Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 12/11/2014
17.08.2015
WASHINGTON—
Báo New York Times hôm chủ nhật nói rằng chính quyền Obama đã cảnh báo Trung Quốc về sự hiện diện của các nhân viên thi hành công lực của nước này ở Hoa Kỳ bí mật làm áp lực buộc những người nổi tiếng đang sống lưu vong phải trở về nước trong khuôn khổ một chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh. Hiện tượng này diễn ra vào lúc căng thẳng giữa hai bên đang tăng cao và chỉ vài tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du đến Hoa Kỳ.
Viện dẫn các giới chức Mỹ không nêu danh tính, báoNew York Times nói Bắc Kinh đã gọi nỗ lực này là 'Chiến dịch Săn chồn' (liệp hồ), được sự tán thành của công chúng ở Trung Quốc. Báo Times nói các điệp viên tham gia chiến dịch là người của Bộ Công An và không đến Hoa Kỳ với tư cách thi hành công vụ, mà có phần chắc đã vào nước Mỹ với thị thực du khách hay thương mại.
Gần 1,000 người đã hồi hương
Theo báo Times, kể từ năm 2014, đã có hơn 930 nghi can bị hồi hương, kể cả hơn 70 người đã tự nguyện trở về trong năm nay. Báo này nói họ nằm trong khuôn khổ một chiến dịch quốc tế nhằm truy lùng những người bỏ trốn ra khỏi nước vì lý do kinh tế và ‘thuyết phục’ họ trở về nước.
Giám đốc chiến dịch là ông Lưu Đông, được trích thuật nói rằng các điệp viên được lệnh tuân thủ các luật lệ địa phương nhưng “chừng nào có thông tin về một nghi phạm, chúng ta sẽ truy lùng họ ở đó, chúng ta sẽ thi hành nhiệm vụ với họ, ở bất cứ đâu.”
Nhà khoa học chính trị của công ty RAND, ông Scott Harold nói chiến dịch bao gồm việc truy lùng những người mà các giới chức Trung Quốc gọi là ‘hổ,’ tức là những giới chức cấp cao bị tố cáo tham nhũng, và ‘ruồi,’ hay những giới chức cấp thấp. Ông nói các quan chức tiếp tục làm việc ở Trung Quốc, nhưng gửi các thân nhân giàu có ra các nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Australia và New Zealand thì được gọi là ‘lõa quan’, còn những quan chức đem theo của cải bỏ nước ra đi thì được gọi là ‘đào quan’.
“Đã có một số dấu hiệu khá tích cực từ phía Chính quyền Obama là Hoa Kỳ sẽ tìm cách giúp truy tố bất cứ ai đến Hoa Kỳ với lý do giả mạo, nghĩa là họ thực sự là một viên chức tham những nhưng khai báo sai để xin tỵ nạn, hoặc vào Hoa Kỳ bằng hộ chiếu giả. Hoa Kỳ không muốn là nơi để trốn tránh cho bất cứ ai, kể cả các quan chức nước ngoài tham nhũng. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể gửi các cá nhân qua Hoa Kỳ để tìm cách làm áp lực một cách phi pháp đối với những người đang ở đây bằng cách đe dọa gia đình họ còn ở trong nước hoặc qua việc sử dụng biện pháp ép buộc hay hăm dọa thể chất hay bạo lực dĩ nhiên sẽ vi phạm mọi hình thức luật lệ của Mỹ.”
Căng thẳng Mỹ-Trung
Căng thẳng Mỹ-Trung
Ông Harold nói bản tin được đưa ra giữa lúc diễn ra một loạt các biện pháp của Trung Quốc mà ông cho là đã dẫn tới một mối quan hệ hết sức rắc rối.
“Cho dù đó là việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho dù đó là việc Trung Quốc tìm cách đe dọa Nhật Bản, việc họ liên tục tăng cường khả năng phi đạn ở khắp eo biển Đài Loan, thành tích nhân quyền tệ hại của họ lại còn trở nên tệ hại hơn nữa dưới thời ông Tập Cận Bình, hoạt động gián điệp kinh tế của họ, việc họ sử dụng những hành vi xâm nhập mạng internet, tất cả đều gây căng thẳng rất nặng nề lên mối bang giao Trung-Mỹ.”
Ông Harold nói việc giải thích với Hoa Kỳ một cách thuyết phục làm thế nào mà hy vọng đưa mối quan hệ đi tới một cách tử tế hơn là tùy thuộc vào Trung Quốc.
Học giả về Trung Quốc của trường Đại học Rice, ông Steven Lewis gợi ý rằng nỗ lực thầm kín của Trung Quốc nhằm truy lùng những người tham nhũng sống lưu vong có thể là một dấu hiệu cho thấy họ muốn có một hiệp ước dẫn độ chính thức với Washington. Hiện nay, Trung Hoa lục địa và Hoa Kỳ chưa có một hiệp ước như thế.
Báo China Daily của nhà nước Trung Quốc đã trích lời ông Robert Wang, giới chức cấp cao của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về APEC, nói rằng việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác sẽ tùy thuộc vào cam kết đối với pháp trị của Trung Quốc. Ông nói hai nước đang hợp tác theo Mạng lưới Minh bạch và Chống Tham nhũng để gia tăng cơ may lấy lại được những khoản tiền thủ đắc một cách bất hợp pháp hoặc buộc các tội phạm băng qua biên giới quốc tế phải trở về.
Chế độ độc tài
Chế độ độc tài
Điều đáng lo ngại đối với những người theo dõi tình hình Trung Quốc như ông Lewis là, dưới thời ông Tập Cận Bình, dường như có sự nhấn mạnh vào việc sử dụng vũ lực và quay trở lại một chế độ độc tài và dân tộc chủ nghĩa hơn, thay vì phát triển hướng tới việc cải thiện xã hội dân sự.
“Dường như chỉ có những vụ trấn át, tăng cường trấn át không những đối với các quan chức, mà cả đối với giới học thuật, báo chí, ở mọi cấp bậc. Trước kia, Trung Quốc vẫn có những chiến dịch này, kéo dài một thời gian và rồi họ quên đi, và cởi mở hơn. Nhưng, chiến dịch này đã kéo dài nhiều năm nay. Mọi người, nhất là những người được gọi là chuyên gia về Trung Quốc, đang nêu câu hỏi một cách hợp lý là tình trạng quay trở lại chủ nghĩa độc tài này sẽ tiếp tục bao lâu nữa.”
Ông Lewis nói chương trình chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như là một chiến dịch chọn lọc nhắm mục đích tiêu diệt các đối thủ của ông ta. Ông Lewis nói chiến dịch này trở nên đáng ngại hơn vì diễn ra chỉ một vài năm trước Đại hội đảng Cộng sản kỳ tới. Theo ông Lewis, bây giờ ắt hẳn là lúc người kế nhiệm ông Tập Cận Bình xuất đầu lộ diện.
Báo New York Times nói, mặc dù các giới chức Mỹ không tiết lộ lai lịch hay con số người Trung Quốc đang bị truy lùng, có một số bị truy nã vì những tội ác chính trị. Một giới chức Hoa Kỳ cho hay các điệp viên Trung Quốc đã tìm cách truy lùng một doanh gia giàu và có liên hệ chính trị là Lệnh Hoàng Thành, đã bỏ trốn qua Hoa Kỳ hồi năm ngoái. Báo này nói, nếu ông này xin tỵ nạn chính trị, thì ông này có thể trở thành một trong những người đào tỵ gây tai hại nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.