Đêm nay là đêm Chủ Nhật, một đêm không trăng ngày 6 tháng 3.
Tôi đang ngồi trên chuyến bay của hãng hàng không Philippines bay đến London.
Còn bác Bích, chính xác hơn là thi hài của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, thì đang bay ngược trở về Mỹ. Sau đúng ba ngày kể từ khi ông mất. Cũng trên một chuyến bay đêm như đêm nay.
Bác mất trên chuyến bay từ Istanbul đến Manila đáp xuống sân bay Ninoy Aquino International Airport vào lúc 8 giờ tối thứ năm ngày 3 tháng 3.
Giảo nghiệm trong đêm
Nhưng chưa bao giờ tôi phải ra đón một người bạn, một người thân, một bậc cha chú mà tôi rất kính trọng, trong một hoàn cảnh như thế này. Chỉ trước đó một ngày bác còn email nhờ tôi in ra cho bác bài nghiên cứu mà bác đã soạn sẵn để trình bày trong hội nghị Biển Đông Việt – Phi lần thứ II mà tôi và bác là đồng trưởng ban tổ chức.
Thế mà bây giờ, chỉ vọn vẹn sau 24 giờ đồng hồ, tôi phải mang xác bác đi giảo nghiệm ngay trong đêm.
Để kịp làm giấy chứng tử nội trong ngày mai là thứ sáu. Nếu làm không kịp thì khó mà có thể đem thi hài bác trở về Mỹ ngay trong tuần này theo ước nguyện gia đình bác.
Ngồi trên xe từ phi trường về nhà quàn, xác của bác đã được bọc lại trong tấm bông sô trắng nằm ngay đó, tôi thật không biết phải nói gì với bác Hợi là vợ của bác cũng đang ngồi trên xe.
Lúc vừa gặp tôi và mọi người khi nãy ở phi trường bác Hợi cứ hỏi đi, hỏi lại tại sao bác Bích có thể đi mau như thế, chỉ bảo với bác Hợi là bác cảm thấy mệt, rất mệt như chưa bao giờ mệt đến thế trong đời và thế là bác mất.
Có lẽ bác Hợi vẫn chưa tin là người bạn đời của bác đã mãi mãi ra đi. Theo lời bác sĩ giảo nghiệm tử thi cho biết vào rạng sáng hôm kia, bác Bích đã bị nhồi máu cơ tim (heart attack) và đã có một cái chết rất nhanh chóng, hoàn toàn không đau đớn.
Âu đó cũng thật là phần phước cho riêng bác. Còn gì hơn, ở những người luôn hoạt động, luôn hướng về đất nước như bác, có được một cái chết như thế?
Chết ngay trên đường đi công tác, trên hành trình đi tìm một tương lai, một giải pháp tốt hơn cho dân tộc. Chết trong sự tiếc thương, cảm phục của nhiều thế hệ đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Từ những người Việt, bằng hữu đã quen biết bác trong nhiều thập niên qua cho đến những người Phi bác vừa mới quen năm ngoái trong hội nghị Biển Đông Việt – Phi lần thứ I.
Tôi không nghĩ có một cái chết nào có ý nghĩa hơn. Mặc dù tôi cũng biết đây là một mất mát rất lớn cho cộng đồng người Việt hải ngoại và đặc biệt là đối với bác Hợi, với gia đình bác.
Nhân cách lớn
Không dễ tìm được ở cộng đồng chúng ta một nhân cách lớn hơn bác Nguyễn Ngọc Bích. Một tài năng không chỉ liên quan đến các vấn đề văn hoá, giáo dục, dịch thuật mà còn lan toả sang cả truyền thông, tổ chức cộng đồng, và tự do, dân chủ cho Việt Nam.
Và trên hết là ở tấm lòng, cách đối nhân, xử thế của bác.
Nhiều người đã biết bác từng giữ những chức vụ quan trọng gì, từ trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại. Bác đã có bao nhiêu bài viết, sách được in, tôi không cần phải nhắc lại.
Ở đây tôi muốn chia xẻ ba khoảnh khắc đã in đậm vào tâm trí của tôi mỗi khi nghĩ về bác. Nó vừa là những kỷ niệm riêng tư giữa tôi và bác, vừa nói lên một phần nào đó tính chất, con người thật của bác lúc sinh tiền.
Tôi gặp bác lần đầu tiên vào đầu thập niên 2000 khi tôi sang Washington D.C. vận động cho các thuyền nhân Việt nam được tái định cư. Điều làm cho tôi ấn tượng nhất khi vừa gặp bác là khả năng viết, nói và dịch tiếng Anh của bác. Khó tìm được một người khác ở cùng thế hệ của bác lại có khả năng Anh ngữ chuẩn như bác.
Mà hình như cả gia đình của bác đều giỏi như nhau. Vợ của bác là tiến sĩ Đào Thị Hợi cũng thế. Anh trai của bác nguyên là Tổng Giám Đốc Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Linh vẫn thường xử dụng tiếng Anh khi trao đổi với tôi. Ông từng làm tuỳ viên báo chí và thông dịch cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Một người anh trai khác, ông Nguyễn Ngọc Phách cũng là một học giả, chuyên dịch văn, thơ Việt Nam.
Đấy cũng là lý do tại sao tôi đã nhờ bác dịch hộ cho tôi cái tên ‘VOICE’, viết tắt của 5 chữ ‘Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment’ khi nó được cho ra đời cách đây đúng 10 năm.
Lúc ấy bác đã không hề ngần ngại và cho dịch ra ngay là: Sáng Kiến Thể Hiện Lương Tâm Người Việt Hải Ngoại.
Cũng có thể trong tương lai chúng tôi cần sửa lại đôi chút cái tên này. Bởi lẽ bây giờ VOICE không chỉ bao gồm những người Việt hải ngoại mà còn có sự góp mặt của nhiều anh em trong nước.
Nhưng tôi sẽ mãi luôn trân trọng tấm lòng và cảm tình của bác dành cho VOICE từ những ngày nó vừa mới được thành lập. Từ việc dịch thuật cho đến lúc cuối đời khi bác và cả bác gái dùng tiền túi để bay sang Phi làm việc với chúng tôi.
Điều thứ hai mỗi khi nghĩ đến bác tôi sẽ phải nhớ đến là lần cách đây hai năm tôi dắt cả ba bác, bác Huỳnh, bác Trâm và cô Liên là ba, mẹ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân và Đinh Nguyên Kha, sang Washington D.C. để vận động cho con của họ.
Chính bác Bích là người đã sắp xếp cho phái đoàn gặp được Uỷ Ban Nhân Quyền Tom Lantos ở Hạ Viện Hoa Kỳ. Cũng chính bác là người sắp xếp và giúp tôi chở mọi người đến để gặp mặt cộng đồng người Việt ở Washington D.C. Mặc dù với tuổi đời và ở vị trí của bác, bác hoàn toàn không cần phải làm điều đó.
Tính cách của bác Bích là thế. Luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. VOICE bác cũng giúp. Những ông già, bà cả từ Việt Nam sang, chưa quen biết gì, bác cũng giúp. Bác cũng từng là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Boat People SOS là một tổ chức đã giúp rất nhiều thuyền nhân Việt Nam.
'Người ơi, người ở đừng về'
Nhưng khoảnh khắc mà tôi sẽ luôn nhớ mãi là cũng vào tháng này năm ngoái khi chúng tôi cùng tham dự hội nghị Biển Đông và sau đó là tĩnh hội của Họp Mặt Dân Chủ. Sau ba ngày làm việc liên tục, chúng tôi đã có một đêm văn nghệ dã chiến.
Đêm hôm ấy lần đầu tiên tôi đã nghe bác hát. Hát với cái giọng Bắc rất chuẩn của bác, hát đi, hát lại câu hát:
Người ơi, người ở đừng về Người ơi, người ở đừng về
Bác đã cười rất tươi trong đêm hôm ấy. Hình như bác còn đứng lên, vừa hát, vừa biểu diễn thì phải. Như thể bác được trở về thời ấu thơ trên đất Bắc.
Tôi vẫn thường nghĩ trong cuộc sống này, đôi khi không phải ta chọn cho ta một người bạn đời, hay một việc làm có ý nghĩa. Mà chính ta là người được lựa chọn. Nó vừa là một trọng trách, vừa là một nhân duyên.
Cũng có thể bác Bích đã chọn anh em chúng tôi trong VOICE để lo cho bác trong những ngày vừa qua. Để nhắn nhủ rằng con đường mang dân chủ đến cho Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, và đôi khi sẽ phải hy sinh suốt cuộc đời.
Nhưng chúng ta không thể bỏ cuộc. Không nên bỏ cuộc. Vì có quá nhiều người đã hết lòng vì nó. Trong đó có bác.
Nếu thật thế thì tôi phải cảm ơn bác. Con phải cảm ơn bác.
Cảm ơn bác đã cho con có những kỷ niệm tuyệt vời. Cảm ơn bác đã và sẽ luôn là một nhân cách lớn. Và cảm ơn bác đã ở lại với chúng con trong ba đêm qua.
Như đã hứa trước linh cữu, chúng con sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Vĩnh biệt bác. Nguyễn Ngọc Bích 26.7.1937 – 3.3.2016
Không! Chắc chắn là không. Trước hết, lý do Giáo sư Bích có mặt trên chuyến bay hôm đó, không phải là để đi du lịch, thăm thú đó đây, hay là để “về quê hương ăn khế ngọt” như những ai đó đã trọng tuổi bị thiên hạ đánh giá là “già không nên nết”.
Chết đẹp như Ngọc Bích
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Như tin báo đài đã loan, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời trên máy bay hôm Mùng 2 Tháng Ba, 2016, đang khi trên đường tham dự Họp Mặt Dân Chủ 2016 tổ chức tại Manila, Phi Luật Tân.
Tuy chưa được may mắn trực tiếp gặp mặt Ông, nhưng hình ảnh Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích ngự trong tâm trí kẻ viết bài này đã từ nhiều thập niên qua, và ngày một thêm đậm nét, nhất là thời gian sau này, không phải vì mái tóc trắng xóa, mà vì Ông như “gừng càng già càng cay”, về mặt tranh đấu cho tổ quốc quê hương Việt Nam.
Dù có thể bị mang tiếng “ngoa ngôn”, người viết vẫn muốn được gọi cái chết của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là chết đẹp như tên Ông.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích chết trên ghế máy bay, nhưng tôi cứ nghĩ Ông chết trên lưng ngựa giữa nơi trận tiền.
Nghĩ như vậy, người viết tự hỏi mình có quá chăng; có phải là do bị ám ảnh bởi một người khác cùng tên Ông là một vị sĩ quan Thiết Giáp nổi tiếng “Người chết hai lần”, được tôn vinh như một vị anh hùng; đó là Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972?.
Không! Chắc chắn là không. Trước hết, lý do Giáo sư Bích có mặt trên chuyến bay hôm đó, không phải là để đi du lịch, thăm thú đó đây, hay là để “về quê hương ăn khế ngọt” như những ai đó đã trọng tuổi bị thiên hạ đánh giá là “già không nên nết”.
Ông đi để chiến đấu cho đồng bào nơi quê nhà Quyền Làm Người, nền Dân chủ Tự do, và cho tổ quốc Việt Nam sự toàn vẹn lãnh thổ trước hành động xâm lăng của Tàu Cộng.
Ông đi với lòng tự nguyện. Khác với Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích là một sĩ quan trừ bị; nếu được miễn dịch, chắc gì thanh niên Nguyễn Ngọc Bích đã tình nguyện vào lính, cũng như người viết bài này, vốn không ưa gì cuộc đời nhà binh, sợ chết nhưng đã lên đường tòng quân vì lệnh gọi nhập ngũ. Dù muốn dù không, đã là lính rồi thì phải làm tròn trách nhiệm và danh dự của một quân nhân, chưa dám nói đến vì Tổ quốc đồng bào. Dù có được tiếng là “chiến đấu anh dũng” thì trong trường hợp cá nhân này, đó cũng là vì lâm cảnh chẳng đặng đừng (trốn lính).
Trong khi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nay đã xấp xỉ tuổi “Thượng thọ”, đáng ra Ông chỉ lo “hưởng thọ” một cách rất vinh dự và xứng đáng với những gì Ông đã làm cho quê hương dân tộc.
Vậy mà Ông vẫn không quản ngại tấm thân già, tự nguyện lên đường chiến đấu, mà thành công nếu có được chẳng ảnh hưởng gì mấy đến cuộc đời Ông nơi quê hương thứ hai nơi Ông đang có đầy đủ mọi thứ từ vật chất đến quyền làm người của công dân một nước có nền tự do và dân chủ đứng hàng đầu thế giới mà Ông đã có công đóng góp không nhỏ…
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích chết trên máy bay vì nhồi máu cơ tim, nhưng trong trường hợp này, với tôi, Ông đã chết như một người kỵ binh chết trên lưng ngựa chiến nơi sa trường; tim Ông đứng không vì mũi đạn lằn tên, nhưng có thể tim Ông ngừng đập do đầu óc Ông quá căng thẳng trong tính toán lo toan cho những gì Ông sẽ phát biểu trong Họp Mặt Dân Chủ 2016 bên kia bán cầu mà Giáo sư đến dự với tư cách một diễn giả.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Ông chết cái chết thật đẹp như Ngọc Bích, tên Ông