Kính thưa quý thính giả, một nhà thơ nổi tiếng, thơ của ông dù viết theo thể loại nào (hành, dao, thán, từ…), dù mang nội dung cảm hoài, ngôn chí hay thù tạc, tất cả đều có văn pháp giản dị, ý tứ thâm sâu, chữ nghĩa chọn lọc, mang tính hiện thực cao, chứa đựng tinh thần yêu nước, thương dân, hết lòng vì bè bạn”. Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả bài “Tùng Thiện Vương” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.
Nghĩa là:
Văn như hai ông Siêu và Quát thì thời Tiền Hán phải thua.
Thơ hay như Tùng và Tuy thì thời Thịnh Đường còn kém.
Đó là hai câu thơ mà các bậc lão nho vào giữa thế kỷ thứ 19 cho là của vua Tự Đức, với hàm ý so sánh và khen ngợi văn tài của Phó bảng Nguyễn Văn Siêu và Cử nhân Cao Bá Quát, cùng thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.
Tùng Thiện Vương là người thông minh hiếu học, học rộng hiểu sâu, lời nói điển nhã và nổi tiếng về thơ văn. Từ năm 7 tuổi, Tùng Thiện Vương đã theo học thơ, năm 12 tuổi đã làm gần 2000 bài thi phú, có bài dài đến 162 vần thơ.
Là hoàng thân quốc thích nên lúc sinh thời Tùng Thiện Vương không đi thi như các Nho sĩ khác, tuy nhiên về tài năng, nhất là tài làm thơ phú thì khó ai bì kịp và được gọi thân mật là Thi Ông.
Nguyễn Đắc Xuân, một nhà nghiên cứu về Huế, người trọng nghề nông cho rằng: "Thơ Tùng Thiện Vương mấy ngàn bài đều chan chứa tình đồng ruộng và nỗi thông cảm sâu sắc với số phận khổ ải của người dân lao động".
Tuy Lý Vương lại có nhận xét: "Thi văn của Tùng Thiện Vương như có hoa giữa núi, như mây mỏng trên trời. Vẻ đẹp ở tinh thần, mỗi câu có một họa ý, mỗi chữ có một nhạc âm".
Còn nhà nghiên cứu Ưng Trình thì nói rằng: "Chưa đầy 30 tuổi, cây bút đã rung động rừng Nho, chẳng những đã khuất phục được danh sĩ nhà Thanh mà còn truy chiếm được địa vị tối cao đời thịnh Đường nữa... Văn chương ấy đúng là quốc hóa tinh tường".
Tùng Thiện vương có các tác phẩm nổi tiếng như: Thương Sơn thi tập, Thương Sơn từ tập, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn ngoại tập, Thương Sơn văn di, Tịnh y ký, Thức Cốc biên, Lão sinh thường đàm, Lịch đại đế vương thống hệ... Những trước tác của ông đều được khắc in bằng mộc bản. Hiện nay, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương còn lưu giữ gần 1000 mộc bản khắc in các tác phẩm của Thi Ông, được hậu duệ của ông xem là vật gia bảo, giữ gìn rất cẩn trọng.
Năm 1929, vua Bảo Đại truy phong ông là Tùng Thiện Vương, tước vị mà ngày nay nhiều người gọi. Di tích phủ Tùng Thiện Vương tọa lạc tại số 91 đường Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Lăng Tùng Thiện Vương ở gần chùa Từ Hiếu, Huế. Và hiện nay có nhiều con đường và trường học mang tên ông.
* * *
Xuất thân hoàng tộc nhà Nguyễn, nhưng từ khi còn trẻ, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm luôn quan tâm đến đời sống cơ cực của người dân, với hàng chục bài thơ viết về những thiên tai thảm họa mà người dân phải gánh chịu như lũ lụt, hạn hán và thậm chí là tai họa hổ về làng cắn thú cắn người. Chẳng hạn như trong bài thơ "Nam Định hải dật", nói về thảm họa sóng thần:
Vì đâu nước biển tràn lên,
Để dân ven biển chết chìm trên khô.
Muôn nhà sóng bạc cuốn xô,
Lửa ma tan giữa mịt mù khí âm...
Nhưng không chỉ có lòng thương dân, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm còn đau lòng trước sự xâm lược của quân Pháp nhưng cả triều đình tỏ ra bất lực trong bối cảnh nước mất nhà tan:
Bọn Hồ thực hiện mưu ma,
Các quan tướng soái thật là phụ ơn...
Tàu thuyền nay chỉ còn tàn lửa,
Tiếng oan hồn nức nở sóng trôi....
Hay:
Lòng đau cầm nước mắt,
Muốn nói chẳng thành lời.
Khen Ngụy Giáng hòa nghị,
Bàn như vậy rất sai!
Và ông đã tỏ ra thất vọng khi vua Tự Đức chấp nhận nghị hòa với quân Pháp:
Nhà vua đã muốn hòa cùng giặc,
Còn thuyết làm chi việc phục thù?
Hai câu thơ này đã cho thấy là trước khi có các vị vua Hàm Nghi và Duy Tân, hoàng tộc nhà Nguyễn cũng sản sinh ra những người có tấm lòng yêu nước thương dân, luôn trăn trở trước vận mệnh đất nước. Rất tiếc, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm chỉ là một thi sĩ nên chỉ biết gửi niềm uất hận của mình vào các câu thơ. Ông cũng không được kế thừa ngai vàng để thực hiện các hoài bão của mình.
Nhưng ít nhất thì ông cũng được lưu danh trong dòng lịch sử nước Việt, không chỉ vì văn tài mà còn là một người biết đau lòng trước sự cơ cực của dân chúng và nỗi nhục mất nước!
Việt Thái