Bài viết này chỉ bàn đến từ thiện đúng nghĩa, không bàn đến dạng từ thiện để làm giàu, lấy danh, giải ác, giải nghiệp, ăn ké, chơi ké…
Có một điều không thể chối cãi, từ thiện không đến được với người mẹ tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đóng học, xin sổ nghèo, không đến được với người tự tử để thoát nghèo, không đến được với người tự tử vì không có tiền chữa bệnh…
Từ thiện không làm hết những bữa cơm không có thịt, không thay đổi được con số cả nước còn 1.797.889 hộ nghèo, 1.443.183 hộ cận nghèo. (Nguồn chính phủ)
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là từ thiện để làm gì!?
Sẽ có vài tấm bùa “đạo đức” được giơ cùng lý sự thấy người sắp chết không cứu là vô đạo đức. Vâng, đúng thế. Nhưng tại sao anh (chị) không mang quan điểm đầy đức độ, tính nhân ấy đặt trước... nhà nước đi vì đó là trách nhiệm của nhà nước đấy!? Ai cũng biết cứu 1 mạng người bằng xây bảy gian chùa nhưng không ai nghĩ giúp cho 1 người nhưng nghìn người khác tiếp tục nghèo; cứu 1 người nhưng nghìn người khác không thoát được cái chết khi từ thiện đã được “xã hội hóa”, khi nhà nước đã khéo léo đẩy trách nhiệm sang phía người dân và nhà nước không chịu trách nhiệm rõ ràng nào trong vai trò của mình. Vậy từ thiện có đúng với nghĩa của nó trong bối cảnh này, có gây tác dụng ngược khiến nhà nước... "ỷ lại"!?
Không cần đi sâu phân tích vẫn có thể khẳng định những gì nhà nước làm được trong vai trò của mình là không đáng tính bởi vẫn có vô số những hoàn cảnh khó khăn, những bữa cơm thèm thịt, những số phận kết thúc vì nghèo…
Việt Nam hoàn toàn có thể khiến những người khốn cùng biến mất nếu tiền của dân không bị phung phí (tiền của dân nhé, nhà nước chả có đồng nào đâu). Đường cao tốc không đắt gấp 3-4 lần Mỹ vừa làm xong đã hỏng; không có các dự án không hiệu quả hoang tàn; không có thua lỗ do đầu tư ngoài ngành; không nợ xấu; không thừa mứa sân golf, sân bay, cảng biển; không có Bô xít, Vinashin, Vinalines; không phí tiền đào tạo hàng trăm nghìn GS, TS, ThS để không sản xuất nổi con ốc vít; không có “tham nhũng ngày càng tinh vi, xâu chuỗi kết bè cánh”; không có “người ta ăn của dân không từ cái gì”; không có “30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về”; không có “lạm phát” cấp phó; không có vô số tượng đài… Ấy là còn chưa tính đến khối tài sản kếch xù gấp tỷ lần lương của bắt đầu từ quan xã trở lên.
Thế nên, hỡi các nhà từ tâm thiện nguyện, việc cực kỳ đơn giản mà pháp luật cho phép và khuyến khích là yêu cầu nhà nước chịu trách nhiệm rõ ràng trong mọi lĩnh vực, trong việc sử dụng tiền của dân mới là hành vi từ thiện "thực sự", mới cứu được mọi phận đời trong đó có cả chính mình.
N.V.H