Monday 21 September 2015

Khủng hoảng tị nạn ở Châu Âu: Bài học từ Việt Nam - Khánh An-VOA

Làn sóng người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi ồ ạt tràn vào Châu Âu bằng mọi giá đã khiến các chính phủ và tổ chức quốc tế phải đưa ra nhiều biện pháp đối phó với tình trạng này. Trong khi các kế hoạch giải quyết chung giữa các nước vẫn chưa ngã ngũ, một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay có thể được giải quyết tốt hơn nhờ những bài học từ cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt Nam trước đây. Khánh An của đài VOA tìm hiểu thêm chi tiết.
Nhấp vào để nghe phần âm thanh
Hungary, điểm trung chuyển của làn sóng người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi để vào Châu Âu,  hôm 15/9 đã công bố tình trạng khẩn cấp tại hai quận phía Nam giáp ranh với Serbia, bắt giữ hàng chục di dân và người tị nạn về tội nhập cảnh bất hợp pháp. Ngoài ra, nước này cũng dựng hàng rào kẽm gai ở biên giới và ra các quy định mới nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn tràn vào vượt mức kiểm soát.
Trong khi hàng trăm ngàn người tị nạn vẫn tiếp tục liều mình vượt biển để vào được Châu Âu, chạy trốn bạo lực tại quê nhà, kế hoạch chia sẻ gánh nặng người tị nạn của các nước EU vẫn chưa ngã ngũ vì vấp phải sự phản đối của một số nước Đông Âu không chịu tiếp nhận số lượng di dân theo ‘chỉ tiêu’ do EU đề ra.
Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết có khoảng 3.800 di dân đã bị chết đuối ở vùng biển Địa Trung Hải khi họ cố đến Châu Âu trên những con tàu thiếu an toàn. Theo Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), số người tị nạn Syria chiếm đến 53% trong số khoảng 400.000 người vượt biển đến Châu Âu bất hợp pháp tính cho đến nay.

Thuyền nhân Việt Nam
Tình trạng khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu đã khiến nhiều người Việt và cả cộng đồng quốc tế nhớ lại tình cảnh tương tự của người tị nạn Việt Nam cách đây 3 thập niên, khi hàng triệu người Việt ở miền Nam bất chấp tính mạng, vượt biển mưu tìm tự do.

Tờ SCMP nói có hơn 230.000 thuyền nhân Việt Nam đến Hồng Kông. Nơi đây được xem là lựa chọn đầu tiên của người tị nạn Việt Nam. Họ đã được đưa đến các trại tị nạn trong thành phố thuộc quyền quản lý của Anh lúc đó. Ngoài nhóm tị nạn đầu tiên được đưa đi định cư ở các nước khác trong vòng 1 năm, những nhóm sau kém may mắn hơn. Chính quyền Hồng Kông bắt đầu áp dụng hệ thống ‘sàng lọc’ di dân vào tháng 6/1988 nhằm loại bỏ những người xin tị nạn vì lý do kinh tế. Trong khi thời gian xét duyện kéo dài ra, làn sóng thuyền nhân Việt Nam lại liên tục đổ tới Hồng Kông, khiến thành phố này bị quá tải và mất khả năng kiểm soát.
Các trẻ em Việt Nam trong một trại tị nạn tại Hồng Kông, ngày 9/3/1997.
Các trẻ em Việt Nam trong một trại tị nạn tại Hồng Kông, ngày 9/3/1997.
Anh Phạm Hoàng Hải, một người từng ở trại tị nạn Hồng Kông trước đây, kể lại:
“Ồ, Hồng Kông thì te tua lắm. Trời đất ơi! Nói chung là có một cái phòng 4 x 10 met với khoảng 15 – 17 cái giường 3 tầng, không phải 2 mà là 3 tầng. Ai trẻ như mình thì phải lên tầng 3, tức cao khoảng 3 – 4 met, 1 giường 2 người. Tầng giữa là vợ chồng, con cái. Khi ngủ phải kéo màn vô. Nói chung giống như trong tù vậy đó.”
Hồng Kông sau đó vào năm 2000 đã đóng cửa trại tị nạn cuối cùng, kết thúc thời kỳ bị xem là ‘hỗn loạn’ và cho đến nay vẫn bị mang tiếng vì cách tiếp nhận và đối xử với người tị nạn.

Tình trạng tương tự
Các chuyên gia về vấn đề di dân cho rằng tình huống hiện nay ở Châu Âu cũng tương tự như Hồng Kông trước đây nhưng có thể được giải quyết tốt hơn nếu các chính phủ nghiên cứu lại cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt Nam đế tránh đi vào những vết xe đổ trước đây.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS), cho rằng vấn đề quan trọng là phải giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này.
“Với dòng người tị nạn đột biến tăng lên như vậy thì có 2 nhu cầu. Thứ nhất là nhu cầu nhân đạo, phải bảo vệ cho họ ngay lập tức, bởi những người tị nạn là những người rất dễ bị tổn thương và luôn đứng trước hiểm nguy. Tuy nhiên, quốc tế cần phải có cái nhìn xa hơn (đó) là giải quyết tận gốc. Bởi vì ở Việt Nam trước đây, chế độ tiếp tục đàn áp thì người dân tiếp tục ra đi. Cho đến khi quốc tế mệt mỏi thì quay lưng lại với họ như (trường hợp của) thuyền nhân Việt Nam ở Hồng Kông và tại các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á.”
TS. Thắng nói chiến tranh biên giới Việt-Trung đã dẫn đến chính sách đuổi Hoa kiều ra khỏi Việt Nam, khiến cho làn sóng thuyền nhân Việt Nam tăng mạnh vào cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980. Chiến tranh, đàn áp, bạo lực là những vấn đề tuy khó nhưng các nước buộc phải giải quyết cùng nhau.
“Thành ra đó là những vấn đề rất lớn của một quốc gia mà nó ảnh hưởng đến toàn vùng. Do đó, toàn vùng cũng như quốc tế phải quan tâm giải quyết, chứ không thể nào chỉ thuần túy lo phần đằng ngọn. Phần đằng ngọn có nghĩa là hậu quả, hậu quả là những người phải bỏ nước ra đi ồ ạt, rất nguy hiểm, chết chóc rất nhiều. Đó là thảm nạn thuyền nhân.”
Tiến sĩ Anne Hammerstad, một chuyên gia về lĩnh vực chính trị nhân đạo, thất tán và xung đột, trong bài viết dành riêng cho Reuters cho biết cuộc khủng hoảng tị nạn Đông Dương trước đây được giải quyết phần lớn qua việc tái định cư họ ở các nước phát triển. Tuy nhiên theo TS Hammerstad, thời thế nay đã thay đổi. Các nước giàu xem việc tái định cư là một giải pháp để tránh gánh nặng hơn là một công cụ hữu dụng để bảo vệ người tị nạn. Chỉ một phần nhỏ trong làn sóng người tị nạn được tái định cư, trong khi phần lớn phải chờ đợi mòn mỏi trong các trại tị nạn trong nhiều năm.
Theo TS. Hammerstad, việc tái định cư trên quy mô lớn đôi khi là cần thiết trong lúc không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột ở Syria sẽ sớm kết thúc.

Trong khi đó lại có những quan ngại về khả năng những kẻ khủng bố có thể trà trộn vào dòng người di cư để vào các nước Châu Âu. Tiến sĩ Thắng nhận định:
“Cái đó là cái lúng túng đối với thế giới tự do - hành động dựa trên nguyên tắc nhân bản. Nguyên tắc nhân bản đó là thà rằng cứu lầm còn hơn để hàm oan cho những người vô tội”.
Châu Âu lo sợ rằng cuộc khủng hoảng di trú làm rúng động EU cuối cùng sẽ đe dọa đến tương lai của vùng không-biên-giới của châu lục này.
Châu Âu lo sợ rằng cuộc khủng hoảng di trú làm rúng động EU cuối cùng sẽ đe dọa đến tương lai của vùng không-biên-giới của châu lục này.
Tiến sĩ Thắng cho biết quan ngại này cũng từng có trong làn sóng tị nạn người Việt trước đây.

Vết thương tinh thần
“Nhưng con số đó rất nhỏ, thành ra chúng ta (thế giới) không thể nào vì con số nhỏ mình muốn loại trừ mà không đón nhận và bảo vệ cho phần lớn là những nạn nhân vô tội. Trong sự bảo vệ ấy, nếu lỡ có những thành phần không xứng đáng lọt được vào quốc gia của mình, thì phải có hệ thống luật rất chặt chẽ, cùng với sự hợp tác của người dân để truy tìm những người ấy và trục xuất”.
Các nghiên cứu về người tị nạn được tái định cư ở Hoa Kỳ cho thấy những người bị chấn thương về tinh thần sau hành trình vượt biển nguy hiểm đã không thể hòa nhập vào cuộc sống mới tốt như những người được đi theo diện ODP.
Chính vì vậy, Tiến sĩ Hammerstad cho rằng người tị nạn cần phải được đi định cư bằng những con đường an toàn, hợp pháp khác để họ có thể làm lại cuộc đời ở một đất nước mới. Ngoài ra, các chính phủ, tổ chức cần đưa ra một chương trình tái định cư toàn diện cho người tị nạn Syria ở các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Li băng, Jordan, Ai Cập và Iraq.

Chương trình này đòi hỏi quốc tế phải có những cuộc đàm phán nghiêm túc vì đây không phải là vấn đề riêng của Châu Âu. Ngoài ra, Tiến sĩ Hammerstad đề nghị phải có những hỗ trợ về kinh tế và chính trị cho các quốc gia ở tuyến đầu của thảm họa nhân đạo này vì ‘bạn không thể cắt giảm khẩu phần lương thực ở Jordan rồi tự hỏi tại sao người ta lại bỏ đi để tìm chỗ nương náu ở những nơi xa hơn’.