Nhân dịp Lễ tạ ơn, ngày lễ mọi người quay quần về với gia đình nhưng cũng có những người trên xứ Mỹ lẻ loi, cô độc không có người thân, không có mái ấm để quay về, thâm chí còn không đủ cơm ăn, áo mặc lành lặn. Đó là những người vô gia cư .
Cali TodayNews - Bài viết này của tôi không ngoài mục đích chia sẻ với độc giả khắp nơi, kể lại chuyện tôi đi làm với hội thiện nguyện. Những kinh nghiệm và học hỏi tôi rút ra được qua cơ hội làm việc và giao tiếp với tầng lớp người vô gia cư mà tôi ghi ra đây, hy vọng tâm tình sẽ có người hiểu được và thông cảm với những suy nghĩ, trăn trở và cảm xúc của tôi.
Cách đây mấy hôm tôi có đọc một bài báo viết về diễn viên điện ảnh Richard Gere (Richard the Kindhearted, Los Angeles Confidential, October issue). Tài tử Richard Gere không những nổi tiếng đóng phim ảnh mà còn là một nhà hoạt động xã hội tích cực trong nhiều lĩnh vực. Ông tranh đấu mạnh mẽ cho nhân quyền cũng như nền độc lập tự chủ cho Tây Tạng. Ông là cái gai trong mắt nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Tôi rất ngưỡng mộ ông. Ông xã tôi cắc cớ hỏi: "em thích Richard Gere vì ông ta đẹp trai, đóng phim hay hay là vì ông ấy tôn sùng Phật giáo?.
Tôi không cần nhiều giây phút để suy nghĩ, tôi trả lời ngay là có lẽ vì tất cả nhưng phần lớn có thể nghiêng về phương diện ông ấy theo đạo Phật.
Trong bài phỏng vấn này, ông Richard Gere nói về cuốn phim người vô gia cư ở Nữu Ước (tựa đề cuốn phim “Time Out Of Mind“ ). Ông kể rằng khi ở vị trí là một ngôi sao điện ảnh nhiều người biết đến, thì những giây phút ấy tất cả người hâm mộ ai cũng muốn đến gần ông, muốn bắt tay ông, trò chuyện với ông và gần như luôn luôn khán giả ái mộ đều muốn chụp hình chung. Họ tỏ ra thân thiện với ông khi có dịp gặp ông ở những buổi tiếp tân hay những dịp ra mắt phim có ông tham dự. Cách ông diễn tả làm tôi nghĩ đến câu nói của người mình " thấy người sang bắt quàng làm họ".
Thế mà, ông bảo rằng, rất oái ăm khi ông làm phim về người vô gia cư ông trở nên một người vô hình giữa xã hội. Để đảm bảo cho hình ảnh của phim trung thật và gần sát với cuộc sống nên đoàn làm phim dấu mặt (hidden away camera crew). Dân chúng, kẻ khách quan bên ngoài đường không nhận ra ông cũng như không nhận biết là có một đoàn làm phim đang quay ông. Trong phim ông vào vai một nguòi vô gia cư tên George. Richard Gere hoàn toàn nhập vai.
George đang ngồi lây lất ở vỉa hè thành phố Nữu Ước xin tiền. George là người không có tí giá trị gì trong xã hội. Ông cảm thấy hoàn toàn lạc lỏng giữa thành phố lớn này. Cả mấy tiếng đồng hồ ông ngồi bên lề đường. Không ai nhận ra ông. Không một ai đưa mắt nhìn thương xót hoặc hỏi han cho thân phận, hoàn cảnh của ông, một người rất nghèo không có nơi chốn nào để đi về. Trải qua mấy tiếng giang nắng quan sát nhịp sống hối hả của thành phố. Nhìn ông đi qua bà đi lại với chuyển động thật vội vàng, hấp tấp. Ông như đã bị dạt ra khỏi cuộc sống. Tĩnh lạc trong cảm giác cô đơn, xót xa ông chiêm nghiệm về cuộc đời. Một vài tiếng leng keng, vang lên khô khốc, George đếm được đúng một đô la rưỡi cho bấy nhiêu tiếng ngồi lê lết giữa chợ đời. Không một ai dừng lại bắt chuyện với George dù chỉ là một câu thăm hỏi bâng quơ. George bắt đầu lê bước đến các thùng rác công cộng. Lúc ông đang bươi móc thùng rác ở nhà ga Grand Central, có duy nhất một người phụ nữ du lịch gốc Pháp động lòng trắc ẩn đã tặng cho George một gói đồ ăn nhỏ.
Đọc xong bài báo này, tôi nghiệm được một điều là cuộc đời sẽ thật dễ dàng bỏ rơi mình nếu mình là người vô gia cư. Mỉa mai thật khi một ngôi sao nổi tiếng như ông Richard Gere, ngồi ngoài đường hàng mấy giờ đồng hồ mà chẳng ai đoái hoài đến, trơ trọi, lẻ loi. Không một ai nhận ra đó là một ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng. Chỉ vì ông ăn bận lôi thôi, ngồi lây lất ở vỉa hè. Cuộc đời có thể thật là lạnh lùng đối với một người đi bên lề xã hội như hoàn cảnh của những người vô gia cư.
Cũng theo bài báo phỏng vấn này thì họ không đề cập đến việc là họ đã hóa trang cho ông Richard Gere hay ông đeo kính râm cố giả dạng thành người khác. Richard Gere nói ông thật sự cảm nhận được thân phận vô cùng nhỏ nhoi của người vô gia cư cũng như ông gần tuyệt vọng với cảm giác mình không hiện hữu trong không gian náo nhiệt, âm thanh hỗn độn, nhịp sống quay cuồng. Mọi người hối hả, vội vàng, có người vẻ mặt lo lắng, bận bịu với trách nhiệm hằng ngày của họ, với vấn đề cuộc sống của từng cá nhân ngay trong thành phố lớn này.
Tôi đi làm thiện nguyện với Hội Brothers Helpers ở nhà thờ La Placita, được gặp nhiều nhân vật ngộ nghĩnh và thú vị. Người vô gia cư cũng có, mà trong đoàn thiện nguyện viên cũng có.
Có một người vô gia cư là Việt nam, ông ta lai Mỹ đen. Người nhỏ thó mà gan thì thật lớn. Tôi biết được điều nầy nhờ có một lần tôi chứng kiến ông gây gỗ với một nhân vật vô gia cư khác, Mỹ trắng, cao to và ăn nói lớn tiếng.
Không biết bắt nguồn từ đâu họ gây sự nhau. Thế mà, ông Việt nam này không chùn bước. Trong lúc lời qua tiếng lại, ông tỏ vẻ gan dạ và sẵn sàng đối đầu như sẽ lao vào đánh lộn mà không ngần ngại. Ông cho bọn tôi cảm giác là ông không e dè, sợ sệt gì hết.
Thật tình cờ tôi có đọc bài viết về ông mấy năm trước do một tờ báo Alive, xuất bản hằng tháng của nhân viên làm việc cho thành phố (City Employees Club of Los Angeles).
Tựa bài báo là " Những con người chúng tôi gặp" " People we see in downtown Los Angeles". Tôi cũng nên nói sơ qua về tờ báo này. Họ thường đi tìm kiếm và phỏng vấn các nhân vật điển hình mà họ tình cờ bắt gặp được. Hoặc những nhân vật có đặc điểm khác biệt, lạ kỳ hay do cơ duyên đưa đẩy khi họ đi lòng vòng trên đường phố Los Angeles, họ liên tục chạm mặt với nhân vật này . Số ấn bản tháng 12 năm 2011 với tiêu đề: “ phỏng vấn ông Do Thanh Diem- một người gốc Việt. Khi đó ông đúng 43 tuổi.
Trong bài phỏng vấn, ông nói ông là người Việt lai Mỹ đen, sinh ra tại Sài gòn. Ông bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ lúc ông vừa chào đời. Ông đã trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực và đau khổ, bị trêu chọc, khinh bỉ do vóc dáng, hình dạng con lai của mình. Ông chưa từng được cắp sách đến trường và bụi đời lang thang ở đường phố Sài gòn. Những năm tháng tuổi thơ đó ông như một hạt bụi sống lây lất, rày đây mai đó không gia đình, thân bằng quyến thuộc.
Năm 1988 ông được qua Mỹ theo dạng con lai tìm kiếm cha mẹ ruột. Ông định cư và làm việc cho hãng Lee´s Jeans ở tiểu bang Georgia. Rồi cất bước luu lạc đến tiểu bang Cali. Khi được phỏng vấn, trả lời câu hỏi:
-"Ông ao ước điều gì?".
-"Tôi mong muốn gặp được Ba má của tôi."
Đọc câu trả lời của ông mà tôi xúc động quá đỗi. Một người con bị cha mẹ bỏ rơi lúc vừa sinh ra, để rồi tiếp theo là những quãng ngày dài sống cuộc đời cơ cực nhọc nhằn. Cứ tưởng tâm hồn ông dầy vết sạn chai đá, hận thù. Nhưng không, ông vẫn khao khát được gặp lại cha mẹ ruột mà không hề trách móc tại sao họ lại bỏ rơi ông cô độc giữa chợ đời.
Ông cũng nói thêm khi xưa qua đến Mỹ do chán đời ông lêu lỏng, bỏ học. Nên bây giờ điều hối hận và tiếc nuối nhất của ông đó là không cố gắng theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Ông chọn lầm bạn và đi sai đường. Ông có lời chia sẻ với mọi người đó là cố gắng học, cố gắng có kiến thức, thành tài. Ngoài ra ông cũng nói về sở thích thần tượng của ông là Lý tiểu Long và Michal Jackson, thích ăn sô cô la và thịt bò lúc lắc và ước mơ của ông là được mở một nhà hàng.
Tôi nghĩ, lúc còn ở Việt nam, ông đã là một hạt bụi vì số phận hẩm hiu. Cộng thêm thành kiến xã hội Việt nam thời bấy giờ coi rẻ con lai, khinh ông. Sang đến Mỹ, mặc dù có được cơ hội bắt đầu mọi thứ từ đầu nhưng ông lại để vuột mất tầm tay và tiếp tục trở thành một hạt bụi của đời. Bây giờ là người vô gia cư, ông sống hôm nay ở đoạn đường này, ngày mai đoạn đường khác trong phạm vi trung tâm thành phố LA. Tôi nghĩ mà thấy buồn và thật tội cho số phận của ông. Gần nhất đây là khi tôi đi bộ ra để giúp hội thiện nguyện. Tôi lấy cơm trắng nóng, trộn với ruốc thịt chà bông, làm thành vài tô và nhủ thầm là tôi sẽ tặng cho ông và hai người Việt Nam vô gia cư khác mà tôi gặp họ thuờng xuyên hoặc cho vài người châu á khác. Tôi nghĩ hợp khẩu vị họ sẽ ăn ngon do đồ ăn thuần việt với mấy tô cơm ruốt.
Lúc gặp tôi đưa cho ông một tô, ông nói với tôi “đưa thêm tô nữa đi, tui để dành cho con vợ tui”. Nghe ông nói vậy, tôi cũng thầm thấy một ít niềm vui vì như vậy là ông có người bầu bạn, chia sẻ cuộc sống vô gia cư của ông.
Nhân vật thứ nhì tôi đoán anh là người Việt nam lai Tàu vì giọng nói. Lần đầu tiên anh trông thấy tôi, anh hỏi ngay “Việt nam hả?” Những lần sau, tôi cũng hơi có một chút thiên vị, để lên hộp đồ ăn của anh thêm một cái bánh ngọt hay cho anh thêm trái cam chẳng hạn. Mới ngày hôm qua, anh tìm đến gần tôi và hỏi tôi: " có mền không?" tôi trả lời :" kỳ trước đưa cho anh 2 cái mền đâu rồi?".
Anh trả lời anh cần cho một vài người khác, đàn bà. Anh khoe với tôi là anh sắp vô một chương trình gì đó, anh nói sắp vô program rồi. Tôi đoán chừng là một chương trình hoặc cai nghiện, hoặc chương trình dạy việc làm. Nghe xong tôi nói với anh là tôi mừng cho anh, chúc anh may mắn. Tôi cũng nhủ lòng, ngày mai tôi sẽ tìm một vài cái mền Mẹ tôi chứa trong ga ra hay mền của tôi đưa cho anh. " Miếng ăn khi đói bằng gói khi no ". Tôi hiểu tặng người ta cái gì người ta cần và tặng đúng lúc, thì có ý nghĩa hơn là khi họ không cần. Nhất là Trời Cali từ hôm đổi giờ đến giờ bắt đầu se lạnh vì vào tháng 11, sắp mùa mưa bão El Nino.
Một người Việt nam khác nữa mà tôi có duyên gặp. Chị tên là Tammy, người be bé. Chị thuờng kêu tôi cho chị thêm một cái bánh ngọt vì chị rất thích ăn ngọt. Tối qua sau khi mọi việc phục vụ thức ăn xong xuôi, tôi đi ngang chị, tiện thể dừng lại hỏi chị có cần gì thêm nữa không? Chị mỉm cười vội vàng nắm tay tôi, quàng vai ân cần nói nhỏ " my friend, my friend có nguyên hộp bánh Doughnuts nè, 8-9 cái trong này nè. Cầm về đi em, làm qùa cho con, cháu ở nhà đi em".
Trời đất cả một hộp bánh mà chị thích ăn nhất, vậy mà chị sẵn lòng cho tôi. Không hiểu ai tặng chị, ắt hẳn lúc nhận hộp bánh chị vui mừng lắm. Vậy mà giờ chị không do dự muốn chia sẻ bánh với tôi. Trong cả sự tuyệt vọng dù phải sống trên đường phố, thiếu thốn đủ mọi thứ, chị vẫn có tấm lòng hiền hòa " cho đi và nhận lại" thật đỗi quý giá!. Tôi ôm chị nhè nhẹ và nói cám ơn. Nhìn theo vóc dáng nhỏ bé, gầy gò của chị ôm hộp bánh đi khuất đến cuối góc phố. Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay. Tôi khóc vì cảm động tấm chân tình của chị.
Nhà tôi ở không xa trung tâm thành phố, hai vợ chồng tôi thuờng đi bộ đến sở làm. Tôi và ông xã gặp được một người vô gia cư trên đường. Ông ta tên Herman, đến thành phố LA trong những năm 70 từ tiểu bang Pensylvania miền đông nước Mỹ. Ông là người rất ngăn nắp, căn cứ theo ba lô ông đeo trên người và cách phục sức của ông dù là một người vô gia cư. Ông là một người nhẹ nhàng, trả lời từ tốn khi chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông. Ông có một chỗ trú cố định là băng ghế xe buýt đối diện Music Center trên đường Grand vào buổi chiều tối. Ông nói với chúng tôi rằng ông không ăn thịt. Chưa bao giờ ông xin tiền chúng tôi từ ngày đầu tiên chúng tôi có duyên gặp ông. Khi chúng tôi tặng ông quà, bánh, trái cây, ông đều nhận với mức độ chừng mực, vừa phải. Đôi khi ông từ chối nếu tụi tôi ép ông lấy hơn vài cái bánh ngọt hay vài trái cam, món ông thích nhất. Ông nhẹ nhàng giải thích vì ông đi bộ nhiều và lên xe buýt ra công viên Griffith. Đến buổi tối ông mới trở lại trung tâm thành phố do vậy ông không muốn vác nặng nhiều thứ đồ. Thỉnh thoảng chúng tôi có nhã ý tặng ông tiền. Ông là người vô gia cư đầu tiên từ chối tiền cho và ân cần nói rằng ông có đủ tiền rồi không cần thêm. Một lần ông tâm sự với vợ chồng tôi là vào mùa lễ Tạ Ơn và gần Giáng Sinh thì ông thấy người ta trở nên rộng lượng, bao dung lắm. Có lẽ mùa đông làm mọi người có cảm giác nhận ra mình may mắn hơn hoặc muốn cho đi một phần sự may mắn mình có được với tha nhân.
Ông kể là những người đi lễ đến nhà thờ Cathedral (băng ghế ông ưa ngồi là chỉ cách một ngã tư từ nhà thờ Cathedral của LA) và người đi xem hòa nhạc hay những buổi trình diễn kịch ở Music Center và Disney Concert Hall. Khách hay cho ông tiền hoặc thức ăn còn dư của buổi ăn tối.
Tôi nghe thấy cũng ấm lòng giùm ông là còn nhiều người có lòng hảo tâm, tặng ông tiền hay thức ăn. Đôi khi tôi cứ thắc mắc là mặc dù có tiền trong tay, những người vô gia cư này có bị xua đuổi khi họ đi vào siêu thị hay nhà hàng hay chợ không? Tôi đã từng trông thấy nhân viên bảo vệ canh gác nhà hàng, quán ăn hay chợ thường mời những người vô gia cư đi ra. Do họ ăn mặc xốc xếch, quần áo bẩn thỉu và mùi hôi thoát ra từ cơ thể có thể là nhiều ngày không tắm rửa của họ làm khách hàng trong các chợ, quán đó khó chịu.
Chị Phượng tôi thường cho tiền những người đứng góc đường, có khi là Bolsa, có khi là gần lối ra cửa xa lộ. Có người xin tiền với những tấm bảng viết đùa, chẳng hạn như, "nói thật nhe, chỉ cần tiền mua bia". Có người thì ghi là cựu chiến binh, hoặc vừa mất việc làm, vân vân …
Tôi kể với chị tôi là nhìn những người này họ ăn mặc tươm tất quá. Em nghe nói họ có một nhóm chuyên môn làm vậy, chỉ một ngày họ có thể kiếm được một số tiền kha khá. Tôi góp ý với chị tôi là mình cho bớt lại, thay vào đó cho họ thêm đồ ăn vì tôi đoán phỏng chừng là một vài người có vẻ như là người nghiện thuốc hay nghiện rượu.
Chị tôi khoát tay và bảo tôi, khi cho là mình cho, không cần biết tiền mình cho họ sẽ làm gì với nó. Tôi yên lặng không nói thêm vì nghĩ đó là cách giúp người của riêng chị.
Lần trước trong bài " Tạ ơn đời" khi tôi viết thực đơn hàng tuần không thay đổi mà quên không đề cập đó là thực đơn trong mùa hè. Mọi thứ 6, thỉnh thoảng có hàng phụ trội do các nhà hảo tâm hay chợ búa siêu thị tăng thêm. Hội có thể bỏ vào bao giấy và phát ra thêm sữa ya ua chua, nho khô, kẹo bánh bích qui, bánh mì lát với thịt cắt sẵn.
Có những người vô gia cư khi xem xét bọc đồ ăn, họ có thể nói với chúng tôi là họ chỉ ăn súp đậu kiểu Mễ và họ gửi lại bánh mì thit. Vài ngày trong tuần, có một số người vô gia cư nói với chúng tôi là họ chỉ ăn sà lát thôi, hoặc cơm không thôi. Tùy theo nhân vật riêng đó yêu cầu, chúng tôi dựa theo đó mà phục vụ. Số cá nhân đòi hỏi thực đơn riêng biệt vậy thì rất ít, cho nên diễn tiến của phần phân phát đồ ăn thuờng là rất trôi chảy.
Tôi thuờng thầm bảo lòng rằng cho đến khi nào hai vợ chồng tôi vẫn còn làm việc cho tiểu bang và sống ở Los Angeles, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng tham gia công việc thiện nguyện của Hội Brothers Helpers này
Nhớ những câu trả lời của ông Richard Gere khi ông hóa thân làm nhân vật vô gia cư trong phim. Tôi càng thấm thía và thuơng cảm cho họ. Họ có thể trong quá khứ là những người có học thức, có công ăn việc làm, có gia đình, người thân. Một sớm một chiều hoàn cảnh có thể đưa đẩy vận mệnh của một con người lâm vào cảnh bi đát. Đời sống là vô thuờng, nay còn, mai mất như trong Đạo Phật dạy.
Chúng ta hãy nghe ông Richard Gere tâm sự trong bài phỏng vấn" Tôi cầu mong những nổ lực của tôi và bộ phim nói về người vô gia cư sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp. Mong gặt hái được phản ứng tích cực của xã hội đối với vấn đề vô gia cư ngày càng tăng ở các thành phố lớn. "
Ông nói thêm: " những vấn đề tôi đối phó trực diện và cố gắng tranh đấu thường là khó khăn. Không có lợi lộc, không tiền bạc hay quyền hành gì nhưng mình vẫn làm vì đó là điều đúng để làm.
" You do it because it is the right thing to do."
Câu nói này sẽ là kim chỉ nam cho tôi tiếp tục tham gia công việc ở hội Brothers Helpers trong những ngày tháng tới ./.
Ngọc Vân