Sunday, 29 November 2015

Cách chặn đứng nguồn tiền của IS

Phá xe chở dầu không thể chặt đứt tận gốc tài chính cho IS, thay vào đó, chính thế giới cần ngăn nạn buôn lậu, rửa tiền và hoạt động tội phạm đã tồn tại lâu nay.
Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới. Nguồn thu của chúng mỗi năm lên tới hàng trăm triệu USD, chủ yếu là dầu mỏ với khoảng 500 triệu USD. Theo Bộ Tài chính Mỹ, IS có nguồn tiền rất đa dạng, ngoài bán dầu, chúng còn cướp ngân hàng, bắt cóc đòi tiền chuộc, trồng trọt và cả nhận tài trợ từ bên ngoài.
Vì vậy, cả thế giới đang kêu gọi phá hủy hoạt động khai thác và vận chuyển dầu mỏ của IS. Nga và Mỹ cũng đã nhiều lần không kích các xe chở dầu của tổ chức này. Tuy nhiên, trước khi chúng đặt chân tới các mỏ dầu màu mỡ tại phía đông Syria, chúng cũng đã kiểm soát Mosul - thành phố lớn nhì Iraq, và nhiều thành phố khác tại đây, như Fallujah hay Tal Afar.
Trên New York Times, Hassan Hassan - đồng tác giả cuốn "IS - Bên trong một đội quân khủng bố" cho rằng lời kêu gọi nhắm vào dầu thô đã phóng đại sự phụ thuộc của IS vào vàng đen.

cach-chan-dung-nguon-tien-cua-is
IS kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ các hoạt động bất hợp pháp. Ảnh: Muftah
Trên thực tế, các cuộc không kích này có thể còn phản tác dụng. Việc ném bom, đặc biệt là ở miền đông Syria, có thể xáo trộn sinh hoạt của rất nhiều dân thường kiếm sống bằng hoạt động liên quan đến dầu mỏ, vận tải và giao thương tại đây. Sau sự sụp đổ của chính quyền miền đông Syria, hàng trăm gia đình đã phải dựa vào khai thác và lọc dầu để có nhiên liệu chạy phương tiện, tạo ra điện hoặc bán trên thị trường chợ đen nhằm kiếm sống.
Vì vậy, việc không kích sẽ khiến hoạt động kinh tế này bị gián đoạn. Nó có thể khiến nhiều gia đình phải gửi con trai đến gia nhập IS để có thu nhập.
Theo Roberto Saviano - tác giả cuốn sách về mafia Italy - Gomorrah, hệ thống tài chính của IS sẽ không thể suy yếu nếu chính thế giới không giải quyết được các vấn đề nội tại trong nền kinh tế. Vì cũng như các nhóm tội phạm có tổ chức khác, IS cũng bành trướng nhờ tận dụng các kênh vốn như: ma túy, dầu mỏ, vốn cá nhân và buôn lậu cổ vật. Chặn đứng nguồn tiền của IS cũng đồng nghĩa phải gây dựng lại kinh tế toàn cầu. Pháp, và trước đó là Mỹ, đều đã phải trả giá đắt cho sự bất cẩn này.
Cuộc chiến chống lại IS nằm ngay trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Chiến tranh nhiều khi chỉ khiến các nhóm cực đoan hình thành ngày càng nhiều mà thôi. Để chống lại IS, thế giới phải thay đổi các luật lệ nội bộ.  
Chẳng có nhóm khủng bố nào không kiếm tiền từ buôn lậu ma túy. Cũng chẳng có nhóm nào khi đã có mạng lưới vận chuyển vũ khí, binh lính và tiền bạc, lại không chia sẻ chúng với các nhóm khác. Antonio Maria Costa - cựu Giám đốc Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc đã nói về điều này rất nhiều năm qua. Và theo Wikileaks, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng thừa nhận "có sự tương tác" giữa các nhóm tội phạm ở Italy và phiến quân hồi giáo cực đoan.
Bên cạnh đó, từ sau khi chiếm được thành phố Aleppo tháng 1/2014, các phần tử thánh chiến đã sở hữu một nhà máy dược phẩm có thể sản xuất Captagon – một loại amphetamine có khả năng kích thích tinh thần. Captagon cũng là tiền. Một năm qua qua, cảnh sát Ảrập đã thu giữ hàng tấn hasit (một loại thuốc lá) và hàng triệu viên amphetamine. Tháng trước, hải quan sân bay Lebanon cũng bắt được hai tấn thuốc Captagon đang được đưa lên máy bay riêng của một hoàng tử Ảrập. Những loại thuốc này sẽ được vận chuyển đi khắp nơi trên thế giới.
Saviano kết luận nếu muốn chống lại IS, cả thế giới phải theo dõi và chặn đứng những hoạt động này trong chính nền kinh tế. Và chính phủ các nước cũng không được nương tay với các hoạt động tội phạm, buôn lậu cũng như rửa tiền.

Hệ thống bán dầu bí ẩn của IS

Nhóm khủng bố khét tiếng khai thác, lọc và bán dầu ngay tại khu vực chúng kiểm soát ở Syria và Iraq, thu về hơn 1,5 triệu USD mỗi ngày.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát phần lớn mỏ dầu tại Syria. Dầu thô cũng là nguồn thu chính của nhóm khủng bố này. Financial Times vừa đăng tải điều tra chi tiết đường đi của những thùng dầu này, từ khi được khai thác đến lúc bán cho người dùng.
he-thong-ban-dau-bi-n-cua-is
Bản đồ khai thác và tiêu thụ dầu của IS
1. Khai thác
Nơi sản xuất dầu chính của IS là ở tỉnh Deir Ezzor - miền đông Syria. Theo người dân địa phương, công suất các mỏ ở đây vào khoảng 34.000 - 40.000 thùng dầu mỗi ngày. Nhóm này cũng kiểm soát mỏ dầu Qayyara gần Mosul, phía Bắc Iraq, công suất 8.000 thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, loại dầu này nặng hơn và chủ yếu dùng tại địa phương để làm nhựa đường.
he-thong-ban-dau-bi-n-cua-is-1
Financial Times cho biết rất khó xác định công suất chính xác của các mỏ dầu tại các vùng đất IS kiểm soát. Nhưng rõ ràng, con số này đã giảm đi sau khi bị IS tiếp quản. Phần lớn các mỏ này đã già cỗi. Bất chấp nỗ lực tuyển công nhân lành nghề của IS, chúng cũng sẽ không có đủ công nghệ và thiết bị để duy trì sản lượng. Nhưng kể cả vậy, dầu mỏ vẫn mang lại nguồn thu hấp dẫn cho IS.
Giá dầu cũng phụ thuộc vào chất lượng. Một số mỏ chỉ bán được 25 USD một thùng. Có trường hợp như al-Omar - một trong những mỏ lớn nhất Syria, bán được tới 45 USD. Tổng cộng, Mỹ ước tính IS kiếm khoảng 1,53 triệu USD mỗi ngày từ dầu.
2. Bán dầu
Dù rất nhiều người cho rằng IS phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, chúng lại kiếm lời từ việc bán cho các lãnh thổ bị chiếm đóng quanh khu vực bắc Syria và biên giới Syria - Iraq.
Nhóm này trực tiếp bán phần lớn dầu cho các nhà buôn độc lập ở quanh mỏ. Với hệ thống được tổ chức chặt chẽ, các nhà buôn Syria và Iraq thường xếp xe chở dầu thành hàng dài trước lối ra vào các mỏ. Thời gian đợi lấy hàng thường phải vài tuần.  
3. Các nhà máy lọc dầu
Nhà buôn có 3 cách để vận chuyển hàng.
- Một là đưa dầu đến các nhà máy lọc gần đó, hút ra và quay trở lại xếp hàng tại mỏ dầu. Việc này thường được thực hiện bởi nhà buôn có hợp đồng với nơi lọc dầu.
- Bán lại dầu cho các nhà buôn có phương tiện nhỏ hơn. Những người này sau đó sẽ đưa dầu đến các vùng phía Bắc Syria thuộc quyền kiểm soát của IS, hoặc sang Iraq.
- Thử vận may bằng cách bán cho một nhà máy lọc dầu hoặc bán ngay tại chợ địa phương. Chợ lớn nhất nằm gần al-Qaim, tại biên giới Syria - Iraq.
Phần lớn nhà buôn thích bán ngay và quay về xếp hàng tại các mỏ dầu. Họ có thể kiếm lời ít nhất 3.000 SL (10 USD) mỗi thùng dầu.
he-thong-ban-dau-bi-n-cua-is-2
Sơ đồ lọc dầu tại vùng lãnh thổ của IS và quân nổi loạn Syria. 
Phần lớn nhà máy lọc dầu nằm ở khu vực lãnh thổ Syria do IS kiểm soát. Một số cho ra thành phẩm chất lượng thấp hơn các nhà máy ở phía đông.
Các nhà máy này tạo ra xăng và dầu madút, được sử dụng trong các máy phát điện - công cụ cần thiết tại các vùng không có điện. Do chất lượng xăng không đồng nhất và cũng đắt đỏ, dầu madút có nhu cầu lớn hơn.
Việc lọc dầu được thực hiện bởi người dân địa phương. Họ phải xây dựng các cơ sở lọc dầu thô sơ, sau khi các nhà máy di động có sẵn của IS bị liên quân không kích. Chủ các cơ sở này phải làm hợp đồng mua bán với IS.
Có một số dấu hiệu cho thấy vài tháng gần đây, IS đã tự lọc dầu trở lại. Trong cuộc phỏng vấn với FT, một nhà buôn cho biết nhóm này gần đây đã mua 5 nhà máy lọc dầu.
Tại các nhà máy của IS, chủ cũ vẫn là người đứng tên và xuất đầu lộ diện. IS chỉ cung cấp dầu thô, để đổi lấy dầu madút thành phẩm, sau đó chia lợi nhuận từ bán xăng với người chủ cũ.
Các nhà buôn cho biết IS có xe chở dầu riêng, cung cấp dầu thô từ mỏ đến các nhà máy lọc dầu của chúng rất thường xuyên. Nhóm này cũng có hợp đồng với các trạm xăng và nhà máy lọc dầu khác bên ngoài.
4. Cung cấp ra thị trường
Một khi qua giai đoạn lọc dầu, thành phẩm sẽ được các nhà buôn mang đến các chợ quanh Syria và Iraq. Đến giai đoạn này, IS gần như không tham gia vào việc giao dịch. Khoảng nửa số dầu được đưa đến Iraq, còn lại được tiêu thụ ở Syria. Cả hai đều tại lãnh thổ do IS và quân nổi dậy chiếm đóng.
Phần lớn các thị trấn đều có chợ dầu, để người dân địa phương mua bán. Tuy nhiên, nhà buôn cung cấp cho các chợ này cũng thường mua dầu số lượng lớn từ đầu mối lớn hơn.
Các chợ thuộc lãnh thổ IS kiểm soát
he-thong-ban-dau-bi-n-cua-is-3
Việc buôn bán tại các chợ ở vùng IS kiểm soát.
Có nhiều chợ do IS kiểm soát tại các thị trấn như Manbij hay al-Bab ở vùng ngoại ô Aleppo phía đông. Các nhà buôn tại đây sẽ phải trình tài liệu chứng minh họ đã trả zakat - một loại thuế - để mua dầu miễn thuế. Những người tới từ vùng do quân nổi loạn chiếm đóng tại Syria và chưa trả thuế sẽ phải đưa thêm 200 SL (0,67 USD) một thùng.
Một số chợ tư nhân cũng đánh thuế. Al-Qaim - một trong những chợ lớn nhất khu vực, cũng yêu cầu người bán và người mua nộp 100 SL (0,3 USD) một thùng.
Mosul
Tại các thành phố do IS kiểm soát ở Iraq, như Mosul, xăng được bán tại các trạm xăng mini có 2 cột bơm. Những trạm xăng này rất phổ biến tại các góc đường ở Mosul. Người dân thường đặt tên dầu theo vùng lãnh thổ từ Syria mà chúng được đưa tới. Việc này giúp họ quyết định được chất lượng và giá cả.
Chợ của quân nổi loạn Syria
Có 2 loại nhiên liệu được bán tại đây - loại đắt hơn được lọc ở các khu vực IS kiểm soát, và loại rẻ hơn được lọc tại địa phương. Người dân ở đây thường mua cả hai, dùng loại rẻ chạy máy phát điện và loại tốt cho phương tiện đi lại.
Tầm quan trọng của dầu IS tại các vùng đất do quân nổi loạn Syria chiếm đóng là một trong những lý do liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn còn lưỡng lự trong việc chặt đứt tuyến thương mại của nhóm này. Họ lo ngại việc này sẽ khiến cuộc sống của người dân địa phương xáo trộn.
5. Buôn lậu xăng dầu
he-thong-ban-dau-bi-n-cua-is-4
Sơ đồ buôn lậu nhiên liệu. 
Vì IS chỉ quan tâm đến việc kiếm lời tại trận, buôn lậu sang các nước láng giềng là việc kinh doanh đầy hấp dẫn của các thương lái Syria và Iraq. Những tay buôn lậu Syria cho biết hoạt động này đã giảm dần vài tháng gần đây, không phải vì việc kiểm soát tại biên giới thắt chặt, mà vì giá dầu thế giới giảm, khiến họ không có lãi. Tuy nhiên, một số nhà buôn vẫn kiên trì làm việc này.
Phần lớn việc buôn lậu từ Syria được thực hiện qua vùng Tây Bắc. Người dân địa phương mua dầu tại chợ, đổ vào can và xách bộ qua biên giới, hoặc với vùng núi thì cưỡi lừa hoặc ngựa. Tại Iraq, phần lớn việc buôn lậu được thực hiện qua vùng đất của người Kurd ở phía Bắc đã bị chặn lại. Vì vậy, họ chuyển sang đi qua tỉnh Anbar đến Jordan.
Các phương tiện buôn lậu
Thuyền
Khi giá dầu cao, những kẻ buôn lậu đổ vào can lớn (50-60 lít) rồi chất vào trong bình kim loại hoặc thuyền nhỏ, kéo dọc bờ sông để sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trên bờ, các lái xe sẽ nhận hàng và tuồn chúng vào chợ đen địa phương. Tại đây, chúng sẽ được các xe lớn nhận lấy và chở đi bán.
Dùng đường ống
Một số thị trấn tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ còn hợp tác bằng cách chôn ống cao su nhỏ dưới đất để vận chuyển dầu. Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường tuần tra biên giới và liên tục phát hiện đường ống trái phép.
Đi bộ
Cách buôn lậu phổ biện nhất là mang can dầu trên lưng, đi bộ từ Kharbet al-Jawz tại Syria sang Guvecci (Thổ Nhĩ Kỳ). Hoạt động này đang được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát chặt, nhưng vị trí địa lý xa xôi khiến việc này khó chấm dứt hoàn toàn.
Ngựa, l​ừa

Tại các khu vực như al-Sarmada và al-Rai, những kẻ buôn lậu vượt biên bằng la, lừa hoặc ngựa. Những loài vật này có thể chở khoảng 8 can dầu một lần.