LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com
Tôi đã viết và nói chuyện trên đài ti vi nhiều lần về chuyện cholesterol không phải là “kẻ xấu”. Trong khi đó, mọi người dường như bị mê hoặc vào niềm tin cholesterol là hung thủ gây ra bệnh tim, và bằng mọi cách phải… uống thuốc để giảm lượng cholesterol xuống.
Nguyên nhân vì các hãng thuốc đã bỏ rất nhiều tiền để “tuyên truyền” và “nhồi sọ” từ bệnh nhân đến bác sĩ rằng-thì-là, uống thuốc statin giảm cholesterol sẽ làm giảm nguy cơ bị tử vong vì bệnh tim mạch.
Thật ra theo nghiên cứu mới nhất, khoảng 45% bệnh nhân Mỹ, gần đây đã bất chấp lời khuyên của bác sĩ; không chịu uống thuốc giảm cholesterol. Vậy thì đâu là huyền thoại và đâu là chân lý?
Trước hết, có vài điều cần “động não” một tí nhé.
1. Bạn đã biết LDL là loại “cholesterol xấu” và HDL là loại cholesterol tốt. HDL lo dọn dẹp những chỗ “bẩn” do LDL gây ra. Tuy nhiên hiện nay không có một loại thuốc nào có thể làm tăng lượng HDL một cách rõ rệt và hữu hiệu cả.
2. LDL được sản xuất ra bởi lá gan để cơ thể dùng làm vật liệu bảo trì các tế bào, và chế biến ra các loại hormone steroids như sinh dục nam và nữ chẳng hạn. Thử hỏi nếu cơ thể không sản xuất được cholesterol, bạn đã “ra đi từ mùa thu năm nào” rồi. Như vậy, dùng thuốc ngày và đêm để hãm một guồng máy chính yếu của cơ thể, ở đây là lá gan của bạn là một điều vô lý.
3. LDL dùng để trám sửa các chỗ lở loét trong mạch máu. Vấn đề then chốt là mạch máu bị lở chứ không phải tại cholesterol. Thí dụ tượng hình nhé, nhựa đường, dầu hắc dùng để trám “ổ gà” trên đường nhựa, trông dơ dáy bẩn thỉu nhưng không phải tại nhựa đường làm cho đường nhựa xấu đi nhé.
4. Nếu bạn là phụ nữ bị cao cholesterol, uống thuốc statin không làm giảm nguy cơ bị quỵ tim.
5. Nếu bạn là đàn ông hay đàn bà trên 69 tuổi bị cao cholesterol, uống thuốc statin không làm giảm nguy cơ bị truỵ tim. Trong hai người cao niên, người có lượng cholesterol thấp lại dễ bị đột quỵ tim hơn người có lượng cholesterol cao. Ở đây cho thấy, chủ yếu là mạch máu người nào tốt hơn người kia, vấn đề không phải tại cholesterol.
6. 75% bệnh nhân bị truỵ tim, có lượng cholesterol hoàn toàn bình thường.
7. Hai nước có số lượng và tỉ số người bị bệnh tim thấp là Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, lại có chỉ số cholesterol cao hơn người Mỹ.
8. Một số nghiên cứu mới cho thấy trong số những bệnh nhân “hưởng phúc lợi” của statin, nhờ vào khả năng giảm lở loét mạch máu của thuốc chứ không phải hiệu ứng “hãm ga”, giảm cholesterol.
Như vậy, những ai là người hưởng được phúc lợi của thuốc statin? Đó là những người đã trải qua cơn đau tim, và những người đàn ông tuổi “xồn xồn” có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch, như béo phì, huyết áp cao, và bị tiểu đường.
Một số hãng thuốc có thể đưa ra con số là thuốc statin có thể giảm nguy cơ bị bi tử vong vì truỵ tim đến 36%. Con số 36% có nghĩa là gì? Đó chỉ là cách bóp méo con số thống kê. Đọc kỹ các nghiên cứu sẽ thấy là, nếu không uống thuốc, nguy cơ bị chết vì đột quỵ tim là 3%, còn nếu có uống thuốc thì nguy cơ đó xuống còn lại 2%. Nó không có nghĩa là trong tất cả bệnh nhân uống thuốc, 36% trăm khỏi chết vì bệnh tim mạch!
Một điều khác cần lưu ý là để hưởng phúc lợi và thuộc vào 1% may mắn đó, bệnh nhân phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày trong vòng 5 năm trở lên mới có hiệu quả. Này nhé, có thuốc nào được xem là “hiệu quả” mà phải tốn 5 năm mới thấy “ánh sáng cuối đường hầm”? Chưa kể những phản ứng phụ như bị hoại các bắp thịt, đau gan, đau thần kinh, và bị liệt dương.
Như thế thì làm thế nào để giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch?
Cholesterol cao chỉ là dấu hiệu của sự bất ổn xảy ra trong cơ thể. Thủ phạm chính, là hội chứng “Mỡ, Đường, Máu” và Stress! Để biết rõ nguy cơ, bác sĩ của bạn có thể cần phải thử nhiều loại thử nghiệm máu khác, chứ không đơn thuần là thử lượng cholesterol. Và nếu có thử cholesterol, bác sĩ sẽ quan tâm vào kích thước của loại cholesterol LDL to hay nhỏ.
LDL thật ra có nhiều loại to nhỏ khác nhau. Đại khái để so sánh về tỉ lệ kích thước, có thứ nhỏ hơn viên bi trong bạc đạn xe máy, và có thứ bự như trái banh tennis. Chỉ những thứ LDL nhỏ sẽ xoáy vào chỗ lở của mạch máu và gây ra những chỗ nghẽn. Loại bự chỉ như trái banh tennis, nhồi nhồi lên mạch máu rồi trôi theo dòng máu. Cholesterol ở trong thức ăn, như trứng gà chẳng hạn, là loại bự. Trong khi đó loại nhỏ được biến chế từ.... bạn đoán nhé, ĐƯỜNG và TINH BỘT! Không những thế, hiệu ứng “thắng đường kho cá”, glycosilation, làm cho mạch máu sẽ lở loét, và các hạt LDL nhỏ nầy dễ dính chùm với nhau cũng như dính vào mạch máu như có dán kẹo “mạch nha” ở bên ngoài.
Chúng ta tưởng lầm là ăn đồ béo sẽ có nhiều cholesterol, không đúng, vì 70% cholesterol do chính cơ thể tự sản xuất ra. Vấn đề là tùy loại đồ béo chứa nhiều lượng omega-3 so với omega-6 hay không. Omega-6 làm lở mạch máu, còn omega-3 bảo vệ mạch máu.
Tuy nhiên, ta vẫn không nên xem thường khi lượng cholesterol quá cao, và nếu cần, trong thời gian ngắn thì cũng nên sử dụng thuốc giảm cholesterol, nhất là khi mình thuộc diện có nguy cơ bị trụy tim cao như đã đề cập trên đây. Chủ yếu của biện pháp đối phó về lâu về dài vẫn là điều chỉnh chế độ ăn uống, bớt mỡ xấu, bớt đường, năng vận động, giảm cân và giảm stress.