Mở đầu mục thư tín kỳ này, Hòa Ái mạn phép nhắc đến người thanh niên xấu số 17 tuổi, Đỗ Đăng Dư, bị công an huyện Chương Mỹ tạm giam 2 tháng và đã thiệt mạng. Mặc dù gia đình được nhận xác và an táng người thân, tuy nhiên dư luận vẫn đặc biệt quan tâm đến. Nhiều khán thính giả và độc giả bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng công an VN vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi gây ra cái chết thương tâm cho người thanh niên trẻ, coi mạng dân như cỏ rác.
Ngư dân tiếp tục bị tàu TQ tấn công
Trong tuần qua quý khán thính giả cùng độc giả đài ACTD cũng lên tiếng phản đối cách hành xử của chính phủ VN coi thường mạng sống của người dân khi tàu cá ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục bị tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm và cướp hết tài sản. Câu hỏi dư luận đặt ra “Tại sao Nhà nước không thể bảo vệ ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN?”. Câu hỏi này được thính giả “Biển Cạn” cho là một câu hỏi “nhức nhối” nhưng lại rất đơn giản để trả lời rằng “Vì đó là ngư dân chứ đâu phải là đảng viên Đảng CSVN”. Thính giả “Tí Cận” trả lời là “Vì sợ bảo vệ ngư dân sẽ đụng chạm, làm mất lòng người bạn quý 4 tốt-16 chữ vàng”.
Hoàng Sa, Trường Sa thì VN bảo của mình còn Trung Quốc thì nói của chúng. Nhưng điều khác biệt là tàu cá Trung Quốc tự do đánh bắt mà không bị VN quấy rầy, còn tàu cá VN lại liên tục bị đâm chìm, cướp hết tài sản và xua đuổi trên ngư trường truyền thống. Vậy thì ai mới thực sự là chủ đây?
-Thính giả Oanh Lê Văn
“Hoàng Sa, Trường Sa thì VN bảo của mình còn Trung Quốc thì nói của chúng. Nhưng điều khác biệt là tàu cá Trung Quốc tự do đánh bắt mà không bị VN quấy rầy, còn tàu cá VN lại liên tục bị đâm chìm, cướp hết tài sản và xua đuổi trên ngư trường truyền thống. Vậy thì ai mới thực sự là chủ đây?”
Mặc dù Bộ Ngoại Giao VN lên tiếng “hết sức quan ngại và cực lực phản đối” sau những va chạm, xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng nhiều thính giả chia sẻ “cảm thấy chán nản khi nghe câu nói lặp đi lặp lại” như vậy. Nhiều thính giả còn hoài nghi với nghi vấn:
“Tại sao kiểm ngư, cảnh sát biển không bảo vệ được ngư dân và ngư trường? Vì sức người yếu hay do trang thiết bị?”
Thính giả “Vu Thu” dẫn chứng:
“Dù được trang bị rất nhiều vũ khí tối tân hiện đại nhất ĐNA nhưng những cảnh sát biển VN cũng chỉ biết chạy thì làm gì có khả năng bảo vệ ngư dân?”
Trong khi nhiều thính giả hy vọng thắc mắc của họ “Vì sao Hà Nội vẫn không kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế với tuyên bố VN có đủ chứng cớ lịch sử khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của VN” sẽ được Nhà nước trả lời trong nay mai thì thính giả “Hai Hùng” lại kêu gọi bà con ngư dân thôi thì nên “ở nhà ăn rau cháo để khỏi thiệt thân”.
Thưa quý thính giả, theo quý vị với ý kiến vừa rồi, quý vị nhận thấy có khả thi không? Hay là ngư dân VN nên kiên nhẫn bám biển thêm chút thời gian với hy vọng trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình đến VN sắp tới đây sẽ hứa hẹn bảo đảm an toàn trong vấn đề khai thác hải sản ở vùng Biển Đông đang tranh chấp?
“Ôi! Khổ đau cho ngư dân nghèo! Ai làm gì được để giúp họ đây?”
Dự thảo môn Lịch sử thành môn học tự chọn
Thưa quý thính giả, trong tuần qua, một trong những đề tài được nhiều khán thính giả và độc giả quan tâm nhất đó là Bộ GD&ĐT lấy ý kiến và góp ý về Dự thảo môn Lịch sử thành môn học tự chọn. Dư luận dấy lên làn sóng cho rằng môn Sử ở trường phổ thông VN từng bước bị khai tử. Như vậy, công dân của một quốc gia mà không hiểu biết về lịch sử của nước mình thì sẽ thế nào đây? “Điều này không thể chấp nhận được. Bởi vì mất lịch sử thì mất dân tộc”. Quý thính giả nghĩ sao? Sau đây mời quý vị cùng Hòa Ái nghe các ý kiến được gửi đến Ban Việt ngữ nhé!
Hòa Ái ghi nhận có rất nhiều ý kiến bày tỏ bày tỏ sự phẫn nộ như của thính giả “Danielle Nguyen”:
“Không thể tin nổi là môn học Lịch sử sẽ không còn là môn học bắt buộc. Đó là môn có tính chất giáo dục học sinh nói riêng và công dân nói chung. Dân tộc nào cũng có lịch sử. Cho dù nguồn gốc mình thế nào thì cũng không ai chối bỏ điều đó. Chưa bàn đến chuyện đúng hay sai trong lịch sử. Hãy nhìn vấn đề một cách khách quan nhất. Lịch sử ghi lại sự phát triển của một dân tộc. Ở đó có thể là các cuộc chiến tranh, những thất bại, những chiến thắng, những biến cố thăng trầm của dân tộc, những tiến bộ về chính trị, tiến bộ về kinh tế-xã hội. Đó cũng là nơi để ghi danh những anh hùng, những thế hệ đi trước, những người có đóng góp to lớn làm thay đổi đất nước dù ở lĩnh vực nào. Nếu không để những thế hệ hiện tại hiểu được những đóng góp, hy sinh này thì làm sao họ biết quý những giá trị hiện tại và sống có trách nhiệm với thế hệ tương lai?”
Tuy nhiên cũng có nhiều thính giả khác lại lên tiếng môn học Lịch Sử hiện tại ở VN tốt hơn hết là “Bỏ đi cho rồi!”. Thính giả lấy tên “Rùa” lý giải:
“Viết sai sự thật. Viết ra một câu chuyện thuyết phục những đầu óc thông minh không phải dễ. Ghi chép lại sự thật, thêm mắm, thêm muối, sửa theo ý riêng của mình rồi ép buộc người ta tin tưởng. Làm trò dối trá mà muốn người ta tin là đúng thì cũng khó. Nên thôi, dẹp cho rồi. Càng làm càng thấy không biết mình đang làm gì”.
Không thể tin nổi là môn học Lịch sử sẽ không còn là môn học bắt buộc. Đó là môn có tính chất giáo dục học sinh nói riêng và công dân nói chung. Dân tộc nào cũng có lịch sử. Cho dù nguồn gốc mình thế nào thì cũng không ai chối bỏ điều đó.
-Thính giả Danielle Nguyen
Thính giả “Nguyễn Văn Quốc” thì cho rằng:
“Đúng rồi, bỏ Lịch sử VN, học Lịch sử Trung Quốc mới đúng”.
Thính giả “Minh Nguyen The” lập luận:
“Chắc là Bộ GD&ĐT không muốn dân ta biết sử ta làm gì nữa. Chắc là nước VN này sát nhập với nước khác. Thật khốn nạn, khốn khổ cho dân VN ta sắp không phải là ‘con rồng cháu lạc’ nữa rồi”.
Trong khi đó, Hòa Ái cũng nhận được những ý kiến đóng góp với Bộ GD&ĐT vẫn phải giữ môn học Lịch sử bắt buộc nhưng nên tinh giản những điều cốt lõi. Thính giả “Nguyên Mai” dẫn chứng:
“Thời nhà Trần cùng nhân dân đánh thắng giặc Mông-Nguyên xâm lược mà chỉ được dạy trong 1 đến 2 tiết. Thời đại Hồ Chí Minh thì dạy cả năm ròng”.
Qua các ý kiến đóng góp với Bộ GD&ĐT của quý khán thính giả và độc giả gửi về, Hòa Ái nhận thấy đều giống nhau ở mấu chốt là môn học Lịch sử sẽ rất hấp dẫn nếu loại bỏ “Triết học Marx-Lenin”, “Lịch sử Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Có lẽ Hòa Ái cũng nên chia sẻ 1 ý kiến táo bạo của thính giả “Toan Nguyen Do” với quý vị. Thính giả này đề nghị Bộ GD&ĐT nên:
“Bỏ môn Lịch sử thay bằng môn học thực tế hơn như cách tham nhũng ngày càng tinh vi của các quan chức bây giờ để sát với thực tiễn của Việt Nam hiện nay”.
Thưa quý thính giả, quý vị có đồng tình với ý kiến này không?
Thưa quý vị, Hòa Ái dành chút thời gian còn lại của chương trình để lược đọc lá thư của thính giả Nguyễn Ngọc Tô ở Quảng Ngãi, VN gửi về cho biết là Trung sĩ trong Quân lực VNCH, giải ngũ năm 1974, được miễn dịch vĩnh viễn vì bị cụt 2 chân trên đầu gối. Thư ông Nguyễn Ngọc Tô có đính kèm tờ “Chứng Chỉ Giải Ngũ”. Ông Tô viết:
“Tôi đã bị mất 2 chân trước năm 1975. Sau năm 1975, tôi về quê sống cùng gia đình. Cuộc sống thường ngày của tôi là bán từng tấm vé số cho bà con để kiếm sống qua ngày. Hiện giờ vợ tôi bị tai biến mạch máu não, chỉ nằm một chổ không làm gì được. Hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Tôi viết thư này kính mong quý ân nhân từ thiện tạo điều kiện giúp đỡ cho tôi sống những ngày còn lại cùng gia đình và xã hội. Tôi xin thành thật ghi lòng biết ơn sâu xa”.
Thính giả Trần Ngọc Tô quý mến, Hòa Ái thật xúc động khi cuối thư quý vị còn chia sẻ bị căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến 2 tay bị tê, phải nhờ người viết thư tay giúp. Cuối thư còn có cả chữ ký của người viết thay. Hòa Ái hy vọng qua làn sóng phát thanh của đài ACTD, nhiều thính giả nghe đài sẽ nhớ đến hoàn cảnh của gia đình quý vị. Hòa Ái đã chuyển thư của quý vị đến Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ QLVNCH ở Hoa Kỳ. Mong rằng gia đình quý vị sớm nhận được tin liên lạc của Hội. Không biết nói gì hơn, Hòa Ái nguyện cầu sự bình an cho gia đình của quý vị.
Thưa quý thính giả, quý vị nào là thương phế binh hay quả phụ của các chiến sĩ đã hy sinh thuộc QLVNCH cần sự giúp đỡ, quý vị có thể liên lạc trực tiếp với Hội Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ QLVNCH ở Hoa Kỳ theo địa chỉ:
Hội H.O. Cứu Trợ TPB & QP/ VNCH: P.O. Box 25554, Santa Ana, CA 92799
Và qua số điện thoại: (714) 539 – 3545 hoặc (714) 590 – 8534 hoặc (714) 371 – 7967.
Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại đại chỉvietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.
Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả cùng Hòa Ái trong mục “Trả lời Thư tín”. Kính chúc quý vị 1 ngày mới an vui. Hòa Ái kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.