Năm hết Tết tới, những người đàn ông miệt Đất Mũi, Cà Mau lại kéo nhau đi thụt ba khía, những đứa trẻ lại kéo nhau đi bắt ốc rừng để kiếm tiền. Không khí cuối năm lúc nào cũng chộn rộn, hối hả và có chút gì đó hớt hải, cập rập khó tả… Thụt ba khía giống như một nghề cứu rỗi của ngư dân Tây Nam Bộ khi biển động, mất mùa hoặc gặp nhiều khó khăn trong nghề biển. Năm nay, những người đi thụt ba khía và bắt ốc rừng tăng cao hơn so với mọi năm. Cái lạnh cuối năm không làm chùng chân mà còn kích thích người ta đi bắt ốc, thụt ba khía nhiều hơn.
Ông Đăng, một ngư dân Đất Mũi, Cà MJau, chia sẻ: “Ban đêm nước lớn thì mình đi bắt ba khía nổi. Một ký lô ba khía bữa nay có giá ba chục đến ba lăm ngàn đồng. Trung bình một ngày đi thụt kiếm cũng được hai trăm ngàn, ba trăm ngàn đồng. Ba khía là đặc sản của Ngọc Hiển (đảo nhỏ cách Đất Mũi chừng 1km, mùa khô có thể lội bộ từ Đất Mũi ra đảo) Bữa nay chó đến Tết thì đi thụt liên tục vậy đó. Bây giờ món này thành đặc sản của miền Tây Nam Bộ rồi”.
Theo ông Đăng, hầu như mọi công việc thường bắt đầu nóng lên ở thời gian này và kéo dài cho đến chiều ba mươi tháng chạp. Bởi động cơ kiếm tiền mua sắmTết luôn là động cơ thôi thúc mạnh nhất đối với người dân xứ nghèo như Đất Mũi.
Để giải thích thêm, ông Đăng nói rằng hầu hết dân Đất Mũi đều nghèo khổ, chừng 30% dân ở đây giàu có và khá giả. Thành phần giàu có thường là nhà cán bộ, nhà lãnh đạo huyện, nhà có người đi nước ngoài và người buôn bán thành đạt. Những gia đình buôn bán thành đạt cũng không nhiều và nguồn tiền khởi nghiệp của họ cũng nhờ vào người thân ở nước ngoài gởi về cho. Bởi vì Đất Mũi cũng là vùng đất có nhiều người vượt biên nhất trong những năm 1980. Có nhiều người mất tích trên biển, có người sống sót và sang được đất hứa, làm ăn có tiền gởi về gia đình.
Phần còn lại, hầu như quanh năm suốt tháng bám biển, ôm lưới, nhà cửa tạm bợ bằng gỗ tràm, sú, vẹt đóng trên các mép sông và đóng sàn để sinh hoạt, ăn ngủ. Có thể nói rằng hầu hết nhà cửa của người dân Đất Mũi nói riêng và những người dân sống dọc các bờ sông Tây Nam Bộ nói chung đều rất tạm bợ, hiếm có nhà bê tông cốt thép.
Và những gia đình làm biển luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, làm quanh năm suốt tháng vẫn không đủ để ăn, trẻ con phải đi bắt ốc, người lớn phải tranh thủ những ngày rảnh rỗi để đi thụt ba khía. Nhưng từ ngày ngành du lịch đặt chân đến Đất Mũi, nguồn ba khía cũng bắt đầu cạn dần bởi giá thành hấp dẫn của nó.
Theo ông Đăng, cách đây chừng năm năm, cua đỏ, tôm càng xanh, cua vuông, ba khía tím, ba khía đỏ còn bò lúc nhúc mỗi khi nước ròng. Nhưng hiện tại, tìm ra một con ba khía cũng quá khó bởi một mét vuông rừng sú, vẹt có đến vài chục đôi chân dậm qua dẫm lại tìm cua, tìm ốc, tìm ba khía.
Cũng may là giá ba khía hiện tại khá cao, mỗi ký lô tươi có giá từ tám chục ngàn đồng đến một trăm hai chục ngàn đồng. Nếu là ba khía loại xin, nghĩa là ba khía mai vuông thì giá của nó có thể lên đến hơn năm trăm ngàn đồng một ký lô. Một người thụt ba khía giỏi, mỗi ngày kiếm chừng hai ký lô, trong đó, chỉ cần nửa ký lô ba khía mai vuông thì coi như quá trúng, thu nhập ngày đó ngót nghét nửa triệu đồng. Số tiền nửa triệu đồng cho một ngày thu nhập là quá lớn đối với người dân Đất Mũi.
Bởi thu nhập của người dân ở đây quá thấp, trong khi đó chi phí cho con cái học tập lại quá cao, chỉ riêng tiền đi xuồng ba lá hay đi đò, đi ca nô cao tốc đến lớp không thôi mỗi ngày cũng ngốn từ hai chục ngàn đồng đến bốn chục ngàn đồng của các em học sinh. Trường hợp học cấp ba, tức trung học phổ thông thì phải lên thành phố ở trọ, tốn kém hơn nhiều.
Chỉ riêng chuyện lo cái ăn và cho con kiếm cái chữ, hầu như gia đình nào ở Đất Mũi cũng cảm thấy ngột ngạt, khổ sở. Ông Đăng cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc những thế hệ sinh sau 1975 thường bỏ học sớm và chọn việc làm gái kiếm tiền. Ở Đất Mũi chẳng hạn, gia đình nào có đàn ông biết đi thụt ba khía kiếm tiền, con gái biết lên thành phố làm gởi về nuôi em là gia đình được khen có phước lớn.
Một cái Tết lạnh sắp về
Mùa Noel đến, người dân Đất Mũi không có khái niệm gì về ngày lễ này bởi trên Đất Mũi không có đông con chiên và cũng không có xóm đạo. Nhưng với một số người, ngày Noel lại làm cho họ lạnh hơn, cô đơn hơn và thấy cần một bàn tay nhân từ, quảng đại che chở. Như lời của ông Hiếu, cư dân Đất Mũi: “Người lao động khổ lắm. Người ta đi làm tỉnh khác rồi người ta có mức lương cố định trong năm rồi lĩnh tiền thưởng đề về quê ăn Tết. Chứ lao động lẻ ở địa phương thì khó khăn lắm. Nói chung người lao động thu nhập thấp thì việc đi học của con cái không bằng ai đâu!”.
Theo ông Hiếu, năm nay ông phải tranh thủ thụt ba khía từ sáng sớm đến chiều tối, khi nào trời lạnh quá thì ông uống một ngụm nước mắm nguyên chất để giữ năng lượng trong người, để khỏi cóng mà tiếp tục chịu đựng, tiếp tục đi bắt cua, đi thụt ba khía.
Trung bình, mỗi ngày ông kiếm được từ hai trăm đến ba trăm ngàn đồng. Những ngày trúng được nhiều ba khía vuông thì thu nhập có thể đội lên bảy, tám trăm ngàn đồng. Nhưng số ngày thụt được ba khía trong mỗi tháng không kéo dài quá mười ngày bởi còn phụ thuộc vào mặt trăng và thủy triều. Những ngày rảnh rỗi trong tháng, cũng như nhiều người đàn ông khác ở Đất Mũi, ông Hiếu tìm đến với rượu gạo và những bạn bè thất nghiệp khác. Rượu gạo trở thành người bạn thân thiết của dân nghèo trên Đất Mũi đã được vài chục năm nay.
Ông Hiếu cho biết thêm là hiện tại, số người thụt ba khía, bắt ốc rừng và bắt tôm sú, tôm vẹt tự nhiên quá nhiều nên hầu như việc kiếm ra những con ba khía lớn, những con tôm tự nhiên rất khó khăn, chúng đã trở nên hiếm hoi bởi chúng đã thành đặc sản trên bàn ăn giới thiệu cho khách du lịch.
Ông Hiếu tỏ ra lo lắng khi các sinh vật tự nhiên ngày càng trở nên hiếm hoi mà người nghèo ngày càng đổ xô đi bắt hải sản tự nhiên để bán cho ngành du lịch. Và với đà này, chẳng bao lâu nữa sẽ không còn gì để bắt, không còn gì để đánh. Một Đất Mũi trù phú và huyền bí ngày nào đang dần trở nên trơ trọi bởi cái nghèo và điều kiện sống quá khắc nghiệt của con người.
Ông Hiếu lấy làm tiếc về một thuở mà nơi ông sống nói riêng cũng như đồng bằng sông Cửu Long nói chung, chỉ cần mang rổ ra mương nước ruộng múc bâng quơ cũng có cá mà ăn và bất kỳ thứ hải sản gì cũng có, từ nước mặn cho đến nước lợ, nước ngọt. Chuyện đó bây giờ chỉ còn trong ký ức, mọi thứ đã vĩnh viễn thành quá khứ. Một cái Tết chạy đua để kiếm ăn đang tới gần với người dân Đất Mũi và dân đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.