Sunday, 20 December 2015

Sài Gòn và giấc mơ rau sạch - Nhóm phóng viên tường trình từ VN

rau-622.jpg
Rau xanh bán ở chợ
RFA
Nếu như trước đây bốn mươi năm, người nhà nghèo thì ao ước một lần được dẫm chân lên đất Sài Gòn hoa lệ để rồi nếu có chết vẫn không còn gì để tiếc nuối, người nhà giàu thì mong mỏi có một căn nhà ở Sài Gòn để sống, hưởng thụ và làm ăn, giới trung lưu và bình dân tiến vào Sài Gòn như một vùng đất hứa, vùng đất của ước mơ đổi đời… Thì bốn mươi năm sau, hiện tại, ước mơ lớn nhất của cư dân Sài Gòn là ra đường không bị kẹt xe, bị cướp giật, đang ngủ không bị nước ngập tràn vào nhà và mỗi bữa ăn có được bát canh rau xanh không có độc, an toàn. Nhưng có vẻ như giấc mơ ấy quá xa vời đối với người Sài Gòn.

Rau sạch ở đâu?

Theo ông Thuấn, một cư dân sống lâu năm tại thành phố Sài Gòn, buồn bã chia sẻ: “Thành phố Sài Gòn hiện tại đã quá tải với số dân ước chừng lên đến mười triệu nhưng thống kê nhà nước thì chừng bảy triệu. Mỗi sáng, Sài Gòn như một cái tổ mối khổng lồ với hàng triệu con mối thợ túa ra đường kiếm ăn, chiều về, hàng triệu con mối thợ ấy lại quay về. Và ngày nào may mắn thì ít bị kẹt đường, này nào không may mắn thì mưa ngập, vi trùng và bệnh tật sống chung, lội bì bõm cùng con người.”
Ngay cả những đường phố được đắp khá cao còn ngập ngụa như thế thì làm sao những ao trồng rau muống, những vườn rau ở Sài Gòn có thể đảm bảo không bị ngập úng và không dơ dáy. Vào mùa mưa, để đối phó với nạn ngập úng, các nông dân trồng rau trên đất Sài Gòn liên tục bơm thuốc chống nấm và thuốc kích thích tăng trưởng để rút ngắn vụ rau, chạy đua với mưa ngập. Bởi chỉ cần một trận mưa nhỏ, vườn rau bị ngập thì vốn liếng tan theo bọt nước.
Khi mà đi chợ mua các loại rau như dền, cải xanh… về phải rửa ít nhất ba nước, ngâm nước muối rồi rửa lại hai lần bằng nước sạch. Đó là mình kiểm soát được thì phải kỹ. Nhưng mà đi ra ngoài ăn thì mình đâu biết được người.
-Bà Phiên
Và với đà bơm thuốc liên tục như vậy, cộng với nguồn nước tưới rau không đảm bảo, có thể là nguồn nước từ các cống rãnh và các ao hồ tù đọng lâu ngày, họa hoằng lắm mới dùng đến nguồn nước máy bơm hoặc nước thủy cục để tưới rau bởi hai nguồn nước này vừa khó khăn vừa quá tốn kém chi phí. Chính vì vậy, nguồn rau sạch ở Sài Gòn có thể nói là hoàn toàn không có, ngoại trừ những vườn rau đặc biệt tự trồng hoặc trồng theo đơn đặt hàng của một số nhà hàng, siêu thị cao cấp. Những vườn rau này hoàn toàn không đủ hàng để lọt ra các chợ bình dân.
Ông Thuấn cho rằng hiện tại, dùng rau xanh trên đất Sài Gòn là một việc không thể khác đi được, chẳng đặng đừng bởi nếu trong bữa ăn thiếu rau xanh liên tục thì dẫn đến nhiều loại bệnh, thiếu vitamin, thiếu diệp lục tố và chất xơ. Nhưng nếu nạp rau xanh hằng ngày cũng chưa chắc không gây tổn hại đến sức khỏe bởi không có gì đáng tin cậy ở các cọng rau non mướt.
Riêng gia đình ông Thuấn và một số bạn bè thân quen, ông đều khuyên họ ngâm rau với nước vo gạo và muối loãng trong vòng từ năm đến mười phút để hàm lượng chất độc và vi trùng nhả bớt ra khỏi cọng rau, sau đó rửa sạch và luộc chín hoặc nấu canh, tuyệt đối không ăn rau sống bởi đó là cách đưa vi trùng, trứng giun và bệnh tật vào người nhanh nhất.
Theo ông Thuấn, hiện nay, rau ở mọi chợ đầu mối thành phố Sài Gòn đều có nguồn từ các vườn rau trong thành phố và một số tỉnh lân cận. Nhưng hầu hết các vườn rau trong thành phố đều trồng rau không an toàn, tưới bằng nước bẩn, thậm chí dùng chất độc hóa học để bơm kích tích sinh trưởng mỗi ngày. Thậm chí một số vườn rau ở Củ Chi và Gò Vấp còn vớt cả lớp váng dầu nổi trên các cống rãnh để tưới thay phân. Bởi khi tưới các lớp váng dầu cống rãnh này, cây rau sẽ phát triển nhanh chóng giống như tưới bánh dầu ngâm với nước lâu ngày nhưng lại đảm bảo giúp cho cây rau không bị héo nhũn khi bị ngập nước bởi nhờ lớp váng dầu bám vào cây làm thành một lớp chống thấm mỏng. Phải ngập đến vài ba ngày mới có thể làm cây nhũn đi.
Và tưới cây bằng váng dầu nơi cống rãnh đang là một thứ bí quyết hái ra tiền của người trồng rau ở thành phố Sài Gòn nhằm đối phó với tình trạng mưa ngập. Đương nhiên là tưới cây như vậy hết sức mất vệ sinh và nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng. Nhưng hầu hết các chủ vườn trồng rau đều không ăn thứ rau mình bán ra chợ mà chỉ ăn loại rau trồng riêng cho gia đình họ ăn, rau được tưới bằng nước sạch và không bơm chất hóa học.

Nguy cơ cho sức khỏe

Bà Phiên, một cư dân sống qua hai chế độ trên đất Sài Gòn, hiện đang sống tại quận Củ Chi, chia sẻ: “Khi mà đi chợ mua các loại rau như dền, cải xanh… về phải rửa ít nhất ba nước, ngâm nước muối rồi rửa lại hai lần bằng nước sạch. Đó là mình kiểm soát được thì phải kỹ. Nhưng mà đi ra ngoài ăn thì mình đâu biết được người.”
rau-400.jpg
Rau xanh bán ở Siêu thị. RFA PHOTO.
Bà Phiên nói rằng sống trên đất sài Gòn hiện nay có quá nhiều khó khăn. Đương nhiên là sự khó khăn chỉ đến với đại bộ phận người dân nghèo khổ, dân xa xứ đến làm ăn và dân không có thế lực. Ngược lại, với dân có dù có cán, có gốc gác và dây mơ rễ má với chính quyền thì Sài Gòn vẫn là nơi sống sung sướng nhất bởi thứ gì cũng có, thượng vàng hạ cám đều có.
Bởi chỉ có đất Sài Gòn mới có chuyện một người đi chơi một đêm, uống một chai rượu và qua đêm với một cô gái có thể tốn vài tỉ đồng, thậm chí tốn vài chục tỉ đồng nếu đó là cô người mẫu đang hot. Và ngược lại, chỉ có đất Sài Gòn mới hứa hẹn với người nghèo rằng nếu lỡ không kiếm được hai chục ngàn đồng thì với hai ngàn đồng vẫn có thể mua được một ổ bánh mì nóng không có nhưn để cầm hơi qua ngày. Và nếu lỡ không kiếm được hai ngàn, có thể ngửa tay xin đồng loại để tồn tại qua ngày. Bởi chỉ có con người Sài Gòn mới đủ hào hiệp và lòng lân mẫn dung chứa mọi điều, mọi nỗi khổ.
Nhưng hiện tại, cũng chỉ có đất Sài Gòn mới ngập lụt vào mùa mưa khủng khiếp nhất nước và người dân nghèo luôn phải đối diện với bệnh tật bởi môi trường xấu đi một cách thậm tệ, nắng, bụi và khí độc bủa vây. Lương thực, thực phẩm chưa bao giờ bảo đảm an toàn, rau xanh cũng trồng qua quýt để kiếm lãi. Cơn gió thực dụng đã xô người nông dân miền Nam vốn chân chất, thật thà đến chỗ thực dụng, tham lam và tàn nhẫn, đạp qua mọi nguy hiểm của đồng loại để kiếm tiền.
Bà Phiên lấy làm tiếc nuối về một Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung của thời xa xưa, thời mà con người hiền hòa, tốt bụng, hiếm có chuyện trộm cắp và cướp giật, thời mà mỗi cây rau xanh trong chợ phố đều cho cảm giác an toàn và gợi nhắc hình ảnh người mẹ, người chị tảo tần nơi quê nhà để tưới tắm, chăm bón từng cọng rau, đọt bí… Thời ấy đã qua rồi, qua từ lâu lắm rồi. Bởi Sài Gòn của ngày xưa và thành phố Hồ Chí Minh của bây giờ, thành phố đã đổi tên lâu rồi.
Câu nói chua xót của bà Phiên cũng là lời kết về những cảm nghĩ của người dân Sài Gòn về thực trạng của Sài Gòn sau 40 năm mang tên Hồ Chí Minh.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.