Tuesday, 28 July 2015

Việt Nguyên - Về chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng

Tôi qua Little Saigon vào giữa tháng 7, một tuần sau chuyến viếng thăm lịch sử của Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tổng Thống Obama dang tay đón nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản không đại diện quốc gia và dân Việt. Bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cải thiện từ năm 1995 khi hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ nhưng trong hai mươi năm bộ mặt chính trị không thay đổi, bang giao Hoa Kỳ và Việt Nam không đi đôi với quan hệ giữa Đảng Cộng Sản và nhân dân Việt Nam, tương quan giữa Hoa Kỳ và chính quyền Cộng Sản Việt Nam không song song với quan hệ giữa người Việt hải ngoại và chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Little Saigon, thủ đô tị nạn với ba thị trưởng và một thượng nghi sĩ tiểu bang người Việt, cũng như thành phố Bellaire của Houston vẫn giữ màu sắc của người Việt tự do. Cờ đỏ sao vàng chỉ dương lên ở Hoa Thịnh Đốn. Khác với nhà thơ Trần Dần năm 1954, “Tôi bước đi không thấy phố, thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ,” tôi lái xe đi quanh Little Saigon chỉ thấy màu cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới ở khắp các thương xá. California không có đạo luật như Texas nhưng cờ đỏ sao vàng là màu cờ chết ở hai nơi có đông người Việt nhất.

Bốn mươi năm trước, sau ngày 30 tháng 4, 1975, Cộng Sản xây nhà tù khắp nơi trên ba miền đất nước Việt Nam, bốn mươi năm sau, Việt Nam còn một nhà tù vĩ đại giam cầm các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam. Tháp ngà Chủ Nghĩa Cộng Sản trở thành “lâu đài tù” của tổng bí thư đảng và 16 ủy viên bộ chính trị trung ương, giam cầm“những tư tưởng vĩ đại Marx Lenin” còn sót lại trong lịch sử của nhân loại vào thế kỷ thứ 21.

Chuyến đi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khác với hai chuyến đi Mỹ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trương Tấn Sang những năm trước. Ba bộ mặt khác nhau đại diện cho một chế độ tình cờ có những cái tên như đại diện cho một thời kỳ mới của chế độ tham nhũng tư bản đỏ Tấn Dũng, Tấn Sang, Phú Trọng trong khi đa số dân Việt Nam vẫn nghèo đói với những bất công xã hội, đã bày tỏ và phát biểu khác nhau trong ba chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.

Năm 2008, ngày 26 tháng 6, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Houston, con người khi lên làm thủ tướng gốc miền Nam và công an đã đem hy vọng lẻ loi cho nhiều người mơ tưởng Nguyễn Tấn Dũng sẽ như TBT Gorbachev gốc công an biết rõ nội tình đảng sẽ thay đổi. Nhưng chuyến đi của ông Dũng là chuyến đi tìm kiếm những kẻ qui hàng ham lợi nhuận Nguyễn Cao Kỳ trong buổi tiếp tân ở Houston. Nguyễn Tấn Dũng theo thời gian đã cho thấy ông không đại diện cho phe đổi mới mà chỉ đại diện cho “chủ nghĩa cá nhân vụ lợi.”

Năm năm sau, ngày 24 tháng 7, 2013, Chủ Tịch Trương Tấn Sang qua Mỹ, không được Tổng Thống Obama đón tiếp đàng hoàng như một quốc trưởng, con người miền Nam này cũng giống như Nguyễn Tấn Dũng, không tiến bộ, tuyên bố ngớ ngẩn “cám ơn chính phủ Hoa Kỳ đã chăm sóc cộng đồng dân Việt tại Mỹ” xem dân Việt tị nạn, những người bỏ xứ bỏ xác đi tìm tự do trên biển cả là công dân của ông! Năm nay Nguyễn Phú Trọng, thường bị chê bai là Trọng “lú” lại phát biểu khá hơn hai bộ mặt Tấn Dũng và Tấn Sang, cùng Tổng Thống Obama ghi nhận thành quả đóng góp của người Việt vào xã hội Mỹ trên mọi lãnh vực. Bộ mặt giả dối của ông Trọng không che dấu được bài diễn văn đọc ngày 30 tháng 6, 2015 tại buổi mít tinh 100 năm sinh nhật cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh “không chấp nhận đa nguyên đa đảng.” Hơn hai mươi năm trước khi Gorbachev tuyên bố chính sách “đổi mới,” Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh cũng nhại theo đổi mới, nay ông Trọng nhắc lại quan điểm của Đổ Mười “coi chừng bọn phản động với tiến trình dân chủ.” Thời Võ Văn Kiệt, thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi “mỗi quốc gia có quyền theo đuổi một thể chế chính trị riêng” nghe như đổi mới nhưng thể chế của Việt Nam là thể chế áp đặt độc quyền của Đảng CSVN từ năm 1954, thay đổi từ thời ông Kiệt đến nay là “xanh vỏ, đỏ lòng.”

Tổng Thống Obama đón tiếp Nguyễn Phú Trọng đúng 800 năm sau ngày Magna Carta (Đại Hiến Chương Dân Chủ) ký bởi vua John nước Anh năm 1215 sau thành nền tảng của Hiến Pháp Hoa Kỳ. “Không ai được đứng trên pháp luật” kể cả vua. Các ông vua và hoàng tử Cộng Sản Việt Nam vẫn đạp trên pháp luật trong xã hội Việt Nam thay đổi về kinh tế sau ngày bang giao với Hoa Kỳ. Người ta đã sai lầm khi cho các lãnh tụ Đảng CSVN nhiều công trong “đổi mới.” Năm 1938, nghiên cứu về những cuộc cách mạng trên thế giới kể cả Cách Mạng Pháp 1789 và Cách Mạng Cộng Sản Bolshevik tháng 10 năm 1917, sử gia đại học Harvard, Crane Brinton nhận định: Các cuộc cách mạng nào cũng qua ba giai đoạn, giai đoạn đầu là giai đoạn cuồng nhiệt mê sảng, bọn cuồng tín độc tài vô nhân đạo đập tan chế độ cũ. Giai đoạn đầu này được Cộng Sản gọi là giai đoạn xây dựng quá độ xã hội chủ nghĩa, giai đoạn gây nhiều tội ác, đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện hai lần, một lần năm 1954 với chính sách cải cách ruộng đất, một lần năm 1975 với chính sách tiêu diệt tư bản và “tàn dư Mỹ Ngụy.” Giai đoạn mê sảng của những người có lý tưởng Cộng Sản thật sự 40 năm sau cảm thấy hối hận. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn dưỡng bệnh, giai đoạn của người bệnh qua cơn sốt cách mạng, giai đoạn xây dựng chính phủ độc tài để đàn áp những người chống đối, giai đoạn Cộng Sản gọi là chuyên chế xã hội chủ nghĩa với những chiêu bài đưa ra để che dấu những mánh khoé làm giàu nhờ chủ nghĩa. Giai đoạn sau cùng là giai đoạn hồi phục. Xã hội trở về lại trạng thái bình thường với những đặc tính của con người, yêu, buồn, giận, ghét, sống một cuộc sống bình thường. Con người trong xã hội áp bức tìm về với tôn giáo trong khi một nhóm nhỏ nắm giữ quyền lực vẫn xem lý tưởng cách mạng sai lầm của họ là tôn giáo.

Trong thời kỳ thứ ba này giới trẻ trưởng thành như thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên không còn biết hận thù chủ nghĩa, không biết cách mạng cũng không biết tội ác Cộng Sản và không tin vào giáo điều Cộng Sản. Đa số giới trẻ có những suy nghĩ mới, họ trở nên thực tiễn. Xã hội của giới trẻ năng động sẽ thay đổi xã hội, nói theo giọng Cộng Sản, “Tiến trình tất nhiên của xã hội.” Giới trẻ Việt Nam cũng như giới trẻ khắp nơi trên thế giới sống trong tiến trình của thế kỷ thứ 21 với kỹ thuật, nhất là kỹ thuật thông tin, đã thay đổi xã hội. Tập Cận Bình nói về giấc mơ Trung Hoa nhưng chưa nghe một nhà lãnh đạo Việt Nam nào nói về giấc mơ Việt Nam. Giấc mơ của những người trẻ Việt Nam là đi ngoại quốc, đi Mỹ học không về không để ý đến các ông lãnh đạo còn tin vào giáo điều Cộng Sản chống Mỹ cứu nước. Những người trẻ ở lại trong nước bị con ông cháu cha đè đầu đè cổ thì cười thầm chế độ và có giấc mơ dân chủ dùng mạng lưới hay bích chương qua các điện thoại thông minh biến mạng lưới thành chiến trường mới. Từ khi bà Clinton làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà đã chủ trương dùng Facebook như là “quảng trường tự do” từ châm ngôn La Tinh có từ ngàn năm, “Nulins In Verba” – “không ai dạy chúng ta suy nghĩ,” giới trẻ không còn muốn bị áp đặt. Chính quyền đổ tội cho giới trẻ phản động nhưng giới trẻ Việt Nam cũng như giới trẻ khắp thế giới kể cả Hoa Kỳ, chỉ muốn công lý, công bằng và bình đẳng xã hội. Những đòi hỏi cũ kỹ như thời Jean Jacques Rousseau, “ Con người có tính bản thiện, dân cần được giải thoát khỏi chính quyền độc tài thì xã hội trở nên hài hòa.” Bầu cử dân chủ giúp xã hội thay đổi hòa bình bằng cách loại bỏ những nhà độc tài. Chính quyền dân chủ thực hiện bình đẳng xã hội.

Ở thế kỷ thứ 21, đọc lại thuyết Karl Marx viết trong thế kỷ 19 thì thấy những điều Marx viết về tư bản đều đúng như tư bản tham lam ham lợi còn những điều Marx viết về Cộng Sản tất cả đều sai. Cộng Sản không đem đến bình đẳng, san bằng giai cấp và hạnh phúc cho xã hội trái lại Cộng Sản sinh ra giai cấp đặc quyền đặc lợi, thiểu số ấy dùng chủ thuyết như tôn giáo để cai trị không muốn thay đổi. Bốn mươi năm trước, khi Hoa Kỳ bắt đầu bang giao với Việt Nam, một trong những điều kiện được phía Việt Nam đưa ra với chính quyền Clinton là Hoa Kỳ không lợi dụng giao thương để thúc đẩy “tiến trình dân chủ.” Việt Nam nhận được lời hứa qua chủ thuyết ổn định Kissinger. Qua chính quyền Bush đến Obama lần này Việt Nam lại đưa điều kiện này một lần nữa. Hai năm trước, khi biển Đông bắt đầu nổi sóng, tướng Đỗ Bá Tỵ qua Mỹ, (một người có mặt trong buổi họp cho tôi biết tướng Tỵ không “ngu” như giới chống chính quyền gọi) và mấy tháng trước đây qua báo Tuổi Trẻ tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nhắc, “Hoa Kỳ vì quyền lợi trở lại vùng Thái Bình Dương nhưng yêu cầu Hoa Kỳ không nhắm thay đổi chính quyền Việt Nam.” Trước ngày Đại Hội Đảng CSVN tháng 1 năm 2016, tướng Vịnh tranh quyền với tướng Phùng Quang Thanh nhưng vẫn không quên bảo vệ chế độ.

Hà Nội khôn khéo biết Hoa Kỳ muốn Đông Nam Á ổn định để làm kinh tế nhưng tình hình Việt Nam và Trung Hoa hiện nay đúng như kinh tế gia và nhà tâm lý Daniel Kahneman giải Nobel năm 2002 viết, trái với thuyết ổn định của Henry Kissinger, “Ổn định tốt trong một xã hội hòa bình và thịnh vượng trái lại ổn định xấu và quỉ quái trong xã hội nghèo và bị đè nén.” Ổn định trong xã hội như Việt Nam hiện thời chỉ có lợi cho Đảng Cộng Sản.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trong qua Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Obama bàn về Quốc Phòng, Quân Sự và Thương Mại TPP với hiểm họa Trung Cộng ở Thái Bình Dương nhưng hiểm họa “Hán hóa” đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam bảo vệ với mô hình Trung Quốc. Tập Cận Bình từ khi làm tổng bí thư Đảng CSTQ đã đổi Cộng Sản thành “xã hội hài hòa” nhưng thật ra là chính sách “Hán hóa,” chính sách đồng hóa các dân tộc lân bang có từ thời nhà Hán. Chính sách “Hán hóa” xem các dân tộc lân bang là rợ, Nam bang, Bắc rợ, chính sách của Tập Cận Bình tiếp tục đàn áp và phá hủy nền văn hóa của dân Tây Tạng và dân Hồi Tân Cương. Trên thế giới, các quốc gia Âu Mỹ, có khuynh hướng hồi phục và bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của dân thiểu số riêng ở Trung Cộng chính quyền chủ trương chỉ có một ngôn ngữ và văn hóa Hán.

Chính sách “Hán hóa” của Tập Cận Bình tóm gọn ba phần. Thứ nhất là chỉ có Đảng Cộng Sản độc quyền cai trị mới bảo đảm thành quả kinh tế tư bản. Thứ nhì là chỉ có Đảng Cộng Sản vô thần có thể bảo đảm tự do tôn giáo! Thứ ba là chính sách của Đảng Cộng Sản và chỉ có chính sách duy nhất ấy mới bảo đảm được giá trị cổ truyền của xã hội Khổng Tử. Xã hội Khổng Tử mới theo lý luận của Tập Cận Bình là xã hội hài hòa có giá trị đạo đức và tinh thần yêu nước. Đối với các sử gia trên thế giới thì tinh thần quốc gia quá khích cực đoan trái lại rất nguy hiểm, tinh thần ấy dẫn đến sự tin tưởng cho dân Trung Hoa là họ có quyền làm chủ thế giới thống trị thế giới với đa số 1 tỷ 300 triệu dân, tinh thần của Hitler trong thời thế chiến thứ hai.

Tập Cận Bình lý luận rộng ra, dựa trên ba lý luận trên! Thứ nhất là nếu không có Đảng Cộng Sản với quyền hành tuyệt đối thì bọn tư bản sẽ lợi dụng tình thế để gây xáo trộn và chống đối. Điển hình là trong tháng 7 năm 2015, thị trường chứng khoán ở Trung Hoa bị suy giảm, chính quyền Trung Cộng đã đổ tội ngay cho các công ty tài chính Hoa Kỳ như Golman Sachs, Morgan Stanley và nhà tỷ phú George Soros (gốc Hung Gia Lợi, thành phần phản động chống Cộng Sản Đông Âu).

Thứ nhì là tự do tôn giáo sẽ dẫn đến tranh chấp tôn giáo, chiến tranh tôn giáo, làm rối loạn trật tự xã hội. Trong lịch sử Trung Hoa như thời Mãn Thanh những phong trào chống đối chế độ đã mang màu sắc tôn giáo. Lý luận thứ ba của Tập Cận Bình quan trọng nhất đối với giới trẻ. Cá nhân chủ nghĩa làm nguy hại đến xã hội hài hòa, khác với Jean Jacques Rousseau và các tư tưởng gia cha đẻ nền dân chủ Hoa Kỳ như Thomas Jefferson, Tập Cận Bình cho rằng những giá trị phổ thông vĩnh cửu Tây phương như Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân này đã ảnh hưởng xấu đến giới trẻ Trung Hoa. Kẻ thù thật sự của chế độ  và Đảng CSTQ không phải là tư bản từ khi Trung Cộng phát triển theo con đường “tư bản với định hướng xã hội chủ nghĩa” mà là nền văn hóa Tây phương với chủ nghĩa cá nhân và những giá trị phổ thông loan truyền qua mạng lưới thông tin.

Chủ trương của Tập Cận Bình về tôn giáo là “hài hòa tôn giáo,” bất cứ tôn giáo nào ở Trung Hoa cũng phải hài hòa! Tôn giáo phải phát triển chủ nghĩa để đưa đến phát triển kinh tế, xây dựng xã hội hài hòa, đoàn kết sắc tộc đưa đến đoàn kết quốc gia. Tôn giáo nào không đi theo cương lĩnh của đảng là tôn giáo thoái hóa vì vậy đảng viên Đảng Cộng Sản không được theo một tôn giáo nào trừ tôn giáo của Marx, của Mao, của Stalin, của Hồ Chí Minh. Dân Trung Hoa có tự do tư tưởng do Đảng Cộng Sản cho phép nhưng đảng viên Cộng Sản không phải là thường dân, họ là những chiến sĩ chiến đấu cho lý tưởng Cộng Sản. Đây không phải là ý tưởng mới của Tập Cận Bình mà họ Tập chỉ lập lại ý tưởng cố hữu năm 1848 của Karl Marx khi phân tích cách mạng Pháp.

Các đảng viên ly khai Đảng CSTQ mỉa mai, “Tốt nhất cho đảng viên Đảng CSTQ là không tin gì cả ngay cả chủ nghĩa Cộng Sản.” Ý thức Cộng Sản biến mất trong đời sống chính trị hàng ngày ở Trung Hoa vì vậy đa số đảng viên ly khai theo đạo Tin Lành.

Các đảng viên chống đối Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mỉa mai tình trạng hiện tại ở Trung Hoa (cũng như ở Việt Nam).”Chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Quốc” đồng nghĩa là “Xã hội chủ nghĩa với đặc tính tư bản” hay xã hội với “chủ nghĩa tư bản thiếu đấu tranh giai cấp.”

Trong mười năm nay, giới bình luận chính trị Âu Châu như tờ Economist ở Anh khi nhìn về Việt Nam đã hỏi “Ai là người lãnh đạo ở Việt Nam?” Trong khi ở Trung Hoa họ biết là Tập Cận Bình thì ở Việt Nam họ không biết quyền hành trong tay Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang hay Nguyễn Phú Trọng? Trước ngày Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ các tờ báo lớn như Guardian đã xem Nguyễn Phú Trọng là một trong những người có quyền lực nhất ở Á Châu. Nay chuyến qua Mỹ của Nguyễn Phú Trọng tái xác nhận chính sách của đảng từ năm 1954 “Đảng lãnh đạo,chính quyền quản lý, dân làm chủ.” Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo (có thực quyền), Nguyễn Tấn Dũng quản lý (chia chác tài sản nhân dân và quốc gia), Trương Tấn Sang làm chủ (nhân dân bù nhìn không quyền). Đảng Cộng Sản Việt Nam trong hai mươi năm sau ngày bang giao với Hoa Kỳ hành xử như Đảng Mafia bí mật không rõ ai là chúa đảng nay Nguyễn Phú Trọng vỗ ngực tự xưng. Chính quyền Hoa Kỳ từ đây đã biết họ cần nói chuyện với ai. Chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng là tin mừng cho người Việt Nam.