Lê Phan
Tuần này Hoa Kỳ chào đón Lễ Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn. Âu cũng là một dịp để nói chuyện ân tình.
Và cái câu chuyện ân tình đó phải bắt đầu bằng ngay chính đất nước Hoa Kỳ. Tôi mới được một người bạn gửi cho một bài viết thật chân tình hẳn là của một người Mỹ gốc Việt. Bài mang cái tên “Người Khách Trọ Vô Tình.”
Bài viết không thấy ký tên mở đầu với câu chuyện về thành phố Rialto của quận San Bernadino, California. Quận này, theo bài viết là một quận nghèo, nửa cư dân là người gốc Mexico, một phần năm là dân gốc Phi Châu. Lợi tức đầu người chỉ khoảng 13,375 đô la một năm và 13% dân chúng sống dưới mức nghèo đói ở Hoa Kỳ trong khi tỷ lệ tội ác lại cao hơn các thành phố khác, nhưng thành phố không đủ ngân sách thuê thêm cảnh sát. Rialto cũng có rất nhiều trẻ em bỏ học vì bố mẹ quá nghèo hay không đủ Anh ngữ. Thêm vào đó, hầu hết các gia đình không có computer nên việc học của con cái rất khó khăn.
Gần đây một nhóm người Việt gồm nhà giáo, bác sĩ, sinh viên và tu sĩ cư ngụ trong vùng San Bernadino, đã chọn Rialto để thành lập một trung tâm giáo dục nhỏ mang cái tên tắt là H.O.M.E, viết tắt của chữ House of Meditation & Education nhưng cũng đồng thời có nghĩa là mái ấm gia đình. Các em có thể đến đó để học sử dụng computer, giúp làm homework hay chỉ đọc sách. Phụ huynh theo con đến cũng được chỉ dẫn về computer và giúp đỡ. Người đứng đầu nhóm thiện nguyện này, theo bài viết, là một bác sĩ, sau khi con cái ăn học thành tài, nay cảm thấy mình phải trả nợ cho vùng đất đã dung thân mình.
Bài viết đặt câu hỏi, “Trên nước Mỹ này bao nhiêu người trong chúng ta đã làm được những việc như thế này?”
Rồi kể tiếp câu chuyện của một vị linh mục đã hỏi giáo dân là trong thành phố đã cưu mang chúng ta này, có nhiều người Mỹ nghèo hơn chúng ta, nhưng lòng bác ái của họ thì không nghèo, không một công tác từ thiện nào mà họ không góp công góp của, không như người Việt chúng ta.
Giáo dân đã trả lời linh mục, “Thưa cha. Vậy thì Cha nghĩ, 8 tỷ một năm gửi về Việt Nam không phải là tiền từ thiện hay sao? Có điều chúng ta chỉ lo cho quê hương, họ hàng, còn ở đây chúng ta chỉ là người khách trọ.”
Bài viết sau đó đã than thở về sự bạc bẽo của cộng đồng người Việt với quốc gia đã cưu mang mình. Ngoài những nghĩa vụ luật định mà chúng ta làm đủ, “hình như chúng ta vẫn sống trên đất Mỹ không gì khác hơn là một du khách, hay là một người tình 'vẫn đi bên cạnh cuộc đời' không hề lưu tâm để ý gì đến những chuyện chung quanh.”
Nhưng theo tác giả chúng ta không phải là cộng đồng duy nhất. Một số người Hồi giáo đã “trả ơn” nước Mỹ bằng cách quyên góp tiền gửi về ủng hộ cho al-Qaeda, kẻ thù của đất nước đã cho mình dung thân. Nhiều di dân từ Hoa Lục hay ngay cả Đài Loan đã trở thành gián điệp cung cấp cho quốc gia mình những bí mật quốc phòng hay kinh tế của Hoa Kỳ. Thật là một thứ nuôi ong tay áo.
Những người này cũng như người Việt chúng ta, khi nhập quốc tịch, đã tuyên thệ trung thành với Hoa Kỳ, nhưng vẫn xem việc nước Mỹ như việc hàng xóm, không muốn can thiệp hay đóng góp, thậm chí cũng không muốn đi bầu nữa.
Ấy vậy mà nếu khi không may, nếu bị nạn, Hoa Kỳ đã không bỏ rơi công dân của mình. Hai cô phóng viên người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Hàn bị Bắc Hàn bắt đã được đích thân cựu Tổng Thống Bill Clinton đến đón về, trong khi chính phủ Mỹ đã gửi một viên chức tình báo cao cấp đến để đón ba công dân Mỹ mới đây, trong đó có một người gốc Hàn. Những người Mỹ gốc Việt cũng vậy. Khi Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân bị chính quyền Hà Nội bắt, chính phủ Hoa Kỳ đã tận tình can thiệp giúp giải cứu ông không phải một mà hai lần.
Bài viết rất chân tình của tác giả vô danh mà người bạn tôi gửi cho chỉ nói đến người Mỹ gốc Việt, nhưng điều tác giả viết áp dụng cho tất cả những người gốc Việt đang sống trên khắp thế giới.
Một người Việt nào đó đã phát minh ra chữ “tạm dung” thật chí lý. Nhưng tạm dung là giai đoạn đầu khi chúng ta mới đến nơi đó, chứ khi đã thành công dân, chúng ta cần phải thay đổi thái độ.
Điều mà hầu hết chúng ta quên là bây giờ chúng ta trước hết là công dân Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc hay bất cứ một nơi nào đã dung túng chúng ta rồi sau đó mới là người Việt Nam. Quê hương thứ hai của chúng ta đã trở thành nhà. Nó không những là nơi dung túng chúng ta mà nay là nơi quyền lợi của chúng ta gắn liền. Nếu một mai không may quê hương đó bị tấn công thì không những quyền lợi của chúng ta bị lâm nguy mà ngay cả tính mạng, sự sống của chúng ta cũng sẽ khó còn.
Ấy là chưa kể chuyện nếu lỡ có vấn đề “xung đột về lòng trung thành” thì sao? Giữa quê hương thứ nhất và quê hương thứ hai chúng ta chọn nơi nào?
Những người Việt ra đi sau năm 1975 có ít lý do để trung thành với chế độ hiện nay, nhưng sự trung thành không phải chỉ thu hẹp vào chế độ.
Hôm nọ tôi gặp một người bạn vốn là dân Anh gốc Đức. Bà bạn tôi kể lại là mới về Đức thăm gia đình, vốn tất cả đều còn sống ở Đức.
Bà nửa đùa nửa thật bảo tôi, “Bạn có biết không, bỗng dưng về Đức tôi trở thành một kẻ tìm cách biện minh cho ông David Cameron. Ai cũng hỏi tôi tại sao Anh Quốc đòi rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu? Ai cũng hỏi tôi tại sao Anh Quốc không muốn đóng góp phần tiền của mình cho Liên Hiệp?” Điều mỉa mai là bà bạn tôi là một đảng viên trung thành của Đảng Lao Động, một đại diện của nghiệp đoàn tại đài BBC, và là một người ghét cay ghét đắng Đảng Bảo Thủ của ông Cameron. Nhưng, như bà nói, “Ông ta là thủ tướng của nước tôi và tôi đã chọn làm người Anh thì phải bảo vệ lập trường của ổng, dầu cho không đồng ý với những lập luận của ông ta.”
Điều bà nói đã làm tôi thêm suy nghĩ. Ở một khía cạnh nào đó, cũng như bà, tôi đã chọn làm dân Anh, làm thần dân của Nữ Hoàng Elizabeth II. Khi theo dõi các cuộc thi đấu ở Thế Vận Hội, tôi đã hết sức xúc động khi lá cờ Union Jack được kéo lên và bài quốc ca “God Save the Queen” trỗi lên bởi chiến thắng của một người Anh cũng là chiến thắng của tôi. Mỗi năm vào tháng 11 này khi những cựu chiến binh Anh bắt đầu xuống đường bán những bông hoa poppies làm bằng giấy để giúp vào quỹ cho các cựu chiến binh, tôi đã cảm thấy cần phải mua vài bông để chứng tỏ biết ơn sự hy sinh của những quân nhân đó. Và càng sống ở Anh lâu tôi ngày càng cảm thấy cái chất “ăng-lê” nó thấm vào mình. Tôi cũng bất mãn khi người ta không có tinh thần “fair play.” Tôi gật gù khi người Anh lắc đầu bảo “It's just not cricket.” Đây là một thành ngữ có nghĩa là “Chơi như vậy là chơi xấu, không đúng luật chơi.”
Điều đó không có nghĩa là tôi không cảm thấy xúc động khi thấy Việt Nam bị Trung Cộng xâm lấn. Nó cũng không có nghĩa là tôi không tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi. Nhưng ngoài là người Việt Nam, tôi nay cũng là một người Anh.
Và điều đó có nghĩa là chia sẻ cái hưng suy của đất nước này như là một người dân nước đó chứ không phải chỉ là một khách ghé thăm.
Điều đó cũng có nghĩa là xin cảm ơn đất nước đã dung thân tôi.