Thế cờ hiện nay không cho dân tộc Việt Nam dễ dàng đi đến một kết thúc có hậu trong tranh chấp ở Biển Đông và an ninh hàng hải… Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đình Bảo với tựa đề: “Mất Vào Tay Giặc” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Theo như báo chí quốc tế cũng như chính báo chí của nhà cầm quyền Bắc Kinh thông báo thì Trung cộng đã thực hiện xong giai đoạn một trong chiến lược biến Biển Đông thành ao nhà. Thái độ do dự của các nước liên quan từ Hoa Kỳ, Úc cho đến các thành viên Đông Nam Á tạo cơ hội bằng vàng cho Tập Cận Bình tiến sang giai đoạn hai trong những năm tới. Điều này là hoàn toàn được định liệu cách đây vài tháng khi Hoa Kỳ chỉ vờn tới vờn lui mà không có thái độ dứt khoát. Nói cách khác, sự hồ nghi về thỏa thuận phân chia quyền lợi của Mỹ và Tàu đã thành sự thật.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng trong thời gian một đến hai năm tới, khi các đảo nhân tạo trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa hoàn tất với quân cảng, phi trường thì Trung cộng sẽ đưa pháo hạng nặng, phi cơ chiến đấu ra tận nơi để mở rộng vùng can thiệp đến những nơi xa xôi nhất của Biển Đông. Như vậy nguy cơ bành trướng của Tàu ra toàn khu vực không còn là trên giấy nữa mà là thực tế nguy hiểm.
Còn nhớ, tháng 5/2015, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rất mạnh: Một là kêu gọi Trung cộng phải chấm dứt đắp đảo lấn biển và hai là Mỹ không công nhận không phận và hải phận của các đảo nhân tạo này. Lập trường cứng rắn của bộ trưởng Mỹ đã được đồng nhiệm Úc Kevin Andrews ủng hộ mạnh mẽ . Hai chuyến bay được thực hiện sau đó bay ngang một số đảo đang được Trung cộng bồi đắp.
Nhưng thực tế thì sao? Trong khi Mỹ và các đồng minh nói và làm không đi đôi với nhau thì Trung cộng có thời gian để hoàn tất căn cứ quân sự tiền phương ở Biển Đông. Báo chí Hoa Lục đã cho biết có đến 80% các đảo nhân tạo đã hoàn thành và được phủ sóng điện thoại, trang bị quân sự đã được đem ra.
Lý do nào dẫn đến điều đó? Đầu tiên chúng ta phải thấy đó là Mỹ. Mỹ đã làm ngơ bắt tay với Tàu cộng để phân chia quyền lực tại Biển Đông để tránh đối đầu trong lúc này khi mà bầu cử đang đến gần. Nó xuất phát từ chính sách yếu kém của chính phủ Obama dẫn đến sự được đằng chân, lân đằng đầu của Trung cộng và Nga. Đó là chưa kể đến sự bắt tay dung túng cho CSVN thông qua chuyến đi thăm của Nguyễn Phú Trọng mà Mỹ vẫn làm ngơ trước CSVN tiếp tục vi phạm nhân quyền. Mỹ đã như vậy thì Úc và Nhật không thể làm gì hơn.
Điều tiếp theo đó là việc Lào, Thailand và Cambodia bị những đồng Nguyên tệ làm mờ mắt. Sự chi phối của Tàu cộng đã làm Asean chia rẽ và không đồng nhất. Ba nước nói trên ngả theo Tàu dẫn đến mọi hành động từ khối này đều không có trọng lượng nhất định. Đó là chưa kể đến sự thỏa thuận bán nước ngấm ngầm của Việt cộng cho Trung cộng.
Thế cờ hiện nay không cho dân tộc Việt Nam dễ dàng đi đến một kết thúc có hậu cho tranh chấp Biển Đông và an ninh hàng hải. Cuối cùng, cần phải nói thêm đó là một nhân tố khác xuất phát từ quan điểm muốn giữ "nguyên trạng" tranh chấp của Tây Phương càng thuận lợi cho kế hoạch lấn chiếm của Trung cộng. Các nhà chiến lược cho rằng tàu bè và máy bay của họ có thể chấp nhận các yêu sách của Bắc Kinh mặc dù những yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông là không có hợp pháp theo luật quốc tế và quyền tự do hàng hải không bị chiến lược quân sự hóa Biển Đông ảnh hưởng đến. Trung cộng như vậy thì càng được thể lấn tới, lấn tới nữa.
Rõ ràng, thực tế không thể chối cãi là đất đai, biển cả của Việt Nam đã mất vào tay giặc Tàu bởi sự bán nước của Việt cộng, sự ích kỷ của Hoa Kỳ như cái cách họ bỏ rơi Miền Nam trước năm 1975 cho CSVN thông qua cái bắt tay kinh tế với Bắc Kinh. Một lần nữa chúng ta lại vào thế kẹt giữa đa chiều lợi ích riêng của các cường quốc. Chỉ có dân tộc chúng ta là bị thiệt thòi về những điều đó. Và như vậy để không ôm hận ngàn đời, chỉ có một cách là dùng chính nội lực của Việt Nam mới có thể làm được điều đó. Nó hoàn toàn là có thể nếu chúng ta có những cánh tay cùng giơ cao để đứng lên.
Đình Bảo