Saturday, 17 October 2015

Biển Đông có được lên tiếng trong chuyến đi VN của ông Tập Cận Bình? - Cát Linh, phóng viên RFA

000_Hkg9837260-622.jpg
Phó Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Thị Doan (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải vào ngày 21 tháng 5 năm 2014 (hình ảnh minh họa).
AFP PHOTO / Mark Ralston

Chuyến đi củng cố vị thế của TQ

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao vừa qua, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình xác nhận chuyến viếng thăm Việt Nam của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 11. Nếu điều này diễn ra thì đây là lần thứ 2 ông Tập Cận Bình có chuyến công du VN kể từ sau tháng 12/2011, ông Tập từng thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Trước sự kiện này, giới quan sát quốc tế cho rằng Tập Cận Bình sang Việt Nam để củng cố vai trò của Trung Quốc trong mối liên hệ với Việt Nam sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng Bảy vừa qua.

Tất nhiên là Tập Cận Bình sang thì nhất định họ sẽ tập trung vào mục tiêu ấy, củng cố, ‘lên dây cót’ cho những nhóm thân Trung Quốc ở Việt Nam. Đấy là chuyện chắc chắn. ‘Nó’ cũng sẽ làm 1 cái trò là làm dịu đi cái phẫn nộ của dân Việt Nam đối với chính sách đại hán, bá quyền của Trung Hoa hiện nay đối với Việt Nam.
-Nguyễn Khắc Mai
Nói về điều này, ông Nguyễn Khắc Mai có đưa ra nhận định rằng:
“Tất nhiên là Tập Cận Bình sang thì nhất định họ sẽ tập trung vào mục tiêu ấy, củng cố, ‘lên dây cót’ cho những nhóm thân Trung Quốc ở Việt Nam. Đấy là chuyện chắc chắn. ‘Nó’ cũng sẽ làm 1 cái trò là làm dịu đi cái phẫn nộ của dân Việt Nam đối với chính sách đại hán, bá quyền của Trung Hoa hiện nay đối với Việt Nam.”
Nói về “nhóm thân Trung Quốc”, ông Nguyễn Khắc Mai muốn nhắc lại sự kiện gần đây, ba vị giáo sư của đại học Tin học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lên án lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến viếng thăm Philippines vào tháng 5 vừa qua, về vấn đề không đánh đổi chủ quyền của mình với ‘hữu nghị viễn vông’:
“Họ lên án và họ bênh Trung Hoa, họ bênh cái lập trường ‘thân Hoa’, mà lập trường ‘thân Hoa’ hiện nay đối với dân tộc là lập trường bán nước.”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói thêm rằng qua sự kiện 3 vị giáo sự nọ, đã cho thấy rằng trong nội bộ của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn có những thành phần tri thức, lãnh đạo đại diện cho một lập trường thân Trung Quốc. Và theo ông, đây chính là cơ sở để Tập Cận Bình đặt chân đến Hà Nội, và xem như là có thêm đồng minh, có thêm người đồng tình.
Thêm vào đó, chuyến đi của Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 11 này, sau khi Việt Nam đã đạt được thoả thuận về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình dương, gọi tắt là TPP, là một trong 12 nước thành viên của khối TPP. Đây là nguyên nhân mà ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng chuyến đi của ông Tập không nằm trong 1 vị thế như trước, mặc dù đang chờ quốc hội phê duyệt nhưng ông tin rằng việc này sẽ được sớm thông qua, vì theo nhận định của ông:
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến sang Trung Quốc hồi tháng 4, 2015
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến sang Trung Quốc hồi tháng 4, 2015
“Nhưng chuyến đi này của Tập Cận Bình thì thể hiện cái thế yếu, tức là đã có 1 bộ phận những người cán bộ lãnh đạo ở trong nước đã thấy rõ bộ mặt thật, nhờ nhân dân, nhờ dư luận quốc tế mà họ bắt đầu thấy điều này, thì đó là mặt yếu của Tập Cận Bình so với những chuyến đi trước của giới chức Trung Hoa sang Việt Nam.”
Nói về liên hệ giữa hai quốc gia, Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng có mối liên hệ chặt chẽ về lịch sử, kinh tế, và đặc biệt là vị trí địa lý. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng khẳng định với báo giới rằng Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc vì điều này không chỉ đem lại lợi ích cơ bản và lâu dài cho hai nước Việt - Trung mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Khẳng định điều này, ông Vũ Cao Phan, nguyên tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Trung và nay là một học giả chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc, trong 1 lần trả lời phỏng vấn của biên tập viên Gia Minh, đài Á Châu Tự Do có cho biết:
“Quan hệ giữa hai nước Việt - Trung không thể không hữu nghị, không thể không dựa vào nhau; nhưng cách thức như thế nào đó để Trung Quốc phải hiểu Việt Nam chứ không phải Trung Quốc muốn nói thế nào, muốn làm thế nào thì Việt Nam cũng phải nghe theo.”

Ai sẽ là người lên tiếng?

Mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ nhưng Việt Nam và Trung Quốc cũng đang có mâu thuẫn đối kháng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Và đây cũng là vấn đề mà những nhà quan sát đặt câu hỏi liệu tranh chấp biển Đông có được đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập hay không?
Biện pháp mà tôi đưa ra là Việt Nam phải chủ động đề nghị Trung Quốc đàm phán về vấn đề Hoàng Sa. Trong khi đàm phán ở trạng thái hòa bình thì hai nước sẽ có những ứng xử vừa phải. Chưa nói kết quả đạt được như thế nào nhưng cần phải đàm phán.
-Vũ Cao Phan
Và vấn đề lớn này liệu người lãnh đạo Việt Nam có dám lên tiếng?
Cũng trong lần trả lời phỏng vấn của biên tập viên Gia Minh, theo ông Vũ Cao Phan thì dịp ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam lần này là cơ hội để chính quyền Hà Nội đề cập thẳn thắng vấn đề tại Biển Đông với người đừng đầu chính phủ và đảng cộng sản Trung Quốc. Ông Vũ Cao Phan đưa ra đề xuất:
“Biện pháp mà tôi đưa ra là Việt Nam phải chủ động đề nghị Trung Quốc đàm phán về vấn đề Hoàng Sa. Trong khi đàm phán ở trạng thái hòa bình thì hai nước sẽ có những ứng xử vừa phải. Chưa nói kết quả đạt được như thế nào nhưng cần phải đàm phán.”
Còn với ông Nguyễn Khắc Mai, dựa trên vai trò cho mình là một người dân bình thường trong xã hội, ông đưa ra ý kiến như sau:
“Người lãnh đạo Việt Nam phải nói thẳng, một là việc tuyên bố chủ quyền của ông ở biển Đông là không có cơ sở, phải nói rõ. Cái thứ hai là ông đang xây dựng trái phép những căn cứ quân sự trên biển đảo mà ông cướp được bằng vũ lực quân sự. Nếu những người lãnh đạo Việt Nam không dám nói thì nhân dân, trí thức Việt Nam phải nói với Tập Cận Bình trong chuyến đi chính thức của ông ta đến Hà Nội.”
Với tuyên bố của một nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là vùng đất vùng biển của tổ tiên của họ. Tuyên bố này không được chứng minh trong lịch sử cũng như trong tất cả sử sách của Trung Hoa, thì liệu đây có phải là vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa Việt Nam và TRung Quốc hay không? Và nếu là vấn đề lớn thì liệu có được mang ra giải quyết trong chuyến đi được cho là “củng cố vai trò” của ông chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không?