THƯ GỬI BẠN TA của Bùi Bảo Trúc
Các bài viết hàng tuần của Nhà Báo Bùi Bảo Trúc trong mục Thư Gửi Bạn Ta
NHỚ MỘT NGƯỜI TINH QUÁI
Hồi còn đi học, tôi
có mấy cái hộp giầy bằng các tông để trên nóc tủ sách, mỗi lần nhận được thư từ
gia đình, bạn bè… đọc xong tôi đều bỏ vào đó. Những bức thư cứ đều đặn tới và
tất cả được giữ lại trong những cái hộp giầy ấy. Một hôm tôi viết vài chữ trên
chiếc hộp đựng thư để phân biệt chúng với những hộp đựng các thứ giấy tờ khác.
Tự nhiên không hiểu tại sao tôi lại viết xuống hai chữ “thư nhà” trên những cái
hộp giầy đựng những lá thư của gia đình và bạn bè từ Việt Nam gửi sang. Đáng lẽ
tôi đã có thể viết “thư gia đình” hay “thư Việt Nam”. Nhưng không biết tại sao
tôi lại viết thành “thư nhà”. Nghe “thư nhà” tôi thấy nó thân tình hơn, gần gũi
hơn là những chữ kia. Những bức thư nhận được từ nhà, từ những người bạn ở cái
thành phố thân quen đó.
Một thời gian sau, tôi không nhớ là bao nhiêu lâu, kể từ lúc tôi đặt tên cho mấy cái hộp giầy đựng những thư từ của gia đình và bạn bè, thì một người bạn gửi cho qua đường bưu điện một cuốn sách của Võ Phiến có tên là Thư Nhà vừa được xuất bản. Đó là năm 1962.
Những bức thư mang
dấu bưu điện Việt Nam hồi đó, đến bây giờ, sau nửa thế kỷ, tôi vẫn còn giữ và
vẫn gọi chung chúng là “thư nhà”, cái tên Võ Phiến đặt cho cuốn sách của ông và
tôi vô tình chọn để gọi chung những lá thư nhận được từ quê nhà.
Những gần gũi với tác
giả của Mưa Cuối Năm, Nửa Đêm Trăng Sáng … cũng bắt đầu từ đó. Bạn tôi
gửi cho tôi gần như tất cả những tác phẩm của Võ Phiến xuất bản ở Việt Nam. Phải
nói ngay là những cuốn sách đó đã ảnh hưởng không ít tới đầu óc, cảm quan của
một thanh niên mười chín hai mươi vừa rời trung học. Tôi đọc ông với một thái độ
hệt như người đọc kinh thánh, nhưng không như người bị bịt mắt dẫn đi. Đó là
suốt những năm đầu của thập niên 60. Rồi sau đó tôi về nước, và trong công việc
hàng ngày, khi có dịp tôi vẫn đọc ông, mãi cho đến năm 1975.
Ra khỏi Việt Nam,
trong số sách vở tôi đem theo được, là mấy cuốn sách của Đinh Hùng, Mai Thảo,
Nhật Tiến và của ông. Vậy là tôi lại mang được ông, những thứ tưởng là không còn
bao giờ còn ở được với mình nữa.
Những đẩy đưa của
cuộc sống mới đưa tôi tới một công việc với một đài phát thanh ở Washington, và
sau vài tháng, một hôm tôi thấy trong số sách tôi mang đến đài, có một cuốn
Tùy Bút của ông. Tôi đề nghị với người phụ trách chương trình Việt ngữ của
đài phát thanh Tiếng nói Hoa kỳ để thực hiện mục Điểm Sách cho đài, một mục nhắm
gìn giữ và phổ biến di sản văn học cho những cộng đồng người Việt ở những nơi
ngoài Việt Nam. Và cuốn sách đầu tiên được đem giới thiệu cho những người đọc
còn ở Việt Nam sau việc đốt cho bằng hết những sách vở thời Việt Nam Cộng Hòa là
cuốn Tùy Bút 1 của Võ Phiến. Liền ngay sau khi cuốn sách này được gửi tới
thính giả ở Việt Nam thì tác giả liên lạc với tôi và cho biết một người trong
gia đình ở Việt Nam đã cho ông biết điều đó qua một bức thư gửi từ Việt Nam qua.
Một người khác liên lạc với chúng tôi là một người có rất nhiều công trong việc
gìn giữ nền văn học Việt Nam sau chiến dịch “phần thư khanh nho” ở trong nước,
đó là ông Võ Thắng Tiết, người đàn ông hiền lành mà chúng tôi gọi tên một cách
thân mật là anh Năm, người đã xuất bản toàn bộ tác phẩm của Võ Phiến ở hải ngoại,
và nhờ đó, những tác phẩm của Võ Phiến đã tới được với người Việt ở nước ngoài .
Sau những bài viết về
Võ Phiến được phát thanh về Việt Nam, chúng tôi mới quen ông, nhưng phải tới khi
ông về hưu và dọn về ở tại Santa Ana tôi mới có dịp gặp ông, và theo mô tả của
Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Phiến là một ông già rất tinh quái. Và càng đọc, càng nhớ
lại những tác phẩm của ông thì càng thấy đó là những mô tả rất đúng về ông. Nhất
là trong những tùy bút của ông. Ông chẻ những sợi tóc không phải làm tư, mà
thành 16, 18. Một cọng giá ông tìm thấy trong một tô hủ tiếu ở Gia Nghĩa, cái
bóng đèn hột vịt, tiếng rao hàng buổi trưa, ly cà phê ở một tiệm nước tỉnh lẻ,
sợi khói quằn quại từ một cánh đồng … đọc lên mà ứa nước mắt nhớ về quê hương cũ.
Võ Phiến cho người
đọc nhiều thứ lắm, như một ngày để tùy nghi, giọt mưa bên một hàng hiên, những
cánh chim én chao đi trên trời, ly trà tầu trong một tiệm mì, tiếng một con chó
hực lên trong đêm tối, dấu bùn trên bắp chân của một người đàn ông, vài ba câu
đối thoại dấm dẳn… Gấp lại những chi tiết ấy, càng thấy yêu ông hơn…
.
Cách đây khoảng mấy
năm, bà Võ Phiến gọi tôi, nói qua điện thoại rằng “ông già” , hai chữ bà vẫn
dùng để gọi ông, rằng ông muốn gặp tôi. Tôi vừa dọn sang sống tại miền Tây, đồ
đạc còn ngổn ngang trong phòng. Tôi thấy bộ đồ trà mua ở New York chưa bao giờ
dùng. Tôi mang biếu ông cùng với một gói trà Long Tỉnh. May mà tôi làm việc đó,
vì trong chuyến viếng thăm ông hôm đó, ông cho tôi một cái gói nhỏ rất đẹp. Mở
ra, là một chiếc hộp đựng cây bút có khắc tên của ông. Ông nói là ông muốn cho
tôi. Tôi nghĩ ngay đến chuyện một kiếm sĩ lên núi tầm sư học đạo và sau khi thọ
giáo, người kiếm sĩ được vị thầy trao tặng một thanh gươm làm kỷ niệm. Cây bút
vẫn còn đây và nó sẽ còn được giữ mãi.
Sang sống ở miền Tây
tôi có nhiều dịp gần ông trong những bữa ăn với sự có mặt của Trúc Chi Tôn Thất
Kỳ, Ngự Thuyết, Phạm Phú Minh…Những thân tình với ông càng ngày càng sâu đậm
thêm. Bà Viễn Phố liên lạc với tôi nhiều lần khi có vài ba chuyện không vui.
Chính vì thế tôi thấy mình được coi là thân tình. Cám ơn chị Võ Phiến. Hôm nay
tôi chỉ xin được nói lên vài ba chuyện ít nhiều có dính dáng tới những thân tình
ấy.
Hôm trước tự nhiên có
hai câu này hiện ra trong óc, cũng chưa phải là những câu đối, xin đọc lên ở đây,
gọi là để tiễn chân ông già tinh quái nhân dịp ông ra đi:
Võ Phiến vẫn mãi gần bên Viễn Phố
Thế Nhơn luôn còn ở với người đời
Thế Nhơn luôn còn ở với người đời
Chào anh Võ Phiến…
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan
Xin được nhỏ những
giọt nước mắt chân tình nhất như của Nguyễn Khuyến với Dương Khuê, như đã với
Mai Thảo, Trần Hồng Châu, Trần Bích Lan, Thanh Tâm Tuyền … như đã khóc trong
ngày qua đời của hai người thân yêu nhất trong đời tôi.
Vĩnh biệt ông già
tinh quái của tôi.