Trong chuyến bay SGN – Paris năm ngoái, tôi ngồi bên cạnh một hành khách Tây rất thú vị. Anh ta nói tiếng Anh khá, và quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nên chúng tôi có một buổi trò chuyện hào hứng, có lúc làm hành khách khác hơi ngạc nhiên! Anh ta đưa ra nhận xét: Tàu (China) mãi mãi, xưa cũng như nay, chỉ là một đứa trẻ to thân. Nói theo cách nói của dân miền Tây tôi là: một đứa con nít mà bự xác.
Bự xác hay bự con là nói đến vật lí. Đất nước Tàu thì dĩ nhiên là rất rộng. Chẳng những đất rộng mà dân cũng đông (một phần là do đẻ nhiều trước đây). Còn “Con nít” là đề cập đến thể chất và đầu óc suy nghĩ như trẻ con. Suy nghĩ thể hiện qua lời nói. Nghĩ ấu trĩ thì lời nói cũng ấu trĩ. Những hành vi của các quan chức Tàu gần đây đối với các nước láng giềng như Philippines (và ngôn ngữ trong hội nghị về Biển Đông) cho thấy quả thật Tàu là một đứa con nít bự xác.
Tấn công cá nhân là một thói nguỵ biện rất quen thuộc có tên là ad hominem nhưng cũng rất hiệu quả. Ngài tổng thống nói về yêu sách của Tàu, còn phát ngôn viên Tàu thì nói về cá nhân ngài tổng thống. Vấn đề ở đây là yêu sách vô lí của Tàu, nhưng phát ngôn viên lại xoay sang hướng cá nhân. Một sự chuyển hướng tranh luận như thế là thể hiện sự đuối lí, không cãi được bằng lí lẽ nên tấn công cá nhân người tranh luận. Đúng như Tổng thống Aquino nhận xét “Vâng, tôi cảm ơn Tân Hoa Xã vì chính họ đã tái xác nhận giá trị quan điểm của chúng tôi. Khi ai đó không thể trả lời một vấn đề, họ mới phải viện đến việc chửi đổng”. Hành vi chửi đổng đó chẳng khác gì thi đấu võ mà đánh dưới thắt lưng. Nói như viên phát ngôn Tàu là hèn.
Công kích cá nhân như nói trên có khi rất hiệu quả, vì nó đánh lạc hướng vấn đề. Thay vì tập trung thảo luận về vấn đề, người ta lại tập trung vào cá nhân người đặt vấn đề. Mà những thông tin liên quan đến cá nhân, đời tư thường “mặn” hơn, hấp dẫn hơn, và do đó cuốn hút người ta hơn. (Mà chưa biết ai ngu dốt, viên phát ngôn của Bộ ngoại giao Tàu hay Tổng thống Aquino ngu dốt?) Hệ quả là nó biến cuộc tranh luận thành một cái chợ trời chữ nghĩa, nơi đó người ta ném qua quăng lại những ngôn từ bẩn thỉu và đáng khinh.
Điều đáng nói là nguỵ biện kiểu công kích cá nhân lại rất phổ biến trên báo chí VN, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến những người bất đồng chính kiến. Thay vì bàn về ý kiến hay hành vi của họ thì giới báo chí hay có xu hướng viết về đời tư của họ. Những kiểu nguỵ biện như thế chẳng những có hiệu quả làm vẩn đục môi trường thảo luận, mà nó còn thể hiện một sự lười biếng trong suy nghĩ. Vì lười biếng nên người ta phải sử dụng cái gì dễ nhất và sẵn có về cá nhân, và do đó dẫn đến giảm chất lượng trong thảo luận. Việt Nam mới có một phát ngôn viên ngoại giao mới. Hi vọng rằng anh này cao hơn đồng nghiệp Tàu của anh ta một cái đầu và làm gương để báo chí không dùng đến ad hominem nữa.