Friday, 22 January 2016

Những cái Tết xưa - lê ngọc túy hương

Nhung cai Tet xua.jpg
 (Bài viết cho Đặc San Người Việt Quốc Gia Montreal, Canada)
 
 
Không khí tưng bừng nhộn nhịp mừng Giáng Sinh 2015 và tết Dương Lịch 2016 của dân chúng nơi đây làm tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ tới những cái Tết Tha Hương của mình. Dăm tuần nữa Tết Bính Thân 2016 sẽ về. Dòng ký ức vui buồn của những mùa Xuân cũ lần lượt nối tiếp nhau trong tâm trí tôi.
 
1.
Sau 5 năm mong chờ, chạy chọt, đút lót, gia đình tôi cuối cùng cầm được trong tay tờ giấy "xuất cảnh" của cái-gọi-là-nhà-nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vào lúc đó, hàng bao nhiêu người khác tại Việt Nam ao ước được thoát khỏi bàn tay chính quyền cộng sản bằng mọi giá, ngay cả đánh cược bằng chính mạng sống của mình. Vậy mà gia đình tôi đổi được cái Tự Do một cách an toàn chỉ bằng của cải vật chất. Dù sau đó trắng tay, vẫn đúng là vạn phần may mắn !

Tôi rời Việt Nam vài tháng trước Tết Tân Dậu 1981 để đi đoàn tụ với gia đình anh tôi tại một quận lỵ nhỏ bé của nước Pháp, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Nơi đây, "cộng đồng Việt Nam" vỏn vẹn chỉ có 3 gia đình. Một gia đình gồm hai ông bà, nhỏ tuổi hơn Ba Má tôi, có nhà trên Paris, mỗi năm xuống đây ở vài tháng trốn lạnh. Gia đình thứ hai là hai ông bà bác lớn tuổi hơn Ba Má tôi, thường trú tại nơi này. Hai Bác đã xa Việt Nam từ thập niên năm mươi! Gia đình còn lại là gia đình nhỏ gồm 3 người của anh tôi, nay được tăng cường nhân số bởi người thân tỵ nạn cộng sản từ Việt Nam tới.

Bước chân ra đường, nhìn quanh tôi chỉ thấy có mỗi một mình mình là tóc đen mũi tẹt. Hàng chợ Việt Nam tuyệt nhiên là con số không. Nơi quận lỵ đìu hiu này không dễ dàng tìm được những sản phẩm Á Châu. Việc bếp núc hàng ngày, muốn có món ăn Việt Nam, chị tôi phải tận dụng sáng kiến để hoà hợp và chế biến từ những sản phẩm Âu Châu, nếu có thể được. Nhưng dĩ nhiên, chỉ là tạm chấp nhận vì thiếu thốn các gia vị đặc trưng.

Nhớ lại cái Tết tha hương đầu tiên trên xứ người…hiu quạnh và buồn lắm. Dù vào lúc đó toàn gia đình sum họp, quây quần, nhưng tôi biết chắc, Ba Má tôi và chị em tôi rất buồn và rất nhớ Việt Nam. Cái không khí rộn ràng của thời gian trong Tết và giây phút thiêng liêng của đêm Giao Thừa tại quê nhà thuở nào, làm sao lấy gì thay thế được? Ở đây, đời sống trôi theo nhịp điệu thường nhật, người ta tất bật đi làm. Tết nhứt Việt Nam nếu không rơi vào cuối tuần thì ít ai tha thiết đón mừng Tết, và thường quan niệm "ăn Tết Tây cho nó tiện".

Năm ấy, tôi cùng Ba Má tôi đón giao thừa Tết Việt Nam theo giờ Âu châu, thật lặng lẽ. (12 giờ khuya Âu châu đã là 6 giờ sáng mùng một Tết giờ Việt Nam!). Bàn thờ tổ tiên chỉ có cặp đèn cầy cắm trên hai cái đĩa nhỏ, cái ly đựng gạo thay thế lư hương, bình bông, dĩa trái cây và chút bánh ngọt âu tây. Má tôi đốt sáng hai cây đèn cầy, thắp 3 cây nhang, (do Dì tôi gửi từ Paris xuống) vái nguyện cúng giao thừa. Mắt Má tôi sũng ướt, nhưng có lẽ đầu năm nên bà đã cố cầm lại, không để cho nước mắt chảy! Phải là người trong cảnh mới thấm cái đau và buồn của Ba Má tôi: "Vì sao mà ông bà phải đánh đổi tất cả cho hai chữ TỰ DO, với hai bàn tay trắng trôi lạc nơi xứ lạ quê người, chấp nhận cuộc sống ly hương, làm thân chùm gửi nhà con cái, và chắc chắn một điều là sẽ vùi thân nơi đất khách."

Từ giây phút nhìn thấy những giọt nước mắt dấu kín của Má tôi, tôi đã tự thầm nhủ với mình, mai sau, tôi có gia đình, có cuộc sống riêng, bằng mọi cách, tôi sẽ "ăn Tết" Việt Nam ĐÚNG ngày tháng, ĐÚNG truyền thống, lễ nghi và tập tục của ông bà. Có như vậy thì ít ra tôi còn giữ lại được cho chính mình cái gì mà Việt cộng không thể cướp lấy đi được như chúng đã cướp đi rất nhiều thứ của người dân miền Nam.

Cho tới ngày hôm nay tôi đã làm được điều đó, thậm chí còn có chục năm dư cùng chung "ăn Tết" với Má tôi. Tôi nghĩ mình có thể kiên trì giữ vững việc này cho tới chừng nào tôi còn sức khoẻ, còn minh mẫn và chưa phải ủy thác cuộc sống của mình vào sự chăm sóc của người khác. Cám ơn chồng tôi và con tôi đã cùng tôi tâm đầu ý hợp, chung tay gìn giữ phong tục tập quán cổ truyền của ông bà, ngôn ngữ Việt Nam Cộng Hoà và nhất là chung lòng bền chí chống cộng triệt để, một lòng son sắt với quốc gia Việt Nam Cộng Hoà, với lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Thấy chúng tôi nhất quyết không quay trở về Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện tại, người ta hay hỏi chúng tôi không nhớ Việt Nam sao? Nhớ chứ! Cây có cội và nước có nguồn. Làm sao chúng tôi có thể quên được quê cha đất tổ? Nhưng tôi phân biệt rõ giữa nhớ thương và bổn phận của con dân Việt Nam Cộng Hoà. Chỉ giản dị như vậy thôi là tôi có thể hiểu ngay và thấy rõ mình PHẢI làm gì và KHÔNG ĐƯỢC làm gì.

2.
Tết ta hay rơi vào khoảng thời gian từ giữa tháng một đến giữa tháng hai dương lịch, đúng vào mùa đông tại Âu Châu. Thời tiết có năm thì dễ chịu, có năm thì vất vả vì quá lạnh và đường xá đầy tuyết, trở ngại di chuyển, lưu thông. Việc này làm cho cuộc sống thường nhật đã bận càng rộn thêm hơn.Tuy vậy, lu bu cỡ nào tôi cũng phải lo ăn Tết. Đó là liều thuốc quan trọng chữa trị tâm bệnh của tôi. Cái tâm bệnh u uẩn, tưởng chìm lắng nhưng vẫn cứ hay trở chứng mỗi khi nhớ tới những vui buồn xa xưa nơi quê nhà, trước và sau ngày bọn Việt cộng cướp mất quê hương tôi.
 
3.
Nhắc đến hai chữ "Giao Thừa", lắm khi lòng tôi chùng xuống. Có một giao thừa năm đó, tôi thấm thía vô cùng ý tình của câu thơ được phổ nhạc : "Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em". Người bạn thưở thiếu thời bị tịch thu nhà và bị đuổi đi về vùng kinh tế mới, xa tít nơi núi rừng Kontum, chỉ vì "cái tội" cả nhà vượt biên theo "giặc Mỹ", còn sót lại một mình và người cha già đang mỏi mòn làm thân "tù cải tạo" ngoài Bắc… Đêm Giao Thừa đó, nước mắt tôi đã chảy. Là những giọt nước mắt sung sướng chăng ? Tôi không rõ. Tôi chỉ nhớ mình rất đau lòng gặp lại người bạn cũ … Ôi còn đâu cái dáng thư sinh nho nhã ngày nào? Chỉ thấy đầy nét chán chường và tiều tụy, nhưng vẫn dành tặng tôi một nụ cười tươi để chúc mừng nhau năm mới. Chúc nhau một năm may mắn, sớm "sum họp gia đình" bên kia một đại dương. Chúng tôi đi bên nhau trong đêm trừ tịch và thật sự rất cơ hàn…chỉ còn chiếc lá vàng đượm ngát ân tình làm lộc mùa Xuân cho nhau. Vậy rồi thôi ! Ngắn ngủi vài ngày Tết thì trở về với thực tại. Người về miền núi rừng và tôi ở lại Sàigòn… hẹn một kiếp nào sẽ tương phùng. Tương lai chúng tôi lúc đó quá mù mịt và viển vông. Không thắt chặt, không hẹn hò vì sẽ chỉ làm vướng chân nhau. Ngày 30.4.1975, khi Việt cộng đặt chân trên đường phố Sàigòn cũng là ngày mà chúng mang cái định mạng đau thương đổ ập lên tất cả người dân Việt Nam Cộng Hoà nói chung và chúng tôi nói riêng. Lúc đó tôi vừa 20 tuổi. Tình yêu, tương lai và cuộc đời tươi đẹp của tuổi trẻ, tất cả bị dòng cuồng lưu oan nghiệt cuốn trôi.

Nói như vậy, nghĩa là trước đó những người sống tại hậu phương Sàigòn chúng tôi và hàng vạn người khác, được yên ổn học hành, làm việc, thụ hưởng cuộc sống an nhàn, trong khi tại tiền tuyến cuộc chiến quốc cộng đang diễn ra khốc liệt. Trớ trêu chăng khi ngày hôm nay không ít người vị kỷ quay lại "chăn chiếu với kẻ quốc thù", thật khó hiểu tâm tình những người phản bội này.
 
4.
Tôi trải qua 5 cái Tết dưới chế động cộng sản. Đau buồn nhất là 4 cái Tết sau cùng. Nhân số gia đình tôi ngày càng thưa thớt đi. Người anh rể phải chịu "tù cải tạo" ở Hà Nam Ninh từ sau ngày Quốc Hận là chuyện chẳng đặng đừng. Kế đó là người chị kế tôi "được Việt cộng giải phóng" oan uổng khi chị tròn 26 tuổi, chỉ vài tháng sau cái Tết Bính Thìn năm 1976.

Tôi chỉ còn gửi gấm tình thương yêu chị qua việc chăm sóc mồ mả chị hàng tuần trên bà Quẹo. Hàng năm, khi bước vào hạ tuần tháng Chạp ta, sau khi đưa ông Táo xong, tôi và người chị thứ Tư hì hục ôm vài chậu hoa, chen lấn lên xe bus, đổi xuống xe ngựa, đem cho chị tôi cùng "ăn Tết". Tôi không khỏi đau lòng khi ngày tư ngày Tết cả nhà quây quần và "…đành bỏ chị một mình cùng lũ côn trùng rỉa rúc thân hình !". Trớ trêu thay bài nhạc có lời phổ từ thơ này lại là một trong những bài yêu thích nhất của chị tôi khi còn sinh tiền. Hàng đêm, sau khi cơm nước xong, chị có thói quen thường hay đàn dăm mười bài gì đó. Gần như đêm nào chị cũng đàn bài này. Sau này, chị mất rồi, khi ngồi học bài vào buổi tối, tôi vẫn như văng vẳng nghe tiếng đàn Mandoline réo rắt của chị. Lòng tôi sũng ướt và nhớ thương chị vô cùng!

Ba Má tôi không có can đảm lên thăm mộ chị sau ngày đưa tang. Lần duy nhất ông bà lên thăm mộ là để từ biệt chị trước khi ra đi làm người ly hương! Ba tôi có làm một bài thơ cho chị. Tôi nhớ ông đọc trong nước mắt, ngừng lại rất nhiều lần vì nghẹn ngào. Cuối cùng ông kêu chúng tôi đốt bài thơ trước mộ chị. Mong rằng khói sẽ mang những dòng chữ thương yêu của người cha già tới chị. Khoảng thời gian đó, mắt Ba tôi bị cườm, thấy mờ ảo - Thường thì chúng tôi hay làm thư ký cho ông, đọc báo hay thư từ cho ông nghe, hoặc viết thay ông các văn bản và chỉ tay vào chỗ trang giấy trắng cho ông nhắm chừng mà ký tên nguệch ngoạc. Hoàn cảnh như vậy mà Ba tôi nhất định tự tay rán viết cho được bài thơ lên trang giấy, làm quà lưu biệt cho con gái.

Mọi người trong gia đình tôi, bất kỳ ai, nhỏ lớn gì cũng đều thương yêu chị. Chị là đóa sen trắng, là hạt lưu ly óng ánh của gia đình, là người con gái toàn mỹ và thuần khiết. Sự ra đi của chị là một vết dao cắt sâu vào trái tim mọi người trong gia đình tôi.
Ngày nay hiểu Đạo hơn, tôi biết được chị xong Nghiệp với chúng tôi nên đi. Tâm tôi an lạc hơn từ khi nghiệm ra điều đó.
 
5.
Có lẽ người có tuổi thường nhớ nhiều đến chuyện xưa, nhớ rõ ràng từng chi tiết một. Phải chăng là khởi đầu cho cơn bệnh lãng trí? Tôi bây giờ như vậy, nhớ nhiều và nhớ tỉ mỉ đến những ngày Tết cũ, nhớ từng khuôn mặt, thói quen của những người thân.

Trong khi Má tôi tất bật điều khiển người phụ việc trong chuyện bếp núc và bánh trái ăn Tết, thì Ba tôi thì lo đốc suất người phụ việc chăm sóc "sắc đẹp" cho nhà cửa: sơn phết, trưng dọn, lau chùi. Còn chị em tôi? Lớn hay nhỏ đều có phận sự. Riêng tôi vì quá nhỏ, phá hư nhiều hơn là giúp được việc nên "thất nghiệp", chỉ biết lăng xăng theo chân Ba hay Má. Tôi rất là điệu hạnh nhưng cũng rất là lí lắt. Thông lệ nhà tôi, Tết đến mọi người đều mặc quần áo mới, đeo trang sức, để mang thịnh vượng cho suốt năm. Riêng tôi, đặc biệt ngày Tết, được sơn móng tay đỏ, quá sức là hạp với cái tính ưa trưng diện của tôi rồi.… nhưng thích nhất là tôi không bị bắt đi ngủ trưa, không bị cho lên giường sớm lúc tối, không bị rầy rà. Thật là thần tiên cho một đứa con nít như tôi, thường ngày hay bị "các ông anh bà chị khủng bố và trông chừng cẩn mật". Mà lạ, thưở nhỏ, trông mòn hơi mỏi mắt mới thấy Tết . Bây giờ quay qua quay lại, hết một năm! Chị tôi kể rằng ông Nội tôi có dạy, thời gian và đời người như một cuộn chỉ. Khi chỉ còn đầy, kéo sợi chỉ ra, ta thấy lõi chỉ quay rất chậm (giống như khi còn trẻ, thời gian trôi rất chậm). Khi cuộn chỉ cạn, ta kéo chỉ ra sẽ thấy lõi chỉ quay rất nhanh (giống như khi ta có tuổi, thời gian trôi rất nhanh).
 
6.
Tính đến nay, tôi trải qua 34 cái Tết tha hương. Mỗi khi Tết về, lòng tôi nặng trĩu u buồn. Càng có tuổi, nỗi buồn càng sâu đậm! Luôn cầu mong có một ngày được về lại quê nhà Việt Nam ăn Tết.

Đọc tới đây, xin đừng nói câu vô nghĩa với tôi là …bây giờ Việt Nam tự do, người ta ai cũng về ăn Tết nườm nượp, không chịu về là tại mình, than thở trông ngóng là nghĩa lý gì?.
Đúng. Ai nấy về nườm nượp, nhưng vẫn còn những người như tôi, vọng bái cố hương tổ tiên từ xa vì tôi KHÔNG thể làm kẻ PHẢN BỘI màu cờ vàng của Việt Nam Cộng Hoà. Chính những chuyến máy bay đầy ắp những "khúc ruột ngàn dặm" là yếu tố gia tăng thêm sức mạnh bốc lột của đám tư bản đỏ ngày nay tại Việt Nam.

Xin cũng đừng nói tôi là động vật máu lạnh, quay lưng với quê hương. Không nhất thiết phải về lại nơi-gọi-là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới là người yêu quê hương, mới là ra tay giúp dân tộc khốn khó. Không quay lại Việt Nam khi còn cộng sản, lại càng không có nghĩa nếu bị gán cho là người có máu lạnh với tình tự dân tộc.

Tôi không bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ "quê hương là chùm khế ngọt, già rồi cần về hái sớm, nếm vị ngọt, để không nuối tiếc khi nằm xuống; hãy hưởng thụ trước khi nhắm mắt xuôi tay". Là con Phật, theo lời Phật dạy, cái sống cần có chính nghĩa, chính kiến, chính đạo và chính ngữ. TÂM và Ý đã ĐỊNH thì ngoại vật chỉ là KHÔNG. Tết tại nơi đây, dù hình thức có đơn giản đến thế nào, với lá cờ vàng chính nghĩa giương cao, vẫn hơn hẳn cái Tết phồn hoa giả tạo nơi quê nhà, khi mà đồng bào của tôi từ 40 năm nay vẫn còn đang bị bọn cộng sản Việt Nam và tư bản Đỏ thao túng xiết cổ.
 
7.
Tết Bính Thân 2016 năm nay lại thêm một lần gia đình tôi phải mời rước Ông Bà về cùng hưởng Xuân tha hương. Có lẽ Ông Bà cũng hoan hỷ, về chung vui ba ngày Tết nơi đất nước tuy lạnh lùng này nhưng ấm tình gia tộc. Ông Bà tôi chắc hẳn sẽ hãnh diện vì con cháu mình là người chung thủy, có trước có sau, ăn cơm Quốc Gia và nhớ ơn tiền nhân tổ phụ Quốc Gia.
 
lê ngọc tuý hương
ất mùi 2015