đến, đọc đến và nhìn thấy qua sách vở internet cũng như quảng cáo du lịch trên đất Mỹ. Sau đó, thích nhì là tái ngộ với bất  thằng bàn Las Vegas ở ngày cuối cùng của chuyến viễn du, một nơi tôi thường đến làm việc từ thiện một cách vui vẻ và hăng say hàng năm.

Phần còn lại đi xem là hoàn toàn xa lạ với tôi, từ địa danh gọi tên cho đến địa điểm thăm viếng. Có thể hấp dẫn, lạ lùng hay đẹp đẽ và cũng có thể bình thường, hơi hơi lạ và OK. Không sao.

Nhưng không sao, với mấy chục năm ở vùng núi khô cỏ dại, xe cộ ồn ào và thiếu đồng xanh cỏ nội ở California, nếu mình được đưa ra khỏi thành phố ồn ào để đến với thiên nhiên sông hồ, núi rừng xanh mát và yên lặng với trời đất trong 10 ngày, bỏ lại sau lưng những ngột ngạt và cuồn cuộn của đô thị, tôi cũng đã mường tượng những ngày thích thú và yên bình này. 

Khi làm hành lý, tôi đã cẩn thận in ra một check list cho tôi và vợ tôi tất cả những thứ cần thiết cần mang theo. Tôi biết ít người làm cái check list này nhưng nhờ nó mà không bao giờ khi đụng trận tôi  phải bỏ chạy hay la trời la đất. Tuy nhiên, đôi khi cũng la làng gần chết.

Trong check list, tôi phân từng loại cần như:

- quần áo thường - quần áo lạnh - giầy dép dớ mắt kiếng nón - đồ vệ sinh cá nhân - thuốc thang cá nhân - thuốc  emergency: dau bụng , nhức đầu, sổ mũi..- máy móc chụp hình, quay phim cùng phụ tùng như memory, charger và giây nhợ - cell phone - tablet - tiền bạc - credit card -  đồ ăn snack lai rai - bản đồ.

Cuối cùng: một check list nhỏ tự nhắc: TẮT ĐÈN, TẮT NƯỚC, TẮT TV, TẮT COMPUTER, TẮT BÀN ỦI, DẤU CHÌA KHÓA NHÀ, XE, TIỀN BẠC HAY CREDIT ĐỂ NHÀ.

Các bạn chắc thấy tôi hơi bị an zai mơ tí phải không? Ấy thế mà nhẹ đầu lắm. Cho tờ giấy check list nó nhớ dùm mình thì lên xe, chăm phần chăm là yên tâm với mình và yên tĩnh với mợ.

Vợ tôi lần đầu tiên bị làm check list, đã coi thường sáng kiến của người và cho tôi bị..hơi ấm đầu lo xa. Vài lần sau, nàng đã vui vẻ cầm bút check mỗi thứ nàng bỏ vào valy.

Từ đó, tôi đã được nâng cấp từ  hơi ấm lên ….mát. 

Trong tự điển y khoa dân gian, tĩnh từ "hơi ấm và mát"  hình như …đồng nghĩa với nhau. Như vậy là làm sao? Từ " hơi ấm " lên "ấm" còn được, chứ nâng vọt lên tới " Mát" thì điên lên được.

Trong check list, có 2 phần tối tối quan trọng  tôi phải cẩn thận ghi và check.

Đó là phần thuốc uống cá nhân như cholesterol, tiểu đường, cao máu, nhỏ mắt..Vợ tôi và tôi có danh sách thuốc riêng. Thiếu cái này như đời sẽ vắng em và sẽ có người hát bài Biệt Ly tiễn đưa mình không biết vào lúc nào.

Phần thứ 2 là máy móc chụp hình, quay phim cùng phụ tùng giây nhợ, charger, cục pin sơ cua, tablet và cell phone.

Nếu vắng những cái linh tinh này thì thà tôi ở nhà còn hơn bởi không có nó, tôi sẽ như bị ở tù biệt giam, không còn liên lạc với thế giới chung quanh, bị điếc, bị câm, bị mù và không nhớ ai là ai nữa.
Mỗi lần đi chơi và chụp hình là bao giờ cũng nghe câu la làng lớn nửa chừng ở giữa đồng không mông quạnh: "Chết cha, máy tui hết bin  dồi" hay nửa đêm, ngồi trong phòng ngủ kêu ầm lên " sợi giây charger của tui đâu rồi ??"

Không pin, không charge là không hình. Không hình là không có hòa bình và sẽ có chiến tranh.

Câu nói này đã được ghi trong chương trình huấn luyện Sĩ Quan Võ Bị Đalat tại gia đấy các bạn ạ. Trong đó, tôi là tân binh sĩ quan thụ huấn, còn sĩ quan cán bộ là ai? Thì còn ai trồng khoai đất này.
Vì vậy, tôi rất tự hào về phát minh sáng kiến cũ này của mình. 

(Xin xem tiếp tập 2: CỜ BAY CỜ BAY TRÊN ĐỈNH RUSHMORE)


Nguyễn Ngọc Phúc